Tác giả : Lê Sỹ Minh Tùng
Đối với
Phật giáo, vũ trụ được sanh ra như thế nào, con người bắt đầu từ đâu không có
gì quan trọng vì tất cả chỉ là thế giới hiện tượng có sinh có diệt. Khi Đức
Phật còn tại thế, một hôm Tỳ kheo Man Đồng Tử đặt ra những câu hỏi siêu hình để hỏi Thế Tôn
rằng :
-
Bạch Thế Tôn! Thế giới thường hằng hay không thường hằng, hữu hạn hay vô hạn,
linh hồn với thân xác là một hay là khác. Chính Như Lai tồn tại hay không tồn
tại sau khi chết… Ông yêu cầu Phật trả lời cho thật rõ ràng tất cả 16 vấn đề
mang tính siêu hình này. Nếu Thế Tôn thấy và biết thì nói thấy và biết. Nếu
không, trả lời là không. Nếu các vấn đề này không được giải thích thỏa mãn, ông
ta cảnh báo sẽ từ bỏ phạm hạnh này, sẽ không theo Phật nữa.
Đức
Phật điềm nhiên im lặng. Sự im lặng của Đức Phật cũng giống như ông Duy Ma Cật
im lặng khi được hỏi thế nào là nhập pháp môn không hai (Nguyên lý Bất Nhị).
Đối với đạo Phật, chân lý không thể diễn bày bằng ngôn ngữ văn tự của con người
và chỉ khi nào chúng sinh tự mình nghiệm chứng chân lý thì tự mình thấu biết.
Còn đối với thế giới hiện tượng có sanh có diệt, cho dù ngày nay khoa học cố
tìm tòi nghiên cứu để tìm định lý này hay định luật nọ thì cũng vẫn còn nằm
trong vòng lẫn quẫn sinh diệt, chớ đâu phải là chân lý. Sự hiểu biết của Đức
Phật hòa đồng với chân lý của vũ trụ bởi vì chân lý của vũ trụ và tâm thanh
tịnh của Ngài đã hòa đồng trở thành một nên bao la vô cùng vô tận thì làm sao
nói hết được. Những gì Ngài thuyết cho chúng sinh chỉ là những lá cây nằm trong bàn tay để giúp con người có
phương tiện cần thiết tu học để vượt qua phiền não trần lao, còn những gì Như
Lai biết thì bao la như biển rộng, như biết bao chiếc lá trong rừng già. Nói
cách khác vũ trụ vạn hữu bao la như thế nào thì Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na tức là
trí tuệ của Phật cũng bao la như thế ấy. Tuy trí tuệ rộng như biển cả, nhưng
Ngài không nói được vì có nói chúng sinh cũng chẳng hiểu nào, chỉ là vô ích. Thí dụ như vào thời nhà Nguyễn, ông
Nguyễn Trường Tộ đi kinh sứ ở Pháp về trình lại với vua quan là ở bên Pháp bóng
đèn treo ngược mà vẫn cháy sáng. Tuy ông có giải thích cách mấy thì chẳng có ai
tin mà còn mang tội vọng ngữ, khi quân. Đó là tại sao tuy thuyết pháp độ sanh
ròng suốt 49 năm mà sau cùng Ngài nói ta chưa hề nói một chữ cho nên nếu nói
Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Như Lai vậy. Thật vậy, trí tuệ của Phật ví
như nước trong bốn biển, bao la vô cùng vô tận. Còn những kinh điển Ngài nói
rất giới hạn chẳng khác gì nước trong dấu chân trâu. Vì vậy nếu nói Phật thuyết
thì chẳng khác gì nói rằng trí tuệ của Phật chỉ nhỏ hẹp như nước trong dấu chân
trâu chớ không còn bao la như trong bốn biển. Nói thế nếu không phỉ báng Phật
thì là gì.
Phật
giáo đối với nhân sinh quan và vũ trụ quan tức là thế giới hữu vi có một giải
thích rất rõ ràng vì tất cả chỉ là những hiện tượng trong pháp giới duyên khởi.
Đứng về mặt hiện tượng vạn hữu thì duyên khởi là pháp tắc phổ biến về tính nhân
quả. Tất cả mọi pháp tồn tại đều là duyên khởi chẳng hạn to lớn như trăng sao
hoặc nhỏ như vi trần, một cành hoa, một cọng cỏ không có pháp nào không là pháp
duyên khởi. Đó là “Tất cả các pháp nương gá tác động làm nhân làm quả tức là
mọi vật thể có được là do trùng trùng duyên khởi mà thành”. Nói theo danh từ khoa học là các chủng tử phải trải qua
biết bao phản ứng hóa học mới kết thành vật chất mà chúng ta thấy được. Tuy vậy
thế giới vũ trụ vạn hữu từ vô thỉ vô chung vô cùng vô cực này cũng không ngoài Căn, Trần và Thức. Nếu đứng về phương diện “tục
đế” mà nhìn thế gian hiện tượng vạn hữu qua cái thuyết “nhơn duyên sanh” thì hoàn toàn đúng.
Không những nó đúng riêng cho nền giáo lý Phật mà nó đúng với sự thật của cuộc
đời, đúng với quy luật khách quan của tất cả hiện tượng vạn hữu. Tuy nhiên, nếu
đứng về phương diện “chơn đế” mà
quan sát để có thể thấy biết bằng tri kiến rộng rãi hơn, xuyên suốt bản thể của
mọi hiện tượng vạn hữu thì “hiện tương
nào cũng là hiện tượng của bản thể và không có bản thể nào ngoài hiện tượng cả”.
Cũng như sóng biển nhấp nhô là nước và thể tánh yên lặng êm đềm ở dưới lòng đại
dương cũng là nước, bất khả phân ly. Phật giáo phủ nhận có một đấng thiêng liêng nào ở ngoài có đủ tư
cách sáng tạo, sắp xếp vấn đề nhân sinh vũ trụ. Trọng tâm của đạo Phật là diệt
khổ để có an vui tự tại cho nên toàn bộ giáo lý của Đức Phật không ngoài mục
đích hướng dẫn chúng sinh quay về sống với chơn tâm, Phật tánh của chính họ để
có sự an lạc, thanh tịnh trong đời nầy. Đây mới chính là bản thể chân như của
vạn pháp. Do đó khi nói về thế giới vô vi thanh tịnh, Đức Phật dạy rằng : ”Phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi
hợp, pháp nhĩ như thị” nghĩa là thật tánh vạn pháp chẳng do nhân duyên,
cũng chẳng tự nhiên sanh, cái này hòa hợp với cái khác cũng không đúng mà thật
ra vạn pháp sinh ra như thế nào thì phải thấy biết như thế ấy. Khác với khoa
học là nghiên cứu tìm tòi ngoại cảnh, Phật giáo chỉ chủ trương quay về bên
trong, trở về với “bản lai diện mục” tức là con người thật của chính mình. Nói
cách khác, khoa học có thể được ví như một ngọn đèn chói tỏa khắp mọi nơi,
trong khi đó ánh sáng huyền diệu của đạo Phật như một tia laser chuyên hội tụ
vào một điểm mà thôi.
Thí dụ, khoa học ngày nay mới
khám phá vũ trụ có được là do một vụ nổ lớn từ một vi tử (The Big Bang Theory)
khoảng 13.7 tỷ năm về trước và từ đó những dãy Thiên Hà được tạo dựng. Trước
năm 1913 vũ trụ đối với khoa học chỉ vỏn vẹn có dãy Ngân Hà (The Milky Way).
Mãi sau khi Edwin Hubble đo được khoảng cách của dãy Thiên Hà Andromeda khoảng
900,000 năm ánh sáng thì vũ trụ mới được hiểu là do sự tạo thành của rất nhiều
dãy Thiên Hà khác chớ không nhất thiết chỉ có dãy Ngân Hà mà thôi. Nhưng mãi
đến năm 1965 tại phòng thí nghiệm của hảng điện thoại Bell, hai nhà khoa học
Arno Penzias và Robert Dicke thuộc đại học Princeton vô tình khám phá những
năng lượng rơi rớt lại trong không gian sau vụ nổ lớn 13.7 tỷ năm về trước và
từ đó họ đưa ra thuyết “The Big Bang”. Hiện nay vũ trụ vẫn còn nằm trong thời
kỳ nới rộng cho đến khi tất cả những hành tinh nóng như mặt trời…đốt cháy hoàn
toàn những nhiên liệu như Hydrogen, Helium…và lúc đó vũ trụ sẽ chìm vào bóng
tối, băng giá. Sau đó vũ trụ sẽ thu trở lại thành vi tử như lúc ban đầu. Hiện
tượng này gọi là The Big Crunch. Vì có nước và không khí nên sinh vật phát
triển trên trái đất và con người hiện diện khoảng một triệu năm. Dựa theo
thuyết tương đối của Einstein, khi vũ trụ nới rộng nghĩa là không gian được dãn
nở trong mọi chiều thì các dãy Thiên Hà sẽ nguội dần nếu nó càng ở xa. Nhưng
trên thực tế, khoa học ngày nay xác định là tuy có hàng tỷ dãy Thiên Hà cách xa
trái đất mà nhiệt độ của chúng vẫn như nhau, không nguội dần như thuyết tương
đối của nhà bác học Einstein. Thế thì thuyết “The Big Bang” làm sao đúng được?
Khoa học không thể giải thích hiện tượng này nên bị bế tắt trong khoảng một
thời gian dài cho đến khi Alan Guth, hiện là giáo sư của đại học kỷ thuật nổi
tiếng MIT (Massachusetts Institute of
Technology)
ở Boston đưa ra thuyết “The Inflationary Universe” nghĩa là sự tăng trưởng theo
lối lạm phát của vũ trụ. Dựa theo thuyết này thì khi vũ trụ nổ tung từ một vi
tử cực nhỏ với sự tăng trưởng rất nhanh với tỷ số cực lớn là 1050 (Mười lũy thừa 50) .
Đây được gọi là sự tăng trưởng lạm phát của vũ trụ. Sau đó quang năng, năng
lượng và những vật thể nguội dần cho đến khi vũ trụ dãn nở đến mức tối đa. Đến
thời điểm này, nhiệt độ của vũ trụ tự nhiên tăng lên và cuối cùng tất cả những
dãy Thiên Hà cũng từ từ nguội dần dựa theo tiến trình nới rộng như ngày nay cho
nên tất cả các dãy Thiên Hà có nhiệt độ gần giống như nhau. Mặc dầu Einstein đã
khám phá thuyết lượng tử và thuyết tương đối lúc ông ta còn trẻ, nhưng suốt
quảng đời còn lại ông hoạt động không ngừng mà vẫn không tìm ra một công thức
vật lý cho vũ trụ được.
Ở
đây chúng tôi mạn phép xin được giới thiệu đến quý vị một cách tóm gọn tiến
trình khám phá mới nhất của khoa học về nhân sinh vũ trụ để thấy rằng tuy khoa
học có tiến bộ cách mấy, có phát minh những máy móc rất tinh vi thì những khám
phá của họ vẫn nằm trong vòng tương đối sinh diệt bởi vì tất cả những khám phá
đó đều là “thuyết” chớ không phải là “chân lý”. Mà đã là thuyết thì nay đúng
mai sai, có gì bảo đảm. Thuyết là giả huyễn, sinh diệt, chân lý mới là sự thật
vĩnh hằng, là Bản Thể tuyệt đối. Thí dụ, ngay cả nhà bác học nổi tiếng Einstein
cũng tính sai, đoán lầm về vũ trụ. Ông ta cho rằng vũ trụ đang ở trạng thái
quân bình, không tăng không giảm. Nhưng thật ra hiện giờ vũ trụ đang ở trong
trạng thái nới rộng chớ đâu có quân bình. Ngược lại những gì mà Đức Phật chứng
là chân lý chớ không phải luận thuyết. Chân lý là cái đúng ở mọi thời gian và
không gian. Mà muốn nghiệm chứng được chân lý thì chỉ có một con đường duy nhất
là tự mình tu chứng để nghiệm biết chớ không thể dùng ngôn ngữ văn tự của con
người mà diễn giải ra được. Nói cách khác không có một phương trình vật lý hay
một định lý toán học nào có thể diễn tả được chân lý cả.
Khác
hẳn với những tôn giáo lớn khác trên thế giới đã cột chặt con người vào những
giáo điều cứng ngắc để thọ lãnh những thưởng phạt bất công, đạo Phật luôn
khuyến khích chúng sinh tự mình chứng ngộ chân lý, tự mình thể nghiệm Niết bàn,
tự mình có được giải thoát giác ngộ mà đạo Phật chỉ là con đường, là phương
tiện, là cỗ xe để giúp chúng sinh đạt đến những cứu cánh tối thượng này. Vũ trụ
là thế giới sinh diệt, bản tâm mới chính là thế giới bất tử. Đó là tại sao Đức
Phật lặng thinh khi Tỳ kheo Man Đồng Tử
hỏi Ngài về thế giới siêu hình. Không phải là Ngài không biết, không thể trả
lời, nhưng đó không phải là cứu cánh để có giải thoát giác ngộ mà chỉ làm tăng
trưởng phiền não vô minh. Giả sử Đức Phật giải thích thế giới vũ trụ bắt đầu và
thành hình như thế đó thì làm sao kiểm chứng được? Do vậy lời giải thích đó là
chân thật hay chỉ là ảo thuyết? Nếu nói mà không thể chứng minh thì nói gì chả
được, nhưng một người giác ngộ thì tuyệt đối không không bao giờ nói sai chân
lý. Thí dụ cả mấy ngàn năm nay con người lầm lẫn cho rằng có chú cuội chị Hằng
sống hạnh phúc sung sướng trên mặt trăng cho đến khi phi hành gia Armstrong đặt
chân lên mặt trăng mà có thấy chú cuội chị Hằng đâu. Do đó thay vì trả lời những câu hỏi siêu hình của tôn giả Man
Đồng Tử, Đức Phật kể cho ông ta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc. Đối
với Phật giáo khi thấy một người bị nhiễm tên độc thì vấn đề cấp thiết là giải
phẩu để giải độc ngay mà cứu sống họ. Còn vấn đề tìm cho ra ngọn ngành mũi tên
và người bắn mũi tên thì không quan trọng. Bởi vì nếu không lo cứu chữa, thì
người trúng tên độc sẽ chết trước khi biết được tông tích của hung thủ. Do đó
vấn đề cấp thiết của con người và cũng là trọng tâm của đạo Phật là nhỗ mũi tên
“khổ đau” chớ không phải đi tìm những câu trả lời cho các vấn đề siêu hình
không thiết thực.
Vào
thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp ngài Xá Lợi Phất liền
hỏi :
-
Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là cái gì vậy?
Tôn
giả Xá Lợi Phất bèn trả lời :
-
Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt
lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết bàn.
Khi
nói về Niết bàn, chính Đức Phật cũng dạy thêm rằng :
- Nếu chúng sinh nào đã từ bỏ thú vui và tham
muốn, đã đầy đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự giải thoát sinh tử, sự tịch tĩnh,
đã đạt đến Niết bàn tức là nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh cửu ngay ở trong cõi
đời nầy.
Như
vậy, Niết bàn không phải là một cõi, một cảnh, một tâm trạng và dĩ nhiên Niết
bàn cũng không phải là cái hư vô. Rõ ràng Niết bàn không thể dùng văn tự ngôn
ngữ của con người để diễn tả, vậy Niết bàn thật sự có hay không có?
Trong
kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Ngài Na Tiên đã trả lời câu hỏi tương tự như thế của vua
Milinda rằng :
-
Tâu Hoàng thượng, thật sự có Niết bàn và Niết bàn chỉ có thể lấy trí mà nhận
biết. Nếu chúng sinh giữ được tâm thanh tịnh và chánh trực, thoát khỏi các
nghiệp chướng và thoát khỏi được các tham muốn thấp hèn thì chính họ sẽ thấy
được Niết bàn.
Nhà
vua xin cho một thí dụ.
Ngài Na Tiên lại tiếp :
-
Hoàng thượng biết một cái gọi là gió, nhưng Hoàng thượng có biết gió màu sắc
gì, hình dáng ra sao, nó dày hay mỏng, dài hay ngắn?
Nhà
vua đáp :
-
Gió thì vô hình vô sắc làm sao chỉ được. Tuy không chỉ được, nhưng nó vẫn có.
Bây
giờ Tỳ Kheo Na Tiên mới kết luận :
-
Cũng thế, tâu Hoàng thượng, Niết bàn là cái thật sự có mà không thể dùng văn tự
ngôn ngữ để diễn tả cho con người thấy được hình sắc của nó.
Thế
thì làm sao biết được Niết bàn, nhà vua lại hỏi.
-
Nhờ sự thoát khỏi phiền não, nghiệp chướng, nhờ sự an ổn, an lạc thanh tịnh thì
có được Niết bàn.
Rồi
ngài Na Tiên lại tiếp :
-
Như người té vào đống lửa ngùn ngụt, nếu họ cố gắng vượt ra khỏi và lên đựoc
chỗ mát thì người ấy sẽ cảm thấy sung suớng vô cùng. Cũng thế, người thoát khỏi
lửa của tham, sân, si sẽ huởng cái sung sướng an tịch của Niết bàn. Cũng như
người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung sướng
Niết bàn. Và sau cùng những ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, lão, bệnh, tử
người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết bàn.
Do đó đối với nhân sinh vũ trụ,
Đức Phật dạy rằng tất cả hiện tượng đều là : ”Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” nghĩa là sanh
ra ngay từ nơi này và diệt mất cũng ngay nơi này. Vì thế, đối với Phật
giáo, tâm thanh tịnh mới là cứu cánh vì khi có được tâm thanh tịnh, chúng sinh
sẽ nghiệm chứng chân tướng của vạn pháp. Mà chân tướng là vô hình vô sắc thì
làm sao mà giải thích được. Vì thế Vĩnh Gia đại sư trong Chứng Đạo Ca có câu :
Mộng lý minh minh hữu lạc thú
Giác hậu không không vô đại thiên
Tạm dịch :
Trong
mộng, sáu đường vằng vặc có
Giác rồi, tam giới rỗng
toang hoang.
Ngày xưa, trước khi quy y theo
Phật, Mã Minh là một luận sư danh tiếng. Vì nghe tiếng của Hiếp Tôn giả nên tìm
đến thách thức luận chiến và đánh cuộc bằng chính thủ cấp của mình. Mã Minh đưa
ra đề tài tranh luận rằng:”Tất cả ngôn
ngữ đều có thể bị phủ định” nghĩa là cái gì nói ra được thì có chỗ sai lầm.
Nghe xong Hiếp Tôn giả im lặng. Mã Minh thấy Hiếp Tôn giả không trả lời được
cho rằng mình thắng nên sinh tâm kiêu mạn mà cho rằng Hiếp Tôn giả chỉ là hư
danh, không phá nổi luận điểm của mình. Một thời gian sau, Mã Minh nghiệm biết
sự sai lầm của mình vì câu nói của Mã Minh tự nó đã bị phủ định rồi. Y như giao
ước, Mã Minh tìm đến để giao thủ cấp cho Hiếp Tôn giả. Nhưng Hiếp Tôn giả bây
giờ mới nói : ”Tôi không cần cắt thủ cấp
của ông, mà chỉ cần cắt tóc của ông thôi”. Từ đó, Mã Minh tôn Hiếp Tôn giả
làm thầy và về sau trở thành vị đại luận sư rất nổi tiếng của Đại thừa. Một lần
nữa, văn tự ngôn ngữ không phải là chân lý vì chúng là tương đối, sinh diệt.
Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Tin
lành chỉ tin có một Thượng đế duy nhất thì gọi là nhất thần giáo. Trong khi đó,
đạo Khổng hay đạo Lão tin vào nhiều đấng thần linh nên những đạo này được gọi
là đa thần giáo.
Ngược
lại, đạo
Phật không phải là nhất thần giáo, cũng chẳng là đa thần giáo mà cũng không
phải là giáo điều chủ nghĩa tức là vị giáo chủ đưa ra bất cứ giáo điều
gì cho dù đúng hay sai thì tín đồ bắt buột răm rắp tuân theo. Chính Đức Phật đã
khẳng định rằng :
“Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con
người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian”.
Đức Phật đã chiến thắng thế gian,
nhưng Ngài không cần ngai vàng để ngự trị và cũng không cần thần dân để được
tôn vinh. Ngài sống rất thảnh thơi với ba mảnh y và một bình bát, nhưng chiến
thắng được tâm mình để sống với chơn tánh mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc
Đại giác, Đại hùng vậy. Chỉ sau khi Ngài nhập diệt, con người mới
tôn thờ Ngài, sùng tín Ngài như các vị thần linh. Tóm lại, Đức Phật chỉ
là một đạo sư, là ngọn đuốc tuệ để giúp chúng sinh nương theo đó mà tìm ra con
đường sáng, con đường giải thoát giác ngộ cho chính mình.
Để giải thích mối quan hệ giữa
lòng tin và trí tuệ, Đức Phật dạy rằng :
“Người có lòng tin mà không có trí tuệ thì thường làm tăng trưởng vô
minh. Người có trí tuệ mà không có lòng tin thì thường làm tăng trưởng tà
kiến”.
Trí tuệ ở đây cần được hiểu là
năng lực suy xét và phán đoán mọi sự việc cho nên nếu trí tuệ không có lòng tin
vào Chánh pháp thì người tu tập dễ rơi vào tà kiến, tăng trưởng tự cao, tự đại,
luôn cố chấp không thấy được chỗ sai lầm của mình. Ngược lại, người có lòng tin
vào Chánh pháp mà thiếu đi trí tuệ để nhận hiểu và phân biệt đứng đắn thì dễ
dàng lún sâu vào chỗ si mê, tăm tối, mê tín dị đoan. Vì thế mà trong Bát Chánh
Đạo tức là tám con đường chân chính giúp chúng sinh chuyển cuộc sống từ phàm
đến thánh chỉ có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh tinh
tấn, chánh niệm và chánh định mà không hề có chánh tín. Đức Phật không phải là
đấng thần linh nên Ngài không bắt buộc chúng sinh phải tin vào Ngài một cách
tuyệt đối. Ngược lại, Đức Phật dạy chúng sinh phải tư duy quán chiếu, suy
nghiệm những lời Phật dạy một cách khách quan, đứng đắn thì mới có lợi ích cho
mình. Đức Phật muốn chúng sinh thấu hiểu chánh pháp để thấy biết đúng, suy nghĩ
đúng mà có cuộc sống thanh bình an lạc thì lúc đó con người đâu còn tin vào tà
kiến, mê tín dị đoan. Vì thế hãy lắng nghe thông điệp của Đức Phật chính là con
đường sống cao thượng của cuộc đời :
“Hãy tránh xa tất cả những hành động tội lỗi, trau dồi
cuộc sống bằng những hành động tốt, thanh lọc tâm trí khỏi những ý nghĩ bất
tịnh”.
Trước khi nhập diệt, Đức Phật dạy
rằng:
“Các con là những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa
vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác”.
Trong kinh Pháp Cú, Phật lại dạy
thêm :
“Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Các con hãy lấy Pháp của ta làm
đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ
nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con”.
Và sau cùng Đức Phật dạy rằng :
“Các con hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường”.
Đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên hoàn cầu xác định rằng
cánh cửa thành công để đạt đến cứu cánh giải thoát giác ngộ phải mở rộng cho tất
cả mọi người, từ nam nữ, lớn nhỏ, sang hèn, cao thấp, đạo đức hay tội lỗi. Nếu
chúng sinh biết cải thiện đời sống trong sạch, hóa giải hết phiền não vô minh
thì sẽ có được Bồ-đề, Niết bàn như Phật.
Từ xưa đến nay, lý trí và đức tin
luôn chống đối với nhau. Lý trí thì dùng lý luận và suy tư phát xuất từ kinh
nghiệm và nhận xét, trong khi đức tin nằm trong phạm vi tình cảm, không thể suy
luận, suy xét hay giảng giải được. Do đó những tôn giáo thần khải thì đức tin
là thượng đế cảm nhận bằng trái tim, không phải bằng lý trí. Tình thương phát
xuất bằng trái tim thì dựa vào tình cảm nên rất thăng trầm vì thế nó có lúc
đúng, có lúc sai, có lúc thương có lúc ghét. Ngược lại lòng từ bi phát xuất từ
trí tuệ sáng suốt thì dựa theo tinh thần khách quan bình đẳng, không thiên vị.
Thêm nữa, đối với những tôn giáo thần khải thì thần thông, phép lạ là quan
trọng. Ngược lại Đức Phật coi đó là không đáng kể và không thích đáng bởi vì
điều quan trọng nhất vẫn là bồi dưỡng trí tuệ để có giải thoát giác ngộ. Đối
với đạo Phật, những người có phép lạ không nhất thiết là bậc giác ngộ hay các
bậc Thánh cho nên theo Đức Phật, thần thông phép lạ cao siêu nhất và huyền
diệu nhất phải là làm sao biến một người ngu si thành một người khôn ngoan, trí
tuệ.
Vậy đạo Phật có phải là
một tôn giáo không?
Dựa theo lời giải thích
của học giả H. G Wells thì tôn giáo là trung
tâm của giáo dục xác định luân lý phẩm hạnh của con người.
Triết gia Aldous Huxley
định nghĩa tôn giáo như sau :
- Tôn giáo là một hệ thống giáo dục, bằng các phương tiện con người có
thể tự mình huấn luyện cho mình. Trước hết là thay đổi cái mình mong muốn cho
đúng với nhân cách của mình trong xã hội. Thứ hai là nâng cao lương tri và
thiết lập quan hệ giữa con người và vũ trụ mà họ là một thành phần trong đó.
Thông thường tôn giáo luôn đi đôi
với tín ngưỡng vì thế tất cả những tôn giáo trên thế giới đều tin tưởng đấng
thần linh này, đấng cứu rỗi nọ, ông trời mình và ông trời người. Duy chỉ có
Phật giáo là không tin vào thần linh, không tin vào thượng đế, không tin vào ai
cả mà chỉ tin vào khả năng tự mình có thể giải thoát ra khởi mọi hệ lụy của
phiền não vô minh cho chính mình mà Đức Phật là người dẫn đường, là bậc toàn
giác.
Đạo Phật khai mở một hệ
tư tưởng triết học rất thâm thâu huyền diệu dựa vào tư tưởng tánh Không (Bát
nhã) để dẫn dắt chúng sinh quán triệt thật tướng của vạn pháp chớ không nhất
thiết chỉ thấy biết vạn pháp qua thế giới hiện tượng. Những lời dạy thâm sâu
của Đức Phật để đưa tâm quy về một trạng thái tinh thần tĩnh lự và sáng suốt
được nhiều người cho đó là tôn giáo, người khác lại cho là triết học hay tâm lý
trị liệu. Vì vậy, khi đề cập đến thế giới bản thể và hiện tượng là một vấn đề
rất quan trọng, một vấn đề mang tính triết học sâu xa, nếu con người nhìn nó
qua lăng kính của triết học. Nhưng đối với Phật giáo, cho dù con người có gọi
nó là tôn giáo, nền giáo dục, môn triết học hay là gì đi chăng nữa thì điều đó
chẳng có giá trị thêm bớt gì vì lý luận là còn nằm trong vòng lẩn quẩn của Nhị
nguyên, của thế giới tương đối có sinh có diệt. Mà điều quan trọng hơn hết là
những lời thuyết pháp của Đức Phật nhằm nói lên chân lý khách quan, nói lên cái
nguyên thủy của sự hình thành và sự tồn tại khách quan của vũ trụ vạn hữu.
Nhưng cho dù con người có lý luận dựa theo bất cứ khía cạnh, phương diện nào
thì có một điều chắc chắn mà mọi người đều đồng ý rằng Đức Phật không phải là
đấng thần linh, đấng cứu rỗi mà Ngài chỉ là đấng toàn giác, là bậc thầy vĩ đại
mà thôi.
Vì vậy, đạo
Phật có thể được gọi là một tôn giáo không có tín ngưỡng. Tại sao lại không có tín ngưỡng? Bởi vì đạo Phật là con đường giúp
chúng sinh tự mình thể nghiệm chân lý để có giải thoát giác ngộ mà không tin có
một đấng Thượng đế, một đấng thần linh nào đó có thể ban vui cứu khổ hay cứu
rỗi cho họ được. Mà muốn đạt đến cứu cánh tột đỉnh này, người đệ tử Phật bắt
buộc phải có niềm tin. Nhưng niềm tin ở đây là tin vào lời dạy chân thật của
Đức Phật là người đã thực chứng những chân lý nhiệm mầu bởi vì lời dạy của Phật
là : ”Như Lai thị chơn ngữ giả, thật ngữ
giả, bất dị ngữ giả, bất cuống ngữ giả” nghĩa là lời nói của Phật là chân
chính, là thành thật, không tráo trở và không bao giờ dối trá. Quan trọng hơn
là người đệ tử Phật phải tin chính mình có khả năng hóa giải, diệt trừ mọi vô
minh phiền não để đạt được tâm thanh tịnh mà có Niết bàn, có Bồ-đề cũng như chư
Phật, chư Bồ-tát vậy. Đức Phật dạy chúng sinh phát triển những tiềm năng và nỗ
lực của chính bản thân mình để đạt đến trạng thái an lạc và hạnh phúc tuyệt đối
Niết bàn. Do đó hạnh phúc hay khổ đau là do nơi con người chớ không tùy thuộc vào
một đấng quyền năng tuyệt đối nào và Đức Phật chỉ là một bậc thầy hướng đạo.
Do đó nếu nói Thượng đế là đấng
toàn năng toàn thiện thì tại sao Ngài lại sáng tạo cái thế giới con người đầy
dẫy tội lỗi đau thương? Tại sao Ngài tạo ra biết bao nhiêu cảnh tai trời ách
nước, tàn phá, giết hại chúng sinh? Như thế thì lòng bác ái của Ngài ở đâu? Vậy
sự cầu nguyện có làm bớt thiên tai, dịch họa, chiến tranh hay khổ đau của con
người được không? Vì thế Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu thần linh trong cuộc
sống của con người. Theo tinh thần Phật giáo thì chính con người phải tự mình
giải quyết những vấn đề như chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc hay khổ đau của
chính mình. Chiến tranh hay hòa bình là do con người quyết định chớ không dính
dấp gì tới Phật trời cả. Nếu con người biết sống khoan dung độ lượng để biết
thương yêu nhau thì họ biến chiến tranh thành hòa bình, ngược lại nếu các nhà
lãnh đạo chạy theo những tham vọng đen tối thì từ hòa bình thành chiến tranh
giết chóc thế thôi. Thêm nữa, do sự chuyển động của trái đất, của núi lửa, của
những cơn gió lốc…theo định luật vô thường : thành, trụ, hoại, không đã tác hại
con người. Nói chung thì đó cũng là do lòng tham của con người phá hũy môi
trường sống của chính mình qua chiến tranh, qua những cuộc thí nghiệm nguyên tử,
qua tàn phá thiên nhiên, đốt rừng tiêu hủy cây cối…tạo nên những ảnh hưởng dây
chuyền nguy hiểm cho nhân sinh. Con người cũng vì muốn thỏa mãn lòng tham mà đi
ngược lại với thiên nhiên nên hàng ngày lấy lên từ lòng đất, từ lòng biển hàng
triệu thứ từ kim cương đến vàng, bạc, nhôm, sắt, khí đốt, dầu hỏa rồi lại thải
ra hàng triệu tấn chất độc tác hại gây ra lầm than qua thiên tai, động đất,
sóng thần, bảo lụt, hạn hán…Vì thế con người không thể tin rằng có một Thần
linh nào đó có thể nhẫn tâm trừng phạt, hủy diệt loài người và gây đau thương
chết chóc tang tóc khắp mọi nơi. Khi
liễu ngộ như thế con người không phải sợ hãi thần linh, tôn thờ thần linh, van
vái và cầu xin ở thần linh nữa.
Tóm lại, đạo Phật không phải là đạo đổi chác,
không phải là đạo ban bố phép mầu và cũng không phải là đạo hứa hẹn. Sự giải
thoát giác ngộ hay sự an lạc thanh tịnh Niết bàn thật ra tự chúng sinh đem lại
cho mình chớ Phật không ban bố cho ai cả. Vì thế, tuy đạo Phật là đạo của từ bi,
trí tuệ và lòng dũng cảm, nhưng nếu con người không tin vào lòng từ bi để
thương yêu, ban vui cứu khổ để cứu giúp chúng sinh; vào khả năng phát triển trí
tuệ để chứng đạt chân lý ngỏ hầu thấu biết được thật tướng nhân sinh vũ trụ và
lòng dũng cảm để vượt qua sóng gió chập chùng mà chiến thắng được vô minh phiền
não của mình mà chỉ muốn cầu xin, van vái thần linh để có hạnh phúc thì con
đường họ đi chắc chắn “ không phải”
là đạo Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.