Trí Siêu
***
1. Sơ lược về tính Không
Thực thể của mọi sự vật có tính chất không thực như ta nghĩ, vì thế mà thực thể của mọi sự vật được gọi là có tính Không.
Nói dễ hiểu hơn, mọi sự vật tuy có biểu hiện, nhưng tri giác của chúng ta là nhận thức thì không chân xác; mỗi người thường có phán đoán chủ quan, đôi khi đi tới phán đoán cực đoan 'theo ta là phải là đúng, không theo ta là quấy là sai'; thế là khổ đau bắt đầu xuất hiện.
Nhận thức của chúng ta xuất phát từ các cảm xúc của các giác quan gồm: nhãn thức (mắt), nhĩ thức (tai), tỉ thức (mũi), thiệt thức(lưỡi), thân thức (da) và cảm nghĩ của lý trí là ý thức.
Nhận thức của chúng ta chỉ có tính tương đối, nhưng vì chúng ta thường hay lơ là về hiện tượng thay đổi của mọi sự vật (vô thường), và lại càng lơ là hơn về bản chất của sự thay đổi này là bởi Duyên sinh (vô ngã), nên hậu quả dẫn đến là hình thành các thành kiến, các phán đoán cực đoan, mà biểu hiện của nó là sự điều kiện hóa mọi sự việc một cách cứng nhắc thiếu cảnh giác.
Suy niệm thường xuyên về tính Không của các sự việc hàng ngày, chúng ta sẽ dần tháo gỡ và đoạn trừ gánh nặng si - là thành kiến mê lầm, và hiệu ứng tự nhiên kéo theo là đoạn trừ tham và sân trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Niết-bàn hay Thiên Đàng sẽ tự hiện ra mà không phải cầu nguyện.
2. Vài câu chuyện về tính Không.
- Câu chuyện về điện thoại.
Một dạo chỗ tôi ở mỗi ngày đều có những cú điện thoại quảng cáo, bình thường tôi không nhấc máy, để cho họ nhắn trong máy ghi âm. Nhưng có nhóm rất lì, cứ điện thoại đều mỗi ngày. Mỗi khi nghe tiếng reng, tôi thực tập chánh niệm, xem đó như tiếng chuông tỉnh thức, đứng yên mỉm cười hít thở ba hơi và lắng nghe lời họ nhắn trong máy. Lần nào cũng cùng giọng và cùng nội dung. Một hôm, có lẽ thất niệm, mất kiên nhẫn, tôi phát bực cầm lên và muốn yêu cầu họ đừng gọi nữa. Khi cầm lên nói lại, tôi nhận ra đầu giây bên kia là máy phát thanh tự động, không có người nói. Ngay lúc đó tâm bực của tôi biến mất vì phía bên kia không có ai hết, vô ngã!
Thông thường chúng ta nổi giận với người nào đó chứ đâu nổi giận với đồ vật vô tình. Khi nhận ra đối tượng vô ngã (không phải người) thì cơn giận tan biến, không còn chỗ đứng. Qua vụ này, những ngày sau tâm tôi bình thản khi nghe tiếng quảng cáo trong điện thoại vì biết tuy có lời, nhưng không có người, vô ngã. Lâu lâu, chuông điện thoại reng, tôi nghe và nhận ra tiếng người thật nói nhưng cũng thản nhiên, không còn khó chịu .
- Câu chuyện về thuyền
Có người ngồi trên thuyền câu cá, bỗng thấy từ xa có chiếc thuyền to hơn đang tiến thẳng tới phía mình. Anh vội vã ngừng câu, đứng lên khua tay khua chân, la hét cho chiếc thuyền kia thấy để tránh đừng đâm vào thuyền của anh. Mặc cho anh la hét và ra dấu, chiếc thuyền kia vẫn từ từ rẽ nước đâm thẳng tới. May là nó không đi nhanh nên chỉ đụng nhẹ làm anh té nhào xuống sàn. Quá giận, anh leo qua thuyền bên kia định đánh cho tên lái thuyền một trận. Bộ nó say rượu hay sao mà không thấy anh ra dấu?
Sau khi tìm kiếm, lục soát một hồi, không thấy ai, anh mới vỡ lẽ ra thuyền này vô chủ, không có người lái, chắc nó tuột neo, trôi lang thang trên sông và đâm vào thuyền mình. Liền khi đó cơn giận của anh biến mất vì đâu có ai cố ý đâm vào thuyền của anh! Đâu có ai là thủ phạm đứng đó để anh chửi bới, đánh đập?
- Câu chuyện về nước.
Đối với người bình thường, nước là một chất lỏng (nhưng một chất lỏng thì chưa chắc là nước). Vì thế, dưới mắt các nhà khoa học thời nay, họ thấy nước là 2H + O (gồm hai nguyên tử Hydrogen và một nguyên tử Oxygen); đi xa hơn nữa, họ thấy đó không còn 2H + O mà là những hạt positron (dương điện tử) hạt electron (âm điện tử) và hạt nhân [neutron + proton].
- Câu chuyện về lý thuyết khoa học.
Đơn cử về khoa học vật lý, năm 1687, Isaac Newton khám phá ra lực hút (gravitation) trái đất và các hành tinh, cho rằng không gian và thời gian là cố định, chắc chắn, bất di bất dịch. Đến năm 1905, Albert Einstein phát minh ra thuyết tương đối (relativity), cho rằng không gian và thời gian chỉ hiện hữu một cách tương đối, khiến lý thuyết của Newton bị hạn chế. Nhưng khi Einstein cho rằng không có vật gì đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng, thì hiện nay khoa học lại mơ màng thấy có vật đi nhanh hơn ánh sáng, họ tạm đặt tên là tachyon. Nhà khoa học thực sự phải là người có óc cởi mở, biết đón nhận những quan điểm của người khác, không cố chấp, bảo thủ quan điểm của mình.
- Câu chuyện về học đạo.
Trong thiền viện nọ, có vị sư từ phương xa đến xin nhập chúng tu học. Vị sư trước đây học Phật pháp tại Phật học viện và giỏi về giáo lý. Sư học hỏi giáo lý nhà thiền, được dạy Bát nhã, tánh Không và kinh Kim Cang.
Source Internet.
Được học giáo lý, sư tâm đắc và cảm tưởng mình đã nắm vững tinh ba của thiền. Sư cao hứng, gặp ai hỏi về thiền, sư liền nói về tánh Không, nào là tám cái Không của Long Thọ, hai chục cái Không của Bát nhã, vài chục cái Không của Trung quán. Các huynh đệ đồng tu phục lăn trí huệ của sư. Thế rồi việc này lọt đến tai thiền sư trụ trì. Ngài cho gọi sư ‘tánh Không’ đến hỏi: "Ta nghe nói ông hay giảng về Bát nhã và tánh Không?"
Sư ‘tánh Không’ đang định mở miệng đáp thì thiền sư tát một cái nẩy đom đóm. Sư không hiểu ất giáp gì, quay lại tính hỏi thì thiền sư tát thêm hai cái nữa.
Sư nổi quạu la lên: "Con chưa nói gì hết, sao thầy lại đánh con đau quá?"
Thiền sư đáp: "Trong tánh Không, không có người tát, người bị tát và sự tát. Vậy ai đau?"
Ngay khi đó sư "tánh Không" liền ngộ đạo. Ngộ ra mình chỉ nói như con két mà chưa thực chứng.
Thiền sư nhân đó, đọc lên bài kệ:
Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh.
(Pháp Cú, số 20)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.