1. Mỡ và bệnh mạn tính.
Việc tích tụ mỡ trong cơ thể nếu quá mức sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì. Ngày nay, WHO cũng như một số tổ chức y tế uy tín trên thế giới đều lưu ý nên quan tâm nhiều hơn đến lượng mỡ trong cơ thể thay vì chỉ số khối (BMI) trong quá trình định bệnh, cũng như đánh giá điều trị một số bệnh mạn tính không lây như béo phì, đái tháo đường, tim mạch…
2. Phân loại mỡ.
Trong cơ thể bình thường, mô mỡ tập trung chủ yếu ở vùng dưới da còn gọi mỡ dưới da, xung quanh các cơ quan nội tạng còn gọi là mỡ tạng, trong tuỷ xương là phần tuỷ xương màu vàng là mỡ tủy và ở vú là mỡ mô vú. Lớp mỡ dưới da có vai trò điều hoà thân nhiệt; lớp mỡ tạng giúp đệm bảo vệ cơ quan. Mô mỡ là tập hợp chứa nhiều loại tế bào và mạch máu nhỏ, nhưng chiếm đa số là tế bào mỡ, bên trong chứa những giọt mỡ.
3. Chức năng mô mỡ.
Trước đây, mô mỡ được cho là chỉ có chức năng dự trữ năng lượng cho cơ thể. Sau này, tế bào mỡ được biết có vai trò quan trọng trong việc duy trì hàm lượng axít béo và triglyceride trong máu, qua đó xác định tình trạng đề kháng insulin (một nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường và một số bệnh tim mạch).
Người ta nhận thấy việc tích tụ và gia tăng tế bào mỡ ở vùng bụng (bao gồm mỡ tạng) của hiện tượng béo bụng, có khuynh hướng gây đề kháng insulin nhiều hơn mỡ vùng khác. Đây chính là lý do liên quan với các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch...
Gần đây nhất, người ta nhận thấy rằng ngoài những chức năng trên, tế bào mỡ còn là một cơ quan nội tiết thiết yếu trong cơ thể. Dưới đây là hai trong số nội tiết tố được mô mỡ tiết ra có liên quan mật thiết với các bệnh mạn tính không lây:
- Leptin: một chất nội tiết được tiết ra từ tế bào mỡ, có vai trò điều hoà việc ăn uống hàng ngày bằng cách làm giảm cảm giác thèm ăn. Leptin cũng làm tăng chuyển hoá năng lượng trong cơ thể, qua đó giúp cơ thể giải phóng năng lượng thừa dẫn đến giảm cân… Ngoài ra, leptin có vai trò trong việc điều hoà chuyển hoá chất béo và glucose.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giảm nồng độ leptin là một yếu tố thúc đẩy phát triển các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc tim mạch. Theo đó, chế độ ăn hợp lý, kết hợp vận động điều độ sẽ giúp điều hoà lượng leptin cũng như chức năng leptin trong cơ thể.
- Adiponectin: cũng là một nội tiết tố tiết ra từ mô mỡ, có vai trò trong nhiều quá trình chuyển hoá như giúp tăng chuyển hoá giúp tiêu hao năng lượng giảm nguy cơ béo phì; giúp điều hoà chuyển hoá glucose và axít béo, giúp giảm nguy cơ đái tháo đường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giảm nồng độ adiponectin là một yếu tố thúc đẩy phát triển bệnh đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá và tim mạch. Việc bổ sung omega-3, hoặc tăng cường chất xơ trong khẩu phần hàng ngày giúp làm tăng nồng độ adiponectin. Ngoài ra, tập thể dục điều độ cũng góp phần làm tăng nồng độ của nội tiết tố này.
- Ngoài ra, tế bào mỡ còn tiết ra một số chất gây viêm nhưinterleukin-6 hoặc chất hoại tử bướu alpha (TNFa), mà sự gia tăng những chất này có liên quan đến nhồi máu cơ tim hoặc bệnh lý tim mạch.
4. Phòng ngừa ứ đọng mỡ.
Việc gia tăng ứ đọng mỡ trong cơ thể, làm thay đổi nồng độ các chất nội tiết nói trên do mô mỡ tiết ra, và thường xảy ra khi lượng ăn vào dư thừa so với nhu cầu cơ thể.
Như vậy, để tránh những thay đổi về cấu trúc (số lượng tế bào) và hoạt động (khả năng nội tiết) của tế bào mô mỡ, chúng ta cần: có chế độ ăn cân đối, đa dạng và phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ: thịt mỡ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, thức ăn dạng chiên xào. Nên ăn cá thường xuyên (ba lần/tuần). Hạn chế uống rượu bia. Nên ăn nhiều rau, củ và trái cây để tăng lượng chất xơ.
Tạo một lối sống năng động, hạn chế ngồi, nằm nhiều. Nên tập thói quen vận động tại chỗ thường xuyên. Tăng cường vận động, tập luyện phù hợp với sức khoẻ bản thân như dưỡng sinh, đi bộ, chạy chậm, lắc vòng, bơi... và cố gắng duy trì đều đặn.
TS.BS LÊ NGUYỄN TRUNG ĐỨC SƠN
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.