Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Viết Văn, Ðọc Văn : Ðối thoại với Mình, với Người

(nhân đọc tác phẩm ‘Nghệ Thuật Ðọc và Viết Văn’ của GS Vũ Ký)

‘Viết Văn, Ðọc Văn’, những sự việc thông thường, có gì phải nói ? Vâng, chẳng có gì phải nói, nhưng ‘cách viết’, ‘cách đọc’, đấy là vấn đề.

‘Văn’ gồm chữ và Lời. Viết Văn là dùng Chữ và Lời (câu văn) để diễn đạt ý mình, trước tiên cho mình, sau đó cho kẻ khác, cho độc giả nói chung. Ðọc Văn là qua lời và chữ của tác giả trong tác phẩm, nhìn ra những ’trao gởi’ của tác giả với cuộc đời, trong đó có mình. Do đó, « Viết Văn, Ðọc Văn là hình thức, cách thức ‘đối thoại với mình, với người’ ». Ngoài lời nói miệng ra, Văn dù dưới hình thức, thể loại nào vẫn là phương tiện giao lưu, truyền thông lâu đời và hữu hiệu. Ngày nay, trên Internet, người ta cũng sử dụng Văn (lời và chữ, thêm âm thanh, hình ảnh) để giao lưu dù rất giới hạn để tránh dài dòng.

I.- ViếtVăn : đối thoại với mính, với người. Mỗi người, dù bình thường đến mấy, cũng có những ý kiến, ý tình, cảm xúc, những tư lự buồn lo hay mong ước, hy vọng về thân phận mình, về cuộc sống của mình trước cuộc đời trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại. Mỗi người, dù sống ra sao, theo cách thế nào, vẫn trải qua những lúc mừng vui, hớn hở cùng lúc những chán chường, nhạt nhẽo, trống vắng trong tâm tư. Ngoài đôi việc làm bâng quơ để quên hay để ‘giải thoát’ những ưu tư, những thờ thẩn, trống vắng đó, với những người thích văn chương, thì quay ra viết văn, đọc văn hoặc trao gởi ý tình đến những ai đó.

Viết văn là để giải thoát mình, nói theo Sainte Beuve ‘écriture, c’est délivrance ‘. Các Bà, các Ông VN cao niên nơi hải ngoại hiện nay, vốn không là nhà thơ, nhà văn nhưng lại thích làm thơ, làm văn hay viết lách nầy nọ, không để phô trương văn tài với ai mà chỉ để giải tỏa những giờ phút ‘trống vắng’ đó để được sống lại với những cái ‘đã chết’ (sự việc trong quá khứ) nơi mình để ‘tâm sự’ với mình hoặc dụng ý lưu truyền những kỷ niệm để đời cho con cháu. Lớp trẻ thích văn chương cũng làm thơ, viết văn để nói lên ý kiến, nói lên những dậy dàng của tâm tư, trao đổi với bạn bè, thâu hữu.

Viết Văn, trước tiên giúp mình tự sống’ với mình, giúp mình tự tìm ‘hạnh phúc’ (niềm vui sáng tác) cho mình qua những rủi ro, bất hạnh, khổ đau (kể cả những chết chóc của bao người thân sơ hay chưa quen), những vui sướng, hạnh phúc, những thái độ, việc làm, những cách thế ứng xử trước từng cảnh đời của mình, của người qua từng sự kiện, từng nhân vật trong tác phẩm mình. ‘Viết Văn’, vì thế là một ‘đối thoại với mình’để khơi dậy những gì sôi nổi rộn ràng, bức xúc, những gì còn kín nhiệm, u uẩn, những ẩc ức tiềm tàng nơi tự thân mình do nhu cầu giải tỏa một ‘trống rỗng’ của tâm tư hay do một bức bách của cảnh ngộ, nhiều khi do một‘vui thích’ được nói lên, được trình bày cùng mọi người một điều gì đó, hoặc do một ‘hướng vọng’ của thần trí đến một điều gì đó tốt đẹp hơn hiện tại hầu thiết lập một an bình cho mình, cho người.

Khi viết một tác phẩm nào (tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn,…), người viết thường đứng trước bốn vấn đề : « Viết về cái gì, Viết cho ai, Viết thế nào, Viết với chủ đích gì’ « (1). Từ đó, các vấn đề : « chủ đề, đề tài, tìm ý, hành văn, bố cục, xây dựng nhân vật trong từng môi trường … » đến với tác giả qua kinh nghiệm, kiến thức, xúc cảm, tưởng tượng, nghệ thuật hành văn sao cho thích hợp, nhất là qua tâm hồn, qua cái ‘nhìn’ về nhân tình, thế sự, về cuộc đời, cuộc sống xã hội, ngay cả của chính nhà văn. Nhà văn đã ‘qua mình đối thoại với mình’ trong những điều trên. Viết Văn là cách tìm tòi lại mình, tự hỏi đáp về mình, phát hiện ra mình, tra vấn với mình, tự sửa chữa mình, tự đào luyện mình không chỉ về nghệ thuật mà còn về thái độ, cách sống của mình trước đây để từ đó phổ biến vào xã hội.

Viết Văn còn là đối thoại với người. Cái ‘Dụng’ của ngôn ngữ là để thông giao, thể hiện tính cách « hữu thể tương giao »(être relationnel) nơi con người. Trên bình diện ‘Hữu Thể học’ ‘Không có Trời ta sống với ai ?’ ; trên bình diện ‘Hữu tại thế’ ‘Không có người ta sống với ai ?’, viết văn là cách thế dùng ngôn ngữ (chữ và lời) thể hiện cả hai cách tương giao đó.

Một tác phẩm dù tả chân, hiện thực, khách quan đến mấy vẫn bàng bạc mang chở ý tình tác giả nhằm phơi bày, đả kích hay thông cảm, tán đồng một ‘cảnh đời’ nào đó một sắc thái hiện hữu nào đó qua những sự kiện, những nhân vật hay qua những khung cảnh sinh hoạt của xã hội trong môi trường thời đại. Mỗi tác giả dù muốn dù không đã sống cùng lúc với tư cách một « chủ thể cá thể » vừa với tư cách một phần tử, một « đại diện cho thời đại » (2) . Trong mối tương giao đó, một tác phẩm dù khiêm tốn bảo là « tự sự riêng tư », nhưng một khi được in ấn, xuất bản là đã bày tỏ với kẻ khác để được đón nhận những đồng tình, đồng thuận hay chống đối, phản bác vì khác ý, khác quan điểm với tác giả. Một tác phẩm dù chỉ nói riêng về tác giả không thôi (như Nhật ký, hồi ký riêng tư) cũng ít nhiều một số điểm chung cùng nào đó của kẻ khác trong cùng môi trường xã hội và thời đại. Thường ít có tác phẩm nào được người đọc đồng ý toàn bộ từ đầu đến cuối mà chỉ đồng ý, chấp thuận một số phần nào thôi. Viết cho mình là ít nhiều viết cho người. Xin mượn lời Victor Hugo : « Không một ai trong chúng ta có vinh dự sống một cuộc sống chỉ của riêng mình. Cuộc sống tôi là cuộc sống của anh, cuộc sống anh là cuộc sống của tôi, anh sống những điều tôi sống ; định mệnh chỉ một…Người ta phàn nàn nhiều nhà văn chỉ nói về mình. Hãy nói với chúng tôi về chúng tôi,họ bảo thế. Than ôi !khi tôi nói với các anh về tôi, tôi đã nói với các anh về các anh. Vì lẽ gì các anh không nhận ra ? Ôi !hỡi kẻ gàn dở kia, sao lại nghĩ rằng tôi không là anh ? (3).

Khi viết, nhà văn thường nhắm đến đối tượng nào sẽ đọc tác phẩm mình, thuộc thành phần nào, trình độ nào, đã và đang sống trong môi trường xã hội nào…Như thế là đã gian tiếp ‘đối thoại’ với độc giả ngay trong khi đang viết. Với những nhà văn có khuynh hướng ‘hướng thượng’, tác phẩm đề cập đến những liên hệ không riêng giữa người với người mà còn ‘giữa người với Trời’, với lẽ huyền vi, nhiệm mật nào đó đã an bài cảnh sống thế gian, hoặc để oán than, trách móc, để cầu xin một tha thứ, một phước lộc hay chỉ để tự an ủi mình hoặc để hướng đến, tìm về thiết lập cảnh đời tươi vui, thánh thiện nơi cảnh thế phù trầm. Ðấy là khuynh hướng hướng về ‘Chân, Thiện, Mỹ’ hằng có nơi con người. Với khuynh hướng đó , tác giả đã mặc nhiên ‘đối thoại’ với lẽ Huyền Vi trong khi viết, thể hiện nơi chủ đề, chủ đích, nơi nội dung tác phẩm. Ðề cập đến Trời cũng là đề cập đến người, đến mình và ngược lại. Mối liên hệ ‘Trời, Người, Ta’ luôn luôn được thể hiện nơi từng tác phẩm có nội dung sâu sắc, mang chở tính tư tưởng rõ ràng, minh thị hay ẩn tàng, kín đáo.

II.- ‘Ðọc Văn’ cũng là một đối thoại với mình, với người qua một hệ thống quy chiếu tức tác phẩm của tác giả. ‘Ðối thoại với mình’ khi đọc sách là ta tự sống với ta, tự hỏi với ta, tự tra vấn, tự chiêm nghiệm về ta, đối chiếu với những gì đang đọc để xem trong tác phẩm có những điều nào phản ảnh được và đúng ý tình ta, trường hợp, cảnh ngộ của ta đã hay đang trải qua trong quá khứ, trong hiện tại. Do ‘đối thoại với ta’ khi đọc sách mà ta vui mừng, sung sướng, thích thú như được có người chia xẻ, đồng thuận với ý tình, cách sống của ta hoặc buồn phiền, tức giận khi thấy những điều tác giả viết ngược ngạo, hoàn toàn chẳng hợp với ta tí nào. Nhiều trường hợp, đọc xong tác phẩm, có người hoặc trực tiếp gặp hoặc qua báo chí, internet bày tỏ thiện cảm với tác giả, xem như người bạn thân thiết. Nhưng cũng lắm trường hợp ta không chút thiện cảm nào. ‘Ðối thoại với ngừời’ khi đọc sách là tự ta nhận xét, phẩm bình, đánh giá (dù ta không làm công việc của nhà phê bình văn học) bức ‘thông điệp’ tức những gì tác giả muốn trao gởi đến mọi người qua nội dung tác phẩm để hoặc đồng tình, tán thành hoặc phản biện, chống đối, bác bỏ lúc đối chiếu tác phẩm với ta, với cuộc sống, với thời đại. « Phép đọc sách là gì ? Là mượn sách của người để tự mình tư tưởng. Vậy thì sách gì giúp được mình tư tưởng, gợi được cái tư tưởng của miình là sách hay, nên đọc. Có khi giúp cách trực tiếp, có khi giúp cách gián tiếp. Giúp trực tiếp là sách đồng ý với mình, giúp nghị luận được xác thực, phô diễn được rõ ràng, khiến cho mình nhân đấy mà suy cứư cái tư tưởng của mình cho đến cùng cực. Giúp gián tiếp là khi sách trái với ý mình, bày cái tư tưởng ra một phương diện khác hẳn với mình, khiến cho mình phải sát hạch lại tư tưởng của mình, phải gia công biện bác, thảo luận cho vỡ lẽ. Mà cách gián tiếp có khi lại bổ ích hơn là cách trực tiếp vì nó kích thích tư tưởng của mình một cách mạnh bạo hơn » (4).

Tóm lại, Viết Văn, Ðọc Văn là « đối thoại với mỉnh, với người » vì Văn là phương tiện truyền thông, giao lưu hai chiều. « Sự giao lưu mang tính sáng tạo. Nó giúp cho mỗi người tự sáng hiện mình qua mối hổ tương thuận nghịch với kẻ khác » (5).

Dĩ nhiên Viết Văn khó hơn Ðọc Văn. Viết Văn cần chú trọng cả hai phần thường được gọi là Hình Thức và Nội Dung. Hình Thức là Chữ, Lời, Bố cục. Nội dung là Ý, Tình, Tư Tưởng. CHỮ dùng phải minh xác, trong sáng ; LỜI VĂN phải thông gọn, trau chuốt, sinh động, nhiều hình ảnh, truyền cảm… ; BỐ CỤC phải phân minh, hợp lý vừa đúng theo diễn tiến sự việc vừa tạo bất ngờ, thích thú. Ý, TÌNH phải hàm súc, cô đọng, phải phơi bày mọi sắc thái của sự vật, sự việc, của nhân vật cùng lúc mang tác dụng hướng người đọc nghĩ suy để cùng hướng về thiết lập cho nhau những cảnh đời sáng sủa, thiện lành. Ðọc Văn thật ra cũng không phải dễ. Nếu chỉ đọc cho qua thì giờ thì không có gì phải nói. Nhưng đọc trong ý thức và nhu cầu « đối thoại với mình, với người » thì cũng lắm điều phải nói. Ðọc cái gì, đọc loại sách nào, đọc với mục đích gì, đọc để giải trí hay để tìm hiểu, để hiểu mình, hiểu người, đọc để phong phú kinh nghiệm, kiến thức hầu biết thêm cách ứng xử với mìnhh, với người, với xã hội ; đọc để tìm tòi, khám phá những gì mới lạ giúp mình thêm vững chắc, trưởng thành trong mọi dự định sáng tạo về mặt nầy, mặt nọ. Tiếp nhận một lời văn là nắm bắt những gì ta chưa biết hay biết còn nông cạn, nắm bắt cái ẩn ý, cái mới lạ, cái khác thường, cái hay, cái đẹp của ý tình tác giả để phong phú hóa mình hơn dù mình không đồng tình, đồng ý cùng tác giả.


‘Văn là người’ (le stryle, c’est l’homme) nói theo Buffon. Cơ sở nơi số tác phẩm của một nhà văn, ta có thể biết được phần nào nhân cách, tâm hồn của tác giả cùng khuynh hướng nghệ thuật và tư duy, cung cách sống của tác giả, ngoài những phản ảnh của xã hội, thời đại. Viết Văn, Ðọc Văn là cách giúp ta với bắt cái « Phần Con Người sẽ trở nên của mình » (6), sẽ trở nên về nhân cách, phẩm giá, sẽ trở nên kinh nghiệm hơn, sáng suốt hơn, minh mẩn hơn,uyên bác hơn trong suy tư, ứng xử để hướng cuộc sống mình và xã hội thêm tươi sáng,thiện lương.


Nguyễn Thùy

_____________


Chú thích :

1- Nhiều nhà văn ngày nay lúc sáng tác không hẳn chú trọng đến đối tượng đọc (độc giả) nên những vấn đề ‘Viết cho ai, viết thế nào,viết ra sao,…’, cũng như vấn đề ‘nội dung, hình thức’theo quan điểm xưa nay – Xin xem : Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết’ của Hoàng Ngọc Tuấn, nxb Văn Nghệ, Cali, Hoa Kỳ 2001, từ trang 322 – Xin không trích dẫn vì quá dài dòng.

2) ‘Il est engagé à la fois comme individu et comme membre d’une société, comme représentant d’une époque’ – Joseph Emile Muller : ‘L’Art moderne’, Le Livre de Poche, Paris 1963, trang 27.

3) « Nul de nous n’a l’honneur d’avoir une vie qui soit à lui. Ma vie est la vôtre, votre vie est la mienne, vous vivez ce que je vis ; la destinée est une…On se plaint quelquefois des écrivains qui disent moi. Parlez nous de nous, leur crie-t-on. Hélas ! quand je vous parle de moi, je vous parle de vous. Comment ne le sentez-vous pas ? Ah ! insensé, qui crois que je ne suis pas toi’ » - Contemplations, préface, bản in tháng 3/2002, édt. Gall. Paris, trang 28.

4) Vũ Ký : « Nghệ Thuật Ðọc và Viết Văn », nxb Nguồn Sống,in lần thứ năm tại Hoa Kỳ cuối 1966, trang 77.5) « La communication a donc une vertu créatrice. Elle donne à chacun la révélation de soi dans la réprocité avec l’autre » - Geoges Gusdorf : La Parole, PUF,Paris 1952, trang 67.6) Vũ Ký, sđd, trang 49.

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.