Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Hai bài thi môn Văn chương Việt Nam của sinh viên năm 2013


Gs Phan Văn Giưỡng

 " Môn Văn chương Việt Nam là một môn chính (main steam) học và thi trong chương trình Tú tài quốc tế (Diploma of International Baccalaureate), được tổ chức hai kì một năm cho tất cả các nước trên thế giới, xin vào web: www.ibo.org, để biết thêm chi tiết.
Riêng môn Văn chương Việt Nam hàng năm có trên dưới 300 học sinh thi từ 18 quốc gia như Mỹ, Canada, Ý, Anh, Đan Mạch, Singapore, Tân Tây Lan, Hồng Kông, Ấn Độ . . và tất nhiên là có Việt Nam. Học sinh muốn thi môn nầy phải học 10 đến 13 tác phẩm văn chương, thơ, truyện ngắn, truyện dài, tản văn. Trong đỏ phải học 3 tác phẩm quốc tế đã được dịch ra tiếng Việt. Khi thi, học sinh phải làm 3 phần: (i) Một bài luận văn, (ii) 2 bài thi viết và - một bài vấn đáp. Hai bài sau đây là bài thi viết 1.Bài thơ "Hương Thu" của nhà thơ Luân Hoán, được cho phép dùng ra đề thi cho kì tháng năm, 2013 (đặc biệt là được tác giả cho phép sử dụng thơ, nhưng tác giả không biết bài nào cho đến khi thi xong).
 Tất cả các bài thi đều chấm trên máy vi-tính, cho nên, người chấm không biết tên học sinh và từ trường nào, nước nào. Do vậy, khi đăng lại hai bài sau đây sẽ không có tên tác giả và cũng nhân đây, xin lỗi và xin phép tác giả vậy.
 Đề thi có tính mở rộng "Bạn hãy bình phẩm bài thơ sau đây:..." Do đó, học sinh hoàn toàn tự do, nhưng theo tiêu chuẩn đánh giá là chú trọng phân tích, cảm nhận đặc điểm văn chương, cách sử dụng ngôn ngữ, âm điệu, thi tứ, hình ảnh trong thơ.
 Sự thưởng ngoạn thơ văn mỗi thời đại mỗi khác, mỗi lứa tuổi, mỗi trình độ mỗi khác. Cho nên khi cho phổ biến hai bài viết nầy, thiết nghĩ cho mọi người hiểu một phần nào lối thưởng ngoạn và cảm nhận của lớp trẻ bây giờ."
Bài 1:
Mùa thu với những cánh lá vàng rơi và ngọn gió se lạnh, đã luôn là một chủ đề muôn thuở của các nhà văn, nhà thơ. Không khí thu đã mang lại nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng cho những tâm hồn nghệ sĩ. Với nhà thơ Luân Hoán, bên cạnh những cảm xúc đó, là cảm giác ngây ngô trước vẻ đẹp của người con gái dưới sắc trời mùa thu.
Bài thơ Hương Thu được xuất bản trong tập thơ “Thơ Luân Hoán” vào năm 1998, đã nổi bậc lên với ngôn từ đơn giản cũng như tính cách đào hoa, tự dung tự tại của Luân Hoán.
Mùa thu của Luân Hoán mang lại cảm giác vừa lạ vừa quen. Nó không phải là hình ảnh trữ tình như “con nai vàng ngơ ngác / đạp lên lá vàng thu” mà chỉ là một hình ảnh thu giản dị nơi góc phố quen thuộc. Mùa thu của tác giả lạ bởi vì thể lục bát của nó. Được xuất bản năm 1998, chắc hẳn Hương Thu được sáng tác trong giai đoạn thơ mới, thơ hiện đại với thể thơ tự do đầy phóng khoáng. Thế nhưng, nhà thơ lại chọn thể lục bát cho bài thơ của mình. Điều đó mang lại một cảm giác dân gian quen thuộc, cũng như cảm giác hoài niệm mơ hồ.
 Luân Hoán là một người nghệ sĩ mang tâm hồn phóng khoáng, tự do. Nỗi niềm của ông với mùa thu không hoa mỹ, không được ẩn chứa trong những câu ẩn dụ tinh tế. Ngược lại, cảm xúc của ông đã được bày tỏ thẳng thắn qua những từ ngữ giản dị và chân thật.
mùa thu không đến tình cờ
lòng như vẫn gặp bất ngờ lạ chưa
 Bài thơ bắt đầu với cảm xúc “bất ngờ” của ông với mùa thu.Dù biết trước mùa thu sẽ đến nhưng Luân Hoán vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi mùa thu đã đến rồi. Tác giả chỉ bày tỏ cảm xúc đơn giản như vậy đấy. Không câu nệ hình thức, không từ ngữ mỹ miều. Tất cả mở ra như một lời thì thầm, tâm sự bên tai
“... nước trời chứa sẵn trên mây
hình như sắp sửa thả bay xuống trần
gói vội một chút bâng khuâng...”
 Là một tâm hồn nghệ sĩ, chắc hẳn Luân Hoán không tránh khỏi nỗi “bâng khuâng” trước cái đẹp của mùa thu. Chỉ cần hình ảnh “chiếc lá rụng bùi ngùi” cũng khiến cho tâm hồn nhà thơ lay động. Không cần cảnh đẹp hoa mỹ, chỉ cần những thay đổi nhỏ ở góc phố, hiên nhà cũng làm cho Luân Hoán bồi hồi. Chỉ với những cảm xúc đơn giản mà tinh tế được miêu tả qua các tính từ giản dị, mùa thu của Luân Hoán được tạo ra. Sự phóng khoáng của ông còn thể hiện qua những câu chữ không được viết hoa. Những từ đầu câu thơ được viết bằng chữ cái thường. Qua đó, ta thấy rằng, tác giả chỉ chú trọng vào cảm xúc của mình trong bài thơ mà không hề câu nệ hình thức nào.
 Với Luân Hoán, mùa thu không chỉ là một khoảng thời gian của thiên nhiên, mà còn là một linh hồn mang lại nhiều nỗi niềm cho ông. Điều đó được thể hiện qua biện pháp nhân hóa xuyên suốt bài thơ:
“mùa thu không đến tình cờ ..... mùa thu đã bước chân vào phố tôi ..... thu dang tay rộng thêm nhiều...”
 Với ông, mùa thu đã thổi vào thiên nhiên, vào lòng người một sắc thái cảm xúc mới. Điều đó khiến cho ông cảm thấy bồi hồi, bâng khuâng vì sự thay đổi bất ngờ.
 Không chỉ có vẻ đẹp mùa thu làm nhà thơ xao xuyến, vẻ đẹp của con người cũng khiến lòng ông lay động:
lạnh chưa hỡi những em tôi
váy còn hở cả cánh đùi trắng thơm
giày còn bày ngón chân thon
màu sơn móng tợ môi son đậm đà
 Có thể nói rằng, khổ thơ này là khối thơ độc đáo và thú vị nhất trong cả bài thơ. Nói là thú vị không phải  vì các khổ thơ còn lại chán, mà là vì sự tinh nghịch, phóng khoáng của Luân Hoán trong khối thơ này. Ông mạnh dạn gọi những cô gái đang đi trên phố là “những em tôi”. Quả thật chỉ có những người đào hoa, phóng khoáng mới có thể nói như thế. Nhà thơ còn thẳng thắn miêu tả “cánh đùi trắng thơm”, “ngón chân thon” “màu sơn” và “môi son”. Làm như vậy, chẳng khác gì đang thừa nhận “ngắm dung nhan người” chính là ngắm “đùi trắng thơm” và “ngón chân thon” của các cô gái. Đọc đến đây, chắc chắn nhiều người đọc phải phì cười vì sự tinh nghịch, ranh ma của Luân Hoán.
 Hương Thu là một bài thơ hay và độc đáo bởi những sự đối lập chứa đựng trong nó. Sự đối lập giữa thể lục bát dân gian truyền thống và cách dùng từ đơn giản, cấu trúc phóng khoáng. Sự đối lập giữa cảm xúc nhạy cảm, nghệ sĩ ở bốn khổ đầu và sự tinh nghịch, đào hoa ở những khổ sau. Tất cả cùng hòa nguyện lại trong Hương Thu để mang lại một cảm giác vừa hoài cổ, vừa mới mẻ, thu hút cho người đọc. Đồng thời,  cho thấy được hình ảnh Luân Hoán đầy màu sắc với phong cách đa dạng.
Bài 2
Khi nói đến chủ đề thời tiết trong thơ văn Việt Nam thì ắt hẳn nó là một kho tàng bao la, mênh mông và bát ngát khi tác giả nói đến bốn lựa chọn cho bốn mùa với mỗi tính cách riêng, mỗi vẻ đẹp riêng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mùa xuân nổi bậc hơn hẳn các mùa còn lại, bởi ít nhiều các sự kiện mang đậm tính truyền thống Việt Nam như Tết cùng với những hương sắc tươi thắm cùa nó. Mùa xuân cũng là mùa với thời tiết dễ chịu nhất và điều này đã dẫn đến sự nổi bậc về sự hài hòa giữa các tác giả và thời tiết xuân. Nhưng điều này có ảnh hưởng đến các nhà thơ, nhà văn khi ba mùa còn lại không mấy gì nổi bậc ? Dĩ nhiên là có khi xuất hiện sự thiên vị. Chính điều này đã đánh thức các tác giả nhận ra vẻ đẹp của các mùa còn lại trước khi quá muộn. Và thế là sự ra đời của các mùa hè, mùa thu và mùa đông bắt đầu dưới ngòi bút của các tác giả. Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy rằng mùa thu cũng đẹp không kém gì các mùa còn lại cho nên tôi sẽ chọn Luân Hoán với tác phẩm nổi tiếng “Hương Thu” của ông, về sắc trời mùa thu để phân tách những đặc điểm nổi bậc của nó.
Bài “Hương Thu”  thuộc thể loại thơ lục bát với cấu trúc bốn câu cho một khổ. Bài thơ có thể chia làm ba đoạn, với đoạn đầu là hai khổ thơ đầu tiên:
mùa thu không đến tình cờ
lòng như vẫn gặp bất ngờ lạ chưa
bắt đầu từ một cơn mưa ?
bắt đầu từ ngọn gió đưa hững hờ ?

tôi đâu nhớ chắc hôm nào
mùa thu đã bước chân vào phố tôi
sáng ra mở cửa ngẩn người
một chiếc lá rụng bùi ngùi bay qua...
Có thể nói rằng tác giả biết chắc chắn mùa thu sẽ đến khi nào với nhận định “mùa thu không đến tình cờ” và càng rõ hơn khi tác giả cảm nhận được thu đến ngay khúc giao mùa nhưng chỉ có một điều là lần này tác giả cảm thấy bất ngờ và ngạc nhiên hơn bởi sự mới lạ của nó. Có vẻ như mùa thu đã chìm vào quên lãng trong kí ức của tác giả cho đến một ngày ông thắc mắc “ bắt đầu từ một cơn mưa ? bắt đầu từ ngọn gió đưa hững hờ ?”  Đây là những dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất tác giả nhận ra thu đang về. Cơn mơ, ngọn gió, những đặc điểm nổi bậc của mùa thu đang dần được tác giả hé mở.
 Có một sự đối lập trùng hợp giữa các nhận định của tác giả khi ông nói rằng “tôi đâu nhớ chắc hôm nào, mùa thu đã bước chân vào phố tôi”. Đây quả là một hành động trái ngược với nhận định của tác giả. Có thể kết quả của hành động này là vì tác giả đang chìm đắm trong cơn mê khi mùa thu đang về, như thể ông và đất trời đang hòa làm một mà không nhận ra rằng thu đã đến từ bao giờ. Một đặc điểm nổi bậc khác của thời tiết vào mùa thu là lá cây bắt đầu rụng. Tác giả cũng sớm nhận ra điều này với câu thơ “một chiếc lá rụng bùi ngùi bay qua” . Có thể nói, chỉ mới hai khổ thơ đầu thôi mà tác giả đã bộc lộ được ba đặc điểm nổi bậc nhất trong sắc thu, cùng với sự đối lập giữa suy nghĩ và hành động để nhấn mạnh nên sự mê hoặc của mùa thu. Chúng ta có thể cảm nhận được nhiều hơn nữa với phần tiếp theo của tác phẩm, khổ thơ thứ ba và bốn:
ngó lên cành trước hiên nhà
vàng phai chín đỏ nằm dài bên nhau
thế là mùa thu bắt đầu
thời gian xê dịch theo màu lá cây

nước trời chứa sẵn trên mây
hình như sắp sửa thả bay xuống trần
gói vội một chút bâng khuâng
ra xe xuống phố ngắm dung nhan người...
Phần đoạn này khá thú vị khi tác giả nhấn mạnh lại hình ảnh  những chiếc lá rơi, nhưng bây giờ ông cho thêm màu sắc vào bức tranh thu của mình ở câu “vàng phai chín đỏ nằm dài bên nhau” . Không phải chỉ có hoa mới muôn màu muôn vẻ mà lá cũng thế. Vàng và đỏ là hai màu đặc trưng của lá cây, chỉ xuất hiện vào mùa thu trước khi nó lìa cành. Lá cũng đẹp giống như hoa vậy, chẳng qua nó rụng để chờ đến mùa xuân thôi ! lúc đó muôn cây đua nở với đủ các loại màu sắc. Có thể vì lẽ này mà mùa xuân được chú trọng hơn. Tiếp tục với hương sắc của lá cây, nó không chỉ cho chúng ta nhận biết về đặc điểm của mùa thu mà nó còn cho chúng ta biết đặc điểm của thời gian qua các sự kiện của thời tiết “thời gian xê dịch theo màu lá cây” cũng đúng thôi. Mỗi mùa lá cây đều đổi màu để  hòa hợp và thích ứng với thiên nhiên cho đến mùa đông, thì chỉ còn lại các cành cây khô, báo hiệu sự nghỉ đông.
 Bức tranh của Luân Hoán được tô đậm với nhiều hình ảnh hơn khi ông cho thêm “nước trời” tức mây vào. Ngày càng sinh động hơn, ông nhấn mạnh thắc mắc của mình bằng câu trả lời “nước trời chứa sẵn trên mây, hình như sắp sửa thả bay xuống trần” Đây là hình ảnh trời sắp mưa nhưng được tác giả cách điệu lên với vốn từ đặc sắc của ông. Các câu thơ của ông là một chuỗi nghệ thuật về văn học và điều đó làm cho thơ của ông ngày càng nổi trội hơn khi ông “gói vội một chút bâng khuâng”. Bâng khuâng là một tỉnh từ nhưng được Luân Hoán sử dụng như một danh từ chỉ sự vật để nhấn mạnh nên cái sự đặc biệt của nó. Khát khao lẫn tò mò về những hoạt động và hình ảnh của con người trong trời thu, ông đã quyết định “ra xe xuống phố ngắm dung nhan người”. Khi đã miêu tả xong tất cả những tinh hoa của tự nhiên, ông chuyển sang miêu tả về khung cảnh của xã hội con người và ông đặc biệt nhấn mạnh vào hình ảnh của phái đẹp ở ba khổ thơ còn lại của tác phẩm:
lạnh chưa hỡi những em tôi
váy còn hở cả cánh đùi trắng thơm
giày còn bày ngón chân thon
màu sơn móng tợ môi son đậm đà

tôi cho xe chạy lướt qua
mùi hương thánh nữ hay là hương thu
hương gì cũng chẳng của tôi
của trời đất với của người đang yêu

thu dang tay rộng thêm nhiều
và tôi chợt thấy mình yêu đất trời
yêu em điều hẳn nhiên rồi
trái tim mới rợi như hồi mười lăm...
 Ập vào mắt người đọc là hình ảnh những cô gái trẻ đẹp đại diện cho phái yếu. Tác giả tập trung miêu tả hình dáng của những cô gái, ông đặc biệt nhấn mạnh vào cặp đùi trắng, những ngón chân, ngón tay và đôi môi trên khuôn mặt. Tác giả sử dụng những hình ảnh với ngôn từ và cách thể hiện như mình là người háo sắc, nhưng thật sự ý nghĩa của nó sâu xa hơn thế. Đôi chân, bàn chân, bàn tay và khuôn mặt là những thứ cốt lỏi tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ và không có gì đáng xấu hổ khi họ trưng bày cái vẻ đẹp đó ra công chúng. Theo nhận định cá nhân thì  khi đã là một người đàn ông, dù  ít hay nhiều thì háo sắc là một phần đã ăn vào trong máu của họ. Cũng nhờ điều này mà tác giả mới có thể khắc họa nên những hình ảnh đẹp như vậy về phái đẹp. Không biết là đáng buồn hay đáng cười, hay cả thu và gái đều không thuộc quyền sở hữu của tác giả cho dù ông thể hiện rõ khao khát, ước muốn của mình. Cả “hương thánh nữ” và “hương thu”  “chẳng phải của tôi”. Tất cả những tinh hoa đó thuộc về “đất trời”  và “người đang yêu”. Ở đây tác giả muốn nhấn mạnh rằng những tinh hoa đẹp đẽ, những tượng trưng của sự hoàn hảo và hoàn nữ thì thường khó bị sở hữu. Ông cũng là một trong những người khát khao, mong muốn sở hữu sự hoàn hảo của đấng tạo hoá. Tiếc thay, Luân Hoán chưa đủ khả năng hay cơ hội để có được những thứ đó hay chẳng qua, đơn giản hơn là không thể.
 Quay lại với hiện thực, mùa thu đang càng ngày càng hiện rõ hơn. Tác giả đã nói “tôi chợt thấy mình yêu đất trời” “yêu em điều hẳn nhiên rồi”. Điều này chứng tỏ tác giả không thể có được thứ mình muốn nên ông đành ngậm ngùi yêu nó, ông yêu thiên nhiên, ông yêu phái đẹp và mong muốn một ngày có thể nắm lấy được những những tinh hoa đó. Câu cuối cùng của tác phẩm là câu thơ mang đậm ý nghĩa nhất và cũng khó đoán được ý của tác giả nhất khi “trái tim mới rợi như hồi mười lăm” . Điều gì đã khiến tác giả cảm thấy mình trẻ lại ? Những tinh hoa của trời thu để gợi tưởng cho tác giả về quá khứ của mình hay là vì hình ảnh những cô gái tươi trẻ với những tinh hoa của phái đẹp mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn có. Điều đó quan trọng hay không quan trọng, thì đây, tác giả đã cảm thấy yêu đời, yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống hơn rồi. Điều đó mới quan trọng.
Bài thơ đã khép lại nhưng nó mở ra những hình ảnh mới, những điều thú vị mới dành cho tâm hồn của con người. Tôi học được rằng nếu không thể tự rửa sạch được tâm hồn đen tối và dấy bẩn của mình thì hãy để thiên nhiên và cuộc sống hổ trợ gột rửa nó. Từ đó ta tìm được khoảng không của sự thanh thản và tình yêu khiến cuộc sống chúng ta tràn ngập và chìm đắm trong yêu thương. Không phải vì xuân đẹp mà xuân được yêu thương trong khi không ai chú ý đến thu hay đông, mà là vì con người ta chưa đủ khả năng để cảm nhận vẻ đẹp của nó mà thôi. Đấng tạo hóa tạo ra bất cứ thứ gì là có mục đích và vẻ đẹp riêng của nó. Chẳng qua là con người tự làm lu mờ đi.
  “Hương Thu” vừa đơn giản lại vừa giàu ý nghĩa. Luân Hoán thật là một nhà thơ vĩ đại khi ông sáng tác nên một tác phẩm khiến người đọc vừa trầm trồ vì những ý nghĩa của nó, vừa thắc mắc những cái sâu xa hơn của nó. Ông xứng đáng được vinh danh và được người đời biết đến bởi tài năng của mình.


Source: NNS - Lá Thư Úc Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.