Căn nguyên ( phần 4 )
Hoa Kỳ bóp chết trong trứng nước mưu đồ thỏa hiệp Nam-Bắc VN 1963 .
Anh-Huy
( phần 4 )
Vào những năm 1961/62, Tổng Thống J.F.Kennedy đã giải quyết các vấn
đề sôi bỏng trên thế giới với những quyết định táo bạo. Vụ phi cơ CU2 bị
Liên Sô bắn hạ, tiếp đến vụ Vịnh Con Heo, rồi xảy ra vấn đề Liên Sô toan
thiết bị nhiều dàn hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử trên đảo quốc CuBa
của Fidel Castro, sát nách lục địa Hoa Kỳ, hăm dọa trực tiếp nền an ninh
Hợp Chúng Quốc.
Tối hậu thư của TổngThống Kennedy buộcTrùm đỏ Liên Sô Khrouchtchev
tháo gở tức thì nếu không là chiến tranh khai hỏa, khiến nhân loại sống
trong lo âu thắc thỏm suốt thời điểm đó. Cũng may, Chủ tịch Khrouchtchev
nhượng bộ, chấp nhận tháo gở toàn bộ dàn hỏa tiển đem về nước. Thế giới
thoát qua một cuộc chiến tranh nguyên tử trong đường tơ kẻ tóc.
Vấn đề Việt Nam, dưới thời Tổng Thống Kennedy là tiếp tục kế hoạch và
đường lối của hai vị Tổng Thống tiền nhiệm Truman và Eisenhower. Như
đã trình bày, sau hiệp định Genève 1954 đến 1963 tình trạng Việt Nam
không khác gì thời gian 15 phút nghỉ giải lao dứt hiệp đầu của một trận túc
cầu.
Thượng Nghị Sĩ Kennedy đắc cử Tổng Thống vào tháng 11.1960, cũng
trong thời gian đó MTGPMN được Cộng Sản BắcViệt dựng lên, rồi 11.11.
1960 cuộc đảo chánh của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương
Văn Đông với sự tiếp tay của vài Chánh đảng Quốc gia. Dù thất bại. nhưng
đó là một trong những biến cố gây chấn động cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa
Việt Nam của Gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
MTGPMN từ lúc thành lập cho đến cuối năm 1961, về hoạt động quân sự
chỉ những trận đánh du kích lẻ tẻ nhắm vào những tiền đồn hẻo lánh, đấp
mô, phá cầu, pháo kích vào ấp chiến lược, phục kích những đoàn công xa.
Quân đội VNCH tảo thanh, càn quét vào những chiến khu khiến quân Chủ
Lực Miền đào thoát, tránh né những cuộc đụng độ. Đồng thời, lực lượng an
ninh tình báo VNCH thanh lọc, tiểu trừ và làm tê liệt phần lớn những cơ sở
hạ tầng đặc công nằm vùng của Việt Cộng từ cấp ấp xã cho đến quận tỉnh.
Cho nên vào năm 1962, tinh thần Việt Cộng từ khu 5 đến khu 9 miền Tây
sa sút trầm trọng đến mức độ Hà Nội phải xét lại nhân sự và kế hoạch của
Trung Ương Cục Miền Nam thì bất ngờ khu 8 cứu nguy cho phe Nguyễn
Chí Thanh và Lê Duẫn qua trận Ấp Bắc, một trận đánh làm lung lay chế độ
Đệ Nhất VNCH Ngô Đình Diệm và cả Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ.Nhìn cục bộ
thì là một trận nhỏ nhưng vào giửa một tình huống chính trị quốc tế khi cuộc
chiến tranh Lạnh leo thang đến cùng độ, cơ hồ tạo thành cuộc chiến tranh
Nóng. Bởi vậy, trận ấp Bắc bổng nhiên đã làm sôi động trên chính trường
thế giới.
Tình báoVNCH cho tin một lực lượng Việt Cộng tập trung tại ấp Bắc, một
ấp nhỏ thuộc xã Tân Phú, quận Cai Lậy, Tỉnh Định Tường, cách Mỹ Tho
20 Km. Đại-tá Bùi Đình Đạm lúc bấy giờ là Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh,
theo chỉ thị của Thiếu tướng Huỳnh văn Cao, Tư Lệnh Quân Khu IV huy
động đại lực lượng tấn công và do Paul Vann, Trung tá Hoa Kỳ, Cố vấn
Sư đoàn 7 BB điều động trực thăng vận UH-IA và CH-21, gồm cả Thiết
vận xa M-113, Tiểu đoàn 8 Nhảy dù, 2 Đại đội Biệt Động Quân và Bảo
An với quân số khoảng 2500 người.
Trong khi đó Việt Cộng chỉ có 400 quân gồm một Đại đội thuộc Tiểu đoàn
261 Chủ lực quân khu 8, một Đại đội Địa phương Tỉnh, một Trung đội Địa
phương Huyện và một Trung đội Trợ chiến.
Trận ấp Bắc, Việt Nam Cộng Hòa bị thảm bại, " Nhảy xuống đầu Việt
Cộng, bị Việt Cộng lao lên chém ", rồi từng lớp nhảy tăng viện đều phải
đương đầu với trận cận chiến mà Việt Cộng ở thế thuận lợi nhất. Trận chiến
kéo dài từ 06 giờ sáng đến 17 giờ chiều với 5 đợt tấn công, 3 Cố vấn Hoa
Kỳ tử thương, 10 bị thương, quân VNCH hy sinh 65 người, 100 bị thương.
Theo tài liệu Cộng sản : Quân đội VNCH chết và bị thương 450 người. Tất
nhiên phía Việt Cộng như thông lệ không bao giờ nêu con số thiệt hại của
họ. Bộ Quốc Phòng VNCH thông cáo: Việt Cộng chết 101 người, Cố vấn
Hoa Kỳ tổng kết thì Việt Cộng bỏ lại 41 xác chết tại trận địa .
Chiến thắng ấp Bắc chỉ là một chiến thắng chính trị thu lượm được
của MTGPMN nhưng thực tế nó không khỏa lấp được nỗi lo âu to lớn
và càng ngày càng hiện rõ ở Hà Nội về hiện tình kinh tế , chính trị,
quân sự và nội bộ đảng Lao Động ( tức Đảng CS trá hình ).
Tranh chấp giữa hai phe mỗi ngày một trấm trọng, mỗi phe đều dựa vào
thế lực Cộng sản ngoại bang giữa Liên-Sô và Trung Cộng. Sau " Chiến
thắng Chính trị " ấp Bắc của MTGPMN ( Công cụ của CS Bắc Việt ),
Bộ Chính Trị CSBV đã nhìn thấy rõ ảnh hưởng của Bắc Kinh đang ăn sâu
trong Trung Ương Cục Miền Nam và những thành phần chưa là Cộng sản
như Nguyễn Hữu Thọ và nhất là Khmer Đỏ đã bắt đầu thanh trừng các
thành phần " thân CS BV ". Nhóm Pol Pot xích lại gần Trung Cộng và ly
khai Cộng sản VN mà trước đây Khmer Đỏ chỉ là một bộ phận trực thuộc
Trung Ương Cục R.
Chiến thắng trận ấp Bắc hay thảm bại trận ấp Bắc đều là khởi điểm cho 2
phe toan tính thay đổi sách lược nhằm mở rộng cuộc chiến tranh hay mưu
tìm một nền hòa bình cho Việt Nam.
Đầu năm 1963, cả hai miền Nam Bắc đều thắm mệt, đều nghĩ đến một nền
hòa bình cho quê hương , đều cố tạo điều kiện trao đổi và gặp gở ngõ hầu
thoát ra khỏi gọng kềm của ngoại bang đang đè nặng cả hai miền Nam Bắc
qua 2 hình thức : "Chống Quốc Tế Cộng Sản " của bên này, " Chống Đế
Quốc Tư Bản " của bên kia .
Hậu quả của trận ấp Bắc, đối với ngoại bang trợ lực hoàn toàn khác với
cái nhìn của VNCH và CS Bắc Việt . Hoa Kỳ yểm trợ và cố vấn VNCH.
CS Bắc Việt thì được trợ lực và chỉ đạo bởi Trung Cộng và Liên Sô.
Nhưng, Trung Cộng và Liên Sô không cùng một chiến lược trù định cho
Đông Dương .
Đằng khác, xuyên qua trận ấp Bắc, càng về lâu về dài, MTGPMN sẽ
thoát khỏi tầm tay giựt dây điều khiển của CS Bắc Việt. Mưu toan của
Trung Cộng mãi cho đến ngày 30.04.1975 là chủ trương ngắt Miền Nam
VN thành hai, vùng I & II ( VNCH ) tức là liên khu 5,6 và một phần liên
khu 7( CSVN ) để thành lập lãnh thổ cho MTGPMN vì Trung Cộng đang
từng bước cố nắm được quyền chỉ đạo MTGPMN.
Thực hiện được toan tính này Việt Nam chia thành 3 :
1/ Bắc Việt tay sai Liên Sô.
2/ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam / MTGPMN( vùng I &II ) chư hầu TC.
3/ VNCH ( vùng III & IV ) ảnh hưởng Hoa Kỳ ( hoặc Pháp thay thế )
Trung Cộng không chấp nhận Việt Nam thống nhất và lệ thuộc Liên Sô,
cho nên muốn tạo trái độn chắn giửa hai miền Nam Bắc VN với một chánh
quyền thân Trung Cộng, như thế ngăn chặn được làn sóng Đệ Tam Quốc
Tế Liên Sô qua tay CS Bắc Việt tràn xuống Đông Nam Á, cùng lúc phá vở
Liên Phòng Đông Nam Á, sách lược Domino của Hoa Kỳ và Đồng minh.
Sự thảm bại trong trận ấp Bắc tạo cho Hoa Kỳ mạnh dạn đặt điều kiện đổ
quân trực tiếp tham chiến vào VN. Bởi sự thảm bại trận ấp Bắc đã đủ lý
do để chánh quyền Ngô Đình Diệm không còn bào chữa khả năng thích
ứng của Quân Đội VNCH khi lâm trận địa chiến từ cấp Trung đoàn.
Mặc khác, việc đổ quân Mỹ vào VN còn có tác dụng đặt CS Bắc Việt
vào tư thế phải nhúng tay chính trị thật sự của mình để chỉ đạo MTGPMN,
đồng thời xua quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam để trực tiếp đối đầu chiến
tranh Đông Dương lần thứ 2. Mục tiêu tối hậu là dồn Trung Cộng và Liên
Sô vào bí thế, buộc phải cùng trợ lực CS Bắc Việt chống trả lại Hoa Kỳ
trong cuộc chiến tranh cục bộ này .
Đương thời, Hồ Chí Minh vẫn còn thực quyền lãnh đạo Miền Bắc, thuộc
hạ lúc bấy giờ phần đông đi vào con đường phục vụ Liên Sô. Cho nên,
trận ấp Bắc tạo tiếng vang cho MTGPMN, mở đường cho Trung Cộng lấn
sâu vào đầu nảo và chỉ đạo MT phục dịch cho mưu đồ chia 3 Việt Nam là
điều Hà Nội thẳng thừng không chấp nhận.
Để phá vỡ kế hoạch đem quân Hoa Kỳ vào Việt Nam, bẻ gảy tham vọng
của Trung Cộng vói tay vào bàn cờ Đông Dương, Hồ Chí Minh bèn gửi
vào Sài Gòn tặng Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cành Đào mang nhiều
ý nghĩa đồng tình.
Giáo sư Mieczlaw Maneli, Trưởng phái bộ Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế
Đình Chiến tại VN, ông thường đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn. Ông tiếp
xúc với các nhân vật chủ yếu của Nam Bắc từ Ngô Đình Nhu đến Phạm
Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp và Hà Văn Lâu ( Trưởng phái
đoàn VNDCCH cạnh Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ).
Tại SàiGòn, Ông Maneli lại thân thiết với Khâm sứ Tòa Thánh Vatican
Salvatore d'Asta, Đại sứ Italie Grovanni Orlandi, Đại sứ Goburdhum,
Trưởng phái bộ Ấn Độ Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ...
Giáo Sư Maneli trở thành sứ giả, con thoi giữa SàiGòn và Hà Nội và từ
đó được biết vào giữa năm 1962 và đầu năm 1963: Hồ Chí Minh sẳn sàng
thương thuyết với Chánh quyền Ngô Đình Diệm để trực tiếp giải quyết vấn
đề Nam Bắc Việt Nam.
Nhân dịp đầu xuân từ SàiGòn ra Hà Nội, Đại sứ Ấn Độ Goburdhum đến
thăm Chủ Tịch Hồ Chí Minh, họ Hồ vờ ngây thơ hỏi ở SàiGòn có gì lạ
không, lại còn hỏi thăm sức khỏe Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lúc Đại sứ
từ biệt ra về, Hồ Chí Minh ân cần dặn dò :
" Khi nào gặp Tổng Thống Diệm nhờ ông bắt tay ông Diệm dùm tôi ".
Cuối tháng 02.1963, Maneli đi Hà Nội mang theo " kế hoạch hòa bình "
của Pháp do Đại sứ Pháp Lalouette trao tay.
Tháng 04.1963, tình báo Trung Hoa Dân Quốc tiết lộ : qua sự trung gian
của Pháp, một cuộc gặp gở giữa Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Đặc sứ Hà
Nội tại một ngôi biệt thự ở Đà Lạt.
Trước đó lại có tin đồn một cuộc họp mật giữa Cố Vấn Ngô Đình Nhu
và Ủy Viên Bộ Chính Trị CSBV Phạm Hùng trong rừng lá Tánh Linh.
Theo Giáo Sư Maneli, trong chuyến đi Hà Nội gặp Phạm Văn Đồng và
Xuân Thủy thì 2 ngày sau Maneli được giới lãnh đạo Hà Nội chính thức
trả lời :
"Hồ Chủ Tịch đã tuyên bố từ lâu nay rằng, chính phủ sẵn sàng
vào bất cứ lúc nào công khai hay bí mật để bắt đầu thương thảo
giữa đôi bên "
Căn cứ vào tài liệu " War of the Vanquished " của Đại sứ Ba Lan Gs M.
Maneli cộng thêm tài liệu " Les deux guerres du Vietnam "của G.Chaffard,
đối chiếu thêm những thiên hồi ký của nhiều nhân vật trong cuộc và có
thẩm quyền thì cuộc thương thuyết dự định giữa hai miền Nam Bắc đã
thành sự thật, khởi đầu từ giữa năm 1962 ở Quai d'Orsay, Paris tức Trụ
sở Bộ Ngoại Giao Pháp.
Nguyên do, có lẽ Chủ Tịch Hồ Chí Minh sợ cái giây thòng lọng sẽ siết cổ
mình từ Bắc Kinh quăng tới, cùng lúc chuỗi giây xích cột chặt đôi chân già
của mình trì kéo gãy lọi bởi Mạc Tư Khoa, ngược lại Tổng Thống Ngô
Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu cũng đang khốn đốn, lo âu, hoảng
sợ trước áp lực Hoa Kỳ qua bóng dáng Sát thần CIA, chẳng khác gì đang
bị đẩy xô đến bờ hang sâu vực thẵm.
Lời cáo buộc của Tướng CIA Lansdale :
" Quả thực Ngô Đình Nhu chứ không phải Ông Diệm đã toan tính
thương thuyết với Hà Nội và đó là cuộc thương thuyết sẽ tệ nhất nếu
thành hình "
Hàm ý Hoa Kỳ không dung thứ, một khi chánh quyền của Gia đình Ngô
Đình Diệm ương ngạnh đi ngược lại chủ trương của Hoa Kỳ .
Cũng nên biết rằng Tướng CIA Lansdale, vị Tướng lãnh Hoa Kỳ đãm
nhiệm trách vụ trong thập niên 1950 là vun bồi , bảo trợ cho chế độ Ngô
Đình Diệm được đâm chồi nẩy lá đứng vửng tại Miền Nam với sự ủng hộ
cuồng nhiệt của 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư giữa 20 triệu đồng bào
miền Nam thật thà chất phác.
Tìm được thế dựa của Pháp với chủ trương" Trung Lập Hóa Đông Dương"
qua Đại sứ Lalouette. Tin tưởng vào sự trung thành của đa số Tướng lãnh,
Sĩ quan thân cận nắm giử quyền hành then chốt, từ đầu não Bộ Tổng
Tham Mưu, Tư lệnh các Quân đoàn, các Quân Binh Chủng cho đến tận
phạm vi Tiểu khu địa phương. Đoan chắc, Đảng Cần Lao Nhân Vị sau 9
năm gầy dựng đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ sẵn sàng hậu
thuẫn mình. Quyết đoán, hai triệu Đồng bào Thiên Chúa giáo Vatican là
một thực thể nhân dân bảo vệ và phòng ngự chính quyền Ngô Đình Diệm
bền vững trước mọi sóng gió chính trị bất cứ từ đâu đưa đến. Cho nên,
Cố Vấn Ngô Đình Nhu trở nên cứng rắn đối với Hoa Kỳ.
Thời gian trước, Ông Cố Vấn còn do dự khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm
phản đối Hoa Kỳ đề nghị đem quân chiến đấu vào Việt Nam thì nay Cố
Vấn Ngô Đình Nhu tán đồng và còn quyết liệt hơn .
Từ khi bang giao VNCH- Pháp được cải thiện, tình báo Pháp thường
xuyên liên lạc và thông báo những tin mật : Hoa kỳ đang toan tính lật đổ
chế độ Ngô Đình Diệm sau khi Tổng Thống Kennedy bổ nhiệm Ông
Henry Cabot Lodge làm Đại sứ Hoa Kỳ tại SàiGòn.
Tháng 05.1963, Cố Vấn Ngô Đình Nhu chống Hoa Kỳ quyết liệt hơn khi
tuyên bố với báo Washington Post, hãng thông tấn UPI và báo NewYork
Times, đại ý, VNCH muốn Hoa Kỳ rút bớt một số cố vấn quân sự :
" Ông không nghĩ rằng người Mỹ có cái khả năng cho người
Việt Nam chúng tôi những lời khuyên về chiến tranh cách mạng ".
Thâm thúy, Ông Nhu còn sâu xa hơn :
" Người Hoa Kỳ rất tiến bộ trong các lãnh vực như không gian, còn
những vấn đề nho nhỏ trên trái đất này, tôi nghĩ người Mỹ chẳng
hơn gì chúng tôi"
Áp lực của Hoa Kỳ đè nặng lênVNCH buộc Chánh quyền Ngô Đình
Diệm phải chấp nhận Hoa Kỳ đổ quân chiến đấu vào Việt Nam. Bởi vì,
thời gian 15 phút nghỉ giải lao sau hiệp đầu của trận đấu Túc cầu đã chấm
dứt. Có nghĩa là 9 năm sau Hiệp định Genève 1954, thời lượng để hai miền
Nam Bắc rèn quân chỉnh cán hoàn tất. Bây giờ là thời điểm khai mào cho
cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.
Cuộc chiến tranh cục bộ phải diễn ra trên đất nước Việt Nam nằm trong
chiến lược toàn cầu, bằng mọi cách Hoa Kỳ phải thực hiện cho kỳ được
để kết thúc cuộc " Chiến tranh Lạnh " trong chiến thắng !
Tháng 05.1963, tại Vũ Hán, Bộ Đối Ngoại Trung Cộng tổ chức một cuộc
họp quan trọng giữa hai Ban Lãnh Đạo Đảng CS Bắc Việt và Đảng CS
Trung Quốc.
Tài liệu CS lưu trữ còn ghi :
" Tại Vũ Hán năm 1963, ban lãnh đạo Trung Quốc thuyết phục ban
lãnh đạo Việt Nam chống Liên Sô và tham gia " Quốc Tế Mới " gồm
11 đảng Cộng Sản trên Thế giới do Bắc Kinh thành lập và chỉ huy.
Đặng Tiểu Bình hứa sẽ viện trợ cho CS Việt Nam 01 tỷ "Nhân dân tệ"
nếu CS Việt Nam không nhận viện trợ của Liên Sô. Mãi 15 năm sau
(1978), Hà Nội mới lên tiếng tố cáo về sự kiện trên rằng : " Trong
thời kỳ 1954-1964, vì lợi ích dân tộc ích kỷ của họ, vì đánh giá quá
cao Đế Quốc Mỹ và sợ Mỹ, Mao Trạch Đông và đồng bọn đã nhiều
lần ngăn cản ta đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chống Đế
Quốc Mỹ. Trên thực tế, họ ép ta phải nhận sự chia cắt đất nước.
Đồng thời, lúc đó, Đặng Tiểu Bình đang giử chức Tổng Bí Thư Đảng
CSTQ còn thòng thêm một câu hăm dọa :
" Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả
năng : một là thắng và một khả năng nữa mất cã Miền Bắc ".
Ba áp lực nặng nề đè xuống hai miền Nam Bắc :
1/ Áp lực Hoa Kỳ trói buộc Miền Nam.
2/ Áp lực Liên Sô và Trung Cộng đối chọi nhau để khống chế Miền Bắc.
Đó chính là "căn nguyên "mà cả hai Miền Nam Bắc tìm kiếm và tạo dựng
lại điểm chính trị đồng quy hợp lý thuận tình dân tộc.
Chủ trương tách rời khỏi qũy đạo Hoa Kỳ của Cố Vấn Ngô Đình Nhu
cũng phải được dọ ý qua Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Khâm Sứ
Tòa Thánh Vatican ngài Salvatore d'Asta. Có nghĩa là Đức Giáo Hoàng
Paul VI không hề thống trách phương sách thương thuyết với Cộng Sản
Bắc Việt của Gia đình Tổng Thống Ngô Dình Diệm, một Thế gia vọng tộc
Thiên Chúa giáo Vatican ngoan đạo lâu đời.
Kinh nghiệm thỏa hiệp Quốc Cộng 1945 vẫn còn in dấu, hẳn nhiên Ông
Cố Vấn Ngô Đình Nhu không thể nào quên. Nhưng, chính quyền VNCH
hiện hữu không phải hình thành từ sự phối hợp của các đảng phái Quốc gia
mà thật sự được tạo dựng từ Hoa Kỳ và Tòa Thánh Vatican qua sách lược
Domino nhằm thành lập một tiền đồn chống Cộng Sản tại Miền Nam VN.
Sự sắp xếp lại đội ngũ, chiến thuật, trong thời gian 15 phút nghĩ giải lao
trước khi tiếp tục hiệp nhì của trận túc cầu hoàn toàn do quyết định của
Huấn luyện viên.
Cũng như chuyển đổi " Quốc Gia Việt Nam " thành VNCH, thay thế Quốc
Trưởng ( cựu Hoàng Đế ) Bảo Đại bằng Tổng Thống ( cựu Thượng Thư )
Ngô Đình Diệm, gián tiếp hay trực tiếp phải có ưng thuận hổ trợ của Đồng
minh Hoa Kỳ.
Trên bốn vùng chiến thuật VNCH, màn lưới CIA đặt dầy dặt khắp mọi nơi,
nên hành vi toan tính phản bội của Chánh quyền Ngô Đình Diệm nhất là
mọi cử động của Cố Vấn Ngô Đình Nhu Hoa Kỳ đều biết rõ.
Thể diện một Đại Siêu Cường, Hoa Kỳ không thể đột ngột, thẳng thừng
lật đổ Chế độ Ngô Đình Diệm bằng lý do đơn thuần mù mờ : Toa rập với
Cộng Sản BắcViệt trù tính việc hiệp thương hai miền Nam Bắc, phản bội
lại chính sách của Hoa Kỳ.
Hành động như thế sẽ gặp phản ứng đối kháng của những thành phần ủng
hộ chánh quyền gia đình Ngô đình Diệm, nhất là thực thể chính trị lớn mạnh
của hơn 2 triệu đồng bào Thiên Chúa giáo Vatican sẽ gây bất lợi cho Hoa
Kỳ. Khi mà, Hoa Kỳ cần thiết về lâu về dài sự hợp tác của thực lực Tôn
giáo này trong trận chiến Đông Dương lần thứ hai.
Không phải ngẩu nhiên xảy ra vấn đề cấm treo cờ Phật giáo vào ngày lễ
Phật đản tại Huế. Không phải vô tình vô ý chế độ Ngô Đình Diệm thiếu
tinh tế chính trị để cho phong trào đấu tranh Phật giáo bùng nổ khắp toàn
quốc, ngay thời điểm toan tính hiệp thương giữa Cố Vấn Ngô Đình Nhu
và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chín mùi, hẳn nhiên phải hiểu sự việc trên do
bàn tay lông lá chủ động để chuyển biến thế cờ .
Điều cần ghi nhận, nếu Thượng tọa Trí Quang là cán bộ Cộng sản BV thì
tại sao ở giai đoạn này, Thượng tọa không tìm phương cách giải quyết ổn
thỏa Phong trào Phật giáo với Chánh quyền Ngô Đình Diệm. Vì như thế sẽ
tạo điều kiện thuận lợi để Chủ tịch Cộng sản BV Hồ Chí Minh dể dàng
tiến hành chuyện hiệp thương với VNCH.
Đứng trước thực trạng nghiêm trọng do bàn tay CIA tạo ra để có lý do
chánh đáng xúi dục Quân đội VNCH lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
bẻ gãy mưu toan tống xuất thế lực ngoại bang ra khỏi VN nhằm tiến tới
thỏa hiệp hai miền Nam Bắc, thực hiện đúng đòi hỏi của Hà Nội từ 9 năm
qua. Ngược lại, vai trò của Thượng Tọa Trí Quang hầu như tiếp tay, tiếp
sức cho Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge. Hệ thống truyền thông Mỹ
đồng loạt tuyên truyền tạo căm phẩn sâu đậm trong chánh giới và công luận
Hoa Kỳ về tình trạng kỳ thị và đàn áp Phật giáo của Chánh quyền Gia đình
Ngô Đình Diệm, một thế gia vọng tộc Thiên Chúa giáo Vatican.
Từ thời Pháp thuộc đến Đệ nhất VNCH, Phật giáo không thụ đắc đúng vai
trò của một tôn giáo gắn liền với Tổ quốc Dân tộc gần 2000 năm qua,có
80% tín đồ trong quần chúng, bị kìm hãm và chi phối bất công bởi Dụ số10,
phong tỏa Phật giáo trong quy chế giới hạn của hiệp hội tương tế. Chánh
quyền thuộc địa với sự hợp tác thủy chung của những quan chức Nam
Triều, phần đông là tín đồ Thiên Chúa giáo Vatican thuần hành đã đè nén
Phật giáo vào thế im hơi lặng tiếng, bất động trước thảm cảnh nước mất
nhà tan gây ra bởi thế lực cường quyền quốc tế.
Sự đối xử bất công,chèn ép Phật giáo vẫn tiếp tục dưới thời Đệ nhất Việt
Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm.
Hệ thống tình báo CIA Hoa Kỳ đã từ lâu nghiên cứu và trù liệu " Lá bài
Phật giáo " và chưa từng dịp sử dụng từ đầu thập niên 1950 đến nay.
Cho nên, khi CIA Hoa Kỳ đưa " Lá bài Phật giáo " ra trong thời điểm này
thật là ngoạn mục, hổ trợ bởi lực lượng truyền thông báo chí quốc tế thần
sầu quỷ khóc, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Gia đình bị Công luận Thế
giới và Hoa Kỳ kết án kỳ thị , tàn ác, trắng trợn đàn áp Phật giáo đồ.
Hoa Kỳ đã tạo dựng điều kiện ắt có và đủ để danh chánh ngôn thuận hạ
lệnh cho Quân đội VNCH dưới quyền điều khiển của các Tướng lãnh liên
hệ, thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Chánh quyền Gia đình Tổng Thống
Ngô Đình Diệm.
" Lá bài Phật giáo ", Hoa Kỳ tung ra bằng chưởng lực thâm hậu của Đại
Siêu Cường Quốc đốn ngã Đệ Nhất VNCH của Tổng Thống Ngô Đình
Diệm, bóp chết trong trứng nước mưu đồ thỏa hiệp Nam Bắc giữa Cố vấn
Ngô Đình Nhu và Chủ tịch CS Bắc Việt Hồ Chí Minh, đồng thời ung dung
đưa Việt Nam đi vào Bát quái trận đồ máu lửa Đông Dương lần thứ hai !
Anh-Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.