Huỳnh Hữu Võ - Hãy trả lại thơ cho tôi
Ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi ngoài sáu mươi tên Huỳnh Hữu Võ. Thơ Anh được nhiều Nhạc sĩ phổ nhạc nhưng ít ai nhớ đến bản quyền.
Năm 1993, trong cuộc thi thơ do tuần báo Văn Nghệ TPHCM tổ chức, Huỳnh Hữu Võ gây nên sự kiện thi ca thú vị: toàn quốc có 2.750 tác giả gửi 23.163 bài thơ dự thi, tỉnh Bình Thuận có 76 tác giả gửi 760 bài thơ và được chọn vào sơ chung khảo 16 bài, thì Huỳnh Hữu Võ đã chiếm 10 bài với 2 bút danh.
Tuy anh không được chấm giải vì vi phạm nội quy (?) nhưng nhiều bài thơ của anh đã được nhiều người làm thơ, các nhà phê bình và người đọc tán thưởng.
Trong 10 bài thơ năm đó, bài Nhịp Võng Đưa Tình của Huỳnh Hữu Võ làm theo thể lục bát là một trong ít thơ lục bát hay còn đọng lại trong lòng người yêu thơ.
Bài thơ này về sau được nhiều Nhạc sĩ phổ nhạc, chắp cánh cho lời thơ bay xa nhưng trên bìa nhiều băng đĩa chỉ giới thiệu tên nhạc sĩ, còn phần lời không thấy tên nhà thơ.
Không có tên, tất nhiên không có… tiền tác quyền tuy có hơn 20 băng đĩa nhạc sử dụng các bản nhạc phổ thơ Huỳnh Hữu Võ trong mấy năm qua (không tính băng đĩa sản xuất ở hải ngoại đều không giới thiệu tác giả phần lời).
Chỉ có nhạc sĩ Vũ Hoàng, người phổ các bài thơ Giọt buồn, Đà Lạt Em Và Anh có ghé Phan Rí Cửa thăm Huỳnh Hữu Võ 2 lần và đưa cho anh 400.000 đồng gọi là nhuận bút thơ. Còn Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả có chuyển cho anh 81.000 đồng mà trung tâm thu được từ một băng đĩa karaoke.
Hiện tại nhà thơ Huỳnh Hữu Võ rất nghèo, vợ chồng Anh sống nhờ trong một ngôi chùa và kiếm sống bằng xe bánh mì. Anh lại mắc bệnh tim nặng, có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Tất nhiên anh làm thơ không phải để kiếm tiền… mua bánh mì hay mua thuốc trị bệnh. Anh chỉ muốn thơ của anh hãy trả lại cho anh.
Anh tâm sự : “Các nhạc sĩ đã thổi vào thơ tôi chút nồng nàn, lung linh cho lời thơ bay cao bay xa, nhưng hãy vui lòng cho nhà thơ được đứng tên chung với Nhạc sĩ”.
(Theo_VnMedia)
Email của nhà thơ Huỳnh Hữu Võ: huynhhuuvo@gmail.com
Tình Thân,
Kính.
NNS
.....................................................................
Thơ:
Huỳnh Hữu Võ
Phan Rí vào hạ
Đón em về với phố chiều
Tiếng ve mùa hạ như dìu dặt thêm
Tiếng ve cùng với tiếng em
Làm cho đường phố như mềm mại ra
Nỗi nhớ quê
Bao năm cơm áo Sài Gòn
Nghe bầm dập nhớ nghe mòn mỏi trông
Nghe khao khát khói đốt đồng
Nghe rưng rức tiếng chim còng cọc kêu
Góp nhặt nụ cười
Tôi về cho kịp mùa mưa
Để coi con nít nó đùa chơi thôi
May ra nhặt được nụ cười
Mà từ lâu đã đánh rơi dọc đường…
Ngày trở lại Phan Rí
Tôi về Phan Rí qua vườn táo
Cắn trái vàng thơm ngọt đượm tình
Cắn trái xanh chua lòng thiếu nữ
Men đời còn xanh trên lá xanh
Lưu lạc bao năm lòng vẫn nhớ
Mái nhà khóm táo của ngày xưa
Ở đây gió cát như dòng chảy
Đời lún sâu khi biển mất mùa
Tôi về Phan Rí đi xe ngựa
Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm
Chiêm nữ đội vò đi lấy nước
Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông
Như có chút gì còn sót lại
Một thời hưng thịnh thuở vàng son
Tôi thấy hình như trong đáy mắt
Chiêm nữ còn in nét tủi hờn
Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ
Qua dòng sông Luỹ lặng lờ trôi
Bèo mây có lúc tan rồi hợp
Tôi lại về đây lúc nửa đời
Bên kia một dãy đồi Xích Thố
Đồi đứng mà như ngựa ruổi rong
Phải chăng xưa đó là trận mạc
Nên cát đồi trăng cứ đỏ hồng.
Tháng giêng ngồi giỡn bóng mình
Tháng Giêng gió thổi mù như khói
Qua cầu giỡn bóng với sông sâu
Nước đục hay lòng ta vẩn đục
Từ nguồn xuôi hay lúc chảy qua cầu
Cá thường quẫy đuôi không đớp bóng
Sợ nhằm hơi hướng đắng cay mà
Có lẽ đầu nguồn nhiều bến cạn
Ngày ngày Chiêm nữ vén chân qua
Ta giỡn bóng mình trong dòng nước
(Nước đục đôi khi cũng đói cò)
Thương nửa cuộc đời ta lận đận
Nên thân cầu khép nép đứng buồn xo
Ở đâu cũng có tháng giêng hồng
Ở đâu cũng có những dòng sông
Phải chăng đời sống không là một
Nên dù ta có cũng như không
Trên cầu không có người qua lại
Chỉ in bóng nước một mình ta
Mấy cụm mây trời trôi lãng đãng
Và một vầng trăng đã xế tà.
.....................................................................
Source Nguyen Nam Son - Lá Thư Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.