Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tình Cha ...

Tình cha bao la
Thương con héo hon
Từng ngày hao gầy
Mong chờ thẫn thờ
Nỗi nhớ trắc trở
Niềm thương đoạn trường
Con ơi! Lệ rơi ...

Tặng M, một người bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

***

Sau gần 1 năm từ khi câu "chuyện đời" xảy ra, M bạn tôi vì quá buồn sau vụ đổ vỡ nên chẳng thiết tha gì đến những thú vui ngày xưa. Mãi đến cuối tuần rồi lần đầu tiên hai thằng mới được cùng nhau "giăng buồm ra khơi" (lái tàu đi câu). Tôi vui lắm vì: thứ nhất lâu quá chưa gặp M để tâm sự "loài cua bể"; thứ hai là nỗi ghiền đi câu ray rứt trong lòng; thứ 3 là chỉ mới chuyến ra quân đầu tiên mà đã chiến thắng vẻ vang với 4 chú snappers lần lượt được đem lên tàu. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng buồn không kém vì nhìn gương mặt M tôi có thể nhận ra nỗi buồn sâu kín đang ẩn khuất.

Hôm thứ Bảy, nhóm đi câu có 3 thằng lâu lắm mới gặp nhau nên nói toàn chuyện vui, sẵn dịp M cũng kể cho tụi tôi nghe chuyện bạn gái mới của M & chuyện cô nàng muốn bàn đến chuyện cưới hỏi nhưng M thì chưa sẵn sàng. Đến hôm Chủ Nhật chỉ còn hai thằng ra khơi, ngồi cả đêm không có con cá nào đến hỏi thăm nên M tâm sự với tôi nhiều hơn. Qua những lời tâm sự của M tôi càng hiểu thêm tấm lòng một người cha với con của mình. Có lẽ theo tôi, vì tình thương & nỗi ưu tư đến mấy đứa con mà M chẳng còn tâm trí gì cho mối tình đến sau này.

Vì quá tin vào cô vợ trước nên khi bị "tống" ra khỏi nhà M đúng nghĩa chỉ còn "trên răng dưới ...". May mắn có nhà đứa em trai để ở tạm nhưng dĩ nhiên là không tiện cho 3 đứa nhỏ mỗi khi đến lượt của M được quyền chăm sóc. Giữa đêm khuya sóng vỗ rì rào, trời không 1 vì sao có lẽ vì trời cũng chia sẻ nỗi niềm của M, M tâm sự với tôi M chỉ ước chi có 1 căn nhà để có thể chăm sóc 3 đứa con. M rất lo cho tương lai 3 đứa nhỏ vì cách sống của mẹ chúng & sự chung sống của chúng với ông "dượng" mới.

Theo lời M kể, ông dượng này tuy mới về chung sống không lâu nhưng đã tặng cho thằng con trai cưng của M một trận, khi M nghe được máu nóng bừng bừng nổi lên, mặc dầu vẫn còn đang phải hầu toà nhưng M đã dí lão dượng này chạy sút cả quần. Lão này cũng khôn lắm lắm, sau khi bị M dí (bằng xe) chạy vòng vòng, lão chạy ngay vào đồn cảnh sát thế là cuộc rượt đuổi kết thúc. Thế mới thấy tình cha (của M) bao la với con cái ra sao, khi bị vợ vu khống tống ra khỏi nhà cũng nhịn được, khi biết lão dượng này đã xen vào phá hạnh phúc gia đình vẫn nhịn được nhưng khi thằng con bị lão dượng cho ăn đòn thì không thể nào bỏ qua.

Nỗi ước mơ có một căn nhà để chăm sóc 3 đứa con nghe chừng đơn giản nhưng không dễ chút nào, khi hơn 1 phần 3 lương của M đã được đưa vào child support, khi M chẳng có tiền để đặt cọc thì làm sao mượn tiền nhà bank.  M tâm sự với tôi, mỗi lần 3 đứa nhỏ gặp M nó theo M suốt cả ngày không rời nửa bước. Có lẽ chúng đã bị lạc lõng khi sống với mẹ chúng và bố dượng . Mỗi lần đưa con về giao cho mẹ chúng lòng M như tan nát. M nói với tôi, M phải cố hết sức mua một căn nhà để một ngày nào đó đưa 3 đứa con về với M kẻo không biết tương lai chúng sẽ đi về đâu.


Nghe chuyện của M tôi không khỏi não lòng. Không phải ngẫu nhiên mà trong văn chương VN có bao nhiêu tác phẩm đề tài ca ngợi tình mẫu tử, con số này lớn hơn nhiều so với những đề tài về tình cha con. Có phải chăng ngàn đời nay người mẹ vẫn là người gần gũi với con cái hơn cha của chúng. Có lẽ tôi đã quen với tư tưởng ấy nên thấy khó "nuốt" khi nghe câu chuyện của M.

***

Tôi có một anh bạn, anh vẫn thường tâm sự với tôi về nỗi buồn "sâu kín" của anh. Gia đình anh nhìn bề ngoài vẫn hạnh phúc nhưng anh & vợ anh quá khác biệt về tư tưởng sống. Đối với anh con cái phải là ưu tiên hàng đầu, dĩ nhiên vợ anh cũng như bao người mẹ bình thường khác ai mà chắng có tình mẫu tử. Tuy nhiên đối với anh, tình thương phải có sư hy sinh, anh cho một vài ví dụ đơn giản như:

- Mình có thể thức khuya thêm nửa tiếng để xem phim đọc sách v.v. nhưng mình cũng có thể hy sinh để thức dậy sớm hơn bằng đó thời gian để lo cho con ăn sáng & không để chúng đến trường với cái bụng rỗng

- Mình có thể ngồi cà kê nói dóc thêm 1-2 tiếng ở nhà quen nào đó cho thoả mãn, nhưng mình cũng có thể hy sinh bằng khoảng thời gian đó để đưa con về nhà ngủ không quá trễ để ngày hôm sau chúng không mệt mỏi ở trường

- Mình có thể thích nấu những món ăn theo ý của mình nhưng mình có thể hy sinh (không nấu những món này) vì nghĩ rằng nó không tốt cho sức khỏe của con mình

- Mình có thể mỗi năm không đi chơi đâu cả để tiết kiệm thêm vài ngàn đô, nhưng nếu mình có khả năng mình có thể cố gắng đưa con đi chơi đâu đó mỗi năm 1 lần để chúng được vui vẻ & có những kỷ niệm gia đình, nhất là mai kia khi chúng không còn sống với mình nữa

- Mình có thể không thích đi chỗ này đến chỗ kia, nhưng mình có thể hy sinh vì biết con mình sẽ vui khi chúng đến đó ... v.v.

Đó là những việc mà anh bạn tôi ước mong nghe chừng đơn giản nhưng theo anh, đôi khi anh quá mệt mỏi để "đấu tranh" cho những ước mong này. Cũng theo anh kể, gia đình anh từ 2 bàn tay trắng như bao người Việt tỵ nạn khác, qua bao năm làm lụng, dành dụm từ từ mua 1 căn, rồi 2 căn nhà. Nhưng càng mua nhà, số nợ nhà bank càng lớn hơn thì vợ anh càng đắn đo tiền bạc. Đối với anh, đành rằng ai cũng cố gắng cho tương lai, nhưng hiện tại cũng không kém quan trọng. Anh tâm sự, theo lẽ thường mỗi khi chuẩn bị đi holiday, đáng lẽ cả nhà phải vui, trong khi nhà anh có những lúc không khí nặng nề vì "cuộc chiến" căng thẳng giữa một bên muốn để dành tiền & một bên muốn đi holiday. Mỗi lần như vậy lòng anh nặng trĩu, lúc con anh còn nhỏ còn dấu chúng được, bây giờ chúng đã hiểu biết nên đôi lúc sảy ra "chiến tranh" thay vì vui được đi holiday chúng cũng buồn lây ...

Nghe những lời tâm sự của anh, lòng tôi cũng cảm thấy nặng trĩu - biết nói sao đây, mỗi nhà một cảnh ....

Ngạn ngữ Anh có câu "Past is history, Future is mystery and Today (present) is a gift". Kinh Công Giáo, Phật Giáo cũng dạy những điều tương tự, phải chăng thế gian vẫn còn nhiều người "khôn nhưng chưa ngoan" (smart but not wise).

***

Để kết thúc câu chuyện, tôi xin kể một câu chuyện của chính con gái tôi. Số là đầu tuần rồi tôi phải đi gặp bác sĩ, và trước khi đi tôi phải nhịn ăn nên con gái tôi hỏi tôi:
- Sao Ba hôm nay không ăn ?

Tôi trả lời:
- Ba phải gặp bác sĩ ngày mai nên không ăn được

Nó hỏi:
- Tại sao Ba phải gặp bác sĩ ?

Tôi trả lời:
- À bụng Ba bị đau

Nó nói:
- Uhm thế Ba vừa đau vừa đói chắc Ba mệt lắm hả ?

Tôi đùa:
- Ba không sao, I am very strong, you see :)

Nó lại nói:
- Ngày mai đi bác sĩ về ba nhớ đến trường đón con liền nghe

Nó hướng dẫn thêm:
- Ba có thể đón con bất cứ lúc nào, ngay cả lúc con còn đang học, vì nhà trường cho làm như vậy

Tôi nghĩ thầm, cô này lại muốn về sớm để chơi game đây (vì nàng vừa có cái touchpad).

Ngày hôm sau, sau khi đi bác sĩ về tôi hơi mệt nên về nhà một lúc rồi mới ghé đến after school care để đón con gái. Vừa nhìn thấy tôi, nó đã chạy vội ôm chầm lấy tôi mắt rơm rớm & trách:

- Sao Ba không đón con sớm hơn ?

Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ hơi lạ của con gái tôi, cho đến khi tôi vào trong văn phòng (con gái tôi vẫn ôm cứng lấy một chân của tôi) để ký tên, cô giữ trẻ mới kể cho tôi biết, con gái tôi từ lúc tan trường sang nhà trẻ (after school) lúc nào nó cũng lo âu cho tôi, không biết tôi đi bác sĩ bây giờ ra sao. Cả buổi nó thẫn thờ, lâu lâu lại rầu rĩ nói với cô giữ trẻ:

- Không biết bây giờ bụng Ba con còn đau không ? Không biết Ba con đi bác sĩ có sao không mà sao bây giờ vẫn chưa thấy về ?

Tôi nghe xong không cầm được nước mắt vội quay đi để khỏi xấu hổ với cô giáo giữ trẻ. Lòng tôi những ân hận vì đã hiểu lầm lý do tại sao con gái tôi muốn tôi đến đón nó sớm . Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của M & câu chuyện của anh bạn, tôi nhủ thầm "Giả sử con tôi muốn đi holiday mà vợ tôi tiếc tiền không đi thì tôi chắc chắn để vợ ở nhà và đi với con, dẫu chẳng vui gì nhưng tôi thà hy sinh ..."


Làng Nam
10/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.