Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Tế Nhị, một tác giả lớn trong làng thơ trào lộng Miền Nam VN

TẾ NHỊ [1907 – 1986]


Nhà thơ Tế Nhị tên thật là Lê Văn Chính, sinh ngày 15/3/1907 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho. Khoảng thập niên 1930, ông sang Campuchia lập nghiệp, làm nhân viên Tòa Công Sứ Pháp ở Nam Vang. Đến năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông rời Camphuchia về sinh sống tại làng cũ. Nhưng vì tình hình nông thôn bất ổn nên ông lại đưa gia đình tản cư lên Sài Gòn, làm công chức phục vụ Chính Phủ Việt Nam. Về hưu năm 1962. Cư ngụ tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, Sài Gòn.

Ông ở lại Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư 1975. Và mất tại đây ngày 9 tháng 3 năm 1986. Thọ 80 tuổi.

Tế Nhị là một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ 20 vừa qua. Thơ ông đượm màu sắc trào lộng dí dỏm với những nhận xét rất tinh tế, chan chứa tình người, phản ảnh trung thực bộ mặt xã hội.

Hầu hết những bài thơ dưới đây của Tế Nhị được trích từ tác phẩm THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA THI SĨ TẾ NHỊ do Thừa Phong và Lê Thanh Phong sưu tập và xuất bản năm 1996 tại Hải Ngoại.

[Hồ Công Tâm – August 1st 2006]

TRÍCH THƠ TẾ NHỊ

- 1 -

Không tựa

Trăng khuyết mười hôm lại thấy tròn

Mình chưa tám chục sạch mầm non

Lem nhem mắt phượng nhìn hoa héo

Lận đận chân cheo trợt lối mòn

Giận chó mắng mèo thương mụ vợ

Lìa nhà xa xứ tội thằng con

Bịt mồm chửi khẽ vào đêm vắng

Lại sợ già nua dở chịu đòn

[1984]

- 2 -

Lo xa

Mới bốn giờ khuya thức dậy ho

Tự mình kiểm thảo bụng đâm lo

Lo từ tháng trước thân tê bại

Lo mấy hôm nay mắt tối mò

Lo Thái Bình Dương giờ sóng gió

Lo Liên Hiệp Quốc chuyện dằng co

Lo đầu thế kỷ hai mươi mốt

Ta chết, còn ai để móc lò?

- 3 -

Quý Hợi cảm đề

Dù muốn dù không chuyện đã rồi

Mũi phàm rán chịu đựng mùi hôi

Mậu Thân năm ấy bồ ra mặt

Quý Hợi giờ đây tớ liếm môi

Chén đắng trên tay mòn mỏi cạn

Đêm dài trước mặt lạnh lùng trôi

Hơn gì đứa bé sơ sinh nhỉ

Tự hãm mình trong một chiếc nôi!

[30.3.1983]

- 4 -

Thua bạc

Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào

Ăn làm sao lại nói làm sao ?

Dằn lòng cảm thấy lòng chua chát

Cất tiếng nghe như tiếng nghẹn ngào

Những tưởng rằng mình con bạc giỏi

Nào ngờ chính nó nước bài cao

Phủi tay đứng dậy, thôi đành vậy

Sông núi còn đây, mất mát nào ?

[1976]

- 5 -

Coi chừng chó dữ

Độ trước Sài Gòn khắp đó đây

“Coi chừng chó dữ!” bảng treo đầy

Giờ thương ông chủ buồn trăm chuyện

Khi thấy thằng Bờm hách một cây!

Ngồi được đầu voi, quên chuyện chó

Trông vào cái dở kiếm điều hay

Bà ôm bó củi nhìn ông hỏi:

- Tôi dại hay khôn trước cảnh này?

[1977]

- 6 -

Đùa Ông Táo

Đùa cợt vô tình chạm Táo Quân

Phản công ông ấy chọi ba vần

Được làm Vua Bếp, thua làm giặc

Túng bán lò ga, kẹt bán quần

Thuở trước ta còn tin Thượng Đế

Giờ đây bay cũng nhiễm Vô Thần

Đầu năm Tân Dậu ta từ chức

Non nước hưng vong lão cóc cần!

- 7 -

Cợt với Ma (Femme)

Củ rủ ngồi như chó giữ nhà

Nhà còn chi nữa, ngoại trừ ta ?

Mấy năm tọa thực tiền không cánh

Một cuộc tang thương chuyện quá đà

Tủ kính âm thầm đi chẳng hẹn

Bàn thờ nấn ná ở … may ra

Thần tài đã ký tờ ly dị

Thì tớ làm thơ cợt với Ma …

- 8 -

Năm Mèo

Thằng tôi một vợ sợ năm Mèo

Chỉ nhớ chừng thôi dái cũng teo!

Ngả mũ chào thua quên mất hết

Ra đường gặp gái bổ nhào theo

Chua cay làng tếu đùa dư sức

Thắng bại sân đời vật mấy keo

Ất Mão quều quáo chờ vận hội

Đinh Mùi six neuf cóc lo nghèo

[1976]

- 9 -

Mao Trạch Đông

Vạn lý trường chinh hách một thời

Đấu tranh giai cấp phất cờ chơi

Tám trăm triệu lẻ xoay hồn nước

Sáu chục năm dư đọ sức trời

Đất động Đường Sơn dân chưa tỉnh (1)

Tang trùm Trung Quốc lệ còn rơi (2)

Xếp trang lịch sử oai hùng lại

Ôm cái trăm năm … bỗng bật cười!

[14.9.1976]

(1) Động đất ngày 28.7.1976

(2) Mao chết ngày 9.9.1976

- 10 -

Đặng Tiểu Bình

Len lỏi tìm nghe chuyện chính tình

Khách quan mà luận chuyện Giang Thanh

Ông chồng vĩ đại vừa an giấc

Bà vợ phong sương đã thọ hình

Triết thuyết vào sâu càng rắc rối

Lập trường có vững cũng rung rinh

Chẳng qua cái chết Mao đồng chí

Là dịp hồi sinh Đặng Tiểu Bình

[1976]

- 11 -

Tranh sống

Người ta đa số sống phây phây

Mười bạn tôi quen chín đứa gầy

Lúc trước thừa tiền chê phở Bắc

Giờ này thiếu gạo nhớ cờ Tây

Xôi dừa cháo đậu, hoan nghênh nó

Bít-tết ra-gu, vĩnh biệt mày!

Đói phải cần ăn cầu cái sống

Sống xem thằng khác chết càng hay!

[2.19.1976]

- 12 -

Rước ông bà

Chiều Ba Mươi Tết rước Ông Bà

Mình giả vờ quên, vợ nhắc ra

Bán chiếc đàn cò mua khứa cá

Đem đôi hàm ếch đổi con gà

Cháu từ Đồng Tháp cho cân gạo

Bạn ở Cao Nguyên tặng gói trà

Chợt nhớ bàn thờ đi tháng trước

Thôi đành lễ bái trước hàng ba!

[1978]

- 13 -

Viếng bạn già

Xách gậy đi thăm mấy bạn già

Vợ chồng anh ấy đói như ma

Bà bươi mô rác tìm que củi

Ông dạo bờ ao nhặt trái cà

Hai cháu mình trần rình bắt nhái

Một con chó ghẻ ngủ trông nhà

Gặp nhau chủ khách òa lên khóc

Tâm sự ngàn đời khó nói ra

[1978]

- 14 -

Vào cửa tử

Mạc Đĩnh Chi không có chỗ nằm

Đưa nhau tìm mảnh đất xa xăm

Vào lò hỏa táng thương hài cốt

Theo ngọn triều dâng bặt tiếng tăm

Chết phải lo chôn là đủ khổ

Chôn mà chưa chết lại càng căm

Biết rằng cuộc sống giờ bê bối

Sao chẳng cười to, lại khóc thầm?

[1984]

- 15 -

Xuân hài hước (I)

Gà mừng Tân Hợi gáy vang rân

Được đọc lời thơ tặng “quả nhân”

Mới biết Đường Th còn bảnh tẻng

Thì ta trào lộng chửa cù lần

Vỗ tay đốt pháo ba ngày Tết

Bôi nhọ lên tường một chữ Xuân

Bắt gặp Táo Quân ngồi xó bếp

Cái lưng không áo, đít không quần

- 16 -

Xuân hài hước (II)

Nàng về … thăm mảnh đất Quê Hương

Mây vén màn tơ, gió đón đường

Oanh cất tiếng chào vang dặm liễu

Hoa nghiêng mình đón trĩu cành sương

Tranh hoa trúc viện treo vài bức

Thi khách thơ đề tặng mấy chương

Chợt một tiếng cười xen tiếng pháo

Nàng Xuân xuất hiện, ốm… lòi xương!

[5.2.1981]

- 17 -

Không tựa

Mọi việc gia đình chuẩn bị xong

Giờ này nhất định tới phiên ông

Ta đi bất chấp đời mưa gió

Ai ở lo giùm chuyện núi sông

Nhớ lại bạn bè còn tiếc mãi

Để xem em út có buồn không?

Thênh thang trước mặt đường vô định

Tìm đến non Vu hoặc đảo Bồng

[1983]

- 18 -

Muốn để râu

Chẳng sợ đời ban một chữ D…

Sợ cằm tua tủa mép lê thê

Gái phô bộ ngực trông ra phết

Già thiếu hàm râu kể cũng ê

Họ đếch ra hồn nên chúng mỉa

Mình đừng xấu máu có ai chê ?

Năm nay để thử vài ba sợi

Không giống Quan Công cũng giống hề

- 19 -

Đổi tên đường

Tên đường độ trước “Võ Di Nguy”

“Nguyễn Kiệm” vừa rồi bảng mới ghi

Thành tích hẳn hoi tay độc đáo

Tác phong âu cũng hạng gan lì

Phố lầu phố trệt tràn ra đấy

Xe buýt xe lam chả thiếu gì

Hân hạnh chào mừng đòng chí Nguyễn

Họ Hồ chắc tớ bỏ nhà đi!

[12.1985]

- 20 -

Ngừa gian

Tuổi đời chồng chất tháng năm qua

Bỏ cái xuân xanh chụp cái già

Góp mặt Đinh Mùi tìm lẽ sống

Theo chân Giáp Tý kiếm đường ra

Buồn vui chia sẻ ta cùng bạn

Hay dở xin nhường Mỹ với Nga

Việc lớn có thừa tay giữ nước

Ngừa gian ta thủ gậy coi nhà

[31.8.1984]

- 21 -

Giấy mời

Thích nhất là khi được giấy mời

Tự nhà Bưu Điện đến nhà tôi

Nếu không bồ bịch ba con quý

Thì của anh em bốn góc trời

Phí tổn trăm đồng không đến nỗi

Thuốc men vài món sống cầm hơi

Đời cười ăn cắp, chê ăn trộm

Mình lại … enfin giống mọi người

[1983]

- 22 -

Chủ chứa

Tạm ngưng sát phạt để mừng xuân

Canh lụn dầu hao, túi cạn dần

Mỹ bảo: Thành công trừ xích quỷ

Bác khoe: Cứu nước đuổi hung thần

Quốc gia đả phá mê hồn trận

Việt Cộng chu toàn “giải phóng quân”

Rốt cuộc thua to là chủ chứa

Buồn cười chủ chứa lại là dân!

- 23 -

Ảo vọng

Xét ra ta cũng hết ngon lành

Tóc bạc xua dần mớ tuổi xanh

Viết lách lăng nhăng lời chẳng ổn

Nói năng lẩm cẩm ý không thành

Bắt bồ xã hội bàn giai cấp

Ôm cổ hung thần chửi chiến tranh

Nằm đợi thái bình mòn cả mắt

Xa gần máu vẫn nực mùi tanh

[1984]

- 24 -

Ngược dòng Tây Hớn

Mưa gió thời gian sạch oán cừu

Ngược dòng Tây Hớn phút vô ưu

Đào mồ cuốc mả không còn Hạng

Tranh bá đồ vương chẳng có Lưu

Hàn Tín cậy to công … bỏ mạng

Trương Lương nhờ sang trí… qua cầu

Trở về hiện tại thăm Hoa Việt

Đỏ rực biên thùy lửa chiến khu

- 25 -

Ngược dòng

Xét chuyện xưa và nghĩ chuyện nay

Mỗi tên là một “đấng ăn mày”

Tham danh trục lợi từng ra mặt

Giết bạn gieo thù chẳng nới tay

Khuấy nước tung lên mờ khói lửa

Chọc trời đổ xuống tối đêm ngày

Để rồi chung cuộc ôm nhau khóc

Ông viết thơ cười tặng chúng bay!

[17.8.1984]

- 26 -

Vô song đề

Thế là mất một tài hoa

Nạn nhân muô thuở Thanh Nga nửa đời

Bàn tay đẫm máu giấu rồi

Hậu trường ai khóc ai cười với ai ?

Kịch nghệ thi ca mấy nhịp cầu

Oanh vàng bút thépcảm thong nhau

Vang hai tiếng thét đời ra mộng

Dứt một đêm tàn biển hóa dâu

Khoác áo tài hoa xa vạn dặm

Đem vòng chiến thắng tặng ngàn sau

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Thề chẳng trăm năm thấy bạc đầu

Lại một trang đời, một tuổi xuân

Vũ trường ca nhạc khóc giai nhân

Một khi thế hệ mờ lương giác

Là bóng Thanh Nga quyện tử thần

Xao xuyến Hồ Thành đêm biến động

Ngẩn ngơ quần chúng phút phân tâm

Đông về, gió bấc mưa phùn hỡi

Bớt lạnh lùng cho ấm mộ phần!

[2.1978]

- 27 -

Chán mớ đời

Suốt một mùa xuân chó má này

Ngồi nhìn thiên hạ nhậu, mình say

Quà từ xa biếu vào tay hạm

Quán ở gần than: Hết thịt cầy!

Liếm mép nhớ chừng tô phở Bắc

Thẹn lòng tiếc rẻ món cờ Tây

Nàng Thơ ví chẳng nằm bên cạnh

Ta đã ngàn thu vĩnh biệt mày

[1982]

- 28 -

Chuyện kia

Xuân này tuổi mới bẩy mươi hai

Bỏ gậy thì trông cũng bảnh trai

Sau cặp kính râm ngời ánh mắt

Dưới đôi áo ấm nổi bờ vai

Bút còn dí dỏm gieo vần tếu

Chân vẫn thênh thang bước dặm dài

Ngoài cái hào hoa phong nhã ấy

Chuyện kia chắc chắn chẳng bằng ai

[1978]

- 29 -

Chịu chơi

Cũng muốn khoanh tay gác bút rồi

Nhưng đời đâu chịu để mình thôi

Khi nhà khảo cổ buôn nồi đất

Và bậc tôn sư bán chợ trời

Khi nữ danh ca rao bánh ngọt

Và nhà hội họa “sạc” bình hơi

Nghẹn ngào nhìn cảnh trâu hòa nhạc

Khi cóc bình thơ, khỉ dạy đời

[1976]

- 30 -

Xuân bảy mươi bốn tuổi

Năm mới càng gần, bạn cũ xa

Trong vòng lẩn quẩn thoát không ra

Ba phần thế kỷ cười bên cạnh

Một vũng tang thương lọt giữa nhà

Kệ sách ngàn đời cân mấy ký

Kinh Thi vài quyển dạy gì ta ?

Mặc cho Đông lạnh, Xuân tàn tạ

Thơ vượt thời gian đếch sợ già!

[1981]

- 31 -

Tết buồn

Ăn mừng một cái Tết kiêu sa

Làm thịt công hầu đãi bạn ta

Cột gỗ ngang tàng câu đối hách

Sân rêu ngạo nghễ cội mai già

Treo dây pháo chuột xin đừng đốt

Bày hộp xì gà cấm mở ra

Ly chén ngổn ngang trà rượu vắng

Buồn như dân có nước không nhà

[1980]

- 32 -

Đổi nghề

Đường luật từ lâu bất hợp thời

Mở Trường Minh Đạt cáp gà chơi

Thơ không xã hội không người đọc

Gà có ca-ry có dịp mời

Cần bánh mì ngon Phường Tổ cấp

Độn khoai lang ế bọn mình xơi

Giờ đây Lý Bạch hồi sinh thử

Chẳng marché noir cũng chợ trời

[1977]

- 33 -

Xuân vô duyên

Tuổi tác già nua gác bỏ ngoài

Xuân này nhắc lại chuyện thời trai:

Yến oanh lầu mộng từng quen lối

Hoa bút làng thơ cũng sánh vai

Tình bạn khắp ba miền mở rộng

Cái ta chưa một tiếng than dài

Trông gương mới biết mình lên lão

Cười chẳng ra hồn, cợt với ai!

[1977]

- 34 -

Miễn tặng quà cưới

“Tặng Quà Xin Miễn” thật không ngờ

Ta bực đàn anh, há chịu ngơ?

Viết séc, Nhà Băng không khứng trả

Mừng suông, các cháu lại làm lơ

Muốn cho máy lạnh, đông gần đến

Hỏi thử xe hơi, hãng dạy chờ

Tính quẩn tính quanh không tính nổi

Thôi đành bẽn lẽn tặng bài thơ!

[18.11.1977]

- 35 -

Khóc con KiKi

Ba năm làm vệ sĩ trông nhà

Canh gác đêm ngày bạn với ta

Cá thịt không dồi dào đúng lệ

Cơm canh cũng đắp đổi theo đà

Bỗng khoai lang củ vươn mình đến (1)

Thì số mệnh mày hết lối ra!

Chẳng nỡ đưa mi vào quán nhậu

Thôi đành gởi xác bãi tha ma!

[1978]

(1) Lúc Cộng Sản mới vào Miền Nam, dân không đủ gạo ăn, phải ăn độn khoai lang. Chó không ăn khoai lang được, chỉ còn nước chết!

TẾ NHỊ [1907-1986]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.