Lam Phương sinh năm 1937, tại Rạch Giá. Nội tổ của Ông vốn là người gốc Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của Lam Phương đã bắt đầu lai Việt Nam và đến thân phụ của anh thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa.
Hồi đầu những năm khi mới chia cắt đất nước, dân miền Nam thường được nghe đi nghe lại bài Chuyến Đò Vĩ Tuyến trên đài phát thanh Saigon:
“Đêm nay trăng sang quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai mầu…”
Lúc ấy, bài hát đã khơi lên nỗi xúc động thay cho gần một triệu đồng bào vừa lìa xa cố hương. năm ấy Lam Phương mới 18 tuổi. Từ cái bước khởi đầu vững chắc ấy, người ta đã nhìn thấy ở trước Lam Phương là một tài năng lớn, một sức sáng tạo đích thực, và quả nhiên như mọi người dự đoán, Ông đã cống hiến cho tân nhạc Việt Nam gần 200 ca khúc đặc sắc trong nửa thế kỷ vừa qua.
Năm 1952, lúc mới 15 tuổi, Lam Phương sáng tác ca khúc đầu tay là Chiều Thu Ấy.
Khi tên tuổi bắt đầu vững vàng, Lam Phương lập gia đình vời kịch sĩ Túy Hồng (ban kịch Sống). Từ đó Ông phụ trách thêm công việc viết nhạc nền cho những vở Kịch nổi tiếng Túy Hồng, như Thu Sầu, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Phút Cuối, Ngày Buồn...
Sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975, Ông quyết định vào phút chót, đem gia đình chạy lên tàu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, cùng với gần 4000 đồng bào ra khơi tìm tự do.
Sang Mỹ một thời gian, Lam Phương chia tay với Túy Hồng. Nỗi đau ray rứt của cuộc tình tan vỡ trên đất khách đã là động lực sâu thẳm khiến Ông sáng tác mấy bản nhạc rất bi thương, trong đó có một bài để đời là Lầm:
“Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài
Thà cuộc đời im trong lòng đất…”
Rồi Lam Phương ngậm ngùi bỏ Hoa Kỳ sang Paris, xin vào làm công việc đóng gói quét dọn cho một tiệm tạp hóa. Cũng tại đây, Ông gặp lại ông bà Tô Văn Lai, chủ nhân Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, vốn đã quen biết ở Sài Gòn từ trước năm 75. Thúy Nga ngày ấy cũng còn quá nghèo, chỉ sang lại những băng cũ mang theo từ Việt Nam, nên chả có việc gì cho Lam Phương làm. Chính bản thân ông Tô Văn Lai, Giáo sư Triết ở Sài Gòn, dân trường Tây từ nhỏ, giờ đây cũng phải đi học nghề sửa xe và đứng bơm xăng ở vùng Bondy, ngoại ô Paris.
Lam Phương tiếp tục sống lầm lũi cho qua ngày ở Kinh thành ánh sáng, mãi cho đến khi Ông bất ngờ gặp một khúc rẽ tình cảm mới: Một người đàn bà đẹp đã đến với trái tim Lam Phương, giúp Ông xóa đi những ngày tăm tối vừa qua. Nhờ khúc rẽ ấy, chúng ta mới có được một loạt ca khúc chan hòa niềm vui như Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Tình Đẹp Như Mơ, Bài Tango Cho Em:
“Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề…”
Cũng trong khoảng thời gian tạm cư ở Paris, anh sáng tác 3 ca khúc nổi tiếng khác:
- Cho Em Quên Tuổi Ngọc: Anh đặt cả lời Pháp lẫn lời Việt, viết cho một cuốn phim. Tựa tiếng Pháp là C’est Toi.
- Em Đi Rồi: Anh viết cho chuyện tình tan vỡ của nữ ca sĩ Họa My, khi Họa My sang Pháp để lại người chồng ở Việt Nam.
- Một Mình: Cảm xúc của chính Lam Phương buổi sáng thức dậy, cô đơn nhìn ra cửa trong ánh bình minh, ngoài hiên nắng lóe đàn chim giật mình...
Sau cuốn băng thành công, “Lam Phương, Dòng Nhạc Tiếp Nối’, tức Paris By Night 28, Lam Phương quay về định cư tại Hoa Kỳ (1995). Người đàn bà bảo lãnh Ông trở lại Mỹ. Tuy không phải là một cuộc tình lớn trong đời, nhưng Ông cũng cần một mái ấm ổn định ở tuổi đã trên 55. Về lại Cali, Lam Phương tiếp tục sáng tác và lâu lâu phụ việc với Trung tâm Thúy Nga lúc này đang trên đà thăng tiến mạnh mẽ.
Dòng đời đang êm trôi thì ngày 13 tháng 03 năm 1999, trong lúc đang dự tiệc ở nhà một người thân, không may anh bị tai biến mạch máu não. Từ đó Ông nói không ra lời, một nửa thân thể gần như bại liệt hoàn toàn. Bàn tay đánh đàn ghi nốt nhạc mấy chục năm qua, bây giờ không sử dụng được nữa. Anh chị em nghệ sĩ cùng nhau tổ chức đêm nhạc Lam Phương tại nhà hàng Majestic để hỗ trợ Lam Phương về cả hai mặt tinh thần và tài chánh.
Vài hôm sau, người đàn bà đang chung sống với Ông, lặng lẽ chia tay, bỏ lại Ông trên chiếc xe lăn, bơ vơ trong căn nhà vắng, để ngày nay anh thấm thía với nỗi quạnh hiu như những lời ca tiên tri chính anh đã viết:
“Sớm mai thức giấc
Nhình quanh một mình!”
Thời gian trôi qua quá nhanh. Mới đó mà Lam Phương “nhìn quanh một mình” đã 12 năm....
(Viết theo anh Nguyễn Ngọc Ngạn kể)
Source Nguyen Nam Son - Lá Thư Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.