Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Mạn Đàm Với Họa Sĩ Nguyễn Văn Trung VềTranh Sơn Mài


: Họa sĩ Nguyễn Văn Trung.
: Một phần bức tranh “Vườn Xuân Trung Bắc Nam (Le jardin printanier Centre Nord Sud- Fragment) của HS Nguyễn Gia Trí.
Đặng Phú Phong thực hiện
Đặng Phú Phong (DPP): Thưa Họa sĩ Nguyễn văn Trung, bộ môn nghệ thuật Sơn Mài của Việt Nam đã một thời vang bóng, có thể nói là hàng đầu trong các quốc gia có làm Sơn Mài( SM ) ở châu Á. Hiện nay bộ môn này đang dần dần mai một. Nhằm giúp cho những người không , hoặc biết rất ít, tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này, Xin Ông giới thiệu về SM của Việt nam.
HS Nguyễn Văn Trung (NVT) : Tôi xin nói ngay sở dĩ mình gọi là SM là vì mình phủ sơn lên vật mình muốn vẽ hay trang trí rồi lại mài đi cho bằng phẳng rồi lại làm như vậy nhiều lần mới thành hình tác phẩm. SM (sơn ta) tên khoa học là Rhus Vernicifera. Đặc tính của SM là sự bền chắc , được khẳng định qua việc những sản phẩm sơn mài nằm sâu dưới đất, dưới lòng biển hàng trăm năm khi khai quật lên mà vẫn không bị hư hại. Người ta tìm thấy SM ở trong mộ cổ tại Việt Khê, Việt Nam. Mộcổ thời Tây Hán (Trung Quốc) và ở Nhật Bản nữa. Không phải ai cũng có thể làm sơn mài được vì có nhiều người khi tiếp xúc với sơn sống thì bị dị ứng khó chịu, ngứa ngáy , lở loét. Kỷ thuật làm sơn mài thì rất công phu. Phải kiên nhẫn, làm việc một cách khoa học , mới sáng tác ra những tác phẩm đẹp có chiều sâu mỹ thuật.
SM Việt Nam đã có mặt từ rất lâu cùng với SM các nước như Trung quốc(thời nhà Tây Hán trước công nguyên khoảng 200 năm), Nhật , Triều Tiên v.v.. Họ dùng sơn phủ lên , vẽ trang trí các sản phẩm quí giá như những vật dụng ở cung đình, tượng phật, trang thờ, bộ ngũ, bộ tam(những vật dùng để thờ cúng như lư hương, chân đèn …) và những đồ dùng trong nhà như tủ,bàn ghế, kể cả những vật dùng hằng ngày như chén đĩa, muổng, đũa … Và những bức hoành phi treo ở gian giữa ngôi nhà , những bức tranh treo trên tường v.v..
SM (ở đây tôi chỉ nói đến sơn ta, tức là sơn ở Phú Thọ, miền Bắc và sơn Nam vang ởtrong miền Nam) là một loại mủ lấy ra từ cây sơn (như lấy mủ cao su). Sơn mới cạo gọi là sơn sống, có màu kem sáng, để lâu dần màu trở nên đậm ngã sang màu nâu. Chỉ dùng thùng bằng gỗ để chứa (nếu dùng thùng kim loại, sơn sống bị oxy hóa , trở thành màu đen). Dùng giấy đậy sát mặt để sơn khỏi bị khô. Giữ một thời gian (ít nhất 1 tháng). Sơn sống lắng xuống thành nhiều lớp. Trên hết là “lớp sơn mặt dầu”, trong, màu cánh gián hơi vàng, dùng để phủ, pha màu. Phần sơn sống mặt dầu này cũng chỉ dùng thùng gỗ và que gỗ để chứa và khuấy. trộn thêm một ít nhựa thông sẽ trở nên “sơn cánh gián”. Tầng tiếp theo ít dầu hơn màu nhạt , đặc hơn dùng để làm (quậy) sơn đen (Phải chứa bằng chảo sắt và quậy bằng que sắt, sơn bị oxy hóa thành màu đen). Phần dưới đáy thùng còn sống là cặn sơn, ít dầu nhất, đem lọc sạch, dùng để pha “sơn hom” hay “sơn lót” mặt gỗ.
DPP: Vừa rồi HS nói về cách làm thành sơn để phủ lên tấm gỗ vô cùng công phu. Vậy mụcđích của nó để làm gì?
NVT: Sở dĩ người ta phải chế biến sơn sống như vậy là để tạo ra được đặc tính của SM là rất bền bĩ, không bị thời gian hay các chất hóa học làm hư hỏng. Có thể nói tranh SM có thể lưu giữ hàng trăm năm vẫn không bị hư hại nếu không bị cháy.
DPP: Xin ông cho biết các công đoạn để hoàn thành một bức tranh SM?
-NVT: Muốn hoàn thành một tấm tranh sơn mài phải trải qua những giai đoạn sau đây:
1/ Phần Mộc: Tìm loại ván gỗ tốt , khô, đã xử lý mặt phẳng để không bị cong vẹo. Nhưng thường khó kiếm thân cây to nên mặt phẳng ván gỗ bị giới hạn. Muốn mặt phẳng to lớn hơn người ta ghép gỗ hay tre lại, nhưng như vậy thì khó mà bảo đảm khỏi nứt nẻ sau thời gian dài. Sau này, khi ván ép xuất hiện, người ta dùng nó, là tốt nhất. Muốn làm SM trên những vật hình khối, người ta có thể dùng cốt mộc (gỗ) hoặc gốm sứ, đất nung kể cả kim loại.
2/ Phần Hom lót: Sơn 1 lớp sơn sống (tức là phần cặn sơn đã lọc như trên đã nói) lên mặt gỗ. Đợi cho sơn khô ít nhất là 24 tiếng đồng hồ. Cách làm cho sơn khô là ủ nó trong một chỗ kín và ẩm khoảng 60-70 độ C, phía dưới để nước , hoặc khăn thấm nước. Nếu sơn không khô (vì sơn để lâu hay không pha chế đúng) thì phải pha chế sơn mới. Sau khi khô, ngày xưa người ta phất lên một lớp giấy hay lụa. Ngày nay thì dùng vải thưa (thô, vải tám) để giữ bề mặt khỏi bị co rút , méo mó. Đó cũng là lớp bám cho phần “hom chu” tiếp theo. Chu là một loại bột bằng đất thật mịn, trộn với sơn sống thành một chất dẻo, mịn màng. Lấy bột này trét lên bề mặt đã phất vải. Để khô, mài bằng, rồi tiếp tục hom như vậy ít nhất là 3 lần. Sau đó mài nhẵn bằng đá mài hay giấy nhám nước. Xong, lại sơn lên một lớp sơn sống (lót I). Đem ủ, chờ sơn khô, sơn lót lớp II, rồi lại lớp III. Có thể sơn nhiều lớp hơn nữa nếu muốn sản phẩm tuyệt chắc chắn. Sau khi sơn lót lớp cuối, mang ra mài bằng giấy nhám vừa rồi nhuyễn hoặc bằng nang mực để có một mặt phẳng mịn sẵn sàng cho ta vẽ lên. Đặc biệt một số sản phẩm quý thì ta sơn lên một nước sơn đen tốt, hoặc một lớp sơn màu chu, đỏ,trắng. Mục đích để khi mài tác phẩm có thể phạm tay thì lớp sơn này cứu lại. Xong, đem ủ cho sơn khô, lại mài lại kỹ lần nữa. Bây giờ là ta có một tấm sơn hoàn chỉnh để tiếp đến cho công đoạn vẽ hay trang trí thành tác phẩm hay sản phẩm.
3/ Vẽ hay trang trí: Dùng giấy để lên mặt sơn, đồ (cal) nét trên giấy, những nét ấy hằn lên mặt sơn rồi vẽ theo hoặc khắc trũng lên phần muốn cẩn vỏ trứng hay ốc, xa cừ hay những thứ khác nhưvàng, bạc. Đem ủ khô, sau đó tô mầu, cẩn hoặc rây bột bạc, vàng, ốc, trứng… lên phần khắc trũng. Cứ mỗi lớp như vậy đều phải ủ khô mới tiếp tục làm lớp khác.
Cũng nên nói về màu để vẽ lên SM. Sơn ta sẽ bị oxy hóa, biến thành màu đen nếu dùng màu vô cơ (tức màu từ kim loại). Do đó ta không thể dùng màu làm từ kim loại. Người ta dùng bột màu hữu cơ từ thảo mộc hay từ đất đá. Thường muốn cho màu tươiđẹp người ta dùng màu Pigmen tốt.
Sau khi vẽ hay trang trí xong các chi tiết, ủkhô lần nữa rồi mới phủ lên toàn bộ hay một phần tác phẩm, tùy theo ý muốn một lớp sơn cánh gián cho những phần mình muốn thấy chi tiết bên dưới. Phủ sơn đen hoặc màu nền nào mà tác giả muốn. Ủ cho thật khô. Nếu có nhiều màu hoặc lớp sơn này quá dày nên mặt của nó sẽ không phẳng nữa thì phải mài lại bằng giấy nhám nhuyễn và đem ủ cho thật khô. Mài lần này phải hết sức cẩn thận để có được những chi tiết mà mình đã vẽ các lớp dưới. Quá tay, sơ xuất sẽ bị đứt mất những nét vẽ ấy. Mài xong kiểm soát kỹ, tìm những chỗkhông ưng ý mà sửa chữa, vá đắp. Xong đem ủ khô lần chót rồi mài lại những chỗ đã sửa chữa, đắp vá.
4/ Giai đoạn đánh bóng: Đánh bóng là giai đoạn cuối . Vật liệu dùng để đánh bóng là dùng than của cây lòng mức (mềm, nhẹ) và bột chu nhuyễn trộn lại bỏ vô mảnh vải, cột túm lại, nhúng nước, chà lên mặt sơn.Rồi dùng bàn tay trần để đánh bóng. Đánh liên tục, cho đến khi sơn bóng láng . (mồ hôi cũng giúp cho sơn bong thêm. Rửa sạch bằng xà phòng. Xem lại, nếu cần bổ túc thêm những thứ mình cẩn như dán lại phần bị hư bỡi mình vừa đánh bóng. Xong, ủ thật khô, lau bằng dầu bóng. Xong công đoạn này, tấm sơn mài sẽ láng mướt, mịn màng. Tuy nhiên hãy đểnghiêng sản phẩm để nhìn, sẽ thấy một ít vệt mờ do bột than, bột chu làm xước các lằn gạch nhỏ. Người Nhật thường đánh lên vài nước sơn thật mỏng rồi phải ủthật khô, đem đánh bóng lại, sẽ mất hết những vết lằn này. Ta gọi là Toát sơn.
DPP: Nghe những điều HS trình bày về các công đoạn để thành một tác phẩm SM, quả thật là một việc làm vô cùng công phu. Có phải chính vì điều này đã làm cho SM dần dần mai một?
NVT: Nghề làm SM của Việt Nam là ngành thủ công truyền thống. Trước 1954 SM đã một thời nổi tiếng. Sự thu nhập của ngành SM rất hấp dẫn. Đền chùa cũng như các nhà khá giả trang trí bằng đồ sơn mài. Các quan chức người Pháp thấy được giá trị của SM nên đặt mua, lớp trang trí tư dinh, lớp gửi về nước. Lính viễn chinh ai cũng muốn mua các sản phẩm của SM. Riêng miền Nam, SM hiện diện rất lâu ở Thủ Dầu Một, nơi có cơ sở sản xuất sản phẩm và tác phẩm SM. Sau 1954 kinh tế phát triển nên ngành SM càng mở rộng hơn nữa. Những cơ sở lớn như Thành Lễ, Trần Hà, Lê Thy v.v. và rất nhiều cơ sở nhỏ đều tập trung sản xuất và xuất khẩu SM . Trong nước thì dinh thự, ngân hàng, cao ốc, trụ sở các cơ quan đua nhau dùng sơn mài để trang trí. Trong dân chúng cũng mua SM về để treo hoặc đi đám tân hôn, tân gia. Có thể nói đây là thời vàng son của ngành SM Việt Nam.
Nhìn sang một quốc gia khác cũng có nền SM lâu đời là Nhật Bản. Sản phẩm SM hiện diện hầu hết trong cuộc sống của nhân dân. Họ biết được sự vô cùng quý giá và công phu, tốn kém thời gian trong việc thực hiện SM. Người Nhật hảnh diện qua câu nói: “Gốm sứ là Trung Quốc, Sơn mài là Nhật Bản”. Ngay sau Thế chiến II, người Nhật tập trung sản xuất để cứu sống nền kinh tế đã bị suy kiệt, trong đó có sản xuất SM .
Như đã nói trên, sản xuất SM đò hỏi quá nhiều công phu và thời gian nên xu thế lớp trẻ xa dần, lại không có sự giúp đỡ của chính quyền nên việc sản xuất SM càng ngày càng mai một dần.
Tuy nhiên tôi vẫn thấy còn chút hi vọng là hiện nay vẫn còn một số ít họa sĩ có tuổi và một số họa sĩ trẻ tuổi trong nước kiên trì sáng tác những tác phẩm SM truyền thống có cải tiến về kỹ thuật và cái nhìn mới về hội họa trong SM. Vì là người làm SM, tôi rất hãnh diện và khâm phục các họa sĩ đàn anh của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đã làm rạng danh SM Việt Nam trên thế giới từ thập niên1920 của thế kỷ 20.
Từthập niên 1980 trở lại đây, khoa học tiến bộ, tìm ra các loại sơn khác mau khô hơn sơn ta. Có thể phun thay vì sơn bằng tay. Giá cả lại rẻ hơn. Người ta dùng nó để làm một loại giống như SM. Các chất như dầu hạt điều, Polycite v.v., nói chung là sơn hóa học có thực hiện giống như SM trên cốt gỗ, nhựa plastic…. Giống như SM nhưng về chất lượng có tốt hơn SM (sơn ta) không? Xin thưa rằng : Không.. Với sơn ta , chúng ta có thể pha chế các loại sơn mới sau này và cũng có thể làm ngắn đi thời gian để hạ giá thành. (Vấn đề này tôi sẽ nói đến sau khi có dịp). Khó mà có thể phân biệt được SM (sơn ta) pha với loại SM cải tiến nếu do nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi thực hiện. Tôi gọi loại SM cải tiến này là loại Sơn Mài Suy Thoái. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế, loại sơn mài suy thoái này được người ta thực hiện nhiều. Một thực tế phải chấp nhận thôi vậy. Tuy nhiên tôi khá buồn vì một số họa sĩ vì biết SM là chất liệu quí, tốn nhiều hơi sức nên cứ việc thuê thợ SM thực hiện tác phẩm rồi ký tên mà mình chỉ có tạo mẫu cho tác phẩm. làm như vậy là không nên, vì mình đã không bỏ công để hoàn thành một tác phẩm mà lại xí phần hết cho mình.
Ởhải ngoại, để đáp ứng nhu cầu nhớ về quê hương qua hình ảnh cây mai, khóm trúc hay mái đình, mái chùa trong những tác phẩm SM ngày xưa. Một sản phẩm mới ra đờiđó là loại tranh gọi là SM. Đó chỉ là vẽ trên mặt ván bằng nhiều chất liệu, có dán lên vàng, bạc tạo thành những hình ảnh quê hương gần gũi. Họ dùng loại nhựa hóa học phủ lên mặt tranh (kể cả chiều dày 4 cạnh) tạo thành một bề mặt bằng phẳng , mịn màng. Và tranh thì nhiều màu sắc , treo lên cho đỡ nhớ nhà. Nhưng xin đừng gọi đó là tranh SM mà chỉ nên gọi là “Tranh giống sơn mài” mà thôi.
DPP:Để khôi phục lại thế mạnh của SM truyền thống , theo ông chúng ta phải làm gì?
NVT: Hiện nay vẫn còn những người yêu thích SM truyền thống, một số nghệ nhân, họa sĩ vẫn còn âm thầm sáng tác. Đây chính là hạt nhân để giúp chúng ta trong việc phục hồi . Bên cạnh đó những người lãnh đạo về văn hóa nghệ thuật (tôi nói trong nước) phải tạo ra một ngân quỹ khả dĩ để phát động phong trào. Như: thành lập trường lớp chuyên môn , lập ủy ban nghiên cứu sâu về SM, in sách, tập san phổ biến sâu rộng trong dân chúng. Tổchức những cuộc triển lãm thật lớn, bỏ tiền ra mua những tác phẩm SM đẹp đểnâng giá cho SM. Nhưng có lẽ điều kiện kinh tế của dân chúng là quan trọng nhất. Khi dư giả người ta mới nghĩ đến việc mua sắm những tác phẩm mỹ thuật. Trong điều kiện kinh tế hiện nay chúng ta chỉcó thể kêu gọi những người giàu có bỏ tiền mua tác phẩm SM để kéo dài tuổi thọcủa SM. Chờ ngày có những điều kiện tôi vừa nói để vực dậy SM mà thôi.
DPP: Xin hỏi thêm HS một câu: Tranh SM của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nổi tiếng là do những yếu tố nào?
NVT: HS Nguyễn Gia Trí quả đúng là một trong số ít họa sĩ sáng tác tranh SM nổi tiếng nhất Việt Nam. Hơn thế nữa tên tuổi và tranh của ông cũng vang danh trên thế giới. Loại tranh SM mà ông NGT thực hiện là loại tranh “phủ mài”. Tranh SM có nhiều loại: chìm, nổi, cẩn, khắc. Năm 1925 người Pháp mở trường CĐMT Đông Dương, mời thợ SM truyền thống về dạy cách pha chế sơn và kỹ thuật thực hiện. Họ giúp đỡ, khuyến khích sinh viên VN tìm tòi sâu hơn về sơn ta, kể cả tham khảo, học hỏi tranh SM của Nhật Bản. Song song việc đó sinh viên còn được dạy về nghệ thuật hội họa của phương Tây. Nhờ thế, trình độ sinh viên của trường tiến bộ khá hẳn lên. Thời ấy cũng có nhiều họa sĩ Pháp vẽ SM, nhưng thường vẽ theo lối trang trí, màu phẳng là chính. Họa sĩ người Pháp Jean Dumand, khoảng năm 1930- 1940 đã mang thợ VN vềPháp để cùng thực hiên, trang trí tàu du lịch sang trọng Normandi. Còn SM của VN nhờ hấp thụ nhiều khuynh hướng nên trông rất mềm mại có độ sâu. Có khi trong trẻo như thủy tinh, một điều ít thấy trong sơn dầu phương Tây. Ông Nguyễn Gia Trí vẽ nhiều thể loại nhưng sau chuyên về tranh SM. Theo tôi những họa sĩ theo học trường CĐMT Đông Dương đều vẽ đẹp cả.Nhưng họa sĩ Nguyễn Gia Trí vượt trội hơn là vì ngoài cái đẹp của tranh, phần kỹthuật thực hiện hết sức công phu làm cho tranh SM của ông sang hơn, cầu kỳ hơn và cực kỳ hiếm quí. Tôi gọi đó là HAY. Nhìn vào bức tranh của ông qua màu sắc và những nét vẽ bay bướm ta cảm thấy vừa sâu lắng và cũng vừa bay bổng. Sựchăm sóc tác phẩm SM của ông thật vô cùng cẩn thận , kể cả mặt sau của tấm tranh SM của ông lúc nào cũng như một miếng ngọc đen thật bằng phẳng và bóng láng. Ông rất hào sảng trong việc làm tranh, sẵn sàng dán nhiều lớp vàng hay bạc lên nhau, khi mài hiện ra một tà áo trông sang trọng và sâu lắng, hoặc xóa bỏ những mảng tranh đã tốn nhiều công phu mà ông không ưng ý.
Tóm lại HS Nguyễn Gia Trí vì trình độ kỹ thuật SM của ông thật siêu đẳng. Ông luôn luôn tìm tòi , nghiên cứu những chất liệu mới, phối hợp với kinh nghiệm dày dặn trong sơn ta, nhờ thế tranh của ông luôn luôn mới hơn, hay hơn. Có thể tóm tắt yếu tố để tranh của NGT trở thành nổi tiếng là: ĐẸP + HAY.
DPP: Rất cảm ơn Họa sĩ Nguyễn Văn Trung. Có dịp chúng ta sẽ nói chuyện thêm về SM, mộtđề tài rất ư là phong phú.
Sơlượt tiểu sử của Họa Sĩ Nguyễn Văn Trung.
Sinh năm 1937
Tốt nghiệp trường CĐMT Gia Định.
Họa sĩ Trung Tâm Khuyếch Trương Tiểu Công Nghệ.
Giáo viên môn Sơn Mài Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia định.
Giáo viên Trường Bách Khoa Trung Cấp.
Giáo viên Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật.
Tu nghiệp môn SM tại Nhật Bản năm 1960 ( Industrial Arts Research Institute Sendai, Japan)
Đã tự tổ chức hay tham gia triển lãm với các họa sĩ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.