Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

BIẾT ĐẾN BAO GIỜ!


Tác giả dẫu đã ghi chú rằng câu chuyện không có thật, nhưng càng đọc càng thấy nó rất thật ...





Nguyễn Khắp Nơi một trong những cây viết hải ngoại mà tôi rất hâm mộ.

LN.


***NGUYỄN KHẮP NƠI 
Ghi chú: Đây chì là câu chuyện tình lãng mạn, không . . . có thật. 
Tên, chức vụ và địa danh đều chỉ là giả tưởng. 
Nếu có sự trùng hợp với bất cứ ai, đó là việc ngoài ý muốn của tác giả. 



Tôi sinh ra ở Bắc Giang.
Vào năm 1954, gia đình tôi lúc đó đang ở Hà Nội, tôi đã lên Trung học, học lớp Đệ Ngũ của trường Chu Văn An. Tôi chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng cũng nghe loáng thoáng cậu tôi và các bác các chú bàn về . . . Hiệp đinh Genève.

Một tối, sau khi ăn cơm xong, cả nhà đang ngồi quây quần nói chuyện thì cậu tôi đổi đề tài, nói về Hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc sẽ do Việt Minh Cộng Sản chiếm, còn miền Nam giao cho chính phủ Tự Do, ông kết luận:
“Gia đình mình sẽ . . . di cư vào Nam để sống dưới chế độ Tự Do”
Mợ tôi phản đối ngay:
“Vào Nam nguy hiểm lắm, tôi nghe bạn bè kể chuyện, con muỗi ở đó to bằng . . . con ruồi, hút hết máu người ta . . .
Dân ta vào Nam chỉ đi làm ở đồn điền cao su, không chêt vì sơn lam chướng khí thì cũng bị muổi mòng cắn mắc bệnh sốt rét mà chết.”
Cậu tôi trả lời ngay:
“Muỗi mòng, sơn lam chướng khí cũng còn có thuốc chữa, cũng còn hy vọng sống sót. Ở đây với Việt Minh, chúng nó vào là bắt tôi ngay đấy. Chết là cái chắc!”
Tôi nghe thấy cái tên Việt Minh là nhớ lại cái đêm cả gia đình tôi phải chạy bán sống bán chết, trốn chui trốn nhủi từ Bắc Giang ra đến vùng Tề, để khỏi bị chúng bắt, là không ham ở lại Hà Nội chút nào cả.
Mợ tôi chắc còn sợ Việt Minh hơn tôi rất nhiều, nên không thấy bà phản đối nữa.
Suốt những ngày còn lại, cậu mợ tôi lúc nào cũng bận rộn, lúc thì lo thu dọn đồ đạc, xem cái nào có thể đem theo, cái nào phải bỏ lại, lúc thì đi gặp bạn bè bàn chuyện nên ở lại hay nên . . . Vào Nam.
Ngày lên phi trường, mợ tôi bế em bé, chị Oanh lo cho hai đứa em gái, còn tôi được giao nhiệm vụ trông chừng đứa em trai tám tuổi. Mợ dặn tôi là hai anh em phải nắm chặt lấy tay nhau, đừng để bị lạc, vì trên máy bay đông người lắm.
Xuống phi trường, cả đám nhốn nháo chạy ngược chạy xuôi, tôi nắm chặt tay em tôi chạy theo cậu.
Đến khi sửa sọan lên xe cam nhông về nơi tạm trú, mợ tôi nhìn lại tôi, ngạc nhiên hỏi:
“Em con đâu?”
Tôi ngạc nhiên nhìn mợ, vì từ hồi xuống máy bay tới giờ, tôi vẫn . . . nắm chặt bàn tay của đứa em trai, đâu có lạc đi bước nào đâu.
Nghe mợ hỏi, tôi nắm bàn tay em tôi đưa lên:
“Em con đây . . . Thằng An nó ở đây với con đây này . . .”
Vừa nói, tôi vừa quay lại nhìn . . . Thằng An . . .
Thằng Anh đâu không thấy, mà chỉ thấy tôi đang nắm chặt bàn tay của . . . một con bé nào lạ hoắc, nó đang mở lớn cặp mắt ra mà nhìn tôi, nhìn mợ tôi.
Tôi không biết ăn nói ra sao, cứ đứng như trời trồng mà nhìn con bé.
Con bé lúc bấy giờ mới biết tôi không phải là anh nó, và mợ tôi cũng không phải là mẹ của nó. Nó hoàng hốt dựt tay ra khỏi tay tôi, há miệng thật lớn ra mà khóc, vừa khóc vừa gọi mẹ nó:
“Mẹ ơi . . . Mẹ ơi . . .”
Tôi cũng bắt đầu hoảng vì đã để lạc em tôi. Nhưng tôi không thể nào tin là đứa em trai tôi tự nhiên lại biến thành một đứa con gái như vậy, nên tôi vẫn cứ nắm chặt lấy bàn tay của đứa con gái, hy vọng là, chỉ một lúc sau, nó lại biến trở lại thành em trai của tôi.
Mợ tôi còn hốt hoảng hơn tôi nữa, bà quay tứ phía, một tay nắm tay tôi, tay kia nắm tay đứa con gái, vừa chạy đi tìm, vừa gọi tên em tôi:
“An ơi . . . An ơi, con ở đâu? Mợ đây này con ơi.”
Cậu tôi dắt một lô chị em gái của tôi chạy lại, khi không thấy em trai tôi đâu cả, ông cũng phụ với mợ tôi mà vừa đi tìm kiếm vừa gọi tên em tôi:
“An ơi, An ơi”
Ngay lúc đó, một bà khác xuất hiện, vừa dắt tay em An của tôi vừa chạy tứ tung, miệng gọi:
“Thanh ơi . . . Thanh ơi . . . Con ở đâu, Thanh ơi. Mẹ đây này con ơi.”
Khi cả hai đám người chạy dâm xầm vào nhau, nhìn lại, tôi hú hồn hú vía, vì thằng em trai của tôi đang lồm cồm ngồi dậy, còn đứa con gái thì đang ôm chầm lấy mẹ nó mà khóc bù lu bù loa.
Lúc đó, cậu tôi cũng chạy lại. Đằng kia, một ông nữa cũng chạy tới.
Bà mẹ ôm dứa con gái vừa tìm được, tay kia giao trả thằng em trai của tôi, lúng túng nói với mợ tôi:
“Em chẳng biết làm sao, mà đang nắm tay con gái của em xuống máy bay, nhìn lại hóa ra là nắm tay đứa con trai này đây. Nó là . . . con của chị phải không? Chị cho em xin lỗi nhé!
Mợ tôi vui vẻ gật đầu, cười mếu máo:
“Nó đúng là thằng con trai của tôi đấy, may quá, đã tìm lại được nó rồi. Tôi cho nó đi với thằng anh nó đây này. Anh em nó nắm tay nhau xuống máy bay, không biết làm sao mà lại nắm nhầm tay con gái của chị như thế này nữa. Hưng, con xin lỗi cô đi con.”
Tôi lý nhí nói câu xin lỗi, liếc mắt nhìn đứa con gái: Đầu tóc nó rối bù, mặt mày lấm lem đầy những nước mắt. Cặp mắt nó thật là lớn, hèn chi nó khóc mới nhiều nước mắt như vậy. Tôi chợt nhớ ra, lúc máy bay ngừng, tôi đứng lên, đưa hai tay lên xốc lại cái túi đeo vai rồi mới đưa xuống nắm lấy tay đứa em trai. Đứa con gái lúc đó chắc vừa mới ở đằng sau bước tới, cũng đưa tay lên nắm tay mẹ nó đang đứng cạnh tôi, nên mới lộn mà nắm lấy tay tôi, còn em tôi thì nắm lấy tay mẹ của đứa con gái.
Hai ông bố bắt tay nhau cười thông cảm.
Khi đi trở lại khu tập trung, thì ra cả hai gia đình được xếp đi chung một chuyến xe về khu tạm trú.
Khu tạm trú là một trường nữ trung học, tên là Gia Long. Nhà tôi đông người, được xếp vào ở tạm một khu gần cầu thang, nhà đứa con gái có mỗi ba người, được xếp vào ngay gầm cầu thang, kế bên gia đình tôi.
Xếp dọn đồ đạc xong xuôi rồi, ngày hôm sau, cha mợ Thanh mới dắt nó qua chào làm quen với gia đình tôi. Xứ lạ quê người, hai gia đình chưa từng quen biết đã trở thành thân nhau, cùng giới thiệu tên tuổi. Cậu tôi lớn, làm anh, cha của Thanh (tên là Tâm) nhỏ hơn, nên làm em. Thanh còn quá nhỏ, nhỏ lắm, khoảng sáu bầy tuổi gì đó, lại chẳng có anh chị em gì cả, nên cứ chạy theo mấy đứa em gái của tôi mà nói chuyện.
Ở trung tâm tạm cư được khoảng một tháng thì đến kỳ tựu trường, trung tâm phải dời đi nơi khác, trả chỗ lại cho trường Gia Long. Gia đình tôi chọn đi vùng Thị Nghè, còn gia đình của Thanh chọn đi Phú Thọ.
Hai gia đình vẫn liên lạc thăm viếng nhau. Lúc đầu, cậu còn dắt tôi và em trai đi thăm gia đình chú Tâm, nhưng khi lớn lên rồi, chỉ còn có cha mợ hai bên thỉnh thoảng đi thăm nhau mà thôi.
Tôi tiếp tục học trường Chu Văn An, thỉnh thoảng viết vài bài thơ gởi đăng báo xuân của trường. Đến năm Đệ Nhất, mấy đứa bạn rủ tôi vào ban báo chí. Thằng Dzũng ròm quảng cáo:
“Cuối năm, đem báo đến bán cho học sinh của trường Trưng Vương, tha hồ ngắm các người đẹp. Làm quen được em nào, chiều Chủ Nhật, dắt em đi dung dăng dung dẻ trên đường Catina, thơm cả cuộc đời.”
Tôi nghe cũng thấy . . . vui vui, nên nhập bọn.
Ngày bán báo, tôi háo hức sửa soạn, giặt cái áo sơ mi cho trắng tinh lên, ủi cái quần ka ki xanh đậm cho thật thẳng, sửa soạn cách ăn nói cho thật hay, ngâm thử mấy vần thơ cùa tôi cho thật nhưyễn để mong gặp một nàng tiên nào đó trong đời
Tói trường Trung Vương, bọn chúng tôi được giới thiệu với ban đại diện của trường. Đúng là gái Bắc Kỳ, cô nào cũng xinh tươi ăn nói duyên dáng, ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Thằng Dzũng ròm nhắc nhở vào tai tôi:
“Chấm được cô nào chưa? Mau lên, kẻo . . . lỡ chuyến đò.”
Năm nay chúng tôi trúng mối, vì gần tết rồi, việc học hành cũng tạm gọi là được thong thả, bà Hiệu Trưởng cho phép chúng tôi đi tới từng lớp mà quảng cáo bán báo xuân.
Đứa nào cũng tranh nhau đi đến các lớp lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ để mong tìm các bóng hồng mà làm quen. Đến các lớp Đệ Ngũ, đứa nào cũng thấm mệt rồi, tới lớp Đệ Lục, Đệ Thất, chẳng đứa nào muốn đi, vì . . . mấy cô nữ sinh này hỉ mũi còn chưa sạch, làm sao dám làm quen dẫn đi dạo phố Bonard! Vì thế, chúng nó trôn hết, giao cho tôi và mấy thằng cù lần lửa vác báo đi bán.
Lớp nhỏ dễ lấy cảm tình. Bọn con nít nghe tôi ngâm thơ hay quá, rủ nhau mua báo, có đứa còn lên xin chữ ký của tác giả nữa, làm cho tôi cảm động quá. Cô giáo đang dậy học còn hỏi chúng tôi . . . có muốn chụp hình chung hay không nữa.
Sẵn thằng bạn có đem máy chụp hình theo, chúng tôi rủ nhau ra trước sân chụp hình kỷ niệm. Mấy chị nhỏ bu theo thi sĩ để chụp hình, làm tôi lại càng cảm động hơn.
Tôi một tay ôm chồng báo, tay kia vẫy mấy mầm non của đất nước ra chụp hình. Đang đi, tôi thấy tay tôi có cái gì vương vướng, mới quay xuống nhìn:
Một . . . mầm non nào đó đang nắm tay tôi bước đi thật là hồn nhiên.
Tôi cũng chẳng ngạc nhiên, cứ thế nắm lấy tay mầm non Đệ Thất này mà vui vẻ chụp hình.

“Lớp Đệ Thất 4, trường Trưng Vương.”
Bầt chợt, cô bé, một tay vẫn nằm tay tôi, kéo vai tôi xuống, hỏi nhỏ:
“Anh . . . Có phải là . . . Anh Hưng, hồi di cư năm 1954 tạm trú ở trường Gia Long?
Tôi quay xuống, cô bé lạ hoắc, tôi chẳng biết nó là ai cả, chỉ thấy có mỗi cặp mắt bự thật là bự đang chăm chú nhìn tôi mà thôi. Tôi ngờ ngợ, đã có một lần nhìn thấy cặp mắt này ở đâu rồi. Tôi liếc nhìn cái bảng tên của cô bé nai tơ:
“Nguyễn Ngọc Thanh.”
Tôi ngạc nhiên, thảng thốt kêu lên:
“Thanh . . . Thanh con chú Tâm, di cư tạm trú ở trung tâm trường Gia Long?”
Thanh nhìn tôi vui vẻ gật đầu.
Trời ơi! Con bé Thanh . . . Mới ngày nào đầu bù tóc rồi, cặp mắt bự thật bự, khóc đầy những nước mắt . . . Bây giờ đã . . . học Đệ Thất rồi?
Thế là chúng tôi nói chuyện huyên thuyên, hỏi thăm cha mẹ nhau tới tấp. Tôi kể cho cô giáo của Thanh nghe câu chuyện đặc biệt của tôi khi vừa mới bước chân xuống phi trường, nắm tay Thanh đi mà cứ tưởng là đang nắm tay thằng em trai, làm cô giáo và cả lớp cùng cười thật là vui vẻ.
Con Thanh cứ thế mà đi theo tôi, nói hết chuyện này tới chuyện khác, nó năm tay tôi tự nhiên cứ như là anh em thứ thiệt vậy.
Đám bạn tròi đánh của tôi, khi nghe chuyện, chúng nó không gọi tôi là . . . “Hưng Rù” nữa, mà cho tôi cái tên mới: “Hưng . . . Gia Long”.
Còn thằng Dzũng ròm, nó nhún vai nhìn tôi . . . khi dễ, rồi mới phang cho tôi một câu:
“Đem tới cho cha mẹ nó . . . vài tạ gạo. Nuôi cho em chóng lớn rồi hãy dẫn đi dạo phố. Còn nếu mày vẫn muốn dẫn nó đi chơi bây giờ, mỗi lần đi, nhớ đem theo . . . chai sữa.”
Qua năm sau, tôi lên Đại học. Tôi cũng muốn nối nghiệp bố, đi học Sư Phạm, nhưng cậu tôi gạt ngang:
Dân mình đông, nhà mình cũng tới mười người. Con đi học . . . Bác sĩ đi, chữa cho dân chúng, khám bệnh cho cả nhà cũng đủ giúp đời rồi, con ạ.
Thế là tôi học Y khoa, học trần thân khoai củ mới ra trường. Tôi đang thụ huấn quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức thì Việt Cộng tổng tấn công Tết Mậu Thân. Biệt Khu Thủ Đô tập trung sinh viên của các trường Đại học lại, nam sinh thì đi canh gác, nữ sinh thì làm nhiệm vụ cứu thương, khóa chúng tôi được điều về các trường để chỉ dậy phương pháp cấp cứu và chữa trị tạm thời. Tiểu đội của tôi được điều về Phân Khoa Dược.
Sau khi giảng giải về các loại phỏng và cách thức bôi thuốc và phỏng ngừa, tôi mời một vài cô sinh viên lên để thực tập. Từ dưới hàng dự thính, một số sinh viên bước ra. Vì ngồi lâu, nên khi đứng lên, các cô bị tê chân, đứng xiểng niểng vào với nhau. Một cô muốn ngã, đưa tay ra với lung tung, tay tôi vừa mới đưa tới, cô vội vàng chụp ngay lấy để giữ thăng bằng. Tôi đưa cô tới chỗ thực tập rồi buông tay ra để cô ngồi xuống, cô gái thay vì buông tay tôi ra, cô lại nắm chặt hơn, nói nhỏ vào tai tôi:
“Anh . . . Có phải là . . . Anh Hưng, hồi di cư năm 1954 tạm trú ở trường Gia Long?
Tôi chồm dậy nhìn cô sinh viên đang đứng trước mặt, cặp mắt cô to thật to, đang mở lớn ra mà nhìn tôi.
Thanh! Đúng là Thanh rồi!
Tôi nắm chặt lấy tay của Thanh, mừng rỡ kêu lên:
“Thanh . . . Thanh con của chú Tâm đó phải không?
Thanh . . . mau lớn quá . . . Đã là Sinh viên rồi . . . Thanh học giỏi quá!”
Cả đám nữ sinh viên nhao nhao lên hỏi thăm:
Thanh . . . quen với anh bác sĩ này đấy hả? Quen từ hồi nào vậy?
Mấy thằng bạn cùng tiểu đội của tôi cũng háo hức muốn nghe chuyện.
Thế là tôi lại phải kể lại câu chuyện năm xưa hồi mới tới phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi nắm tay em trai tôi mà hóa ra nắm tay cô Thanh này đây. Tất cả nghe rất lấy làm thú vị cho câu chuyện có một không hai của chúng tôi.
Sắp tới giờ ăn trưa rồi, Đại úy Đại đội trưởng cho phép chúng tôi nghỉ tới 2 giờ chiều mới tiếp tục. Tôi mời Thanh đi ăn trưa, uống nước. Thanh thông cảm cho anh bác sĩ nghèo, vừa mới vào lính, chưa được lãnh lương, nên cùng tôi đi bộ tới trưởc cửa Thư Viện Pháp, đối diện với Bệnh Viện Grall để uống nước. Vừa đi bộ dọc theo Đại lộ Cường Để, cả hai cùng nói chuyện thật là vui. Tôi nhắc lại chuyện xưa:
“Mới hồi nào Thanh còn là cô nữ sinh lớp Đệ Thất, bây giờ đã là cô sinh viên trường Dược rồi.”
Thanh cũng cười theo tôi, bắt chước tôi nhắc lại chuyện cũ:
“Anh cũng giỏi quá đi, mới ngày nào còn là cậu học sinh Đệ Nhất, nay đã là . . . Ông Bác Sĩ rồi. Thời gian đi mau quá. Anh đã . . . có vợ chưa?”
Vợ ở đâu mà sẵn vậy? Tôi . . . bác sĩ nghèo, ai mà thèm lấy. Còn Thanh thì sao? Đã có bao nhiêu chàng . . . trồng cây si rồi? Đám cưới, đám hỏi gì chưa?”
Thanh cười thật tươi, cặp mắt sáng ngời đáp trả lại tôi:
“Nếu mà em có ai, thì bố mẹ em đã đến cho nhà anh biết ngay rồi.”
Ngừng một lúc, Thanh liếc xéo tôi, rồi nhìn ra xa xa, nói bâng quơ:
“Em cũng . . . có người em yêu rồi, nhưng mà còn phải chờ anh ta ngỏ lời . . . “
Tôi vô tình, nhìn Thanh nói ngay:
“Anh nào mà . . . dại vậy? Có cô bạn gái đẹp như thế này mà không nhanh tay thì người khác đến xin đi ngay đấy.”
Tôi kể cho Thanh nghe, đã nhận sự vụ lệnh lên trình diện Tiểu Khu Quảng Đức, khoàng tuần sau thì đi. Hết ngày hôm nay, tôi phải trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức để học quân sự tiếp, rồi qua Nha Quân Y học thêm về tổ chức hành chánh, y tế . . . Sau đó mới đi nhận đơn vị.
Thanh dặn tôi, khi nào lên Quảng Đức, nhớ viết thơ về cho cô địa chỉ, để cô viết thư thăm hỏi, và nếu có dịp, cô sẽ . . . lên thăm tôi.
Lên đến Quảng Đức, tôi trình diện Đại Tá Tỉnh Trưởng, nhận Quân Y Viện Tỉnh, kiêm luôn chức vụ Trưởng Ty Y Tế Tỉnh, mặc sức mà bận rộn.
Đang lúc chiến trận lên cao độ, thương binh vận chuyển về càng lúc càng đông, tôi không có một giờ trống nào để ăn uống, nói chi đến việc viết thư cho gia đình, cho Thanh.
Gần tám tháng sau, nhân dịp gần Tết, tôi mới được phép về Sàigòn thăm nhà và ăn tết luôn. Tôi vội vàng viết thơ cho Thanh, Thanh nhận thư, trả lòi là cô đang sửa soạn cho kỳ thi cuối năm, suốt ngày ngồi thư viện để học. Tôi hẹn sẽ đón Thanh sau giờ học, tại trước cửa Thư viện.
Tới trường Dược, còn sớm, thư viện chưa tới giờ đóng cửa, tôi ghé qua trường Văn Khoa đi vòng vòng chung quanh trường, ghé quán mua chai nước ngọt rồi trỏ ra đi dọc theo hàng cây xanh bóng mát. Thoáng thấy bụi cây hoa bụp đỏ chói, tôi ngắt liền một bông thật đẹp để lát nữa tặng người đẹp, rồi nhẩy lên phiến xi măng trên hàng rào ngoài đường, ngồi vừa uống vừa nhìn qua bên kia đường chờ Thanh.
Chiều bắt đầu nhạt nắng, gió từ phía bờ sông Sàigòn thổi về thật mát.
Từ phía bên kia đường, có một vài sinh viên bước ra. Một cô mặc mini skirt mầu đỏ, đeo cặp kính đen, vừa đi vừa đưa tay chận tóc cho khỏi bay, nhưng chận được tóc cho khỏi bay thì cái skirt của cô lại bị gió thổi tung lên, cô mỉm cưởi, lấy cái nón rộng vành chụp lên đầu, tay kia đưa xuống giữ cái skirt cho khỏi bay.

Nhìn cô thật đẹp, thật dễ thương.
Tôi buột miệng nói một mình:
“Cô nào mà trông xinh quá đi!
Cô gái cứ thế một tay giữ nón, tay kia giữ cái mini skirt mà bước đi chậm chậm dọc theo đường  Cường Để, về phía đường Thống Nhất, mắt nhìn ra giòng xe đang chạy, có vẻ như chờ đợi ai đó.
Tôi ngập ngừng:
Không lẽ đó là Thanh?
Thanh của tôi đẹp tới như vậy sao?
Tôi nhẩy xuống đất, vội vã băng ngang đường đi về phía cô gái. Cô gái có vẻ đã nhìn thấy tôi, cô đưa tay gỡ cặp kiếng đen ra, đôi chân vẫn chậm chậm bước đi.
Qua đến bên đường, tôi nhìn rõ cô gái hơn: Cặp mắt to đen láy, đúng là Thanh của tôi rồi. Tôi cười thật tươi, bước vội vàng tới bên Thanh, đưa tặng người đẹp bông hoa đỏ thắm.
Tôi vừa mới mở miệng định nói câu chào hòi, thì Thanh đã tấn công tôi ngay:
“Anh hẹn cả tháng trời nay là đi đón em, vậy mà khi em ra tới ngoài dường, chờ mãi cũng chẳng thấy ai đón ai đưa gì cả.”
Tôi ngớ mặt nhìn Thanh, bỗng dưng, cái . . . Rù trong người tôi biến đi đâu mất, tôi hăng hái trả lời Thanh:
“Anh ra đây chờ em từ lâu lắm rồi, anh ngồi ở bên kia đường kia kìa. Anh không ngờ là Thanh hôm nay lại . . .  đẹp quá như vậy, làm anh cứ đứng ngẩn ngơ ra mà ngắm em, ngắm em mãi tới nỗi quên cả băng qua đường để đón em nữa đó. Cho anh xin lỗi em nha.”
Thanh được khen, thích thú đỏ hồng đôi má, nhưng vẫn kết tội tôi:
“Em vẫn xấu xí, mặt mũi tèm lem như thủa nào đó mà. Chắc là anh ở Quảng Đức, ngắm mấy cô người Thượng quen rồi, nên bây giờ về thành phố, nhìn ai cũng khen đẹp đó. Em thấy ông lính ngồi chong hóc bên kia đường, biết ngay  là anh rồi, khỏi cần chứng minh nữa.”
Lương Trung Úy, thêm phần lương Y sĩ phụ trội, lãnh hơn tám tháng trời nay chưa xài đồng nào, tôi vững bụng hăm hở mời Thanh đi dạo phố phường nói chuyện tâm tình, rồi đi ăn tối.
Gởi xe Honda xong, cả hai vui vẻ cùng nhau đi dạo phố. Sống ở Quảng Đức hơn nửa năm trời, nhìn ở đâu cũng toàn là rừng núi với suối đồi, bây giờ nhìn Saigòn với những tòa nhà cao vút , những ánh đèn xanh đỏ chói lòa, tôi cảm thấy thật là vui thích, lại thêm được đi cạnh Thanh, càng thêm vui hơn nữa. Bất chợt, tay tôi đụng phải một cái gì: Bàn tay Thanh đã nắm lấy tay tôi. Tôi sung sướng nắm chặt lấy bàn tay  của Thanh như thủa nào vừa mới xuống phi trường Tân Sơn Nhứt.
Đi ngang một quán bán đĩa nhạc ngoại quốc, tôi chợt nhớ ra một bài hát, liền dắt Thanh vào quán:
“Anh muốn tặng em một bài hát, hay lắm, giống em lắm!”

Dạo phố phường Sàigòn, đường Nguyễn Huệ.
Tôi nói với cô bán hàng, hỏi mua dĩa hát “Oh! Pretty Woman” của Roy Orbison và muốn nghe thử trước. Từ cặp loa stereo phát ra giọng ca thật trầm ấm của người nam ca sĩ :
“Pretty woman, walkin’ down the street,
Pretty woman, the kind I’d like to meet,
Pretty woman,
I don’t believe you
You’re not the truth,
No one can look as good as you….Mercy”
Thanh thích thú nghe bài hát, reo lên:
“A! Bài hát này hay quá, em cũng đã nghe qua rồi và thích lắm.”
Vừa đi, tôi vừa giải thích lý do tặng bản nhạc cho Thanh:
“Khi anh ngồi chờ em, chợt thấy em bước ra, nhìn em thật đẹp, thật cao sang, em đưa tay giữ mái tóc, rồi đội nón lên, đưa tay kia chặn cái skirt cho đừng bị gió bay. Em đẹp quá, dễ thương quá. Anh ngắm em, chợt nhớ tới bài hát tả người đẹp đang đi dạo trên phố, nên mới mua tặng em đó.”
Thanh cảm động, nắm chặt lấy bàn tay của tôi thật lâu, rồi mới nói:
“Suốt tám tháng trời ở Quảng Đức, anh mới học nói được những lời nói này đó hả?”
Ngồi nói chuyện với nhau ở quán La Pagoda, tôi ngập ngừng hỏi Thanh:
“Cái anh chàng mà em nói là người em yêu đó. . . Anh ấy đã . . . ngỏ lời gì với em chưa?”
Thanh liếc nhìn tôi, nói ngay:
“Em vừa mới nghe anh ta nói cách đây khoảng nửa tiếng đồng hồ thôi. Nhưng mà không biết đó có phải là . . . lời tỏ tình hay không nữa?”
Tôi nhìn Thanh, thật là bất ngờ, thật là sung sướng. Tôi không ngờ là Thanh đã yêu tôi. Từ trước tới giờ, tôi mặc dù rất yêu thích Thanh, nhưng lại sợ rằng Thanh chỉ coi mình như là một người anh. Mỗi lần được Thanh nắm tay, tôi cứ tưởng tượng là Thanh chỉ cần một bàn tay bào bọc, nâng đỡ mà thôi.
Tôi đưa tay ra nắm lấy hai bàn tay của Thanh:
“Anh . . . rất yêu. . . mến Thanh. Lần này về nói chuyện với em xong, anh sẽ về nói với cậu mợ xin cưới em. . .”
Thanh cũng nắm chặt lấy hai bàn tay của tôi, nói nhỏ:
“Ngay từ hồi mới . . . sáu tuổi đời, em đã biết nắm tay anh . . . trao thân gởi phận của em cho anh rồi còn gì nữa. Năm em mười một tuổi, em đã lại nắm tay nhắc nhở anh. Mãi tới năm nay, năm em đúng 21 tuổi đời, tuổi trưởng thành, em mới được anh nắm tay em, nói cho em nghe lời nói em đã chờ đợi từ lâu. Cám ơn anh đã nói yêu em. Em sẽ giữ bàn tay của anh trong bàn tay em . . . suốt cuộc đời của em.
Tôi cảm động quá, nắm chặt tay Thanh, trấn tỉnh mãi mới nói được một câu mà tôi cho là đẹp nhất trong đời tôi:
“Anh cũng giữ em bên cạnh anh . . . suốt cuộc đời của anh.”
. . . . .
Phần cuối của cuộc tình, còn dài dòng lắm.
Xin để qua năm, ngày rộng tháng dài, tôi sẽ kể tiếp.
Pretty woman, don’t walk on by,
Pretty woman, don’t make me cry,
Pretty woman,

***


Trời bắt đầu tối, Sàigòn đã khoác lên cái áo dạ hội, dù là dạ hội mùa chiến tranh. Xa Sàigon đã gần một năm trời, cái gì đối với tôi cũng lạ lạ, mặc dù tôi đã rất là quen với nó. Đèn Sagòn ngọn xanh ngọn đỏ đã thắp sáng khắp nơi, mọi vật dưới ánh dèn mầu lấp lánh đều trở thành xinh đẹp và quyến rũ.  Thanh líu lo rủ tôi: 
“Mình đi dạo Chợ Hoa Nguyễn Huệ nha anh, em nghe bạn bè nói năm nay, những người bán hoa đã đặt rất nhiều loại hoa từ Đà Lạt về, đẹp lắm.” 
Tôi nhìn Thanh,  mỉm cười: 
“Anh đã có một bông hoa quá đẹp bên cạnh anh đây rồi, đâu có cần đi dạo chợ hoa nào nữa." 
Chợt nhớ là trước khi về phép, Đại Tá Tỉnh Trưởng đã ưu ái cho tôi mượn cái máy chụp hình lấy liền Polaroi (do một người bạn Cố Vấn Mỹ vừa mua tặng cho ông) mà tôi đang xách tòng teng trên tay, tôi vui vẻ đưa lên khoe với Thanh: 
“Nhưng mà đặc biệt tối nay, theo lời đề nghị của em, anh sẽ đi ngắm hoa với em, chụp cho em vài tấm hình mầu để so sánh xem, hoa Đà Lạt đẹp . . . hay là hoa Ngọc Thanh của anh đẹp?” 
Chợ hoa buổi tối thật là đông vui, dặt dìu nam thanh nữ tú.  
 
Những bó hoa hồng nhung lụa khoe sắc bên cạnh những bó hoa layơn sang trọng. Những nhánh hoa mai, hoa đào vừa cắt với từng chùm hoa vừa chớm nụ thật là đẹp, báo cho mọi người biết một mùa xuân mới sắp đến với muôn nhà. Khí hậu của những ngày cuối năm phảng phất hơi lạnh hòa với mùi hoa thơm nhẹ nhàng của hoa làm cho tôi và Thanh đi mãi mả vẫn không cảm thấy mệt. Riêng phần tôi, tôi lại được Thanh nắm tay tôi cùng đi, nên tôi lại càng chẳng thấy mệt gì cả. Thanh nắm bàn tay của tôi thật là tự nhiên, làm như đó là một thói quen của cô. Khi Thanh nhìn thấy tôi dang chăm chú nhìn hai bàn tay của chúng tôi đang đan lại với nhau, cô hồn nhiên nói: 
“Em chỉ nắm tay anh thôi . . . chưa bao gời nắm tay ai khác hết cả. Mỗi lần gặp anh là em lại tự nhiên nắm lấy bàn tay của anh . . . chắc là tại em quen từ khi anh đưa tay ra nắm tay em khi mới xuống phi trường năm xưa đấy.” 
Ngưng một lúc, Thanh chợt nói thêm: 
“Em sẽ nắm tay anh suốt đời . . . cho đến khi nào em không nắm được tay anh nữa . . . em sẽ báo cho anh biết.” 
Tôi vui vẻ trả lời: 
“Từ hồi đó tới giờ, chỉ có một mình em nắm tay anh thôi . . . và anh cũng chỉ nắm tay em thôi . . . mãi mãi.” 
  
Hết khu bán hoa, lại đến khu bán những giò lan, thủy tiên, vạn thọ . . . và những chậu quât đầy những quả.     
Mỗi nơi, mỗi chỗ nào có hoa đẹp là tôi lại đưa máy ảnh lên nhắm thật kỹ dể chụp hình cho Thanh. Chụp xong lại đứng chờ cho phim hiện hình lên. Tôi chưa bao giờ dùng loại máy chụp hình Polaroi này, nên dù có nhắm, dù có canh khoàng cách cỡ nào đi nữa, tôi không dám bảo đảm là sẽ chụp được những tấm hình đẹp. Tuy nhỉên, vì loại máy chụp hình này rất là hiếm trên thị trường Việt Nam, lại là hình mầu nữa. nên tấm hình nào Thanh xem cũng cho là đẹp. Tấm hình tôi cho là đẹp nhất là khi vừa mới mua tặng Thanh một đóa hoa hồng đỏ thẫm có cành hoa thật là dài, quấn ribăng cũng mầu đỏ, thật là hợp với dáng người mảnh mai  của Thanh. Tôi đưa máy ảnh lên chụp đúng lúc Thanh đang tươi cười thích thú ngắm cánh hoa hồng tôi vừa mua tặng. Mầu áo đỏ hòa chung với mầu hoa và mầu son của Thanh, tuy cùng một màu đỏ nhưng vẫn khác nhau, làm cho tầm hình có một vẻ độc đáo thật đẹp. Thanh hứa sẽ giữ mãi tấm hình này để kỷ niệm lần đi chơi đầu  tiên của chúng tôi. 
Đi bộ một vòng từ đầu đường Nguyễn Huệ tới cuối đường rồi lại quay trở lại là hai đứa đã mỏi gối chồn chân rồi, tôi mời Thanh ghé tiệm  Mai Hương ăn kem. Thanh cho tôi biết là ngày mai có giờ học buổi sáng, chiều ngồi thư viện học để bù lại buổi tối đi chơi với tôi hôm nay. Còn tôi thì ngày mai cũng phải đến truờng Y khoa để gặp người Thầy đỡ đầu làm luận án Tiến sĩ. Sau đó là phải ghé Cục Quân Y để nhận thêm hồ sơ cho Quân y viện Quảng Đức, buổi tối phải ở nhà ăn cơm với cha mẹ (vì vừa mới bước xuống phi trường là tôi đã đi đón Thanh rồi, chưa có về nhà). Do đó, tôi chỉ có thể đón Thanh vào chiều mốt. 
Ngồi nói chuyện với nhau, thời gian đi qua thật nhanh,  gần khuya tôi mới chở Thanh về nhà. Mẹ Thanh vẫn còn thức chờ cửa. 
Thanh vừa bước vào, đã bi la: 
"Đi học gì mà về khuya thế hả con?" 
Tôi ngâp ngừng chào: 
"Cháu chào cô Tâm . . . Cháu xin lỗi đã đưa Thanh về muộn . . ." 
Cô Tâm chưa nhận ra tôi, còn đang ngỡ ngàng. Thanh vội lên tiếng: 
"Mẹ ơi . . . Anh Hưng đấy . . . Anh Hưng con bác Trạng . . . di cư cùng một lượt với mình . . . ở trường Gia Long ấy mà . . . Mẹ nhớ không?"
Cô Tâm chợt nhớ ra tôi, vội vàng trả lời:
"A! Cậu Hưng đấy hả? Cậu Hưng hồi ấy . . . dắt tay con Thanh nhà tôi đấy phải không? Nhưng mà cô nghe mẹ cháu nói cháu ra bác sĩ rồi cơ mà? Sao lại phải đi lính như thế này?" 
"Dạ thưa cô, cháu ra bác sĩ rồi . . . Học xong thì cháu cũng phải đi lính như mọi người thôi mà, có điều là vẫn được làm bác sĩ . . . chữa bệnh cho thưong binh . . ." 
"À, thế hả . . . cô cứ tưởng cháu vẫn còn được làm ở bệnh viện Chợ Rẫy cơ chứ, nên khi nhìn thấy cháu mặc quần áo lính . . . cô không nhận ra. Hai anh em gặp nhau ở đâu mà lại đưa nhau đi chơi như thế này?" 
Đến lượt Thanh ấp úng: 
"Con mới gặp lại anh Hưng thôi. Anh được nghỉ phép, nên hẹn đón con ở trường, chúng con đi ăn rồi đi chợ hoa . . . nên giờ này mới về." 
Cô Tâm cười vui vẻ: 
"Anh em gặp lại nhau, đi chơi cho vui chứ có gì đâu, mẹ chỉ sợ con đi đâu về khuya thôi, chứ đi với anh Hưng thì mẹ đâu có lo gì. Bố đã đi ngủ trước rồi, chỉ còn mẹ thức thôi." 
Rồi cô Tâm quay sang tôi: 
"Cháu đi lính ở đâu? Về phép được bao nhiêu ngày? Bố Mẹ cháu vẫn khỏe đấy chứ ?" 
Tôi ngồi nói chuyện với cô Tâm một lúc rồi xin phép về, không quên xin phép ngày mốt cũng sẽ đón Thanh ở trường rồi đưa Thanh đi chơi. Mẹ Thanh vui vẻ cho phép: 
“Hai anh em đi chơi với nhau là thường, làm gì mà phải xin phép. Tại hôm nay Thanh chưa nói, nên cô ngại nó về muộn lỡ có chuyện gì thôi.” 
Thanh đưa tôi ra tới ngoài đường lớn rồi chúng tôi mới chia tay, tôi hẹn sẽ đón Thanh vào chiều mốt. Thanh cười nhìn tôi: 
"Anh đã xin phép mẹ rồi, ngày mốt em đi chơi với anh, có khuya cũng không bị la đâu . . . Anh nhớ đến đúng giờ . . . đừng . . . quên em nhé." 
Buổi tối cuối cùng gặp nhau trước tôi từ giã Thanh để trở về Quảng Đức, tôi đã hứa với Thanh: 
“Tối nay, anh sẽ về nhà sớm để nói chuyện với mợ anh về chuyện chúng mình. Mợ anh cũng đang muốn anh lấy vợ. Anh sẽ nói mợ qua nhà em để nói chuyện với ba mẹ em . . . mình sẽ lấy nhau . . . em nhé. Trở lên Quảng Đức, anh sẽ viết thư cho em ngay . . . em cũng nhớ viết thư cho anh nhé.” 
  
Tối hôm đó, hai bác tôi lại đến chơi ăn cơm chung với cả gia đình. Trong khi đang ăn, Bác Quang gái vui miệng hỏi tôi:
“Cháu đã có quen với cô nào chưa? Nếu chưa có ai, thì bác sẽ nói với mợ cháu . . . bác có gia đình người hàng xóm mới dọn đến, có cô con gái làm Dược sĩ, cũng chưa có ai ngỏ lời . . . để bác làm mối cho cháu . . .” 
Tôi ấp úng chưa biết nói sao, mợ tôi vội nói vào: 
“Chị đã biết tính nết thằng Hưng nhà em rồi mà . . . Nó ít ăn ít nói . . . Từ hồi đi học cho tới khi ra trường, nó có bao giờ đi chơi đâu, quen biết ai bao giờ mà chị còn phải hỏi . . . Nếu có đám nào . . . chị cứ cho em biết . . . em sẽ lo cho cháu. Nó ở mãi Quảng Đức, lâu lâu mới được về thăm nhà một lần . . . lỡ nó . . . phải lòng một cô người Thượng nào ở trên ấy thì chết em.” 
Cả nhà cười vui vẻ vì câu pha trò của mẹ tôi. 
Hai bác tôi ngồi chơi tới khuya mới về, mẹ tôi và các chị em gái còn phải lo dọn dẹp bàn ghế, rửa bát, nên tôi không có giờ nào mà nói chuyện với mợ tôi cả. Lúc vắng người, tôi chỉ nói được với mợ một câu: 
“Mợ ơi . . . Con có chuyện riêng muốn nói với mợ . . . nhưng mai con đã phải ra phi trường sớm rồi . . . Con sẽ viết thư về cho mợ . . . Mợ nhớ đọc và trả lời cho con ngay nhớ . . . Quan trọng lắm đấy mợ ạ.” 
Mợ tôi đang bận, cũng ừ rồi hối tôi đi ngủ sớm để sáng mai dậy sóm, vì tôi phải có mặt ở phi trường đúng 6 giờ sáng. 
Đại tá Tình Trưởng cho xe đón tôi từ phi trường. Trung sĩ y tá Ngôn cho tôi biết: 
“Đại tá dặn bác sĩ phải tới bệnh viện ngay, vì thương binh lúc này đông lắm.” 
Vì bệnh viện Tiểu Khu Quảng Đức chỉ là trung tâm lựa thương thôi, nên thương binh nào tôi có thể chữa được tôi mới để lại, còn những trường hợp phải mổ xẻ nặng, tôi cho chuyển hết về những quân y viện chung quanh. Hết thương binh lại tới thân nhân gia đình binh sĩ . . . tôi làm việc tối tăm mặt mũi, chỉ kịp ăn cơm ngay tại chỗ rồi lại tiếp tục làm việc tới đêm. 
Giờ ăn còn không có, giờ đâu mà về nhà trọ nữa, tôi quên hết mọi thứ . . . quên cả viết thư cho mợ tôi, quên cả viết thư cho Thanh . . . Đôi lúc đang khám bệnh, tôi chợt nhớ tới Thanh, bàn tay tôi cứ đưa ra . . . hình như thiếu thiếu một cái gì? À, thì ra tôi thiếu bàn tay của Thanh nắm lấy bàn tay tôi . . . 
Tôi làm việc, ăn, ngủ ngay tại bệnh viện suốt cả tháng trời. Tôi biết làm sao bây giờ? Cả tỉnh chỉ có một mình tôi là bác sĩ, tôi đang xin thêm bác sĩ phụ tá. 
Một hôm, tôi đã có thể thở ra nhẹ nhõm, tôi trở về nhà trọ, chẳng có thư từ gì cả, tôi chợt nhớ là tôi đã hứa gởi thơ cho mợ tôi, nói về chuyện tôi yêu Thanh và muốn cưới cô làm vợ . . . và tôi cũng hứa viết thư cho Thanh, cho cô biết chừng nào thì tôi lại có thể về thăm và nói chuyện cưới xin. . .  Tôi vội vàng tắm rửa thay quần áo và lấy giấy ra viết thư. Tôi đang viết thư thì Đại tá Tỉnh Trường cho tài xế đến đón tôi vào văn phòng của ông để bàn chuyện. Ông cũng bận, tôi cũng bận, nên tuy tôi chỉ ở cách dinh Tỉnh trưởng có một con đường, tôi cũng không có cách nào đến thăm ông cả, và đương nhiên, ông cũng đâu có hưỡn đâu mà nhớ đến anh bác sĩ quèn. Tôi vội vàng xếp giấy lại, cùng ra xe với người lính. 
Đại Tá hỏi thăm tôi về tình hình thương binh, gia đình binh sĩ và về tôi. Tôi có thể trả lời ông về thương binh, về tình hình sức khoẻ của binh sĩ và gia đình của họ, về phần tôi . . . tôi đâu có giờ nào cho gia đình đâu mà biết cha mẹ anh em của tôi ở Saigòn bây giờ ra sao? Đương nhiên ông đâu có biết gì về Thanh mà hỏi tôi? 
Đang nói chuyện thì có điện thoại, ông bốc máy nói chuyện, thì ra đó là  Đại tá Tư Lệnh Sư đoàn đóng quân ở vùng bên – bạn cũ của ông từ thời ở quân trường. 
Nói chuyện xong, ông cho tôi hay: Đại tá mời ông qua tư dinh bàn chuyện, nhân ăn bửa cơm tối. Ông kêu tôi cùng đi ăn cho vui. 
Ông bà Đại tá Tùng đón tiếp chúng tôi thật vui vẻ, mời cùng ăn bữa tối với gia đình của ông, gồm có cô con gái lớn và cậu em trai. Bà Tùng giới thiệu cô con gái tên là Duyên, đang sửa soạn thi vào Y khoa, còn cậu em trai tên Đông, đang học lớp Đệ Tứ ở Lyceé Yersin, Đà Lạt.  Khi biết tôi là bác sĩ vừa mới ra trường, bà Tùng đã vui vẻ nói với tôi: 
“May quá, chắc bác sĩ cũng còn nhớ nhiều về toán lý hoá, bác sĩ có thể . . . dậy kèm con bé Duyên nhà tôi thi vào Y khoa được không? Cháu nó mà đậu, thì gia đình tôi cám ơn bác sĩ lắm.” 
Tôi không tiện từ chối, vì mình đang được mời tới ăn cơm, chỉ trả lời rằng công việc ở bệnh viện rát là bận, chắc là không có giờ rảnh, nhưng nếu có thời gian, sẽ rất hân hạnh dậy kèm cho cô Duyên. 
Hai ông Đại tá bạn bè thân thiết với nhau, vừa nói chuyện vừa uống rượu lia chia, hai bà cũng lâu lâu mới được gặp nhau, tha hồ nói đủ mọi chuyện. 
Tôi cũng nói vài ba câu với Duyên và Đông. Duyên hỏi tôi, có biết . . . nhẩy không? Không lẽ tôi lại trả lời thật thà là tôi chưa từng bao giờ đi nhẩy cả? Quê chết! Tôi đành trả lời là . . . hồi nhỏ có biết chút ít, nhưng vì lo học nên chắc là . . . quên hết rồi.  
Đông thì hỏi tôi chơi đàn guitar thùng hay đàn guitar điện? Thích nhạc Beatle không? Có thích bản “Come Together” hay không? Vừa nói cậu ta vừa đưa tay làm bộ như đang đánh đàn, miệng hát theo thật là điệu nghệ. Hai chị em hứa, khi nào có dịp, sẽ đưa tôi về Đà Lạt để nghe nhạc và . . . dancing. 
Hai ông Đại tá uống ruợu với nhau củng buồn, đòi tôi cùng cụng ly, tôi làm liền một khi, hai ông khen tôi uống khá quá, đâu biết rằng trước khi đi, tôi đã uống mấy viên thuốc chống xay, chống nhức đầu rồi. 
Trên đường về, Đại tá Tỉnh Trưởng khuyên tôi nên nhận lời dậy kèm cho Duyên. Tôi có ý nghĩ khác, nên không muốn nhận công việc này, nhưng làm cách nào để từ chối bây giờ? 
Sáng Chủ Nhật, bà Tủng cho xe riêng lại đón tôi tới dậy học cho Duyên, tôi không biết làm sao, đành lên xe rồi kiếm chuyện từ chối sau. 
Đại tá về đơn vị rồi, chỉ có bà Tùng tiếp tôi mà thôi. Bà ân cần mời tôi uống nước, rồi hỏi về tình trạng gia đình của tôi. Tôi trả lời rõ là tôi tuy chưa có vợ, nhưng đã có người yêu và đang tính ngày cưới, bà Tùng chỉ nhờ tôi duy nhất một việc là ráng kèm cho Duyên thi đậu vào y khoa, vì . . . Cháu nó thích ngành y lắm. 
Khi gặp Duyên, thay vì bắt đầu học, cô lại hỏi lại tôi là . . . Tôi có biết dancing hay không? Thích điệu nhạc nào? Và . . . thử nhẩy với cô một bản. Nếu tôi nhẩy đẹp thì cô sẽ đồng ý cho tôi dậy học cho cô. Tôi từ chối điều kiện này ngay lập tức, và nói rằng tôi chỉ biết dậy cô học toán lý hoá mà thôi, nếu cô không muốn học thì tôi . . . đi về. Mặt cô suôi xị, cô mở cuốn sách toán ra mà bàn tay cứ như là đang lướt theo tiếng nhạc. 
Hết giờ học, bà Tùng hớn hở đón tôi ở phòng khách, hỏi tôi Duyên học hành ra sao? Có chịu học hay không? Hãy ráng giúp kèm cho Duyên mỗi sáng Chủ Nhật. 
Tôi chưa kịp trả lời thì Duyên đã nhẩy vào: 
“Không được đâu mẹ ơi, sáng chủ nhật con còn phải đi tập hát với ban nhạc, rồi tối phải đi dancing.” 
Bà Tùng dịu dàng trả lời Duyên: 
“Con học trước đi đã, thi xong con muốn làm gì cũng được.” 
Rồi bà quay sang tôi: 
“Cháu giúp cho bác nhé, ráng kèm cho em Duyên thi đậu, bác không quên ơn cháu đâu. Nhà bác còn dư phòng nhiều lắm, để bác nói người nhà đem đồ đạc của cháu qua đây ở với bác và Đại tá cho vui, cháu đừng từ chối nhé. Chỉ còn có hai tháng nữa là thi rồi. Em nó thi xong thì cháu lại về chỗ cũ, bác không làm phiền cháu nữa.” 
Duyên phụng phịu bỏ vào trong nhà, tôi không biết làm sao, vì tôi làm việc theo giờ hành chánh, việc dậy học là ngoài giờ làm việc. Tôi muốn từ chối thì cũng phải có lý do, người mà tôi có thể dựa vào để kiếm cớ không dậy học là Đại tá Tỉnh Trưởng, nhưng ông đã khuyên tôi nên nhận lời dậy học rồi, thì chăc chắn ông sẽ không giúp tôi viện cớ bận công vụ do ông giao cho. Thôi thì . . . có chỗ ăn chỗ ở cũng tĩện, chỉ có hai tháng dậy học thôi mà.     
Tôi đã có thì giờ viết thư cho mợ tôi, nói rõ là tôi yêu Thanh và Thanh cũng đã đồng ý lấy tôi. Tôi nhờ mợ sang nhà của Thanh nói chuyện với cô Tâm để cùng lo việc đám hỏi cho chúng tôi. Sáu tháng sau tôi sẽ xin phép về nhà một lần nữa, hai bên sẽ làm đám hỏi rồi bàn định ngày làm đám cưới. 
Tôi cũng viết cho Thanh một lá thư thật dài, giải thich cho Thanh nghe lý do tại sao đến bây giờ tôi mới có thì giờ mà viết thư cho cô. Tôi nói là nhớ bàn tay của Thanh nắm lấy tay tôi lắm, mong có dịp về lại Saigòn để được nắm bàn tay của Thanh. Tôi cũng đã cho Thanh biết là đã viết thư cho mợ tôi, nhờ mợ sang nói chuyện với ba mẹ của Thanh về lễ hỏi và lễ cưới của hai đứa. 
Viết xong hai lá thư, tôi trịnh trọng xếp lại, đề tên, địa chỉ cẩn thận rồi đưa tận tay cho anh bưu chính viên của đơn vị, dặn anh phải bò thơ ngay.  
 
Suốt hai tháng dậy học cho Duyên, tôi thấy cô cũng có cố gắng học, nhưng sức học của cô còn yếu lắm, chỉ hy vọng là, nếu gặp may mắn, cô sẽ đậu. Nhưng càng gần ngày thi, tôi càng cảm thấy Duyên có vẻ mệt mỏi, lơ là chuyện học. Một hôm, tôi đang giảng về một bài toán thì Duyên chợt che miệng ói khan, mấy lần liên tiếp. 
Kinh nghiệm khám cho thân nhân và gia đình các binh sĩ trong trại gia binh đã cho tôi biết Duyên đã có triệu chứng khác thường trong người. Tôi hỏi ngay: 
“Duyên . . . làm sao vậy? Cho tôi bắt mạch cổ tay xem sao?” 
Duyên luống cuống từ chối: 
“Không . . . Không . . . Em không làm sao cả . . . Mạch của em vẫn bình thường . . . Không cần bắt mạch đâu.” 
Tôi nhấn mạnh cho Duyên hiểu: 
“Không phải chuyện đùa đâu. Duyên phải nói với mẹ, đi khám lại xem . . . có đúng là mang thai hay không? Hãy cho người cha của đứa bé biết tin này.” 
Duyên hoảng hốt kêu lên nho nhỏ: 
“Không được . . . Không được . . . Em không thể nào nói với mẹ được đâu . . . Em chết . . . Em chết mất . . .” 

***

Nói chưa hết câu, Duyên đã gục mặt xuống bàn khóc nho nhỏ.
Duyên là một cô gái đang xuân, tương lai đầy hứa hẹn. Ở lứa tuổi này, chắc chắn là cô có rất nhiều bạn bè, nhất là cô lại đi học xa. Tuổi trẻ ham vui là chuyện bình thường, việc cô có thai, chắc chắn là ngoài ý muốn rồi, nhưng đây cũng có thể đó là một tin vui nếu người tình của Duyên cũng biết và cả hai gia đình hoà hợp với nhau. Vậy tại sao cô lại không dám nói tin này với mẹ?
Tôi nhẹ nhàng hỏi Duyên:
" . . . Duyên bị . . . mất kinh bao lâu rồi?
" . . . Gần . . . hai tháng rồi . . ."
" . . . Cha đứa bé là ai? Duyên đã cho anh ta biết tin vui này chưa? Tại sao Duyên lại không dám nói với mẹ?"
Duyên vẫn gục đầu xuống bàn mà khóc, không trả lòi tôi.
Một lúc sau, cô ngước lên nhìn tôi . . .
Chưa bao giờ tôi thấy Duyên có ánh mắt như vậy,
Ánh mắt này không phải là ánh mắt của một người con gái . . .
Mà là một ánh mắt quyết đinh . . . một tia nhìn của một người lính bị thuơng, chấp nhận số phận và dám quyết định cho vận mạng của mình, mà tôi vẫn thường thấy ở bệnh viện:
"Anh Hưng . . . em quyết định . . . phá thai . . . anh phải giúp em . . ."
Tia nhìn của Duyên đã làm cho tôi đã đoán được ý nghĩ của cô trước khi cô mở lời, nên tôi không ngạc nhiên khi nghe Duyên nói.
Tôi im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng trả lời Duyên:
"Tôi nghĩ, Duyên nên nói chuyện với mẹ và gặp người cha của đứa nhỏ để báo tin để lo làm đám cưới sớm chừng nào tốt chừng nấy, không nên quyết định một mình. Duyên còn nhỏ, muốn phá thai phải có chữ ký của cha mẹ. Hơn nữa, chỉ có bệnh viện mới làm được việc này, và tôi lại không học về sản khoa, nên lại càng không thể làm được".
Duyên nói một cách dút khoát:
“Anh không giúp thì em . . . làm một mình . . .”
Chuyện này không phải của tôi. Tôi đã cho Duyên những lời khuyên của một người bác sĩ, sau đó, quyết định làm gì là do Duyên và gia đình của cô, không phải tôi, tôi không nên can thiệp vào thêm nữa.
Gần đến giờ về, tôi ngồi nữa cũng không giải quyết được việc gì cho Duyên, nên tôi báo cho cô là hết giờ học, rồi gấp sách đứng dậy ra về.
Mẹ của Duyên đón tôi ở chân cầu thang, vui vẻ mời tôi ở lại ăn cơm trưa, tôi từ chối, nại lý do phải đến bệnh viện lo cho một bệnh nhân vừa mới mổ tối hôm qua. Ngần ngại một lúc, tôi suy nghĩ, cũng cần phải cho bác Tùng biết một chút, vì tôi lo ngại Duyên sẽ làm một việc không nên làm:
“Duyên hình như . . . bị mệt đó bác ạ.”
Từ khi trở lại Quảng Đức, sau một tháng bạn rộn công việc, tôi đã viết tổng cộng ba lá thư cho mợ tôi, nói rõ với mợ tôi rằng:
"Con và Thanh đã đi chơi với nhau nhiều lần, con rất hợp ý và rất yêu thương Thanh, và Thanh cũng yêu con, đồng ý làm vợ con, nên con nhờ cậu mợ đến nhà cô chú Tâm, hỏi cưới Thanh cho con"
Và tôi cũng đã viết cho Thanh bốn lá thơ, thơ nào tôi cũng chỉ nói một câu giống nhau:
"Anh đã viết thơ cho cậu mợ, nói rằng anh và em yêu nhau, đồng ý lấy nhau, và nhờ cậu mợ anh qua nhà em hỏi cưới em cho anh. Chắc chắn trong một vài ngày  nữa, cậu mợ anh sẽ đến nhà em. Em cứ nói với ba mẹ em về ý định của hai đứa mình. Ngày làm đám hỏi là ngày nào cũng được, nhưng phải nói cho anh biết trước ít nhất là ba tháng, để anh dàn xếp công việc rồi xin phép ông Tỉnh trưởng mới có thể về Saigòn được".
Thơ đi đã nhiều mà thơ lại thì chẳng thấy cái nào cả.
Gần năm tháng trời chờ đợi dài đằng đẵng mà thơ của cậu mợ tôi không có một cái nào, ngay cả thơ của Thanh cũng không có.
Cậu mợ tôi có thể vì tuổi già nên chưa kịp viết thư cho tôi, nhưng Thanh thì khác. Ngày đi, Thanh có hứa là sẽ viết thơ ngay cho tôi, vậy mà tới giờ này tôi vẫn không nhận được lá thơ nào của Thanh cả?Không lẽ Thanh đã quên tôi rồi?
Từ thủa nhò, Thanh chỉ bíết nắm tay tôi, không hề quen bíết bất cứ ai khác, thì làm gì có chuyện cô quen người khác mà cho tôi ra rìa?
Ngày nào tôi cũng canh xe quân thơ đổ thư tới, nhưng lần nào cũng như lần nào, thơ của nguời khác thì có, mà thơ của tôi thì không. Ông Trung sĩ ban quân thơ chỉ có thể giải thích cho tôi là:
"Thơ ở Saigòn gởi tới đây, thường là trễ lắm bác sĩ, có khi cả hai ba tháng mới có thơ".
Tôi hỏi kỹ ông Trung sĩ:
“Thủ tục gửi thư và nhận thư ở đây như thế nào hả, Trung sĩ?”
“Dạ, mỗi Thứ Hai, tôi gom tất cả thưtừ công văn lại, chờ xe thơ từ bên Tỉnh tới, tôi giao thơ cho tài xế, anh ta ký nhận rồi lái xe qua dinh Đại Tá Tư lệnh lấy thơ, rồi ra phi trường chờ máy bay tới. Khi máy bay tới, nhân viên bưu chính trên máy bay giao thơ tới và nhận thơ đi.Anh tài xế lại đi một vòng từ dinh Đại tá Tư Lịnh, bệnh viện, rồi cuối cùng là dinh tỉnh trưởng. Thơ không thể nào thất lạc, vì tài xế đi có lính mang súng đi hộ tống, không được phép ghé bất cứ đâu, ngoài lộ trình đã định”.
Tôi buồn bã đi bộ dọc theo đường phố về cây cầu độc nhất trong thành phố, bắc qua một con suối nhỏ, suy nghĩ miên man . . .
Lụi hụi mà cũng hết một tuần lễ, sáng Chủ Nhật, tôi lại ôm sách qua dậy học cho Duyên.
Thông thuờng thì mẹ của Duyên đón tôi ở phòng khách, nói dăm ba câu chuyện rồi mới mời tôi tự đi lên lầu, Duyên luôn luôn có mặt ở phòng học trước tôi, sẵn sàng bài vớ để bắt đầu học ngay. Nhưng hôm nay, khi tôi tói thì Mẹ của Duyên còn ỏ trong phòng riêng, hình như đang nói chuyện điện thoại với Đại tá Tùng.
Tôi thấy vậy bèn tự mình đi lên phòng học.
Duyên không chờ tôi ở đó như mọi khi, tôi ngồi xuông mở sách đọc cho qua giờ.Chờ đã hơn mười phút rồi mà vẫn không thấy cô bước vào phòng học, tôi xếp sách vở đi xuống lầu tìm mẹ của Duyên để hòi xem cô đi đâu mà lại vắng mặt trong giờ học?
Bác Tùng vẫn còn đang nói chuyện với chồng, hình như về một chuyện gì đó mà bà vừa nói vừa khóc. Tôi không muốn nghe chuyện riêng của họ, nên bước ra ngoài sân đứng chờ.
Một lúc sau bác Tùng mới đi ra, bác có vẻ như không thấy tôi đã tới, nên khi nhìn thấy tôi, bác mừng rỡ mời tôi vào phòng khách nói chuyện. Bác ngập ngừng một lúc rồi mới mở đầu:
"Con Duyên nhà bác nó đi Đà Lạt cả tuần nay không chịu về. . ."
Chưa nói dứt câu thì chuông điện thoại lại reo vang, bà quản gia nghe diện thoại rồi chạy ra báo tin với bác Tùng là có điệnthoại ỏ Saigòn gọi. Bác Tùng lại cáo lỗi rồi bước trở lại phòng ngủ để nghe điện thoại.
Tôi ngồi một mình một lúc lâu, không biết làm gì, lạiđứng lên bước ra sân, loáng thoáng nghe bác Tùng nói vào trong điện thoại:
" . . . cháu nó cũng đang sửa soạn làm đám cưới . . . thế nào cũng mời anh chị . . . chồng nó là bác sĩ quân y mới ra trường . . . À, bác cũng biết anh bác sĩ này à . . . Ông Tùng nhà em đòi vợ chồng chúng nó phải có con cho sớm để cho ông ấy mau có cháu bồng . . ."
Tôi đoán chừng là bác Tùng đang nói chuyện với ai đó ở Saigòn về Duyên. Tôi cũng đoán chừng là Duyên đã nói chuyện với cha của đứa bé trong bụng, và gia dình hai bên đồng ý làm đám cưới sớm. Đứng chờ một lúc mà bác Tùng vẫn chưa nói chuyện xong, sẵn người quản gia đi ngang, tôi nhờ bà nói lại với bác Tùng là tôi về nhà trước, tuần sau sẽ trở lại dậy học tiếp cho Duyên. Vừa đi tôi vừa mừng cho Duyên vì chồng tuơng lai của cô cũng là một bác sĩ quân y, nhưng hơi thắc mắc là tại sao  Duyên lại phải dấu chuyện mang thai không dám nói ra với anh ta và cả mẹ của mình nữa? Lại còn đòi phá thai?
Buổi tối tôi vừa ăn cơm xong, định đi một vòng chung quanh bệnh viện thì có một chiếc xe Jeep từ đằng xa phóng tới. Người tài xế tắt máy xe nhẩy xuống chào tôi, thì ra đó là anh tài xế của Đại Tá Tùng, anh giới thiệu người lính đang đứng kế bên anh với tôi:
“Thưa bác sĩ, đây là Trung uý Mẫn, sĩ quan tùy viên của Đại tá Tùng”.Chúng tôi vui vẻ chào nhau, Trung uý Mẫn chắc là vừa ở trận địa về, còn mang dây ba chạc với súng đạn lưỡi lê cùng mình, anh cho biết, Đại tá vừa mới từ trận địa trở về nhà, có ít thịt rừng, nên cho anh đi  mời Đại Tá Tỉnh trường và tôi tới nhậu lai rai cho vui. Tôi đã có gặp Đại tá Tùng và cũng đã nhậu với ông một lần rồi, nhưng đó chỉ là dịp Đại Tá Tỉnh Trưởng muốn giới thiệu tôi là lính mới với Đại tá Tùng mà thôi, chứ cái thân tôi, một bác sĩ . . . nhí mới ra trường, dễ dầu gì mà lại được một vị Đại tá mời đi nhậu?
Nhưng mà, một khi Đại tá đã mời, tôi làm sao mà dám không đi?
Lần trước, tôi đã bĩết là sẽ phải nhậu, nên có uống vài viên thuốc hộ thân, lần này đi khơi khơi, chắc chắn là tôi sẽ bị say ngay ly rượu đầu tiên, tôi sẽ phải ráng thủ thế, không được nói gì bậy bạ.
Trong phòng ăn chỉ có Đại tá Tùng và vợ, không có Đại tá Tình trưởng. và cũng không có Duyên và Đông, hai đứa con cưng của hai vợ chồng. Đại tá Tùng vừa mới ở chiến trưởng về, chắc là chưa kịp tắm rửa, ông còn mặc nguyên bộ đồ trận, súng đạn còn để tùm lum ở phòng ngoài, ông vui vẻ mời tôi vào bàn ăn và tự tay rót cho tôi ly rượu đầu tiên.
Ông cũng nói tôi là gọi ông bằng bác thôi, chứ . . . người trong nhà mà cứ kêu Đại Tá Đại Tá, nghe nó khách sáo lắm.
Bác Tùng nói xong, cụng ly vói bác gái và tôi rồi uông một cái . . . Ực, sảng khoái lắm.Phần tôi, vì phải thủ, lỡ bị say ngay từ giây phút đầu, phần nữa, tôi không biết lý do nào mà tôi lại . . . được mời tới uống với bác Tùng? Trung uý Mẫn nói có cả Đại tá Tỉnh truởng, nhưng đã nhập tiệc rồi mà ông ta vẫn chưa tới, và có vẻ là không tới, vì tôi chẳng nghe bác Tùng nhắc gì tới ông ta cả.
Bác Tùng hỏi tôi về công việc ở bệnh viện.Bác cho biết là ở sư đoàn đang cần một bác sĩ biết mổ xẻ như tôi, nếu tôi muốn về bệnh xá sư đoàn, ông sẽ xin cho tôi về ngay. Ở đó là bệnh viện lớn, tôi sẽ có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và lên chức, và cũng có thể mở phòng mạch tư để kiếm thêm chút đỉnh, chứ còn ỏ cái nơi đèo heo hút gió Quảng Đức này, toàn là dân Thượng, họ khoẻ mạnh cùi cụi, nếu có bệnh hoạn cũng chỉ uống mấy cái lá cây rừng mà thôi, đâu có cần đến bác sĩ làm chi cho mệt, tôi chỉ ngồi đây . . . ngáp gió mà thôi.
Bác Tùng gái cũng tán thành, bác nói:
“Thấy cháu hiền lành chăm chỉ, hai bác cũng thương, muốn giúp cháu có cơ hội tiến thân, chứ thiếu gì bác sĩ mang lon Đại uý, Thiếu tá, có kinh nghiệm chiến trường cũng như nghề nghiệp nộp đơn xin về bệnh xá sư đoàn, mà vẫn còn phải chờ cứu xét”.
Tôi nghe bác Tùng nói mà không tin ở đôi tai của mình, có thật là tôi có thể xin về bệnh xá sư đoàn? Tử vi của tôi có nói là tôi có . . . quý nhân phò trợ mà!
Lần cụng ly thứ hai, tôi uống luôn một hơi, không cần để phòng gĩ nữa cả, vì đời tôi đang co vẻ . . . lên hương rồi đó.
Khi bác Tùng nói ông đã già, đã mệt mỏi, muốn con gái có một tấm chồng xứng đáng, để ông mau có cháu bồng, tôi mới chợt nhớ ra là Bác Tùng gái khi nói chuyện với ai đó trong điện thoại, cũng có nói là Duyên sắp lấy chồng, và chồng của Duyên cũng là bác sĩ mói ra trường, nhưng tại sao bác Tùng không đem người con rể tuơng lai đó về bệnh viện sư đoàn mà lại chọn tôi về đó?
Tôi uống tới ly thứ ba thì Đại tá Tùng cũng làm hơn sáu ly rồi, ông cỏ vẻ đã chứ không say, ông xin phép đi tắm rồi sẽ trở lại uống tiếp với tôi.
Bác Tùng gái cũng uống, nhưng bác uống có một chút rượu pha với thật nhiều nuớc, nói rằng, chỉ chung vui với bác trai một chút cho vui thôi. Bác cho tôi biết là bác trai thương tôi lắm, và Duyên cũng có . . . để ý tới tôi . . . Nếu tôi đồng ý, ông bà sẽ về Saigòn gặp cậu mợ tôi ngay . . .
Mặc dù tôi đã uống ba ly rượu rồi, tôi đã hơi ngà ngà rồi . . . Nhưng khi nghe bác Tùng gái nói như vậy, tôi chợt tỉnh cơn say.
Chắc bác Tùng chưa biết Duyên đã mang thai? Và hai bác quả là có cảm tình với tôi, nên mới cho tôi cơ hội làm rể của ông bà?
Hay là bác Tùng đã biết chuyện Duyên mang bầu, nhưng cho rằng tôi . . . chưa biết, nên cho tôi được cơ hội . . . đổ vỏ?
Tuy rằng tôi đã tỉnh cơn say, nhưng tôi không có cách nào mà trả lời cho bác Tùng được cả, vì trả lời cách nào tôi cũng bị dinh búa . . .
Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra một tuyệt chiêu: Đại Tá Tùng lấy cớ là say để bỏ đi, tại sao tôi lại . . . không say?

Thế là tôi nốc thêm một hơi hai ly nữa, tôi vừa mừng vừa vui vừa nói năng lung tung (nhưng có bài bản trong những câu nói lung tung đó) và cuối cùng là tôi say, nằm gục xuống bàn mà ngủ. Trung uý Mẫn lại phải một phen vất vả cõng tôi ra xe và lái đưa tôi về tận nhà, rồi lại cõng tôi vào tận giường. Không lẽ tôi đứng dậy cám ơn anh? Thôi thì cứ cho là tôi say đi, để được dịp ngủ một giấc ngủ ngon lành cho tới sáng.
Chạy làng được bữa tiệc ngày hôm đó, nhưng tôi không thể chạy mãi được.Suy đi tính lại, tôi chỉ còn một cách duy nhất là đối mặt với sự thật.
Ngày hôm sau, có một buổi lễ phát quà cho các thương bệnh binh (Quảng Đức có một Ty Y Tế và bệnh viện tỉnh, trực thuộc tỉnh, và một trung tâm lựa thuơng, trực thuộc Quân Y Viện. Thương binh đưa về, những trường hợp nào tôi chữa được thì giữ lại, còn bệnh nặng tôi gởi đi các quân y viện lớn ở chung quanh, nên tôi giữ chức Trưởng Ty Y Tế kiêm Y Sĩ Trưởng của Trung Tâm Lựa Thương). Hai bà Đại Tá cầm đầu phái đoàn tới phát quà cho bệnh nhân, sau khi buổi lễ chấm dứt, văn phòng Tỉnh trường mời phái đoàn về dinh tỉnh trưởng ăn trưa, bác Tùng nhân dịp này mời tôi tối nay ghé nhà bác nói chuyện.
Gặp bác Tùng, tôi nói ngay sự thật, không rào trước đón sau:
“Thưa bác, cháu cám ơn hai bác đã có lòng tốt nghĩ đến chuyện tình cảm của cháu. Từ hồi hai bác nhờ cháu đậy học cho Duyên, cháu chỉ nghĩ tới công việc dậy học mà thôi, chứ còn tình yêu thì, như cháu đã có nói với bác từ ngày đầu, cháu đã có người yêu, và chúng cháu cũng đã quyết định lấy nhau rồi, chỉ chờ cha mẹ hai bên gặp nhau định ngày cưới hỏi mà thôi. Cháu cũng biết qua tình trạng . . . sức khoẻ của Duyên, chắc là Duyên cũng đã nói chuyện với bác rồi . . . “
Bác Tùng chặn ngay lại, cả quyết nói với tôi:
“Duyên nó nói với bác, nó đã lỡ . . . với cháu, nên bác mới mời cháu tới mà nói chuyện cưới xin với cháu. Con gái của bác nó đâu có quen ai, chỉ gặp một mình cháu từ ngày cháu dậy học cho nó thôi. Con gái của bác là cành vàng lá ngọc, cũng xứng đôi với cháu lắm chứ. Cháu đừng ngại, hai bác hiểu hoàn cảnh xa nhà của cháu, không trách cứ gì cháu đâu, mỉễn là có làm lễ cưởi hỏi đầy đủ là được rồi.”
Tôi ngạc nhiên tới cực độ khi nghe bác Tùng nói như vậy.Không ngờ Duyên dám dựng câu chuyện lên để hại tôi. Nhưng cũng có thể là do bác Tùng tự nói lên để làm áp lực với tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên là tại sao bác Tùng đã đánh giá tôi thấp như vậy? Đưa tôi vào thế bí kiểu này thì . . . dở quá!
Tôi bình tĩnh trả lời bác Tùng:
“Thưa bác, ngoài việc đến đây dậy học cho Duyên, cháu chưa hề có một lần nào nói chuyện riêng với Duyên, thì làm sao mà cháu có dịp nào để làm chuyện lỡ lầm với Duyên?Hơn nữa, nếu cháu có thuơng yêu Duyên, với tư cách của cháu, cháu cứ thằng thắn đến xin hai bác cho cháu cưới Duyên, chứ cháu đâu có tâm địa nào mà làm hư đời con gái của Duyên rồi bỏ chạy?Nếu quả thật cháu có làm, cháu chạy đi đâu bây giờ?
Với lại, cháu thưa với bác rằng, việc thử máu cho đứa con . . . dễ lắm mà, ai cũng làm được.Có chứng cớ đó, ai mà chối bỏ được?
Nhưng mà . . . sao bác không nói chuyện thẳng với cha của đứa bé? Chắc chắn Duyên phải biết người cha của nó là ai?”
Bác Tùng bật khóc, nói với tôi:
“Duyên nó không chịu nói thì bác làm sao bây giờ.
Bác xin lỗi, bác cứ tưởng là cháu đã thương yêu con Duyên nhà bác.
Bây giờ bác bíết làm sao đây?Cháu ơi, nếu bác trai biết chuyện này . . . chắc là bác trai bắn chết hai mẹ con bác mất cháu ơi . . . Cháu giúp bác được không? Cháu muốn gì bác cũng chiều theo ý cháu hết”.
Bác Tùng khóc nức nở . .  . khóc mãi . . .
Tôi hiểu được nỗi lòng của người mẹ thương con . . .
Nhưng tôi có cuộc sống riêng của tôi, tôi đã có Thanh rồi . . .
Hơn nữa, đứa con đó, không phải là con của tôi, làm sao tôi có thể ham chút công danh địa vị mà đi nhận làm cha cuả nó.
Bác Tùng chợt ngưng khóc, nhìn tôi:
“Duyên nói nói với bác, nó sẽ . . . phá thai . . . Nếu mọi việc xong rồi, cháu . . . có thuơng nó mà . . . cưới nó hay không? Duyên nó . . . thương cháu mà.”
Tôi dứt khoát đứng dậy:
“Thưa bác, cháu chỉ thương người bạn gái ở Saigòn của cháu thôi.”
Tôi xin gặp Đại tá Tỉnh trưởng, đưa đơn xin . . . thuyên chuyển đi tới bất cứ đơn vị nào. Tôi cũng đã viết một đơn xin thuyên chuyển khác gới cho Cục Quân Y.
Đại Tá Tình trưởng không ngạc nhiên khi nhận đơn xin thuyên chuyển của tôi, nhưng vẫn hỏi lý do tại sao tôi xin đi?
Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, ông suy nghĩ một hồi lâu rồi nói với tôi:
“Đại Tá Tùng là bạn thân của tôi, tôi thấy gia đình ông ấy khá, dậy con có quy củ nên mới giới thiệu cho cậu, cũng là có ý ghép con gái của ông ấy với cậu. Sau đó, bà nhà tôi có để ý, thấy cậu không hề có tình ý gì với cô học trò, thì thấy là không xong rồi, ai dè cô ấy trẻ người non dạ, ham chơi một phút mà hỏng cả cuộc đời. Thôi thì cậu cũng nên rời khỏi nơi đây cho khỏi vướng bận. Tôi ký đơn cho cậu, nhưng cậu trực thuộc Cục Quân Y, xin được đi đâu là do họ điều động, chứ không do tôi”
Việc xin thuyên chuyển của tôi không phải dễ, trong khi chờ đợi, tôi suốt ngày chúi mũi vào công việc, hết ở trung tâm lựa thương tới bệnh viện, giờ rảng, tôi lo đọc sách thêm và nhất là viết thư về cho gia đình và cho Thanh. Tôi vẫn không hiểu là tại sao tôi lại không nhận được bất cứ bức thư nào của gia đình cả?
Cuối cùng, Cục Quân Y trả lời tôi là, có một chỗ trống ở Bệnh Viện Dã Chiến Chu Lai của Mỹ, dành cho bất cứ bác sĩ quân y nào muốn học về mổ xẻ.
Tôi đang học về mổ xẻ, nhưng kẹt một nổi, bao nhiêu tài học của tôi lại chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi, bây giờ chuyển qua tiếng Anh, nội cái việc học những từ ngữ chuyên môn cũng đủ xỉu rồi, nói chi đến việc học nghề. Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là dịp may cho tôi. Tôi gởi thư xin đi học ngay lập tức, đồng thời cũng gỏi thơ báo cho cậu mợ tôi và Thanh cùng biết.


Cuối cùng, Cục Quân Y trả lời cho tôi biết, có một chỗ trống ở Bệnh Viện Dã Chiến Chu Lai của Mỹ, dành cho bất cứ bác sĩ quân y nào muốn học về mổ xẻ.
Tôi đang học về mổ xẻ, nhưng kẹt một nổi, bao nhiêu tài học của tôi lại chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi, bây giờ chuyển qua tiếng Anh, nội cái việc học những từ ngữ chuyên môn cũng đủ xỉu rồi, nói chi đến việc học nghề. Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là dịp may cho tôi. Tôi gởi thư xin đi học ngay lập tức, đồng thời cũng gỏi thơ báo cho cậu mợ tôi và Thanh cùng biết.
Trong khi chờ đợi ngày đi, tôi lo việc bàn giao cho vị bác sĩ mới được bổ nhiệm thay thế tôi, rồi dành hết thời giờ còn lại cho việc học thêm tiếng Anh. Không rành tiếng Anh, việc đầu tiên là không học được gì cả, đi học thêm mà chẳng học được ngón nghề nào hết thì học làm gì!
Tôi vào bệnh viện dã chiến mà cứ tưởng như đi lạc vào một xứ nào trên mặt trăng hoặc trên Hoả Tinh . . . vì từ người bác sĩ tới ý tá, bệnh nhân . . . cho tới các y công và nhân viên vệ sinh  . . . đều không phải là người Việt Nam.Tất cả mọi giấy tờ và ngôn ngữ giao dịch, nói chuyện . . . đều bằng tiếng Anh.
Đây là bệnh viện của Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, chỉ chữa trị cho lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ mà thôi. Trong một vài trường hợp khẩn cấp, hoặc là vì những bệnh viện khác trong vùng không có bác sĩ chuyên khoa để thực hiện việc mổ xẻ, bệnh nhân của các binh chủng khác của Mỹ và của Việt Nam mới được đưa vào đây chữa trị mà thôi.
(In May, 1965 the United States Marines landed and created Chu Lai Combat Base on the sandy shores of Vietnam. With the Marines came "B" Company, Third Medical Battalion. Their mission was to form the nucleus for the medical facility assigned to support activities in southern I Corp. From its beginning in tents, on the beach, the unit moved to a rocky bluff overlooking the South China Sea. At this location, from late 1965 to early 1966, Navy and Marine personnel worked in support of Marine operations with such names as Starlight, Harvest Moon, and Utah.

Starting in late December and Early January, First Medical Battalion was moving toward Chu Lai – Headquarters and Services (H&S) Company from Camp Pendleton, "A" Company from Okinawa, "B" Company from its floating base aboard the USS Princeton. On March 20, 1966, the Battalion became a part of Chu Lai, incorporating the "B Med originals" into a large and efficient medical unit. Rapid expansion took place – bed capacity was tripled with the construction of new wards, new causality sorting and treatment areas were built, the new operating rooms were opened, and permanent living quarters became a reality. Operations Texas, Indiana, and Hot Springs are only a few of the names with which the Battalion played and important supporting role.(http://www.illyria.com/evacs.html#3rd)

First stop for the Medivac "dust off" flight after picking up the wounded – the landing pad at the 91st Evacuation Hospital in Chu Lai on a rocky bluff overlooking the South China Sea.  The 91st EVAC had moved to Chu Lai in July, 1969, and had taken over the facilities previously used by the 312th
Evacuation Hospital.  The commanding officer of the 91st  EVAC in 1970 (Colonel Keawyn Nehoa) said the facility was "the most active hospital in Vietnam with the greatest turnover of patients." 

http://www.a-1-6.org/1- Medical Facilities at ChuLai Vietnam.
Giáo sư hướng dẫn cho tôi, tôi không nhớ rõ tên cho lắm (tạm gọi là bác sĩ May), ông cho tôi bíêt là ông cũng vừa mới tới Việt Nam được khoảng một năm.
Bắt đầu làm việc, ông dẫn tôi đi thăm phòng mổ và giới thiệu tôi với mọi người, trong đó có một Nữ Y Tá mà tôi có nhớ tên là Sha, cô còn trẻ lắm, lúc nào cũng tươi cười, nói năng nhẹ nhàng. Sau đó, ông đưa tôi trở lại văn phòng, kể cho tôi nghe một cuộcgiải phẫu để đời của ông ta:
Giải phẫu để lấy ra viên đạn M79 nằm trong lồng ngực của một người lính Nhẩy Dù thuộc Sư Đoàn 101 của Mỹ, vào khoàng tháng Tư năm 1968.Cuộc giải phẫu rất nguy hiểm, không những cho chính bệnh nhân mà còn cho các bác sĩ nữa. Vì viên đạn của súng phong  lựu M79, một khi đã được bắn ra, sẽ phải xoay đủ một số vòng nào đó rồi mới phát nổ. Khi viên đạn đã bắn và nằm trong lồng ngực của người lính, sở dĩ nó chưa phát nổ là vì nó chưa quay đủ vòng.Ai mà biết còn bao nhiêu vòng nữa thì viên đạn sẽ phát nổ? Do đó, để giữ an toàn cho các bác sĩ, bệnh nhân sẽ được đặt trong một phòng mổ chất đầy bao cát, chỉ để hở một ô nhỏ để bác sĩ đưa tay vào mổ mà thôi. Nếu lỡ đụng phải trái đạn (chắc chắn là sẽ phải đụng vào trái đạn, nếu không đụng vào nó, làm sao mà gắp nó ra ngoài lồng ngực của bệnh nhân?) mà nó phát nổ, thân xác của bệnh nhân chắc chắn tan tành mà hai cánh tay của bác sĩ chắc chắn sẽ . . . không còn nữa. Nếu bao cát không chịu nổi sức nổ, tất cả các bác sĩ trong phòng mổ cũng sẽ phải chịu chung số phận với bệnh nhân. 
Rất may là cuộc giải phẫu đã thành công, bệnh nhân được hồi phục, đã trở lại với đơn vị. 
Xong câu chuyện, ông kết luận: 
“Làm bác sĩ giải phẫu đã khó, làm bác sĩ giải phẫu cho quân đội lại còn khó hơn gấp ngàn lần.Vì mạng sống của người lính không những bị nguy hiểm mà bản thân của mình cũng sẽ bị liên luỵ. Do đó, việc đầu tiên là phải bình tĩnh, rất bình tĩnh. Việc thứ hai là phải biết mình đang làm gì?Sẽ làm gì?Và . . . Có làm được hay không?”
Mayer Katz, M.D.

Dr. Katz is a Board Certified Vascular Surgeon with over 40 years experience. He received his bachelor's degree from Johns Hopkins University and his medical degree from the University of Maryland School of Medicine. After a surgical internship at the University of California Hospital, he completed his residency at the Boston City Hospital in 1967. That same year, Dr. Katz became an Instructor of Surgery at the Tufts University School of Medicine in Boston, MA. From 1971-1984 he held the position of Assistant Clinical Professor of Surgery at the University of Illinois School of Medicine in Rockford, IL. Since 1990, Dr. Katz has been working as the Director of the Vascular Lab at Beebe Medical Center.
He served in Vietnam from 1967-1968 and received the Soldiers Medal in April 1968 for removing an M79 grenade from a soldier in the 101st Airborne Division. He served with the 3rd Medical Battalion 3rd Marine Division in Vietnam. He is a member of the Medical Society of Delaware. His society affiliations include American Board of Surgery, American College of Surgeons, Society of Clinical Vascular Surgery, Eastern Vascular Society, Society for Vascular Surgery, and Midwestern Vascular Society. His publications have been primarily related to carotid artery surgery.
http://www.delawarebaysurgical.com/bios.html
Tôi bắt đầu phụ với Giáo sư May trong những cuộc giải phẫu ngay sau đó. Bệnh nhân không bao giờ thiếu, hết ca mổ này tới ca mổ khác, hết mổ tay tới mổ chân, mổ ngực, mổ đầu. Ngoài giờ học mổ, tôi còn phải lo học thêm những danh từ chuyên môn, học đàm thoại, nhất là phải học suy nghĩ bằng tiếng Anh để tự động phát ra tiếng nói từ trong đầu.
Tôi quen dần với công việc và với mọi người chung quanh. Các bác sĩ và y tá cũng rất có cảm tình với tôi, vì tôi ít nói (đương nhiên rồi, tôi chưa rành tiếng Anh mà) và chịu làm, làm bất cứ cái gì có thể làm, giúp đỡ tất cả mọi người trong phạm vi tôi có thể giúp.Ngoài việc hướng dẫn nghề nghiệp, Giáo sư May còn giúp tôi học tiếng Anh, cô Sha cũng góp phần đáng kể giúp tôi phát âm cho đúng.
Khoàng hai tháng sau, tôi nhận được lá thư đầu tiên từ gia đình, thư này là của mợ tôi gởi. Mừng quá, tôi vội vàng chạy bay ra căng tin, mua ly cà phê vừa uống vừa mờ thư ra đọc . . .
Trong thư, mợ tôi viết rằng . . . Kể từ khi tôi trở về đơn vị ở Quảng Đức, cả nhà chờ đợi nhưng đã không nhận được bất cứ một lá thơ nào của tôi cả, chỉ nhận được bức thư đầu tiên tôi viết từ Chu Lai, báo là đã được đi học ở bệnh viện này và cho biết địa chỉ mới.
Tôi ngạc nhiên hết sức, ngưng đọc để suy nghĩ: Tôi đã viết cả thẩy sáu lá thơ, tại sao không một bức thơ nào tới tay gia đình? Vậy thì những bức thơ tôi gởi cho Thanh, cô có nhận được không mà không trả lời cho tôi?Không lẽ bao nhiêu thơ tôi gởi về nhà đều bị thất lạc hết?
Tôi vội vàng đọc tíếp, mẹ tôi viết:
“Trong thơ, con có viết rằng con và cô Thanh, con của cô chú Tâm, đã yêu thương nhau và đồng ý lấy nhau. Con có nhờ cậu mợ đến nhà cô chú Tâm để hỏi cưới Thanh cho con . . .
Nhưng, mới tuần trước, cậu mợ đã được mời đi dự đám hỏi của cô Thanh . . . Nên cậu mợ không hiểu ý của con nói như vậy có nghĩa là như thế nào?
Nếu con nói rằng, Thanh chưa hề quen biết ai ngoài con, thì đâu có lý nào cô ta lại đi lấy chồng ngay như vậy?
Con có viết thư cho Thanh hay không? Và Thanh đã trả lời với con như thế nào mà lại bỏ đi lấy chồng ngay như vậy?
Mắt tôi mờ đi, không đọc được chữ nào nữa . . .
Tại sao Thanh lại đi lấy chồng mà không hề có một lời nào báo cho tôi hết cả?
Theo tôi biết, Thanh đâu có quen ai ngoài tôi?
Không lẽ Thanh không nhận được bất cứ một lá thơ nào của tôi?
Không lẽ Thanh không hề viết bất cứ một lá thơ nào cho tôi, cứ thế mà im lặng đi lấy chồng?
Nếu Thanh đã quen biết ai đó trước tôi rồi, và đang sửa soạn lấy người ta, tại sao Thanh lại nỡ lừa gạt tôi mà nói yêu thương tôi, để rồi khi tôi vừa mới trở về đơn vị là Thanh đã lo việc lấy chồng ngay lập tức?
Hàng ngàn câu hỏi quay cuồng trong đầu óc tôi . . . Tôi không thể nào trả lời được và cũng không thể nào biết được chuyện gì đã xẩy ra cho tôi? Cho Thanh?
Tôi ngồi thừ người ra mà suy nghĩ . . . Càng suy nghĩ, tôi lại càng không hiểu gì cả.Tại sao Thanh lại bỏ tôi mà đi lấy chồng?Tại sao Thanh lại lấy chồng một cách mau chóng như vậy?
Trước khi tôi ròi Saigòn, Thanh đã nói yêu tôi và hứa sẽ chờ đợi tôi, vả chỉ yêu tôi mà thôi . . .
Thanh có nhận được bức thơ tôi viết từ Chu Lai hay không? Nếu Thanh nhận được, thì thật là khôi hài cho tôi đã viết thư thương yêu cho một người đã có chồng rồi. Cũng có thể là Thanh đã đi theo chồng rồi, không còn ở với cô chú Tâm nữa. Nếu cô chú Tâm nhận được thơ của tôi và mở ra đọc, cô chú sẽ nghĩ gì về tôi?
Đầu óc tôi nóng bừng lên . . . tay tôi co lại, tôi nắm chặt hai bàn tay . . . tôi muốn đập tan hết những thứ gì trước mặt tôi.
Tôi giận Thanh . . . Tôi giận tôi . . . Tôi muốn bỏ hết tất cả để về Sàigòn, gặp Thanh . . . Hỏi Thanh sao lại bỏ tôi mà đi lấy chồng?
Ngay lúc đó, một tiếng nổ thật lớn phát ra . . . ngay trên đầu tôi . . .
Pháo kích . . . Việt cộng pháo kích vào bệnh viện . . .
Hết tiếng nổ này tới tiếng nổ khác . . .
Còi báo động vang lên . . .
Mọi người nhốn nháo nhưng không chạy lộn xộn . . . Ai cũng vội vàng chui xuống gầm bàn, gầm ghế để tránh bị trúng miểng . . . Tôi cũng vội vàng chụp bức thơ bỏ vào túi áo rồi chạy núp vào một góc . . .
Khi tiếng nổ vừa dứt, mọi người đứng vội lên nhìn chung quanh xem tình thế và xem có ai bị thương hay không? Tôi phụ một tay khiêng những người bị thương vào phòng mổ.
Tôi quên hết mọi thứ . . . quên Thanh . . . quên mối tình đầu vừa chợt đến rồi đi . . .
Trước mặt tôi chỉ là những bệnh nhân . . . Tôi cần phải bình tĩnh . . . Tôi cần phải biết tôi đang làm gì và sẽ làm gì . . . Tôi cần phải cứu giúp những bệnh nhân, giúp họ được hồi phục . . . Tôi cần phải học hỏi để xứng đáng với công lao mà các bác sĩ đỡ đầu đã hết sức hướng dẫn cho tôi . . . Để cho họ thấy bác sĩ Việt Nam cũng có trình độ khá như những bác sĩ mổ xẻ trên thế giới.
Thanh đã đi lấy chồng rồi, dù tôi có viết mười bức thư nữa cho Thanh, cô cũng không thể nào bỏ chồng mà trở lại với tôi. Dù tôi có viết cả trăm lá thơ cho cậu mợ tôi, ông bà cũng không có cách nào mà giúp tôi đi cưới Thanh được . . .
Bỏ hết đi . . . quên hết đi . . . chừng nào xong khoá học, về Saigòn hẵng hay.

Sharon Ann Lane was born in Zanesville, Ohio, but grew up in North Industry, Stark County, Ohio. She was graduated from Canton South High School in June 1961 and entered the Aultman Hospital School of Nursing the following September. After graduating from Aultman in 1965, she worked at the hospital until May, 1967, when she decided to try her hand in the business world. After three quarters at the Canton Business College she quit to join the U.S. Army Nurse Corps Reserve on April 18, 1968. 
2LT Lane began training on May 5 at Fort Sam Houston in Texas. On 17 June she reported to Fitzsimons General Hospital in Denver, Colorado. While at Fitzsimons, she was promoted to First Lieutenant. On 24 April 1969 she reported to Travis Air Force Base in California with orders for Vietnam. 
She arrived at the 312th Evac Hospital at Chu Lai on 29 April and was assigned to the Intensive Care ward for a few days before being assigned to the Vietnamese Ward. She worked 5 days a week (12 hours per day) in this ward and on the sixth day worked in Intensive Care. 
At 0605, 8 June 1969, the 74th Medical Battalion reported a rocket hit between Wards 4a and 4b of the 312th Evacuation Hospital. The explosion killed two and wounded 27 US and Vietnamese personnel (see the). 1LT Lane was killed by fragmentation wounds. 
Although seven other American military nurses died while serving in Vietnam, 1LT Lane was the only American servicewoman killed as a direct result of enemy fire throughout the war. 
A Memorial Service was held at Chu Lai on June 10, 1969, and a Catholic Mass was held June 11, 1969. Services in Canton were held June 14, 1969. 1LT Sharon Ann Lane was buried in Sunset Hills Burial Park, Canton, Ohio. 
01 September 2001 
Sharon Lane, the All-American Girl 
She came to Vietnam not to fight or warrior to be but to serve a higher purpose across the sea.
http://www.americal4ofthe3.com/images/The_Angels_of_Vietnam.pdf
http://www.virtualwall.org/dl/LaneSA01a.htm
Xong khoá học, tôi nhận chứng chỉ tốt nghiệp khoá Giải Phẩu và được gắn dấu hiệu Y sĩ Hoa Kỳ. Giáo Sư May hỏi, nếu tôi muốn học tiếp, ông sẽ giới thiệu tôi đi học ở  . . . Bệnh viện của Hạm Đội Thứ Bẩy, đang phục vụ ở vùng Thái Bình Dương. Tôi cám ơn ông và từ chối, vì tôi muốn được đem sức học của mình ra để phục vụ cho những người lính đang cần tôi. Tôi được nghĩ phép vể Saigòn thăm gia đình rồi sau đó sẽ tới Cục Quân Y để nhận sự vụ lệnh đi đơn vị mới.
Về thăm nhà, cậu mợ tôi cho biết thêm là Thanh đã làm đám cưới cách đây không lâu. Chồng của Thanh là một thương gia người Hoa sống ở Chợ Lớn. Điều này làm cho tôi ngạc nhiên hết sức, vì tôi chưa hề nghe Thanh nói là có quen ai khác ngoài tôi, bây giờ lại lập gia đình với một người không phải ở trong giới y dược, lại cũng không phải là người Việt Nam nữa. Tôi kể cho mợ tôi nghe lý do tại sao tôi gặp lại Thanh và hai người đã hứa với nhau như thế nào. Mợ tôi chỉ biết nghe thôi chứ cũng không biết nói gì thêm.
Tôi lang thang khắp đường phố Saigòn, trở lại Đại Học Dược Khoa, nơi ngày xưa tôi gặp lại Thanh . . . Tôi đi bộ dọc theo con đường lá me bay đi về phía đường Đồn Đất, tìm đến Thư Viện Pháp, nơi tôi đã mời Thanh uống ly nước chanh đường đầu tiên . . . Nhìn thấy cô sinh viên nào tôi cũng tưởng đó là Thanh . . . Nhìn nhũng cánh lá me bay, nhìn những tà áo dài bay trong gió, tôi lại càng nhớ đến Thanh . . . Tôi phân vân tự hỏi: Tại sao Thanh đã nhận lời cầu hôn của tôi rồi, mà lại mau chóng quên đi để mà lấy chồng. Nếu Thanh lấy một người chồng cùng nghề, tôi có thể hiểu được, đằng này Thanh lại lấy một người chồng làm nghề buôn bán. Thanh không phải là loại người ham giầu có . . .
Ngồi chán, tôi lại đi bộ trở lại Đại lộ Cường Để, trở về khu trường Dược.
“ . . . Pretty woman, walkin' down the street,
Pretty woman, the kind I'd like to meet,
Pretty woman,
I don't believe you
You're not the truth . . .
Pretty woman, don't walk on by,
Pretty woman, don't make me cry,
Pretty woman,
Don't walk away hey….Okay . . .”
(Oh, Pretty Woman,Roy Orbison).
Ô kìa . . . có ai đó mặc mini juipe mầu đỏ, mang cặp kiếng đen, đội cái nón đen rộng vành, đang đưa tay giữ cái nón và cũng đang đi bộ ở đằng trước . . .
Tôi vội vàng rảo bước thật nhanh . . . Thanh của tôi . . . Thanh của tôi đang tới gặp tôi . . .
Bất chợt . . . có ai nắm lấy tay tôi . . .
Bàn tay này lạnh buốt nắm chặt lấy tay tôi, móng tay xiết vào da thịt tôi đau buốt. Kinh nghiệm trong nghề cho tôi biết đó là bàn tay của một người bệnh . . . Tôi dằng mạnh tay quay lại nhìn . . .
Một giọng nói lạnh buốt vang lên . . . giọng nói này lạnh hơn cả bàn tay đang nắm lấy tay tôi:
“Ai cho anh đi lại con đường này? 
Anh còn muốn trốn em tới bao giờ?
Tại sao anh lại nhẫn tâm bỏ em mà đi lấy vợ giầu sang phú quý?”
Tôi hoảng hốt nhìn cái bóng đang ở sát bên tôi từ lúc nào . . . Tôi kêu lên thật mừng rỡ:
“Thanh!”

***

Tôi không tin rằng tôi lại có thể gặp lại Thanh. Tôi nắm chặt lấy bàn tay của Thanh, như sợ rằng Thanh của tôi sẽ biến đi mất.
Thanh của tôi không mặc mini juipé mà mặc áo dài trắng. Cơn gió buổi trưa hè không đủ làm bay mái tóc của Thanh, mà chỉ làm cho nó rối lên, nước da trắng xanh của Thanh xem ra còn trắng hơn mầu trắng của chiếc áo dài đang mặc. Tôi buột miệng nói nhỏ:
"Thanh . . . em không được khoẻ . . . phải không?"
Thanh đưa tay nhấc cặp kiếng đen lên, nhìn tôi:
"Cám ơn anh đã lo cho sức khỏe của em . . . Nhưng mà em đã có người khác lo cho em rồi."
Chợt đôi mắt của Thanh ánh lên những tia nhìn giận dữ:
"Anh Hưng . . . Hãy trả lời em đi . . . Tại sao anh nỡ bỏ em mà đi hấy vợ giầu sang phú quý?"
Tôi ngạc nhiên đến độ ấp úng nói không ra lời:
"Lấy vợ . . .? Anh . . . lấy . . . ai? Anh . . . lấy vợ hồi nảo? Ai nói cho em nghe là anh lấy vợ? Em . . . Em lấy chồng thì có . . ."
"Đúng . . . Em lấy chồng rồi. Nhưng anh có biết tại sao em lấy chồng hay không? Tại vì người yêu của em bỏ em đi lấy vợ giầu sang nên em mới phải đi lấy chồng . . . và em cũng lấy chồng giầu sang . . . chứ để thua anh hay sao?"
"Thanh . . . Anh nhắc lại . . . Anh chưa hề lấy vợ . . . Ai nói cho em nghe là anh lấy vợ? Đừng nghe tin đồn nhảm. Anh vẫn chờ đợi em mà."
"Anh còn muốn giấu em . . . đến bao giờ? Em không nghe tin đồn nhảm đâu. Chính miệng . . . bà mẹ vợ của anh nói cho em nghe chứ em đâu có nghe ai khác nói đâu mà tin đồn."
"Mẹ vợ? Mẹ vợ anh là ai? Bà ấy gặp em hồi nào?"
"Anh mau quên quá vậy? Àh, chắc là anh còn mải lo cho vợ con nên không nhớ . . . Nếu vậy để em nhắc lại cho anh nhớ . . .
Thanh buông tay tôi, từ từ bước đi về phía bờ sông . . .
 . . . Từ ngày anh đi, em cứ tưởng rằng anh đã về nhà nói với cậu mợ anh để qua nhà em xin cưới em . . . Em đã nói thật nhiều về anh, về những buổi đi chơi của hai đứa mình cho ba mẹ em nghe. Ba mẹ em không tin rằng anh yêu em, anh sẽ cưới em. Mẹ em phì cười khi nghe em nói là anh sẽ về nhà thưa chuyện cùng cậu mợ:
"Chúng mày . . . như hai anh em ấy mà . . . Chắc là con quen thói nhõng nhẽo nên anh Hưng mới nói cho con vui lòng thôi ấy mà."
Em đã nói với ba mẹ em:
"Ba mẹ chờ mà xem . . . Cậu mợ anh Hưng qua liền đấy . . ."
Thế rồi một tuần . . . rồi hai tuần qua đi, không thấy cậu mợ anh qua nhà em gì cả. Em sốt ruột lắm, nhưng ráng chờ đợi. Em chờ thư của anh từng ngày . . . Em không nghĩ rằng anh quên địa chỉ nhà em, em chỉ nghĩ rằng, có thể anh chưa kịp nói với gia đình, nên chắc chắn anh đã viết thư báo cho cậu mợ anh biết. Em đã viết thư ngay cho anh sau khi anh lên đường . . . Em viết nhiều lắm . . . cứ hai tuần em lại viết một lá thơ cho anh . . . Nhưng ngày tháng cứ thế mà qua đi . . . Đã hơn ba tháng rồi mà em không nhận được bất cứ một lá thư nào của anh cả. Em buồn bã nhưng không dám nói tâm sự của mình ra với ba mẹ em. Ba mẹ em cũng chỉ nhìn em thôi, chứ cũng không hỏi thăm gì cả.
Cho đến một ngày nọ, em nhớ anh quá, chịu không nổi. Không lẽ anh không nhận được bất cứ một lá thư nào của em cả hay sao? Đã có chuyện gì xẩy ra cho anh? 
Em mới tìm đến người bác của em làm ở Bộ Tổng Tham Mưu, kể lại cho bác nghe chuyện tình của em với anh, rồi nhờ bác gọi điện thoại lên tỉnh Quảng Đức hỏi thăm xem anh ra sao?
Ban đầu, bác Mai không nhận lời, bác nói rằng điện thoại chỉ dùng cho công vụ, không dùng cho việc riêng. Hơn nữa, tỉnh Quảng Đức không phải là nơi có an ninh, công việc lại bận rộn, nên không nhận được thư là chuyên nhà binh thường tình chứ không có gì lạ cả. Nhưng em kiên nhẫn nói với bác rằng, vì anh đi đã lâu mà không có thư về, lỡ . . . có chuyện gì không may xẩy ra cho anh. Em phải nói câu cuối cùng: 
“Bác ơi, giúp con . . . con yêu anh Hưng . . . con chỉ cần biết tin anh ấy bình yên là được.” 
Chờ mãi, bất chợt đến chu kỳ liên lạc với Tỉnh Quảng Đức, bác Mai mới cho em hay và đưa em vào văn phòng của bác để ngồi nghe bác nói chuyện với Đại Tá Tỉnh Trưởng. 
Em hồi hộp ngồi chờ bác Mai nói chuyện với ông Tỉnh trường, xong rồi bác mới hỏi thăm về anh và Ty Y tế. Vì ỏ trên đó có một mình anh là bác sĩ, nên Đại tá Minh biết ngay là anh, ông nói rằng anh đang dậy học cho con ông Đại Tá Tư Lệnh, và cho bác Mai số điện thoại để liên lạc. Bác Mai gọi thì gặp ngay bà Đại Tá. Bà nói là anh đang dậy học cho con gái của bà  . . . và anh yêu cô này . . . đã xin với bà cho cưới cô ta. Bác Mai nghe nói thì vội hỏi lại cho rõ trưóc mặt em: Có phải là ông bác sĩ Hưng hay không? Chính bà đã xác nhận là đúng, và có nói thêm rằng chính anh đã gặp Đại Tá Tư lệnh để xin làm đám cưới và Đại tá đã bằng lòng, sau khi cưới, anh sẽ đuợc chuyển về quân y viện của Sư đoàn . . ."
Thanh chợt dừng lại, quay mặt nhìn tôi:
"Anh ơi . . . Anh có biết tình cảnh của em lúc bấy giờ ra sao hay không? Em năn nỉ bác Mai, nói rằng anh là người yêu của em, hứa cưới em nên em mới nóng lòng mà nhờ bác hỏi thăm tin tức của anh. Tin của người yêu của em không có mà trái lại, có cái tin là anh  . . .  đích danh anh xin cưới con ông Đại tá Tư Lệnh để sau đó được chuyển về quân y viện Sư đoàn . . .
Anh ơi . . . anh có biết không? Cả người em lạnh ngắt, như có ai vừa tạt một thau nước đá vào mặt em. Em không nói được gì cả, nước mắt em chẩy dàn dụa mà em không khóc được lên tiếng. Ôi . . . còn gì đau khổ hơn khi đi hỏi thăm tin tức của người yêu mà lại được tin người yêu cuả mình bỏ đi lấy vợ. 
Bác Mai nhìn em thương hại . . . Em còn mặt mũi nào . . . còn danh dư nào để mà nói chuyện với bác nữa?
Em gục đầu xuống bàn mà khóc. Em khóc không biết bao lâu, đến khi tưởng là hết nước mắt rồi, em mới ngẩng mặt lên mà nhìn bác Mai. Bác ái ngại nói đưa em về nhà. Em còn mặt mũi nào mà về nhà gặp lại ba mẹ em nữa . . . Em xin ở lại nhà bác, nhờ bác nhắn với ba mẹ là em ở nhà bác vài ngày để học chung với con gái của bác.
Anh . . . Anh Hưng . . . Sao anh tàn nhẫn thế? Lý do nào đã làm cho anh thay lòng đổi dạ? Anh muốn bỏ em? Được! Nhưng ít ra anh cũng phải viết cho em vài lời chứ? Đằng này . . . anh cứ im lặng như không biết em là ai? Tại sao vậy hả anh?"
Nghe Thanh nói mà tôi cứng người lại vì sợ hãi . . . vì ngạc nhiên. Tôi hoảng hốt nói với Thanh:
"Thanh . . . Hãy nghe anh nói . . . Anh chưa hề lấy vợ . . . Anh không bao giờ xin cưới con gái của Đại Tá Tư Lệnh. Anh có dậy học cho con gái của ông ta, nhưng chưa bao giờ có tình ý gì với cô ta cả. Tin anh đi . . . Cho đến ngày hôm nay, anh vẫn chưa hề xin cưới ai cả. Anh không thay lòng đổi dạ . . .  Anh chỉ biết có một mình em và chỉ yêu một mình em mà thôi. Anh có viết thư cho em và cả cho cậu mợ anh nữa. Anh viết cả thẩy năm bức thư, không lẽ em không nhận được bất cứ lá thơ nào của anh cả hay sao?
Để anh kể lại cho em những gì xẩy ra từ ngày anh trở về Quảng Đức nhé:
Hai đứa mình đi chơi với nhau nhiều quá, nên mãi đến tối cuối cùng sau khi đưa em về nhà, anh mới về nói chuyện với cậu mợ anh. Rủi cho anh là tối hôm đó, có bác anh lại chơi, ở lại ăn cơm tối, nên anh không có thì giờ nói chuyện với cậu mợ. Anh chỉ nói là anh có chuyện muốn nói, nhưng để anh sẽ viết thơ, nhờ cậu mợ cứ làm như con dặn trong thơ là được rồi. 
Lên tới Quảng Đức, dù là công việc rất bận rộn, nhưng anh cũng dành thời giờ viết thư cho cậu mợ anh ngay, nói rõ ràng là anh và em thương nhau, và nhờ cậu mợ đến thưa chuyện với ba mẹ em để xin cưới em. Anh cũng viết thơ cho em, dặn là ráng chờ, cậu mợ anh sẽ đến ngay đấy. 
Sau đó, anh mải miết lo khám bệnh cho thương binh, gia đình binh sĩ, nên mãi cả tháng sau mới lại viết thư cho nhà và cho em. Anh chờ thư trả lời của cậu mợ anh và của cả em nữa, nhưng không nhận được bức thơ nào cả. 
Nhân dịp gặp Đại tá Tỉnh trưởng, ông có mời anh đi đến thăm một người bạn cùng khóa quân trường, đang làm Tư Lệnh Sư Đoàn. Đại Tá Tùng có cô con gái tên Duyên, đang học luyện thi vào Y khoa, nên có nhờ anh dậy kèm cho cô ta một tuần một lần vào sáng Chủ Nhật. Anh thấy đó là ngày nghỉ, hơn nữa, có lời giới thiệu của Đại Tá Tỉnh Trường, nên anh không tiện từ chối.  
Vì lâu quá không nhận được thư của em cũng như của gia đình, nên anh đã rất là mong ngóng, và cũng đã tới phòng quân thư để hỏi, nhưng ở đó nói là vẫn gởi và nhận được thơ của mọi người một cách bình thuờng, nên anh không làm cách nào được cả. Anh hỏi cách thức nhận và gởi thư, thì ông trưởng ban quân thư cho biết là xe thơ lấy thơ một tuần một lần, chạy từ tỉnh, qua dinh Đại tá Tư Lệnh lấy thơ rồi vào thẳng phi trường giao thư đi cho bưu trạm quân thư và nhận thơ đến. Khi giao thơ thì ghé dinh Đại tá Tư Lệnh trước gia thơ rồi mới về ban quân thư. Vậy thì thơ đâu có thể lạc đi đâu được?
Anh dậy cho Duyên được một tháng, thấy cô ta ham chơi nhạc, ham nhẩy đầm hơn là ham học, nên cũng khó mà học thêm cho có kết quả. 
Tới một hôm, đang học, anh thấy cô ta ói khan mặt mày xanh xao có vẻ  như ốm nghén, nên có hỏi cô có mang bầu với ai hay không? Nếu có thì phải báo cho cha đứa bé hay để lo cưới xin và dưỡng thai. Cô không nói gì cả, chỉ khóc và đòi phá thai. 
Tuần sau, anh tới dậy học thì không thấy Duyên có mặt, anh xuống dưới nhà tính hỏi bác Tùng thì nghe bà ấy đang có điện thoại từ Saigòn. Anh nghe người nào đó trong điện thoại hỏi về cô Duyên, lại nghe Bác Tùng nói là Duyên sắp lấy chồng, và chồng cô cũng là bác sĩ mới ra trường, thì mừng cho cô ta có chồng học thức và đứa con cũng có cha. Nhưng vì chuyện không phải là của anh, nên anh không để ý. 
À! Nếu vậy thì . . . người nói chuyện điện thoại ở Saigòn chính là bác Mai của em . . . và chính bác Tùng nói với bác của em là anh xin hỏi cưới con gái của bác ấy?"
"Đúng như vậy! bác em hỏi hai lần, có phải chồng sắp cưới của Duyên là bác sĩ Hưng mới ra trường hay không? Bà Tùng trả lời rõ ràng là chính anh, và anh còn hứa là sẽ có con sớm cho bác trai có cháu bồng nữa."
"Nếu vậy thì bà Đại tá Tùng chỉ dựng chuyện lên nói bậy mà thôi. Đại tá Tủng có mời anh đến ăn tối và nói rằng Duyên đã đến tuổi lấy chồng, và cũng có hỏi anh có muốn đổi về quân y viện của sư đoàn của bác ấy hay không? Còn bác Tùng gái thì cũng có hỏi anh là có muốn lấy Duyên hay không? Bà sẽ gả cho. Anh trả lời là đã có em ở Saigòn rồi, hơn nữa, Duyên đã có bầu với ai đó rồi, nên chăm sóc cho Duyên là hơn, bà ấy gán cho anh là đã làm cho Duyên có bầu. Khi anh nói bà ta có thể đi thử máu cái bào thai, bà ấy khóc mà xin anh thương dùm cho Duyên. Anh nói là không thể như thế được. 
Để anh suy nghĩ lại . . . thơ đi thì qua nhà của bà ta trước, rồi mới ra phi trường . . . Thơ về thì lại tới nhà của bà ấy rồi mới về tỉnh. Như vậy có thể nào bà ta đã lấy hết thơ của anh?"
Tôi đứng thừ người ra suy nghĩ . . . Có phải đúng như vậy hay không?
Cuối cùng, tôi hét lên một tiếng thật tức giận, nói với Thanh:
"Thanh ơi . . . anh hiểu rồi . . . Anh hiểu tại sao thơ anh gởi về nhà bị mất, và thơ gởi lên cho anh cũng bị mất . . . Bà Tùng đã lấy . . . Vì bà ấy muốn anh cưới Duyên. Chính Đại tá Tỉnh trưởng cũng có nói là ban đầu chính ông bà ấy cũng có ý định làm mai anh cho Duyên, nhưng sau đó thấy anh không có tình ý gì với Duyên nên đã không tiếp tục nữa. Anh đã xin thuyên chuyển đi nơi khác và được tham dự khoá học về giải phẫu ở Chu Lai, chính Đại Tá Tỉnh Trưởng đã ký giấy thuyên chuyển cho anh. Nếu anh có lỗi, chính ông ta sẽ bắt anh chứ dễ gì cho anh đi nơi khác. Cậu mợ đã cho anh hay là chỉ nhận được duy nhất một lá thư của anh gởi từ Chu Lai mà thôi, chứ không nhận được bất cứ lá thơ nào từ Quảng Tín cả. 
Bác Tùng ơi . . . Sao bác lại nhẫn tâm hại cháu như vậy hả bác Tùng?"
Thanh im lặng nghe những lời trần tình của tôi. Nghe xong, gương mặt xanh xao của Thanh lại càng xanh thêm. Thanh nức nở nói với tôi:
"Anh Hưng ơi . . . Nếu vậy . . . Em đã nghi oan cho anh rồi . . . Em đã tự kết thúc cuộc tình của chúng mình rồi . . . Chết em rồi anh ơi . . . "
Thanh xỉu xuống trong vòng tay của tôi. . .
Tôi vội vàng ôm chặt  lấy Thanh:
"Em mệt quá rồi hả? Để anh đưa em về nhà nhé?"
Thanh thều thào qua hơi thở:
"Em đang ở trong bệnh viện . . . Sùng Chính . . . Đưa em về bệnh viện."
Tôi gọi Taxi đưa Thanh trở về bệnh viện. Ngày Chủ Nhật bác sĩ không khám bệnh, bệnh nhân có thể tuỳ ý trở về nhà hoặc nắm lại bệnh viện. Thanh thay quần áo bệnh viện, lên giường nằm nghỉ. Tôi nhìn quanh, bệnh viện này do người Trung Hoa xây lên ở Chợ Lớn, rât sang trọng và đa số phục vụ cho người Hoa. Khi còn là sinh viên y khoa năm cuối, tôi đã có vài lần thực tập ở đây. Tôi thắc mắc hỏi Thanh:
“Em bị bệnh gì? Tại sao ba mẹ lại đưa em vào đây? Gia đình em đâu có biết tíêng Hoa đâu mà nói chuyện với mọi người ở đây?”
Thanh cuời cay  đắng trả lời tôi:
“Em lấy chồng người Hoa ở Hồng Kông, có nói được tiếng Việt. Gia đình chồng em có cổ phần ở bệnh viện này, nên khi thấy em bị ngất xỉu, chồng em đã đưa em vào đây. Ngày nào anh ấy và ba má chồng cũng vào thăm em, nhưng anh ấy vừa mới đi Hồng Kông giao dịch buôn bán rồi, tuần sau mới về. Hôm nay em nói với ba má chồng là sẽ về thăm bố mẹ, nên ông bà ấy mới không vào thăm. Em buồn quá, đi lang thang nên mới gặp anh . . .” 
Tôi ngồi trên ghế nhìn Thanh, nám tay Thanh một lần nữa. Khuôn mặt của Thanh trắng xanh, mệt mỏi, chắc chắn là bị suy nhược, bàn tay lạnh tanh chứng tỏ là thiếu máu hoặc có triệu chứng gì về tim mạch. Tôi hỏi Thanh:
“Em bị bệnh gì? Đã ở vào bệnh viện bao lâu rồi? Bác sĩ có cho em uống thuốc gì không?”
“Em cứ hay bị xỉu, bác sĩ nói máu của em . . . không được . . . sạch, có cho truyền nước biển để lọc máu và nói em phải ăn uống tẩm bổ để lấy sức. Chồng em lo cho em lắm, mua đủ thứ thuốc bổ, đủ thứ đồ ăn cho em ăn . . . Nhưng em không thiết gì cả. Cú sốc tình cảm đã dìm em xuống tận cùng đia ngục . . . Đời em bất hạnh quá . . . Sao số phận lại nghiệt ngã với em quá như vậy hả anh?”
“Em . . . lầy chồng hồi nào? . . . Tai sao em lại lấy chồng . . . ?”
“Sau khi bác Mai nói chuyện với bà . . . mẹ vợ của anh, em không còn mặt mũi nào gặp ai cả. Em coi như anh đã bỏ em một cách tàn nhẫn quá, nên em tìm cách . . . trả thù lại anh. Em nhận đi làm trình dược viên nên, lần mò lên khu Chợ Lón tìm nguồn hàng, nên mới quen chồng em. Anh ấy người Hồng Kông. Em muốn lấy chồng ngay và . . . không lấy người Việt Nam nữa, nên khi anh ấy hỏi cưới em, em bằng lòng ngay.”
Thanh nắm chặt lấy bàn tay của tôi:
“Anh ơi . . . em biết nắm tay anh từ khi em mới có sáu tuổi . . . mà sao bây giờ em lại không thể nắm tay anh cho suốt cuộc đời của em . . . hả anh? Em đến với anh thật là sớm . . . sao bây giờ em lại trở thành kẻ ngoại cuộc . . . hả anh?”
Tôi cắn chặt môi, bật lên tiếng khóc:
“Anh xin lỗi em . . . Em không có lỗi gì cả . . . Tất cả đều là do anh. Nếu anh dứt khoát không nhận lời bác Tùng dậy kèm cho Duyên, thì bác ấy đâu có cớ gì mà dấu hết thơ của anh, của gia đình anh, của em. Bác Tùng chỉ nghĩ đến đứa con gái mà vô tình đã phả hỏng cuộc tình của anh, của em.”
Thanh từ từ rút bàn tay ra khỏi bàn tay của tôi:
“Em đã quyết định cuộc đời của em quá vội vã . . . quá bồng bột . . . quá sai lầm, phải không anh? Nhưng lúc đó, em biết bám víu vào đâu nữa mà sống? Thôi . . . lỡ rồi . . .”

Tôi chán nản cho cuộc sống . . . tôi muốn đi thật xa . . . xa tận địa đầu giới tuyến . . . không bao giờ trở lại Saigòn nữa. Tôi tình nguyện ra Quảng Trị. Quân y viện vùng địa đầu giới tuyến có quá nhiều việc để làm, tôi vùi đầu vào công việc giải phẩu, quên đi tất cả những gì tôi muốn quên và không muốn nhớ. Thỉnh thoàng tôi có viết thư về cho gia đình, cậu mợ tôi có nhắc ở trong thơ là muốn tôi lấy vợ để sớm có cháu bồng. Tôi nhớ lại lời  của Đại Tá Tùng nói với tôi năm xưa, bác cũng muốn có cháu bồng. Chắc chắn đó là lời từ thâm tâm của bậc làm cha mẹ. Tôi nghĩ rằng, Đại Tá Tùng chỉ có chút cảm tình với tôi và nói ra lời nói thật lòng, chứ không có ý nghĩ gì khác về tôi cả . . . Nhưng tôi như con chim bị đạn . . . tôi né tránh trả lời cậu mợ tôi, viện cớ là công việc qúa đa đoan.
Một hôm, người lính của ban quân thư mang lại cho tôi một bao thơ, tôi không biết do ai gởi, vì nét chữ khác với cậu mợ và các anh chị em tôi, và trên phong bì không ghi tên người gởi. Tôi cũng chẳng thắc mắc là của ai gởi, vứt vào một góc bàn rồi đi ngủ.
Ngày nghỉ, không có việc gì làm, tôi nhìn quanh thu dọn căn phòng cho sạch sẽ, bất chợt nhìn thấy cái bao thơ, tôi không biết đó là cái gì? Tò mò mỏ ra xem . . . thì ra đó là một cuốn băng cassette. Tiện tay, tôi bỏ vào máy lắng nghe . . .
Những nốt nhạc dạo đầu nghe hơi lạ . . . bản nhạc này tôi chưa từng nghe bao giờ . . . Giọng người Nam ca sĩ cất lên, thật là trầm buồn . . .
“. . . Phải chi em đừng có chồng . . . và anh không là riêng ai, 
Thì ngày nay, duyên đôi mình không âm thầm . . . không xa cách . . . không đau thương . . .”
Bản nhạc chia ly buồn quá, lại đúng vào tâm trạng người yêu đi lấy chồng của tôi. Tôi ngưng dọn dẹp tiếp tục nghe:
“. . . Nhưng lỡ yêu rồi, anh ơi . . . Biết Đến Bao Giờ . . . Lòng mới quên được người xưa . . . Hỡi anh . . .”
Cuối bài hát, tôi nghe có tiếng lục đục như có người đang muốn sửa cuốn băng hay làm gì đó . . . rồi một giọng hát nữ cất lên. Giọng hát này không điêu luyện chút nào, hơi khó nghe:
“. . . Phải chi . . . em đừng có chồng . . .”
Rồi tôi nghe . . . hình như có tíếng khóc . . . và sau đó, tôi không nghe được gì thêm nữa.
Một buổi sáng, tôi thức giấc mà trong lòng không được vui. Hồi này tôi không không có những ca mổ quá khuya, nên đã ngủ đủ giấc, nhưng không hiểu tại sao trong lòng bồi hồi, làm như có một cái gì đó vướng bận. Tôi chiên trứng ăn sáng uống cà phê mà trong lòng cứ có một cái gì đó không yên tâm. Tới quân y viện, tôi đi một vòng thăm các thương binh mới mổ ngày hôm qua, họ đều đã tình và có dấu hiệu phục hồi sức khoẻ. Tôi nói chuyện với họ mà cảm thấy những câu nói của tôi, câu trước chẳng hề liên quan gì đến câu sau . . . Khi tôi nói chuyện vói Y sĩ trưởng khoa, ông ta chú ý nhận ra ngay, tâm trạng tôi có điều gì không ổn:
“Bác sĩ Hưng hình như . . . làm việc hơi quá sức rồi đó . . . Anh cần nghỉ ngơi một chút. Anh có muốn . . . đi phép không? Anh tói đây gần một năm rồi đó.”
Tôi cũng thấy mình nên có một vài ngày phép về thăm gia đình, nên đồng ý xin một tuần nghì phép.
Ra khỏi phi trường, tôi gọi một chiếc Taxi đi về nhà. Người tài xế hỏi tôi muốn về đâu? Tôi như người ngớ ngẩn, nói anh ta cứ chạy thẳng, chừng nào tôi nói quẹo thì quẹo. Xe chạy một hồi lâu, tôi nghe người tài xế nói:
“Mình đã chạy tới . . . Chợ Lớn rồi đó, bác sĩ. Hồi lên xe, tôi nghe bác sĩ nói là ở đường Hai Bà Trưng gì đó mà?
Tôi nói người tài xế cứ việc chạy thẳng. Một lúc sau, anh ta lại nói với tôi:
“Đằng trước bi kẹt xe rồi đó, không chạy được nữa đâu bác sĩ ơi. Hình như ở đằng trước có đám tang đó.”
Tôi đưa cho người tài xế một nắm tỉền rồi mở cửa xe bước xuống. Người tài xế ú ớ chạy theo tôi:
“Còn cái túi xách . . . bác sĩ . . . Ông không lấy đồ sao?”
Đúng là ở đằng trước đang có một đám tang. Đám tang của người Hoa nhưng cũng có người Việt. Tôi chen vào đám đông, tới gần chỗ quan tài. Một người đàn ông mặc đô tang vừa bước theo quan tài vừa khóc rất ai oán. Tôi buột miệng hỏi anh:
“Người chết . . . là ai vậy hả anh?”
Người dàn ông vừa khóc vừa quay sang tôi trả lời:
“Coong dzợ của ngộ ló . . . Ngộ thấy ló pịng . . . Ngộ lói ló ống thốc li. Ló không chịu ống thốc . . . Ló chết pỏ ngộ một mình . . . Ngộ thương ló lắm . . . “
Tôi rảo bước lên phía trước quan tài. Đằng trước có tấm hình người con gái với hàng chữ:
NGUYỄN NGỌC THANH
Sinh ngày 1 Tháng Giêng Năm 1948
Tạ thế ngày 14 tháng Tám năm 1971.
Tôi ngạc nhiên, dở tấm khăn trắng phủ bức hình lên xem . . .
Cặp mắt trong hình nhìn thằng vào tôi. Cặp mắt này tôi nhớ lắm . . . Lần đầu tiên đi chơi với nhau, Thanh đã nắm tay tôi, cặp mắt vui tươi trong sáng nhìn tôi mà nói:
“. . . Em sẽ nắm tay anh suốt đời . . . Khi nào không nắm được tay anh nữa . . . EM SẼ BÁO CHO ANH HAY . . .”
Cặp mắt của Thanh vẫn còn nhìn như xoáy vào người tôi. Tôi như kiệt sức, đứng không vững nữa . . .
Người tài xế tắc xi đã đậu xe vào lề, xách cái túi chạy theo tôi:
“Bác sĩ . . . cái túi của bác sĩ nè . . . Ông làm sao vậy bác sĩ . . . Ông xỉu hả? Bớ người ta . . . Có ai cứu giùm ông bác sĩ . . . “ 
Tôi ráng đứng lên, ôm vai người tài xế bước trở lại xe.
Đường phố Chợ Lớn thật là nhộn nhịp với đủ mọi âm thanh, nhưng tôi chỉ nghe văng vẳng đâu đây:
“. . . Nhưng lỡ yêu rồi . . . Anh ơi . . . Biết Đến Bao Giờ 
Lòng mới quên được người xưa . . . Hỡi anh . . .
Phải chi . . . Em đừng có chồng . . . ”
NGUYỄN KHẮP NƠI.

Source http://www.nguyenkhapnoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.