Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Ngày mai đi nhận xác chồng...


LÊ THỊ Ý :" TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU".
Trần Áng Sơn
Lời dẫn:
              Em ruột thi sĩ Vương  Đức Lệ :   Lê Thị  Ý (  1939 - ) - con nhà gia thế -  cha của cô là  em trai  của phu nhân chủ bút Nam Phong , (còn là thượng thư Phạm Quỳnh ). Không hiểu chuyện tình đẹp như mơ, sao nửa đường đứt gánh, khoảng thập niên cuối 69- 70 , cô nàng bỏ nhà lên Pleiku buôn bán, để có nhiều tiền - bởi, nhà chồng chê  gia đình  nghèo thì phải? Chẳng cần giấu, người tình  yêu giấu cô bé là ai - đó là  Mai Trung Tĩnh - đại úy trong quân đội VNCH, trưởng ban chương trình Đài Tiếng  Quân Đội -  từng cùng Vương Đức Lệ ( anh ruột nàng) nhận chung giải thơ  Giải văn chương Toàn quốc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa . Trở lại Ý, cô bé buôn bán giàu có ( chủ 1 căn nhà mặt tiền, 39 Nguyễn Thiện Thuật, Saigon 3), tiền bạc rủng rỉnh, vẫn không khiến cô bé được hạnh phúc?! Bởi, người nam mà cô yêu  đã   mất cha  sớm , lại  hiếu kính mẹ,  vâng lời  lập gia đình , đành quên tình cũ.
   Lê Thị  Ý dầu  làm thơ giỏi, hay, có 1 bài thơ ,đóng vai người tình là lính VNCH chết trận - (Tưởng như còn người yêu )- và bằng cách nào đó,  lọt vào mắt xanh " chàng phù thủy Nhạc sĩ phổ thơ" Phạm Duy - ca khúc tung ra, lời ca khúc  nổi tiếng  hơn thơ gốc Lê Thị Ý . Từ đó, khán, thính giả chỉ biết  Lê Thị Ý , qua ca khúc Phạm Duy  phổ nhạc.
  Lê Thị Ý hiện vẫn sống độc thân ở Virginia ( Hoa kỳ ) thì phải?
  Không còn nhớ rõ lắm, lần đầu, cô bé  Ý  đưa tập  bản thảo nhờ đọc, ấp úng nói lời gì đó - tôi tự biết , ai mới đáng là  người viết tựa  cho nàng- bèn nhờ nữ thi sĩ Tuệ Mai, đọc :
             " ... nếu  lọt  mắt xanh, bà cho cô bé ấy một lời tựa nhé"...
            Và lời nói sau này, còn  được nhắc lần 2  -  đối với tập thơ đầu tay Nguyễn Thị Thành (vợ , cố  thi sĩ Phan  Lạc Giang Đông, Nguyễn thị Thành, nay đã  đổi bút danh THƯ KHANH , từ khi sang định cư ở Huê Kỳ).
ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon, Oct 7, 2012
----------
* Ngày mai đi nhận xác chồng  / Say đi để thấy  mình không  là mình ( thơ  Lê  Thị Ý  )
         Lê Thị Ý là cô em thứ 2  của Vương Đức Lệ, dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt to đen, thiông minh.   Lê Thị Ý  tính tình nhu mì, nói năng nhỏ nhẹ, đôi lúc như thì thầm ...bên tai. Cô làm thơ không nhiều, cả đời chỉ có 1 tập thơ trình  làng. Đối với Lê Thị Ý không có tình yêu, không thơ; nghe như mâu thuẫn, nhưng đó là sự thực.   Rằng, thi sĩ hơi thiếu tình yêu.   Phải chăng vì thế, gắn trọn cuộc đời mới duy nhất, viết xong 1 tập thơ, góp nhặt từ mảnh tình, để tập thơ mang tên  CHÂN DUNG TÔI & CUỘC TÌNH .
              Những tưởng  Lê Thị Ý cứ lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu. để lặng làm thơ;  nhưng rồi, tên ànng bỗng vụt bay bổng, khi chiến cuộc Việtnam ngày càng trở nên khốc liệt, tang tóc.   Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, người yêu mất người yêu, nhìn đâu cũng thấy nước mắt rơi,  hết cô phụ này nước mắt vừa khô, đến  cô  phụ kia nước mắt đang đầm đìa,  xuân nữ kia vừa tiễn 1 người đi , nước mắt rồi sẽ rơi.
              Tất cả nói lên rằng: ' chúng ta đang mất nhau'. Trong bối cảnh như thế, bài thơ Tưởng như còn người yêu mê loạn  trong từng câu thơ, những tiếng nấc nghện ngào. Người ta có quá khứ, chỉ để khóc than :
                                               Ngày  mai đi nhận xác chồng
                                           Say đi dể thấy mình không là mình
                                           (TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU / LÊ THỊ Ý )
               Một bài thơ buồn thảm, đau xót tận cùng. Mỗi một câu, chữ trong bài thơ biến thành những tiếng nấc, và những tiếng nấc ấy càng hay càng  bay cao, vay xa - khi một con người nổi tiếng  là phù thủy âm thanh, đã phổ thành những nốt nhạc lung linh như ánh nến, chập chờn, như hồn oan:
                                                  Ngày mai đi nhận xác anh
                                            Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ
                                                   Cao nguyên gió lạnh ơ hờ
                                            Thân con góa phụ mịt mủ vết son
                                                  Tình ta há chẳng vuông tròn
                                             Say đi để tưởng như còn người yêu .
                  Thế giới  góa phụ, ngoài tang tóc, còn là thế giới hồi tưởng, huyễn mộng:
                                                   Chao ôi  thèm nụ hôn quen
                                              Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ
                    Có một  thời gian dài Sài Gòn, hoà bình như một lời cầu nguyện, không chỉ riêng có trong thánh đường, chùa chiền; mà vang lên ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của con người.  Ca khúc Tưởng  như còn người yêu trở thành  khúc tang lễ, ở bất cư nơi nào có con người khóc biệt nhau. Hình ảnh những ngọn nến thắp sáng trên nắp quan tài trở thành hình tượng cho những cuộc chia lìa, khỏi đi, từ khi người nam, người nữ đưa nhau vào thánh đường, giữa tiếng nhạc Oui devant Dieu. Người ta tìm được  hạnh phúc trong những nỗi đau.
                 Nhiều lần ngồi bên Lê Thị Ý, tôi muốn hỏi, làm sao cô có thể sáng tác được bài thơ, ở đó, nỗi đau tận cùng, kẻ ngoài cuộc chẳng thể có những cảm xúc thật đến thế ? 
 Phải chăng, Lê Thị Ý đã bước qua, là người trong cuộc, thì :
                                                  Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
                                              Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
                  Bây giờ , thời tang tóc  ấy đã qua lâu rồi, nhưng thơ vẫn còn đó. Tôi gặp Lê thị Ý vẫn cô đơn.  Hình như cô vẫn cô đơn.  Không tìm người được thương yêu, hay không thể yêu được nữa ?  Có bao nhiêu người phụ nữ trở thành như thế ?
                   Những năm  cuối thập niên 70, tôi thường đến nhà Vương Đức Lệ - Lê Thị Ý ở với chị gái, những khi chúng tôi ghé thăm.  Lê Thị Ý luôn có mặt, đặc biệt những hôm có L.Đ cùng đi theo. Một chút biệt đãi nào đó, Lê Thị Ý dành cho l. Đ?  Có 1 điều cần nói cho rõ, từ khi bài thơ  Tưởng như còn người  yêu được phổ nhạc, trở nên nổi tiếng ( ... ) .
               Chúng ta hãy đọc 1 vài đoạn thơ cô làm, khu vừa đặt chân lên đất Mỹ :
                                              Nước Mỹ bao la em chẳng còn gì
                                              Nay khát vọng ngày đi giờ cũng tắt
                                              Từ đó xa quê sầu vây ngằn ngặt
                                              Lưu lạc phương trời đuổi bắt hư danh
                                              ( THƯ CHO NGƯỜI Ở LẠI / LÊ THỊ Ý  )
                 Có thể  cuộc sống vật chất ở xứ người sung túc, nhưng chưa đủ cho những người như Lê Thị Ý. Cái mà cô thiếu, không chờ cô ở nước Mỹ, dù bất cứ ở nơi đâu, nó vẫn ẩn mình nơi sâu thẳm, tận đáy tâm hồn cô: Thân côi khép kín trong tà áo đen .
                  Bây giờ  thơ đã là dĩ vãng, người cũng đã hạc nội mây ngàn. Những ai đã từng hơn 1 lần nghe ca khúc Tưởng như còn người yêu - đôi khi chợt nhớ lại, cũng chỉ để nhớ một thời xa khuất. Cuộc sống hiện tại, với những đổi thay cuồn cuộn, người ta dễ quên hơn.

Source NNS - Lá Thư Úc Châu

***

Lê Thị Ý: Tác giả ‘ngày mai đi nhận xác chồng’
 


 
 

Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe.Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.

Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.

-ÐQAThái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.

-ÐQAThái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.

-ÐQAThái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.

-ÐQAThái: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên.

Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh - người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo - Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.

-ÐQAThái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.

-ÐQAThái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.

-ÐQAThái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.

-ÐQAThái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng..., cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!

-ÐQAThái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).

-ÐQAThái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.

-Nhà thơ Lê Thị Ý:

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”

-ÐQAThái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”, để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.

-ÐQAThái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến.
 
___________________
 
 
Ảnh: Tiếc Thương - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.