Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Giấc mộng đế quốc...


Nếu ai tìm hiểu về lịch sử cận đại thế giới đều nhìn thấy sự thật Mỹ (sau WWII) đã bức tử vai trò của các nước đế quốc cũ như Anh, Pháp v.v.  Tuy nhiên nếu so sánh giữa Anh & Pháp (theo thiển ý cá nhân) Anh có vẻ khôn hơn Pháp nhiều. Cứ nhìn vào cách trao trả độc lập cho các nước thuộc địa của họ, lập nên khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth), cũng như cách họ đồng minh với Mỹ thì rõ. 

Việc nước Anh có thể trở lại vai trò đế quốc hay không, phải chăng một trong những yếu tố chính của nó nằm ở câu hỏi: "Khi nào Mỹ sẽ không còn là bá chủ thế giới ???".

Thiên hạ vẫn xôn xao bàn về việc Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới nếu Mỹ mất ngôi vị này.  Tuy nhiên, một khi Mỹ có thật sự bị mất ngôi vị hiện tại của họ thì Trung Quốc chưa chắc đã thực hiện được mưu đồ bá chủ thế giới.  Hãy nhìn cách các nước Âu Châu đang tìm cách kết hợp với nhau & những khả năng về khoa học kỹ thuật cũng như nền văn minh hiện tại của họ. 

Phải chăng con sư tử Âu Châu một khi thoát ra khỏi cái "chuồng" của Mỹ chưa ai biết vai trò của họ trong tương lai sẽ ra sao? 

***

Giấc mộng đế quốc còn ám ảnh nước Anh
Lê Mạnh Hùng
George Orwell viết rằng, việc mất đi các thuộc địa sẽ đẩy nước Anh trở về thành “một hòn đảo nhỏ không quan trọng trong đó chúng ta ai nấy đều phải làm việc cật lực để có thể sống với cá muối và khoai tây.” May mắn là mọi chuyện không đến nỗi như vậy. Dân Anh nay sung túc hơn bao giờ hết.
Nhưng ai cũng cho rằng bất kỳ một vị lãnh tụ chính trị nào mà nói rằng nước Anh không có một tương lai nào khác mà không có chữ “cường quốc” đi theo đều làm một sự tự tử về chính trị. Ngay cả Harold Macmillan, một con người đặc biệt hiểu rõ bước đi của lịch sử, cũng phải ra vẻ giận dữ khi bị người ta nói rằng nước Anh của ông không phải là một cường quốc hàng đầu nữa. Trong hoàn cảnh suy thoái hiện nay của nước Anh, đại hội sắp tới của các đảng chính trị Anh chắc hẳn sẽ có những lời kêu gọi, hãy mang trở lại chữ “lớn” trong tên nước Ðại Bỉ Lợi Thì (put the Great back in Great Britain). Nhưng liệu có ai thật sự tin rằng nước Anh có thể trở lại tình trạng cũ hay không và hơn nữa liệu có ai thật sự cho rằng đây là một điều quan trọng hay không?
Thoát ra khỏi tình trạng “đại quốc” là một vấn đề phức tạp không phải dễ dàng gì. Các chính trị gia hậu chiến của Ðức có thể bỏ được tham vọng từ thời Bismarck của mình bởi vì họ bắt đầu với một ưu thế đáng buồn là phải chịu một chiến bại toàn diện và với một nhận thức đáng buồn hơn nữa về những điều ghê rợn mà những chiến thắng của Ðức mang lại.
Charles de Gaulle che giấu nhận thức thật sự của mình về vai trò của Pháp trên thế giới bằng những cách chơi chữ đặc biệt. Ông viết trong lời mở đầu cho hồi ký của mình rằng Pháp không thể là Pháp nếu không phải là một “đại quốc,” nhưng sau đó ông cũng viết, một cách cởi mở hơn cho người ta thấy ý nghĩ thật của mình rằng Pháp cũng như “nàng công chúa trong câu chuyện thần tiên.” Một câu chuyện thần tiên là vẫn giữ được khả năng làm rung động dù rằng cả người kể chuyện lẫn người nghe đều không tin rằng những chuyện gì được kể là sự thật.
Ngược lại khi các nhà chính trị Anh nói đến sự “vĩ đại” của nước Anh, thì người ta có cảm nghĩ rằng đang ở trong một nghi thức gia đình khá lúng túng, tỷ như ông bố ăn mặc giả làm ông già Noel. Mọi người đều biết lúng túng, nhưng những người lớn (trong trường hợp này, các chính trị gia) đều cho rằng đám trẻ con (trong trường hợp này, các cử tri) sẽ thất vọng nếu họ công nhận sự thật rằng không có ông già Noel.
Một số yếu tố của lịch sử nước Anh còn làm khó khăn cho việc chấp nhận tình trạng mới của đất nước. Một trong những yếu tố là sự bền vững của các định chế chính trị Anh. Khó có thể nhìn thằng vào sự thật của suy thoái (dù rằng tương đối) khi mà Hiến Pháp và hệ thống chính trị vẫn còn một phần lớn giống như thời nữ hoàng Victoria còn là nữ hoàng của Ấn Ðộ.
Vị thế của nước Anh trong chính trị quốc tế - đặc biệt là ghế hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - xuất phát từ sự kiện nước Anh đứng trong phe chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Hai. Sau 1945, nước Anh còn giữ một vẻ ngoài tốn tiền của vai trò đại cường: lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, thanh niên bị gọi nhập ngũ trong thời bình. Một loạt những thành công về quân sự đã che giấu đi thực tế của sức mạnh Anh. Tại Malaya và Kenya, Anh đánh bại được các cuộc nổi dậy, nhờ đó giúp cho việc rút ra khỏi đế quốc của mình như là một chiến thắng.
Tuy nhiên các nhà chính trị Anh vẫn còn có một cơ hội để làm thay đổi. Khả năng thay đổi này có thể được thấy rõ nếu chúng ta so sánh vị thế của họ với vị thế của các nhà chính trị Hoa Kỳ. Bất kỳ một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ nào mà dám khuyến dụ rằng thách thức khó khăn nhất cho nước Mỹ là làm sao điều hành tốt sự suy thoái tương đối của nước Mỹ chắc chắn là sẽ bị thất cử. Tại Anh khác hơn. Người Anh chưa bao giờ đi vào một tình trạng ái quốc định chế hóa như tại Mỹ. Trẻ con Anh không chào cờ Anh và có thể nói rằng chưa đầy một phần trăm người Anh thuộc hết lời của bài quốc ca nước mình. Người Anh cảm động trước những đau dớn mà người lính thường phải chịu, nhưng chính vì vậy mà họ nghi ngờ những tướng lãnh của họ.
Ðể làm chuyện đó các nhà chính trị Anh cần phải làm hai chuyện, không nên tự hào vào đế quốc Anh nhưng cũng không nên xấu hổ vì đế quốc Anh. Lịch sử đế quốc Anh không có gì xấu hơn là lịch sử các nước khác, vai trò của Anh trong việc giúp Hoa Kỳ ngăn chặn sự bành trường của Liên Xô trong chiến tranh lạnh là một vai trò quan trọng và đáng ca ngợi; và lập trường của Anh khi đứng một mình chống lại chủ nghĩa Quốc Xã năm 1940 là một hành động anh hùng. Nhưng tất cả các chuyện đó đều đã thuộc quá khứ. Năm 1914, việc nước Anh tham dự vào Thế Chiến Thứ Nhất đã mở đầu cho một giai đoạn mà các cam kết quân sự và đế quốc gia tăng trong lúc tình trạng suy thoái kinh tế tương đối bắt đầu xói mòn khả năng của nước Anh thực hiện tất cả những cam kết đó. Bây giờ việc quân đội Anh có triển vọng bỏ chạy ra khỏi Afghanistan đúng 100 năm sau khi một lực lượng Viễn Chinh Anh rời đảo quốc sang tham chiến tại miền Bắc nước Pháp. Ðây chính là một thời điểm tốt đẹp để chấp nhận rằng cái “vĩ đại” từ nhiều năm nay đã là một ảo giác, một chuyện thần tiên và đã đến lúc khóa sổ ảo giác này.
Nhưng nói thì dễ chứ làm khó lắm thay. Vả lại, ảo tưởng đó cũng chẳng có hại gì cho ai và khi nhìn quang cảnh của Thế Vận Hội Luân Ðôn 2012 thì hẳn người Anh lại tiếp tục nghĩ là ở một khía cạnh nào đó, Anh vẫn còn có khả năng phi thường chăng?


Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.