Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012
Đúng Giờ
Có một cặp tình nhân hẹn gặp nhau ở một công viên tĩnh mịch.
Nàng tới đúng giờ, ngồi đợi. Hai phút trôi qua rồi năm phút, rồi mười phút… “Chẳng thấy bóng anh đâu”. Mà chỉ có một trai lạ, thấy nàng một mình, xà vào làm quen. Thì may mắn, xe chàng lao tới…
Thế là một màn giận hờn đấm lưng, tức tưởi nước mắt mắng vốn. Và chàng cúi đầu nhận lỗi…Hai người đã hẹn hò nhưng một người đã trễ hẹn.
Ta thường nói đùa với nhau rằng đúng giờ không có trong văn hóa giao thiệp của người mình. Vì thói quen cố cựu của ta là như vậy. Nhưng đây cũng là tật của nhiều sắc dân khác. Như dân Pháp. Cho nên một du khách ngoại quốc đã chữa thẹn “tôi trở thành người Pháp vì tôi đã không tới đúng giờ”, khi tới trễ một bữa ăn.
Đúng giờ là đặc tính có thể hoàn tất một cam kết trước hoặc ngay vào thời điểm đã định.
Đúng giờ không những là một bổn phận mà còn là một phần của tư cách con người. Thành công trong đường đời, tạo được uy tín hay không, có trở nên người hữu dụng, đáng tin cậy hay không, cũng nhờ phần nào ở sự đúng giờ.
Văn hóa mỗi quốc cho phép một giới hạn co giãn thời gian với hẹn, trên dưới mươi phút còn có thể chấp nhận được.
Lord Horatio Nelson có tâm sự, “Tôi thành công trong đời sống là nhờ ở việc bao giờ tôi cũng tới trước giờ hẹn 15 phút”.
Đi xa hơn, nhà cải cách Anh Samuel Smiles nói, “Mất của cải có thể thay thế bằng kỹ nghệ; mất kiến thức bằng học hỏi; mất sức khỏe bằng sự điều độ hoặc thuốc men chứ mất thời gian là nó đi luôn”.
Trong khi đó, theo Williams Shakespeare: “Không tôn trọng sự đúng giờ rõ ràng là một hành động không lương thiện Vì ta đã lấy cả tiền lẫn thì giờ của người khác”.
Và nhà tu hành Richard Cecil kết luận: “Một hẹn đã hứa trở thành món nợ. Nếu tôi đã hẹn với ai tôi nợ người đó sự đúng giờ. Tôi không có quyền làm phí thì giờ của người đó, nếu tôi phí thời giờ của tôi” .
Do đó, thường xuyên trễ hẹn sẽ khiến người khác cho rằng mình:
- Vô tổ chức và cẩu thả, không biết tự sắp đặt để đúng hẹn;
- Là người ích kỷ khiến thiên hạ phải cắm rễ mất thời giờ chờ đợi;
- Là người nói dối, hẹn xong việc ngày mai mà tuần sau mới làm và
- Ngớ ngẩn nếu luôn luôn chỉ nêu ra một lý do lỡ hẹn, “xin lỗi, nhiều việc quá nên quên”.
Quá bận thì chia xẻ công việc với người khác, ôm đồm làm chi!!!
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Source Internet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.