Hình như là người Việt Nam không mấy ai lại không biết bài ca dao Thằng Bờm. Trẻ con bắt đầu học nói đã được học Thằng Bờm rồi. Hiện có nhiều bản chép bài ca dao này rất khác nhau. Xin chép ra đây theo bản của Vũ Ngọc Phan in trong cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam :
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng : Bờm chằng lấy mè,
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi hòn xôi: Bờm cười
Từ bài ca dao ngày người ta đưa Bờm lên phim, đưa Bờm lên báo, giao cho giữ các mục như “Bòm trả lời”, “Bờm vẽ”, “Bờm cười”... Kể ra sức sống của Bờm thật mãnh liệt.
Ấy vậy mà cho đến nay hình tượng Bờm cũng được hiểu rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Có người cho Bờm là kẻ ngu dốt, thậm chí ngu đến ba đời. Có người lại khẳng định Bờm là người thông minh, biết người, biết ta. Lại có người chê Bờm là tham ăn, thực dụng, tít mắt lại trước “hòn xôi” v.v... và v.v... Bờm đã trở thành đối tượng tranh cãi bàn luận của nhiều bậc thức giả, những người bình dân. Mặc lòng dù sao, Bờm vẫn sống trong lòng mỗi người Việt Nam. Có phải vì tác phẩm văn học là đa nghĩa nên ai muốn hiểu Bờm theo cách nào cũng được sao ? Đâu là chân dung đích thực của Bờm đây ?
Trước hết, có lẽ cần xem có đúng Bờm là đại diện cho những gì ngu dốt của người nông dân không ? Hãy bắt đầu từ cái Bờm có. Bờm có cái “quạt mo”. Chỉ là cái quạt mo thôi, thế mà phú ông lại đưa bao thứ quý giá gấp trăm, gấp ngàn lần để đổi. Ấy vậy mà Bờm lại “lắc” tất cả, chỉ “gật”, nói đúng hơn, chỉ “cười” với “hòn xôi”. Theo logic thông thường như vậy là Bờm rất dại, nếu không nói là ngu. Có người đã cho rằng tầm nghĩ của Bờm không quá “hòn xôi”, rằng cái nhìn của Bờm chỉ ngang “hòn xôi”. Cho nên Bờm đã tít mắt với nó. Hẵng cứ tạm đồng ý với cách nghĩ vậy, rằng tâm tưởng của Bờm không vượt quá “hòn xôi”. Vậy còn phú ông thì sao ? Chẳng lẽ phú ông cũng “ngu” nốt, không biết giá trị các vật mình đưa đổi là có giá trị gấp trăm, gấp ngàn lần cái “quạt mo” tầm thường kia hay sao ? Hay cái quạt mo của Bờm là quạt thần ?
Trong dân gian không có chỗ nào cao dao nói “cái quạt mo” là vật đặc biệt cả. Xin đọc:
Lấy anh, anh sắm sửa cho
Cái bị, cái bát, cái quạt mo đuổi ruồi.
Đây là một câu hát đối đáp, cố ý trêu tức đối phương. Nghĩa đen là lấy anh, anh sắm sửa vật dụng cho mà đi ăn mày.
Vật dụng để đi ăn mày đó bao gồm “cái bị”, “cái bát” và “cái quạt mo đuổi ruồi”. Như vậy quạt mo là cái vật dụng của người khổ nhất trong xã hội (người ăn mày) thì nào có phải là có gì đặc biệt đâu ! Lại nữa trong dân gian những gì mà gắn bó với “mo” thì cũng chẳng phải quý giá và đặc biệt gì. Chẳng hạn :
Những người phính phính mặt mo
Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng !
Dân gian từng gọi những kẻ mặt dày trơ trẽn là “mặt mo”. Tất nhiên, trong dân gian người ta cũng dùng “quạt” để biểu đạt những cái gì có giá trị, nhưng đó không phải là quạt mo. Chẳng hạn dùng “quạt” để làm biểu tượng của tình yêu :
Anh về để quạt lại đây
Mở ra, khép lại cho khuây cơn buồn.
Cái quạt có “hơi hám” của anh nên em đỡ buồn, đỡ nhớ. Nhưng đó là cái quạt “mở ra, xếp lại” được, chứ không phải quạt mo. Hoặc là :
Hỡi anh nón chóp quai dầu
Tay cầm cái quạt đi đâu bây giờ
Cái quạt mười tám cái xương
Trên thì bít giấy dưới buông chữ màu
Lúc nắng choàng che trên đầu
Lúc nực chàng quạt đi đâu chàng cầm
Ra đường gặp bạn tri âm
Lấy quạt che miệng cười thầm đôi ta.
Vẫn không phải là cái quạt mo. Ngay “cái quạt” ỡm ờ trong thơ Hồ Xuân Hương mà “Chúa dấu vua yêu một cái này” cũng không phải quạt mo :
Một lỗ xâu xâu mây cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Vịnh cái quạt
Rồi đến Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng năm ba lần đưa quạt ra dùng nhưng đó hoặc là quạt hoa quỳ, hoặc là quạt bài thơ, hoặc là quạt sầu, hoặc là quạt ước... chứ không bao giờ đưa quạt mo ra cả. Mà cũng phải thôi, chẳng lẽ những người như Kiều, như Kim Trọng lại dùng “quạt mo” để thề bồi, đính ước, để quạt sầu hay sao ?
Như vậy cái quạt mo của Bờm chỉ là cái quạt mo tầm thường thôi. Ấy vậy mà phú ông cũng cố giành nốt, cố giật nốt cái cuối cùng của những người nông dân như Bờm. Cũng như ông đã từng bóc lột họ đến tận cùng. Thành ra phú ông mới đưa ra bao nhiêu thứ “ngon lành” có giá trị để dỗ dành mà chiếm đoạt nốt cái “quạt mo đuổi ruồi” của người nông dân. Khi đã nắm chắc được cái “thóp” ấy của phú ông, Bờm đã “lắc” tất cả những thứ ông đưa ra từ “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, cho đến “ba bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi”. Thế là Bờm rất tỉnh táo, rất cảnh giác với phú ông, loại người:
“Nói thì trao núi trao sông,
Mà mảnh mo quạt phú ông cố giành”
(thơ Võ Thanh An)
Bờm chỉ “gật” với cái vật mà phú ông đưa ra đổi “ngang” giá là “hòn xôi”. Dân gian đã nhọc lòng sáng tạo ra Bờm, cho Bờm nhận một “hòn xôi” để gởi vào đấy một triết lý thật đơn giản mà cũng thật sâu sắc : tôi chỉ nhận đúng cái mình có, nếu nhận quá đi sẽ thành bi kịch. Vả chăng, trong quan niệm dân gian, “hòn xôi” hay “xôi thịt” còn là biểu tượng cho sự thõa mãn về vật chất. Chẳng hạn :
Đừng có chết, mất mà thôi
Sống thì có lúc no xôi chán chè
hoặc :
Lòng em muốn lấy thợ kèn
Đám trong được bánh, đám hèn được xôi
Ngay ông thầy cúng “chập chập cheng cheng” cũng là nhằm mục đích được “đĩa xôi đầy” :
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.
“Đĩa xôi”, “hòn xôi” từ biểu tượng của vật chất cũng có khi tiến sang biểu tượng của sự thỏa mãn về tinh thần, tình cảm, tình yêu, hôn nhân :
Gần chùa chả được ăn xôi
Gần nàng chẳng được sánh đôi cùng nàng.
hoặc :
Vợ anh như thể đĩa xôi
Anh còn phụ bạc nữa tôi cơm đùm
Trích ra một số câu ca dao như vậy để thấy sự lựa chọn “hòn xôi” của Bờm cũng nằm trong sự lựa chọn của dân gian nói chung chứ không phải Bờm “tham ăn” hay “thực dụng” gì ở đây cả.
Xã hội ngày càng phát triển. Cái quạt mo dần dần biến mất để nhường chỗ cho những quạt giấy, quạt tàu, quạt máy, quạt điện... Nhưng trong kí ức người Việt Nam hình ảnh thằng Bờm với chiếc quạt mo còn mãi. Nó không chỉ là một câu hát của con trẻ, mà sâu hơn còn ẩn chứa triết lí sống của con người Việt Nam : cần tỉnh táo trước những miếng mồi ngon đưa ra nhử, chỉ nhận lấy cái mình đáng nhận. Triết lí ấy cõ lẽ không bao giờ cũ cả. Tôi có cảm tưởng như thằng Bờm vẫn phe phẩy chiếc quạt mo đâu đây trong mỗi ngõ xóm, làng quê Việt Nam và cả trong tâm hồn của mỗi chúng ta nữa.
Lê Tiến Dũng
Nguồn : Gaiquê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.