1) Sự tương quan giữa thân và tâm
Thế
kỷ thứ 17, René Descartes, nhà toán học và triết học người Pháp, khẳng
định thuyết nhị nguyên, tách rời thế giới tâm linh và thế giới vật
chất, (thân - tâm cách biệt) theo ông, tâm = tư tưởng, và thân = cơ
thể, là hai cái thực thể không làm cùng một chất liệu. Này nhé: nếu bạn
cầm dao cắt vào da thịt, máu sẽ tuôn trào, nhưng nếu bạn đưa bộ óc lên
bàn mổ, thì ý tưởng không chảy ra theo vết cắt … vì vậy những gì xảy ra
trong tư tưởng hoàn toàn biệt lập với những gì xảy ra trong cơ thể, nói
cách khác đó là hai phần tử riêng biệt, không ảnh hưởng gì đến nhau.
Nếu như Descartes còn sống đến ngày nay thì hẳn là ông đã thấy mình
thật sự sai lầm …Tư tưởng và cơ thể con người là 2 bộ phận liên quan
mật thiết, những tình cảm yêu ghét, giận hờn không thể cân đo đong đếm
đó có thể dẫn đến những căn bịnh rất thực tế như nghẽn tim, loét bao
tử, hay ngược lại những căn bịnh hiểm nghèo mà bác sĩ tưởng chừng phải
bó tay bỗng nhiên thuyên giảm một cách kỳ diệu sau những cuộc hành
hương. Và nữa, sức mạnh của thiền định – Meditation – là một sự thật
không thể chối cãi. Sự kiện những vị thiền sư Tây Tạng ngồi thiền trong
tuyết lạnh và sử dụng Hoả thân để làm nóng lớp chăn phủ trên người đã
làm nao núng giới khoa học gia Tây phương.
Có
một sự giải thích khoa học nào không cho những sự kiện tưởng như thuộc
về một thế giới huyền bí của tâm linh đó? Hay chúng ta đành dễ dãi bằng
lòng với cách xếp hạng chúng vào mục… Khoa học huyền bí, và phải kêu
gọi đến… lòng tin (faith) để mà …gật gù rằng: đó là chuyện huyền bí.
Trước khi vận dụng đến “khả năng tin tưởng“ của tâm linh, chúng ta
hãy thử dùng con mắt khoa học để khảo sát về hiện tượng tương quan giữa
Cơ thể (Body) và Ý tưởng (Mind) qua các chứng bịnh. (Trong phạm vi bài
này chỉ xin bàn tới sự liên quan giữa Stress, các căn bịnh gây ra bởi
Stress và ứng dụng của Thiền – Meditation – trong đời sống hàng ngày).
2) Sự liên quan giữa Stress và Bịnh:
Tất
cả chúng ta đều biết Stress gây ra rất nhiều bịnh. Cái danh mục của
những căn bịnh thời đại đó càng ngày càng dài ra tưởng như không bao
giờ hết. Cái Stress cao độ (intense) và kéo dài (prolonged) làm yếu đi
khả năng đề kháng của cơ thể (immunity defense), làm mệt mỏi trái tim,
làm hư hoại những tế bào của não bộ (memory’s brain cells), làm tăng mỡ
đọng ở eo và mông (một trong những nguy cơ của nghẽn tim, cơ tim
(infarctus) …), ung thư và tiểu đường. Stress cũng dự phần lớn vào
những bịnh thoái hoá như thoái hóa khớp xương), những bịnh tâm thần –
trầm cảm, và góp phần làm cho các tế bào mau già. Các cơ cấu giữa
Stress và Disease chỉ mới được hiểu khá tường tận từ khoảng đầu thập
niên này (vào khoảng năm 1990, những bài học về Stress còn nằm trong
phần Tâm thần mà không phải là phần Diagnosis – bịnh lâm sàng)
3) Stress là gì?
Trước
hết ta hãy thử lược sơ qua, để hiểu rõ hơn Stress là gì? Stress là một
trong những khả năng sinh tồn của loài người. Nói khác đi, Stress là
một phản ứng tự vệ của cơ thể trước các nguy cơ. Stress là một phản xạ
tự nhiên giúp con người đối phó với những bất trắc từ bên ngoài tác
động. Khi gặp nguy hiểm – đối đầu với con sư tử chẳng hạn – cơ thể con
người cần phải nhanh chóng sẵn sàng để “đương đầu“ hay “chạy trốn“
(fight or flight reponse).
Khi não bộ đánh hơi được một sự nguy hiểm, một tín hiệu được báo ngay cho:
A. Adrenal glands (nằm trên chóp thận) để tiết ra 2 loại hormones:
- Adrenaline (epinephrine) và
- Glucocorticoids & cortisol.
B. Các tế bào thần kinh vùng Hypothalamus để tiết ra chất:
- Nor-epinephrine
Các loại hormones này là những chất hóa học cực mạnh, có tác dụng làm cho : **
- Các giác quan nhạy bén hơn, các cơ bắp (muscle) săn chắc lên, giảm thiểu khả năng tiêu hoá (tác dụng của nor–epinephirine)
- Tim đập nhanh hơn, phổi hô hấp nhanh hơn, chuẩn bị đưa oxygen tới các tế bào (tác dụng của epinephrine)
- Độ đường tăng trong máu để cung cấp nhiệt lượng cần thiết (cortisol ).
Nói
tóm lại cơ thể chúng ta đang ở trong tư thế sẵn sàng tác chiến hay
…chạy trốn. Một khi Stress đã qua đi, (như trong ví dụ này, con sư tử
đã đi …chỗ khác chơi) thì các hormones trở về trạng thái cũ.
Thế
nhưng trong xã hội ngày nay, Stress biến đổi hình thức, nó không còn
đơn thuần là một con sư tử, nanh dài móng nhọn, mà nó thiên biến vạn
hóa ra hàng triệu tình huống khác: một ông chủ khó tánh, một ông chồng
(hay bà vợ) ưa cằn nhằn, một cuộc tình sóng gió, 3 tiếng đồng hồ kẹt xe
trên xa lộ, 50 cm tuyết sáng thứ hai v.v…Cái phản ứng “đánh“ hay “chạy“
(fight or flight) của cơ thể vẫn không thay đỗi nhưng cái Stress ngày
nay đã khác với cái stress ngày xưa. Và không phải trong tình huống nào
mình cũng có thể … Đánh hay Chạy được, mà phần nhiều là phải … chịu
trận !!!! Vì vậy cơ thể con người gần như luôn luôn đầy ắp những thứ
hormones này. Chính sự hiện diện lâu dài, ngày này qua ngày khác, và ở
nồng độ cao (high concentration) của các stress hormones mà tạo ra các
nguy cơ tác hại cho cơ thể:
1. Tổn thương các mạch máu, đưa đến các bịnh về tim mạch (heart disease).
2. Giảm khả năng đề kháng của cơ thể (immunity systeme), đưa đến ung thư, bịnh nhiễm trùng (infectious disease)....
3. Mất calcium trong xương, gây ra osteoporosis ở phụ nữ lúc mãn king (menopausis).
4. Làm tăng mỡ đọng ở eo và mông - bệnh tin mạch (heart disease).
5. Tiểu đường, mất trí nhớ …
6. Cái danh mục của những tác
hại vì Stress còn rất là dài, đó là chưa kể đến những căn bịnh thần
kinh như trầm cảm, parkinson, disease, mất trí nhớ, tai biến mạch máu
não, nội xuất huyết v.v... và v.v…
4) Thiền - Quán sổ tức, và Stress
Theo
bác sĩ Andrew Weil (University of Arizona) thì cách điều hoà hơi thở là
cách thức hữu hiệu nhất để chống lại sự âu lo (anxiety) và Stress, và
ngay đối với cả những thể loại nặng nhất của bịnh khủng hoảng thần kinh
(panic disorder) Vì khi bạn chú tâm vào hơi thở, và thở sâu, chậm, yên
lặng và đều đặn thì bạn không thể nào ... stress, hay lo âu được. Bởi
lẽ rất dễ hiểu là cơ thể bạn không thể nào cùng một lúc làm được những
việc trái ngược nhau. Như chúng ta biết, ngược lại với Stress, sự điều
hoà hơi thở sẽ làm cho tim đập chậm, giảm huyết áp, làm an tĩnh hệ thần
kinh. Khi não bộ không nhận được tín hiệu nguy cơ nữa thì cơ thể trở
lại với trạng thái điều hoà, các bộ phận điều tiết những Stress hormone
không còn được kích thích cũng sẽ trở về trạng thái bình thường, và cơ
thể bạn không nằm trong trạng thái chuẩn bị ứng chiến như ta đã thấy ở
trên. Và như thế, bạn vừa.... khóa lại (shut down) những tác hại của
Stress.
Hiện
nay những bịnh viện lớn như Columbia Medical center ở New York city,
những bịnh nhân trước khi giải phẩu Tim, đều được mời tham dự những
buổi Thiền Meditation. Ở những bịnh nhân có tham gia thiền quán, người
ta nhận thấy ít lo âu trước khi mổ, ít mất máu trong khi mổ và hồi phục
nhanh hơn sau khi mổ.
Điều
hòa hơi thở chỉ là một dạng thô thiển nhất của Thiền quán, cần nói thêm
là Thiền không chỉ là sự điều hòa hơi thở nhưng nếu bạn biết áp dụng
vào đời sống hàng ngày thì ít ra bạn cũng ngăn ngừa hay chận đứng được
những tác hại của Stress, tuy bạn chưa đi vào trạng thái Thiền định
nhưng bạn cũng đã kiểm soát được mình qua sự điều tức. Khi kiểm soát
được hơi thở của mình, cơ thể của bạn là của bạn. Có thể bạn chưa đạt
được giải thoát hay Đốn ngộ với sự kiểm soát hơi thở, nhưng ít ra đời
sống bạn cũng sẽ được thoải mái hơn và..... ít bịnh tật hơn !!!
5) Những dấu ấn khoa học về Thiền.
Theo
Daniel Goleman, tác giả của Destructive Emotion thì: “Những cuộc khảo
sát trong vòng 30 năm qua đã cho chúng ta thấy Thiền có tác dụng như
một loại thuốc giải độc tuyệt vời (antidote) của Stress. Các bảc sĩ y
khoa hiện nay, càng ngày càng không ngần ngại dùng Thiền như một phương
pháp bổ túc trị liệu cho những căn bệnh mà khoa học tưởng như phải bó
tay như bịnh tim mạch, Aids, Ung thư, các chứng bịnh kéo dài (chronique
).
Thiền
cũng được dùng để điều hòa những chứng bịnh tâm thần như trầm cảm, hiếu
động, hay rối loạn (attention deficit disorders - ADD) và nhất là những
căn bịnh liên quan về Stress (stress related disorders). Thậm chí, một
nghiên cứu ở nhà tù Kings county North Rehabitilitation facility (gần
Seattle) cho thấy, những tù nhân gây bạo lực vì nghiện ngập, khi được
tham gia một khóa tu tập về Thiền quán trong thời gian nằm tù, thì tỷ
lệ tái phạm trong vòng hai năm sau khi được phóng thích giảm xuống còn
56% so với tỷ lệ của những tù nhân không tham gia khóa tu tập này là
75%.
Soeur
Elaines McInnes là một vị nữ tu Thiên chúa Giáo, và cũng là một Thiền
sư Phật giáo. Năm 1980, sau 15 tu học về thiền quán ở Tokyo, Bà có đuợc
danh xưng là Zen Roshi – Thiền sư. Trong vòng 40 năm, Bà đã đem mùi vị
của Thiền Quán rải khắp các nhà tù trên thế giới. Hạnh nguyện của bà là
- qua Thiền quán - đem lại cho những tù nhân, nhiều lúc là những kẻ sát
nhân khét tiếng, sự bình an trong tâm hồn trong chốn tù đày, sự tự do
trong tâm hồn trong 4 bức tường sắt, sự tỉnh thức của những con người
hầu như có lúc không còn nhân tính.
Một
tù nhân chính trị của Canada, bị giam ở bago Bantay prison Philippines,
ông Horacio Morales, liên tục bị tra khảo dã man bằng choc electrique.
Thân thể ông cứ 5 phút lai co giật một cách dữ dội. Trong cái tận cùng
của sự khổ đau thân xác đó, ông đã đuợc Soeur Elaines hướng dẫn thiền
quán. Sau này, chính ông đã viết trong hồi ký : “Tôi không còn bị giam
giữ bởi 4 bức tuờng sắt. Qua cánh cửa sổ của nhà giam tôi thấy mình hòa
nhập làm một với thế giới bên ngoài ung dung tự tại”. Ngày 04-12-2001
bà được chính quyền Canada trao tặng giải thưởng cao quí nhất : Order
of Canada.
Qua những điều trên, chúng ta hẵn thấy những ứng dụng của Thiền
Quán trên đời sống hàng ngày là có thực, là không thể chối cãi. Thế
nhưng… cái gì đã thật sự xảy ra trong chúng ta, khi chúng ta ngồi tĩnh
tọa, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở, 1 câu nói, 1 hình ảnh hay 1 công
án? Nói tóm lại, cái gì đã thay đổi trong cơ thể (Body) và ý tuởng
(brain) của chúng ta? Với những máy móc hiện đại ngày nay, liệu chúng
ta có soi thủng được cái bí mật của sự Thiền Quán?
6) Những nghiên cứu mới về Thiền
Năm
1967 - tiến sĩ Herbert Benson, giáo sư y khoa ở Harvard, làm một cuộc
khảo sát Điện não đồ trên 36 người ngồi thiền. Ông nhận thấy cơ thể con
người khi ngồi thiền:
- Dùng 17% ít hơn Oxygène.
- Làm giảm nhịp tim mạch 3 nhịp mỗi phút.
-
Não bộ sản xuất nhiều hơn làn sóng theta (theta ways) – Giai đoạn cực
kỳ thư giãn truớc khi đi vào giấc ngủ, khi ý tưởng cực kỳ linh họat và
sống động và tuôn chảy như thoát khỏi mọi ràng buộc và suy xét (The
ideation that can take place during the theta state is often free flow
and occurs without censorship or guilt. It is typically a very positive
mental state).
Nhiều
năm sau, Dr Gregg jacobs – một giáo sư về tâm thần ở bệnh viện Harvard,
cũng làm một cuộc khảo nghiệm tương tự, Ông so sánh điện não đồ (ECG)
của 1 nhóm ngồi thiền và 1 nhóm thực hành thư giãn (relaxation) bằng
cách nghe nhạc và đọc truyện. Ông nhận thấy, ở nhóm người thực hành
Thiền quán:
- Não bộ phát ra nhiều làn sóng theta hơn là nhóm đọc truyện.
- Họat động của phần lobe frontal của não bộ (hình) (chỗ ghi nhận và phân tách những cảm thụ (sensory information) bị ngừng trệ.
-
Cùng lúc hoạt động của lobe parietal (hình) cũng giãm thiểu. Lobe
parietal là phần não bộ nằm gần ngay trên đỉnh đầu, nơi ghi nhận những
tín hiệu về không gian và thời gian) Sự giảm thiểu những họat động của
phần não bộ này cho chúng ta cái cảm giác không bị ràng buộc và hạn chế
bởi không gian và thời gian. Cái cảm giác hòa đồng – at one – với vũ
trụ.
Và với những kỹ thuật tân tiến hiện nay, với máy scanner hiện đại
có thể cho chúng ta thấy những hình ảnh rất rõ ràng của não bộ (brain
imaging).
Năm 1997, một nhóm Bác sĩ chuyên khoa về óc (neurologist)
ở University of Winconsins (Dr. Richard Davidson) làm một cuộc khám
nghiệm não bộ bằng brain imaging của những thiền sư Phật giáo khi họ
đang hành thiền. Những khám phá này là một buớc tiến vĩ đại trong công
cuộc tìm hiểu những bí mật về thiền quán. Trái với những gì chúng ta
tưởng tượng. Những danh từ như Vắng lặng, Rỗng không, Tĩnh lặng …thường
đi đôi với Thiền cho chúng ta cái cảm tưởng là khi hành thiền, muốn đạt
đến trạng thái … không tạp niệm, thì có lẽ những họat động của não bộ
phải được giảm thiểu đến mức tối đa. Nhưng trái với những gì ta dự
đoán, những hình ảnh trong cuộc nghiên cứu của Dr. Davidson cho chúng
ta thấy, khi hành thiền:
- Não bộ ngăn chận những tín hiệu đến phần parietal lobe (Thùy não đỉnh)
- Những họat động của prefontal cortex (phần nằm ngay trước trán) được chuyển từ bán não phải qua bán não trái.
7) Đây là một khám phá rất lý thú.
Prefrontal
cortex là vùng não bộ chuyên cấu tạo, hình thành những ý tuởng và ngôn
ngữ, cùng điều hòa những tình cảm yêu ghét giận hờn của con nguời.
(planning and production of thoughts, language, emotional expression,
and actions). Cũng theo Davidsons, trong The sciences of emotion, vùng
prefrontal cortex chiếm một vị trí quan trọng trong sự điều tiết
(modulation) tình cảm con người. Chúng ta ai cũng biết những người bị
chấn thương sọ não thường có những thay đổi tính tình tùy theo vùng bị
chấn thương. Những người bị chấn thương bên bán não trái, đương nhiên
sẽ chịu sự điều hành của bán cầu phải, thường là những người được gắn
kết với loại người bi quan (negative mood), họ thường bị trầm cảm, hay
khóc lóc, lo âu, chán nãn … [Có thể đây là kết quả quan sát của người
ngoài cuộc. Nên đọc Tuệ giác và sự phục hồi sau tai biến mạch máu não*
(My stroke of insight) của TS Jill Bolte Taylor, nhất là 2 chương 6 và 7,
ta sẽ có kết quả khác về chức năng của não thùy phải - LN] Trái lại
những người bị thương phía bên phải, và chịu sự điều hành của bán cầu
trái lại là những người có tư tưởng lạc quan, hăng hái, nhiệt tình.
Sau
khi dùng fMRI (functional magnetic resonance) để phân loại. Những người
với sự hoạt động của vùng não bộ này thiên về phía bán cầu phải (right
prefrontal oriented) thường là những người có tính cách bi quan, hay
nhìn sự việc trên khía cạnh Xấu, là loại người (pessimist) yếm thế và
dễ chán nãn, khi được hỏi dùng những tính từ để tả tâm trạng mình, họ
thường dùng những từ như: sợ hãi, lo âu, căng thẳng nervous = bồn chồn,
distress = cùng khốn…… Ngược lại những người thiên về bên trái (left
oriented) lại dùng những tính từ như: mạnh mẽ, hăng hái, tỉnh táo, hãnh
diện, vui vẻ, exited (thanh thoát )…..
Các
nghiên cứu nói trên, và nhất là gần đây, khi Ngài Datlai Latma, cùng
với những Thiền sư Tây Tạng và những giáo sư ở Mind and Life institut
thực hành một cuộc thí nghiệm rất qui mô với hình ảnh của não bộ của
những Thiền sư lúc tọa thiền đã chứng minh được rằng sự hành tập Thiền
Quán có thể rèn luyện được những tế bào thần kinh (neurones), để di
chuyển những hoạt động của não bộ về những vùng cho ta sự tỉnh thức, và
thoải mái…
Và
như vậy, cho dù ta không thay đổi được hoàn cảnh và sự việc trong cuộc
đời, nhưng ta thay đổi được cách tiếp nhận, và cảm nhận của chính ta.
Nói một cách khác, ta thay đổi được cái nhìn của ta về những sự việc và
hoàn cảnh xảy ra để mà chấp nhận, và thay đổi cái quan niệm, cái cảm
thọ của chính mình. Cũng như nhìn một ly nuớc có phân nửa nuớc, ta có
thể thấy nó vơi một nửa và có ý niệm Buồn. Ngược lại ta cũng có thể
thấy nó đầy một nửa và ý niệm Vui sẽ khởi sanh. Cùng một sự việc, nhưng
sự cảm thụ có khác nhau (Đầy/Vơi) sanh ra những tình cảm trái ngược
nhau (Vui/Buồn).
Những nguyên do của stress vẫn còn đó, (vì đó là những gì ta không
thể nào tránh khỏi trong đời sống) ông chủ vẫn khó tánh, bà vợ/ông
chồng vẫn hay cằn nhằn …Nhưng đối với một người tu tập thiền quán, sự
cảm nhận của họ đã đổi khác. Thay vì Đánh trả hay Chạy trốn, hay … chịu
trận…họ biết cách Chấp nhận và tìm thấy được Hạnh phúc ngay trong cái
gọi là bể khổ này đây.
Do
đó khi tu tập Thiền quán, bạn chẳng cần phải là người theo đạo Phật,
chẳng cần phải là Phật tử, bạn có thể theo tôn giáo của bạn, bạn có thể
là người theo Thiên chúa giáo, hay Hồi giáo, hay vô thần v.v…bạn thấy
Đời là những phiền não, là Khổ, và bạn ngồi xuống tập trung ý tưởng
mình vào hơi thở, vào 1 lời nói, 1 công án …Bạn đóng lại những stress
hormones đang tuôn trào trong cơ thể bạn. Bạn chuyển dòng điện não qua
phía bán cầu trái … và bạn thấy thơ thới, nhẹ nhàng … cơ thể bạn không
còn bị hành hạ bởi những độc dược tự bạn tiết ra, vấn đề đối với bạn
cũng không còn nan giải và trầm trọng. Bạn thấy bớt khổ … Và Đức Phật
mỉm cuời ... vì bạn đã đi đúng cái con đường mà Ngài muốn truyền đạt
lại cho bạn ngay sau khi Ngài chứng ngộ (cũng nhờ Thiền Quán) dưới cội
Bồ Đề, con đường của Khổ Tập Diệt Đạo, con đường của Tứ Đế, con đuờng
Diệt Khổ …
Thật
vậy, chính bạn đã tìm được và đi vào con đường của bạn đã mở ra, bạn đi
trên con đường ấy với nụ cười trên môi và sự tỉnh thức mà bạn tự rèn
luyện qua Thiền quán để có được bản lĩnh vượt qua những Stress luôn
chực chờ đón bạn ....
Hoàng Vũ