Nguyễn Đình Toàn: "Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy (năm 1970). Nghe rồi mới đọc.Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.
Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử. Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa... cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy. Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.
Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính. Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.
Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này. Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng? Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.
Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao? Thắc mắc nữa mà chi ?
Trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, ở tuổi 40, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?
Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau : “ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận... Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời ly rượu...
Một bài Thơ của Vũ Hữu Định:
Chẳng Hay
Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê
Ta đi, xưa gió đưa vài dặm
ta đi, xưa mưa ướt vừa căm
quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió
hình như không đủ buồn trong lòng
Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay
Ta đi, có những ngày khô héo
chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về
mẹ, chị, đàn em như bóng khói
nương với đời ta quay quắt trong mê
Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng
chiều lặng lòng câm dạt phố người
khi không ta có đời lang bạt
đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi
Chiều nay không hẹn ta lại về
mùa đông dài vẫn níu chân quê
ta về gió đón phong sương lạnh
ta về, mưa đón ta về quê
Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
đứng đây đường cái quan bên núi
ta cũng đã trầm lòng mê mê
Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
chiều neo sương khói buổi ta về
mẹ, chị, đàn em không có mộ
thăm ai? thăm ai? ta về quê. Tình thân, Kính.
NNS
Lá Thư Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.