Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Đàn bà và rượu vang


Em ơi lửa tắt bình khô rượuĐời vắng em rồi say với ai?***
Tôi không hiểu tại sao các cụ ta hồi trước chỉ thích ngồi khề khà uống rượu với đám bạn đàn ông, hoặc nếu không có bạn thì đành ngồi độc ẩm, nâng ly nhấm nháp một mình vậy. Các cụ rất ít khi - hoặc chẳng bao giờ - chia sẻ cái thú thưởng thức ly rượu ngon với người bạn hồng nhan tri kỷ của mình. Cụ Nguyễn Khuyến, khi nghe tin người bạn đồng song là cụ Dương Khuê từ trần, đã làm thơ khóc bạn:
Rượu ngon không có bạn hiềnKhông mua không phải không tiền không mua...Vậy còn cụ bà đó thì sao? Cớ gì mà nhà thơ Yên Đổ lại không cứ tiếp tục mua rượu để uống chơi với cụ bà? Hay là tại cụ bà không biết uống rượu chăng?
Tôi nghĩ cái nguyên nhân chính có lẽ là quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội Á Đông thời trước. Thời ấy, chỉ có đàn ông mới được uống rượu và được khuyến khích uống rượu. "Nam vô tửu như kỳ vô phong." Còn đàn bà thì được dạy là phải chui vào xó bếp, lo công việc tề gia nội trợ, phục vụ đức ông chồng và làm bổn phận đẻ con nối dõi tông đường, thế là hết. Ở đó mà đòi uống rượu! Đã không được phép nếm rượu từ thuở còn con gái thì các bà làm sao chén tạc chén thù được với đức lang quân sau này?
Thế nhưng khi đẩy phái nữ vào xó bếp, quý vị đàn ông đã tự tước bỏ đi của mình cái thú được chia sẻ với người đẹp những niềm vui thanh nhã của cầm kỳ thi tửu. Quý vị thiệt thòi biết bao nhiêu!
Thực ra thì lâu lâu người ta cũng thấy có những trường hợp ngoại lệ, những người đàn ông đáng gọi là “tiến bộ” như chàng Kim Trọng trong tác phẩm của Nguyễn Du chẳng hạn. Chàng này khi tìm lại được Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc giang hồ, đã bất chấp những thành kiến của thời đại để cùng nàng chung sống chuỗi ngày hạnh phúc:
Khi chén rượu, khi cuộc cờKhi xem hoa nở, khi chờ trăng lên...Thế có phải là sảng khoái không nào?
Ngày nay, chúng ta hơn các cụ ở chỗ chúng ta có cái thú vui được mời người đẹp đi “date”, đi ăn cơm tây uống rượu chát lu bù. Bạn hãy thử tưởng tượng coi, bạn đưa nàng vào một tiệm ăn nho nhỏ, ấm cúng, ngồi đối diện với nàng bên ngọn nến lung linh. Bạn kêu một chai rượu đỏ. Rượu được rót ra ly, óng ả như màu hồng ngọc và thơm ngát mùi nho chín lên men. Bạn cụng ly với nàng, rồi trìu mến nhìn những ngón tay thon nhỏ của nàng cầm ly rượu đong đưa trước mặt. Bạn sẽ thấy nàng đẹp hẳn lên, cặp mắt nàng như long lanh tình tứ hơn, đôi môi nàng chín mọng hơn và gò má nàng phản ánh màu rượu đỏ dường như cũng hồng hơn. Bạn sẽ nhận ra câu thơ Thôi Hộ là hay tuyệt: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”. Ở đây không có hoa đào nhưng đã có màu rượu vang thay thế. Rượu vang làm tôn nhan sắc của người đẹp lên gấp bội.
Hồi xưa, khi còn là cậu sinh viên mới lớn ở Saigon, tôi đã bị quyến rũ bởi những bài thơ vừa mới mẻ vừa lãng mạn của các ông Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, những người có cái may mắn được đi du học ở bên Pháp vào thời ấy. Tôi tưởng tượng ra cảnh mấy ổng đưa đào đi uống rượu vào một buổi chiều giá lạnh bên tả ngạn sông Seine mà thèm:
Mùa Thu Paris,Trời buốt ra điHẹn em quán nhỏ,Rưng rưng rượu đỏ tràn ly...Ngồi uống rượu với các nàng, chẳng những ta có cảm tưởng là chai rượu ngon hơn hẳn lên, mà về rất nhiều phương diện ta còn thấy rượu vang giống hệt với đàn bà nữa. Thật vậy, khi rót ra một ly rượu vang, ta thưởng thức trước hết là màu rượu. Dù đó là màu đỏ thẫm của rượu Bordeaux, màu đỏ hồng của rượu Bourgogne, hay màu vàng như hổ phách của rượu Sauternes để lâu năm, ta đều yêu cái nét óng ả của nó và ta gọi đó là “la robe du vin”, cũng ví như cái áo nàng mặc đang làm tôn vẻ đẹp của nàng. “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”, ông Nguyên Sa đã nói như vậy.
Kế đó là vị rượu. Nó gồm đủ cả vị chua, vị chát, vị đắng, vị ngọt. Thì đàn bà chẳng cho chúng ta đủ thứ mùi vị đó hay sao? Những lúc nàng hờn ghen, giận dỗi, mỉa mai, gắt gỏng hay âu yếm, nũng nịu là những lúc chúng ta được nếm qua tất cả những ngọt bùi, chua chát, nồng nàn hay đắng ngắt của cuộc tình.
Rượu vang còn giống đàn bà ở chỗ tự nó có hương thơm ngào ngạt. Tôi không biết Ỷ Lan vương phi hồi xưa có mùi thơm tự nhiên tỏa ra như thế nào mà khi nàng đứng tựa dàn hoa thì mùi hương của da thịt nàng át hẳn trăm hoa, khiến cho nhà vua mê tít. Đời bây giờ tuy chẳng mấy nàng có được cái mùi thơm hấp dẫn tự nhiên như Ỷ Lan nhưng bù lại thì các nàng đã có bao nhiêu thứ son phấn, nuớc hoa từ Chanel, Guerlain cho đến Dior, Hermes.
Ngay đến gái quê mộc mạc cũng lấy hoa chanh, hoa bưởi, hoa thiên lý cài lên tóc hay dắt vào mình cho thơm. Rượu vang thì càng qúy phái, sang trọng, đắt tiền bao nhiêu, càng có hương thơm nồng nàn quyến rũ bấy nhiêu. Chỉ cần nâng ly khoắng lên một chút để oxygen trong không khí tác động vào chất rượu là mùi thơm sẽ bốc lên ngào ngạt để khứu giác của ta thưởng thức.
Và cũng tương tự như đàn bà, rượu vang rất tươi mát hăng say khi còn trẻ nhưng càng để lâu thì vị chua (acidity) và vị chát (tannin) trong rượu càng lắng dịu xuống (mellow down), vị ngọt ngào của rượu trở thành đậm đà hơn, và cái dư vị dư hương (aftertaste) còn để lại trên cuống lưỡi tiếp theo sau ngụm rượu càng khiến cho ta ngây ngất.
Uống rượu vang với đàn bà có chừng ấy điều thích thú mà các vị sĩ phu hồi xưa - vì chịu ảnh hưởng nặng của cái thành kiến cổ hủ trọng nam khinh nữ - đã không dám mời phái đẹp cùng uống nên thua thiệt rất nhiều. Trường hợp điển hình là ông Lý Bạch những lúc không có lũ bạn nam nhi thì đành ngồi rót rượu dưới trăng uống một mình với bóng. Tôi chẳng hiểu qúy vị đọc những bài Nguyệt Hạ Độc Chước của ông ta thấy hay ho ra sao, chứ tôi thấy uống rượu kiểu đó nó chán ơi là chán. Nâng chén mời trăng thì trăng không thèm uống, còn cái bóng thì cứ quẩn theo chân mình. Giả như có người đẹp đối ẩm có phải là hào hứng và thú vị biết bao!
Điều đáng mừng là những người bạn mà tôi quen biết hồi sau này mỗi khi muốn thưởng thức cơm Tây rượu chát - dù là ở tiệm ăn hay ở nhà bằng hữu - đều cảm thấy cần phải có phu nhân hay bạn gái đi cùng để chia sẻ thì mới thật là vui.
Cái khuynh hướng mới này khác hẳn với thói quen của đám nam nhi hào khách trước đây vài chục năm là chỉ uống với nhau thôi. Xét như vậy thì thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ở vào thời đại tương đối còn cổ hủ của ông, đã tiến bộ hơn chúng ta nhiều lắm. Nhà thơ họ Vũ chắc đã phải có những lúc được ngồi uống rượu rất thích thú với người tình nên đến khi nàng không còn ở bên ông nữa thì ông mới làm thơ nuối tiếc:
Em ơi lửa tắt bình khô rượuĐời vắng em rồi say với ai?Vậy thì những ai trong bọn đàn ông chúng ta còn may mắn có em bên cạnh tại sao lại không mời nàng ra một quán ăn nho nhỏ, ấm cúng thân mật ngay buổi tối hôm nay, kêu một chai rượu vang ngon để nhâm nhi với nàng và đồng thời thưởng thức màu rượu đỏ ánh lên môi, lên má nàng cho cuộc đời thêm tình tứ lãng mạn phần nào?
HNC: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.