Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Khổng Tử nổi trôi giữa đời thực dụng




Khi Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 1997, thì những âm ỉ chống lại giá trị Khổng giáo từ lâu được dịp bùng nổ. Luận điểm chủ yếu đó là, chính ý thức hệ Khổng giáo đã đưa đến mô hình phát triển độc đoán, và rằng chính sự phụ thuộc vào những giá trị tập thể, sự sùng bái đã bóp nghẹt đi tính sáng tạo cá nhân. Những người chống đối kêu gọi, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào một trật tự hợp lý phương Tây, mà trong đó bao hàm thị trường tự do cạnh tranh, chủ nghĩa cá nhân và nền tự do dân chủ* * *



Bạn tôi, giám đốc một công ty tư nhân, than thở: “Một nhân viên của tôi đã qua 6 tháng thử việc , lại thêm 2 khoá huấn luyện mà tay nghề vẫn không đáp ứng công việc, chỉ được cái hiền lành. Tôi định cho thôi việc. Vợ cậu ta mới đẻ con đầu lòng. Cả tuần nay, giờ nghỉ trưa thì tạt siêu thị mua vài thứ lẩm cẩm, khi thì khăn, lúc thì giấy, xế chiều lại chốc chốc nhìn đồng hồ, mong hết giờ … Ðã mấy lần tôi định mời cậu ta vào phòng thông báo quyết định, nhưng thấy bộ mặt hớn hở , tôi lại không nỡ….”

Khi Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 1997, thì những âm ỉ chống lại giá trị Khổng giáo từ lâu được dịp bùng nổ. Luận điểm chủ yếu đó là, chính ý thức hệ Khổng giáo đã đưa đến mô hình phát triển độc đoán, và rằng chính sự phụ thuộc vào những giá trị tập thể, sự sùng bái đã bóp nghẹt đi tính sáng tạo cá nhân. Những người chống đối kêu gọi, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào một trật tự hợp lý phương Tây, mà trong đó bao hàm thị trường tự do cạnh tranh, chủ nghĩa cá nhân và nền tự do dân chủ.

Thực ra, cái gọi là “giá trị châu Á”, đã từng được một số nhà nghiên cứu phương Tây xem như là động lực hoá rồng ở một vài nước Châu Á, thì lại bị chính một số học giả châu Á bài bác. Tiến sĩ Kim Kyong- Dong (Hàn Quốc) khẳng định “Kết quả hoá rồng là do đi theo khoa học, công nghệ và quản lý phương Tây. Khổng giáo, dù có lý giải cách nào cũng không thể là nguồn cảm hứng về mặt tinh thần cho sự phát triển”. Còn tiến sĩ Lee Yuen Tshe (Ðài Loan) nhận xét hóm hỉnh “ Chính sự thành công của nên kinh tế Ðông Á đã tạo ra tiếng tăm cho Khổng giáo”

Khác với quan điểm phương Tây là đề cao cá nhân và tự do cá nhân, Khổng giáo nhắm đến xây dựng mối quan hệ giữa người và người: Quân – Thần, Phụ –Tử, Phu –Phụ, Huynh –Ðệ, Bằng- Hữu (sách Trung Dung), gọi là Ngũ Luân, theo một trật tự từ gia đình đến xã hội. Trật tự đó cũng có nghĩa là tôn trọng quyền bính. Và cũng chính vì phục tùng sự trật tự này, mà Kim Kyong Il, giáo sư đại học Sanmyung (Seoul) kết luận “Khổng giáo là một ý thức hệ dành cho giai cấp thống trị, biện minh cho những phép tắc độc đoán”.

Tôi có người bạn Việt kiều, đi Mỹ từ hồi năm 75. Mới đây về nước kể chuyện, thằng con trai 17 tuổi của anh đi chơi suốt đêm, sáng bảnh mới mò về nhà. Bố hỏi đi đâu. Thằng con không buồn trả lời, nhún vai bỏ vào phòng riêng.

Anh bạn khác, cũng là Việt kiều mới định cư ở Mỹ cùng với gia đình hồi năm 93 kể, cũng có ông con chừng 16-17 tuổi gì đó , ham bè vui bạn đi chơi khuya. Sáng mò về, ông bố sẵn đang cầm cây lau nhà trong tay, phang luôn cho vài cái. Thằng nhỏ không dám tránh đòn, nhưng nép sát vào tường, khuất cửa sổ, mắt len lén nhìn ra ngoài, trông chừng xem hàng xóm có nhìn thấy cái cảnh “gia pháp” (roi) này không, lỡ có thì ông bố nó có nguy cơ bị báo cảnh sát, phải vào tù , bị phạt vạ vì tội ngược đãi trẻ em.

Tôi không nghĩ vài cái “gia pháp” là bạo lực với trẻ con. Cũng không cho rằng cái “len lén” của thằng ông mãnh đó là kết quả của một nền giáo dục độc đoán, nhưng so với kiểu cách “nhún vai”, thì cái “len lén” dường như đậm chất người, trong cái gọi là trật tự Phụ – Tử , quá hiếm hoi ở một xứ sở văn minh như vậy.

Các công ty Nhật học cách quản trị hiện đại của người Mỹ, nhưng đã đem về “xào nấu” chung với mớ giáo điều Khổng giáo cả ngàn năm này thành đặc điểm quản trị riêng của họ. Quản trị Nhật xem con người là yếu tố hàng đầu, nhưng là con người trong mối tương quan với tập thể. Chính ở góc độ tinh thần tập thể này, trong thập niên 60, giới quản trị Nhật đã đề xướng ra cái gọi là “Nhóm Chất lượng” ( QC – Quality Circle), cốt lõi của khái niệm Quản lý Chất lượng Toàn diện ( TQM- Total Quality Management), đã đẩy thương hiệu “Made in Japan” trở nên nổi tiếng toàn cầu: Rẻ, Đẹp, Bền, và Tin cậy. Nhân viên gắn bó với công ty nhiều hơn, bởi thế công ty Nhật khi cần thiết có thể huy động nhân viên làm thêm giờ (có lương hoặc không lương) mà ít khi gặp rắc rối.

Quản trị Mỹ lại khác, tất cả là hiệu quả công việc dựa trên sự nổi bật của cá nhân. Một giám đốc sau 5 năm làm việc, dù hiệu quả xuất sắc cũng có thể bị chấm dứt hợp đồng khi hết hạn. Họ quan niệm, vị giám đốc sẽ bị “chai” sáng kiến trong môi trường quen thuộc. Một giám đốc mới sẽ phải “quậy” hơn, chứng tỏ bản lĩnh hơn, với mức khởi đầu từ sự thành công của người tiền nhiệm.

Ông Minchico Sakano, giáo sư khoa Kinh Doanh, trường đại học Gifu, trong buổi hội thảo về “Cải tiến sản xuất và phương pháp thực hiện” tại Tp. HCM cách đây 3 năm, có đưa ra một giải thích thú vị về từ COMPANY. COMPANY được ghép lại từ tiếp đầu ngữ COM, có nghiã là cùng với nhau. PANY trong tiếng Hy Lạp xưa có nghiã là bánh mỳ – COMPANY được hiểu là một tập thể trong đó mọi người cùng hợp tác với nhau để mưu sinh. Ông Sakano kết luận: Một công ty sẽ ra sao nếu tất cả nhân viên trong công ty không toàn tâm toàn ý cho mục tiêu chung - Cá nhân trong tập thể của công ty Nhật là vậy.

Một đặc điểm của quản trị Á Ðông là người trên phải làm gương cho kẻ dưới, còn ở phương Tây, lãnh đạo chủ yếu dựa vào luật lệ.

Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, và cũng là Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Khổng giáo Quốc tế , mặc dù rất khâm phục xã hội Mỹ ở đặc điểm cởi mở trong tranh luận về ưu khuyết điểm của xã hội hoặc phê bình các công chức, nhưng ông vẫn khẳng định “ Ở phương Ðông, vấn đề là cần có một xã hội trật tự để mọi người có thể hưởng thụ tốt sự tự do của mình”.

Người đời nay « ngán » Khổng giáo có lẽ do nó gò bó trong trật tự, đề cao Lễ – Nhạc, nhưng Khổng Tử cũng nói:“Người không có nhân thì lễ mà làm gì? Người không có nhân thì nhạc mà làm gì?” (Luận ngữ). Trong quan hệ thầy trò, Khổng Tử nói : « Trước những việc lớn có liên quan đến nhân đức, không được nhân nhượng, kể cả thầy của mình (Luận Ngữ). Nhân là yếu tố cốt lõi trong học thuyết của Khổng Tử. Lễ là biểu hiện quá trình tu dưỡng, là phản ánh của Nhân, và có thể thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế xã hội. Bỏ cái cốt lõi đi thì xã hội sẽ ra sao?

Khổng giáo đề cao thuyết Chính Danh: Quân quân - Thần thần- Phụ phụ- Tử tử (Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha , con ra con). Vậy thì, Khổng giáo trong chừng mực nào đó, đâu có nghĩa chỉ gói gọn trong trật tự tuân phục, mà còn là tư cách của người được tuân phục.

Mạnh Tử được xem là « học trò từ xa » của Khổng Tử nói : «Ta nghe nói Chu Văn Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ chưa hề nghe nói giết vua bao giờ ». Tuân Tử, cũng được xem là môn đồ Khổng giáo, sống sau Mạnh Tử vài chục năm nói: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”. Những tư tưởng cổ lỗ xỉ cả 2.500 năm, nêu lên được mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và người dân như thế này, thì coi bộ ngày nay (và mai sau) vẫn còn xài được quá đấy chứ.

Bàn về chữ Hiếu, Khổng Tử nói : « Ngày nay, nhiều người cho rằng nuôi được cha mẹ là có hiếu. Thế nhưng ngay cả chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng như thế. Nếu người ta không tỏ được lòng kính trọng với cha mẹ, thì việc nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì nhau ? » (Luận Ngữ). Sống trong thời buổi văn minh @, tinh thần thực dụng, tiện nghi thừa mứa, ngẫm nghĩ câu này không thấy… chột dạ sao?

Những ứng xử chỉ ra trong Nho giáo nguyên thủy (*) là mối quan hệ hai chiều, hiểu xa hơn nữa, nó mang tính trung dung. Tất cả đều xuất phát từ nền tảng Chính Danh. Người đời sau, từ nhà Hán trở xuống, đã giải thích lời nói của Khổng Tử cho những mục đích khác nhau, đã biến quan hệ hai chiều thành một chiều. Khổng Tử đâu có nói « Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung », hay « Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử »,… hồi nào đâu. Quá trình phát triển Khổng giáo từ đời Hán cũng hơn 2.000 năm, với cả trăm, cả ngàn triết gia, thêm thắt chế biến nhiều, tiêu cực có, tích cực cũng có. Tất cả đều được gom lại và ấn… vào đầu Khổng Tử, gọi chung là Khổng giáo. Người ta không chịu phân biệt Khổng giáo và Nho giáo, hay ít ra, giữa Khổng học và Nho học. Tội thay cho phu tử ! Mũi lái chịu đòn…

Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoá rồng trên nền tảng Khổng giáo, mà dĩ nhiên phải là trên khoa học công nghệ, và quản trị hiện đại. Nền quản trị này được thích nghi với những giá trị Châu Á nói chung, phù hợp với bản sắc văn hoá riêng của dân tộc. Khổng giáo ra đời cả 2500 năm rồi. Vấn đề là điều chỉnh để thích nghi, chứ không phải là phủ nhận mọi giá trị của Khổng giáo.

Nếu Khổng Tử sống lại, và về thăm cố hương Khúc Phụ lúc này, hẳn ngài cũng phải thích nghi và cười xoà khi biết rằng, quê ngài bây giờ đã là điểm du lịch nổi tiếng. Nơi đó, con cháu ngài một bên dựng đền thờ Khổng Tử, một bên là kinh doanh rượu mang nhãn hiệu … Kong Fu Jia Jiu ( rượu Khổng Tử gia ). Và đến đấy, biết đâu ngài lại chẳng ngồi trên bậc tam cấp đền thờ và nâng chén “Kong Fu Jia Jiu” để … tiêu sầu.



———————



Chú thích :

(1) Khổng Tử sống ở thời Xuân Thu, còn Mạnh Tử thời Chiến Quốc, cách nhau khoảng 180 năm. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử (có thể kể thêm Tuân Tử, sau Mạnh Tử vài chục năm) hình thành nên Nho giáo tiền Tần hay Nho giáo nguyên thủy. Các đời sau, mỗi thời giải thích Khổng giáo theo cách riêng của họ, phần lớn là cho mục tiêu chính trị, nên mới có Hán nho, Đường nho, Tống nho (còn gọi là neoconfucism), Minh nho,…



Vũ Thế Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.