Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Lê Văn Khoa



Về Nhạc sĩ/ Nhiếp ảnh gia: Lê Văn Khoa:

1.  Biography: Lê Văn Khoa sinh năm 1933 tại Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long miền Nam Việt Nam. Là một người tị nạn chiến tranh, Ông đặt chân đến Hoa Kỳ vào năm 1975. Ông viết nhạc với nhiều thể loại và đã có khoảng 600 nhạc phấm và hòa âm. Ông cũng đã soạn hòa âm về nhạc dân ca và nhạc phổ thông Việt Nam cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và Dàn Giao Hưởng Việt Mỹ (VAPO). Lê Văn Khoa cũng viết bài về âm nhạc và là chủ biên chương trình "Nhạc Trong Đời Sống của Chúng Ta", Đài Phát Thanh Little Sài Gòn.
Lê Văn Khoa tự học Nhiếp Ảnh từ thuở hai mươi và đã được nhiều giải thưởng. Năm 1968, Ông cùng sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật và giúp Hội xuất bản 3 quyển sách. Hội là một trong 10 hội đứng hàng đầu trên thế giới trong cuộc thi Nhiếp Ảnh Quốc Tế Al Thani và được huy chương vàng trong thể loại "Hội Ảnh Tốt Nhất" ở cuộc thi Trierenberg Super Circuit tại Áo Quốc. Lê Văn Khoa là người Việt đầu tiên có ảnh triển lãm ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông đã là giáo sư môn nhiếp ảnh tại Đại Học Salisbury State College, Tiểu Bang Maryland, năm 1976-1977.


  2.   Ngô Thanh Tùng và Đặng Đình Quảng:
(Cõi nhạc Lê Văn Khoa trong Tình Tự Dân Tộc)

Gần 3 triệu người Việt lưu vong và hàng triệu đồng bào trong nước đã và đang say mê các DVD Thúy Nga Paris, Vân Sơn và Asia. Riêng tại Hoa Kỳ một ông bạn chúng tôi vừa có một nhận xét chí lý: Trong tất cả sắc dân nhập cư ở Mỹ, người Việt quả thật nổi trội hơn hết về mặt entertaining industry tức kỹ nghệ giải trí. Di dân gốc Việt ở Mỹ chỉ có 1.5 triệu, riêng trong địa hạt trình diễn, di dân Mỹ gốc Việt hơn hẳn ba nhóm di dân đông hơn: Mỹ gốc Trung Hoa, trên 3.4 triệu (2005), Mỹ gốc Phi, trên 2 triệu, Mỹ gốc Đại Hàn, tương đương với Việt Nam, trên 1.2 triệu (2000). Ngay cả người Mễ, 14.4% (2005) trên dân số Mỹ 300 triệu người. Không một sắc dân nào kể trên có được những chương trình tương đương với Asia, Paris by Night, Vân Sơn v.v. . . Một sắc dân đông hơn ta gần gấp 3 là Trung Hoa cũng không có được một Paris by Night. Tại sao? Hãy để những nhà tâm lý và xã hội tìm câu trả lời.
Trong bài này chúng tôi chỉ giả thiết rằng người Việt chúng ta yêu nghệ thuật trinh diễn (perfroming arts), đặc biệt là yêu âm nhạc. Ngoài ra khi nói đến những công trình nhạc giao hưởng, nhạc quý phái của giai cấp trung lưu và cao ở xã hội Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật, ngay cả Trung Hoa, người ta đã cố ý hay vô tình quên đến một cây cổ thụ: Lê Văn Khoa.
Nói đến âm nhạc, tương tự như nói đến một tòa lâu đài nguy nga đầy phòng ốc, đại sảnh. Mỗi phòng ốc, loại nhạc, đều có nét đặc thù, những cái hay riêng. Dĩ nhiên trong giới thưởng ngoạn, không ai đồng ý với ai khi bàn về loại nhạc nào hay, loại nhạc nào dở.
Giới xồn xồn thì sợ nhạc metalic vì không chiu thấu decibel cao. Các con cháu chúng tôi mà nghe chúng tôi mở Beethoven, Mozart hay Chopin là chạy dài. Vài bạn cao niên chỉ thích nhạc tiền chiến hay trước. Các ban trẻ cỡ tuổi 30 thì chỉ mê Như Quỳnh, Dalina v.v. . .
Trở lại đề tài các loại nhạc, chúng tôi nghĩ Lê Văn Khoa sở trường về sáng tác trong hai lãnh vực: 1- Ảnh hưởng nhạc Cổ điển, và 2 - Nhạc dân tộc, trình diễn bằng nhạc khí Tây Phương và cả nhạc khí dân tộc.
Chúng tôi đi tham dự hầu hết những chương trình nhạc do Lê Văn Khoa viết hòa âm hoặc đứng ra tự tổ chức. Chúng tôi đi dự những chương trình đặc biệt, công phu, khi thì ông đứng ở bục nhạc trưởng, khi thì ông ngồi hàng đầu thưởng thức những hòa âm của chính ông. . . phần lớn là những chương trình có giá trị.
Lê Văn Khoa vừa viết hòa âm cho những nhạc phẩm của các nhạc sĩ đương thời: Văn Phụng, Phạm Duy, Cung Tiến, Vũ Thành, Phạm Đình Chương, Lê Thương  v. . . v. . . giúp các nhạc phẩm này được thăng hoa bằng thềm đại hòa tấu đến 50 nhạc sĩ. Dù có khó tánh cách mấy cũng phải nhìn nhận rằng khi cần viết hòa âm cỡ 50-100 nhạc sĩ, mọi người đều phải mời Lê Văn Khoa, bởi vì chỉ có ông thường đảm nhận việc này mà không bị thất thố như nhiều vị khác. Cung Tiến, Phạm Văn Kỳ Thanh, Vũ Thành đều nhiều lần khen ngợi Lê Văn Khoa sau khi nghe những hòa âm của ông. Lê Văn Khoa sở trường về melody, harmony và viết cho dàn dây, woodwind thần tình. Có thể nói bản nào ông viết hòa âm nghe cũng êm tai mà không bao giờ thềm giao hưởng lấn át giai điệu chánh. Nếu tinh ý so sánh những ca khúc Lê Văn Khoa đã hòa âm như Dạ Lai Hương, Qua Suối Mây Hồng, Việt Nam Việt Nam, Những Dòng Sông Chia Rẽ, Mẹ Trùng Dương v. v. . . (Phạm Duy), Thu Vàng, Hương Xưa, Hoài Cảm, Nguyệt Cầm v. v. . . (Cung Tiến), Thụy Khúc, Nhớ Bạn, Nhặt Cánh Sao Rơi v. v. . . (Vũ Thành), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, Ly Rượu Mừng, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Sáng Rừng v. v. . . (Phạm Đình Chương), Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 của Lê Thương và nhiều nhạc sĩ khác, so sánh với các hòa âm khác cho cùng những ca khúc này, người ta thấy ngay sự khác biệt. Hòa âm của ông càng nghe càng hay.
Đến những tác phẩm do chính Lê Văn Khoa viết hòa âm cho mình như Gọi Nhớ, Nhạc Chiều Năm Đó, Bình Minh Quê Hương, The Last Time v.v. . . thì nhạc tài ông thể hiện muôn vẻ về cách ông viết cho piccolo, trống nghe như biển động, sét gầm (Bình Minh Quê Hương, Symphony VietNam 1975, Mơ Về Quê Tôi, Trên Đất Giồng v. v. . . . ). Đối với những tác phẩm êm ái, du dương: Gọï Nhớ, Nhạc Chiều Năm Đó, Romance, The Last Time, Remembrance, Memory v. v. . . thì ông lột hết sở trường viết cho dàn dây, sáo, hắc tiêu và harp. 
Ông tự nhận là theo khuynh hướng tân lãng-mạn, nhưng nghe kỹ những biến khúc của ông thì ông thường phá cách liên tục, từ việc sắp xếp chỗ ngồi cho violin, cello và bass cho đến woodwind và timpani. Chỉ cần thay đổi vị trí 1st violin từ trái sang phải cũng thay đổi tiết tấu của nhạc phẩm với mục đích tạo những cảm giác khác đi, hoặc nâng một nhạc khí khác lên để thay đổi cảm xúc. Ông luôn luôn sáng tạo từ nhạc cụ đến cách hòa âm, phối khí như những sáng tác lạ của ông trong nhiếp ảnh.
Nhạc cổ điển Tây Phương như các phê bình gia thường viết, là một loại melody không có rhythm (tiết nhịp) mạnh. Nhạc Nam Mỹ, nhạc Rock, cả Jazz thì kích động nhờ rhythm. Đó là điều dị biệt chính của hai loại nhạc. Lê Văn Khoa nghiêng nhiều về cổ điển. Đó là một lý do khiến nhạc Lê Văn Khoa kén người nghe. Ông nói ông muốn trình làng những sản phẩm mới để tiếp phần phong phú hóa nhạc Việt và Lê Văn Khoa đã sáng tác theo chiều hướng đó trong hàng trăm tác phẩm của ông. Chúng tôi chọn riêng một CD mới nhất của ông là MEMORIES để phân tách ở phần cuối.
Lê Văn Khoa sáng tác rất nhiều ca khúc cho trẻ em. Kho tàng nhạc trẻ em của ông có giá trị cao và hình như trong miền Nam từ 1954-1975, sang Mỹ từ 1975 đến 2007 chưa có công trình nào đồ sộ về nhạc nhi đồng như ông đã làm. Thật là một nỗ lực đáng khen.
Ông xuất bản tập nhạc Hát Cho Ngày Mai gồm 24 ca khúc ngắn. Trong những tập nhạc khác ông viết cả phần piano, như: Nhạc Việt Mến Yêu, Dân Ca Việt Nam, Gọi Nhớ, The Beautiful Bamboo và nhiều sáng tác lớn về Thánh Ca Cơ Đốc và tập Thánh Ca Nhi Đồng.
Ông Lê Văn Khoa viết nhiều nhất 2 loại nhạc, theo chúng tôi, thể hiện vẹn toàn nhạc tài của ông. Loại nhạc thứ nhất phóng tác từ dân ca và sáng tác theo âm hưởng dân nhạc. Chính những sáng tác về loại này đã đưa những tác phẩm của ông vào trào lưu nhạc quốc tế, được dùng để giảng dạy tại Ukraine, và một phân khoa âm nhạc tại Goldenwest College, Orange County, California. Trường này đã ấn hành lần đầu tập nhạc The Beautiful Bamboo và dùng để dạy trong lớp thanh nhạc.  Tập nhạc này gồm một số bài dân ca và nhạc nghệ thuật của nhạc sĩ Vũ Thành và ông sáng tác. Nhạc có lời ca và phần đệm piano.
Loại thứ hai, theo lối nhạc cổ điển Tây phương. Những tác phẩm này đã đưa nhạc của ông vào những nhạc viện quốc tế và ông đã được những ban nhạc quốc tế như Kyiv Symphony Orchestra ở Ukraine, The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra ở Úc và nhiều dàn nhạc giao hưởng ở Hoa Kỳ trình diễn. Những danh tài vĩ cầm, trung hồ cầm và dương cầm quốc tế trình tấu những tác phẩm của ông viết cho những nhạc cụ này.
Trong một cuộc mạn đàm cách đây vài chục năm, ông đã nói: "Mình viết ra những âm thanh Việt Nam mà họ thích chơi là một hãnh diện chung cho người Việt." 
Một trong những sáng tác mới nhất của Lê Văn Khoa là CD có tên Memories, thực hiện bởi nhiều danh cầm quốc tế ở Ukraine. CD này có 10 tác phẩm, trong đó có 4 tác phẩm lấy từ dân nhạc hoặc mang âm hưởng nhạc dân gian. Sáu tác phẩm cho độc tấu hoặc song tấu theo khuynh hướng cổ điển. Chúng tôi xin tóm gọn sau đây:
1 - Remembrance (Hồi Nhớ), piano và dàn nhạc. Danh cầm Lyudmila Chychuk độc tấu piano. Cô nguyên là một thần đồng piano, từng chiếm nhiều giải thưởng âm nhạc. Cô hiện dạy nhạc thính phòng cho trường dành riêng cho thần đồng âm nhạc là Lysenko Special Music Boarding School tại Kyiv, Ukraine. Remembrance dài 5:06, cung La thứ, tình tứ, nhẹ nhàng buồn man mác tương tự như nhạc phẩm June trong bộ Seasons của Tchaikowsky.
2 - Nocturne cho violon và piano, cung Rê thứ, dài 5:01. Svyatoslava Semchuck, violin và Irina Starodub, piano. Cả hai đều là giáo sư của The National Tchaikowsky Conservatory of Music, Kyiv, Ukraine. Cô Svyatoslava chiếm giải quán quân toàn Liên bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi, đã từng được mời dạy violin ở Đại Hàn, Nhật Bản và Nga. Cô Irina Starodub chiếm giải Golden Autumn và giải thưởng trình diễn Quốc gia, Ukraine. Cô chiếm giải đặc biệt và bằng Danh Dự cuộc thi Horowitz năm 1995. Qua năm sau (1996) cố chiếm Grand Prix trong cuộc thi nhạc thính phòng quốc tế Pier Lantier tại Paris (Pháp). Chúng tôi thắc mắc sao Lê Văn Khoa không để bản này vào mục thứ nhất. Đúng ra đây là một bản song tấu loại cao cấp về cả kỹ thuật lẫn tình tứ. Nghe xong bài này chúng tôi có cảm giác vừa nghe một Thais Meditation của Jules Massenet, một nhạc sĩ Pháp cuối thế kỷ 19.
3 - The Beautiful Bamboo (Cây Trúc Xinh), piano solo do cô Irina Starodub trình tấu. Xin xem phần giới thiệu cô ở mục 2.  Đây là một phóng tác từ bài dân ca Cây Trúc Xinh, dùng thang âm ngũ cung, phảng phất nét nhạc Debussy. Sở dĩ chúng tôi nêu Debussy vì nhạc sĩ Pháp này đã dùng ngũ cung để viết tác phẩm Pagoda. Lê Văn Khoa chỉ viết một bài ngắn nhưng nét nhạc rất ấn tượng impressionist, nghe như gió thoảng mây trôi trên sông Cửu Long, như điệu võng ru em miền lục tỉnh và dĩ nhiên là đậm nét Đông Phương hơn Debussy.
4 - Longing (Ước Vọng) song tấu cello-piano, dài 6:01. Lê Văn Khoa sáng tác cho hai nhạc cụ đuổi bắt nhau cực kỳ đặc biệt. Có lẽ ông muốn diễn tả những ao ước, luôn luôn đuổi bắt nhưng không thể thành sự thật. Cả hai nhạc cụ bay lượn tuyệt vời. Hai danh tài trình tấu tác phẩm này là Ganna Nuzha, cello và Inna Dovbnja. Ganna Nuzha là giáo sư đàn dây của Nhạc viện Quốc gia Tchaikowsky đã từng chiếm giải cuộc thi quốc tế song tấu đàn dây tại Fivizzano, Ý năm 2002. Giải Nhất và huy chương Vàng cuộc thi quốc tế Vladimir và Regina Gorovitz, Ukraine (1994), Giải Nhất cuộc thi cello quốc tế Lysenko, tại Kharkov, Ukraine (1992). Giải nhất cuộc thi tứ tấu toàn Liên Sô, Moscow (1989). Nhạc sĩ dương cầm là Inna Dovbnja, người đệm đàn cho phân khoa đàn dây của nhạc viện quốc gia Tchaikowsky. Cô chiếm giải Danh dự cuộc thi quốc tế Lysenko năm 1992. Cô thủ vai độc tấu cho The House of Organ và Chamber Music từ năm 2000. Cô trình diễn khắp Ukraine và lưu diễn ở Nga, Kazankhstan, Croatia, Đan Mạch và Thụy Điển. Cô thường trình diễn với giàn nhạc National Philharmonic Orchestra của Ukraine. Cô đã thu thanh nhiều tấu khúc cho đài phát thanh quốc gia Ukraine.
5 - On the Way Home (Trên Đường Về). Một bài nhạc hành khúc, thể loại tương tự như Rondo alla Turca của Mozart, cung Mi thứ. Hai nghệ sĩ Lyudmila và Irina song tấu piano nghe như cả chục đàn dây hòa tấu. Xin xem thành tích của hai nhạc sĩ này ở bên trên. Ôâng Lê Văn Khoa dùng kỹ thuật cổ điển của Mozart, Beethoven để viết nhạc phẩm này, diễn tả một sự nôn nao, háo hức. Thật là một tác phẩm tuyệt vời.
6 - Romance cho piano và dàn nhạc giao hưởng. Bài này tương phản với bài cùng tên (mục số 8) ông viết cho violin và orchestra. Bài cho piano có những đột biến trào dâng lẫn nghẹn ngào, cay đắng, trong khi bài cho violin thì tha thiết, ấm áp, vỗ về, đầy âu yếm.
7 - Song of the Black Horse (Lý Ngựa Ô), cung Rê thứ nói theo nhạc ngữ Tây phương. Nhưng bài dân ca này biến hóa theo công thức chuyển hệ (metabol) chứ không chuyển cung (transposition) như Tây Phương. Bài nhạc không kết thúc trong bực âm chủ là Rê mà xuống Đô, một cách kết thúc lạ, có thể tìm thấy trong một ít bài dân ca trên thế giới. Bài theo thể ngũ cung rất ư là miền Tây Nam bộ. Song of the Black Horse do hai cầm thủ chơi On the Way Home đảm trách. Thoạt đầu người nghe tưởng như hai người chơi lạc hòa âm, nhưng sau vài trường canh mới thấy lạ, rồi mới thấy hay. Hay vì lạ và rất ư là dân gian Việt Nam. Nhạc vui lâng lâng, rộn ràng, tình tứ.
8 - Romance (Tình Khúc Không Lời), cung Fa, violon và orchestra, dài 5:16 do danh cầm Svyatoslava Semchuk độc tấu. Cô cũng là người độc tấu bài Nocturne, mục số 2. Nhạc phẩm này nghe như một tác phẩm nhạc lãng mạn của thế kỹ 19.
9 - In the Moonlight (Dưới Ánh Trăng) Clair de Lune - liên tưởng tới nhạc phẩm quen thuộc của Debussy. Điệu ru con lullaby. Nhạc ầu ơ ngũ cung nhưng Lê Văn Khoa soạn thần tình, nghe rất êm ả như sông nước Tây Đô (quê của ông). Đây là một đặc sắc ngoại lệ. Ông viết cho flute với sự phụ họa của giàn nhạc nhiều đàn dây và cả piano. Nhạc phẩm dài nhất: 6:54.
10 - Memory (Ký Ức) cung La trưởng, dài 5:33, viết cho độc tấu cello và dàn nhạc. Bài này do danh cầm Yury Pogoretsky, một cầm thủ chiếm nhiều giải thưởng ở Moscow (1995, 1996) và Kyiv (2002). Một diễn tả thần kỳ.  Chúng tôi nhận thấy để diễn tả nhạc dân tộc, Lê Văn Khoa đã lấy một ít nốt nhạc dân gian miền Nam và khai triển thành một nhạc phẩm theo lối cổ điển Tây phương thật đầy đủ. Ví dụ kỷ niệm 30 ly hương, ông lấy bài ca bình dân mà học sinh tiểu học miền Nam nào cũng biết U tần u sáng u, Sáng lên đầu ba bữa còn u. Con nít miền Nam 1950-1960 hay chơi con khắng. Trò chơi này hơi nguy hiểm vì con khắng là khúc cây một dài một ngắn. Thế vít và thế táng có thể khiến con táng ngắn bay trúng đầu đối thủ và u một cục. Đó là một tai nạn của tuổi trẻ. Hoặc là mê chơi về nhà bị cha, mẹ hoặc anh cú lên đầu cũng vậy. Trong bài Đêm Việt Nam, Lê Văn Khoa đã đem đầy đủ âm thanh miền Nam vào nhạc cổ điển Tây Phương.
Với tài phổ nhạc dân gian miền Nam bằng nhạc ngữ classic, Lê Văn Khoa đã chứng tỏ tài năng đặc biệt khi ông viết cho nhiều loại nhạc khí, thứ nhứt là piano, sở trường của ông. Viết cho violon réo rắt tuyệt vời. Viết cho cello thật tình tứ  não nuột. Và viết cả cho flute, clarinette, nhạc khí nào ông cũng viết một cách xuất thần. Thiết tưởng chữ thiên tài, tuy hơi sớm để dùng cho ông, bởi lẽ đa số thiên tài phải chờ lịch sử phê phán sau khi người nghệ sĩ đã nằm xuống. Nhưng biệt tài thì quả là một danh từ còn quá chật hẹp và chưa được chỉnh để gán cho Lê Văn Khoa.
Tác giả Đêm Việt Nam quả là một hòn ngọc quý giá của âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi mừng ông đã bước vào hàng ngũ quốc tế và cám ơn ông đã cống hiến cho chúng tôi nhiều phút giây tuyệt vời.

(Source: Cỏ Thơm, Phan Anh Dũng biên soạn)


Tìm Một Ánh Sao
Hoàng Trọng
(1962
)
1.Mây cuốn mịt mù che khuất ánh sao,
Lạnh lùng sương xuống đã lâu,
Hồn đêm nay mơ về đâu?
Nhiều khi nhìn trời sao chiếu thần tiên,
Lòng hằng mơ ánh sao hiền,
Lộng lẫy sáng giữa trời đêm...

Tôi muốn tìm về vang bóng lúc xưa,
Mà lòng sao mãi ngẩn ngơ,
Tàn đêm qua tôi nằm mơ :
Và mơ trời vừa tan bóng hoàng hôn,
Một vì sao rớt trong hồn,
Dịu như ngàn câu mến thương!

Bao nhiêu tình thơ chìm trong cõi xa mờ,
Bao nhiêu lần đêm xuống mơ hồ,
Ngôi sao ngày xưa, hiện trong tim rạng rỡ,
Rồi tan biến thành ngàn thương nhớ...

...Nhung đã muộn làm sao níu giấc mơ,
Tìm làm sao những phút xưa 
Ngùi trông sương rơi thờ ơ.
Giờ đây ngoài trời khuya vắng mình tôi,
Tìm vì sao khuất bên trời,
Thầm mơ một tinh tú rơị..

2.Tê tái lặng nhìn năm tháng lướt mau,
Nghẹn ngào như mới vắng nhau,
Hồn mênh mang mơ về đâu?
Mộng xưa tàn rồi tôi vẫn còn mơ,
Tình ngày xưa có xa mờ,
Lòng vẫn luyến nhớ ngày xưạ..

Năm ấy mình thường đi dưới ánh sao,
Hẹn rằng khi thấy nhớ nhau,
Mình ra bên song tìm saọ..
Nhìn sao thề rằng yêu mãi người ơi !
Dù nhiều giông tố trong đời,
Dù cho ngàn sao đổi ngôi !

Nay xa ngàn phương, lòng se sắt khôn lường,
Đêm đêm sầu thương nhớ qua hồn,
Tôi đi tìm sao, thầm ôm trong vạt áo,
Mà sao khuất mờ bên trời caọ..

Không biết giờ này phương ấy xa xôi,
Người tình xưa có nhớ tôị
Mà đi trong sương mờ rơị..
Mà mơ, mà nhìn lên cõi trời cao,
Mà ngùi thương những năm nào...
Mà mong tìm một ánh sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.