Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012
Bi kịch của anh hùng
"Từ khi ta dấy binh đến nay đã 8 năm trời, trải qua hơn 70 trận, ai chống cự thì bị đánh bại, đánh đâu thì họ phải chịu phục, chưa từng thua chạy bao giờ. Rốt cục làm bá thiên hạ. Thế mà nay phải chịu khốn khổ ở đây, đó là trời hại ta, chứ không phải ta đánh không giỏi. Ngày nay thế nào cũng chết, ta nguyện vì các ngươi quyết chiến, nhất định phải thắng ba lần, vì các ngươi, phá vòng vây, chém tướng, chặt cờ, để các ngươi biết rằng đấy là trời hại ta chứ không phải lỗi tại ta.”
Đó là những lời trăn trối cuối cùng của Hạng Vũ, một dũng tướng từng đánh đông dẹp bắc, để rồi gặp khốn ở thành Cai Hạ, kết thúc cuộc đời binh nghiệp ở tuổi 33. Napoleon nói: “Ta có thể thua trong một vài trận đánh, nhưng phải chiến thắng trong cả cuộc chiến tranh”. Với Hạng Vũ, vấn đề là ngược lại: Thắng trong mọi trận đánh nhưng đã thua trong cả cuộc chiến. Đó là bi kịch. Bi kịch của chiến tranh, bi kịch của cuộc đời.
Hạng Vũ có tên húy là Tịch, người đất Hạ Tương. Vũ là tên tự của ông. Hạng Vũ là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nước Tần là Vương Tiễn giết.
Theo Sử ký, họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, được phong đất ở Hạng cho nên lấy họ là họ Hạng. Cha Hạng Vũ mất sớm nên ông sống với chú là Hạng Lương - con thứ của Hạng Yên.
Đương thời Lưu Bang, Hạng Vũ kết nghĩa làm anh em nhưng thực ra nếu so về tuổi, Lưu Bang đáng tuổi cha của Hạng Vũ. Lúc khởi nghĩa (209 TCN) Hạng Vũ mới ở tuổi 24, trai tráng hừng hực khí thế còn Lưu Bang đã 48, qua cái tuổi “tri thiên mệnh” rất biết mình, biết người. So sánh hai con người Lưu, Hạng trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, chỉ nhìn từ tuổi tác đã lột tả gần hết.
Hạng Vũ có thừa sức mạnh, đánh đâu thắng đó, khi hành quân ra trận tự mình ghé vai vác ván giúp quân sĩ, một mình xoay sở đông tây nam bắc, đến đâu kẻ đối địch phải khiếp sợ ở đó. Cùng với sức mạnh là sự hiếu thắng bồng bột, nhiệt tình liều mạng, máu hơn thua của tuổi trẻ ít kinh nghiệm; say đắm nàng Ngu Cơ, khi thất thế vĩnh biệt nhau khóc chảy nước mắt! Đánh Lưu Bang lần nào cũng thắng, đến trận thua Cai Hạ lẽ ra còn cơ hội phục thù, nhưng chỉ vì hổ thẹn với người Giang Đông mà không dám về nhìn mặt họ, đành tự đâm cổ chết. Đúng như nhận xét của Hàn Tín, “Hạng Vũ chỉ có cái nhân của đàn bà, cái dũng của kẻ thất phu.”
Ngược lại, Lưu Bang kém hẳn Hạng Vũ về sức mạnh, tài cầm quân và sự gắn bó thương yêu tướng sĩ. Hơn nữa, về tư cách cá nhân, Lưu Bang cũng không bằng Hạng Vũ. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên đã thẳng thắn viết về người khai lập ra triều đại mà ông đang sống rằng: Lưu Bang xuất thân là một nông dân ham chơi, mê rượu và gái, ngạo mạn khinh người. Nhưng bù lại, ông có bản lĩnh chính trị rất cao. Những điều gọi là nhân nghĩa của Lưu Bang, thực ra cũng chỉ là thủ đoạn chính trị, mị dân thời đó.
Lưu Bang đã tỏ ra nhân nghĩa hơn một Hạng Vũ quá tàn bạo mà thôi. Theo Sử Ký, Hạng Vũ bản kỷ và Cao Tổ bản kỷ cho thấy: Hạng Vũ trong quá trình đánh dẹp đã tàn sát khá nhiều, điển hình là chôn sống 20 vạn quân Tần đầu hàng và giết dân Tề, nhưng Lưu Bang thực ra cũng không kém cạnh: thời khởi nghĩa chống Tần, cùng Hạng Vũ đánh Thành Dương, Lưu Bang đã làm cỏ dân Thành Dương, sau đó trong quá trình tây tiến vào Hàm Dương, ông cũng làm cỏ dân thành Dĩnh Dương!
Cái gọi là sự nhân nghĩa của Lưu Bang trong thời loạn chỉ là thủ thuật để lấy thiên hạ. Bản thân Lưu Bang là người có thừa thủ đoạn để lợi dụng không chỉ những viên võ tướng như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, mà ngay cả với kẻ sĩ đầy mưu lược như Trương Lương cũng vậy. Trương Lương giúp Lưu Bang xong, thấy Lưu Bang ra tay lần lượt thanh trừng các tướng, đã sợ hãi bỏ đi tu tiên để thoát nạn. Nước Hàn quê hương của Trương Lương, đất nước ông dồn biết bao tâm nguyện để phục hồi sau khi bị Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt từ thời Chiến Quốc, đã nép mình theo Hán trước sau như một suốt thời Hán Sở, cũng mất chẳng bao lâu sau nước Sở kình địch của Hạng Vũ bởi chính vị "chân chúa" mà ông phụng thờ, mất ngay trước mắt Trương Lương mà Trương Lương chẳng làm gì cứu vãn được.
Theo Sử Ký, trả lời câu hỏi: Tại sao ta lấy được thiên hạ? Tại sao họ Hạng mất thiên hạ? của Lưu Bang, Cao Khởi và Vương Lăng nói: “Bệ hạ ngạo mạn và khinh người. Hạng Vũ nhân từ và thương người. Nhưng bệ hạ sai ai cướp được thành, lấy được đất, hàng phục được nơi nào thì cho ngay nơi ấy, cùng chung lợi với thiên hạ. Hạng Vũ ghen người giỏi, ghét người có tài, hại người có công, nghi người hiền. Khi đánh thắng thì không thưởng công cho người ta, khi được đất, thì không cho người ta hưởng lợi, do đó nên mất thiên hạ.”
Hạng Vũ chỉ có cái tài làm tướng, không có tài để làm vua, còn Lưu Bang không có phẩm chất để làm tướng nhưng có đủ phẩm chất để làm vua. Ngay các tướng của Lưu Bang, điển hình là Hàn Tín cũng thẳng thắn nói rằng việc Lưu Bang giành được thiên hạ là mệnh trời chứ sức người thì không làm nổi.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, một phần thành công của Lưu Bang nhờ vào tài PR, quảng cáo, tự tuyên truyền về "thiên mệnh" của mình do chính ông và gia đình ông dựng nên. Bản thân Lưu Bang đã hơn 1 lần gặp may và được thoát nạn nhờ tay của những người của chính bên Hạng Vũ giúp đỡ. Tại Yến Hồng Môn, chú Hạng Vũ là Hạng Bá đứng ra múa gươm che đỡ cho Lưu Bang khỏi bị Hạng Trang đâm. Sau đó Trần Bình, đang phục vụ cho Hạng Vũ, đứng rót rượu cũng rót chén vơi cho Lưu Bang để ông đỡ bị say. Trận Bành Thành thua nặng, bị quân Sở vây ngặt, Lưu Bang đụng phải Đinh Công nhưng Đinh Công lại thả cho Lưu Bang đi.
Trình độ dân trí thời đó khiến nhiều người, ngay cả những phần tử trí thức cũng bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng được xem là "thiên mệnh". Lưu Bang đã khéo léo khai thác sự thiếu hiểu biết đó để xây dựng cho mình một hình ảnh “thiên tử” trong con mắt dân chúng.
Tuy nhiên, xem cách gọi của người đời sau: với Lưu Bang thắng trận thì gọi thẳng tên húy mà không gọi tránh bằng tên tự (Quý), với Hạng Vũ mất nước lại gọi bằng tên tự mà tránh tên húy (Tịch); Tư Mã Thiên viết Sử ký cũng đặt Hạng Vũ lên hàng Bản kỷ, tức là ngang với các hoàng đế như Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ mà không hạ xuống hàng Thế gia như với Trần Thắng.
Chuyện tình bi tráng của Hạng Vũ với Ngu Cơ được đời sau nhắc mãi như một câu chuyện đẹp, trong sáng chứ không mưu mô, lừa gạt, "ông ăn chả bà ăn nem" của vợ chồng Lưu Bang - Lã Hậu. Những tình tiết đó cho thấy tài năng, tư cách của Hạng Vũ gây được thiện cảm nhất định với đời sau.
Dẫu sao thì hình tượng Hạng Vũ cũng chỉ tồn tại trong dân chúng như một kẻ thua trận, dẫu người đời vẫn lưu giữ ở ông hình ảnh của một kẻ anh hùng.
Cờ người
“Phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được chuyện thắng thua ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng; trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà; Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên mới bị ta bắt.”
Lưu Bang (256 TCN hay 247 TCN – 1/6/195 TCN) người làng Trọng Dương, ấp Phong, quận Bái, ở ngôi từ năm 202 TCN đến 195 TCN. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Lưu Bang có nhiều tướng lạ. Ông không lo nghĩ đến sản nghiệp, không câu nệ chuyện nhỏ nhặt. Tính tình tuy khá buông thả, song rộng rãi, sáng suốt, nhanh trí, khôi hài. Lưu Bang từng phải đi phu ở Hàm Dương và trông thấy Tần Thủy Hoàng. Sau đó ông làm Đình trưởng ở Tứ Thượng. Từ đó, ông quen biết và thân thiện với những người như Hạ Hầu Anh, Tiêu Hà, Tào Tham.
Một lần ông phải đưa những người bị đày đến Lịch Sơn. Đường xa, nhiều người bỏ trốn. Thấy rằng đến nơi thì chẳng còn ai thì ông cũng bị xử tội, ông bèn tha hết những người còn lại và trốn theo họ vào vùng núi Mang. Những người này tôn ông làm thủ lĩnh.
Tần Thủy Hoàng chết (210 TCN), Tần Nhị Thế lên thay, nhà Tần suy yếu. Tháng 7 năm 209 TCN, Trần Thắng và Ngô Quảng khởi nghĩa, khắp Sơn Đông, Hà Bắc các nơi nhao nhao hưởng ứng. Quan lại địa phương của Tần không chế ngự được. Quan huyện của Bái vì thế cũng muốn khởi quân tham gia, hỏi kế huyện lại như Tiêu Hà, Tào Tham. Tiêu, Tào khuyên quan huyện cho gọi nhóm của Lưu Bang về làm thanh thế.
Quan huyện bèn sai Phàn Khoái mời Lưu Bang. Lưu Bang cùng đồng đảng đến nơi, quan huyện đổi ý, đóng cửa thành, lại muốn giết cả Tiêu, Tào vì sợ những người này làm nội ứng. Tiêu, Tào trốn theo Lưu Bang, bàn kế cho Lưu Bang bắn thư vào thành thuyết phục các bậc trưởng lão để họ cho con em đuổi quan huyện để đón mình. Kế thành công. Lưu Bang được tôn làm Bái Công lãnh đạo con em huyện Bái tham gia khởi nghĩa. Từ đó, ông đánh đông chiếm tây, đánh bại các quan cai trị địa phương tạo thế lực.
Song các thế lực cát cứ nhiều người có thanh thế hơn ông. Ông cô thế, nghe tin quân khởi nghĩa của Hạng Lương đến đất Tiết, ông đến xin theo, được Hạng Lương cấp thêm binh sĩ. Ông cùng Hạng Vũ đánh quân Tần ở Thành Dương, Bộc Dương, Ung Khâu, chém Thái Thú Tam Xuyên của Tần là Lý Do.
Trước đó, Trần Thắng bị quân Tần giết, Hạng Lương tôn hậu duệ nước Sở tên Tâm lên ngôi, tức Sở Hoài Vương. Sau, Hạng Lương thua trận chết ở Định Đào, Sở Hoài Vương (Hạng Vũ) đích thân chỉ huy quân đội, dời đô đến Bành Thành để ổn định tình hình. Sở Hoài Vương giao ước với các tướng lĩnh và chư hầu rằng: “Ai vào Hàm Dương trước được làm vua nước Tần”. Sau khi giết được Hạng Lương, quân Tần do Chương Hàm chỉ huy vượt Hoàng Hà sang bắc đánh quân khởi nghĩa ở nước Triệu. Triệu cầu cứu, Sở Hoài Vương phong Tống Nghĩa làm Thượng Tướng Quân thống lĩnh quân đội đi cứu Triệu. Song Tống Nghĩa đồn binh không tiến. Hạng Vũ bèn giết Tống Nghĩa, tự mình thống lĩnh quân đội, vượt Hoàng Hà đến cứu Triệu.
Trong lúc này, Lưu Bang đánh quân Tần ở vùng Sơn Đông, Hà Nam, theo lời Lịch Tự Cơ chiếm Trần Lưu để lấy thêm lương thực, rồi tiến đánh quân Tần ở Bạch Mã, Khúc Ngộ, Huỳnh Dương, Khai Phong, Dĩnh Dương. Xong ông chiếm ải Hoàn Viên, đánh Lạc Dương, chặn bến Hà Tân, rồi ra ải Hoàn Viên về phía tây vây Uyển Thành. Quan Thú Nam Dương của Tần đầu hàng. Rồi ông tiến đến Vũ Quan. Lúc này Chương Hàm vừa đầu hàng Hạng Vũ, nước Tần chấn động. Triệu Cao bèn giết Tần Nhị Thế, lập Tử Anh lên ngôi, tự giáng xuống chỉ làm Tần Vương mong giảng hòa với chư hầu. Lưu Bang theo kế Trương Lương hối lộ tướng Tần giữ Vũ Quan để quân Tần trễ nải, nhân đấy tập kích đánh bại quân Tần, rồi lại đánh bại quân Tần ở Lam Điền. Ông dẫn quân đến Bá Thượng, vua Tần Tử Anh đầu hàng.
Coi toàn bộ lãnh thổ Tần cũ đều thuộc quyền cai trị của mình, Hạng Vũ phân chia lại các vùng đất không chỉ của Tần mà của cả các nước chư hầu khác có tham gia vào cuộc khởi nghĩa thành 19 quận huyện. Hạng Vũ không thực hiện lời hứa của Sở Hoài Vương (Hạng Bá) và nhanh chóng ám sát Hoài Vương. Thay vào đó Hạng Vũ chia Quan Trung thành Tam Tần. Lưu Bang chỉ được phong làm Hán Vương (Tứ Xuyên, Trùng Khánh và phía nam Thiểm Tây hiện nay).
Tại Hán Trung, Lưu Bang tập trung nỗ lực vào việc phát triển nông nghiệp và huấn luyện binh sĩ, nhờ đó tăng cường sức mạnh quân sự. Lưu Bang tấn công Tam Tần, chiếm Quan Trung và bắt đầu cuộc chiến sau này sẽ được gọi là Hán Sở tranh hùng chống lại Hạng Vũ.
Hạng Vũ có khả năng quân sự vượt xa Lưu Bang, nhưng lại không có tài chính trị. Hạng Vũ liên tục đánh bại Lưu Bang trên chiến trường nhưng mỗi thắng lợi lại càng làm mọi người xa lánh Vũ để quay sang ủng hộ Lưu Bang. Khi cuối cùng Hạng Vũ bị đánh bại, Vũ không thể hồi phục và phải tự sát. Cuộc chiến kéo dài năm năm (206–202 TCN) và chấm dứt với thắng lợi của Lưu Bang. Sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang trở thành Hoàng đế Hán Cao Tổ, lập ra nhà Hán và đóng đô tại Trường An (Tây An hiện nay).
“…Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên mới bị ta bắt.”
Câu này ngắn gọn nhưng đã lột tả hết sự khác biệt giữa Lưu Bang và Hạng Vũ.
Unknown Author Source Internet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.