Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

QUÊ HƯƠNG ƠI !

TẾ HANH: QUÊ HƯƠNG ƠI !


Lê Xuân Quang

Trong phong trào thơ Mới, ra đời ở những năm 30 của thế kỉ 20, những nhà thơ trẻ của thi đàn Việt Nam hăng hái tham gia. Người nhiều tuổi nhất có lẽ là nhà thơ Thế Lữ (sinh ngày 16.10. 1907) . Khi các bài thơ Mới nở rộ (1936 – 1939), lúc đó Thế Lữ mơi trên dưới 30, còn các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Anh Thơ… đều ở lứa 20, 22 (sinh vào các năm 1917 – 1920). Trong số đó, nhà thơ Tế Hanh ít tuổi nhất.

Ông họ Trần. Mới nghe tên, người đọc cứ tưởng Tế Hanh là hậu duệ của đại thi hào Tú Xương – Trần Tế Xương. Sau khi trên báo có bài viết của một đồng nghiệp, đồng môn với Tế Hanh (…), chúng ta mới biết: Cụ thân sinh ra Tế Hanh, vốn là người gốc xứ Quảng, yêu thích văn thơ, đặc biệt là thơ của thi hào Trần Tế Xương. Khi sinh con trai, vì cũng mang họ Trần, cụ quyết định đặt cho con tên Tế Hanh, mong sau này Trần Tế Hanh theo bước đại Thi hào Trần Tế Xương – cụ Tú , Thi hào nổi tiếng đất nước của vùng đất khoa bảng Nam Định, làm rạng danh tiên tổ.

Ngay từ bé, Tế Hanh được cha rèn giũa, bồi đắp kiến thức thơ văn, được sống trong làng quê yên bình… tài năng bẩm sinh cộng với ngoại cảnh, môi trường vun đắp, tác động, thi tài trong ông dần phát triển, định hình. Nhưng vì chưa được ’’cọ xát’’, Tế Hanh vẫn chỉ ấp ủ hoài bão trong lòng, ẩn mình nơi thôn dã…

Sau khi đậu sơ học (cấp Tiểu học ngày nay) – ông rời làng Đông Yên (Phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi), ra kinh đô Huế, học lên tiếp. Ở Huế, Tế Hanh được Thi sĩ Huy Cận chỉ dẫn, giúp đỡ, khích lệ… ông tập hợp những sáng tác, sửa chữa, tu chỉnh rồi xuất bản tập thơ Nghẹn Ngào (1). Ngay sau đó, (năm 1939), tổ chức Tự Lực Văn Đoàn xét trao giải thưởng khuyến khích cho Nghẹn Ngào (cùng Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ).

Nghẹn Ngào viết về làng quê nghèo nằm ven biển miền Trung. Người đọc cảm nhận được niềm yêu quê hương tha thiết của Tế Hanh. Từ việc nhìn con đường nhỏ “chạy lang thang’’ xung quanh làng đến ngày hè nghỉ học, thơ thẩn ra ga, thấy những đầu máy, toa xe “vương vấn trong hơi máy”. Những tiếng xình xịch của máy hơi nước, tiếng loảng xỏang của xích sắt khi dồn toa, khiến Tế Hanh tưởng tượng ra: Chúng như những con người mang “đầy nặng khổ đau”. Ra bờ sông quan sát làng chài lưới với những con thuyền đánh cá chở ngư phủ ra khơi… Tế Hanh thu lượm, biến những hình ảnh quan sát được thành thơ, truyền cảm xúc đến ngưòi đọc.

Thơ Tế Hanh đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với những người xa nhà, phiêu bạt, khiến sự nhớ thương Quê hương thêm đậm đà da diết. Từ Quảng Ngãi ra Huế không xa nhưng cũng đủ gợi cho tác gỉa cảm xúc mãnh liệt, thể hiện trong các thi phẩm điển hình: Quê hương, Lời con đường quê, Vu vơ, Ao ước, và sau này khi sống trên miền Bắc: Nhớ con sông quê hương…

Riêng tôi và những bạn học cùng trang lứa thời thơ ấu, bài thơ Quê Hương có một kỉ niệm sâu đậm. Tôi nhớ rõ: Thầy dạy ở trường làng, chừng trên dưới 60. Lớp học gồm nhiều lứa tuổi. Có nhiều anh, thậm chí nhiều chú cùng học chung một lớp với lũ “tí nhau”.

Môn văn, thơ chia ra: tập đọc, học thuộc lòng, nghe bình giảng và tự làm luận. Sách dạy văn gọi là Quốc Văn Giáo Khoa Thư, (tới cuối những năm 40 của thế kỉ trước, sách soạn bổ sung đổi thành Tân Quốc Văn). Thầy biết cả Hán văn, Pháp văn, còn Việt Văn thì thật thông tuệ. Thầy giảng văn rất hay, hấp dẫn. Tuy vậy, vốn ham chơi, chúng tôi chưa thật chăm. Thầy lại tận tụy với nghề, rất nghiêm khắc khiến bọn tôi như bị o ép’’cưỡng bức’’…

Giờ Quốc Văn lần này, thầy bình giảng bài thơ Quê Hương của Thi sĩ Tế Hanh. Anh học sinh lớn nhất lớp được thầy gọi đọc thuộc lòng bài thơ. Giọng anh đầy âm điệu sống động khiến lũ trẻ ở đồng bằng mường tượng ra ngay làng chài ven biển, vào một buổi “sớm mai hồng”… Con thuyền giương cánh buồm nâu chở những ngư phủ vạm vỡ, cường tráng “làn da ngăm rám nắng’’ ra khơi… Từ bài thơ, chúng tôi cảm nhận được khung cảnh làng chài buổi ban mai với những hình ảnh sống động đầy mầu sắc…

Thực ra, bắt chúng tôi phải chăm học còn một nguyên nhân khác: Thầy treo chiếc roi mây trên góc bảng. Trí tưởng của bọn trẻ hình dung nó là “hung thần’’. Tuy chỉ là đồ vật, nhưng khi nhìn chăm chú, chúng tôi cảm nhận nó như con rắn vung vẫy, uốn lượn, phát ra lời: Hãy coi chừng! Đừng để ta “vút’’ vào mông các cậu!

Ác nỗi, chiếc roi mây nằm trên góc trái tấm bảng đen khiến hầu như các cặp mắt của cả lớp đều thường xuyên nhìn thấy và “nghe’’ được tiếng nó… “doạ’’.

Quê Hương dài 20 câu, 5 khổ, thể thơ tự do, câu 8 chữ. Giờ tập đọc, bình giảng xong, thầy yêu cầu cả lớp về nhà phải học thuộc hẹn 2 hôm sau sẽ kiểm tra cho điểm. Mấy đứa ngồi cạnh nhau rên rỉ: Thế là hết cả dế với ve, (dế mèn được chúng tôi thích vì chúng là chiến binh chọi hăng nhất trong các con vật biết chọi…).

Đúng hẹn trả bài, thầy gọi từng đứa lần lượt đọc. Đứa nào đọc, thuộc, giọng hay được cho điểm cao, ngồi yên chỗ, không thuộc tự động lên khoảnh đất trước tấm bảng đen – xếp hàng nằm xấp, duỗi thẳng cẳng… chờ.

Tai ác thay, nằm dưới đất, lại vừa đúng tầm hướng mắt vào chiếc roi mây treo trên đầu, các “tội nhân’’ chỉ còn biết rùng mình và… run.

Khi đã gọi đủ lượt một số đại diện, thầy quay sang hỏi đám đang nằm dài: Trò nào muốn, đứng lên đọc, thuộc – về chỗ, không thuộc – nằm nguyên. Chỉ có 2 đứa thoát nạn, còn lại 6, mỗi thằng nhân 2 roi mây. Chao ơi!

Roi mây – Nỗi kinh hoàng của đám trò lười nhác, ham chơi. Nó dài chừng 0,7 mét, làm bằng đoạn cây mây, đường kính chừng 5, 6 li – thứ cây thôn quê trồng để làm lạt buộc cạp rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia … Mây dai, bền một cách đặc biệt. Ở cán cầm, được cuộn lại thành vòng tròn để thầy luồn tay vào cho chắc rồi vung lên, giáng xuống! Roi chạm mông phát ra tiếng đen đét!

Kinh hãi nhất: Roi tha hồ quật, vụt – đoạn mây không hề gẫy, gập. Dường như quật vào người càng nhiều, chiếc roi càng mềm, dẻo khiến hút… “thịt’’ càng mạnh! Bạn thử nghĩ xem: Nằm dài, im lặng chờ ngọn roi quất vào mông thật không có gì khủng khiếp bằng. Chẳng biết ai, từ khi nào đã “phát minh’’ ra thứ dụng cụ để thầy thay bố “uốn nắn’’ bọn ham chơi mà hữu hiệu đến thế!

Cả lớp xanh mắt mèo…

Mấy đứa con gái – mặc dù chỉ phải ngồi chứng kiến nhưng chiếc roi vun vút, giáng xuống mông bọn con trai, tiếp theo là tiêng rú thất thanh làm chúng sợ, nhắm mắt, mặt dúm dó trông thật buồn cừơi.

Lãnh đòn xong, Thầy còn nhắc: Ngày mai các trò phải đọc lại, nếu không thuộc, sẽ bị phạt như hôm nay.

Tan học, sáu đứa mông đau đã đành nhưng đau hơn là chịu hình phạt trước bao nhiêu cặp mắt của bạn bè, nhất là lũ con gái. Cứ nghĩ lại, khi chúng nhăn mặt… khiếp sợ… cảm thấy nhục qúa. Sáu đứa loạng choạng lê bước trên đường làng. Ba thằng mông tấy đau, rức, phải được bạn dìu. Riêng thằng “Mập’’ – con ông Lang thuốc, nhà có hiệu thuốc Bắc – xem ra đau nhất. Nó béo ục ịch, mông núng nính những thịt, có lẽ vì vậy mà roi mây “hút’’… khiến Mập đau hơn, khi roi chạm mông nó rú to nhất. Cu cậu không bước được, mồm rên ư ử… hít hà… Không kìm được tò mò, mấy đứa dìu, vén ống quần đùi, vạch mông cậu ta, xem: Một vệt “sưng’’mầu hồng – giống như con lươn đũa, nhỉnh hơn chiếc roi Mây – chạy từ mông bên này, vắt sang mông bên kia. Đó là kết qủa của việc ham bắt ve sầu, say bắt chuồn chuồn ngô, chuồn ớt (đỏ chói, đẹp một cách hấp dẫn) – không chịu học thuộc lòng bài Quê Hương của Thi sĩ Tế Hanh. Một thằng có khiếu hài hước (sau này trở thành nhà văn N…), tuy không bị “quật’’, nhưng vẫn ôm mông, khệnh khạng, vặn vẹo, mồm rên rỉ:

Ôi Quê hương, Quê hương!
Sao mà “đau’’, mà “rức’’.

Nhìn bộ dạng – “tướng Khỉ’’ – của nó làm trò trên nỗi đau của các bạn, tôi giận lắm. Nhưng ngẫm ra thật đúng cảnh, đúng tình… cả bọn lại hùa nhau cười vang. Những thằng bị đòn cũng cười – trông chúng cứ như… mếu!

Vẫn chưa hết chuyện !

Hôm sau thằng “Kều’’ – chúng tôi đặt “biệt danh’’cho thằng Giang vì nó cao ngỏng cao ngẻo như cây sậy – than phiền với cả bọn, giọng lộn xộn… có thể tóm tắt: Thật “bất công’’! Một lần tớ bị lão hàng xóm say rượu làm “trầy da’’, ngay lập tức bố tớ tiện việc đi chặt tre, xách dao rựa (2) đến “tính sổ’’ với kẻ làm con ông đau. Thế mà bây giờ tớ “lê bước’’ về, mẹ vừa xuýt xoa, vừa bóp thuốc… tớ ấm ức khóc. Ai ngờ ông già ở ngoài về hỏi đầu đuôi, mẹ tường thuật, bố tớ trợn mắt: Bà lui ra! để đấy tôi “xoa bóp’’ cho nó!

Mẹ tớ miễn cưỡng, lẳng lặng ra ghế ngồi.

Bố hỏi: Thế vì sao thầy đánh đòn?

Tớ không dám nói thật chỉ ấp úng: Vì… vì… Đến đây thì nín thít.

Bố tiếp : Vì bỏ học, đi lêu lổng, không thuộc bài chứ gì? Ông còn nói một thôi một hồi về ý nghĩa của việc học… rồi dẫn ra một câu chữ Nho – “Ngọc bất gía bất thành khí. Nhân bất học, bất Tri lí. Ấu bất học, Lão hàn vi’’. Sau rốt kết luận: Ngày mai bố sẽ đến nói để thầy biết: Về nhà con không chịu học, chỉ suốt ngày hết đáo lỗ đến săn dế, bắn chim…

Tớ òa khóc van xin rối rít.

Bố nhìn mẹ… Mẹ đưa đẩy – con nó biết lỗi rồi, mình tha cho nó đi. Bố gật đầu. Thế rồi tớ nín khóc, dở sách đọc. Khác với mọi lần – Đọc mà đầu vẫn nghĩ đâu đâu… Bây giờ đọc đến đâu tớ nghĩ liên tưởng về hình ảnh tác giả miêu tả… thật kì lạ, chỉ vài ba lần đã thuộc làu bài Quê hương.

Nghe “Kều’’ nói xong, mấy đứa bị đòn lại thi nhau kể chuyện về nhà… Té ra tất cả họ đều đồng tình với việc thầy phạt. Thời đó, Thầy là trên hết! Đạo lý: Tôn sư trọng đạo được các bậc cha mẹ coi trọng!

Còn đây – Bài thơ làm cho tôi và mấy thằng bạn khốn khổ khi xưa nhưng nhờ đó, dù- hơn 60 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ, thuộc làu:


QUÊ HƯƠNG

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồn giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thân góp gió
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng lũ lượt kéo ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới lần da ngăm rám nắng
Tỏa thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vó.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Mầu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn qúa!
(Nghẹn Ngào)


Gần 20 năm sau từ buổi bị “ăn roi mây’’- khoảng đầu những năm 60 của thế kỉ 20 – tình cờ một hôm đi làm ca đêm. Tôi đứng dưới chiếc loa công cộng, chờ xe đưa thợ Mỏ lên tầng cao làm việc. Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát chương trình tiếng thơ. Nghệ sĩ ngâm thơ (hình như Trần Thị Tuyết) – trình bầy bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh. Thật kỳ lạ, đây là tâm tình của tác gỉa nhớ con sông quê hương ông ở miền Nam bên kia vĩ tuyến 17, nhưng chẳng hiểu sao, tự dưng lòng tôi lại rạt rào thương nhớ con sông quê mình. Tôi cũng xa quê dù chỉ mấy trăm cây số (chứ không xa như Thi sĩ Tế Hanh)… Con sông của Tế Hanh đang được gịong ngâm mượt mà, thiết tha của nghệ sĩ tài danh thể hiện, làm tâm hồn người nghe bay bổng, khơi dậy trong họ nỗi nhớ con sông quê mình. Giòng sông quê tôi hao hao giống con sông của thi sĩ Tế Hanh: Mỗi khi hè về, chúng tôi cũng ra sông tắm, bơi thi, đuổi nhau, mò cá bắt trai, hến… Con sông của làng tôi không có bụi tre, nhưng trên bờ có cây si, cây đa, rủ cành lá, che rợp một đoạn mặt nước. Lời thơ đưa người nghe từ thực tại ngược về qúa khứ làm trí tưởng bùng phát khiến tâm hồn bâng khuâng xao xuyến, mơ màng…




Toàn quốc Kháng chiến (1946)…

Tế Hanh ”Cầm súng xa nhà đi kháng chiến”…

9 năm sau – 1955, ông ra Bắc tập kết. Hình ảnh quê hương miền Nam ngày đêm nhức nhối trong lòng. Gần ba mươi năm tính từ khi ông xa làng Đồng Yên, đến Huế, rồi ra tận Hà Nội xa xôi. Hơn 10 năm sau, bài thơ về “Quê hương’’ thứ hai ra đời . Nhớ Con Sông Quê Hương (1956) đăng trên báo, ngâm trên đài phát thanh, trình bày trong các chương trình văn nghệ – đã làm khán thính giả miền Bắc xúc động. Tế Hanh viết về con sông quê hương mình ở miền Nam, nhưng người đọc miền Bắc lại đồng cảm với thi sỹ và liên tưởng tới con sông quê hương của họ với những ký ức của quá khứ xa xăm, để lại trong họ nhiều kỷ niệm thân thương. Đột nhiên tình yêu quê hương của từng người, được những vần thơ của Tế Hanh kích thích, chắp cánh…

Quê Hương và Nhớ con sông Quê hương – cả hai bài thơ đều viết về làng quê ở hai địa điểm, thời thời điểm, cách xa nhau hơn nghìn cây số với khảng cách thời gian 16 năm. Tác giả gói ghém cảm xúc rồi tuôn trào trong câu chữ để diễn đạt tình yêu thương quê hương mình nồng nàn mãnh liệt. Cho đến bây giờ , nếu tính từ bài Quê Hương – thi phẩm đã tồn tại hơn 70 năm. Người đọc, đọc lại, trong lòng vẫn rạt rào cảm xúc!


Các Nhạc sĩ cũng sáng tác về quê hương – làng quê mình…

Các Thi sĩ, Văn sĩ cũng viết về nơi chôn rau cắt rốn – quê hương mình.

Còn Tế Hanh viết về quê hương ông: Cửa biển, làng chài, cánh buồm nâu, những “con cá tươi ngon thân bạc trắng’’, và “con sông quê mát rượi’’… Đó là đặc trưng của mảnh đất quê ta, dù từ Bắc đến Trung rồi Nam, đâu đâu cũng có những Cảnh, những Người, những Tình – giống nhau đến kì lạ! Nơi nào ta đã sinh ra, lớn lên rồi vì lí do này hay khác – vì mưu sinh – phải xa nó, nhưng dù đi đâu, ở đâu, dù bao năm xa cách, hình ảnh quê hương vẫn đọng lại trong kí ức, vẫn mang trong lòng rồi theo ta đi suốt cuộc đời.

Thi sĩ Chế Lan Viên đã nói về Đất nước, Quê hương thật chí lí:
‘’Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua mà chẳng thấy yêu thương
Nơi ta ở chỉ là đất ở
Nơi ta đi – đất bỗng hóa tâm hồn…’’

Rồi đây các thế hệ nối tiếp sẽ có nhiều sáng tác Nghệ thuật – Văn học đề tài quê hương, với nhiều sắc thái, cấp độ, quy mô khác nhau, tựu trung: Tất cả đều nặng lòng với mảnh đất nơi ta sinh ra, lớn lên, nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh sống, nơi 54 dân tộc đã, đang quần tụ…

Văn hào Liên Xô (cũ) – Ilia Ê ren bua – đã nói một câu nổi tiếng, đại ý: Yêu tổ quốc chính là từ lòng yêu quê hương. Tình yêu đó bắt nguồn từ việc yêu: Cái cây, trảng cỏ, giòng sông, gềnh đá, con đường, biển đảo, cánh rừng… Quê hương còn là bài hát, câu ca dao, mái tranh nghèo, mảnh ruộng, con trâu… Tất cả gộp lại, nhào trộn nhuần nhuyễn: Đó chính là nơi mảnh đất tổ tiên, cha ông ta đổ xương mắu, mồ hôi, nước mắt – bồi đắp, dựng lên. Trên từng thước đât của mảnh đất này đã thấm đẫm mắu, trộn lẫn thịt xương các thế hệ đời đời nối tiếp của dân tộc Việt Nam…


(Berlin 20.6.2012)

Lê Xuân Quang

(1) – Sau đó được bổ xung , đổi tên thành Hoa Niên.
(2) – Dao rựa – Nông dân Việt dùng để chặt cây, chặt tre làm nhà, chẻ lạt, chặt xương lợn (thay cho Rìu của nông dân xứ khác). Dao phay để cắt thịt, cá, rau… Dao bài: Bổ cau têm trầu, bổ bưởi… Dao nhíp – nhỏ nhất – để cắt những vật nhỏ như sợi chỉ khâu…



NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG

Tế Hanh


Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi bóng những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè…
Toả nắng xuống lòng sông thấp thoáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm của giòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi nhớ mãi mối tình mới mẻ.
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhẩy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới trên sông
Kẻ cuốc cầy mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến..
Lòng tôi bỗng mưa nguồn sóng biển
Lại trở về lưu luyến bên sông.
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam…
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng mầu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chẳy, lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…

(1956)

Source: LuanHoan.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.