Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Còn Gì Nữa Không?

Thái Bá Tân

Một lần, khi thuyết pháp ở làng nọ, bỗng có người chạy lại nhổ vào mặt Đức Phật rồi buông lời thóa mạ. 

Các đệ tử định can ngăn nhưng Ngài giơ tay ra hiệu đừng, rồi ôn tồn hỏi người kia: 

“Còn gì nữa không?”

Câu nói ấy sau này được nhiều người nhắc lại khi chuyện liên quan đến sự nhẫn nhục. Phật hỏi “Còn gì nữa không?” vì Ngài nghĩ có thể người ấy còn điều ấm ức chưa nói hết. Thì để cho anh ta nói hết. 

Sừng sờ trước thái độ nhẫn nhục ấy của Phật, người kia không nói gì thêm, hôm sau đến cúi rạp trước Ngài xin tha tội. Phật nói: 

“Trong một ngày có nhiều nước chảy qua sông Hằng. Ta không còn là ta của ngày hôm qua. Cả ông cũng vậy. Hôm qua ông phỉ nhổ, hôm nay ông xin tha lỗi. Cả người nhổ và người bị nhổ đã đổi khác. Mọi vật cũng đổi khác, chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Vậy hãy đứng dậy, mong ông từ nay chỉ bình tĩnh dùng lời bày tỏ lòng mình.” 

Rồi Ngài lại hỏi: 

“Còn gì nữa không?” 


Đúng mười một giờ, giờ lên giường, chuông điện thoại di động kêu. Ông cầm máy. 

“Tôi cảnh cáo ông: Già rồi nên nghỉ ngơi vui vầy với con cháu. Ngứa nghề thì viết thơ trẻ con như xưa nay vẫn viết. Và thôi đi cái cái trò bài tung bài lên mạng chửi đảng, chửi chế độ!” 

“Dạ, xin hỏi ông là ai ạ?” 

“Không cần biết.” Im lặng. 

“Tôi không chửi đảng, chửi chế độ. Tôi chỉ nói lên suy nghĩ của mình. Một cách trung thực và có trách nhiệm. Tôi ký tên thật tất cả các bài mình viết, còn ghi cả địa chỉ nhà riêng và điện thoại.” Ông đáp, có ý trách người gọi điện không chịu nói tên. 

“Những bài báo phản động! Ăn phải bã nước ngoài rồi làm phản động, hại dân, hại nước!” 

Người kia, giọng trong và trẻ, còn tuôn ra một thôi những lời buộc tội gay gắt, đôi lúc tục tĩu và hăm dọa. 

Khi thấy anh ta ngừng, ông nhẹ nhàng nói: 

“Tôi vẫn nghe. Còn gì nữa không?” 

Đầu dây bên kia tắt máy. 

Ba hôm sau, khi ông đăng một bài ngắn trên mang “lề trái”, người kia lại gọi điện, vẫn đúng mười một giờ đêm, và anh ta nhắc lại gần toàn bộ những gì đã nói lần trước, nhưng lời lẽ bớt căng thẳng hơn. 

Ông vẫn kiên nhẫn lắng nghe, cuối cùng nhắc lại cái câu nói ấy của Phật: 

“Anh còn muốn nói gì nữa không?” 

Đến lần thứ năm, anh ta chỉ nói: 

“Dẫu sao tôi nghĩ bác nên thôi đi thì hơn. Đỡ phiền cho mình, và cho cả người khác.” 

Ông hiểu “người khác” là anh ta. Anh ta được giao nhiệm vụ này. Rồi ông nhẹ nhàng nói: 

“Tôi tôn trọng anh, và đã lắng nghe những gì anh muốn nói. Giờ anh có muốn nghe tôi không?” 

“Bác nói đi.” 

“Thực ra tôi không nói. Tôi chỉ muốn đọc anh nghe một bài thơ nới về Đức Phật. Anh có vội không?” 

“Không. Bác đọc đi.” 

Và ông đọc một truyện thơ ông tìm thấy trên mạng cách đây không lâu: 

Một ngày nọ, Đức Phật 
Đi qua một ngôi làng 
Có một người thô lỗ 
Sỉ nhục Ngài sỗ sàng. 

Anh ta còn trẻ tuổi, 
Ăn nói như người điên, 
Bảo Ngài cũng ngu dốt 
Như người khác, tuy nhiên, 

Do rất giỏi lừa phỉnh 
Nên người ta tin Ngài. 
Tóm lại, toàn nhảm nhí, 
Không đáng lọt vào tai. 

Đức Phật nghe, bình thản 
Trước lời nhục mạ này. 
Bất chợt, Ngài khẽ hỏi: 
“Xin anh nói tôi hay. 

Nếu anh tặng ai đó, 
Thí dụ, chiếc áo dài, 
Nhưng người ấy không nhận, 
Thì nó là của ai?” 

Anh kia hơi bối rối, 
Nhìn Đức Phật, và rồi 
Liền đáp: “Món quà ấy 
Tất nhiên là của tôi!” 

Đức Phật cười thân mật: 
“Anh nói đúng, vậy thì 
Những lời anh vừa nói 
Là của anh, nhận đi. 

Anh mắng tôi thậm tệ, 
Tôi không nhận, làm thinh, 
Nghĩa là anh thực sự 
Đang mắng bản thân mình. 

Ở đời, anh bạn ạ, 
Đừng gây ra cho người 
Những gì mình không muốn. 
Được thế, sẽ tuyệt vời. 

Anh thù hận người khác, 
Tức là thù hận anh. 
Chính anh sẽ đau khổ, 
Vì anh làm hại mình.” 

“Cảm ơn.” Anh kia nghe xong nói, rồi tắt máy. 

Ông vẫn tiếp tục viết bài cho các báo mạng “lề trái”. Chỉ nêu vấn đề, phân tích sự kiện với những lập luận xác đáng và không một từ mang tính thóa mạ, theo đúng phong cách xưa nay ông vẫn viết. 

Người gọi điện thoại giấu tên không gọi cho ông lần nào nữa. 

Mãi gần đây ông mới nhận được tin nhắn của anh ta với vẻn vẹn ba chữ: “Xin lỗi bác”. 

(Hà Nội, tháng 5. 2012)

Source NNS - Lá Thư Úc Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.