Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

CỔ THỤ LÙN



Nhát cuốc cuối cùng làm bật lên tảng đất màu vàng mỡ màng, mình đất phô ra những hạt cát thạch anh lấp lánh trong vắt. Làn hơi đất nhẹ như khói vươn lên cao lan toả trong trong nắng mai lộng gió đỉnh đồi hoang vắng. Tôi cẩn thận đập vỡ chiếc chậu đất nung đã hóa sành màu da lươn, nhẹ nhàng gỡ từng chiếc rễ non nớt bám chặt trong lòng chậu. Tôi đặt cây LIM mà bấy lâu nay bị nhốt trong lòng chiếc chậu nhỏ vô cùng chật chội, vào cái hố mới đào, lấp một lớp đất màu mỡ lên. Tôi gọi thầm: Cây ơi, từ nay giải thoát rồi ! Trên đỉnh đồi, trong một buổi mai hoang vắng, vang lên từ lòng tôi, vọng lại đất trời lời kinh cầu tha thiết. Hãy cắm sâu những chiếc rễ vào lòng đất hào phóng trù phú này. Thân ơi hãy vươn cao hơn hết thảy, toả bóng râm che khuất loài cỏ cây bụi bờ tầm thường, xứng đáng là vua của rừng mưa nhiệt đới. Từ nay cây đã vĩnh viễn thoát ra khỏi mảnh đất ngục tù rồi !
Tôi vừa đập vỡ chậu đất bứng cây “ cổ thụ lùn “ trồng trên đỉnh đồi. Tôi làm việc này hoàn toàn do ý mình. Tôi muốn giữ riêng sự bí mật. Tôi tin, nếu ông biết ông cũng sẽ bằng lòng. Ngày trước khi còn phong lưu ông rất hâm mộ nghệ thuật Bonsai của người Nhật. Sau này tôi nghĩ, người thâm trầm kín đáo như ông còn muốn gởi gắm tâm sự mình vào trò tiêu khiển chẳng hợp thời này. Tội nghiệp ở cái chốn nghèo nàn khốn khổ có ai hơi đâu tìm hiểu tâm sự người khác. Tôi còn nhớ trong một lần đi làm rẫy về, qua một khu rừng cháy nham nhở, trên nền đất đen tro bụi, một cây nhỏ vừa mọc lên với hai lá mầm đầu tiên mở ra đón chào ánh nắng. Ông ngồi xuống nâng niu, ông hỏi cây gì, tôi nói cây Lim, loài cây cho gỗ rất quí và cũng là vua của những khu rừng mưa nhiệt đới. Ông thích lắm, bứng lên đem về trồng trong chậu. Từ đó cây và người thành đôi bạn, ra vào có nhau. Thế nhưng những năm qua cây chỉ sống lây lất, không lớn lên, nó già nua cằn cỗi dáng dấp của một cây cổ thụ tí hon.
Sau biến cố tang thương, đất nước đổi chủ cả hai chúng tôi bị đày vào chốn hoang sơ cùng cực này, tôi tìm được ông và ông bắt được tôi. Tôi cho rằng trong cuộc hội ngộ này có bàn tay sắp đặt của vị ác thần. Một cơ hội tàn nhẫn cho cả hai phải chứng kiến số phận của nhau. Tôi bỗng dưng hoá thành nhân chứng và là người tham dự một phần trong cuộc đời đầy thử thách gian nan, long đong kì dị, tối tăm cùng cực của một nhân cách sáng trưng tuyệt vời. Chúng tôi nương tựa vào nhau để tồn tại, tìm chút hơi ấm tình người để không mất niềm tin vào con người.
Cuối năm 74 ông trở về Việt Nam để chịu tang mẹ và bị kẹt lại. Ở nước ngoài ông được biết như một nhà bác học với tất cả cái nghĩa đích thực. Năm 60 ông đỗ tú tài và nhận học bỗng Colombo du học ngành y ở Pháp. Ra trường, ông là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Saint-Louis ở Paris. Sau ông dạy tại trường Y khoa Paris. Ông là một giáo sư danh tiếng chuyên ngành cấy ghép. Rồi ông không đi dạy nữa mà nghiên cứu ngành ghép tuỷ chữa ung thư máu thuộc viện Pasteur. Ông có quốc tịch Pháp, vợ Pháp và hai con. Cả đời ông làm khoa học và phục vụ loài người. Ông không quan tâm đến chính trị.
Thế mà ông lại tình cờ rơi đúng vào tâm cơn bão tồi tệ mùa xuân 75. Ông bị cuốn phăng đi như chiếc lá khô. Tai hại thay, cái tính ngây thơ chuyện đời kiểu bác học khiến ông hành động như trẻ con. Ông kể lại cho tôi nghe về những ngày đầu tiên: Mẹ tôi bị ung thư đến giai đoạn cuối, theo y học thì khó lòng chờ đợi đứa con thân yêu từ phương trời tây trở về để vuốt mắt. Thế mà bà vẫn sống ngoài qui luật sinh học và sự tiên liệu của tất cả bác sĩ, chờ gặp tôi rồi mới ra đi. Làm khoa học cả đời tôi không tin vào điều huyền hoặc. Song lần này hiển nhiên quá mà tôi lại là người trong cuộc, làm sao không tin ngoài cái thế giới vật chất này còn có thế giới của tâm linh? Bà ra đi nét mặt thần thái toát lên vẻ thanh thản nhẹ nhàng. Chôn cất mẹ xong tôi rã rời cả thân xác lẫn tâm hồn. Lúc đó tình hình chiến sự ở Huế đã nghiêm trọng. Tôi vô Đà Nẵng, nơi đây còn hỗn độn hơn, ngoài đường đủ mọi sắc lính, dân chúng người chạy ra bắc kẻ kéo vào nam. Tôi đi lùng một chiếc vé máy bay đi Saigon, nhưng mọi chuyện đã trễ. Bằng đủ mọi phương tiện di chuyển tôi chạy vào Nam với hy vọng mong manh sẽ kiếm được máy bay qua Pháp. Nhưng đoàn người hàng vạn kéo nhau đến Nha Trang thì quân giải phóng tràn vào, chận lại. Như thế là hết. Tôi phải làm gì ? Tôi làm khoa học, không theo phe phái nào. Tôi nghĩ chẳng ai làm gì mình. Song nhiều người quen biết tôi họ nói: Trong cao trào này, một con người như ông, được đào tạo ở nước ngoài, cả đời sống ở nước ngoài, mới ở nước ngoài trở về, quốc tịch Pháp, da dẻ trắng trẻo hồng hào, nội cái đó cũng đủ cho đi tù rục xương. Tôi nghe có lý. Làm sao để được yên thân? Tôi hành động theo kiểu tôi nghĩ và cho là đúng. Trước tiên tôi đốt mọi thứ giấy tờ có liên hệ xa hoặc gần với tôi. Đốt một cách bí mật hồi hộp. Đêm lại , tôi lấy cớ đun nước, tôi mò xuống bếp khơi lửa cho vào đó cái passport, cái căn cước, nhiều giấy tờ, hàng trăm tấm danh thiếp. Số giấy tờ cần thiết cho cả một đời người chỉ vừa đủ đun sôi ấm nước nhỏ. Tôi còn lén mang ra khỏi nhà một quãng thực xa vất chiếc va li áo quần và bao nhiêu vật dụng cần thiết, làm như tất cả chúng mang mầm bệnh dịch hạch. Sau đó tôi chẳng còn gì thuộc về dĩ vãng nữa.
Tôi suy nghĩ, hãy làm như mọi người và tuân theo mệnh lệnh của người cầm quyền thì sẽ được yên thân. Lúc này người ta kêu gọi bỏ thành phố về nông thôn tăng gia sản xuất. Ai không có đất thì xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi nhờ cô em bán giùm tôi một cái biệt thự sang trọng được hai ngàn tiền cụ Hồ. Gồm toàn những tờ giấy bạc màu đỏ mệnh giá mười đồng mà thời đó ai cũng thèm thuồng và ngưỡng mộ. Số tiền này cũng chỉ vừa đủ mua một cái chòi tranh, với mảnh rừng phát nham nhở làm cái rẫy. Nghĩ lại thật buồn cười vi la đi đổi chòi tranh, đất thành phố đem đổi đất rừng. Tôi thì rất mãn nguyện, hăm hở tăng gia sản xuất.
“Mơ-xơ Bec-trăng” cầm rựa phát rẫy thực. Mới có nửa buổi tay ông đã phồng. Ba ngày sau lên thăm ông anh, cô em thấy thân thể ông anh mình đỏ như con tôm luộc. Và cái cảnh cười ra nước mắt: Một vị bác sĩ danh tiếng nằm sấp cho một lão nhà quê cạo gió chữa bệnh. Lão già tên là Mười Cuốc, lão là người bán chòi bán rẫy cho ông. Lão lấy cái muỗng nhôm cũ mèm đen sì, cạo dọc sống lưng, luôn miệng than:
-" Gió” nhiều chi lạ. Chỗ mô cũng có “gió”. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui chưa thấy người đàn ông nào da trắng mỏng còn hơn da con gái như anh Hai Sâm này…
Lão bắt ông há miệng lè lưỡi ra cho lão bôi dầu cao sao vàng, thứ thuốc chữa bá bệnh trong thời kì ấy. Dầu cay, nước mắt ông trào ra. Lão còn hối mụ vợ nấu nồi nước lá xông. Bây giờ người ta thấy ông giáo sư danh tiếng, ngồi trên chõng tre trùm mền rách run lập cập. Mấy ngày sau ông cũng qua khỏi, và mấy tháng sau làn da hồng hào miền ôn đới cũng từ giả ông nốt. Anh chàng hớt tóc dạo cắt đi mái tóc bềnh bồng bác học. Lúc đó có ai thấy ông, đầu đội nón cời, mặc cái áo bà ba mốc thếch ngồi chồm hỗm cạo nồi cơm cháy không thể nhận ra ông được. Cách mạng đã đổi thay hình dạng gốc rễ của ông rồi.
Lần đầu tiên tiếp xúc với chính quyền cách mạng là một kinh nghiệm, thú vị, nhớ đời. Ông cầm lá đơn tới miếu thổ thần, phía trước có treo lá cờ nửa xanh nửa đỏ, trụ sở uỷ ban quân quản hành chính lâm thời. Cùng với ông còn có nhiều người dân chờ đợi. Nửa tiếng đồng hồ sau có một thanh niên gầy gò, thấp bé chỉ đứng đến vai ông. Anh thanh niên có làn da màu chì, ửng vàng, dấu hiệu rõ ràng của bệnh sốt rét ngã nước kinh niên. Anh ta mang trên vai cây súng dài lượt bượt, lọai súng tên là Gă-Răng ( Grant ) súng Mỹ, dùng từ thời chiến tranh Pháp Đức. Hình như khẩu súng này đã bị chôn nhiều năm trong đất. Cái báng súng mối ăn như củ khoai sùng, nòng súng và nhiều bộ phận khác han gỉ cả. Khẩu súng như thế chưa chắc bắn đã được. Thế nhưng hình như nó là món trang sức không thể thiếu được của bọn thanh niên ham súng ống. Con người này, và vũ khí kia, khiến cho ông thêm băn khoăn. Cái gì làm cho họ chiến thắng nước Mỹ giàu có hùng mạnh ? Cái vóc dáng của anh chủ tịch uỷ ban quân quản là thế song cách làm việc của anh thực nhanh chóng giản dị. Anh cầm lá đơn ông, hình như không đọc, thấy anh ta lật qua lật lại rồi ghi bên lề hai chữ ”nhất trí“, chữ rất xấu, giống như người mới biết viết. Ông hoang mang chưa hiểu nhất trí là sao, có người giảng, là điều gì ông ghi trong đơn đều được chính quyền cách mạng chấp thuận. Trời ơi, những công việc hệ trọng kiểu này, ở nước khác, người ta phải mở cả phiên toà, hoặc hàng bộ trưởng nội vụ mới có quyền ký tên thay đổi. Thời gian cũng phải mất ít nhất mấy năm. Từ giờ phút đó ông mang tên mới, Nguyễn Văn Sâm, với ngày sinh nơi sinh do ông tự nghĩ ra, quốc tịch mới là người Việt Nam, nghề nghiệp làm nông, chỗ ở làng Cận Sơn…Nghĩa là tất cả những gì cần thiết cho một con người chỉ được giải quyết chóng vánh trong một phút. Ông bắt đầu có cảm tình với nền hành chính cách mạng, quân quản.
Đã là công dân, phải có nghĩa vụ. Nghĩa vụ đầu tiên của ông là đi làm thuỷ lợi mười ngày. Ông chẳng hiểu thuỷ lợi là gì. Sau mới biết là đi đào mương. Riêng đối với ông, thuỷ lợi còn đơn giản hơn nhiều. Ông chỉ việc nhận tảng đất người bên phải đưa, trao lại cho người bên trái. Việc này có khi lại vui vui. Nhờ người ta xếp ông đứng gần cuối cái gọi là một “ dây chuyền sản xuất” Tức là một dãy mười mấy con người, nên khi tảng đất đến tay ông, nó đã rơi rụng dọc đường gần hết, còn lại nhỏ như cái bánh bao, chỉ cần nắm một tay ném lên bờ mương. Đi làm thuỷ lợi về ông nhận được tờ giấy khen. Ông nghĩ họ thực là hào phóng. Ở các nước tư bản, làm việc cả đời như ông chẳng được tờ giấy khen nào. Về sau ông mới hiểu đây là cách tốt nhất, ít tốn tiền nhất để khuyến khích người dân, còn hòng điều động nhiều lần nữa. Cũng có một điều lạ, rất nhiều người, nhất là thanh niên, thấy ông đi nghĩa vụ lao động mười ngày lại tỏ ra thèm thuồng, ước muốn được như ông. Sau này ông mới hiểu, đi lao động dù sao cũng được cơm no ngày ba bữa, ở nhà chỉ có cơm độn, một phần gạo, chín mười phần độn, nói như mọi người củ khoai củ sắn cõng vài hạt cơm. Về sau ông mới thấy chính quyền cách mạng chơi sang hơn tư bản nhiều. Người ta động viên hàng ngàn hàng vạn con người trong nhiều tháng trời để làm một công trình hoàn toàn vô ích. Đào một con mương dài hàng cây số, lồi lõm quanh co, chỗ cạn chỗ sâu và cuối cùng con mương thuỷ lợi đó chưa một lần có nước chảy qua, mấy năm sau trở thành bình địa. Hỏi thì người ta biện bạch, không cần kết quả, cái chủ yếu là giáo dục dân chúng miền nam biết thế nào là ý thức lao động. Ôi hoá ra đây cũng là một trò chơi.
Thời gian đó nhiều sự trớ trêu của số phận đùn đẫy ông trở về với cái nghiệp y. Ông cũng được nhiều lần ra vào “trung tâm y tế” và trong một thời gian dài được cầm con dao mổ. Có lần tôi nhìn thấy bàn tay vàng của nhà phẩu thuật tài hoa Âu châu cầm dao mổ nhưng không phải trong phòng mổ ở một bệnh viện danh tiếng nào mà ở phía sau nhà lão Cuốc. Ông đang thiến cho con bò tơ, cột đứng giữa hai gốc cau. Chỉ một vết rạch và vài mũi khâu, trong chốc lát chú bò non, chưa nếm mùi đời đã trở thành vị hoạn quan, thái giám. Về sau nơi nào cần thiến heo, trâu bò gà chó đều kêu ông. Đừng tưởng những cuộc phẫu thuật kiểu này là không quan trọng, ai cũng làm được. Thời kì này sinh mệnh con vật có khi còn lớn hơn con người. Có nhà con cái đau ốm chỉ ra vườn hái lá làm thuốc, mà con heo nái bỏ ăn lại lên tỉnh mua thuốc trụ sinh ngoại về chữa. Họ hành động thế cũng chỉ vì con heo nái là tài sản quý giá duy nhất và nó nuôi sống cả gia đình. Vì thế mỗi khi dù cầm dao thiến heo ông cũng hồi hộp vô cùng.
Lần khác giữa mùa lụt, vợ Tám Hoà chuyển bụng đẻ. Mụ này sinh khó vì đã bốn mươi bốn tuổi rồi con sinh thêm đứa con thứ chín. Suốt thời kì mang thai mụ thiếu ăn, còn bị sốt rét rừng hành hạ. Mụ bị phù thủng nặng, bàn chân húp không còn thấy mắt cá, thiếu máu nặng màu da vàng như con tằm bủng và vạch mi mắt ra thấy trắng nhợt. Nước lụt dâng ngập con đường về huyện về tỉnh. Không có cách nào di chuyển sản phụ. Mụ ta chuyển bụng một ngày một đêm rồi mà đứa con không chịu sổ ra. Tám Hoà nài nĩ ông cứu. Ông liều ra tay. Mụ ta vừa đau đẻ vừa mắc cỡ, chửi chồng:" Bộ ông muốn giết tui hay răng mà kêu cái thằng cha thiến heo về đỡ đẻ !...” Trong cơn vật vã, mụ này níu cái thanh giường gần gãy, ông cầm tay mụ giữ lại, mụ cắn cánh tay ông. Ông gồng mình cho mụ đàn bà hung giữ đau đẻ cắn. Cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông. Sau này có lần kể lại cho tôi nghe ông nói, bên Tây mấy con đầm đau đẻ hung dữ lắm, họ la thét chửi chồng, có khi còn đánh cả chồng. Nhìn vết răng mụ Tám trên cánh tay ông nhiều ngày chưa lặn tôi mới hiểu thế nào là lương tâm ngừơi thầy thuốc.
Cuộc quay về ngành y của ông còn nhiều chuyện cười ra nước mắt. Xã cất cái chòi làm trạm y tế, ông được triệu đến không phải để làm việc gì liên quan ngành y tế mà để dọn dẹp vệ sinh, phát cỏ, hốt rác. Trạm này giao cho một anh binh nhì trước ở ngành quân y quân đội cọng hoà cũ. Đoàn tiêm phòng về ông cũng được kêu tới nấu nước luộc kim tiêm, còn nước sôi làm thịt gà, đãi đoàn. Ông còn phải đứng hầu bia rượu cho mấy thằng y tá nhóc con trên tỉnh về.
Sau này người ta nói ông là tiên bị đoạ. Có điều dù làm việc gì ông cũng hết lòng, cần mẫn, không oán than bất mãn với bất cứ người nào, công việc gì. Tôi còn nhớ vào giai đoạn ấy thường có cái kiểu, trước khi động viên dân chúng vào công việc gì, luôn luôn phải họp dân năm lần bảy lượt, dân chúng đi làm rẫy về mệt mỏi, tối lại chỉ muốn đi ngủ sớm, chiều nào cũng có tiếng loa đầu xóm cuối xóm : “Ngay từ bây giờ đồng bào tập trung tại trụ sở để quán triệt mục đích yêu cầu…ai không đi họp mất quyền lợi…” Không ai biết quyền lợi là quyền lợi gì. Họ chỉ sợ không đi họp sẽ không yên thân. Mục đích yêu cầu cần quán triệt có khi là những chuyện rất vớ vẫn như đào hố xí hai ngăn hay trồng bèo hoa dâu, được thổi phồng như hai phát kiến vĩ đại của những nhà khoa học tài ba của nước ta cho nhân loại…
Ông ăn ở gần như được lòng mọi người. Mấy thằng cha sồn sồn cán bộ hợp tác xã có lần xúc lúa trộm đem bán lấy tiền kéo nhau về thành phố ăn chơi. Bọn họ rủ ông đi gọi là “nếm mùi đời” cho biết. Ông từ chối, nói mình quê mùa không biết ăn chơi kiểu đó. Mấy chị, thấy ông sống cô độc ai cũng dành làm mối kiếm vợ cho ông, ông nói không dám đèo bòng, một mình nuôi không nổi thân.
Có lần tôi xúi ông về tỉnh khai hết sự thật về mình và liên lạc với toà Đại sứ Pháp để được phục hồi. Ông nói, họ không tin đâu, giấy tờ đốt cả rồi. Với lại cần thêm một thời gian nữa cho lòng người tỉnh lại, mọi giá trị sẽ được khôi phục. Bây giờ thì chưa. Nghe thế tôi không dám xúi nữa. Tôi thấy cả đời ông chưa một lần dối trá. Đây là lần dối trá đầu tiên về thân phận của mình và ông phải trả giá. Cái giá thực là tàn nhẫn. Ông nói cần chờ một thời gian nữa. Nhưng số phận lại có cách giải quyết của nó. Vở bi hài kịch đã tới hồi kết thúc.
Cuối hạ, buổi chiều thường bắt đầu bằng những cơn mưa giông. Đây cũng là thời kì dậy lên bệnh sốt rét. Cỏ cây bờ bụi lớn cao lên vùn vụt. Mỗi khi phát rựa vào muỗi túa ra cắn rát mặt. Một cơn sốt rét ác tính quật ngã ông chỉ vài giờ. Tôi dìu ông tới trạm y tế xã, không một viên thuốc. Họ bảo tôi đưa ông về bệnh viện tỉnh. Tôi dẫn ông đi được một đoạn thì ông đã hôn mê. Không có cách gì đưa ông về tỉnh. Ông không ngồi lên xe đạp cho tôi đạp chở ông ra tới đường cái nhờ xe đò đưa về phố. Giờ đó bọn trai tráng còn đang ở trong rẫy cả. Cuối cùng tôi phải cõng ông ra đường cái, con đường dài hơn hai cây số.
Suốt đời tôi không thể nào quên được buổi chiều thê thảm đó. Gió giông gào thét không ngừng trong khu rừng mọc toàn cây chà rang cao chưa quá đầu người. Cả khu rừng bị đè bẹp run rẩy dưới cơn thịnh nộ của đất trời. Mưa lất phất lẫn trong gió. Tôi cõng ông như cõng khối lửa trên lưng. Ông sốt rất cao, gió mưa thế vẫn không làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp ông, lúc ấy ông như một người ngoại quốc, to cao hồng hào khoẻ mạnh. Nay chỉ sau mấy năm bị lưu đày khắc nghiệt ông gầy gò, quắt queo, đen điu, một ông già nhà quê với hàm râu lưa thưa. Bây giờ ông nhẹ hõng, cõng ông tôi không thấy nặng nề mệt nhọc gì cả. Lên tới đỉnh đồi, nhìn thấy chân trời mây đen đùn lên ngồn ngộn. Từ trên tầng mây thấp, rất thấp, cảm như có thể đưa tay lên chạm tới mây được, một tia chớp với cái bộ rễ cây ánh sáng, đánh ầm thẳng xuống khu rừng, rất gần chỗ tôi. Có mùi khét giống như mùi điện chập, bên cạnh tôi ngọn lửa lập loè cháy lên trong mưa. Chưa bao giờ tôi chứng kiến hiện tượng tự nhiên nào kinh khủng đến thế. Tôi vẫn chạy lúp xúp, cố sao cho kip, chuyến xe về tỉnh cuối cùng. Một lúc sau ông tỉnh lại, bảo tôi đặt xuống, cho ông đi, ông kêu khát nước. Tôi dừng lại, mới nghiêng người xuống thì ông lại quị ngã, không đứng lên được nữa. Ông lại rơi vào cơn hôn mê. Ra đến đường cái, may sao có chiếc xe lam dừng lại cho chúng tôi lên xe. Đây không phải chiếc xe chở khách mà là xe chuyên chở súc vật. Sàn xe đầy phân heo. Tôi ngồi xổm bế ông như một đứa bé. Gã tài xế say rượu, hắn điều khiển chiếc xe chạy điên đảo như người say. Khổ quá, tôi thầm mong cho xe rơi xuống vực cho cả ba chết quách đi cho rồi.
Tới nơi tôi chạy thẳng vào khoa cấp cứu. Họ chận tôi lại, nói là để làm thủ tục nhập viện, nhưng kỳ thực hỏi han đủ thứ làm như công an hỏi cung tội phạm, và cuối cùng đòi tiền. Tôi nói láo cấp bách quá quên mang theo tiền. Cứu giùm đi rồi tiền nong tính sau. Cả một giờ sau ông mới được truyền dịch. Mấy cô y tá trẻ cùng với mấy cậu y sĩ hay bác sĩ gì đó vừa làm việc vừa cười đùa bỡn cợt nhau. Họ chăm sóc bệnh nhân còn thua cả ông chăm sóc con vật. Tôi đứng một bên, cầm cánh tay ông, mạch ông mong manh như tơ nhện. Cái lối mạch mà mấy ông lang sợ nhất gọi là mạch chim sẻ mổ thóc. Mạch nhảy vài cái rồi ngưng, đập vài cái rồi ngưng. Giống như tiếng gõ cửa của tử thần.
Mấy người thầy thuốc kéo nhau đi chơi, tôi nghe họ hẹn nhau ra biển. Tôi ngồi cạnh ông. Tôi đưa tay sờ trán, thấy ông không còn sốt cao nữa. Trán ông đầy một thứ mồ hôi lạnh, nhớp nháp và trơn như mỡ. Tôi mừng quá tưởng ông qua khỏi. Sau này tôi mới nghe người ta nói đó là”Xuất hạn”. Nghĩa là chỉ còn chốc lát nữa thôi. Tôi thấy mấy ngón chân ông cứng đờ như được đẽo ra từ gỗ mít lò ra khỏi tấm ra trắng, sờ thử, thấy lạnh ngắt. Bình sérum không chịu nhỏ giọt nữa. Tôi mở khoá lớn hơn nhưng nó vẫn không chịu nhỏ giọt. Hoá ra máu trong người ông đã đông cả lại rồi. Ông chợt mở mắt nhìn tôi, cặp mắt lờ đờ, tròng con mắt như được tráng qua một lớp nước vôi, song cái nhìn vẫn còn đằm thắm dịu dàng. Rồi bỗng nhiên hai mí mắt cứng đờ, không khép lại, nhanh chóng hoá đá, đôi mắt người chết.
Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỷ khuôn mặt ông. Ông chết yên như ngủ. Trước đây tôi có nghe chuyện về khuôn mặt người chết. Tôi không tin vào những chuyền huyền hoặc, bây giờ thì tôi tin. Sau khi ông ngừng thở, có một quãng thời gian ngắn, hiện ra một khuôn mặt đẹp, vẻ đẹp thánh thiện của cả cuộc đời sống lương thiện sáng ngời hào quang nhân ái, vẻ đẹp tuyệt vời… Nhưng chỉ vài phút sau vẻ đẹp ấy phai mờ dần, tắt hẳn, còn lại lạnh lẽo khuôn mặt người chết .
Giường bên, thêm một người nữa ra đi. Đó là một người Thượng. Không biết khi sống trông hắn thế nào, lúc này trông thấy hắn gầy gò, đen thui, rướn người cong lên như thân cây cháy nám trong mùa đốt rẫy. Vợ hắn ngồi cạnh chốc chốc vén cái váy lên chùi mắt, tay quạt muỗi cho chồng. Chị ta tưởng mẫy con muỗi đói bệnh viện vẫn còn bu vào đốt cái thân thể lạnh giá. Bọn muỗi có con lầm tưởng bay đến sà xuống đốt cái thân xác lạnh giá, vụt bay lên. Đôi mắt người phụ nữ Thượng ánh lên một niềm yêu thương hoang dã giống như cặp mắt con thú trong bẫy. Nửa đêm trong căn phòng nhỏ, hai người chết và hai người sống nhưng tâm hồn cũng đã chết. Có tiếng thét lơ lớ rợn người:
- Thôi bỏ con ma đó chạy đi!
Chị này đứng lên dáo dát, cầm cái gùi toan chạy. Tôi chưa kịp hỏi bỗng lại có tiếng chân người và tiếng thét hách dịch:
- Con mọi kia chạy đi đâu ? Tiền giường tiền thuốc chưa thanh toán.
Tôi biết chị ta phải khó khăn khổ nhọc lắm mới mang được người chồng bệnh hoạn từ trong rừng thẳm về tới chốn phồn hoa đô hội này với niềm tin, khỏi bệnh, cùng chồng đi bộ về buôn, qua khu rừng hướng dương vàng rực bạt ngàn. Nhưng nay thì hết rồi, phải bỏ anh ta lại trốn về thôi, nhưng cũng không xong. Còn tôi khổ sở chẳng thua người kia. Sáng sớm hôm sau tôi trốn ra khỏi bệnh viện. Tôi không có lấy một xu trong túi làm sao đưa ông về? Chỉ còn cách đi xin kêu gọi tình thương đồng loại. Nhưng hình như vào thời kì khốn khó chung cho cả nước, con người để cho thú tính lấn áp, tình người hiếm hoi làm sao. Ở vào cái thời mà sự dối trá tràn lan, một mình tôi nói thật, ai tin. Có một con mụ vàng đeo đầy tay đang ngồi trong quán chỉ mặt tôi nói:" Bà con đừng có tin mấy cái thằng xạo lưu manh này. Xin tiền chở bà con chết ở bệnh viện về quê. Ngày nào tôi cũng thấy cái mặt hắn lảng vảng ở bến xe với mấy cái quán nhậu…” Cuối cùng tôi phải đi bán bộ quần áo mặc trong người để thuê xe chở ông về. Còn tiền viện phí tôi phải làm tờ cam đoan kí tên điểm chỉ, khai rõ ngọn nguồn quê quán địa chỉ, mới được đem xác ông về.
Người ta đóng cho ông cái quan tài bằng gỗ thùng đạn, chôn ở chân đồi, lấy cái lon sữa bò rỗng làm bát nhang.
Năm sau, vào một buổi trưa có đoàn xe du lịch sang trọng tiến vào xã. Dân chúng chạy theo coi. Trong xe có cả người nước ngoài. Bọn trẻ con chạy theo xe hô to :“Liên Xô ! Liên Xô !”
Xã tiếp đón rất niềm nở, họ hy vọng sẽ được ngọai quốc cho tiền, hay liên doanh với địa phương. Khi hiểu ra chuyện đó là gia đình của Hai Sâm, họ giao đoàn cho tôi hướng dẫn.
Buổi trưa nắng chang chang cả đoàn kéo lên đồi. Có một điều rất lạ, không thể giải thích nổi. Hai đứa con ông, một trai một gái cỡ chín mười tuổi, chúng rất xinh đẹp và giống ông như tạc, và như có điều gì mách bảo, chúng thân thiện với tôi, một người hoàn toàn xa lạ, ngay lúc đầu gặp gỡ. Hai đứa nắm chặc tay tôi. Ngang quán chị Liễu tôi ghé mua đôi nến trắng, bó nhang, tấm vải trắng lớn xé làm nhiều mảnh khăn tang quấn cho vợ con ông, một vài người trong đoàn và cả tôi. Tôi để giành một chiếc khăn tang dài và lớn , chẳng ai biết để làm gì.
Tôi đứng trong bóng mát cây Lim mà giờ đây sau mười mấy năm thoát khỏi ngục tù chật chội đã trở thành tráng sĩ cổ thụ đại ngàn hùng vĩ. Tôi nhìn vợ con ông sang trọng, xinh đẹp, dễ thuơng quì mọp sát đất theo đúng lễ nghi đông phương bên nấm mộ thấp lè tè tồi tàn mà cỏ xanh đã úa màu. Tôi không khỏi chạnh lòng rơi nước mắt. Cúng xong. Tất cả mọi người kéo nhau đến đứng trong bóng mát cây Lim. Tôi cẩn thận quấn mảnh khăn sô cho cây. Mọi người lấy làm ngạc nhiên. Tôi khấn : “Ông ơi, không ai biết chuyện đời ông, xin phép ông cho tôi được làm nhân chứng lịch sử, kể lại câu chuyện đau thương không riêng cho ông, cho tôi mà cho tất cả những kiếp người bị đày đoạ trên mảnh đất này trong thời kỳ tối tăm nhất của lịch sử đau thương”./.

QUÝ THỂ
Source Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.