Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Luận về nhạc sến


Sến và Mari Sến 
"Sến hay không sến ?" 
Chữ "sến" xuất hiện trong văn chương Việt Nam vào những năm 1960, trong thời kỳ bộc phát của trào lưu viết văn kiểu "trào phúng," "chọc quê." Tiêu biểu là Ao Thả Vịt (Chu Tử,) Thương Sinh (tức Duyên Anh,) Tốt Đỏ (tức Lê Tất Điều,) Hoàng Hải Thuỷ, Dê Húc Càn (Dương Hùng Cường,) Minh Vồ (của báo Con Ong) ...

Chữ “sến” thường được dùng thành nhiều “xì tin” (style) khác nhau cho sự vật và sự việc như "nhạc sến," “thơ sến,” “ăn mặc sến,” "ăn nói sến bỏ mẹ …" đến các chữ được áp dụng vào con người như "liên tử (liên=sen, tử=con – con sen)," “sến nương,” ..v..v.. 


Nhưng nói chung, “sến" được áp dụng nhiều nhất vào lãnh vực đánh giá trị âm nhạc của một số bản nhạc, một số nhạc sĩ, ca sĩ ... Đã có một thời, nhạc Việt Nam được phân lọai, chia ra một cách thật đơn giản, bình dân giáo dục thành 2 dòng khác nhau. Đó là: “nhạc sến” và “nhạc không sến.” Nhạc sến tiêu biểu cho dòng nhạc thường rỉ rả, đa số theo điệu Tango Habanera (cũng là điệu Tango nhưng nhịp đập nghe hơi khác, đại khái như là chắt-chắt-chắt-chình-chắt …,) Bolero, Rumba kèm theo với lời nhạc được “bi thảm hóa” một cách quá đáng. Ít khi thấy có một bài theo điệu Slow, Slow Rock, Valse ...v.v... hay cả đến Boston rầu thúi ruột mà bị gọi là sến. 


Một số bài thơ khá hay khi “được” phổ nhạc theo các điệu kiểu rỉ rả này trở thành nhạc sến. Nhiều bài thơ trữ tình của thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử rơi vào thể lọai này ! Nhạc (music]) hay lời (lyrics) ? Cái nào là chủ yếu làm cho một bản nhạc thành sến ? Có lẽ chính vì cái lời nhạc nghe “quá xá là” đau khổ, buồn thảm, tuyệt vọng … làm cho bản nhạc trở thành sến ! 


Thử lấy bài “Qua Cơn Mê, Nhạc Trịnh Lâm Ngân, lời Nguyễn Từ Nam.” Bài này là một bản nhạc sến được viết theo điệu Bolero vào khỏang 1971. Nhưng nếu bây giờ đưa bài này cho nhạc sĩ Trung Nghĩa hoặc nhạc sĩ Vô Thường chơi theo kiểu nhạc hòa tấu (instrumental - không nghe thấy lời!) với một nhịp đập khác (hơn là Bolero!) thì chẳng những trở nên hết sến mà còn nghe rất "phê" nữa là đàng khác ! Còn lại, nhạc nào không được coi là sến tức là ... "nhạc không sến !". 


Tuy nhiên, rất nhiều bài hát không sến sẽ biến thành sến nếu được hát bởi một ca sĩ đã “bị” xếp hạng ... sến - trong đó có Thanh Tuyền, Chế Linh, Tuấn Vũ, Trường Vũ … Đồng thời cũng có rất nhiều nhạc sĩ không "được" xếp loại, hoặc không được “coi” là sến lại có vài bài hát rất sến ! 

Thực ra, “sến hay không sến” đều tuỳ nơi sự cảm nhận của mỗi người. Cảm nhận có thể thay đổi theo thời gian, và không gian. Chẳng hạn như bài nhạc sau đây : 

- “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con / khi thấy mai đào nở vàng bên nương / Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về / nay én bay đầy trước ngõ / mà tin con vẫn xa ngàn xa
“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui / nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi / bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng / trông bánh chưng ngồi chờ sáng / đỏ hây hây những đôi má đào…” 

(Trịnh Lâm Ngân - Xuân Này Con Không Về) 

Bài này hồi xưa nằm trong dòng nhạc sến ; nhưng hôm nay nghe lại bài này lại thấy thật bùi ngùi cảm động. Bỗng nhiên trở thành hết sến ! Lạ thật ! Cái đối trọng là chính mình có trung thực với cảm nhận của mình hay không ? Vờ vịt, giả dối với cả cảm nhận của mình thì chính thị là sến rồi ! Có người nói rằng nhạc sến thì sến thiệt (?) nhưng nghe kỹ có những ý tưởng mà phải sến mới diễn tả nổi. Nghe qua thấy nghịch lý, kỳ cục; mà nghĩ kỹ lại cũng đúng thiệt ! Chẳng hạn như : 

- "Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn / Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ …” 
(Trúc Phương - Buồn Trong Kỷ Niệm) 

Sến thiệt! Nhưng mà đúng ngay chóoc! Một điều nữa là lời sến khi nghe rồi, nó như chất keo cứ bám chặt vào trong đầu gỡ không ra. Xin nghe thử những câu sau : 

- "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người / Chạnh lòng tôi khơi . . . bao niềm nhớ / Người nơi xa xăm phương trời ấy / Người còn buồn còn thương còn nhớ / Nắng phai rồi . . . em ơi ! " 
(Nguyễn Văn Đông – Nhớ Một Chiều Xuân) 

Giống như đọc những câu thơ sau đây của Nguyên Sa (bảo đảm không sến!) Nó cứ bám chặt vào trí : 

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím....”
 
(Nguyên Sa – Tuổi Mười Ba) 

Sến hay không sến ? “No star where!!! – ‘Không sao đâu’ ” Vấn đề là nó có đúng hay không? và nó có bám vào đầu mình như keo hay không? Có những câu không sến nhưng lâu dần trở thành sến. Chẳng hạn : 

- "Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, / Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng / Chỉ còn mối tình mang theo." ]
(Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 2) 

Ai bảo là không sến ???!!! 
Cố gắng diễn tả để không sến coi chừng rơi vào sáo ngữ, gương ép. Như vậy, chữ sến chỉ để phân loại một kiểu thưởng thức, một kiểu chơi, một “xì tin (style)” thôi. Sến không có nghĩa là “bad guys” mặc dù có thể là “bad taste (?)” Về mục “nhạc nhẽo,” vì mục đích tránh chuyện sứt mẻ tình “đồng đội,” người ta không kêu là nhạc sến nữa; mà kêu là nhạc “đại chúng” - nhạc chiều theo thị hiếu đại chúng, hay nói cách khác là “nhạc thương mại.” Ngay chính một số nhạc sĩ khi được phỏng vấn trên các chương trình truyền hình, video, đã thừa nhận rằng một số các tác phẩm của họ viết ra vì mục đích thương mại, và chiều theo thị hiếu quần chúng. Mà "đại chúng" là cái khỉ khô dzì dzậy ? Đó chính là cái đám đông dễ cười, dễ khóc, dễ hòa đồng với những bài hát dễ hò, dễ hát của trường phái ca nhạc sến. Không lấy gì làm lạ khi thấy các video, vcd, dvd, karaoke … ăn khách nhất hiện nay thuộc loại nhạc này! 

Về chuyện tình yêu, người ta nói là nên làm người trong cuộc chứ không nên làm người ngoài cuộc nghe lóm. Nếu có hai người đang tỏ tình với nhau; một người thứ ba dzỏng lỗ tai dzô nghe lóm được sẽ thấy họ (hai người đang tỏ tình nhau đấy!) “sến bỏ mẹ,” "cả quỷnh," “rởm không chụi nổi!” ..v..v.. 


Thành ra khi quý cụ vẫn còn tâm hồn, có nghĩa là vẫn thấy lòng còn rạo rực khi nhìn thấy có người nào đó có bộ vó “nóng bỏng” đi ngang qua mặt; hoặc con tim của cụ vẫn còn sẵn sàng mở rộng chào đón thêm một người nào đó, nghĩa là vẫn còn khả năng làm tình yêu thành hiện thực... thì tất cả các bài nhạc nói về tình yêu cho dù là loại tình yêu tan vỡ, dang dở, nát con tim, đau thương, một cái gì tím ngắt, giỗi hờn, hận căm ..v..v.. đều là những bài nhạc không sến. Tất cả những bài ca về tình yêu đều có thể coi là không sến; nhưng cũng có thể coi là sến. Tất cả đều tuỳ nơi tâm tình đón nhận của người nghe.


Có cụ hỏi tôi bài "Lan và Điệp" là sến? hay không sến ? Khổ lắm ! Đã nói rồi. Câu trả lời cũng còn tuỳ nơi khả năng yêu đương hiện tại của cụ thôi ! Còn sức yêu đương được thì cụ cứ an tâm yêu những bài hát về tình yêu, không có chi là sến hết mà phải sợ ! 


Bởi vậy, hãy nhìn cái “Chiệng Tình Lan và Điệp." Mặc dù bên ngành cải lương đã có vở hát dài trên 2 tiếng đồng hồ vừa ca, vừa khóc, vừa cười, vừa nói mùi mẫn không chụi nổi. Thế mà bên tân nhạc cũng không chịu thua kém. Nhạc sĩ Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh tiện thể chơi luôn một lúc 4 bài : "Chuyện Tình Lan và Điệp," " Chuyện Tình Lan và Điệp bis (2)," " Chuyện Tình Lan và Điệp bis bis (3)," rồi "Chuyện Tình Lan và Điệp bis bis bis (4)." (Lời blog : Năm 1965, các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng cùng phối hợp nhau sáng tác 4 nhạc phẩm "Chuyện tình Lan và Điệp", ký tên là Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh). 


Mời quí cụ nghe thử một vài đoạn của từng bài xem nó "sến" đến cỡ nào : 


- "Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng / Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca / Thuở ấy Điệp vui như bướm trắng, say đắm bên Lan / Lan như bông hoa ngàn, thương yêu vô vàn, / nguyện thề non nước sẽ không hề lìa tan ..... " 

(Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh : Chuyện Tình Lan và Điệp) 

- "Tôi viết vào đây, chuyện nối tiếp tình yêu hai mái đầu / Ước mộng đẹp tươi, thuở được thương mà sao chia lứa đôi / Từng đêm Lan khóc thầm trong cay đắng / Xót xa vì duyên kiếp dở dang, hoa thơm mau tàn, / ai hay cho nàng, cánh chim lìa đàn ... " 

(Chuyện Tình Lan và Điệp bis) 

- "... Đời Lan khác chi, như một cành hoa xuân hương sắc sớm phai mau / Một đêm gió mưa bên ngọn đèn quạnh hiu Lan đã cướp linh hồn / Ngoài xa từng tiếng cú kêu sương nghe thê lương/ Gió than não nề trong màn đêm nghe đau thương / Từng hồi chuông ngao ngán ngân dài như khóc than, / tiễn một linh hồn." 

(Chuyện Tình Lan và Điệp bis bis) 

- "... Mộng tình đã vỡ, thương tiếc cánh hoa lan / Nụ cười đã tắt, có ai khóc cho nàng / Nàng lìa trần gian, những câu chuyện Điệp và Lan / Thương mãi vô vàn!" 

(Chuyện Tình Lan và Điệp bis bis bis) 

Sau 1975, nhạc sĩ Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh, tác giả của cái “sequel” “Lan và Điệp,” mất đi nguồn hưng phấn yêu đương, cho nên trường ca “Chiệng Tình Lan và Điệp” đành bị đứt ngang y như dây chuông chùa bị em Lan cắt đứt mất một cái "rụp!". Nếu không, biết đâu cuộc đời sẽ còn những bài “Lan và Điệp” mãi mãi và mãi mãi! (Giống hệt như nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác đến “Bài Không Tên số 46!”) Nói ra nghe sến thiệt ! 


Nhưng phải nói nhạc dù “sến hay không sến,” cũng xin thành thật cảm ơn những ca sĩ, nhạc sĩ đã tô điểm cho cụôc đời ngắn ngủi bể dâu tang thương này với những dòng nhạc, những lời ca về tình ái thật bình dân nhưng lại đượm đà “lõang mọang.” 


“Mari Sến” 
Ngày xưa, vào thời Pháp thuộc, những người giúp việc trong nhà thường được gọi nôm na là "thằng nhỏ,” “con sen." Rồi có một vài nhà văn, nhà báo muốn chơi chữ, nên có đưa ra thêm danh từ "liên tử.” Về sau này, chữ "sen" được đọc trại ra thành chữ "sến," cũng là để chỉ các “chị” giúp việc trong nhà. Có một dạo khi quân “đồng minh” đến Việt Nam hơi nhiều, các chị đi giúp việc nhà cho các gia đình Tây, gia đình Mỹ, hoặc đi bán “ba” nên có nhiều tiền, nhiều của hơn lúc trước, bắt đầu chưng diện phấn son, tóc “phi dê (uốn tóc,)” mặc đồ đầm, đi guốc cao gót. Nhưng các “chị” vẫn còn một vài vẻ quê mùa nào đó ? 

Cho nên các ông nhà báo, nhà văn lại đặt thêm cho các “chị” ấy một cái tên rất Tây, đó là "Mari Sến! (Có lẽ “Mari Sến” được Việt hóa từ tên gọi “Mariselle?" Dần dà về sau nầy, "Mari Sến" được dùng rộng rãi hơn, để chỉ thêm những bà giàu có mau chóng, bất ngờ, rồi lại học đòi chưng diện nhưng vẫn còn nét quê mùa, nửa tây nửa ta.) Vào những mùa hè nắng hạn, Sài Gòn thiếu nước dùng, nên các “chị” ấy thường tụ họp tại các vòi nước công cộng để hứng nước rồi gánh về dùng, hoặc gánh nước mướn. Vòi nước công cộng từ đó đã vĩnh viễn trở thành một nơi tụ họp rất lý tưởng của quý “chị,” để hàn huyên tâm sự với nhau qua vô số tình cảm vụn vặt trời ơi đất hỡi không tên không tuổi ! Trao đổi thông tin đứng đắn cũng có, thất thiệt vô căn cứ nhảm nhí cũng có ! Văn hóa tào lao thiên địa, chuyện ruồi bu ! Tin thời tiết mưa nắng vô thưởng vô phạt ! Và rồi cuối cùng để cùng ca hát cho dzui dzẻ “yêu người, yêu đời!”


Từ đó, các chị "Mari Sến" còn được thêm một tên mới nữa là "Mari Phông Tên" (Phông Tên = Vòi nước máy, theo âm tiếng Pháp của chữ ‘fontaine’!) Các bài nhạc mà các “chị” thích hát thì thường có tên là "Nhạc Sến," “Nhạc Nước Máy," "Nhạc Phông Tên," ..v..v... 


Hay dở thế nào thì tôi không dám phê bình thêm, bởi vì đây chỉ là những ý kiến rất chủ quan và thiên kiến của tôi; và tất cả còn tùy thuộc rất nhiều vào thị hiếu của mỗi cá nhân. Có nhiều “cao nhân (!)” cho là sự việc gọi, đánh giá những cái của người khác là “sến” đều bắt nguồn từ bản tính hẹp hòi của con người thích “hạ giá” người khác để tự cảm thấy “giá” của mình ở trình độ “cao cấp” hơn. 


Ý kiến của “cao nhân” cũng có giá trị tương đối và cũng lại “chủ quan !” Chỉ ngoài mục đích thêm một chút mầu sắc vào cuộc sống cho nó bớt nhạt nhẽo vô duyên! Tạm thây kệ các lời khen, lời chê bai là “hẹp hòi, đầy ác ý !!!” 


TRẦN VĂN GIANG

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.