Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Dạy con tự lập


Dạy con tự lập như mẹ Đức


Cha mẹ người Đức 'huấn luyện' con tự lập rất tài tình, hiệu quả. Không biết những người quen thuộc với nước Đức nghĩ thế nào nhưng riêng bản thân tôi, như một anh nhà quê thỉnh thoảng ra tỉnh, nước Đức gây cho tôi thật nhiều ấn tượng và ngạc nhiên.

Khác với dân Pháp tinh tế, lịch lãm; dân Ý nhiệt tình; dân Anh ‘phớt ăng lê’ nhưng hài hước; dân Hà Lan cởi mở… nghĩ đến dân Đức, ta hay ‘chột dạ’ bởi tính cách lạnh lùng. Nhưng không chỉ có thế, người Đức thường được đánh giá là sống và làm việc theo ‘kỷ luật thép’, tự lập và rất trách nhiệm. Người Đức có thể tỉnh queo khi nhìn thấy bạn nhưng kỳ thực họ là những người hiếu khách.

Sống và làm việc ở Đức 4 năm, tôi thích Đức từ phong cảnh đến con người và thú vị với cả cách dạy con của họ.

Người Đức quan niệm, mỗi đứa trẻ có ưu-nhược điểm khác nhau và lớn lên theo cách riêng của chúng. Bởi thế, nếu con có chậm phát triển hơn so với bạn bè đồng lứa về một hành vi nào đó, cha mẹ cũng không bao giờ so sánh khiến con cảm thấy mình kém cỏi, nhụt chí.

Cha mẹ Đức dạy con tính tự lập từ việc nhỏ nhất, từ rất sớm. Nếu như các bà mẹ Việt thường rất ghét việc bé đang độ tuổi mẫu giáo quẩn quanh mình suốt ngày, léo nhéo đòi giúp mẹ cái này cái kia…và hay gắt “Tránh ra cho mẹ nấu ăn/ làm bánh” hoặc “Lên nhà chơi với bố để mẹ làm rau”… thì mẹ Đức lại không bao giờ từ chối cơ hội ‘huấn luyện’ con tính tự lập tốt như thế.

Khi mẹ Đức làm bánh, trẻ sẽ được sắp xếp đứng kế bên xem. Đôi ba lần, mẹ Đức sẽ hướng dẫn và dụ trẻ làm bánh cùng. Họ không nói “Con đừng sờ vào, để yên mẹ làm cho nhanh”. Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu cha mẹ cứ làm hộ mãi.

Vì thế, khi mẹ giặt đồ hãy để bé tự cho quần áo của mình vào máy giặt. Dọn nhà, hãy đưa cho bé cái khăn, khoanh vùng và nói ‘Đây là việc con cần hoàn thành’… Trẻ em học rất nhanh và nhớ cũng rất lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau trẻ sẽ tự giác làm việc.
Điểm đáng học tập trong cách rèn con của người Đức nữa là việc tập cho con có thói quen ăn uống lành mạnh, tự lập.

Nếu các mẹ Việt phải bế con đi ăn rông hay nhảy choi choi làm đủ trò để con chịu ăn thì mẹ Đức ‘ra luật’ với con ngay từ những bữa ăn đầu tiên. Họ tập cho bé ngồi vào bàn ăn cùng bố mẹ và phải đợi khi bàn đầy đủ mọi người thì mới được ăn. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi ở Đức, trẻ 1 tuổi đã tự xúc ăn, không xúc được thì bốc. Lúc đầu, bé bốc vào mũi, vào tai, sau kiểu gì cũng vào mồm...

Dạy con kỷ luật và tự lập nhưng người Đức không buộc con làm theo ý muốn của cha mẹ. Họ không dạy con giống như robot được lập trình, không có tuổi thơ, cảm xúc, chỉ có thành công, thành công và thành công… Cha mẹ Đức đặt ra những nguyên tắc mà con phải tuân theo nhưng lại không hề gò bó mà rất thoải mái.

Mẹ Đức cũng không bao giờ khen “Con mẹ tuyệt nhất”, “Con mẹ là số 1”… Khi muốn tán dương thành tích mà trẻ đã làm được, mẹ Đức khen rất cụ thể - đề cập tới những thành tích của bé, ưu điểm tính cách của bé hay tinh thần hợp tác của bé…

Ví dụ: Khi bé hoàn thành việc dọn gọn đồ chơi mà mẹ đã giao, để khích lệ tinh thần bé thì mẹ Đức sẽ khen “Con dọn gọn đồ chơi, mẹ rất vui”…

Ngoài ra, người Đức quan niệm: người lịch sự bao giờ cũng đến đúng giờ. Bởi thế, ngay từ nhỏ trẻ em Đức đã được dạy tính chính xác, đúng giờ…

Ví dụ: Nếu tối hôm trước cha mẹ có hẹn là 8h sáng mai cả gia đình sẽ đi picnic thì đúng 8h sáng hoặc sớm hơn, trẻ phải điểm danh có mặt và xuất phát. Ở Đức cũng không có cảnh khi đi chơi, cha mẹ xách lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ còn trẻ thì đủng đỉnh. Trẻ Đức 2-3 tuổi đi đâu cũng phải tự xách đồ của mình, cha mẹ không ai xách hộ (trừ trường hợp trẻ mệt, ốm).

Source Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.