Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Chị Lan

Chị Lan

Hồi còn ở trung học, chị Lan là hoa khôi trường Kiến Thiết. Với mái tóc thề, hàm răng trắng đều, sống mũi cao dưới đôi mắt sáng ngời long lanh trên một gương mặt đầy đặn, ở chị thể hiện một phụ nữ thanh tao, nghiêm túc. Bởi thế mỗi lần đi học ngang qua đầu xóm ở cái khu lao động này, có đứa phải tấm tắc:

- Ê, con gái bà Năm mô tô là Thẩm Thúy Hằng 2 đó nghe tụi bay!

Trước những lời phê bình đại khái như thế, chị chỉ mỉm cười rồi bước nhanh về nhà.

Suốt những năm tháng trong trường Sư Phạm, chị quen và yêu anh Đức, hoa tiêu trực thăng Không Quân oai hùng. Rồi chị lên xe hoa, đám cưới của chị được tổ chức thật cảm động ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc trong phi trường Tân Sơn Nhất, mà khách khứa toàn là sỹ quan cùng phi đoàn.

Ngày mất nước, hai vợ chồng di tản qua Guam, chị khóc sướt mướt vì không kịp chạy về xóm rủ gia đình theo, nhất là không đem đi được thằng Út Trung em chị, đứa em mà chị thương nhất, nó thua tuổi chị đến cả con giáp, đứa em mà trong khi bà Sáu mô tô đầu tắt mặt tối, buôn bán phụ tùng xe mô tô ngoài chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, thì ở nhà, chị là người chăm lo cho nó từ lúc mới sanh.

Ngược lại thằng Út Trung nó cũng đu theo chị dữ lắm, đi ị, mắc tè, đói bụng, kiến cắn, nhức răng … ôi thôi, chuyện gì nó cũng réo. Có lần nó thọc vào cái quạt bị đứt tay, máu chảy ra lênh láng, chị liền ngậm ngay ngón tay nhỏ síu của nó vào mồm chị để cầm máu; lần khác, thằng Út tinh nghịch đu theo sợi dây điện, kéo rớt, bể tan tành cái TV trắng đen 19 inch mà bà Sáu mô tô mới mua, chị Lan liều đứng ra nhận thế tội cho em, thế là chị bị quất cho một trận nhừ đòn. Đôi khi trái gió trở trời, nó lên cơn sốt rên hừ hừ, chị cũng là người canh thâu đêm, ấp nó trong lòng, chỉ mong cho mấy con vi trùng cúm thổ tả này chạy qua người chị, để thằng Út hết bệnh.

Tình cảm vừa là mẹ, vừa là chị, nó thiêng liêng dạt dào đến như thế, hèn gì chị không thương nhớ, không ray rứt về thằng bé đang còn kẹt lại tại quê nhà.

Qua tới Mỹ, hai vợ chồng chị bắt đầu lại từ bàn tay trắng, anh Đức may quá kiếm được cái job lái trực thăng cho một giàn khoan dầu ngoài vịnh Galveston, công việc quá đúng sở trường của ảnh, còn chị, sau một thời gian làm cashier cho một tiệm tạp hoá ở Houston, nhìn thấy cái khả năng tiềm tàng trong một con người đầy trách nhiệm, công ty cất chị lên làm quản lý, ba năm sau, bàn nhau, hai vợ chồng chị lại gom tiền mua luôn một chi nhánh của hệ thống “Stop-N-Go” này.

Thế là chỉ trong vòng 5 năm, hai người đã có một tài sản tích lũy do mồ hôi nước mắt cũng tương đối tạm. Bất cứ chuyện gì từ ở trong nhà ra đến ngoài phố, một tay chị lo hết.

Một thời gian sau họ đưa anh qua tuốt xứ Angola - Phi Châu, vài tháng mới được về phép, tuy ít gặp nhau, nhưng nhìn hai anh chị thiệt quá ư là yêu thương gắn bó, chẳng bao giờ thấy họ cãi cọ!

Về phần chị, đứng trông cửa hàng cả ngày, thiếu gì đàn ông ra vào tán tỉnh, ôi thôi, khách vãng lai thượng vàng hạ cám, có người đem quà, đem hoa tới tặng nhưng chị không nhận, kẻ dạn hơn thì tỏ tình mời đi ăn tối, chị cũng từ chối, hỏi tại sao, chị nghiêm nghị trả lời thẳng:

- Cám ơn ông, tôi đã có chồng.

Riết rồi đàn ong bướm ngoài đó đâm ra kính trọng chị hết dám dở trò. Tất cả mọi chuyện như thế, tối về chị đều gọi phone kể cho anh Đức nghe, nên ảnh lại càng thương vợ, thương cho cái tình chung thủy của chị, có lúc anh ôm chị vào lòng rồi hỏi:

- Em à, anh nghĩ mình cũng đâu cần nhiều tiền đâu em, hay là em ở nhà quách, ra ngoài đó chi cho phiền toái?

Chị nhỏ nhẹ:

- Kệ họ đi anh, em muốn kiếm thật nhiều tiền để cái ngày anh về hưu, anh đưa em đi chơi khắp nơi, mình lại có dư chút đỉnh mà giúp người nghèo, vả lại em còn gia đình ở Việt Nam, phải gửi tiền về mỗi tháng, anh biết mà.

Âu yếm anh Đức than:

- Biết chứ, nhưng thấy em cực, anh thương quá.

Cười khúc khích chị Lan nũng nịu:

- Nhưng đêm về “chuồng”, nghe giọng anh, em thấy hết mệt liền hà.

Thế là hai người lại ôm nhau ngủ vùi, để lấy sức sớm mai đi cày tiếp, trong giấc mơ lang thang, nắm tay nhau họ cùng xây chung nhiều mộng đẹp.

Đầu năm 1988, có tin bà Năm mô tô bị bệnh nặng, chị Lan bắt chuyến bay sớm nhất để về Việt Nam. Người đầu tiên đón chị ở phi trường là thằng Út, trời ơi bây giờ nó lớn quá, trông già dặn chứ không như ngày xưa, hai chị em ôm choàng lấy nhau, chị khóc nức nở, những kỷ niệm thời xa xưa bỗng tràn về đầy ngập, đây là thằng Út Trung nè, thằng mà chị thương nhất nè, thằng mà chị ước mong gặp lại đã bao nhiêu ngày tháng. Nó cũng khóc hu hu, làm con Nhung vợ nó và hai đứa con gái cũng bù lu bù loa theo, cứ loạn cả phi trường.

Mấy ngày sau đó, nhà chị Lan vui như tết, bà Năm mô tô bệnh tình cũng thuyên giảm nhiều. Chắc thấy chị Lan về, bà con chòm xóm hết người này tới người nọ bu lại hỏi thăm, ôi tình gia đình, nghĩa chòm xóm sao mà thắm thiết, chả bù như bên Mỹ, gì mà nhà ở kế bên nhau cả chục năm, gặp mặt chỉ hô lên một tiếng “hai” với lại “ba”, chứ đến cái tên của nhau cũng chẳng biết.

Người nào cũng khen chị đẹp, khen chị sang, thấy ngộ, sao mà ai cũng khéo léo tốt bụng ghê. Có một điều chị hơi thắc mắc, chả là hôm nọ lúc đi chợ Bến Thành về, chị thấy trong xóm không khí có vẻ khác thường, chị hỏi thằng Út:

- Chuyện gì mà tụi con nít chạy nhốn nháo vậy Út?

- Có gì đâu chị, cái con mẹ điên nó leo lên cây rớt xuống gẫy cẳng, khóc quá trời.

Chi Lan hỏi tới

- Trời ơi, tội nghiệp vậy, rồi có ai lo cho bả không?

Thằng Út nhếch miệng cười:

- Thì mấy bà hôm nọ tới đây nè, khóc quá phải gọi cấp cứu chứ sao chị, nhưng lâu lắc chẳng thấy ma nào xuống.

Chị Lan mắt tròn xoe:

- Lâu là bao nhiêu lâu?

Nó kể tiếp:

- Cả tiếng đồng hồ.

Miệng chị há hốc:

- Cái gì?
- Dạ gần cả tiếng.

Vẫn chưa tin, chị hỏi tới:

- Trời ơi gần một tiếng?

Nó phân bua:

- Dạ, nhưng khi xe cấp cứu xuống thì mấy bả đuổi họ về.
- Đuổi họ về?

Nó tỉnh bơ:

- Thì mấy bả nói: Thôi mấy ông đi về đi, con mẹ điên chờ lâu quá nó lết qua phường khác rồi.

Chị trợn mắt:

- Quỷ thần ơi, phải đi kiếm bả về chứ em, ở đây sao kỳ vậy?

Thằng Út dòm chị Lan có vẻ ngạc nhiên, rồi lớn tiếng:

- Nó đã lết qua phường khác rồi thì mắc mớ gì, thôi đi chị, chuyện người ta hơi đâu mà xía vào?

Lúc đó nhìn thằng Út, chị không tin nó thốt ra những lời lẽ như vậy, người ta bị gẫy chân đau đớn như thế mà nó xúi đừng xía vào, chị lại càng không hiểu cho mấy bà hàng xóm, hoá ra người ta sợ mất mặt cho điạ phương, chứ lo gì đến cái cẳng của bà điên! Thiệt tình!

Sau đó Út Trung kể, nó đang làm nghề đẩy xe ba gác mướn cho một Hợp Tác Xã bán vật liệu xây dựng trong phường, đồng lương tính ra chỉ khoảng vài chục đô la một tháng, công việc chủ yếu là đi giao gạch. Nghe nó kể chị thấy tội nghiệp, nặng như vậy rồi kéo lên cầu, lỡ nó chịu không nổi mà để xe trôi xuống thì chết người, vả lại lao lực như thế có ngày chết sớm?

Tuy rằng tiền trợ cấp chị gửi về đều đều, nhưng có lẽ chẳng bao giờ đủ. Nhìn chung quanh chị thấy căn nhà của ba chị để lại sao mà tơi tả, trần nhà thì loang lổ rách nát thế kia, khỏi cần kiểm chính đâu xa, ngay hôm chị về, trời đổ mưa lớn nước cống đen ngòm tràn vào đầy nhà, mang theo cả đống rác rưởi hôi thối, thế là cả đám lại phải tót lên cái phản mà hồi xưa chị Lan và thằng Út chuyên dăng mùng ngủ, đó cũng là cái nơi làm bàn ăn cho cả nhà.

Xót xa quá, chị Lan bèn bàn với thằng Út, hay là đập quách đi xây lại căn mới cho gia đình đỡ khổ. Với vẻ hân hoan, thằng Út đồng ý ngay, nó còn sốt sắng đề nghị:

- Đất đai, nhà cửa ở đây bây giờ rẻ lắm, chỉ khoảng 5-10 ngàn một căn à, hay là chị gửi tiền về mua đi chị, em bên này đứng ra lo giấy tờ cho.

Chị nói nhỏ:

- Ờ rẻ nhỉ, nhưng ảnh chắc không cho đâu em ơi.

Nó đáp nhanh:

- Làm gì không cho chị, chị nói ảnh mai mốt về đây dưỡng già, vừa có tiền vừa có nhà cho mướn sướng thấy mồ!

Chị Lan cất giọng thắc mắc:

- Mà anh chị có được đứng tên nhà đâu em?

Thằng Út tự tin:

- Thì em đứng cho, trời ơi chẳng lẽ chị không tin em hả?

Chị Lan nhỏ nhẹ nói:

- Dĩ nhiên chị tin em chứ, không tin em thì tin ai? Thôi được rồi, để chuyện này chị về bàn lại với ảnh.

Trong những ngày kế tiếp, chị Lan đi uỷ lạo khắp nơi, trại Cùi Quy Hòa, nơi Hàn Mạc Tử duỡng bịnh những ngày tháng cuối đời, trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, trại người tàn tật, trại mồ côi các nơi.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, tiền mang theo, chị dốc ra chia đều, ở ngoại quốc lâu quá có lẽ người ta quên đi những cảnh thương tâm như thế này, nhưng thôi làm việc thiện cũng tùy tâm, ai có dư, thích thì cho, lại cũng tùy quan điểm chính trị, không thích, không cho cũng không sao.

Những ngày còn lại ở Việt Nam, chị Lan và thằng Út đi khắp phố phường coi đất đai cũng vui. Vì làm nghề xây dựng nên đầu làng cuối xóm, ngõ ngách nào nó cũng biết như ma xó, nhà này có gia đình sắp đi đoàn tụ muốn bán, căn kia phải giải quyết gấp, l‎ý‎ do là chủ nhà đã có hộ chiếu đi xuất ngoại vì vớ được đứa con lai, “mà chị ơi, cái miếng đất rộng mấy mẫu xéo xéo tiệm hớt tóc của ông Tư đó, mai mốt họ sẽ cắt đường xuyên lộ, tha hồ mà xây chung cư chị à”.

Trước ngày về mấy bữa, Chị Lan còn vét sạch hầu bao mua cho Út Trung một chiếc xe máy, khi chị hỏi:

- Út, em thích cái gì nhất ở đây vậy nhỏ?

Mắt sáng rỡ nó trả lời:

- Trong đời, em ước nhất chiếc xe “Giấc Mơ Một Trăm” đó chị.

Rồi chép miệng, nó nói tiếp:

- Có chiếc “ Giấc Mơ Một Trăm”, dân ở đây chỉ có lé mắt với em!

Thế là ngay hôm sau, nó đưa chị Lan ra đường Gia Long, kéo về một chiếc Honda Dream-100 màu đỏ chói mới bóc chỉ, rồ một cái, tiếng máy nổ nghe giòn tan, nó còn hớn hở:

- Chị có biết không, “một ngàn lời dụ dỗ, không bằng tiếng nổ xe “rim” đó nhé”

Chị Lan cũng mà vui lây cho cái ước mơ đơn sơ của thằng Út, cái thằng tính vẫn còn hồn nhiên, phá phách y như thuở nào, chị nắm lấy bàn tay đen đúa của nó mà bật cười ngặt nghẽo.

Tránh trời không khỏi nắng, trước hôm về, chị mượn chiếc xe “Giấc Mơ” đi khắp nơi để từ biệt họ hàng, đường về đang bon bon qua góc Hồng Thập Tự, chị bị một gã Công An áo vàng, tay cầm cây ba toong xấn ra giữa đường, xỉa ngay mặt chị miệng thổi còi “roét -roét”. Sợ quá, chị hãm ga, đạp thắng, suýt té trước mặt gã, chị gắt:

- Có gì không ông?

Cười sặc sụa, gã đáp một cách nham nhở:

- Thấy đẹp thổi lại nói chuyện chơi!

Tống tay ga, chị ngoái đầu lại:

- Làm hết hồn à.

Xong chị phóng mất.

***

Về đến Mỹ, chị huyên thuyên kể đủ thứ chuyện Việt Nam cho anh Đức nghe, cái xã hội lộn ngược, nghèo khổ quá, tội nghiệp quá. Khi nhắc chị có ý định xây nhà lại cho má thì anh Đức đồng ý ngay, còn cái khoản đầu tư địa ốc nghe không ổn, anh Đức gạt phắt:

- Thôi đi, luật pháp ở Việt Nam bây giờ còn lỏng lẻo, vả lại tiền làm ăn cực khổ đem đi đâu xa xôi, để dưới đầu giường cho chắc ăn em ơi.

Chị Lan phản pháo:

- Anh có biết người ta phất lên toàn từ địa ốc không, cơ hội như thế này khó kiếm, vả lại có thằng Út đứng tên giùm thì lo gì mình?

Sẵn trớn, chị Lan bồi thêm:

- Nên đầu tư ngay từ bây giờ, trong tương lai, em cũng muốn anh xin nghỉ hưu sớm, lúc ấy đâu đã vào đó, tha hồ mà đi làm việc thiện.

Anh Đức trầm ngâm không nói, nhưng rốt cuộc cũng chiều vợ, vài đêm sau ảnh bật đèn xanh cho chị.

Thế là từ đó, chị Lan và thằng Út lên kế hoạch mua những căn nhà mặt tiền đường, đang dựng bảng bán ở khu phường 10, Quận Tân Bình, dọc theo hành lang đường Ni Sư Huỳnh Liên, chị cứ đi đi về về, căn nào thu vô, thằng Út lo tu bổ, rồi mang đi cho thuê mặt bằng. Đã thế, đến năm 2000, vì mắc phải bệnh cao máu đứng hết nổi, chị Lan còn bán luôn cái tiệm "Stop N Go" để gom vốn đánh lớn; cứ như thế thấm thoát trong vòng 15 năm, chị đã có đến 12 căn nhà và 4 mẫu đất, toàn những góc phố chiến lược .

Cuối năm 2005, bà Năm mô tô qua đời, sau khi lo ma chay mồ mả tươm tất, quay về Mỹ, chị Lan còn mượn luôn quỹ tiền gìa của anh Đức, lấy lại vài căn đang cho thuê, rồi mở thêm một Công Ty buôn bán vật liệu xây dựng, một nhà giữ trẻ, và một quán Café có chiếu bóng đá qua Vệ Tinh, tất cả đều giao cho vợ chồng thằng Út Trung/Út Nhung làm quản lý.

Đúng theo ý chị Lan, mấy năm sau, điạ ốc ở Sài Gòn đột nhiên bùng nổ, giá nhà tăng vùn vụt một cách chóng mặt, nhà mặt tiền đường ở Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Thảo Điền, The Manor vv..vv….căn hộ nào cũng hét giá mấy trăm ngàn dollars, có cái lên tới bạc triệu, mà dòm chung quanh đi, thành phố thì khói xe mù mịt, nhớp nháp bẩn thỉu tả pín lù, hạ tầng cơ sở yếu sìu, cầu cống đường xá thì đào xới tùm lum, chất lượng xây dựng lại quá tồi vì bị móc ruột, nhà mới nhận, cửa nẻo ra vô vài lần đã bắt đầu xệ, tường nhà sơn phết nham nhở, vỏ tróc tứ tung.

Đã thế, còn cái khoản “Quyền Xử Dụng Đất” nữa chứ, mua đất mà chỉ được “quyền xử dụng” trong vòng 49 năm, thế thì đến năm thứ 50, chủ hộ hết quyền xử dụng bị tống cổ ra ngoài à, vậy mà dân Sài Gòn kéo theo Việt Kiều, Hoa Kiều, Ngoại Kiều, cứ ùn ùn tranh nhau mà mua, thiếu điều còn phải bốc thăm mới được phép, làm ông chủ dỏm Út Trung, bỗng nhiên trở thành một đại gia giàu sụ.

Thế là đổi mới đổi đời, mới ngày nào còn là một thằng bần cố nông khố rách áo ôm, nhưng bây giờ ông chủ lớn đã biết đua đòi chơi đồ hiệu, tiền lãi từ Café Loan Phụng, Công Ty Vật Liệu Xây Dựng Mai Trang, Nhà Trẻ Sóc Nâu, và 9 cái nhà cho mướn, đầu tháng tiền phố lợi tức thu về vài trăm triệu đồng, hai vợ chồng nó phải xài tới máy đếm, ối giời ơi, chứ không bẩn cả tay, mất thời giờ đi làm móng.

Ra đường xách cặp da có nhét theo máy vi tính y hệt đại gia, tay thằng Út Trung đeo đồng hồ Rado, lại bồi thêm gọng kiếng hiệu Ray Ban cho ra vẻ trí thức; áo trắng, com lê, cà vạt thơm phức thiệt đủ bộ, còn giầy tây thì nó phải phang lốp cốp trên hè đường cho oai chứ. Cần đi đâu, nó chỉ nhấp nhấp alô trong vòng 2-3 phút thôi, bác tài sẽ đánh xế hộp tới đón đi ngay, cái dĩ vãng đau thương của thằng Út Trung đẩy xe ba gác mướn ngày xửa ngày xưa, làm ơn quên giùm đi nhé.

Có một điều lạ là tình cảm của thằng Út đối vơí chị Lan bây giờ đã thay đổi nhiều, những emails, điện thoại chị gọi về cho nó, nó không thèm trả lời, lẽ ra nó phải báo cáo cho chị biết tiền lời ra vô như thế nào theo thoả thuận chứ, đâu phải tiền của nó đâu? Thế mà nó im re, emails thì bị trả ngược, phone nhắn về kiếm thì vợ nó nói, ảnh đã đi công tác rồi, “ảnh đi công tác rồi” ngẫm nghĩ tới lui, chị chỉ biết lắc đầu!

Nhưng rồi trong tâm xốn xang, chị Lan cũng muốn biết đầu đuôi như thế nào, để chị còn nói anh Đức xin nghỉ việc, những toan tính bao nhiêu năm nay đã nằm trong tầm tay, cây trồng đã đến ngày hái quả, anh Đức không còn phải dậy sớm đi làm. Một danh sách nhà dưỡng lão, điên, mù, cùi, mồ côi, chị có một đống ở đây đang cần bảo trợ hàng tháng, càng ngày chị càng hoang mang đi đứng không yên, trong lòng cứ rối lên như phải lửa. Chị cố kiếm cách bào chữa cho cái lý do nó trốn chị, ờ….chắc công việc làm ăn, đồng ra đồng vô nó đang kẹt, nên nó chưa có cơ hội báo cáo thôi mà.

Năm ngoái, anh Đức đến tuổi được nghỉ hưu, vẫn không thấy tăm hơi thằng Út, chị Lan muốn lần này phải đi Việt Nam để điều tra cho ra lẽ, chứ mấy năm biền biệt rồi, có nhịn thì nhịn, nhưng cũng vừa phải thôi chứ.

Đáp xuống Tân Sơn Nhất, đón taxi về tới nhà, có chìa khoá mở cửa vào nhà nhưng chẳng thấy ai, chị gọi di động thì nó cúp máy, nhắn thế nào đi nữa nó cũng không gọi lại. Buồn quá chị đi lang thang tới quán kem bà Tám hỏi thăm cho biết sự tình, khi thấy chị, bà Tám lên tiếng:

- Chào cô Lan
- Dạ chào bà Tám
- Cô Lan mới về hả?
- Dạ, con mới từ bển về, nhà đi vắng hết, bà có thấy Út Trung em con không bà Tám?

Bà Tám ngần ngừ:

- Kiếm tụi nó hả…..thôi tôi chia buồn cho cô, tụi nó đã bán hết ráo nhà đất của cô, nó gởi tiền đưa vợ con đi Úc trước rồi, còn nó, xấu hổ quá mà, sức mấy mà nó dám gặp mặt cô?

Bà Năm lên giọng kể tiếp:

- Lúc trước, thấy nó bán nhà, có người sinh nghi gạ hỏi, nó rêu rao là tiền hùn hạp với cô nó đã trả đủ, nhưng ai mà tin tụi nó, nếu trả đủ, tại sao bao nhiêu lần cô gọi về nó trốn mất tiêu vậy? Mà ít ỏi gì cô, nó cầm có đến vài triệu tiền bên bển đó chứ! Ở cái phường này ai mà không biết nó gạt cô, nhục nhã lắm cô ơi!

Vừa nghe xong, thấy choáng váng trong đầu, chị Lan cố gượng:

-Trời ơi! em con nó làm vậy hả bà Tám?

Bà Tám bổng nhiên tru tréo, làm như đang tức giùm cho chị Lan:

- Thằng đó tui còn lạ gì, nó là thằng lưu manh tán tận lương tâm, cô cứu nó chi để bây giờ nó phản cô vậy? Mà trước khi má cô chết, bả có tâm sự với tui nè, bả nói, chắc có ngày con Lan nó cắn lưỡi tự tử vì tin thằng Út này quá, đêm nằm bả nghe hai vợ chồng nó bàn tính gì đó, mà bả không dám nói cô nghe.

Lấy thêm hơi bà Tám nói tiếp:

- Bả thấy cô tin tụi nó quá, bả sợ nói ra tụi nó thù, tại bả sống chung với tụi nó mà.

Nghe vậy, chú Phước con bà Năm từ trong phòng bước ra, chú ôn tồn nhắc:

- Tôi khuyên chị nên cẩn thận, nó tung tin ra, nó nói chính quyền địa phương ở đây nó đả mua đứt, anh chị đừng lộn xộn về đây kiếm chuyện, nó xử bằng xã hội đen đó nghen, ờ….tui thấy nó có vẻ ngán ổng , vì ổng Không Quân hồi xưa phải không? Nói thiệt với chị, dân ở đây ai cũng thương chị hết, hễ có chuyện gì cho tui biết, tui đi làm chứng cho nghen?

Đến lúc đó chị Lan muốn té xỉu, bầu trời mây đen xám xịt như đang đổ xập, đầu chị choáng váng, nước mắt tự nhiên ứa ra, ngực chị đau nhói như có cái gì đang xuyên thấu. Chị cám ơn mọi người rồi quay đi nhưng bước chân trở nên nặng nề xiêu vẹo. Lảo đảo, chị phải ngồi bệt xuống đất, ôm mặt khóc tức tưởi, một lúc lâu chị mới gượng dậy được.

Qua ngày thứ ba, chị bị Công An phường mời lên làm việc, lần này nó ra mặt trên tờ đơn tố cáo, viên thượng úy phó Công An phường hăm dọa:

- Chào bà Lan, ông Trung chủ đứng tên nhà, ổng không muốn cho bà tá túc nữa, bà phải dọn ra ngay hôm nay, ổng còn thưa bà về tội ăn cắp, ổng nói bà về đây mấy lần, lần nào gia đình ổng cũng bị mất đồ, đồng thời, chúng tôi đã chuyển hồ sơ về vụ trộm cắp tài sản của bà lên Phòng Quản Lý Người Nuớc Ngoài, có thể bà sẽ bị trục xuất.

Nhưng chị nào ngờ, mời chị lên Công An chỉ là cái cớ khinh binh của thằng Út, khi chị bị kẹt trên phường, thằng Út cho người tới nhà thay toàn bộ ổ khoá, nên khi về tới, gã đàn em đứng canh nhất định cấm cửa không cho chị vào, mặc dù chị năn nỉ hết lời chỉ xin lại cái va li mà cũng không được.

Thấy hoàn cảnh tội nghiệp, bà chủ tịch phường nhảy vào can thiệp, gã đàn em đành mở cửa cho chị vào lấy lại hành lý. Nhưng hỡi ơi, khi mở va li ra, thằng Út Trung đã phỗng tay trên toàn bộ chứng từ, giấy tờ cam kết mà chị đã tích lũy trên 20 năm nay, cái bộ hồ sơ sẽ chứng minh cho sự công bình, cho lẽ phải, cho sự thật, chính chị mới là người bỏ tiền ra mua toàn bộ đống tài sản mà thằng Út Trung đang nắm trọn trong tay ngày hôm nay.

Ngoài thủ đoạn đê hèn trắng trợn, Út Trung còn cuỗm luôn sáu ngàn đô la chị Lan đã cẩn thận nhét kỹ dưới đống quần lót. Đêm đó, vì ức quá, chị bị lên cơn “tai biến mạch máu não” phải đi cấp cứu.

Khóc hết nước mắt vì mất của thì chị đau một, nhưng mất thằng em ruột thì chị đau mười, phải chi là người dưng, đằng này nó là thằng Út Trung, thằng em cùng chung máu mủ, thằng em thân thương nhất, gần gũi nhất. Hình ảnh những ngày ấu thơ của hai chị em lại lần lượt trở về trong giấc ngủ chập chờn, vậy mà nó nỡ cạn tàu ráo máng, đến những đồng tiền cuối cùng của chị, nó cũng lột sạch. Trời ơi, sao xã hội bây giờ lại sinh ra những hạng người kinh tởm, đốn mạt đến như vậy?

Nghe tin dữ, anh Đức bay về khẩn cấp, khi dìu chị ra khỏi nhà thương, ngoài phố trời đổ mưa tầm tã, phố xá đã lên đèn. Áp mặt vào ngực chồng, chị nấc lên nức nở:

-Mất hết rồi anh ơi, bây giờ em phải làm gì để chuộc lại sự lỡ lầm này

Anh Đức suy nghĩ một lúc rồi cúi xuống hôn vào tóc vợ:

-Thôi đừng tiếc nữa em, Út Trung dù sao nó cũng là thằng em ruột. Cũng vì sống trong cái xã hội đảo điên này nên nó mới ra nông nỗi vậy. Nó ăn ở mất nhân tính như thế thì cả đời nó sẽ sống trong sự nhục nhã ê chề. Có điều cướp ngang số tiền dành cho người nghèo khổ để làm của riêng thì tội đó nặng lắm, gía phải trả anh e không nhẹ đâu…..

Vuốt nước mưa trên mặt, anh nói tiếp:

- Cho dù thời gian không còn để chúng ta làm lại như xưa, nhưng em đừng lo, anh dư khả năng đưa em đi chơi bất cứ chỗ nào em thích, vì ngoài cái quỹ tiền già anh đưa em sử dụng, anh còn đến 3 cái nữa lận. Riêng chuyện làm việc thiện, em yên tâm đi, tụi mình có ít cho ít, có nhiều cho nhiều em à.

Anh Đức vừa dứt lời, dòng nước mắt đã cạn bỗng nhiên tuôn ra ướt đẫm bờ mi, từng giọt trôi xuống gò má hoà với những hạt mưa rơi rồi tan vào lưỡi chị. Trong vòng tay anh Đức, nước mắt chị đang nếm không còn nóng hổi mằn mặn như mấy bữa nay nữa, mà chị cảm thấy chúng sao mát rượi ngọt lịm. Chị thầm cảm ơn anh, người bạn đời có tấm lòng vị tha, hy sinh và thương yêu chị vô vàn.

Michael Bùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.