Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Như Cơn Gió Thoảng



Thoạt đến như cơn gió
Thoắt đi tựa bóng mây
Những si mê cuồng dại
Như gió thoảng mây bay

Ngẫu nhiên hay tiền định
Nợ trả hay nợ vay
Bao kẻ đời xa lạ
Gặp gỡ rồi chia tay

Trên đường đời ai đi
Bao hội ngộ chia ly
Cơ duyên chừ đã định
Vui chi buồn mà chi ...


Làng Nam  

***

Truyện ngắn dưới đây được trính từ quyển hồi ký "Dòng Đời Trôi Nổi" của tác giả
Trần Quốc Sỹ
Thời điểm  Sài Gòn, đầu năm 1970.

(1)
....
....
....
Hôm ấy,  một buổi chiều thứ Bảy, một buổi chiều đầu Xuân, có nắng vàng hanh và những cơn gió nhẹ, Duy đến rủ tôi đi xem phim tại Hội Việt Mỹ rồi sau đó bát phố Lê Lợi. 

Hội Việt Mỹ nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, khoảng giữa đường Phan Thanh Giản và đường Tự Đức, là nơi thu hút rất nhiều sinh viên và học sinh.  Ngoài việc dạy Anh Văn, nơi đây, họ có nhiều chương trình rất hữu ích như chiếu phim, hoà nhạc, triễn lãm tranh ảnh nghệ thuật, v.v...Những khi rảnh rỗi, Duy hay đến tôi và hai đứa kéo nhau đi Hội Việt Mỹ xem phim hay qua bên Thư Viện trường Lê Quý Đôn để mượn sách.   Phim hết, tôi và Duy ra khỏi phòng chiếu phim, bước đều trên cái hành lang dẫn ra cửa, vừa đi vừa bình luận và tranh cãi về cuốn phim vừa xem.   Đang say mê biện luận cho ý kiến của mình, bỗng tôi nghe tiếng kêu 'ái da" của một người con gái và một thân thể rất mềm mại chạm mạnh vào tôi.  Tôi quay người lại thì mới biết, vì mải mê tranh luận với Duy, tôi đã không thấy nên vô ý đụng vào một người con gái đang đi phía tay trái, ngay góc của cái hành lang.   Sách vở vuột khỏi tay cô văng tung toé trên sàn gạch.  Tôi cúi xuống thật nhanh, nhặt những quyển sách, những tờ giấy vung vãi trên mặt đất, ngỏ lời xin lỗi:
-Ồ, tôi xin lỗi, tôi thật vô ý, cô có sao không?

Người con gái, cúi xuống nhặt những vật dụng của cô, quay lên,  lí nhí trả lời, giọng nửa Nam nửa Bắc:
-Dạ ...không sao.

Lúc này, tôi mớI nhìn kỹ gương mặt thanh tú của cô.  Cặp mắt bồ câu đen nhánh, cánh mũi thẳng và đôi môi hồng, tất cả được đặt rất cân đối trên gương mặt trái soan.  Thêm vào đó, chiếc miệng thật xinh cùng hàm răng trắng, đều như hạt bắp đã tạo nên gương mặt cô một nét kiều diễm, rất dễ thu hút người đối diện.  Với  mái tóc đen huyền cắt xoã ngang vai, cô mặc một cái áo xách nách màu xanh nhạt, cổ áo rộng khoét sâu, ẩn hiện cái áo lót trắng ôm gọn bộ ngực vừa nảy nở.   Phần dưới là một cái váy màu xanh thuỷ đậm, điểm những cánh hoa trắng nhỏ dài ngang đầu gối, che đôi chân mịn màng, thon dài.  Ở thế đứng, vô tình tôi được nhìn rỏ những gì bên trong qua cổ áo rộng.  Một cái nốt ruồi son nổi bật trên làn da trắng, ngay chỗ giao tiếp của hai gò bồng đảo.  Vùng da thịt nõn nà giữa cổ áo đột nhiên làm tôi ngây ngất.  Như biết được tôi đang lén nhìn nàng, cô e thẹn, dơ tay lên ngang ngực như cố bảo vệ sự riêng tư của nàng.  Tôi đưa mấy quyển sách cho cô, nhẹ giọng:
-Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi vì đã vô ý đụng vào cô.  Mong rằng cô không hề hấn gì.

Cô nhận sách từ tôi, đứng lên,  ửng hồng đôi má,  đáp nhỏ:
-Cám ơn anh, tôi không sao.  Thực ra, lỗi cũng tại tôi một phần.  Cũng vì tôi mải nhìn lên tìm cái phòng đọc sách nên không thấy anh.

Tôi cười:
-Thôi chúng ta đừng xin lỗi nhau nữa.  Cô không hề hấn gì là điều tốt rồi.  Cô muốn đến phòng đọc sách hả? 
-Dạ.

Ôi chao, tiếng "dạ" nghe sao êm ái lạ.  Tôi chợt cảm thấy tâm hồn mình lại chao đảo, ngây ngất. 

-Tôi sẽ đưa cô đến đó.  Tôi biết chỗ.

Tôi đưa mắt nhìn Duy, ngầm bảo nó đứng chờ, rồi nói quay sang nói với cô:
-Cô đi theo tôi nhé.

Cô gật đầu bước theo tôi.  Tôi chậm rãi đi bên cô, bắt chuyện:
-Tôi tên Sỹ, Trần Quốc Sỹ.  Cô tên gì, có thể cho tôi biết được không?

Vẫn bước đều bên tôi, cô đáp nhỏ:
-Dạ tên Vân Anh, họ Vương.

Vân Anh.  Lại cái tên Anh dễ thương.  Tôi chợt bồi hồi nhớ đến  những kỷ niệm của những năm xưa tại Phan Sào Nam.  Tôi chợt nhớ đến Mai Anh.  Tôi quay sang người con gái có giọng nói êm dịu, nửa Nam nửa Bắc, khen:
-Vân Anh, tên nghe hay quá, thanh thoát quá.  Có lẽ Vân Anh đến đây lần đầu?

Cô mỉm cười, đáp:
-Dạ vâng.  Khu này rộng ghê đi, không biết đâu mà mò.  Cứ như lạc vào rừng rậm.
-Vân Anh học ở đâu, trường nào?
-Vân Anh đang học đệ Tứ, Gia Long.  Còn anh?
-À, trường Gia Long, áo trắng.  Anh đang học đệ Nhị, Hưng Đạo.  Anh nghe nói mấy cô Gia Long làm cao lắm, có đúng như vậy không?

Vân Anh đang bước, chợt đứng lại, quay nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng có vẻ hơi bất bình:
-Ai nói vớI anh như vậy?  LờI đồn vô căn cứ.  Vả lại, Gia Long thì có gì mà làm cao.  Nếu bây giờ Vân Anh nói vói anh rằng mấy anh Hưng Đạo thiếu tế nhị, anh nghĩ thế nào?

Biết mình lỡ lời, tôi chống chế:
-Anh xin lỗI Vân Anh, anh không có ý chê mấy cô Gia Long, anh chỉ nghe nói vậy thôi.  Nhưng anh biết chắc chắn một điều là ai nói câu này có lẽ chưa gặp Vân Anh.  Dễ thương như Vân Anh, không thể nào làm cao được.

Mặt Vân Anh dịu lại, mỉm cườI e thẹn:
-Anh khéo nịnh.  Vân Anh không dễ thương như anh nghĩ đâu.
-Anh nói thật.  Vân Anh có giọng nói và nụ cười rất lôi cuốn, hấp dẫn người đối diện.
-Cám ơn anh.
 
Đi khoảng dăm phút, chúng tôi cũng đến cửa phòng đọc sách.  Tôi đứng lại, nói:
-Đây là phòng đọc sách.  Vân Anh muốn đến đây phải không?

Vân Anh gật nhẹ, nói như thoảng:
-Dạ phải.  Cám ơn anh rất nhiều.

Giọng nói của Vân Anh, được pha trộn giữa Nam và Bắc, thật trong, thật nhẹ, thật êm, thoang thoảng như làn gió quê đồng nội.  Giọng nói êm nhẹ đó đã xoáy mạnh vào hồn tôi.  Người tôi bỗng rạo rực, một cảm giác lâng lâng, chất ngất chợt len lỏi vào từng thớ thịt trong người, toả lan vào tận cùng trái tim đang đập mạnh trong lồng ngực.   Tôi nhất định phải làm quen với người con gái này.  Tôi nhẹ giọng, hỏi:
-Bây giờ anh phải rời nơi đây nhưng chúng ta có thể gặp lại không?  Anh muốn được làm bạn với Vân Anh, được không?

Vân Anh chợt trở nên lúng túng, đỏ bừng đôi má, quay đi, chớp chớp đôi mắt:
-Dạ ...không biết nữa?

Tôi cười nhẹ:
-Tại sao lại không biết?

Vân Anh cúi đầu, thẹn thùng đáp nhỏ:
-Dạ...cũng không biết nữa?

Sự lúng lúng, thẹn thùng của Vân Anh càng làm tăng thêm vẻ đẹp thơ ngây của người con gái đang ở tuổi xuân thì.  Vân Anh chợt ngẩng lên nhìn tôi hỏi:
-Hình như bạn của anh còn đứng chờ anh ngoài kia phải không?
-À, Duy.  Nó tên Duy.  Kệ nó để cho nó đứng chờ một lát, không sao đâu.  Vân Anh chưa trả lời câu hỏi của anh?

Vân Anh vẫn không trả lời câu hỏi của tôi mà hỏi lại:
-Anh với anh Duy chắc thân nhau?
-Anh mới quen nó từ đầu niên học, nhưng hai đứa thân nhau lắm. 

Tôi say đắm nhìn Vân Anh.  Gương mặt này, đôi mắt này đã thực sự làm con tim tôi, tưởng đã ngủ yên sau mối tình con nít với Mai Anh, chợt tỉnh giấc và bừng lên, sôi động với sự sống thật mãnh liệt.  Nhìn sâu, thẳng vào mắt Vân Anh, tôi hỏi nhỏ:
-Thế chúng ta có thể thân nhau không?

Câu hỏi bất ngờ của tôi đã làm Vân Anh trở nên bối rối.  Nàng cúi đầu, tay mân mê quyển sách trên tay.  Tôi nói tiếp, rất chân thành:
-Anh xin lỗi đã làm Vân Anh khó nghĩ.  Đáng lẽ anh không nên hỏi Vân Anh câu này.  Nhưng thôi, Vân Anh đừng trả lời, anh không muốn bị hụt hẫng.  Anh đề nghị như thế này nhé, coi như ngày hôm nay là ngày đầu tiên chúng ta quen nhau, nếu mình có duyên thì minh sẽ gặp lại nhau.  Anh cũng hay tới đây, cũng hay vào phòng này đọc sách, nếu Vân Anh muốn làm bạn với anh, chúng ta gặp nhau ở đây.  Còn chuyện thân nhau, chúng ta hãy để thời gian trả lời câu hỏi này.  Chịu không?

Nàng gật nhẹ.
-Bây giờ anh phải đi. Hẹn gặp lại.

Nói xong, tôi quay bước mà lòng nghe rộn rã.  Con tim tôi chợt reo vui với niềm vui dâng tràn.   Tôi đi ngược trở lại phòng chiếu phim,  Duy đang ngồi trên băng ghế ngoài sân, chăm chú đọc sách.  Tôi đến bên nó, nói:
-OK, mình đi Duy.

Duy gấp quyển sách lại, nhìn tôi hỏi:
-Làm nghĩa vụ với người đẹp xong chưa?  Con bé nhìn cũng xinh đó chứ.  Mày có tính chuyện làm quen với nàng không?
-Khỏi phải hỏi, quen rồi.  Nàng tên là Vân Anh, học lớp Đệ Tứ, Gia Long áo trắng.
-Ah, con gái Gia Long.  Nhà nàng ở đâu?

Nghe Duy hỏi, tôi chợt nhớ là mình quên không hỏi địa chỉ của nàng.  Ừ nhỉ, tôi cũng không biết nàng ở đâu.  Chỉ biết là nàng học ở Gia Long.  Mà tôi cũng không biết là nàng có thật tình học ở Gia Long không nữa?  Lỡ nàng nói dối thì sao?   Lỡ nàng không bao giờ trở lại Hội Việt Mỹ thì sao?

Nhưng dường như đôi mắt ấy rất thành thật khi trả lời những câu hỏi cuả tôi.  Đôi mắt ấy không thể nào là đôi mắt dối gian được.  Tôi nhớ tới lời tôi nói với nàng "nếu mình có duyên thì mình sẽ gặp lại nhau".   Tôi tin tưởng rất mãnh liệt là nếu định mạng đã sắp đặt để tôi và nàng quen nhau, thân nhau, tôi sẽ gặp lại nàng, còn bằng không, âu cũng là số mạng.  Dường như trong tâm hồn tôi đã nảy sinh một tình cảm rất đặc biệt dành cho Vân Anh.   Tôi trả lời Duy:
-Tao cũng không biết nàng ở đâu?  Tao hẹn nàng sẽ gặp nhau tại đây.  Nếu trời cho tao được quen nàng, thì tao sẽ gặp lại nàng.  Còn bằng không, âu cũng là duyên số.

Duy cười:
-OK, cứ mơ mộng đi cưng.
-Ai cấm được tao mơ?

Tôi và Duy cùng cười.  Chúng tôi rời Hội Việt Mỹ khi những đọt nắng vàng đang ngả dần về phương Tây.
Những ngày sau đó, buổi chiều nào tôi cũng tới Hội Việt Mỹ, ngồi trong phòng đọc sách để chờ Vân Anh.  Tôi kiên nhẫn ngồi nơi cái bàn đối diện với cửa ra vào, chờ đợi và ngóng trông.  Nhưng chiều nào cũng thế, mỗi lần tới Hội Việt Mỹ tôi đều mang niềm hy vọng tràn trề là sẽ gặo lại Vân Anh, nhưng sau đó tôi lại thất vọng ê chề để rồi cuối cùng lặng lẽ ra về với một nỗi trống vắng tận cùng.   Vân Anh vẫn biệt âm vô tín. 
 
Hôm nay, cũng là một buổi chiều thứ Bảy, đúng một tuần, kể từ ngày tôi tình cờ đụng phải nàng con gái Gia Long có gương mặt khả ái, đôi mắt đẹp và hàm răng trắng đều, trước cửa phòng chiếu phim.  Bảy ngày đã vụt trôi qua.  Bảy ngày, vâng, tôi đã chờ đợi nàng bảy ngày rồi mà nàng vẫn biệt tăm như chim trời, cá biển.  

Chiều nay, một lần nữa, tôi lại ngồi nơi cái bàn đối diện với cửa lớn, quyển sách trên tay mà chẳng đọc được chữ nào.  Trí óc tôi suy nghĩ vẩn vơ, ý nghĩ bồng bềnh trong tiềm thức, lang thang, trôi nổi về nơi vô định.  Tôi bồn chồn, thấp thỏm, mắt vẫn liếc chừng về phía cửa ra vào.   Cứ mỗi bóng người thoáng qua là tôi lại ngẩng lên với niềm hy vọng sẽ là Vân Anh nhưng để rồi lại tiu nghỉu, thất vọng khi đó chỉ là những khuôn mặt xa lạ.   Tôi chợt hối hận và tự trách mình không thực tế vì đã không hỏi Vân Anh địa chỉ của nàng.  Tuy thời đó, chúng tôi không thể liên lạc bằng điện thoại, cel phôn, email như ngày nay, nhưng chúng tôi cũng có thể liên lạc bằng thư từ.  Ít nhất, tôi còn biết nàng ở đâu.  Nếu cần, tôi cũng có thể đi tìm nàng.  Nhưng một tư tưởng trái ngược khác lại dấy lên trong tâm trí tôi.   Nếu Vân Anh không thực tâm muốn gặp tôi, thì dù tôi có hỏi, nàng cũng có thể cho tôi địa chỉ giả, hoặc nàng cũng có thể nhận thơ tôi rồi quăng vào sọt rác, hay không hồi âm thì cũng thế.  Trong lãnh vực tình cảm, không ai có thể bắt buộc được người khác thương yêu mình. Nếu định mạng không cho tôi gặp Vân Anh thì dù tôi có cố gắng cách mấy, tôi cũng chẳng làm được gì. Thật là cái vòng luẩn quẩn.  Hai dòng tư tưởng mâu thuẫn, trái ngược đang giằng co, xung đột trong tâm tưởng của tôi. 

Một bóng người lại thoáng qua khung cửa.  Tôi ngẩng lên. 

Lần này tôi suýt hét lên sung sướng.  Con tim tôi reo vui như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực của mình.
Người vừa bước vào khung cửa không ai khác ơn là Vân Anh.
Vâng, người con gái mà tôi mong đợi suốt một tuần lễ đã xuất hiện nơi khung cửa rộng như một nàng tiên hiền diệu.  Vân Anh hôm nay mặc quần jean, áo polo trắng điểm vài cái hoa nhỏ, bó sát, ngắn tay, cổ áo cũng khoét sâu xuống vùng giao tiếp của hai gò bồng đảo.  Mái tóc nàng hôm nay được tém gọn và cột  đuôi gà ngược ra phía sau để lộ cái cổ cao trắng ngần được trang điểm với một sợ dây chuyền vàng óng ánh.  Dáng dấp thật thanh tao, Vân Anh bước nhẹ vào bên trong, thấy tôi, gương mặt nàng chợt bừng lên rạng rỡ.  Tôi đưa tay vẫy nhẹ.  Nở một nụ cười thật tươi, nàng tiến về phía tôi, hỏi:
-Anh đến đây lâu chưa?

Kéo cái ghế cho Vân Anh ngồi đối diện, tôi đáp:
-Anh cũng mới tới, khoảng mười lăm phút.
-Gớm cả tuần nay Vân Anh bận quá, không tới đây được.   Trong tuần, anh có đến đây không?

Không muốn cho Vân Anh biết mình là kẻ si tình, tôi nói dối:
-Không.  Anh cũng bận nên không có thì giờ đến đây.  Thật tình, hôm nay anh không hy vọng  gặp  Vân Anh tại chỗ này.  Anh nghĩ đây là dấu hiệu tốt, một sự sắp đặt trước, nên chúng minh mới gặp lại nhau.

Tôi không biết Vân Anh có cùng một ý nghĩ như tôi không nhưng nhìn gương mặt tươi vui của nàng, tôi đoán nàng cũng mong được gặp lại tôi.  Có lẽ tôi hơi chủ quan, nhưng linh tính cho tôi biết điều đó.  Vân Anh nhìn quyển sách trên tay tôi, hỏi:
-Anh đang đọc quyển gì vậy?

Tôi đưa quyển sách đang đọc dang dở cho nàng, nói:
-Love Story, viết bởi Erich Segal, một nhà viết kịch bản cho nhiều bộ phim Mỹ nổi tiếng.  Quyển này mới xuất bản và đang là quyển truyện ăn khách nhất bên Mỹ.

Vân Anh đưa tay cầm quyển truyện, thoáng nhìn cái bìa rồi kêu khẽ:
-A, quyển Chuyện Tình.  Vân Anh có nghe tụi bạn nói đến quyển truyện này nhưng chưa có dịp đọc.  Trời ơi, anh giỏi quá, anh đọc được bản Anh ngữ nữa cơ.  Em thì chịu thôi.

Vân Anh vừa xưng "em" với tôi.  Chữ "em" nghe thật dịu dàng, êm ái, nồng nàn và lịm ngọt.  Chữ "em" chứa đựng cả một vùng trời yêu thương, tha thiết.  Tôi sung sướng đến tê người.  Tôi mỉm cười, đáp:
-Giỏi gì?  Anh vừa đọc, vừa đoán mò.  Có nhiều chữ anh cũng không hiểu, phải tra tự điển.  Anh nghĩ đây là cách học Anh Văn rất tốt.  Cũng may, quyển này, tác giả viết tương đối cũng dễ đọc. 
- Anh đọc đến đâu rồi?
- À, anh đang đọc đến đoạn Jennifer và Oliver yêu nhau và sắp sửa lấy nhau. Trong quyển sách này có một câu nói của Jennifer mà báo chí cho là câu nói bất hủ: "Love means never having to say you're sorry" có nghĩa là "Yêu là không bao giờ phải nói lời xin lỗi" nhưng anh thích dịch nó là "Yêu là không bao giờ hối tiếc hay ân hận".  Câu nói thật trữ tình, thật ý nghĩa.

Vân Anh nói bằng giọng trầm, buồn:
-Em nghe tụi bạn nói đoạn kết buồn lắm.
-Ừ, anh cũng nghe nói vậy mặc dầu chưa đọc tới đoạn đó.  Những nhà phê bình cho đó là điểm ăn khách của quyển truyện này.  Hình như, họ dự đình sẽ làm phim, có lẽ năm tới thì xong.  Khi nào phim ra rạp, anh sẽ mời em đi xem.
-Thật không?  Nhớ đó.
-Đương nhiên rồi.  Anh sẽ nhớ.

Kể từ buổi chiều hôm đó, tôi và Vân Anh trở nên gân gũi và thân nhau hơn.  Chúng tôi thường gặp nhau tại Hội Việt Mỹ.  Vài tuần sau, nàng đưa tôi về nhà, giới thiệu với gia đình, và cũng chỉ một thời gian ngắn, tôi trở nên rất thân thiết với gia đình nàng.

Gia đình Vân Anh cư ngụ trên mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật, khoảng gần đường Phan Đình Phùng (sau này đổi thành Nguyễn Đình Chiểu), cách nhà tôi chừng vài cây số.   Bên cạnh nhà Vân Anh là một con hẻm nhỏ, vì thế, nhà nàng có một cái cửa hông.  Tôi thường đến nhà Vân Anh khoảng sau bữa ăn tối, dựng xe bên con hẻm rồi vào nhà bằng cửa hông, trò chuyện vớI nàng trong khi nàng rửa chén cho tới khuya mới về. 

Vân Anh kể cho tôi nghe về gia đình nàng.  Cũng một hoàn cảnh như gia đình tôi, bố mẹ của Vân Anh di cư vào Nam năm 54 và sinh sống bằng cách buôn bán.  Họ mở một tiệm bán sách và văn phòng phẩm, lấy tên hiệu là Thái Nguyên.  Ông bà Thái Nguyên có bốn người con, hai trai, hai gái.  Quang, người con trai đầu lòng,  bằng tuổi tôi, đang học Đệ Nhị Chu Văn An.  Vân Anh là con gái kế, sau đó đến Tân và Vân Quỳnh.  Ngoài ông bà Thái Nguyên và bốn người con, trong nhà Vân Anh còn có một người đàn bà nữa mà Vân Anh gọi bằng Dì.  Dì Hạnh, tên của người đàn bà, là em gái bà Thái Nguyên, người nhỏ nhắn nhưng Dì có gương mặt rất phúc hậu và giọng nói thật nhỏ nhẹ.  Dì Hạnh không có chồng,  Dì sống chung với gia đình Vân Anh từ khi vào Nam.  Dì Hạnh rất quý mến tôi,  Dì thường để dành cho tôi những món ăn mà tôi thích những lần tôi đến chơi.  Ông Thái Nguyên còn có một căn nhà ở Lái Thiêu. Vì một lý do nào tôi không rõ,  ông thường ở trên Lái Thiêu và ít khi ở Sài Gòn.  Bà Thái Nguyên cùng Dì Hạnh chung nhau trông coi tiệm sách.

Thấm thoát, tôi đã quen Vân Anh hơn sáu tháng.  Mặc dù khoảng thời gian rất ngắn ngủi, chúng tôi thân nhau như đã quen nhau từ lâu lắm rồi.  Tôi vẫn hay đón đưa Vân Anh đi học Anh Văn tại HộI Việt Mỹ.  Thỉnh thoảng, hai đứa cũng lén lút hẹn hò, đi xi nê hoặc bát phố.  Tôi đã giữ lời hứa và đưa nàng đi xem phim Chuyện Tình, với Ali McGraw thủ vai Jenny và Ryan O'neal thủ vai Oliver.  Hôm đó, mắt Vân Anh đã đẫm lệ.

Dầu vậy, không hiểu vì sao, tình cảm của tôi và nàng không nảy nở, sôi động, cuồng nhiệt mà vẫn cứ bình lặng như mặt nước hồ thu.   Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện yêu đương.  Chưa bao giờ tôi hôn nàng dù chỉ là cái hôn phớt trên má.  Con tim thật khó hiểu và hình như nó có lý lẽ riêng của nó.  Tình cảm của tôi và Vân Anh cứ dậm chân tại chỗ,  không tiến triển,  mặc dầu chúng tôi có rất nhiều cơ hộI.  Chúng tôi đối xử vớI nhau như hai ngườI bạn rất thân, nhưng vẫn chỉ là hai người bạn. 
Thật tình, tôi cũng không biết tại sao?

Cuối năm đệ Nhị tôi hồ hỡi, anh dũng vác lều chõng tham dự kỳ thi Tú Tài phần thứ nhất.   Ngày đi xem kết quả, tôi chắc mẫm là ít nhất mình phải đậu Bình.  Nhưng, cũng chữ nhưng  quái ác, tôi đã dò lên, dò xuống, dò ngang, dò dọc, dò tới, dò lui, dò mòn cả giấy.... mà vẫn không thấy tên mình đâu cả.
 
Tôi thất thểu trở về mặt ỉu xìu như một cái bánh bao chiều.


(2)
....
 
Gia đình tôi sau những phút ngỡ ngàng, một lần nữa đã an ủi cho sự "kém" may mắn của tôi bằng câu tục ngữ bất hủ "học tài thi phận".  Bố mẹ tôi tuy không nói lời nào nhưng tôi biết ông bà cũng buồn lắm, nhất là bố tôi.  Ông biết chuyện gì sẽ xảy ra cho thằng con trai của ông.  Rồi nó sẽ bị bắt lính và gởi ra đầu tuyến để bảo vệ non sông.  Nó có thể sẽ không trở về.

Duy, Nam, Sơn, Quang và đám bạn bè cùng lớp chiều hôm ấy kéo đến đầy nhà định rủ tôi ra Nguyễn Tri Phương làm vài chậu nghêu, uống vài chai bia ăn mừng.  Khi biết tôi trượt vỏ chuối cả bọn đều chưng hửng. 

"Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí".  Tôi đã nghe câu này nhiều lần nhưng chẳng bao giờ nghĩ rằng nó sẽ áp dụng cho mình.  Cùng buổi tối hôm đó, kẻ gian đã "thổi" mất chiếc Honda dame của tôi dựng trước cửa nhà, mặcdù tôi đã khoá kỹ với hai ổ khoá to tổ bố.  Tại sao số tôi lại xui như vậy?  Tôi vừa rớt Tú Tài bây giờ lại bị mất "xế".  Cuộc đời đối với tôi bây giờ trở nên vô nghĩa. Tôi rút lên gác vớI sự xấu hổ ê chề, và chán nản tột cùng.  Tôi tránh mặt tất cả mọI người.  Tôi không muốn gặp bất cứ một ai.  Tôi không muốn nghe ai nói đến hai chữ Tú Tài. Tôi thù ghét tất cả...

Hơn một tuần lễ sau, tôi cuốc bộ đến thăm Vân Anh.  Nhìn gương mặt ỉu xìu, đưa đám của tôi, nàng đã biết chuyện gì xảy ra.  Vân Anh lặng lẽ nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng, an ủi tôi bằng những lời lẽ rất chân tình:
-Anh đừng buồn, cuộc đời không chỉ có cái Tú Tài.  Em biết là anh đang buồn nhưng anh phải hiểu giá trị một ngườI không tuỳ thuộc vào mảnh bằng mà tuỳ thuộc vào tư cách của người đó.  Những người có bằng cấp đôi khi còn hành xử thua những người thất học.  Thi rớt không phải là một cái tội.  Vả lại, tương lai anh còn dài.  Đối vớI em, anh vẫn là anh, dù gì đi nữa.

Tôi cúi mặt không dám nhìn thẳng vào Vân Anh, đáp nhỏ:
-Cám ơn em đã an ủi anh, nhưng anh cảm thấy mình là thằng ăn hại, vô tích sự.  Anh xấu hổ mỗi khi đến nhà em.

Vân Anh nghiêm giọng:
-Anh nghĩ em là người như thế nào?  Taị sao anh lại để cái bằng Tú Tài chi phối con ngườI anh như vậy?  Anh làm em thất vọng, em tưởng anh là con người có nghị lực.

Vân Anh nói đúng, những ngày qua tôi không có một chút nghị lực nào cả.  Trước mắt tôi, cuộc đời giờ đây là một hố sâu thăm thẳm, một đại dương mênh mông, một ngọn thái sơn hùng vĩ mà tôi chỉ là một kẻ lữ hành mệt mỏi, kiệt lực vì đói, khát.  Thú thật, đã có lúc, ý định kết liễu cuộc đời, giải thoát khỏi những ê chề đã lảng vảng trong đầu tôi.   Nhưng tôi không can đảm tự huỷ hoại đòi mình.  Tôi vùng vẫy, cố thoát ra khỏi sự tuyệt vọng nhưng hầu như càng vùng vẫy tôi lại thấy mình bị trói chặt hơn.

Những lờI nói của Vân Anh bỗng như một gáo nước lạnh tạt vào người, đã làm tôi bừng tỉnh.  Chẳng lẽ con người tôi lại bạc nhược đến thế sao?  Vân Anh nói rất đúng, cuộc đời tôi không chỉ lệ thuộc vào cái bằng Tú Tài hay chiếc Honda.  Tôi còn quá trẻ, tương lai tôi còn dài.  Thua keo này, ta bày keo khác, tôi đã nghe câu nói này nhiều lần.  Tôi phải can đảm đứng dậy và vượt qua những mặc cảm đang khoả lấp con người tôi, đang kéo tôi xuống vực sâu thăm thẳm.  Tôi cầm tay Vân Anh, bóp nhẹ:
-Cám ơn em đã cho anh thấy một chút ánh sáng ở cuối đường hầm.  Anh hứa sẽ cố gắng.

Vài tuần sau đó, tôi dần dần lấy lại thăng bằng của cuộc sống.  Tôi đã phần nào nguôi ngoai được nỗi chán chường thất vọng.  Tôi trở lại vớI cuộc sống hằng ngày.  Tôi thầm cảm ơn Vân Anh đã giúp cho tôi thoát khỏi vũng lầy mà tôi tưởng chừng như sẽ không bao giờI ra khỏi.

Tôi lại đến thăm Vân Anh, tuần vài lần.  Nhưng những lần sau này, tôi cảm thấy một cái gì không ổn đã xảy ra giữa tôi và gia đình của Vân Anh.   Mặc dù tình cảm của Vân Anh dành cho tôi vẫn không thay đổI, vẫn dịu dàng, vẫn săn sóc tôi như cũ, nhưng tôi nhận ra bà Thái Nguyên không còn đối xử vơi tôi như xưa.  Bà không còn vồn vã mà chỉ lạnh lùng nhìn tôi với sự khó chịu hiện rõ trên nét mặt.  Riêng Di Hạnh, hình như Dì cũng thất vọng rất nhiều về tôi, mặc dù bà tế nhị không để lộ ra ngoài.  Quang, ngày xưa vẫn coi tôi như bạn, bỗng dưng cũng có thái độ lạnh nhạt, khác thường.

Tôi xót xa biết rằng chuyện tình của tôi và Vân Anh có thể sẽ không bao giờ thành tựu.  Để tránh sự bẽ bàng, tôi từ từ giảm bớt sự tới lui vớI gia đình nàng.  Tình cảm của tôi và Vân Anh cũng vì đó có phần phai nhạt ...
....
.....
.....
Hai năm sau ...
Kể từ khi nhập ngũ, tôi ít gặp Vân Anh.  Thỉnh thoảng tôi cũng tới thăm nàng mỗi khi đi phép, đến nhà nàng chuyện vãn, có khi cả mấy giờ đồng hồ nhưng chúng tôi không đi chơi riêng vớI nhau nữa.  Vì thế, tình cảm của tôi vớI nàng cũng đứng ì, dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói có phần phai nhạt. Tôi cũng có ý dò hỏi Vân Quỳnh để xem Vân Anh đã có bạn trai hay chưa thì Vân Quỳnh cho tôi biết là nàng chẳng có ngườI nào gọI là người yêu cả.  Tôi cảm thấy lòng mình bị giằng co bởI hai nỗI vui, buồn lẫn lộn, khó diễn tả.

Tuy vậy, buổi tối hôm đó trước khi ra phi trường để lên đường đi nghiệp tại Hoa Kỳ, tôi cũng đến thăm Vân Anh để từ biệt.
Xúng xính trong bộ đồ lễ phục màu xanh đậm của Không Quân, tôi đến nhà Vân Anh.  Bà Thái Nguyên và Quang đi vắng.  Ở nhà chỉ còn Dì Hạnh, Vân Anh, Tân và Vân Quỳnh.  Dì Hạnh đang bận trên gác, Tân và Vân Quỳnh đang chơi ở ngoài sân, trong phòng chỉ mỗI mình tôi và Vân Anh.
 
Vân Anh ngắm tôi từ đầu đến chân vớI niềm vui rạng rỡ:
-Trông anh kìa, cũng oai ra phết.

Tôi cũng thấy vui, cười lả vả:
-Thật là buồn cười, cuối cùng thì anh cũng đã làm được một cái gì.  Cuối cùng thì anh cũng đậu Tú Tài và bây giờ lại được đi du học.

Vân Anh mỉm cười:
-Em đã nói với anh, cuộc đờI khó có ai biết trước được thế nào là may và thế nào là rủi.  Những điều mình cho là may chưa chắc nó đã đích thực là may mắn, còn những việc có thể trong chốc lát xem như rủi, chưa chắc đã là điều bất hạnh.

Tôi cầm tay Vân Anh:
-Cám ơn em đã cảm thông vớI sự thiếu nghị lực của anh.  Đêm nay anh lên máy bay đi tu nghiệp tại Mỹ, trong những ngày tới, anh sẽ nhớ em nhiều.  Anh thành thật xin lỗI em về những tháng ngày đã qua.
 
Vân Anh đáp nhỏ:
-Em hiểu tâm trạng của anh.  Em không trách anh.  Hãy quên đi chuyện cũ, tương lai anh còn trước mặt.  Em cầu chúc anh được mọi điều may mắn.

Tôi bồi hồi, cảm động không nói được nên lời.  Trong lòng tôi dâng tràn một nỗI vui mừng khó tả.  Tôi bóp nhẹ tay Vân Anh:
-Anh thật có lỗI vớI em.   Để đền bù, anh sẽ tặng em một món quà tuỳ em lựa chọn.  Khi anh về, em muốn anh đem về cho em món quà gì nào?

Vân Anh reo như một đứa trẻ:
-Thật không? Nếu có thể, anh cho em xin một bức tượng Nữ Thần Tự Do.  Em rất thích bức tượng này.   Nhìn trên báo chí, em thấy bức tượng hùng vĩ quá.

Tôi cườI:
-Tưởng gì, anh sẽ đem về cho em một bức tượng thật đẹp.
-Anh đi bao nhiêu lâu?
-Khoảng một năm.   Anh sẽ về kịp kỳ thi Tú Tài 2.  Anh muốn được làm sinh viên.  Nếu đậu,  anh sẽ ghi danh vào Văn Khoa.

Vân Anh nhìn thẳng vào mắt tôi:
-Anh là ngườI thông minh, em tin anh sẽ thành công.
-Cám ơn em.

Bỗng dưng tôi cảm thấy tim mình đập loạn xạ, lòng dạt dào một niềm cảm xúc dâng cao như sóng tràn.  Vân Anh của tôi vẫn còn đó.  Tình cảm của chúng tôi vẫn còn đó.  Nó không chết mà ngược lại đang sống dậy mãnh liệt, ầm ầm như thác đổ đầu ghềnh, chan hoà, dạt dào như cơn mưa rào mùa Hạ.  Rồi không thể kềm chế, tôi liếc nhìn chung quanh thật nhanh để chắc chắn không có ai rồi bất thình lình kéo nàng sát vào tôi và đặt lên môi nàng một nụ hôn nồng.  Nụ hôn đầu tiên, sau hai năm rưỡi chúng tôi quen nhau. Nụ hôn tuy vụng dại nhưng đã đem lại cho tôi những cảm giác tuyệt vời khó diễn tả.  Vân Anh đẩy nhẹ tôi ra, mặt đỏ bừng:
-Anh, coi chừng mẹ về đến.  Bà mà thấy anh hôn em là em chết đòn.

Tôi buông Vân Anh ra, nói nhỏ:
-Anh xin lỗI em, anh không nên làm như vậy, nhưng vì ....

Tôi bỏ lửng câu nói.   Vân Anh nắm chặt tay tôi, mắt long lanh:
-Em hiểu.  Mấy giờ máy bay cất cánh?
-Một giờ sáng nhưng anh phải có mặt ở trạm đi và đến lúc 10 giờ. 
-Tám rưỡi hơn rồi, anh về kẽo trễ máy bay.  Đi bình yên nhé.  Nhớ viết thư cho em.
Tôi muốn kéo dài thờI gian ở bên Vân Anh nhưng đã sắp đến giờ phải ra phi trường, tôi kéo nàng sát vào mình, hôn nhẹ lên má nàng rồi quay lưng.
.....
.....
.....
9 tháng sau ....
Tôi lái xe đến nhà Vân Anh.  Dựng xe bên hông con hẻm thân quen, tôi rảo bước đến cánh cửa hông nhà nàng.  Khi gần đến cửa đang mở toang, tim tôi bỗng dưng đập loạn xạ, lòng tôi dâng tràn một cảm giác bồi hồi khó diễn tả, một cảm giác lạ lùng mà tôi chưa từng bao giờ cảm thấy.

Bước chân vào nhà, tôi thấy Vân Anh đang loay hoay thu dọn đống chén dĩa trên mặt bàn.  Nàng không thấy tôi bưóc vào. Tôi gọi nhỏ:
-Vân Anh.

Nghe tiếng gọi, Vân Anh ngửng lên, tròn xoe đôi mắt, reo vui:
-A, anh Sỹ, anh về hồi nào vậy?
-Anh vừa về chiều nay.  Em khoẻ không?  Bố mẹ và Dì Hạnh khoẻ không?

Vân Anh đáp:
-Cám ơn anh, mọi người vẫn bình thường.  Gớm, anh mập và trắng quá, em không nhận ra anh nữa.
-Anh có lên cân nhưng cũng chẳng là bao.  Nhiều tên bạn anh còn mập và trắng hơn anh nữa. Em cũng khác nhiều.  Em đẹp hơn và cao thêm chút.

Vân Anh đỏ mặt:
-Anh lại nịnh em nữa rồi.  Em xấu như ma lem thì có.

Nàng hỏi tiếp:
-Anh đi học vui không?  Bên Mỹ có gì lạ không?  Em vẫn ao ước một ngày nào đó em cũng sẽ được đặt chân lên đất Hoa Kỳ.

Tôi đưa Vân Anh gói quà cùng cái ống tròn đang cầm trên tay:
-Đây là quà của em.  Anh thành thật xin lỗi em, bởi vì không tìm được tượng Nữ Thần Tự Do tại San Francisco nên anh đành phải mua cho em tấm poster này vậy.  Nhưng bù lại, anh mua tặng em một cây cầu Golden Gate, em sẽ thích nó.  Mở ra xem đi.

Vân Anh cầm gói quà, chậm rãi xé lần giấy hoa bên ngoài.  Nàng cầm cây cầu Golden Gate ngắm nghía:
-Cám ơn anh đã mua cho em món quà này.  Cây cầu đẹp quá.

Tôi chỉ cái ống dài nói với nàng:
-Tấm poster tượng Nữ Thần Tự Do trong cái ống đó.  Hôm nào rảnh, anh sẽ giúp em treo nó lên tường của phòng em.

Vân Anh nhìn tôi với đôi mắt đầy yêu thương, đôi môi hồng nở một nụ cười thật tươi, nói nhỏ:
-Cám ơn anh.

Lúc đó, tôi muốn nhào đến ôm ghì lấy nàng, hôn lên đôi môi đỏ mộng như trái táo ấy.  Nhưng tôi đã kịp kìm hãm lòng mình.  Tôi mỉm cười:
-Anh hy vọng là em sẽ thích những món quà này.
-Em sẽ giữ chúng suốt đời.

Dì Hạnh chợt hiện ra nơi khung cửa nối liền nhà bếp với nhà trên.  Tôi lên tiếng chào khi thấy Dì:
-Dạ cháu chào Dì.  Dì vẫn khoẻ chứ ạ?

Dì Hạnh mỉm cưới, nụ cười hiền hoà đầy nhân ái:
-Cám ơn anh, tôi vẫn thường.  Anh đi Mỹ về rồi à?  Gớm chóng thật, mới đó mà đã gần một năm.
 
Bà quay sang Vân Anh:
-Vân Anh, sao không rót nước mời anh?  Mời anh lên nhà trên.
-Dạ thưa Dì mặc con, con ở dưới này nói chuyện với Vân Anh một lát rồi con phải đi thăm một vài người bạn.
-Ừ, anh ở chơi nhá.  Tôi phải lên gác có chút việc.

Đợi Dì Hạnh khuất sau bậc thang cuối, tôi hỏi nhỏ Vân Anh:
-Cả nhà đâu?
-Mẹ em có lẽ đang tính toán sổ sách ngoài trước.  Anh Quang tối nay không về ăn cơm.  Tân và Vân Quỳnh hình như đang chơi ngoài sân.
-Còn bố đâu?  Bố khoẻ không?
-Bố em vẫn ở Lái Thiêu.  Lâu lâu ông mới về dưới này.  Anh còn nhớ căn nhà ở Lái Thiêu mà anh có lần anh ở chơi cả tuần lễ không?
-Nhớ chứ.  Bố còn nuôi cá không?
-Dạ còn.

Tôi hỏi:
-Tại sao bố không về sống ở đây mà lại ở Lái Thiêu?

Câu hỏi này tôi đã muốn hỏi nàng lâu lắm rồi nhưng chưa có dịp.
Vân Anh đáp:
-Em cũng không biết.  Có lẽ ông thích khung cảnh thinh lặng của miền quê.  Vả lại ông thích nuôi cá, trồng hoa kiểng.  Ởû thành phố chật chội, không thể làm những việc đó được.
-Còn em, em thích ở đâu?  Miền quê hay thành thị?
-Nếu cho em chọn, em thích miền quê hơn.  Không khí trong lành hơn, cuộc sống êm đềm hơn không vội vã, tất bật như ở đây.  Nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào chồng em.  Anh ấy thích ở đâu, em sẽ ở đó.

Nói xong, bỗng dưng má nàng ửng hồng. Vân Anh e thẹn quay đi để tránh cái nhìn đắm đuối như ngây dại của tôi.  Rồi như để khoả lấp sự ngượng ngùng, nàng lên tiếng:
-Ấy chết, em xin lỗi.  Nãy giờ anh đến mà em chưa rót nước mời anh.  Anh uống trà nhé?

Tôi liếc nhìn đồng hồ.  Tôi rất muốn kéo dài những giây phút ở bên Vân Anh nhưng đã lỡ hứa gặp Hoà, Thắng, Cường và Tân tối nay, nên đành phải tiếc nuối ra về.
Tôi đáp:
-Cám ơn em nhưng anh đã lỡ hứa với vài tên bạn thân nên phải về để gặp tụi nó.

Rồi tôi ghé sát gần Vân Anh nói nhỏ:
 -Anh có chuyện rất quan trọng muốn nói với em. Ngày mai em gặp anh được không?  Anh sẽ chờ em lúc 8 giờ sáng tại nơi ngày xưa mình vẫn gặp nhau.
 
Vân Anh suy nghĩ một lát rồi gật nhẹ.  Tôi cầm tay Vân Anh xiết nhẹ, liếc nhìn chung quanh rồi hôn thật nhanh lên má nàng và quay gót.

Trăn trở, trằn trọc suốt đêm, nhưng không tài nào tôi nhắm mắt được.  Một phần vì cơ thể tôi đã quen với giờ giấc bên Hoa Kỳ, về đây giờ giấc trái ngược nên mắt cứ mở thao láo.   Một phần khác vì đầu óc tôi miên man suy nghĩ về Vân Anh, về buổi hẹn với nàng sáng hôm nay.  Chúng tôi quen nhau như vậy đã gần 4 năm.  Mặc dầu trong một thời gian dài tình cảm chúng tôi đã dậm chân tại chỗ nhưng gần một năm vừa qua, nó đã có vẻ tiến triển dù chỉ được thể hiện qua những dòng chữ, trong những lá thư mà chúng tôi đã viết cho nhau.  Tôi đã quyết định và nhất định phải nói cho nàng biết rõ về tình cảm của tôi đối với nàng.  Tôi muốn tôi và nàng tiến xa hơn chút nữa.  Nhưng làm thế nào để nói với nàng?  Tôi suy nghĩ rất nhiều, sắp đặt những câu nói văn vẻ, nhưng câu nào tôi cũng thấy không ổn. Câu nào tôi thấy cũng nhà quê, cục mịch. Tôi quay cuồng với những câu hỏi lộn xộn, những suy nghĩ mông lung, và vì quá mệt mỏi, tôi cũng chập chờn đi vào giấc ngủ vào lúc trời gần sáng.
Chiếc đồng hồ báo thức nới đầu giường reo lên inh ỏi đánh thức tôi sau khi tôi vừa chợp mắt được một thời gian ngắn.  Với tay đập mạnh vào cái nút để tắt tiếng reo của nó, tôi uể oải, ngồi dậy và đi vào buồng tắm.   Những tia nước mát lạnh đã giúp đầu óc tôi lấy lại sự tỉnh táo.  Nghĩ đến buổi hẹn với Vân Anh, đột nhiên, tôi cảm thấy lòng mình rộn rã, con tim bỗng reo vui một cách lạ lùng.  Tôi cất tiếng hát nho nhỏ một bản tình ca của Phạm Duy.  

(3)
....
 
Sáng nay, tôi đã tốn nhiều thì giờ làm vệ sinh cá nhân hơn mọi ngày.  Cạo râu nhẵn nhụi, tôi cũng không quên xức thêm một chút cologne aftershave.  Chọn chiếc áo Polo màu xanh nhạt, chiếc quần len xanh đậm cùng đôi giầy mà tối hôm qua, tôi đã cẩn thận đánh si-ra bóng lưỡng.  Ngắm nghía mình trong gương, tôi bật cười nhẹ, nói với chính mình: cũng không tệ lắm.

Tôi đến chỗ hẹn 15 phút trước 8 giờ.   Trời hôm nay thật đẹp, mặt trời đã lên cao khỏi ngọn cây toả chiếu những tia nắng chan hoà trên mọi vật.  Tất cả như vừa choàng tỉnh sau một giấc ngủ vùi.  Lòng tôi thật vui khi nghĩ đến những phút giây sắp tới.  Cảnh vật chung quanh dường như cũng muốn chia xẻ niềm vui chung với tôi,  rực màu tươi thắm dưới ánh nắng lung linh của một buổi sáng thật đẹp.   Tôi đậu chiếc xe Honda dame mượn của Sơn dưới tàn một cây dầu, móc túi lấy bao thuốc lá và đốt một điếu.  Làn khói trắng mỏng quyện trong không khí chung quanh tôi, thoang thoảng mùi thuốc Malborro quyến rũ, đã đem đến cho tôi một cảm giác lâng lâng.   Tư tưởng tôi lại phiêu bồng không định hướng, trôi bồng bềnh khắp mọi nơi, lan tràn về những cõi xa xăm nào đó.  Đang mơ màng với những ý nghĩ xa vời, thì tiếng Vân Anh chợt vang lên,  kéo tôi về thực tại:
-Anh chờ em lâu chưa?

Tôi giật mình quay lại. Vân Anh đang đứng trước mặt tôi, mỉm cười. Tôi bàng hoàng, ngây người nhìn nàng không chớp mắt. Vân Anh mặc một cái áo pull ngắn tay màu vàng nhạt, bó sát thân thể, cổ áo khoét sâu gần đến chỗ gia điểm của hai gò bồng đảo, lồ lộ phơi bày vùng da thịt trắng ngần.  Bên dưới là một chiếc jupe ngắn màu tím xậm, hờ hững che cặp đùi săn chắc cùng làn da trắng, mịn màng, mươn mướt.  Hai bắp chuối thon gọn, nối liền hai đầu gối nhỏ, tạo nên đôi chân dài, khêu gợi.  Đôi bàn chân nằm gọn gàng trong đôi giày cao gót cũng màu hơi tim tím.  Nàng không trang điểm nhiều, chỉ một chút phấn hồng và một chút son môi, nhưng vẫn làm nổi bật gương mặt trái soan mà thường ngày đã đẹp, hôm nay lại đẹp hơn gấp bội.

Tôi quen Vân Anh tính ra gần bốn năm.  Ngày tôi quen nàng, nàng chỉ là một cô bé ở tuổi 16, chỉ là một nụ hoa chưa nở.  Bây giờ, nàng đã gần tuồi đôi mươi, dáng dấp, thân hình nàng đã là thân hình của một nàng thiếu nữ trong lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Tôi vẫn nhìn nàng không chớp mắt.  Không ngờ Vân Anh hôm nay lại đẹp như vậy.  Đẹp như một đoá hoa hồng đỏ thắm vừa mới hé nở.  Đẹp như một nàng công chúa trong những câu truyện cổ tích thần thoại.   Tôi ngẩn ngơ nhìn nàng như kẻ mất hồn.
-Làm gì mà anh nhìn em dữ vậy?

Tôi ngập ngừng:
-Em, em...em đẹp quá.

Má nàng ửng hồng:
-Anh chỉ được cái khéo nịnh.

Tôi hạ thấp giọng: 
-Anh nói thật.  Em đẹp quá, đôi khi anh sợ...

Vân Anh đưa ngón tay trỏ lên chận miệng tôi:
-Lại nói bậy rồi đó.  Thôi, mình đi nhé anh.
-Ừ.

Tôi đạp máy xe, Vân Anh ngồi lên yên sau, ôm ngang hông, dựa sát vào tôi.  Mùi nước hoa nhẹ nhàng, thoang thoảng quyện trong không khí, len lén chui qua khứu giác làm tôi ngây ngất.  Tôi rồ ga, chiếc xe vụt về phía trước, Vân Anh ôm tôi chặt hơn, thân thể mềm mại của nàng ép sát vào tôi, đem lại cho tôi cái cảm giác thật đê mê, chất ngất.

Tôi nghiêng đầu hỏi nàng trong tiếng gió:
-Mình đi ăn sáng nhé.  Em muốn ăn gì?
-Gì cũng được, tuỳ anh.

Tôi đưa nàng đi ăn sáng tại một quán ăn nhỏ trên đường Nguyễn Du.  Nơi đây nổi tiếng với món bánh cuốn nhân thịt.  Quán nhỏ, đông thực khác nên thật ồn ào.  Đĩa bánh cuốn tuy ngon, tuy nhiên, không khí nơi đây không thích hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của chúng tôi nên sau khi ăn xong, tôi đưa nàng đến Mimosa, một quán giải khát trên lầu ba của thương xá Tam Đa.   Từ lúc gặp nhau đến giờ, tôi đã nói với Vân Anh rất nhiều.  Tôi kể cho nàng nghe tất cả những chuyện vui buồn trong những tháng ngày đi học ở Hoa Kỳ.  Vân Anh chăm chú ngồi nghe không ngắt lời.  Tuyệt nhiên, tôi không đả động đến những gì tôi đã dự tính nói với nàng ngày hôm nay.   Thật ra, tôi muốn thổ lộ tâm tình của tôi với nàng lắm chứ, nhưng không biết phải bắt đầu làm sao.  Đã nhiều lần tôi sắp sẵn ý nghĩ,  định bộc lộ hết những gì tiềm ẩn trong trái tim, khối óc của tôi, nhưng không hiểu tại sao, mỗi lần tôi định mở miệng nói về chuyện ấy thì dường như lại có một cái gì đó chặn ngang cổ họng, khiến tôi không thể phát âm được.

Vân Anh bỗng nhìn thẳng vào tôi, mắt hơi chớp chớp, hỏi:
-Anh không hẹn em ra đây để kể cho em nghe chuyện đi học của anh phải không?  Hôm qua anh bảo là có chuyện rất quan trọng muốn nói với em.  Chuyện gì vậy anh?

Tôi không trả lời nàng mà hỏi lại:
-Chúng mình quen nhau bao nhiêu lâu rồi em nhỉ?
-Ba năm rưỡi.  Mà anh hỏi để làm gì?

Im lặng đột nhiên xâm chiếm khoảng không gian giữa tôi và nàng.  Vân Anh nhìn tôi, kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời.  
Tôi vẫn trầm ngâm, xoay nhẹ ly cà phê trên tay.  Tôi đã cố gắng trì hoãn, lần lựa kéo dài thời gian, hy vọng một lúc nào đó tôi sẽ có đủ can đảm làm chuyện đó.  Nhưng tôi không thể trì hoãn lâu hơn nữa.   Vân Anh đã đặt câu hỏi trực tiếp cho tôi, nàng đã đặt tôi vào tình trạng không thể thoái thác được nữa.  Tôi đặt ly cà phê xuống bàn, nhìn thẳng vào mắt Vân Anh, cầm tay nàng, thu hết can đảm, giọng lạc hẳn:
-Vân Anh, anh muốn nói với em một chuyện...

Nàng vẫn im lặng đợi chờ.  Tôi ngập ngừng:
-Em..., em..., em có biết ngày xưa anh yêu em nhiều lắm không? Anh yêu em kể từ những tháng ngày đầu chúng ta quen nhau ở Hội Việt Mỹ.  Em có biết điều đó không?
-......
-Em có biết bây giờ anh vẫn còn yêu em .... yêu em rất nhiều hay không?
-......
Má Vân Anh bỗng ửng hồng, nàng cúi nhẹ tránh cái nhìn của tôi.

Điều khó nhất tôi đã nói ra được. Bây giờ mọi chuyện bỗng trở nên dễ dàng.  Tôi nói một mạch:
-Anh biết, anh tỏ tình không giống bất cứ một người con trai nào, nhưng anh chẳng bận tâm về điều này.  Điều quan trọng nhất đối với anh là anh chỉ muốn cho em biết là anh yêu em.  Anh yêu em bằng tất cả những gì anh có trong con tim của anh.
-......   

Tôi bóp nhẹ tay nàng, nhỏ nhẹ:
-Vân Anh, anh yêu em.  Em hãy nhìn thẳng vào mắt anh để thấy sự chân thật của anh đối với em.  Anh yêu em thật lòng và anh muốn cùng em xây dựng tương lai của chúng ta sau này.  Em bằng lòng làm người yêu của anh không?

Tôi thở phào nhẹ nhõm.  Cuối cùng thì tôi cũng đã nói được điều tôi muốn nói rồi.  Bây giờ, dù câu trả lời của Vân Anh như thế nào, tôi cũng vẫn vui vẻ chấp nhận.  Ít ra, tôi đã cho nàng biết lòng mình.  Vân Anh vẫn yên lặng, đầu hơi cúi.  Tôi nhìn nàng chờ đợi.  Thời gian và không gian, tất cả dường như đúng lại.  Một lúc sau, Vân Anh ngước lên nhìn tôi, với ánh mắt thật trìu mến, ánh mắt chứa đựng tất cả những sự yêu thương lẫn vui mừng.  Nàng nói nhỏ:
-Anh, đừng buộc em trả lời câu này.  Tình yêu không hẳn chỉ nằm trong lời nói mà còn thể hiện trong hành động, trong cách đối xử với nhau.  Anh là người thông minh, em tin là anh có thể nhìn thấy được tình cảm của em dành cho anh.

Tôi cảm thấy thật sung sướng, gật nhẹ:
-Anh hiểu.  Anh cám ơn em. 

Vân Anh chợt hỏi tôi:
-Khi nào anh về đơn vị mới?  Anh có biết anh sẽ phải đi đâu không?
-Thứ Hai anh về trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân và sau đó anh sẽ biết đơn vị mới anh ở đâu.

Tôi bỗng nhận thấy ánh mắt của nàng chợt thoáng buồn, có lẽ nàng sợ tôi sẽ phải đi xa.  Tôi hỏi:
-Em buồn vì sắp phải xa anh hở?

Vân Anh chớp mắt, đáp khẽ:
-Dĩ nhiên là em sẽ buồn khi xa anh, nhưng em cũng sợ...

Tôi ngắt lời nàng:
-Em sợ anh thay lòng đổi dạ à?  Em không tin anh sao?

Mắt Vân Anh bỗng dưng ngấn lệ, giọng hờn giỗi:
-Tại sao anh lại nói vậy?  Em chưa nói dứt câu mà.  Em không sợ anh thay lòng mà em chỉ sợ anh bị... cô quạnh...

Có lẽ nàng muốn nói "em chỉ sợ anh bị... nguy hiểm" nhưng sợ tôi buồn nên đổi ý.  Tôi nhận ra sự vô lý của mình, đưa tay lau giọt nước mắt còn đọng trên má của nàng, hạ giọng:
-Anh xin lỗi em.  Anh thật là hồ đồ.  Anh cũng không hiểu sao anh lại nói như vậy? Cám ơn em đã lo lắng cho anh, nhưng em yên tâm, anh không chết đâu.  Anh đã chẳng từng nói với em tử vi nói rằng anh sống thọ lắm sao?  Nhưng dù ở đâu, anh hứa sẽ một lòng yêu em, chung thủy với em.  Em tin anh không?

Vân Anh nhìn tôi, mắt chớp chớp, gật nhẹ.
-Cám ơn em.  Bây giờ anh đưa em đi phố.  Chịu không?

Vân Anh mỉm cười, gật đầu.  Tôi gọi cô hầu bàn tính tiền rồi đứng lên đưa tay cho nàng nắm.   Vân Anh chậm bước bên tôi, nép sát vào tôi như một con mèo nhỏ.  Tôi quàng tay qua vai Vân Anh, kéo nàng sát vào với tôi, hôn nhẹ lên mái tóc óng ả thơm mùi bồ kết, thì thầm bên tai nàng:
-Anh yêu em.

Ngoài đường nắng đã lên thật cao.

Hơn sáu tháng đã qua kể từ buổi sáng tại Mimosa, buổi sáng khởi đầu cho những tháng ngày tuyệt vời của tôi và Vân Anh.  Tôi vẫn thường đến thăm Vân Anh vào những buổi tối, hoặc đưa đón nàng đi học Anh Văn tại Hội Việt Mỹ, hoặc đôi khi rủ nàng cúp cua đi xem cine hoặc dạo phố.
 
Cuộc tình của tôi với Vân Anh tưởng như sẽ là mối tình tuyệt đẹp, một mối tình thật thơ mộng của hai kẻ yêu nhau.  Tuy chúng tôi chưa một lần đề cập đến chuyện hôn nhân nhưng trong thâm tâm, cả hai đứa chúng tôi đều ước mơ đến ngày đó.  Tôi thật sự yêu nàng và nàng cũng yêu tôi tha thiết.   Tôi đưa nàng về nhà giới thiệu với bố mẹ tôi.  Tôi cũng đưa nàng về giới thiệu với má tôi.  Sau đó tôi đưa má tôi đến thăm gia đình nàng.   Má tôi và Dì Hạnh sau này rất thân nhau.  Có lẽ hai người cùng tuổi, cùng hoàn cảnh chăng.  Một người không có chồng, một người có chồng cũng như không, đồng cảnh ngộ nên rất dễ cảm thông nhau.  

Tất cả mọi người quen biết đều nói rằng chúng tôi thật xứng đôi vừa lứa. Tôi sẽ là người chồng tốt, nàng sẽ là người vợ hiền và chúng tôi sẽ sống hạnh phúc bên nhau suốt đời...nếu đời đừng có chữ nhưng, chữ nhưng quái ác...

Tạo hoá dường như hay ganh tị với hạnh phúc của loài người.  Cuộc đời không bao giờ bình lặng, êm ả mãi mãi như mặt nước hồ thu mà sẽ có lúc như trùng dương dậy sóng trong cơn bão dữ. Bão táp, phong ba của đại dương mênh mông đã nhẫn tâm đã vùi dập, phá tan con thuyền tình bé nhỏ của chúng tôi...

Tôi vẫn còn nhớ rõ buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều ảm đạm cuối năm 1973, một buổi chiều với những cơn gió đông lành lạnh và một bầu trời xám xịt, thê lương. Tôi vừa đi làm về, dựng chiếc Yamaha chưa kịp khoá thì Thảo trong nhà chạy vội ra, tay cầm một phong thư, giọng khẩn cấp:
-Lúc nãy chị Vân Anh có ghé nhà nhờ em trao cho anh lá thư này.  Anh Sỹ, em nghĩ rằng có chuyện không ổn đã xảy ra.  Chị Vân Anh rất bơ phờ, tuy chị mang kính đen, em vẫn có thể nhìn thấy nét tiều tuỵ trên gương mặt hốc hác, dù đã được chị cố che dấu dưới lớp phấn hồng.  Anh đến thăm chị ấy ngay đi.

Tôi giật lấy bức thư trên tay Thảo, xé vội ra xem.  Lá thư của Vân Anh chỉ vỏn vẹn mấy hàng:
Anh,
Vì một lý do không thể nói ra được, buộc lòng em phải chia tay cùng anh.  Em rất đau xót khi phải viết lên những dòng chữ này, xin anh hiểu cho em.
Anh đừng tìm gặp em nữa.  Em cầu chúc cho anh sẽ tìm được người xứng đáng hơn em. Vĩnh biệt anh.
Em,
Vân Anh

Tôi lặng người, chết sững.  Như thế này nghĩa là sao?  Chuyện gì đã xảy ra cho Vân Anh?  Tại sao nàng lại viết cho tôi những dòng chữ như vậy?  Tôi đã làm gì khiến nàng phải nói lời chia tay với tôi?  Nàng đã gặp người con trai khác vẹn toàn hơn tôi?  Hay là có ai ngăn cấm nàng không được yêu tôi?  Tại sao?

Trăm ngàn câu hỏi quay cuồng trong đầu tôi.

Tiếng của Thảo vang lên:
-Anh Sỹ, anh Sỹ, anh có sao không?

Tôi giật mình bừng tỉnh.  Không một chút chần chờ, tôi nhảy lên xe, đạp máy, rồ ga phóng đến nhà Vân Anh.
Cũng như mọi khi, tôi dựng xe nơi con hẻm, vào nhà bằng cửa hông.  Tôi hy vọng sẽ gặp riêng Vân Anh.  Tôi không muốn gặp mẹ nàng vì tôi biết bà thường ở đằng trước.  Nhưng xui xẻo thay, lần này bà Thái Nguyên lại ngồi lù lù trên chiếc phản gỗ, đang nhìn ra cửa.  Miển cưỡng, tôi gật đầu chào bà:
-Thưa bác, Vân Anh có nhà không ạ?

Bà Thái Nguyên nhìn tôi bằng đôi mắt khó chịu, giọng lạnh lùng:
-Em nó không có nhà.  Cậu tìm em nó có việc gì không?

Tôi định nói câu gì đó, nhưng nhìn vẻ mặt không mấy thiện cảm của bà, tôi đáp:
-Dạ thưa không, cháu chỉ đến thăm Vân Anh.  Xin bác nói lại với Vân Anh dùm cháu.  Xin phép bác cháu về.

Bà vẫn lạnh lùng, sẵng giọng:
-Được, tôi sẽ nói lại với nó.

Tôi quay lưng, dợm bước ra cửa thì nghe tiếng bà nói với theo:
-Nhưng cậu Sỹ này, tôi nghĩ là cậu không nên tìm gặp em nó nữa.  Em nó sắp sửa lấy chồng.  Cậu là người có ăn học, hiểu biết, xin cậu đừng quấy nhiễu em nó. Cậu hãy để cho em nó yên thân...

Tôi khựng lại, đứng chết trân.  Tôi có nghe lầm không?  Tiếng bà Thái Nguyên vẫn còn sang sảng, rõ ràng trong tai tôi:  "Em nó sắp sửa lấy chồng..."
Vân Anh sắp đi lấy chồng?   Người tôi yêu sắp sửa lấy chồng?
Lấy ai? Hiển nhiên không phải là tôi rồi.  Sao lại có thể được?
Nàng sẽ thuộc về kẻ khác?  Trời ơi, nàng sẽ nằm trong vòng tay một người con trai xa lạ?  Tai tôi bỗng ù đi, cảnh vật trước mắt bỗng nhạt nhoà.  Tôi thoáng nghe như mọi vật chung quanh tôi đang xụp đổ.  Tôi nắm chặt hay tay mình, muốn hét thật to lên cho cả thế giới biết rằng:
-Không, không thể được!  Nàng là của tôi! Nàng thuộc về tôi! Không ai có thể chiếm đoạt nàng.  Không, không thể được, không thể được...

Nhưng tôi nghẹn lời không thể phát âm được. Cổ tôi như bị ai bóp chặt.   Sự uất nghẹn đang ngùn ngụt dâng tràn trong cơ thể tôi. Nước mắt tôi bỗng dưng muốn ứa ra.   Tôi mím môi, lầm lũi bước vội ra khỏi nhà.  Đằng sau, có lẽ bà Thái Nguyên đang mỉm cười đắc thắng.


(4)
....
 
Tôi ra xe định đạp máy thì chợt thấy Vân Quỳnh đang chơi ở cuối con hẻm.  Tôi vẫy tay gọi Vân Quỳnh đến gần, hỏi dồn:
-Vân Quỳnh, cho anh biết chuyện gì xảy ra cho chị Vân Anh?

Vân Quỳnh lắc đầu:
-Em không biết

Tôi lắc mạnh vai nó, nài nỉ:
-Anh không tin.  Em nói dối anh.  Em biết.  Nói cho anh nghe đi. Chuyện gì đã xảy ra? Nói đi, nói cho anh nghe đi...

Vân Quỳnh nhìn tôi nói như mếu:
-Em nói thật.  Em chỉ biết là tối hôm kia bố về.  Rồi mẹ với bố to tiếng với chị Vân Anh.  Em và anh Tân bị đuổi lên gác.  Em không biết chuyện gì xảy ra dưới nhà, nhưng sau đó em thấy chị Vân Anh về phòng ôm mặt khóc.  Sáng hôm qua, mắt chị sưng húp.  Hôm nay thì đỡ rồi.  Em chỉ biết như vậy.

Tôi vỗ nhẹ vai Vân Quỳnh:
-Cám ơn em

Tôi nhíu mày suy nghĩ.  Tôi muốn gặp riêng Vân Anh để hỏi cho ra lẽ.  Tôi phải gặp Vân Anh để tìm hiểu mọi chuyện.  Tôi móc tuí lấy giấy, viết vội mấy chữ rồi dúi vào tay Vân Quỳnh:
-Em đưa cái này cho chị Vân Anh giùm anh.  Cẩn thận, đừng cho mẹ thấy nhé.

Đêm đó, một đêm nữa tôi lại thức trắng mà nghe con tim mình quặn thắt.

Trưa hôm sau, tôi đến chỗ hẹn thật sớm.  Đó là quán nước quen thuộc bên hông trường Gia Long mà tôi và Vân Anh thường gặp nhau.  Chọn một chỗ ngồi khuất phía sau, tôi gọi cho mình một ly cà phê đen đá.  Móc túi lấy gói Marlborro mới vừa mua, tôi bóc lớp giấy kiếng bên ngoài, mở nắp hộp rút một điếu.  Buổi trưa, quán vắng, không có ai.  Cô chủ quán ngồi phía trong, liếc nhìn tôi có vẻ soi mói. 

Không gian và thời gian, tất cả hầu như ngừng hẳn lại.  Con đường Bà Huyện Thanh Quan trước mặt vắng tanh, thỉnh thoảng mới một chiếc xe vụt qua. Gắn điếu thuốc lên môi, châm lửa, tôi rít một hơi dài.  Vị thuốc Marlborro hôm nay sao đắng lạ, mùi thuốc không còn thơm và quyến rũ như mọi khi.  Nhăn mặt, tôi dụi điếu thuốc mới đốt vào cái gạt tàn.  Tôi liếc nhìn đồng hồ.  Mới có 1 giờ 35, còn gần nửa tiếng nữa mới đến giờ hẹn.

Tôi bồn chồn, lo lắng, không biết Vân Anh có đến được hay không?  Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho hai đứa tôi?  Liệu chúng tôi có thể vượt qua những trở ngại đang ngăn trở chúng tôi hay không?
Tôi lại liếc nhìn đồng hồ.  Cây kim quái ác hầu như không nhúc nhích mà vẫn đứng lì một chỗ.  Rút một điếu thuốc khác, tôi châm lửa hút.  Bập vài hơi, tôi lại dụi điếu thuốc đang cháy dở vào cái gạt tàn.  Tôi phóng mắt ra đầu quán, rồi lại nhìn đồng hồ.  Cây kim giây vẫn chậm chạp nhích từng nấc chung quanh mặt đồng hồ. 

Ly cà phê đen đá vẫn còn hơn nửa.  Cái gạt tàn đầy ắp những điếu thuốc mới đốt,  cong queo, chồng chất lên nhau.  Tôi lại nhìn đồng hồ.  2 giờ 10.  Đã quá giờ hẹn 10 phút mà Vân Anh vẫn chưa đến.  Thường thường, trong những lần hẹn nhau, Vân Anh bao giờ cũng trễ , mươi lăm phút là chuyện thường.  Tôi chẳng bao giờ cằn nhằn về chuyện đó, vì tôi biết các bà, các cô chẳng bao giờ đúng giờ cả.  Không phải vì họ cố ý đâu, nhưng chỉ vì mải mê làm đẹp mà họ không để ý đến thời gian.  Nhưng hôm nay thì khác, mười phút đợi chờ còn lâu hơn mười thế kỷ.   Sự chờ đợi lúc này đối với tôi là một cực hình.  Tâm trạng tôi thật bất an.  Những câu hỏi lại quay cuồng trong đầu tôi.
Một bóng người vừa bước vào quán.  Dù không nhìn rõ mặt vì ngoài sáng trong tối, tôi vẫn có thể nhận ra dáng của Vân Anh.  Tôi vội vàng đứng dậy, kéo cái ghế đối diện cho nàng ngồi.  Tôi hỏi:
-Em uống gì để anh gọi.

Vân Anh nói nhỏ:
-Anh cho em một ly cam vắt.

Tôi nhìn Vân Anh, quan sát gương mặt nàng.  Vân Anh mang một cái kiếng đen như không muốn cho người khác thấy được đôi mắt đẹp nhưng giờ đây có lẽ đỏ và thâm quầng.  Gương mặt thanh tú, tuy đã được cẩn thận trang điểm bằng lớp phấn hồng, vẫn không thể che dấu được sự hốc hác,  thiếu ngủ của nàng.   Vân Anh trông có vẻ rất mệt mỏi.
Tôi chua xót, đưa tay nắm tay nàng:
-Cám ơn em đã đến gặp anh.  Anh muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho em, cho chúng ta?  Em có biết đêm qua anh đã thức suốt đêm hay không? Em, hãy nói cho anh nghe, chuyện gì đã xảy ra?

Giọng nàng thật buồn:
-Anh Sỹ, chúng ta có lẽ phải xa nhau.  Em xin lỗi anh.  Anh hãy quên em đi.  Em thành thật xin lỗi anh.  Đáng lẽ ngày xưa, chúng ta đừng gặp nhau, quen nhau thì hơn.

Tôi nhìn nàng, giọng hơi gay gắt:
-Tại sao em lại nói vậy?  Em hối tiếc đã quen anh?

Vân Anh lắc nhẹ:
-Không, anh đừng hiểu lầm em.  Em không bao giờ hối tiếc đã làm người yêu của anh cả.  Anh là người đàn ông lý tưởng.  Anh đã mang lại cho em những giây phút thật hạnh phúc. Em yêu anh, anh có biết thế không?

Tôi nhăn nhó, đau khổ:
-Như vậy thì tại sao...?

Vân Anh vẫn nhỏ nhẹ:
-Anh Sỹ, anh bình tĩnh nghe em nói.  Chuyện của chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu...

Tôi ngắt lời nàng, hỏi gằn:
-Anh nghe mẹ nói em sắp đi lấy chồng, có đúng như vậy không?

Vân Anh không trả lời câu hỏi của tôi, nghẹn ngào:
-Bố mẹ cấm em không được giao du với anh.  Mẹ nói: "Từ nay trở đi, tao không muốn mày quan hệ với thằng Sỹ nữa".  Em đã phân trần, năn nỉ mẹ em hết lời nhưng không có kết quả.  Phận làm con, em không thể bất hiếu.  Mong anh hiểu cho em.
-Thế còn Dì Hạnh?
-Dì chỉ thở dài.  Bà không có quyền gì trong nhà cả, bà chỉ là di của em.
-Nhưng tại sao?  Anh đã làm điều gì phật lòng bố mẹ em?  Anh nghĩ, anh chưa bao giờ làm gì để ông bà đối xử với anh như vậy.  Anh đã làm gì hở?

Vân Anh im lặng, cúi mặt không trả lời.
-Anh vẫn không hiểu.  Năm ngoái anh lên chơi với bố ở Lái Thiêu, bố có vẻ rất thích anh mà.  Tại sao bây giờ...

Vân Anh thở dài:
-Bố em không chống đối chuyện của chúng ta, nhưng tất cả do mẹ em.  Bố em cũng không lay chuyển được bà. Anh biết mà, bố em rất nể mẹ em...
-Nhưng anh cũng chưa bao giờ có lỗi với mẹ em.  Tại sao bà lại ghét anh?

Gương mặt và tia nhìn lạnh lùng, khinh bỉ của bà Thái Nguyên hai năm về trước khi tôi rớt Tú Tài chợt hiện rõ mồn một trong trí óc của tôi. 
-A, hay là mẹ em chê anh là lính trơn, không cấp bậc.  Mẹ sợ anh nghèo, lương lính không đủ tiền nuôi em hay sao?

Vân Anh ngước lên nhìn tôi, giọng rất đau khổ:
-Xin anh hiểu cho mẹ em.  Cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình sung sướng.  Đó chẳng qua vì bà thương em, nhưng đó chỉ là một trong những lý do...

Như biết mình lỡ lời, nàng bỗng im bặt.  Tôi hỏi dồn:
-Một trong những lý do?  Thế còn lý do nào nữa?

Vân Anh khẩn nài:
-Em xin lỗi anh, em không thể nói ra được.

Tôi gằn giọng:
-Em không thể nói ra được! em không thể nói ra được!  Hừ, em cứ nói ra đi, anh dư sức đối đầu với sự thực.  Em cứ nói ra đi.

Vân Anh bật khóc nho nhỏ:
-Xin anh đừng bắt em nói ra.  Nó chẳng giúp gì được chúng ta.  Nó chỉ làm cho anh đau lòng thêm.

Tôi bực tức:
-Làm cho anh đau lòng thêm?  Làm sao anh có thể đau lòng hơn bây giờ?  Em cứ việc nói ra.  Dầu sao đi nữa, em cũng phải cho anh biết sự thực.  Anh không muốn mất em mà không biết lý do tại sao.  Em cứ nói.

Vân Anh gỡ cặp mắt kiếng đen xuống, lấy khăn mu-soa chậm nước mắt.  Lúc ấy, tôi mới nhìn rõ cặp mắt đỏ hoe của nàng.  Mắt nàng sưng húp và thâm quầng có lẽ vì khóc và thiếu ngủ.  Tôi cảm thấy xót xa vô hạn.  Vân Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, ngập ngừng:
-Anh, xin anh tha thứ cho em...Lý do mà mẹ cấm em không được chơi với anh là vì...là vì...

Tôi nóng nảy:
-Vì sao?
-Vì... vì má anh...

Rồi nàng bỏ lửng câu nói. 
Tôi chợt hiểu.

Đột nhiên, cơn giận của tôi không biết từ đâu bỗng dưng bốc lên ngùn ngụt đến cực điểm.  Mặt tôi nóng bừng, người tôi run lên, hai bàn tay tôi nắm chặt.  Tất cả máu trong cơ thể dường như dồn hết lên đầu tôi.  Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy mình giận dữ như vậy.  Rồi như một dòng nước bị vỡ bờ,  cơn giận ngút ngàn tuôn tràn như thác lũ, không có một cái gì ngăn cản được.  Không để cho nàng nói hết lời, tôi xô ghế đứng dậy, chỉ tay vào Vân Anh, lớn tiếng:
-Má tôi thì sao?  Mẹ cô có thể đối xử với tôi như thế nào cũng được, nhưng tôi cấm mẹ cô, tôi cấm tất cả những người trong gia đình cô, không được nói xấu má tôi. 

Vân Anh kéo tay tôi ngồi xuống khẩn nài:
-Anh, xin anh bình tĩnh lại, ngồi xuống nghe em nói.

Tôi hất tay nàng ra, nghiến răng:
-Tôi thà chịu đau khổ chứ tôi không bao giờ chịu làm con rể một người không xem má tôi ra gì.  Má tôi, dù bà có là người như thế nào, bà vẫn là người cưu mang tôi trong suốt chín tháng trường, banh da xẻ thịt để cho tôi chào đời.  Dẫu sao bà vẫn là má của tôi.  Cô có thể hiểu được điều đó hay không?

Vân Anh thút thít khóc, van xin:
-Anh Sỹ, xin anh hãy nghe em nói

Tôi gằn từng tiếng:
-Tôi không muốn nghe cô nói thêm một điều gì nữa.  Cô về đi. 

Vân Anh vẫn nài nỉ:
-Anh, xin anh hãy nghe em nói.

Nhưng tôi không còn nghe Vân Anh nói gì nữa.  Tôi hét lên:
-Cô về đi.  Cô về lấy người mà bố mẹ cô đã chọn cho cô. Để xem, rồi cô có được hạnh phúc hay không?  Cô đi đi, hãy đi ngay đi.  Từ nay về sau tôi không muốn gặp cô nữa.  Cô nghe rõ chưa? Cô đi đi.

Nói xong, tôi gieo người xuống chiếc ghế, người vẫn run lên bần bật.  Những câu nói của tôi có lẽ đã làm Vân Anh đau đớn đến tột cùng.  Nàng đau khổ gượng đứng dậy, sững sờ, mắt đẫm lệ nhìn tôi một vài giây rồi băng mình chạy nhanh ra cửa.
Ngay lúc đó, tôi cảm thấy hối hận vô cùng vì tôi đã không kềm hãm được cơn nóng giận của mình.   Lẽ ra, tôi không nên nặng lời với nàng như vậy.   Vân Anh đâu có lỗi gì với tôi, với má tôi.   Nàng là người con gái thật đáng thương.  Người gây ra mọi chuyện là bà Thái Nguyên cơ mà. Tôi định đứng dậy phóng mình đuổi theo nàng nhưng không hiểu sao tôi lại không làm mà lại ngồi im bất động nhìn bóng nàng khuất sau khung cửa.
Ngoài đường nắng vẫn chói chang.

Những ngày sau đó, tôi ngơ ngẩn như người mất hồn.  Con tim tôi quặn đau mỗi khi nghĩ đến Vân Anh. Tôi cố gắng quên người con gái đó, mặc dù càng cố quên thì tôi lại càng nhớ hơn.  Tôi nhớ nàng ray rứt, điên cuồng.  Tôi nhớ từng lời nói, từng ánh mắt, từng cử chỉ của nàng.  Tôi nhớ cả từng tiếng cười ròn rã, nhớ từng tiếng nấc nghẹn ngào.  Tôi nhớ những vòng tay ôm mềm mại, nhớ những nụ hôn nồng nàn, tê dại.
Tôi đem chuyện Vân Anh kể cho Duy nghe.  Tôi hỏi nó:
-Mày nghĩ tao làm vậy đúng hay sai?

Nó nói:
-Tao nghĩ mày nên suy nghĩ lại.  Vân Anh không phải là người đáng trách.
-Nhưng tao không thể nào làm con rể một người đã khinh khi má tao.  Bà ta không có quyền đó.
-Tao biết, nhưng mày đâu có lấy bà ta.  Mày không cần phải sống chung với bà ta, mày và Vân Anh có thể dọn ra riêng.
-Nhưng Vân Anh là người con rất có hiếu. Vân Anh sẽ không bao giờ dám cãi lời mẹ.
-Mày phải thuyết phục nàng.  Nếu Vân Anh yêu mày, nàng sẽ nghĩ lại.
-Khó lắm, tao biết tính của Vân Anh.
-Khó không có nghĩa không thể làm được.  Mày hỏi ý kiến tao, tao cho mày ý kiến.  Còn chuyện của mày, mày phải tự giải quyết.  Mày phải cố gắng.  Nếu mày cố gắng đủ, tao biết mày và Vân Anh sẽ vượt qua được.

Bà Thái Nguyên như bức tường vô hình, sừng sững chắn giữa tôi và Vân Anh.  Một bức tường mà đối với tôi, có thể gọi là bức tường ô nhục.  Hải nói đúng, nếu tôi cố gắng, tôi và nàng vẫn có thể vượt qua được.  Nhưng tôi đã không cố gắng.
  
Nhiều lần, tôi đã ép mình viết thư cho Vân Anh với ý định xin nàng tha thứ cho sự nóng giận của tôi.  Nhưng sau khi viết xong, tôi lại xé đi.  Nhiều lần, tôi đã đến trước cửa trường Gia Long, đứng đằng sau gốc cây, lặng người nhìn nàng khi tan học, mà nghe cả cõi lòng tan nát.  Những lần như vậy,  tôi vẫn chỉ đứng đằng xa, chỉ nhìn nàng để vơi đi nỗi nhớ nhung, nhưng sau cùng tôi lại lặng lẽ bỏ đi.

Cái tự ái hão của thằng con trai 21 tuổi, đời chưa từng trải đã khiến tôi hành động một cách thiếu suy nghĩ, tính toán.  Tôi đã ngu muội để mất đi người con gái tôi yêu và đã thật sự yêu tôi.  Người con gái diễm kiều mang một cái tên rất dễ thương mà có lẽ trọn đời tôi sẽ không bao giờ quên: Vương thị Vân Anh.  Một lần nữa, tôi lại âm thầm, lặng lẽ đem cất hình bóng người con gái đáng thương đó vào một ngăn trong quả tim rất nhiều ngăn của tôi. 

Tuy nhiên, một điều mà cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn tự hãnh diện là mối tình của tôi dành cho Vân Anh là một mối tình rất trong sạch, tinh tuyền, không chút bợn nhơ.  Ngoài những cái hôn vụng dại, tôi hoàn toàn tôn trọng nàng và không hề có một tư tưởng bất chánh nào đối với nàng.  Tôi đã giữ cho nàng cái quý giá nhất của người con gái, mặc dù, người được hưởng cái quý giá nhất đó sau này, không phải là tôi.  

Tôi không ân hận, muôn đời không bao giờ ân hận về những gì tôi đã làm.

Trần Quốc Sỹ


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.