Nguyễn Huy Thiệp
Rầu lòng vậy... Cầm lòng vậy...
(Dân ca)
Ông Quách Ngọc Minh, ngụ ở Tu Lý, huyện Đà Bắc viết thư cho tôi: “Tôi đã đọc truyện ngắn Kiếm sắc của ông kể về tổ phụ tôi là Đặng Phú Lân. Riêng chi tiết gặp Nguyễn Du không thích. Nhân vật Người trẻ tuổi trong quán trong trẻo lạ lùng, tâm hồn sạch như nước ở núi ra“ không ra gì Bài hát “Tài mệnh tương đố” có ý gán cho Nguyễn Du là khéo mà không khéo vậy. Ông gắng thu xếp lên chơi, tôi sẽ cho ông xem vài tư liệu, biết đâu giúp ông có cách nhìn khác. Con gái tôi là Quách Thị Trình sẽ mời ông món canh cá nấu khế ông thích...“
Nhận được thư tôi đã lên thăm gia đình ông Quách Ngọc Minh. Những tư liệu cổ mà ông Quách Ngọc Minh gìn giữ thật độc đáo. Về Hà Nội, tôi viết truyện ngắn này. Khi viết, tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện.
*
Năm 1802, Nguyễn Phúc ánh chiếm Thăng Long, lên ngôi vua, đặt tên hiệu là Gia Long. Bên cạnh nhà vua có vài người châu âu giúp việc. Trong số ấy có một người Pháp tên là Phrăngxoa Pơriê do chính giám mục Pi nhô đờ Bê hen (Bá Đa Lộc) tiến cử. Nhà vua thường gọi y là Phăng.
Phăng từ nhỏ đã thích phiêu lưu. Y từng tham gia cách mạng 1789, bạn với Xanh Giuýt. Năm 1794, cách mạng thất bại, Phăng trốn ra nước ngoài. Năm 1797, Phăng theo chân một tàu buôn trôi dạt dến Hội An. Người ta không rõ cuộc gặp gỡ của y với Bá Đa Lộc, chỉ biết Bá Đa Lộc có viết thư giới thiệu Phăng với vua Gia Long. Trong tập bút ký của mình sau này, Phăng viết:
“Nhà vua là một khôí cô đơn khổng lồ. Ông đóng trò rất giỏi trong triều đình. Ông đi, đứng, ra, vào, ra các mệnh lệnh, chấp nhận sự tung hô của bọn quần thần. Ông là người cha nghiêm khắc của lũ con ích kỷ, đần độn. Là người chồng đáng kính của các bà vợ tầm thường... Ông biết ông đã già, với bọn cung tần mỹ nữ trẻ đẹp ông bất lực. Ông biết rõ cái triều đình thiển cận do ông dựng lên, biết rõ quốc gia mình nghèo đói. Ông luôn lo sợ bởi quyền lực nắm trong tay, nó lớn ngoài sức chứa một con người...“
Trong một chuyến đi săn ở phía Bắc kinh thành Huế, Phăng đi theo vua Gia Long. Phăng kể: Nhà vua cưỡi ngựa, lưng rất thẳng. ở giữa thiên nhiên, trông ông rạng rỡ mất đi vẻ đăm chiêu cau có hàng ngày. Ông vui vẻ vào cuộc săn hào hứng. Buổi tối, nói với tôi, ông bảo: “Khanh biết không, cái lũ chó chết ấy, chúng nó chuẩn bị cả rồi, chỗ nào trẫm đi qua thì chúng thả thú ra“. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao nhà vua (vốn xuất thân là một võ tướng) lại chịu được sự nhục mạ ấy. Ông cười: “Khanh chẳng hiểu gì. Vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục“. Tôi ngồi nghe nhà vua, nhận thấy ông trải đời ghê gớm. Ông hiểu bản chất đời sống cộng sinh. Số phận ngẫu nhiên giao cho ông đứng trên đỉnh cao nhất, ông không dám phá vỡ bất cứ quan hệ nào làm hại đời sống cộng sinh đó, bởi phá vỡ nó, nghĩa là ngai vàng không còn đứng vững. Tôi có hỏi nhà vua về các nhà lư tưởng phương Đông. Tôi nhận thấy ông không quan tâm đến họ. Ông bảo: “Tất cả do cay cú đời sống. Họ là quá khứ. Thời khắc đang sống, là đáng kể”. Nhà vua chăm chú ăn món gân hổ, hơn là tiếp chuyện tôi...“.
Phăng được vua Gia Long cho phép đi lại nhiều nơi, Phăng từng gặp Nguyễn Du, bấy giờ đang giữ chức tri huyện. Phăng kể:
“Trước mặt tôi là một người bé nhỏ, mặt nhàu nát vì đau khổ. Ông nổi tiếng là một nhà thơ có tài. Tôi thấy ông hoàn toàn không hiểu gì về chính trị. Trước sau, ông là một viên quan tận tụy. Ông hơn những người khác ở nhân cách nhưng nhân cách ấy có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó, túng kiết. Ông hoàn toàn thiếu tiện nghi. Ông không phù phiếm nhưng sự hào hoa cũng không có nốt. Đời sống tinh thần bóp nghẹt ông. Ông nói chuyện giản dị và hóm hỉnh. Trực giác tuyệt vời. Cũng như vua Gia Long, ông là một khối nguyên liệu to lớn nhưng nhẹ đồng cân hơn, hợp chất tạo thành ít hơn, độ bám của bụi bặm cũng ít hơn. Cả hai đều là những khối nguyên liệu vô giá, những vật quốc bảo“.
Phăng được Nguyễn Du dẫn đi thăm một vài nơi trong địa hạt của mình. Phăng viết:
“Ông ta (tức Nguyễn Du) có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất. Vua Gia Long không đại diện cho ai, ông chỉ chịu trách nhiệm với mình. Đấy là điều vĩ đại nhưng cũng đê tiện khủng khiếp. Nhà vua có cách nhìn thực tiễn với chính từng khắc tồn tại của bản thân mình. Nhà vua biết xót thân. Nguyễn Du thì khác, Nguyễn Du không biết xót thân. Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đuơng thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau nguời ta mới thấy điều này vô nghĩa. Nguyễn Du sống dân dã, ông hồn nhiên chịu đựng sự nghèo tùng cùng nhân dân. Ông không đứng cao hơn họ, không hưởng thụ cao hơn họ, và như thế, ông hoàn toàn không biết làm chính trị. Tất cả đời sống vật chất của ông do những hoạt động cù lần mang lại, năng suất thấp, chỉ thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu. Lòng tốt của ông là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai. Vua Gia Long thì khác. Ông khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với Tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt phục vụ cho chính bản thân mình. Ông làm cho lịch sử sinh động hẳn lên. Đấy là lòng tốt lớn của nhà chính trị. Lòng tốt lớn của nhà chính trị không chỉ là làm việc thiện với một số phận đơn lẻ mà còn là sức đẩy của ông ta với khối cộng đồng. Từng phần tử trong cộng đồng do luật tự nhiên chi phối sẽ tự tồn tại, định hướng và phát triển. Không có một sức đẩy mạnh, cả cộng đồng sẽ mọc rêu, mủn nát. Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó nhỏ bé xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi lại vừa tàn nhẫn...
Phăng có kể lại cho vua Gia Long ấn tượng khi gặp Nguyễn Du. Phăng viết:
“Nhà vua nghe tôi một cách lơ đãng. Tôi có cảm giác ông bị nặng tai nhưng không phải. Ông không coi Nguyễn Du ra gì, hoặc có thể ông coi Nguyễn Du là con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn, bò, gà mà ông chăn dắt. Ông bảo: “Trẫm có biết người ấy. Cha nó là Nguyễn Nghiễm. Anh nó là Nguyễn Khản“. Tôi thấy nhà vua hiểu sự bất lực của ông đối với đời sống nghèo khó và những trì trệ của dân tộc ông. Ông không tin học vấn có thể cải tạo giống nòi. Điều ấy có lý. Trước hết là vật chất. Những hoạt động kinh tế cù lần chỉ đủ sức cho một dân tộc sống khắc khoải. Vấn đề ở chỗ phải đứng lên vươn mình thành một cường quốc. Làm điều đó, phải có gan chịu đụng sự va xiết trong quan hệ với cộng đông nhân loại. Thói hủ nho và thủ dâm chính trị sẽ không bao giờ tạo được những quan hệ trong sáng, lành mạnh. Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa “.
Năm 1814, người ta phát hiện ra một nơi có vàng, Phăng xin vua Gia Long cho một số người châu âu cùng mình đi tìm kiếm. Vua Gia Long đồng ý. Phăng không để lại tư liệu nào kể về chuyến đi tìm vàng này. Tuy nhiên có một người Bồ Đào Nha tham gia đoàn tìm vàng đã viết hồi ký. Người Bồ Đào Nha này kể lại: Đoàn chúng tôi có mười một người gồm bốn người Bồ Đào Nha, một người Hà Lan, năm người Pháp và một người Việt dẫn đường. Chỉ huy chúng tôi là Phơrăngxoa Pơriê. Y là một người tàn bạo được vua Gia Long tin cậy... Chúng tôi đi ngựa, mang theo vũ khí và những dụng cụ đãi vàng như dân tìm vàng hồi thế kỷ trước ở Bắc Mỹ. Ngay Phơrăngxoa Pơriê cũng không lường trước sự việc diễn ra. Điều ấy khiến cho chúng tôi sau này phải trả giá đắt. Đa số chúng tôi tham gia chuyến đi vì sự hiếu kỳ. Chúng tôi chuẩn bị lương thực đủ trong một tháng. Chúng tôi luồn rừng và đến nơi sau một tuần đi đường. Nơi đây là thượng nguồn một con sông lớn nằm kẹp trong thung lũng hoang vắng. Không hề thấy một bóng người qua lại. Quạ bay hàng đàn. Trong bản đồ, Phrăngxoa Pơriê gọi đây là thung lũng Quạ. Chúng tôi cắm lều ngay trên bờ sông. Ngay ngày đầu tiên, người Hà Lan trong đoàn đã lên cơn sốt. Ông ta lên những cơn co giật khủng khiếp, người nóng như than, mặt xám lại Chúng tôi đề nghị để lại một người chăm sóc ông ta nhưng Phơrăngxoa Pơriê không nghe. Y dồn tất cả chúng tôi vào núi đào vàng và lọc quặng. Buổi tôí, khi chúng tôi trở về thì người Hà Lan đã chết. Phơrăngxoa Pơriê sai ném xác người Hà Lan xuống sông. Quạ lập tức bu đen trên thây người chết...
Mỏ vàng gần như lộ thiên. Sụ hào hứng khiến chúng tôi quên mệt nhọc. Đến ngày thứ ba, chúng tôi bị thổ dân tấn công. Chúng tôi co cụm lại. Những người thổ dân cầm dao, gậy đứng từ xa chửi rủa và dùng đá ném chúng tôi. Họ có ý muốn đuổi chúng tôi chứ không có ý gì khác. Người Việt dẫn đường đi theo chúng tôi đã biến mất ngay từ khi những người thổ dân xuát hiện. Phơrăngxoa Pơriê nói tiếng Việt rất tồi. Y giơ cao tấm thẻ tín bài của vua Gia Long nhưng vô hiệu. Đáng lẽ chúng tôi phải rút ngay nhưng Phơrăngxoa Pơriê không kìm chế được. Y nổ súng. Một người thổ dân trúng đạn. Số còn lại chạy tán loạn. Chúng tôi đòi Phơrăngxoa Pơriê quay về nhưng y không nghe, y bắt chúng tôi tiếp tục làm việc. Vàng đã làm cho y lóa mắt và mụ mị đi. Buổi chiều khi chúng tôi quay về lều thì thấy đầu lâu của người Việt dẫn đường cắm trên cọc nhọn ngay bên cạnh đấy. Trời nóng như thiêu, chúng tôi thấy rất nhiều quạ bay từ rừng trên, vừa bay vừa kêu những tiếng man rợ. Khoảng nửa đêm, lửa bốc cháy dữ dội xung quanh lều. Những mũi tên lẩm thuốc độc ở đâu bắn đến như mưa. Năm người trong đoàn chúng tôi chết ngay. Phơrăngxoa Pơriê mang theo số vàng đãi được mở con đường máu thoát ra. Lửa nóng quá. Trước mặt, sau lưng, trên trời, dưới đất, đâu đâu cũng thấy lửa cháy rùng rực...“
Hồi ký của người Bồ Đào Nha vô danh không viết gì thêm. Tôi, người viết chuyện này đã cất công đi tìm các thư tịch cổ và hỏí han nhiều bậc bô lão. Không có tài liệu gì và cũng không ai biết gì về thung lũng Quạ hoặc chuyện của những người châu âu thời vua Gia Long. Mọi cố gắng của tôi trong nhiều năm nay vô hiệu. Tõi hiến bạn đọc ba đoạn kết cho câu chuyện này để bạn đoc tùy ý lựa chọn.
ĐOẠN KẾT 1
Đoàn tìm vàng còn sót lại ba người. Phăng bảo toàn nguyên vẹn số vàng đào được mang về. Vua Gia Long vui mừng vì đã tìm được mỏ vàng. Nhà vua cho khoanh vùng thung lũng Quạ và cho tiến hành khai thác mỏ. Phăng được cử trông coi việc này. Hai người châu âu sót lại trong đoàn tìm vàng cũng được mời tham gia nhưng họ từ chối. Phăng trông coi việc khai thác mỏ vàng trong hai năm. Vua Gia Long rất tin cẩn y và thường ban cho y những bổng lộc hậu hĩnh. Một hôm, người ta đưa đến cho y món ăn quý do nhà vua ban: món chim hầm bát bảo nấu rất công phu. Phăng an xong thì thấy bụng đau cồn cào dữ dội, mắt trợn ngược, máu ộc ra đầy mồm miệng. Y chết ngay trên bàn ăn. Trong một quyển sổ ghi chép còn sót lại của y, người ta đọc thấy những dòng chữ sau:
“Tất cả những cố gắng của con người hướng về điều thiện đều là nhũng cô gắng đau đớn, nhọc lòng. Điều thiện hiếm như vàng và sau đó phải được vàng bảo đảm nữa mới có giá trị thực.
Chúng ta sống vô nghĩa, nghèo khó và đau khổ trong những lý thuyết chắp vá đầy ngụy biện; những môí bất hòa kỳ thị dân tộc và đẳng cấp; những kinh nghiệm sống của chúng ta mong manh và vụn vặt xiết bao. Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?”
ĐOẠN KẾT 2
Thoát khỏi biển lửa, đoàn tìm vàng sót lại một mình Phăng. Y mang số vàng tìm đến được dinh quan sở tại. Phăng đưa tấm thẻ tín bài có dấu triện của vua Gia Long xin được che chở. Quan huyện là một vị túc nho già, biết nghề thuốc. Phăng đã dưỡng bệnh ngay tại huyện lỵ hẻo lánh này. Con gái quan huyện là Vũ Thị còn trẻ nhưng góa chồng mang lòng yêu mến y. Sau khi Phăng vể kinh đô, y được vua Gia Long ban thưởng hậu hĩnh. Nhà vua đã cho tiến hành khai thác mỏ vàng.
Lúc này ở châu âu , nền Đế chế của Napôlêông Bonapac đã sụp đổ. Châu âu chín chắn hơn. Họ đã bắt đầu hiểu vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc không phải do cách mạng hoặc chiến tranh mang lại, cũng không phải do các nhà tư tưởng hoặc các Hoàng đế mang lại, bởi vậy họ sống đỡ căng thẳng hơn, giản dị hơn, hợp tự nhiên hơn. Phăng xin vua Gia Long mang theo Vũ Thị và một số vàng lớn hồi hương. Về Pháp, ông lập một ngân hàng và sống sung sướng đến già. Ông thường kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm quá khứ, về những biến cố ở xứ An Nam xa xôi. Theo ông, thời kỳ ông ở An Nam mới là sự bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt, khi này biên giới phân định, chữ viết có gốc từ chữ La tinh phổ biến, người Việt dần thoát ra sự cầm tù đáng sợ của nền văn minh Trung Hoa, có những mối giao lưu chung với cộng đồng nhân loại.
ĐOẠN KẾT 3
Tất cả đoàn tìm vàng bị giết chết. Lính triều đình bao vây và tấn công họ chứ chẳng có thổ dân nào cả như trong hồi ký của người Bồ Đào Nha vô danh lầm tưởng. Người ta tìm được vàng giấu trong đồ đạc của những người châu âu, nó lẫn trong quần áo và ở cả trong những sổ sách ghi chép. Vua Gia Long cho xung công và sau đó cử một người trong hoàng tộc đứng ra lo việc khai thác mỏ vàng. Cuối đời, vua Gia long sống trong cung cấm, tìm cách tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài. Nhà vua rất ghét những ai nhắc lại mối quan hệ với người này, người nọ khi nhà vua còn hàn vi, dù đấy là người Việt, người Trung Hoa hay người châu âu nào khác. Triều Nguyễn của vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại. Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là triều đại để lại nhiều lăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.