Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

CUỘC BỂ DÂU 1

CUỘC BỂ DÂU

của Lê Bá Thông


Chương Một


Từng loạt súng tiểu liên “ tạch...tạch...tạch...” nghe vọng lại từ phía dinh Độc Lập hòa lẫn vào tiếng xe gắn máy, honda, vespa, và tiếng còi xe hơi inh ỏi. Đoàn người bồng bế dìu dắt vợ con, tay xách va li hành trang, mặt mày hớt hơ hớt hải, chen chúc chạy tràn ngập đường Thống Nhất, đi về hướng Tòa Đại Sứ Mỹ, nơi mà mọi người đều nuôi hy vọng sẽ được may mắn leo lên một trong những chiếc trực thăng di tản dân chúng Sài Gòn ra các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội đang bỏ neo ngoài khơi hải phận Việt Nam.
Những ngày cuối cùng của chính phủ Nguyễn văn Thiệu đã kéo theo sự sụp đổ của miền nam Việt Nam khi Hoa Kỳ bắt đầu bí mật tổ chức cho nhân viên thuộc các cơ quan Mỹ chuẩn bị kế hoạch rút ra khỏi Sài gòn và các tỉnh miền Tây. Thân nhân và gia đình các người Việt Nam làm việc với Mỹ đã được thông báo thu góp vàng bạc, đô la...tài sản và lên phi trường Tân Sơn Nhất đáp các chuyến máy bay dân sự, quân sự bay ra ngoại quốc trong khi các đơn vị quân đội đang tìm cách tái tổ chức, lập phòng tuyến ngăn chận sự tiến quân của Cộng sản.
Gia đình của Đại tá Quả cũng đang bàn định và thu góp những đồ vật quí giá, chia tiền đô la cho ba đứa con, dấu trong chiếc bao vải, mang vào thắt lưng. Chiếc xe Jeep đã nổ máy chờ sẵn trước sân nhà trên đường Công Lý. Diễm Tú, cô gái đầu của Đại tá Quả có vẻ như đang suy nghĩ một điều gì, dùng dằng không muốn theo bố mẹ và hai em trai ra xe lên phi trường Tân Sơn Nhất.
Tâm tư của cô gái vừa lên 20 tuổi, nữ sinh trường Đại học Văn khoa Sài gòn, đang vấn vương lo lắng và buồn nhớ về Phan, đã theo chiến hạm đi công tác ngoài đảo Phú Quốc. Chuẩn úy Hải quân Hoàng thanh Phan, Cơ khí trưởng một Tuần duyên hạm, được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên hải gần một tháng nay, sau khi Huế thất thủ và dân chúng cũng như binh lính, công chức được các chiến hạm Hải quân chuyên chở ra tạm trú tại An Thới, Phú Quốc.
Trong lá thư Phan gửi về cách đây năm ngày, Phan tin cho Diễm Tú biết là anh sẽ trở về Sài Gòn sáng sớm hôm sau và có lẽ chiến hạm sẽ cặp bến Bạch đằng trể lắm là ngày 28 tháng 4, tức là ngày hôm nay. Phan mong được đón Diễm Tú và gia đình tại bến tàu để yêu cầu Đại úy Dõng, Hạm trưởng Tuần duyên hạm cho quá giang ra An Thới trong trường hợp Sài Gòn thất thủ. Diểm Tú đã đưa lá thư trên cho bố mẹ đọc nhưng hai ông bà không chịu ở thêm một ngày nữa và nhất là Đại tá Quả không muốn ra An Thới vì ông đã được một Cố vấn Mỹ lo phương tiện cho gia đình bay qua Subic Bay rồi đi Mỹ. Diễm Tú phân vân với quyết định của bố mẹ và của mình. Nàng thương bố mẹ nhưng cũng rất yêu Phan, mối tình đầu của nàng. Diễm Tú muốn gặp Phan lần cuối trước khi theo cha mẹ. Tuy nhiên với quyết định của gia đình, nàng rất đau khổ và đành phải thu dọn kỷ vật của hai đứa, những hình ảnh và thư từ, bỏ vào trong chiếc ví nhỏ, sau đó để lại lá thư của nàng gủi cho Phan, trên chiếc bàn giữa phòng khách và nhờ chú Năm, em họ của bố, và cũng là bạn của Phan, người sẽ dọn vào ở tại căn nhà này sau khi gia đình Đại tá Quả rời Việt Nam, đưa cho Phan trong trường hợp Phan đến nhà tìm Diễm Tú. Trong thư, Diễm Tú cho biết dự tính của gia đình là sẽ qua Mỹ tỵ nạn và nàng chắc rằng Phan cũng sẽ rời Việt Nam, hai người sẽ liên lạc và gặp nhau lại tại Mỹ.

Chiếc xe Jeep vượt qua cổng gác của đơn vị Hoa Kỳ tại phi trường Tân Sơn Nhất, giữa đám người đủ mọi thành phần cố gắng và năn nỉ các lính Thủy quân lục chiến Mỹ được vào để lên những chiếc phi cơ đang tuần tự nối tiếp nhau cất cánh.
Căn phòng ngồi chờ chuyến bay kế tiếp đầy ngập thân nhân và gia đình của các nhân viên và Sĩ quan cao cấp quen biết hoặc làm việc với Mỹ. Tiếng cười nói ồn ào, mùi nước hoa xông lên nồng nặc trong căn phòng chật hẹp làm Diễm Tú cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Đại tá Quả đang đứng nói chuyện với người Cố vấn Mỹ cuối góc phòng, ba hoa mai bạc vẫn còn lóng lánh trên cổ áo trận rằn ri. Nhìn những khuôn mặt xa lạ đang xúm xít chung quanh mình, tiếng nói lao xao hòa lẫn với tiếng loan báo bằng tiếng Mỹ gọi tên người di tản lên máy bay, Diễm Tú cảm thấy niềm chua xót, lạc lõng và rồi ý nghĩ liều lĩnh, một quyết định bỗng chợt đến trong tâm tư của nàng, Diễm Tú không cần suy nghĩ thêm, do dự và nói với mẹ cần đi “toilet”, nàng ôm mẹ hôn vào má thật lâu làm bà hơi ngạc nhiên; Diễm Tú xoay lại hôn hai đứa em trai Toàn và Thắng, rồi lấy chiếc va li nhỏ đựng hành trang của mình đi vào phòng vệ sinh phía sau căn nhà vòm mái tôn. Sau đó, Diễm Tú đi vòng quanh ra trước căn nhà, bắt đầu chạy qua sân cỏ cạnh cổng trại lính, về phía khu nhà ở của dân chúng cách đó chừng hơn năm trăm thước chận một chiếc xe Jeep do quân nhân Mỹ lái chạy ngang, Diễm Tú đưa tay ra hiệu xin quá giang rồi leo lên xe đi ra khỏi cổng. Sau lưng nàng, những chuyến máy bay di tản lần lượt cất cánh rời phi đạo bay về hướng đông nam, ra biển Thái Bình Dương.
*****


Mặt trời tỏa tia nắng chói chang xuống biển đông trong một buổi trưa cuối xuân. Từng đợt sóng dài theo hướng đông nam, hướng đảo Côn Sơn làm tăng thêm tốc độ của chiếc Tuần duyên hạm (PGM) do Hải quân Đại úy Ngô Dõng, Hạm trưởng đang hai máy tiến “full”, hải hành về Sài Gòn với vài gia đình Sĩ quan cao cấp thuộc các quân binh chủng một tuần trước đây đã di tản từ miền trung về An Thới. Từ xa thành phố Vũng Tàu hiện ra và lớn dần với ngọn núi nằm về hướng chếch mủi phía hữu hạm.
Đại úy Dõng đứng trên đài chỉ huy của chiếc chiến hạm loại nhỏ, thỉnh thoảng nhấc chiếc ống nhòm đeo ở cổ, quan sát vị trí chung quanh trong lúc Thiếu úy Toàn Hạm phó đang chăm chú định vị trí chiến hạm trên hải đồ. Tiếng máy tàu nghe thật rõ và thân tàu rung nhẹ, nhồi sóng rồi từ từ theo hải lộ tiến vào vịnh Vũng Tàu, chiếc phao đánh dấu “London Maru” nằm bên hữu hạm đong đưa theo lượn sóng khi chiến hạm chạy ngang qua. Đại úy Dõng nhìn trong ống nhòm vào thành phố Vũng Tàu, trước mắt là cảnh tượng làm cho Dõng bâng khuâng. Trên các đường phố, bờ biển Bãi trước, từng đám người xuôi ngược đông nghẹt, dân sự chen lẫn quân nhân trong chiến phục đủ màu, rằn ri đang di chuyển, giữa đoàn xe Jeep, xe du lịch... hướng ra phía các bến tàu đậu, về ngả Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 Duyên hải, đi ngược về Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Cát Lỡ... Nhiều chiến hạm đủ loại như Hải vận hạm, Dương vận hạm, Hộ tống hạm... neo trong vịnh, cũng đang rộn rịp trên boong trước, boong sau với binh sĩ và gia đình, có lẽ cũng đã di tản vào từ miền Trung.

Chuẩn úy Cơ khí trưởng Phan từ hầm máy bước lên, bộ áo màu xanh xám Hải quân và hai tay dính đầy dầu cặn, báo cáo cho Đại úy Hạm trưởng biết là máy chánh tả của chiến hạm cần sửa chữa vì ống dẫn dầu bị thủng, có lẽ phải mất độ vài giờ, trước khi hải hành vào sông Lòng Tào. Đại úy Dõng nhìn đồng hồ tay, đã gần hai giờ chiều, ngày 28 tháng 4. Vừa báo cáo xong, Phan trở xuống phòng máy, lòng lo lắng suy nghĩ về lá thư anh đã gửi cho Diễm Tú và yêu cầu nàng ra bến Bạch đằng gặp Phan vào ngày hôm nay hoặc ngày mai. Anh hy vọng sẽ sửa chữa xong gấp máy chánh tả để chương trình có thể tiến hành đúng theo dự tính và tàu sẽ cặp bến trể lắm là tối nay và Phan sẽ gặp Diễm Tú tại Sài Gòn.
Đại úy Dõng ra lệnh gọi nhiệm sở vận chuyển và neo tàu tại một vị trí xa các chiến hạm khác và nằm ngoài hải trình chính từ Sài Gòn ra biển. Ông ra ngoài thông báo cho những Sĩ quan quá giang và cho biết lý do chiến hạm cần sửa chữa máy. Xong xuôi Đại úy Dõng lên máy liên lạc với Bộ Tư lệnh Hạm đội, báo cáo tình trạng chiến hạm cũng như thời gian phỏng định đến Quân cảng Sài Gòn vào khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ tối và được chỉ thị chiến hạm cặp tại vị trí 2 cầu F thay vì vị trí 3 cầu A như đã được chỉ định trước đây vì giờ đến của chiến hạm đã bị thay đổi và đình trệ. Đại úy Dõng tin cho Phan biết quyết định trên của Bộ Tư lệnh Hạm đội, thêm một mối lo âu trong tâm tư của người Sĩ quan Hải quân trẻ tuổi vì sợ không biết Diễm Tú có tìm ra chỗ tàu đậu hay không. Tuy nhiên vì phải lo cho chiến hạm, Phan đành phải gạt ý tưởng riêng tư qua một bên và tiếp tục với chức vụ Cơ khí trưởng cặm cụi thay ống dẫn dầu và sửa máy chánh tả.

Trời nổi giông lớn khoảng nửa giờ trước khi hai máy tàu khiển dụng trở lại. Từng cơn sấm chớp nổ ầm rầm trời rồi mưa rơi như trút, xuống vùng biển Vũng Tàu. Những cơn mưa giông vào cuối tháng 4 thường xảy đến vào xế chiều tại khu vực Vũng Tàu và Sài Gòn, mưa nhiều, sấm chớp dữ dội nhưng cũng chấm dứt rất nhanh và khí hậu cũng bớt oi bức hơn trước. Một chiếc lẹm dài vắt ngang bầu trời bắt đầu trong xanh trở lại về phía hai nhánh sông Soài Rạp, Lòng Tào, hướng Sài Gòn với rừng dừa nước thấp lè tè hai bên bờ sông không rộng lắm.
Đại úy Dõng chờ cho trời quang đãng, rồi mới ra lệnh nhổ neo hải hành hai máy tiến “full” trực chỉ về Sài Gòn trong khi Phan đứng trên boong sau chiến hạm lòng nôn nóng gặp lại được người yêu mà có lẽ giờ này đang bước vội trên bến Bạch Đằng, đi tìm chiến hạm của người Sĩ quan lính biển, bạn của chú Năm mà nàng đã yêu gần hơn hai năm nay từ buổi đầu gặp gỡ trong buổi tiệc mừng ngày tốt nghiệp Trung học do bố tổ chức ở nhà. Chiếc đồng hồ treo trên vách đài chỉ huy chỉ 5 giờ chiều, mặt trời vẫn còn tỏa tia nắng le lói xuyên qua các cụm mây xám của trận mưa giông lơ lửng bay về cuối trời tây. Khi chiến hạm vào đến cửa sông Lòng Tào, vị Hạm trưởng tàu phải ra lệnh giảm máy xuống còn “tiến ba” để tránh nguy hiểm vì các tàu thuyền đủ loại đang chạy ra nhiều. Lưu thông trên giang lộ này trở nên rộn rịp hơn khi chiến hạm tiến về gần Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Hải quân Nhà Bè. Nhiều thuyền bè lớn nhỏ vội vã chạy ra từ phía thượng giòng, trên boong tàu chen chúc dân chúng già trẻ lớn bé, binh lính đủ mọi thành phần, đứng nhìn chiến hạm của Dõng chạy qua với ánh mắt ngạc nhiên vì thấy tàu đang trực chỉ ngược chiều với họ. Đại úy Dõng đặt ống nhòm nhìn vào bờ, về phía Căn cứ Nhà Bè và yên lòng hơn khi thấy sinh hoạt trong Căn cứ có vẽ rất bình thường, trên các chiến đỉnh của Giang đoàn về sửa chữa, nhân viên vẫn ngồi sơn thành tàu, gỏ sét như thường lệ. Trên sông, một vài Monitor và LCVP thuộc Giang đoàn Xung phong trú đóng tại đây thả dọc tuần tiểu trên sông Nhà Bè nước đục ngầu, chảy mạnh theo ngọn thủy triều ra biển.

Từ xa ngọn đèn đỏ tại ngả ba Nhà Bè nhấp nháy, lắc lư trong cơn gió chiều của một buổi hoàng hôn đang buông trùm trên dòng sông chiến lược, hải trình huyết lộ của dân Sài Gòn đang tìm đường ra biển đông tránh nạn chiến tranh đang ngày càng tiến gần về Thủ đô của nước Việt Nam Cọng hòa.

*****


Chiếc xe thồ honda dừng lại trước căn nhà của Đại tá Quả, Diễm Tú lấy tiền trả cho người chủ xe rồi lấy chiếc chìa khóa dấu dưới tấm thảm chùi chân trước cổng chính mà bố đã để lại cho chú Năm, đang từ Khánh Hội dọn dẹp đồ đạc dọn qua nhà của người anh họ này. Nhìn căn nhà yêu dấu nơi mà nàng đã sống suốt cuộc đời con gái, nay thiếu bóng dáng những người thân yêu, Diễm Tú cảm thấy một nỗi buồn trống vắng dâng tràn trong tâm tư, nàng gạt đôi dòng lệ đang tự động chảy dài trên gò má, nàng đã đi đến một quyết định có ảnh hưởng cho cuộc đời của không những cá nhân nàng mà cho cả gia đình, cho cả người yêu thủy thủ. Nàng hy sinh đời sống an toàn dưới sự che chở, chăm sóc thương yêu trìu mến của bố mẹ và chấp nhận một hành trình không tương lai, không chắc chắn chỉ vì Diễm Tú không muốn Phan phải thất vọng khi biết nàng không chờ người yêu, đã theo cha mẹ, chạy ra ngoại quốc và không giữ lời thề nguyền ước hẹn của hai người.

Diễm Tú đi vào phòng ngủ của nàng, chiếc giường và đồ đạc vẫn như cũ, bức hình do Phan chụp Diễm Tú trong chuyến dạo chơi trong Thảo Cầm viên Sài Gòn của hai ngườiù để trên ngăn tủ, rớt xuống đất vỡ tan tành khi nàng vói tay lấy chiếc bóp da nằm cạnh bên để lấy số tiền Việt Nam của nàng bỏ lại khi lên xe theo bố mẹ ra phi trường Tân Sơn Nhất sáng sớm hôm nay. Diễm Tú biết rằng cho đến giờ phút này nàng vẫn cần số tiền đó vì đang ở tại Việt Nam chờ đợi gặp lại Phan. Những tờ giấy bạc năm trăm, một ngàn đồng không bao lâu sẽ trở thành vô giá trị khi miền nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản. Diễm Tú nhét vội xấp tiền vào chiếc xách tay, mở tủ lạnh, rót ly nước, uống một ngụm thật dài, nước mát lạnh làm nàng qua khỏi cơn khát đang làm khô cả cỗ họng.

Sau đó Diễm Tú xách chiếc va li nhỏ vội vàng đi ngang qua phòng khách ra khỏi nhà, khóa cửa lại và để chiếc chìa khóa cổng chính dưới tấm thảm chùi chân như trước. Chiếc bì thư với hàng chữ: “ Nhờ chú Năm trao lại cho anh Phan, xin cám ơn chú. Diễm Tú” vẫn còn nằm ngay ngắn trên chiếc bàn của bộ xa lông tại phòng khách. Trong giây phút bối rối, Diễm Tú đã quên không lấy lại lá thư mà nàng định nhờ người chú họ trao lại cho Phan, người yêu của mình và cũng là bạn của chú Năm vì nàng nóng lòng vội vã đi ra bến Bạch Đằng với hy vọng sẽ gặp Phan đang chờ đón gia đình mình.

Tiếng xe cộ chạy rầm trời, tiếng còi xe hơi, xe gắn máy ầm ĩ chung quanh chiếc taxi của người tài xế già đang càu nhàu và cố gắng né tránh đoàn xe vô trật tự chạy tứ tung trên con đường dẫn ra công trường Mê Linh. Diễm Tú, tay ôm chặt chiếc xách, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cao vì không khí nóng nực và oi bức trong chiếc taxi nhỏ, bức rức nhìn ra hai bên đường Công lý, Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, Tự do...đầy rẫy làn sóng người, thẫn thờ chen chúc đi, chạy vội vàng, xuôi ngược về nơi không định hướng. Mọi người đều hoảng sợ và lo lắng sau các cuộc pháo kích vào ngoại ô thành phố Sài Gòn, chung quanh phi trường Tân Sơn Nhất, nhất là biến cố thả bom của các phi công phản bội dân tộc thuộc Không quân Việt Nam Cọng Hòa đầu thú Cộng sản, lái phi cơ A-37 oanh kích Dinh Độc Lập trong những ngày qua. Những tin tức loan báo và truyền miệng về hoạt động của quân đội chính quy Cộng sản Bắc Việt với sự yểm trợ của xe tăng T-54, đang ào ạt và hùng hổ tiến về phía Biên Hòa, Củ Chi, Bình Long... càng gây hoang mang và tạo sự bất ổn, hỗn loạn cho dân chúng Sài Gòn. Thêm vào đó, tin tức về việc Đệ Thất Hạm đội gửi máy bay trực thăng vào đón các nhân viên sứ quán Hoa Kỳ, và sự kiện Mỹ bỏ rơi miền nam Việt Nam làm cho mọi người tiên đoán tình trạng sụp đổ của đất nước sẽ không còn bao lâu nữa. Vì thế mọi tầng lớp dân chúng cư ngụ trong thành phố, những người có máu mặt, tiền của dư thừa, quen lớn hoặc có phương tiện đã tìm đường bay ra ngoại quốc từ một hai tuần trước. Phần còn lại, thu góp tài sản đã dành dụm từ lâu, tổ chức mua tàu, theo lộ trình sông Sài Gòn ra biển lánh nạn với hy vọng tàu Mỹ sẽ cứu vớt họ ngoài khơi.

Diễm Tú lặng nhìn và xót xa khi thấy những đồ đạc, va li hành lý, xe vespa xẹp lốp, xe gắn máy hư hỏng bị bỏ lại... nằm rải rác hai bên đường trên các đại lộ dẫn ra công trường Mê Linh. Trên không trung, dưới bầu trời với nhiều cụm mây xám cuồn cuộn kéo về từ phía đông của một buổi xế chiều cuối mùa xuân, từng chiếc máy bay trực thăng nối đuôi nhau, ì ầm bay về phía đông nam, hướng ngón tay trỏ của bức tượng Thánh tổ Hải quân, Đức Trần Hưng Đạo, oai nghiêm, hùng dũng... trầm ngâm đứng nhìn đàn con Việt Nam, đang lũ lượt dùng thuyền bè, xuôi dòng nước đục ngầu đầy phù sa chạy ra biển Nam Hải để lánh nạn Cộng sản độc tài.

Chiếc xe taxi ngừng lại bên cạnh bờ sông bến Bạch đằng, bên trái nhà hàng ăn nổi Mỹ cảnh trên sông Sài Gòn. Diễm Tú móc hai tờ một ngàn đồng, đưa cho ông tài xế già và cám ơn ông ta sau đó xách va li đựng hành lý, hòa mình vào đám đông dân chúng, đi vội dọc theo bến Bạch đằng về phía cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân với hy vọng nhìn thấy người Sĩ quan lính thủy dáng người cao ráo, mảnh khảnh đang đứng chờ người yêu tại cầu tàu đầu tiên có mang chữ A như trong thư của Phan viết và hẹn gặp Diễm Tú tại đây.

Trên sông Sài Gòn, chiến đỉnh Hải quân giang hành với các thủy thủ trong tình trạng tác chiến, mặc phao nổi nón sắt, các khẩu đại bác được tháo bỏ bao súng, như chuẩn bị và sẵn sàng tác xạ khi cần thiết. Từ phía Thủ thiêm, tàu thuyền đầy ấp dân chúng, chen chúc nhau trên khoan thuyền, trên boong tàu, di chuyển về phía cầu Tân Thuận. Bến Bạch đằng nay đã trở thành một nơi tập trung của rừng người, già trẻ lớn bé, tay bồng tay xách vali hành trang cá nhân, mặt mày hốt hoảng, tiếng gọi nhau, nói chuyện ồn ào. Người dân Sài Gòn đang tìm phương tiện còn lại duy nhất để ra khỏi Thủ đô miền nam Việt Nam, đó là những chiến hạm Hải quân cập cầu từ bến Bạch đằng vào tận Bộ Tư lệnh Hạm đội trong Hải quân Công xưởng; thương thuyền tàu bè tại Thương cảng và xà lan của Mỹ dùng để chuyên chở người di tản ở Tân cảng. Ngoài ra các ghe tàu dân sự có khả năng đi biển cũng được người Tàu Chợ lớn tổ chức, hùn tiền mua và di chuyển tài sản, gia đình bà con thân thuộc rồi thuê mướn các binh sĩ thuộc mọi Quân binh chủng bảo vệ tàu của họ, không cho dân chúng khác lên tàu.

Con đường dẫn vào cổng Bộ Tư lệnh Hải quân dọc theo bến tàu, từ công trường Mê Linh, bị chận lại bằng hàng rào dây kẽm gai, do các lính Hải quân hờm sẳn súng M16, nghiêm nghị đứng gác và kiểm soát, hỏi giấy tờ người ra vào vì có tin đặc công Việt cộng đã trà trộn vào dân chúng, với ý đồ phá hủy chiến hạm, ngăn ngừa tàu di tản ra khỏi Sài Gòn.
Diễm Tú lo âu khi nhìn thấy cạnh cầu A, hai chiến hạm loại lớn đang cập, không thấy bóng dáng của chiếc Tuần duyên hạm, nhỏ nhắn mà nàng đã biết khi được Chuẩn úy Phan mời xuống thăm tàu và giới thiệu vài người bạn cùng khóa và Sĩ quan chiến hạm vào những lần trước đây. Nước mắt lo âu bắt đầu chảy dài xuống gò má ửng hồng vì cơn nóng oi bức buổi chiều của người con gái có mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt trái soan dễ mến. Diễm Tú nhìn đồng hồ tay, đã hơn sáu giờ chiều, nàng tần ngần đứng suy nghĩ, phân vân không biết nên đứng chờ giữa làn sóng người đang lũ lượt ngược xuôi bên cạnh, hay đi tìm chiến hạm của Phan. Nàng chợt nhớ đến bức hình Phan trong Quân phục Tiểu lễ Hải quân mà nàng có mang theo, có thể đây là giấy thông hành giúp nàng đi vào được khu vực do Hải quân kiểm soát. Diễm Tú để va li bên cạnh chiếc ghế đá trong công viên, mở xách tay, vội vàng lấy bức hình của Phan tặng nàng, ngắm nhìn rồi hờn tũi cho thân phận, nước mắt nhỏ giọt trên tấm ảnh người Sĩ quan, đang mỉm cười như muốn an ủi người yêu.

Diễm Tú lấy hết can đảm, đánh bạo đi về phía người Hạ Sĩ quan có vẻ là trưởng toán lính gác, rụt rè nói:
“ Dạ xin lỗi ông, tôi là thân nhân của Chuẩn úy Phan, Sĩ quan cơ khí của Tuần duyên hạm Hải quân. Anh Phan viết thư cho tôi biết là ngày hôm nay tàu sẽ về đến bến và đậu tại cầu kia...”, Diễm Tú chỉ tay về phía cầu A bên tay mặt rồi ngập ngừng nói tiếp:
“Mà...ừ... tôi không thấy... ông có thể cho tôi biết tin tức về...à...của Chuẩn úy Phan được không ạ? Dạ tôi có mang theo đây bức hình của anh Phan...”
Diễm Tú không chấm dứt câu nói, ngừng lại rồi lễ phép tay run nhẹ, đưa chiếc ảnh của Phan cho người Hạ Sĩ quan.
Vị Thượng sĩ trưởng toán, có lẻ quá bận rộn với nhiệm vụ suốt ngày, mặt mày không được vui và mệt mỏi, miễn cưởng cầm tấm hình liếc sơ rồi trả lời:
“ Rất tiếc, tôi không có tin tức gì về chiếc PGM này cả, chỉ có Bộ Tư lệnh Hạm đội mới có tin tàu về bến thôi, mà tôi chắc chắn là họ cũng không cho người dân sự biết đâu.”
Người Thượng sĩ già đưa trả chiếc ảnh lại cho Diễm Tú, đang tần ngần thất vọng với nước mắt rưng rưng, đôi vai rung nhẹ, đầu hơi cúi xuống:
“ Tuy nhiên nếu cô muốn đi tìm chiến hạm này, cô có thể đi dọc vào các cầu tàu B, C, D...F... nằm dọc theo bến tàu vào tận trong Ty Quân cảng gần bên Thị Nghè. Tôi không biết tàu đã về chưa, nếu đã về bến thì sẽ cặp tại một trong các cầu tàu đó. Tôi cho phép cô vào để tìm Chuẩn úy này và chúc cô may mắn.”
Ông Thượng sĩ Hải quân dừng nói, quay lại ra lệnh cho người thủy thủ trẻ tuổi đang đứng cạnh bên chăm chú nghe cuộc đối thoại và có vẻ rất vui khi nghe quyết định của cấp chỉ huy, mở hé hàng rào dây thép gai cho cô gái dáng người mảnh mai, tay xách va li, rối rít cám ơn hai quân nhân tốt bụng, thông cảm cho người cô thế. Diễm Tú thầm cám ơn Trời Phật đã giúp nàng gặp ông Thượng sĩ nhân từ và rất hãnh diện đã quen biết và yêu hết lòng một Sĩ quan thuộc Quân chủng nổi tiếng hào hoa, phong nhả với mọi thành phần quân nhân có trình độ trí thức cao như Hải quân.

Vừa suy nghĩ vừa rảo bước dọc theo cầu tàu, mắt nhìn tìm kiếm chiếc tàu của Phan, chẳng mấy chốc, Diễm Tú đã đến cầu C cuối đường, vẫn không thấy bóng dáng người Sĩ quan của nàng. Những chiến hạm loại hả mồm lớn mà Phan thường giải thích cho Diễm Tú biết đó là loại tàu chuyên chở lính và xe tăng, xe thiết giáp, loại tàu đổ bộ, đang cặp tại hai cầu B và C. Trên boong chính, quân nhân mặc quân phục rằn ri, áo quần trận thuộc mọi Quân binh chủng, dân sự, đàn ông đàn bà trẻ con đầy nghẹt như kiến. Có lẽ tàu đang chuẩn bị ra khơi, trên cầu tàu, xe vespa, lambretta, honda mobilette...xe đạp, xe hơi đủ loại nhan nhản đậu khắp bờ cỏ, bên vệ đường. Tiếng máy phóng thanh trên chiến hạm loan báo tin tức, tìm kiếm thân nhân hòa lẫn với nhạc quân hành vang dội cả một bầu trời bắt đầu xám xịt báo hiệu cơn mưa giông thường lệ vào xế chiều sắp đến trên vùng trời Sài Gòn. Thế rồi mưa bắt đầu rơi nặng hột với tiếng sấm long trời như súng pháo kích của địch quân, những làn sét chớp nhoáng vạch thành tia sáng ngoằn ngoèo giữa đám mây đen vần vũ bao kín bầu trời, tiếp theo sau đó tiếng sấm nổ vang dội khắp nơi.

Diễm Tú vội vàng rời bến tàu, không dám núp dưới các vòm cây bên đường vì sợ có thể bị sét đánh như bố mẹ thường dặn dò, nàng chạy về con đường phía tay trái, vào trú ẩn dưới mái nhà trong sân quần vợt đối diện với cổng trại có bảng hiệu “Hải quân Công xưởng” với lính kiểm soát và đang hờm súng đại liên chĩa ra phía hai bên đường. Mưa ào xuống như trút, nước chảy ngập con đường đầy rẫy các xe gắn máy và xe đạp ngổn ngang chắn hết lối đi. Diễm Tú nhìn thấy nhiều đám người đang trú ẩn rải rác dưới hiên nhà dọc theo đại lộ này, những ngưới núp tránh mưa đứng bên cạnh đang lo lắng về việc Hải quân cấm không cho người vào trong Hải quân Công xưởng để lên các chiến hạm đậu ở các cầu tàu trong đó. Họ nói lính gác được lệnh của cấp chỉ huy, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả quân nhân Hải quân các cấp và gia đình.

Diễm Tú cũng phân vân không biết làm cách nào vào Bộ Tư lệnh Hạm đội trú đóng bên trong căn cứ này để hỏi tin tức về chiến hạm của Phan. Trời tối dần trong khi mưa bắt đầu rơi nhẹ hạt, tiếng sấm ì ầm nghe vọng lại từ xa về phía Chợ Lớn và rồi chỉ trong khoảng khắc, bầu trời trở nên quang đảng trở lại. Đèn đường bật sáng lên và làn sóng người đi tìm đường tỵ nạn lại bắt đầu di chuyển về phía bến tàu, cổng Hải quân Công xưởng với hy vọng sẽ tìm được người quen và được phép tháp tùng lên các chiến hạm trước khi quá muộn. Diễm Tú chậm rãi đi theo đoàn người băng qua đường về phía cổng trại, nàng liếc nhìn đồng hồ tay, đã gần 8 giờ tối, cơn đói khát chợt đến, vì từ sáng đến bây giờ, Diễm Tú chỉ ăn một ổ bánh mì thịt do mẹ mang theo trong khi ngồi chờ máy bay tại phi trường.
Đang ngẩn ngơ chen lấn giữa những người di tản, bỗng Diễm Tú nghe có tiếng người gọi tên mình từ phía sau. Nàng mừng rỡ quay lại nhìn, trên chiếc xe Jeep quân đội, một thanh niên trong quân phục tác chiến Hải quân, đầu đội nón sắt, ngồi trước tay lái đang vừa gọi tên vừa ngoắc tay về phía Diễm Tú. Nàng nhận ra đó là Quân bạn thân cùng khóa Chuẩn úy với Phan mà Diễm Tú đã gặp nhiều lần trước đây. Quá vui và cảm thấy yên lòng hơn như người sắp chết đuối với được phao, nàng chen ra khỏi đám đông, chạy vội vàng về phía xe Chuẩn úy Quân, đang bước xuống chờ và hỏi rối rít:
“ Chị Diễm Tú làm gì mà ở đây? Hai bác và các em của chị đâu rồi? Chị lên xe, tôi đưa chị về nhà.”
Diễm vừa cám ơn vừa leo lên và giải thích cho bạn của người yêu biết lý do nàng đến tìm Phan.
“ Vào Công xưởng này không được đâu, vị Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Hải quân Sài gòn đã ra lệnh cấm không cho bất cứ ai được xuất nhập cho đến khi có lệnh mới. Chị để tôi lái xe đưa chị qua ngả cầu Thị nghè, rồi mình kiếm cách vào đơn vị của tôi tại Bộ chỉ huy Quân cảng và liên lạc máy hỏi Bộ Tư lệnh Hạm đội về tình trạng chiến hạm của Phan. Có lẽ giờ cuối bị trục trặc gì đó nên chương trình về bến thay đổi, vì tôi biết tính Phan và mối tình của anh chị, nếu có gì, Phan đã tin ngay cho chị biết rồi.”
Diễm Tú ngồi lại ngay ngắn rồi đáp:
“ Dạ tôi cũng sợ như vậy đó thưa anh Quân, vì trong thư gửi cho tôi, Phan hứa chắc chắn là bằng mọi giá, Phan sẽ đón tôi và gia đình ra An Thới rồi tùy theo tình hình sẽ tính sau. Lạy Phật Trời cho tôi tìm được anh ấy, thú thật với anh Quân nếu không gặp anh Quân tôi không biết phải làm sao nữa.”
Nàng ngừng lại, cảm thấy tủi thân, nức nở, đôi vai run nhẹ. Quân vừa quẹo xe về phía tay mặt từ đường Cường Để, tăng tốc độ hướng về Thị nghè. Hai bên lộ trình, dân chúng hối hả đi ngược chiều, về phía đường Thống Nhất, nơi Tòa đại sứ Hoa kỳ tọa lạc. Quân lắc đầu, thở ra:
“ Tình hình có vẻ bất ổn quá, dân chúng lo sợ và hoang mang làm tôi cũng lo thêm mặc dù đơn vị chúng tôi vẫn nhận được lệnh tử thủ và vị Trung tá Chỉ huy trưởng của tôi quyết chí ở lại với quê hương tổ quốc. Ông đã từ chối không tháp tùng theo máy bay trực thăng của em gái ông, đang làm việc với cơ quan phái bộ Tùy viên quân sự (DAO) tại Tân Sơn Nhất, đến Bộ chỉ huy đón ông và gia đình. Ông ta thề sống chết trên mảnh đất Việt Nam và nhất định không chịu bỏ nhiệm sở như các cấp chỉ huy khác. Vì thế binh sĩ dưới quyền của ông lên tinh thần dữ lắm.”
“ Anh Phan nói là chúng mình sẽ di tản ra An Thới, ở đó cho đến khi quân lực Việt Nam Cọng hòa phối trí trở lại với các đơn vị tại Vùng 4, rồi dần dần chiếm lại các tỉnh đã mất và chúng ta sẽ trở về Sài Gòn.”
Diễm ngần ngừ nói tiếp:
“ Nhưng Diễm Tú không biết điều đó có thể xảy ra được không khi thấy cảnh tượng chen chúc, hỗn độn và sợ sệt của dân chúng Sài Gòn như vầy không?”
Quân vừa bóp còi xe và lách xe vào lề để tránh đám người bồng bế nhau chạy băng ngang qua, anh càu nhàu trong miệng, đồng ý với Diễm Tú:
“ Chị nói đúng lắm, sau khi Tổng thống Thiệu bay ra ngoại quốc và các cấp chỉ huy bỏ chạy, tinh thần chiến đấu của anh em chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều, phân vân và chán nản hòa lẫn bất mãn vì những thành phần này. Mặc dù vậy, các quân nhân Hải quân vẫn ráng quên để tiếp tục chiến đấu. Tin cho biết ngày hôm qua, 27 tháng 4 một đơn vị của mình đóng tại ngoại ô Sài Gòn đã anh dũng chiến đấu trong hơn một ngày và đẩy lui quân đội chính quy Cộng sản đông hơn gấp bội. Bộ Tư lệnh Hải quân đã gửi phái đoàn thăm viếng ủy lạo và khen thưởng, gắn huy chương cho các lính biển oai hùng này đó thưa chị. Riêng cá nhân tôi, tôi cũng sẽ ở lại đơn vị, sống chết với các chiến hữu của tôi, rồi đến đâu hay đó.”

Xe Jeep đang chạy gần đến cầu Thị nghè, bỗng hai người hốt hoảng khi nghe tiếng pháo kích rầm trời từ phía phi trường Tân Sơn Nhất, rồi lửa cháy tỏa sáng cả góc trời về phía đó. Pháo binh Cộng sản đã vào kế cận và đang bắn hỏa tiển tiêu diệt các phi đoàn Không quân đóng tại đây. Thế rồi trên không trung, tiếng máy bay trực thăng nghe rầm rộ bay qua sông Sài Gòn, về phía Căn cứ Yểm trợ Hải quân Nhà Bè.

Tiếng súng tiểu liên và đại liên nổ ròn rã về phía đối diện với Ty Quân cảng Sài Gòn, Quân biết đó là tiếng hải pháo từ các chiến đỉnh Giang đoàn và của đơn vị đang tác xạ vào các vị trí địch. Anh giảm bớt máy và bảo Diễm Tú bình tỉnh, trong khi nàng đang run sợ, hai tay bịt tai vì tiếng ầm ĩ chung quanh.

Xe Jeep vừa chạy đến chân cầu, đột nhiên một tiếng nổ bùng dữ dội lật bung chiếc xe vào vệ đường, thân xe nghiêng dựa vào một thân cây, Quân bị mảnh đạn ngay mặt, máu chảy đầm đìa, chết ngay tại chỗ, trong khi Diễm Tú bị sức nổ mạnh của đạn pháo kích, đẩy ra khỏi xe trước khi xe bị lật. Đầu nàng đánh xuống nền đất bên đường, ú ớ vài tiếng rồi lăn ra bất tỉnh bên cạnh thân cây. Chiếc va li bật tung, áo quần, giấy tờ theo gió bay khắp đường. Từ trong căn cứ Hải quân, tiếng chân người rộn rịp chạy về phía chiếc xe Jeep lật ngược, bốn bánh đang quay tròn trong không khí.

*****


Đại úy Dõng đưa ống nhòm lên nhìn về hướng Căn cứ Hải quân Cát Lái, chăm chú quan sát những ngọn khói đen bốc lên từ bờ hữu hạm phía kho đạn thành Tuy Hạ. Thỉnh thoảng vọng lại tiếng súng tạch...tạch...tạch và tiếng súng cối, súng 105 ly nghe thật rõ trong buổi hoàng hôn trên sông Sài Gòn. Ngọn đèn đỏ đánh dấu thủy lộ tại ngả ba Nhà Bè nhồi sóng dữ đội khi chiến hạm với vận tốc cao chạy ngang qua. Chiếc Tuần duyên hạm tiếp tục hải hành nốt đoạn đường ngắn còn lại để về cặp cầu, tiếp tế nhiên liệu nước ngọt và có lẽ được chỉ định dùng làm phương tiện di tản cho các Sĩ quan cao cấp và gia đình theo đặc lệnh mà Đại úy Dõng đã nhận được trong công điện mật trực tiếp chỉ thị từ Trung tâm hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân thay vì Bộ Tư lệnh Hạm đội như thường lệ, vì nghe đâu Tư lệnh Hạm đội đã cùng gia đình, rời bỏ nhiệm sở bay ra ngoại quốc cách đây gần một tuần lễ.

Bầu trời phía xa trước mủi chiến hạm xám xịt với những đám mây thấp và sấm sét vạch đường dài như tia diện tử nối liền đất trời, có lẽ trận mưa giông hồi chiều tại Vũng Tàu nay lấy lại cường độ khi không khí ẩm thấp thành phố gặp luồng khí lạnh thổi từ biển vào. Thủy triều dâng cao, nước chảy vào mạnh hơn làm tăng tốc độ của chiến hạm. Chuẩn úy Phan thỉnh thoảng chạy từ hầm máy lên sân sau, nhìn xem tàu đã gần đến Thương cảng chưa, rồi tiếp tục đi quart và kiểm soát máy. Gió thổi mạnh từ hướng Khánh Hội, tàu thuyền tấp nập trên dòng sông hẹp làm cho Dõng phải ra lệnh giảm máy xuống, ngọn đèn hải hành xanh đỏ đã được bật lên từ lâu, radar cũng khiển dụng để định vị trí nhưng vì đối vật quá nhiều trên mặt kính nên không giúp gì được trong khi hải hành trên sông gần khu vực này.

Mưa bắt đầu rơi xuống rào rào nhiều hơn khi chiến hạm chạy ngang qua Thương cảng Sài gòn, tầm nhìn xa bị giới hạn đến mức tối thiểu làm cho Hạm trưởng phải đặt hai quan sát viên, một tại trước mủi, một ngay bên ngoài đài chỉ huy để báo cáo kịp thời các tàu bè chạy ngang qua, đồng thời giảm máy xuống còn” hai máy tiến một ” và từ từ chạy lên thượng giòng, trực chỉ cầu F nằm gần Bộ Tư lệnh Hạm đội.
Trên bờ, cạnh nhà hàng ăn Mỹ Cảnh, chen chúc tránh mưa dưới các lùm cây bên cạnh công trường Mê Linh, từng đám người di tản co ro ướt át, đứng chờ mưa tạnh để lại tiếp tục đổ xô về phía bến tàu. Bộ Tư lệnh Hải quân vẫn im lìm trong ánh sáng chói chan của mấy ngọn đèn pha. Cầu A, cầu B, cầu C đều có ba bốn chiến hạm nhỏ lớn cặp đầy. Khi chạy ngang qua cầu D trong Hải quân Công xưởng, Đại úy Dõng nhận thấy ngoại trừ chiếc Dương vận hạm HQ 503 nằm ở vị trí ngoài cùng là không có dân di tản, hai chiến hạm nằm ờ vị trí 2 và vị trí 1 đều hầu như đầy ắp quân nhân đủ mọi thành phần, thuộc các Quân binh chủng, dân sự rộn rịp di chuyển trên sân thượng, sân sau...
Có lẽ chiếc HQ 503 không cho phép người di tản lên tàu hay sao mà không thấy sinh hoạt như các chiến hạm nằm cạnh bên.

Đại úy Dõng ra lệnh gọi nhiệm sở vận chuyển chuẩn bị cặp cầu F đang hiện dần và thấy từ xa bên tả hạm. Trời đã tạnh mưa, gió thổi nhẹ trên dòng sông nước đục ngầu chảy mạnh về hướng Tân cảng, mang theo rong bèo, rác rến từ Nhà Bè, Cát Lái về đây. Chiến hạm vận chuyển quay ngược mủi tàu hướng ra hạ giòng, ngược chiều với dòng nước để cặp cầu dễ dàng hơn. Sau đó, Chuẩn úy Phan được lệnh xúc tiến tiếp tế dầu, nước ngọt để chiến hạm sẵn sàng khởi hành khi có lệnh. Công việc vừa xong, Phan được vị Hạm trưởng đang còn độc thân, ký Sự vụ lệnh cho đi công tác mua thực phẩm cho chiến hạm. Phan được thông báo là giờ giới nghiêm đã áp dụng trong tuần lễ vừa qua tại Quân trấn Biệt khu Thủ đô và mọi di chuyển phải có Sự vụ lệnh. Phan thay vội quân phục dính đầy dầu cặn rồi cám ơn Đại úy Dõng và vội vàng chạy lên Bộ Tư lệnh Hạm đội mượn chiếc xe honda của anh bạn cùng khóa Chuẩn úy, đang phục vụ tại đây. Anh nhảy lên xe, rú máy chạy ra ngả sau, qua khỏi Ty Quân cảng về hướng cầu Thị nghè, chạy vòng về phía Bộ Tư lệnh Hải quân tại bến Bạch đằng, lòng nôn nóng nhìn đồng hồ tay, đã 8 giờ tối. Phan hy vọng Diễm Tú và gia đình kiên nhẫn chờ Phan đến đón tại cầu A như lời anh dặn nàng trong lá thư anh gửi về. Càng suy nghĩ và lo lắng, Phan rú máy tăng tốc độ chiếc honda trên con đường Hai Bà Trưng, lách qua lại để tránh các xe cộ khác chạy cùng hướng và ngược chiều. Tiếng cánh quạt của máy bay trực thăng phần phật, rộn rã trên bầu trời đêm hòa lẫn tiếng súng pháo kích dồn dập, nổ bùng nghe từ phía sau lưng về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Phan đoán chắc Cộng sản đang phi pháo vào căn cứ Không quân và các máy bay đang đậu tại đây. Tình hình có vẻ rất khẩn trương rồi. Phi đội trực thăng tiếp tục vần vũ bay về hướng biển Nam Hải, những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy trên không trung như bươm bướm ma trong đêm tối. Phan vừa chạy xe qua khỏi tiệm phở tại đường Hai Bà Trưng, chợt nhớ lại những buổi sáng chúa nhật cùng Diễm Tú đi ăn phở tại đây trước khi đưa nhau vào dạo chơi trong Thảo Cầm viên, núp dưới vòm cây, trao nhau những nụ hôn thẹn thùng say đắm.

Công trường Mê Linh đầy những dân chúng di tản, Phan dựng vội chiếc xe, khóa lại tại chân ghế đá, đi về phía đám người đứng lố nhố cạnh hàng rào dây kẽm gai giăng chắn ngang đường dẫn vào bến tàu đậu. Ba chiến hạm lớn đang cặp tại cầu A, trên bờ Sĩ quan Hải quân và gia đình đứng thành từng cụm nhỏ như chờ đợi lên tàu. Phan hy vọng gia đình Diễm Tú cũng đứng chờ anh tại một góc nào đó ở đây. Anh đưa Sự vụ lệnh cho người Trung Sĩ trẻ tuổi, trưởng toán lính gác xem qua, chào trả lại người Hạ Sĩ quan và chạy vội vào sân cỏ trước cầu tàu.
Phan vừa chen lấn vừa nhón chân tìm và mong gặp một người quen của mình hoặc của gia đình Đại tá Quả để hỏi thăm tin tức người yêu. Sau hơn một giờ chạy tìm kiếm từ cầu A đến cầu C, anh thất vọng vì không thấy bóng dáng của Diễm Tú. Phan phân vân, thất thểu đi ra khỏi khu vực tàu đậu, bao nhiêu câu hỏi và nghi vấn làm xao xuyến lòng người Sĩ quan trẻ tuổi. Không hiểu là thư anh gửi có đến tay Diễm Tú kịp lúc hay không, vì chiến tranh tiến gần đến thành phố Sài Gòn trong tuần lễ qua, Bưu điện có giao thư cho khách hàng không? Hay là Diễm Tú không ra bến tàu vì tình trạng bất ổn trên các đường phố, hay đã trở về nhà trước khi giờ giới nghiêm bắt đầu? Tuy vậy Phan vẫn tiếp tục nuôi hy vọng là gia đình Diễm Tú vẫn còn ở chung quanh đâu đây và cũng đang cố gắng tìm chiến hạm của Phan. Anh chạy quanh giữa các đám người tụ họp trên công trường Mê Linh, phía dưới nhà hàng Mỹ Cảnh, dọc theo đường lộ trước khách sạn...cho đến khi quyết định lên honda chạy về hướng nhà của Đại tá Quả trên đường Công Lý, cách bến tàu gần 20 phút.
Bầu trời sáng rực từ xa khi Phan qua khỏi chợ Tân định, tiếng súng pháo binh thỉnh thoảng nghe vọng lại, có nhiều lúc rất lớn hình như là tiếng nổ do hỏa tiển 122 ly của Cộng sản khi rơi trúng mục tiêu. Trên không từng đoàn máy bay trực thăng bay khắp trời, về mọi hướng. Gần đến cầu Công Lý, Phan lách xe vào lề đường nhường cho hai chiếc xe cứu hỏa của Đô thành rú còi inh ỏi, xả hết tốc lực chạy về phía lửa cháy từ xa.

Chiến tranh thật sự đã vào đến ngưỡng cửa thành phố Sài Gòn như là một bệnh dịch lan truyền từ miền Trung xuống. Các đơn vị thuộc ba Quân binh chủng Hải Lục Không quân tự tan rã khi cấp chỉ huy di tản trước khi địch tấn công. Ngoại trừ một thiểu số Lực lượng anh hùng tử thủ, không được pháo binh và phi cơ yễm trợ rồi bị tràn ngập bởi quân số hùng hậu nhiều gấp bội với xe tăng và trọng pháo của Cộng quân.
Tiếng súng lớn nhỏ nghe càng gần khi Phan dựng xe honda trước nhà Đại tá Quả, anh cảm thấy hy vọng hơn vì đèn trong nhà vẫn sáng, hình như có người trong đó. Phan leo lên tầng cấp dẫn đến cổng chính rồi gỏ cửa thật gấp rút. Có tiếng chân người rồi Phan nghe tiếng đàn ông hỏi lớn:
“Ai đó, chủ nhà đi vắng hết rồi, cần gì sáng sớm mai trở lại.”
Phan nhận ra tiếng của Hào, thường được Diễm gọi là chú Năm, bạn mình, anh mừng rỡ vội trả lời:
“Anh Hào ơi, Chuẩn úy Phan đây, mới đi công tác về đến Sài Gòn, mở cửa cho tôi vào với.”
Tiếng chìa khóa mở cửa rồi Hào với nét mặt không mấy ngạc nhiên khi thấy Phan đang đứng đợi vừa theo Hào vào nhà vừa lo lắng, hối hả hỏi bạn:
“ Anh Hào ơi, Diễm Tú và gia đình đâu cả rồi, có ra bến Bạch đằng chờ tôi không? Tôi cố gắng tìm mãi mà vẫn không tìm thấy Đại tá Quả và Diễm Tú nên phải chạy về đây với hy vọng là mọi người còn ở nhà. Tình hình có vẻ nguy cập lắm, có lẽ tụi Vẹm đang tiếp tục pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất để tiêu diệt phi đoàn và ngăn cản không cho ai di tản ra khỏi Sài Gòn bằng đường hàng không nữa rồi.”

Chú Năm Hào ngồi yên nghe Phan nói, chậm rãi rót hai tách nước trà cho mình và cho bạn, giọng nói điềm đạm như sợ Phan thất vọng:
“ Anh Phan cố gắng bình tỉnh nghe tôi nói, tôi đến đây hồi chiều tối theo lời căn dặn của anh họ tôi là Đại tá Quả để dọn dẹp và đưa vợ con tôi từ Khánh Hội qua đây ở vào ngày mai. Khoảng 11 giờ sáng nay gia đình ông Quả đã theo người bạn Cố vấn Mỹ làm việc tại DAO lên phi trường đáp máy bay đi Mỹ rồi. Tôi được ông ta giao căn nhà này cho tôi giữ kể cả tất cả đồ đạc... à .. chút xíu nữa tôi quên, cháu Diễm Tú để lại lá thư nhờ tôi chuyển lại cho anh vì cháu đoán chừng anh sẽ đến tìm khi chiến hạm anh về bến.”
Chú năm Hào đứng dậy, đi lấy bức thư đang nằm ngay ngắn trên chiếc bàn tại góc phòng khách mà Diễm Tú đã quên không xé đi khi nàng trốn bố mẹ, quyết định ở lại Việt Nam để chờ Phan và trở về nhà hồi xế trưa trước khi ra bến tàu.

Phan thẫn thờ không tin những lời mình vừa nghe, tay run run không kềm chế được nỗi xúc cảm đang dâng tràn vì thất vọng. Anh đứng lên cầm lá thư, đi vào phòng ngủ của Diễm Tú, nơi vẫn còn phản phất mùi hương trinh nguyên của người con gái anh yêu lần đầu, căn phòng mà nhiều lần trước đây trong những lúc gia đình Đại tá Quả đi lên Đà Lạt, ra Vũng Tàu nghỉ mát, Diễm Tú lấy cớ bận học thi, ở nhà không tháp tùng bố mẹ để được hưởng giây phút thần tiên bên người yêu lính biển. Phan không ngờ, người tình lãng mạn của mình lại đành lòng bỏ ra đi, quên hết lòng thương yêu trìu mến và lời hứa cùng anh xây đắp tương lai trọn đời sau khi tốt nghiệp đại học. Tất cả đều là giả dối và phản bội. Phan ngồi xuống chiếc giường nệm trải “drap” màu xanh dương, màu của biển và trời mà trước đây Diễm Tú nói là để hằng đêm dệt giấc mộng đẹp, mơ về người tình thủy thủ đang vượt sóng đại dương dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc.
Anh mở lá thư ra đọc, Diễm Tú viết trong thư là vì sợ Phan có về Sài gòn trước khi quân Cộng sản chiếm hay không nên nàng cùng bố mẹ dùng giấy phép của người bạn Cố vấn đáp máy bay qua Mỹ và hẹn gặp Phan bên đó vì chắc chắn Phan sẽ dùng phương tiện Hải quân ra biển, nàng mong Phan thông cảm, vẫn tiếp tục yêu nàng vì nàng luôn luôn yêu Phan và tin tưởng hai người sẽ tái ngộ trên đất Tự do.
“Thật là dối trá, muốn đi thì cứ việc nói thẳng, làm gì mà phải giải thích.”
Phan tức giận, dùng chân đá khung ảnh bể nát nằm trên sàn nhà, bức hình Diễm Tú quay tròn bung ra khỏi chiếc khung. Phan cúi xuống nhặt lên, phủi sạch mảnh gương vụn bám trên ảnh, lặng nhìn người anh yêu, đang trìu mến mỉm cười nhìn anh như xin tha lỗi. Phan đắm đuối hôn vào bức ảnh, anh biết lòng mình còn thương Diễm Tú nhiều lắm. Chỉ vì tức giận Diễm Tú ra đi không một lời từ giãnên anh quá buồn khổ và thất vọng, tuy nhiên nếu suy nghĩ thật chính chắn, việc theo gia đình đi Mỹ của Diễm Tú cũng giúp cho anh có quyết định dứt khoát là phải tìm phương tiện ra khỏi Việt Nam và sau đó đi tìm Diễm Tú để trở thành vợ chồng và sinh sống tại ngoại quốc.

Tiếng chân chú Năm Hào đang đi vào phòng ngủ Diễm Tú, Phan quay lại, cố làm ra vẻ tự nhiên:
“Cám ơn anh Hào đã trao lại lá thư của Diễm Tú, tôi hy vọng sẽ gặp lại nàng trong tương lai. Tôi phải về chiến hạm ngay, nhờ anh thưa với chị Hào tôi có lời hỏi thăm và chúc anh chị gặp nhiều may mắn nếu hai người không thay đổi ý kiến để tìm phương tiện di tản như phần đông dân chúng Sài Gòn.”
“Cám ơn anh Phan, tôi sẽ chuyển lời thăm hỏi của anh lại cho nhà tôi. Có lẽ không khi nào tôi đổi ý đâu anh à, tôi đã quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục làm nghề gỏ đầu trẻ nuôi bốn đứa con còn quá nhỏ. Qua Mỹ biết nghề ngổng gì đâu, tiếng Anh thì chỉ “How are you?” thế thôi. Vì vậy vợ chồng tôi nhất tâm sống ngày hai bửa bên cạnh nhau và gìn giữ mộ phần tổ tiên là vui rồi. Đời là cuộc bể dâu, tất cả đều vô thường, sinh tử có số mạng. Định mệnh khó thay đổi lắm anh Phan ơi, “tri thiên mệnh” mà. Tôi tin tưởng rằng tất cả mọi việc xảy ra trên cõi đời tạm bợ này đều được sắp đặt trước. Mỗi người đều có cơ duyên và nghiệp độ cho mình. Tiện đây tôi cũng chúc anh Phan nhiều may mắn và nếu anh tái hợp với Diễm Tú, tôi cầu mong hai người hạnh phúc và con cái đầy đàn.”

Phan cám ơn người bạn học, bắt tay thật chặt vì biết lần chia tay này có thể là lần cuối bằng hữu gặp nhau vì mai đây cuộc bể dâu đang diễn ra trên quê hương Việt Nam sẽ chia cắt mỗi người một ngả, trên hai môi trường sống khác biệt nhau.
Phan nhìn đồng hồ đeo tay, đã quá nửa đêm, quá giờ giới nghiêm rồi, nhưng thây kệ anh có Sự vụ lệnh mà. Một ngày mới vừa bắt đầu, ngày 29 tháng 4 năm 1975, trên không tiếng phần phật của máy bay trực thăng bay ngang qua đầu vẫn còn nghe thật rõ. Phan rú máy xe honda chạy thật nhanh trên con đường qua khỏi cầu Công Lý trống vắng, như muốn xóa tan đi những ý nghĩ còn vấn vương trong đầu về triết lý sống của chú Năm Hào, nhà giáo, bạn học của mình.

*****


Bệnh viện Hải quân nằm đối diện với cổng Hải quân Công xưởng vẫn còn tiếp tục được các Bác sĩ nhiều tinh thần nghề nghiệp, công tâm, trách nhiệm và lòng nhân đạo điều hành hầu như thường lệ mặc dù bên ngoài, một rừng người vây quanh hai cổng sắt Công xưởng được khóa chặt. Tiếng động cơ của xe hơi, xe gắn máy bị bỏ lại nằm la liệt, ngăn cản sự giao thông trên con đường từ bến tàu đến đại lộ Thống Nhất. Tiếng người la lối om sòm , thỉnh thoảng vài tiếng súng chỉ thiên “ tạch... tạch... tạch” từ các nhân viên gác cổng bắn dọa đoàn người đang chen chúc, lấn nhau ùa tới cổng mỗi lần mở cho Sĩ quan cao cấp Hải quân đi kiểm soát ra vào.
Trước thềm bệnh viện, trên sân cỏ, các nhân viên Y tá và Bác sĩ yên lặng tò mò thản nhiên đứng nhìn đoàn người đang tìm cách di tản, hầu như họ không lo lắng và quan tâm nhiều đến việc này vì còn bổn phận chăm sóc các thương bệnh binh Hải quân vừa được tản thương về đây từ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Sông ngòi đồn trú tại cầu Long Bình và Căn cứ Hải quân Cát Lái, đang anh dũng chiến đấu chống lại những cuộc tấn công của quân chính quy Cộng sản vào phòng tuyến đơn vị.

Căn phòng nhỏ làm nơi hồi sinh cho các thương binh vừa giải phẩu được tạm thời cải biến dùng để chửa các bệnh nhân khác vì thiếu phòng điều trị. Diễm Tú nằm trên chiếc giường bệnh màu xám Hải quân tại cuối góc phòng, gần chiếc cửa sổ nhìn ra bức tường gạch không cao lắm với nhiều cây đầy hoa màu tím leo bám trên tường, phía sau cổng bệnh viện. Ánh nắng xế chiều rọi từ hướng tây, le lói xuyên qua bức màn cửa màu xanh dương. Tiếng ồn ào nghe thật rõ từ phía cổng trước đưa tâm tư chơi vơi, trí óc bồng bềnh của Diễm Tú trở về với thực tại. Nàng cảm thấy nhức đầu và nhận thức rằng mình bị thương trên trán khi cố gắng nhấc cánh tay trái lên rờ vầng trán. Đầu Diễm Tú được vấn bằng băng cứu thương xuống đến gần lông mày. Cánh tay mặt cũng được băng bó đến tận khỉu làm nàng nhăn mặt khi di động bàn tay.
Ký ức chỉ cho Diễm Tú nhớ lại một cách mù mờ giây phút trước khi nàng bất tỉnh. Nàng chỉ mườn tượng nhìn thấy chiếc xe Jeep nằm lật ngược, bốn bánh quay lên trời sau khi nghe tiếng nổ bùng dữ dội và nàng cảm thấy thân hình mình bay bỗng rồi té xuống đất thật mạnh. Thế rồi nàng tê liệt vàhôn mê không biết gì nữa cả cho đến sáng nay khi tỉnh dậy, nàng được Y tá cho biết mình được xe cứu thương chở đến bệnh viện Hải quân này để chữa trị vết thương. Diễm Tú cũng chưa biết tình trạng của Quân như thế nào vì nàng chưa tỉnh hẳn để hỏi các Y tá tại đây, tuy nhiên nàng đã nguyện cầu và hy vọng anh Quân thoát khỏi tai nạn vừa qua.
Liếc nhìn đồng hồ treo trên tường, Diễm Tú biết nàng đã nằm điều trị tại bệnh viện này hơn 20 tiếng, đã gần 7 giờ chiều ngày 29 tháng 4. Trên không trung tiếng máy bay trực thăng thỉnh thoảng nghe bay ngang qua, cánh quạt phần phật dồn dập như nỗi lòng người con gái đang lo âu cho số phận của mình và phân vân nghĩ đến Phan, không biết chiến hạm đã về đến bến và có ai nói cho anh biết Diễm Tú đang nằm điều trị tại đây không.

Có tiếng chân đi đến gần, Diễm Tú xoay người lại. Anh Trung sĩ dáng người nhỏ, trong chiếc áo choàng trắng, mỉm cười khi thấy Diễm Tú cố gắng gật đầu chào:
“ Kính chào anh, cám ơn anh đã lo cho tôi, vết thương của tôi thế nào, có nặng lắm không thưa anh?”
Người Hạ Sĩ quan với lấy bảng đo nhiệt độ treo tại đầu giường, vừa liếc nhìn vừa vui vẻ trả lời:
“ Dạ chào cô, tôi là Trung sĩ Y tá Hải, vết thương của cô, à cô....”
“ Dạ tôi là Diễm Tú...”
“ Dạ thưa cô Diễm Tú, cô bị thương nhẹ thôi, chỉ có vết trầy trên lông mày một tí xíu, không sâu lắm và khỏi cần may lại. Còn vết thương ở cánh tay mặt, may quá không bị gảy xương, chỉ chảy máu nhiều và Bác sĩ đã may vài mủi kim là xong. Cô sẽ được bình phục nhanh lắm và nếu muốn cô có thể xuất viện sau khi tôi cởi bỏ băng bịt đầu và thay vào đó bằng những “bandage” nhỏ, vết thương ở tay sẽ liền da lại trong vòng vài ngày là trở lại bình thường. Tôi biết cô bị sốc mạnh lắm nhưng cô có phước mới không bị gì hết không như vị Chuẩn úy tài xế, ông ta bị mảnh đạn ở đầu và chết ngay tại chỗ đó thưa cô.”
Diễm Tú òa lên khóc tức tưởi khi nghe tin Quân chết, nàng không ngờ người bạn của Phan đã vì muốn đưa nàng đi tìm kiếm chiếc Tuần duyên hạm mà phải bỏ xác tại gần căn cứ của anh ấy. Nàng cảm thấy hối hận và tự trách mình đã là lý do khiến cho một thanh niên tốt bụng nặng tình bằng hữu, giúp người yêu của bạn mình mà phải hy sinh tính mạng.

Tiếng la lối om sòm, tiếng súng nổ dữ dội về phía cổng Hải quân Công xưởng hòa lẫn tiếng còi xe hơi inh ỏi nghe vọng vào căn phòng bệnh. Người Hạ Sĩ quan Y tá xin lỗi Diễm Tú rồi chạy ra ngoài xem có chuyện gì đang xảy ra, một hồi lâu, Trung sĩ Hải chạy trở vào và thông báo tình hình cho Diễm Tú:
“ Tình hình có vẻ không ổn rồi cô Diễm Tú ơi, các Bác sĩ nói là quân Cọng Sản đã tiến gần đến Sài Gòn và Căn cứ Long Bình bị tràn ngập, Căn cứ Cát Lái đang bị tấn công và cháy dữ dội, có lẽ sẽ không chống giữ được bao lâu nửa. Kho đạn thành Tuy Hạ cũng đang bị pháo dữ đội và hình như Hạm đội Hải quân đang chuẩn bị di tản. Các Bác sĩ cũng bàn tán bỏ nhiệm sở về lo cho gia đình, và tôi cũng sẽ rời đây sau khi thay băng cho cô để về nhà trong Thị nghè, đưa vợ con ra Ty Quân cảng, kiếm tàu Hải quân đi tỵ nạn. Theo tôi nghĩ, nếu cô muốn ra khỏi Sài Gòn, thì ngay bây giờ nên cố gắng xin vào cổng Hải quân Công xưởng, xuống cầu D, lên các Dương vận hạm đang cặp bến tại đó và lên tàu di tản ra Đệ Thất Hạm đội, rồi sẽ tính toán sau. Vừa nói Trung sĩ Hải vừa vội vàng cắt chiếc băng bịt đầu và thay vào đó bằng vài cái băng dán nhỏ, đưa cho Diễm Tú uống 2 viên “Aspirine” và biểu nàng cất 8 viên còn lại để uống sau mỗi khi cảm thấy nhức đầu vì vết thương chưa lành hẳn. Xong xuôi anh đi lấy một ổ bánh mì thịt hai trái cam đem lại cho nàng và chiếc va li nhỏ của Diễm Tú mà bệnh viện đã giữ hộ khi Diễm Tú được đưa về đây, để gần dưới chân giường sắt nói vài lời từ giã và chúc Diễm Tú gặp thật nhiều may mắn. Diễm Tú cố gắng ngồi dậy và ngạc nhiên khi thấy cũng không mệt và choáng váng nhiều như trước, tay trái cầm tay vị Hạ Sĩ quan nhân từ, cảm kích nhìn người Y tá và cám ơn anh đã giúp đỡ người đồng hương gặp nạn.

Sau khi Y tá Hải rời phòng điều dưỡng khoảng một tiếng đồng hồ, Diễm Tú đã thấy khỏe hơn nhiều, cánh tay mặt vẫn còn nhức tí ti, nàng xách va li vào phòng rửa mặt, đóng cửa lại, nhìn vào gương rồi buồn tủi khi thấy tóc tai bơ phờ, mắt có vẻ sâu hơn và đôi môi khô cằn. Diễm Tú vốc nước cẩn thận rửa mặt rồi mở chiếc va li nhỏ, cố gắng dùng tay trái để thay áo quần, nàng ngạc nhiên khi thấy chiếc băng vải đựng 25 tờ giấy 20 đô la vẫn còn nguyên tại thắt lưng của mình dưới chiếc áo thun cũ. Diễm Tú mừng rỡ vì với số tiền đó nàng có thể yên chí sống qua ngày. Nàng vất bộ áo quần cũ vào thùng rác lớn bên cạnh, chứa đầy bông gòn và băng dính máu rồi vội vàng tay trái xách va li, đi lần ra khỏi căn phòng chỉ còn vài thương binh nằm chữa bệnh. Chiếc hành lang bệnh viện Hải quân cũng vắng bóng người khi màn đêm bắt đầu bao phủ trên đám dân chúng di tản chen chúc nhau xin vào Hải quân Công xưởng.
Diễm Tú đã đi đến quyết định và làm theo lời khuyên của người Y tá mà định mệnh đã cho nàng gặp hôm nay, Diễm Tú phải tìm cách lên một chiến hạm Hải quân rồi hy vọng sẽ nhờ nhân viên trên tàu giúp liên lạc với Phan, sau đó nếu Trời Phật thương, hai người sẽ tái ngộ thời gian gần đây hay trong tương lai. Diễm Tú tin tưởng rằng Phan sẽ theo chiến hạm của anh ta và di tản trong trường hợp cần thiết.

Tiếng súng nổ vang rền phía xa lộ và Cát Lái, hướng Thủ thiêm. Một chiếc xe Jeep mang bảng hiệu Hải quân dừng lại gần đám đông, trên xe một quân nhân vai mang 4 gạch vàng, có vẻ là Sĩ quan cao cấp Hải quân, lưng mang súng lục, nhảy xuống lấy chiếc va li cở trung bình như chuẩn bị đi di tản, người tài xế tắt máy rồi cầm khẩu súng trường M16 và xách tay nhỏ, bỏ xe lại, chạy theo cấp chỉ huy ngang qua chỗ Diễm Tú đang tần ngần đứng chờ cơ hội để theo vào trong căn cứ. Ông Đại tá bảo mọi người tránh chỗ cho họ đi rồi gọi vị Sĩ quan trực chỉ huy cổng chánh, ra lệnh mở cổng cho ông ta vô Hải quân Công xưởng. Diễm Tú đứng ngay phía sau lưng vị Sĩ quan này và khi hai chiếc cổng sắt nặng nề hé mở vừa đủ cho ông Đại tá và tài xế của ông, dân chúng ùa vào, đẩy mạnh cánh cửa và đổ xô vào trước khi hai cửa sắt một lần nữa đóng chặt lại giữa tiếng la ó, năn nỉ van lơn của dân chúng kẹt ở ngoài. Diễm Tú thở phào nhẹ nhõm, dùng tất cả sức lực dồn vào hai chân, tập tểnh chạy theo vị Đại tá đang đi về hướng 3 chiến hạm loại lớn cặp cầu D ngoài bờ sông Sài gòn. Nàng theo hai quân nhân này lên chiếc cầu thang nối liền chiến hạm và cầu tàu cùng với số người may mắn. Người thủy thủ gác tại cầu thang đưa tay chào ông Đại tá rồi một Sĩ quan cấp nhỏ, mang một gạch như Diễm Tú thường thấy trên cầu vai của Phan khi anh mặc quân phục, đến chào ông này, hai người nói gì không rõ rồi ông Đại tá đi về phía đài chỉ huy chiến hạm.

Diễm Tú nhìn quanh, trên sàn tàu rộng mênh mông, dưới ánh đèn pha sáng rực rọi từ đài chỉ huy, nàng thấy đầy ngập người, từ mủi tàu đến sau lái tàu, dân di tản đứng ngồi, chen chúc, già trẻ lớn bé bên cạnh những va li, xách tay để lổn ngổn, mọi người nhìn nàng với con mắt thờ ơ như các người tỵ nạn khác. Diễm Tú nhón nhén, lách mình đi về phía boong trước, với hy vọng sẽ gặp được gia đình người quen biết nào đó hoặc bạn bè thân thuộc.
Trên không trung, vài ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy và tiếng động cơ cánh quạt của vài chiếc phi cơ trực thăng bay thật thấp, ngang qua chiến hạm, về phía Khánh Hội. Bầu trời đầy sao, gió sông Sài Gòn thổi vào từ hướng biển mát rượi. Từ xa tiếng súng pháo binh vọng về, nghe càng ngày càng gần hơn. Diễm Tú tìm một chỗ trống ngay dưới chân khẩu hải pháo, sửa lại sợi dây đeo cánh tay mặt bị thương cho được thoải mái hơn, đặt chiếc va li xuống cạnh bên, rồi ngồi xuống sàn boong tàu lành lạnh, kéo cổ áo lên cao, nhắm mắt lại như người ngồi thiền.

*****


Đại úy Dõng, Hạm trưởng Tuần duyên hạm nhận được lệnh tháo dây, vận chuyển tàu ra ngay cầu A để chuyên chở phái đoàn và gia đình các Dân biểu, Thượng nghị sĩ và Sĩ quan cao cấp thuộc Hải quân và Bộ binh. Anh phân vân vì biết phải thi hành chỉ thị của thượng cấp, không thể chần chừ chờ đợi lâu hơn nữa, người Cơ khí trưởng, đi đón gia đình vợ tương lai cho mãi đến giờ này vẫn chưa trở về chiến hạm. Theo tin của Bộ Tư lệnh Hạm đội, tình hình các đường phố Sài Gòn rất đáng ngại, dân chúng hốt hoảng và lo sợ kể từ ngày 27 tháng 4 khi ông Trần văn Hương trao quyền lại cho Đại tướng Dương văn Minh và ngày hôm sau, 28 tháng 4 ông Minh trở thành Tổng Thống Việt Nam Cọng hòa, rồi trong đêm hôm qua pháo binh của quân chính quy Cộng sản Bắc Việt bắn hỏa tiển 122 ly vào căn cứ Không quân tại phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy và gây thiệt hại nặng nề cho phi đoàn máy bay đậu tại đây. Các phi đội trực thăng suốt đêm bay rầm trời qua thành phố Sài Gòn di tản ra biển, có lẽ họ sẽ ra Côn Sơn. Toàn thể người sống trong thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định và vùng phụ cận cảm thấy nguy cơ Cộng sản chiếm đánh Thủ đô chỉ là vấn đề thời gian, họ lo sợ thu góp tiền bạc, của cải dành dụm bấy lâu nay, nhét vội hành trang vào va li, xách tay, bám víu vào các xe đò, xe vận tải, bồng bế con dại, chạy về trung tâm Thủ đô, ra các bến Tân cảng, bến Bạch đằng, bến Thương cảng với hy vọng sẽ may mắn lên được các tàu bè, ghe thuyền để chạy ra biển đông. Giao thông trên các đại lộ, đường phố bị tắt nghẻn vì dân chúng đổ ra đường, xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô bỏ ngổn ngang khắp nơi...

Công điện mang tay từ Bộ Tư lệnh Hạm đội thông báo cho các Hạm Trưởng đang cặp chiến hạm tại cầu tàu về giờ di tản của Hạm đội sẽ được thi hành sớm hơn đã dự định trong kế hoạch do Phòng hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân ấn định trước đây vì tình hình khẩn trương tại Sài Gòn cũng như trên sông Sài Gòn, Soài Rạp và Lòng Tào. Căn cứ Cát Lái bị thất thủ và địch đã pháo kích và phá nổ kho đạn thành Tuy Hạ. Các cấp chỉ huy thảo kế hoạch di tản Hạm đội Hải quân lo sợ rằng toàn thể chiến hạm của Hạm đội sẽ bị kẹt lại không chạy ra biển được nếu Cộng sản Bắc Việt có thì giờ kiểm soát và đặt súng bắn chìm hoặc gài thủy lôi phá tan một chiếc tàu trên sông Lòng Tào.
Vào khoảng quá 9 giờ đêm ngày 29 tháng 4 năm 1975, các chiến hạm lớn nhỏ thuộc Hải quân Việt nam tại bến Sài Gòn, chở đầy dân tỵ nạn đủ mọi thành phần quân dân cán chính trong xã hội và gia đình của họ, bắt đầu và lần lượt mở dây, rời cầu tàu, trực chỉ ra biển Thái Bình Dương, để lại sau lưng, một thành phố, một mảnh đất, một quê hương đang ngập tràn trong khói lửa của cuộc chiến tranh sắp đến hồi tàn lụi, kết thúc một giai đoạn lịch sử đấu tranh Ý thức hệ giữa người Quốc gia thiết tha yêu Tổ quốc, dân tộc và quân Cộng sản dùng chiêu bài giải phóng để chiếm cứ miền nam Việt Nam.

Tổng số gần 30 chiến hạm sau đó tập trung ngoài hải phận Việt Nam, nối đuôi nhau hải hành về vịnh Subic Bay tại Phi Luật Tân với trên 29000 người dân tỵ nạn tháp tùng tìm tự do vàhội nhập vào với hơn 2 triệu người Việt để bắt đầu cuộc sống tha hương trên các quốc gia xa lạ.
Đại úy Dõng sau đó đã định cư tại một vùng nhiều tuyết trắng quanh năm, một tiểu bang nằm về phía tây bắc của lục địa Bắc Mỹ, nơi mặt trời thường hay đi ngủ sớm vào buổi xế chiều nhiều gió buốt cắt thịt da.

*****


Trời không nắng nhiều vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, mây vần vũ về phía tây nam Sài Gòn như sắp báo hiệu cơn mưa giông sắp đến. Gió từ phía Thủ Thiêm thổi từng cơn làm cuốn bụi mù sân đất cạnh chân cầu Tân Thuận tại Khánh Hội. Chiếc tàu loại ghe đánh cá cở lớn, trọng tải khoảng chừng 150 tấn, chạy bằng dầu cặn đang cặp tại chiếc cầu tàu nhỏ nằm khuất sau đám cây dừa đầy trái. Trên tàu, một người trong quân phục Hải quân, mang cấp bậc Đại tá, không đội nón cát két, chỉ chỏ ra hiệu cho những người đi quá giang đang tìm chỗ ngồi cho gia đình họ. Từ phía mủi tàu dọc theo hông tàu, ra đến sau lái, những quân nhân trong quân phục rằn ri ngụy trang, chỉa súng phóng lựu M79, súng trường M16... canh giữ cấm người lạ, không được phép lên tàu của vị Đại tá chỉ huy. Từ trên phòng lái tàu nhỏ, ông này cứ nhìn đồng hồ tay, lo lắng như chờ đợi người nào, thỉnh thoảng ông gọi xuống hối thúc anh thợ máy, mặt mày đỏ hoe vì cơn nóng bức, đang cố gắng dùng chiếc bơm tay, bơm dầu cặn từ các thùng phi vào hầm tàu. Trên bờ, sau hàng rào dây kẽm gai giăng vội bởi các lính Lôi hổ gác tàu để ngăn chặn đoàn người bu quanh. Những tàu có khả năng đi biển đã được các người Tàu Chợ lớn tổ chức chung tiền mua, rồi di chuyển xuống tàu, vàng ngọc, vải tơ lụa, đồ vật mang tay quí giá đựng trong các xách tay “samsonite” mà họ ôm khư khư trước ngực. Họ dự trù sẽ vượt biển qua Tân Gia Ba, bán tàu rồi chia nhau tiền, tiếp tục lập nghiệp tại đây như họ đã đi tìm nơi làm ăn trên khắp thế giới theo phong tục và khả năng chịu đựng của người Trung Hoa.

Đã quá 12 giờ trưa, sấm chớp bắt đầu nổ rền nghe vọng lại từ phía xa lộ Biên Hòa, tiến về phía Cát Lái hòa lẫn với tiếng súng đủ loại từ phía dinh Độc Lập. Trên radio, tiếng nhạc điệu quân hành có vẻ khác hơn trước, thỉnh thoảng bị ngắt đoạn để phát thanh lời kêu gọi của tướng Dương văn Minh, yêu cầu quân nhân mọi cấp buông súng và ngưng chiến đấu. Vị Đại tá lắc đầu ngao ngán, ông bực mình tắt chiếc máy thâu thanh, lấy ống nhòm nhìn về phía đường lộ một lần cuối. Ông bâng khuâng và thắc mắc vì anh tài công có nhiệm vụ mang hải đồ và dụng cụ hải hành mà ông đã thuê ngày hôm qua, chưa thấy đến để tàu có thể khởi hành trước khi làn sóng người ào vào và chen lấn lên tàu, sẽ quá muộn nếu ông còn chần chờ không khởi hành ngay. Những người vừa mới đến tàu cho biết giao thông bị gián đoạn nhiều nơi và thảm cảnh giết chóc, tự tử, xác thây đầy đường khi các quân nhân thuộc mọi Quân binh chủng uất ức, tủi nhục nghe ông Minh đầu hàng quân Cộng sản. Tin cho biết chiến xa T-54 của quân chính quy Cộng sản Bắc việt đang rầm rộ tiến về phía dinh Độc Lập.
Thế là hết, không thể chờ đợi, ông nhìn về phía hàng rào dây kẽm gai và nhìn thấy một người Sĩ quan trẻ tuổi mà ông biết thuộc ngành Cơ khí, Chuẩn úy Phan, phải rồi, nhân viên cũ mà ông đã đề nghị đi học khóa Chuẩn úy đoàn viên cách đây ba năm, đang chen lấn đến gần vòng rào. Ông ra hiệu cho Phan và gọi lớn cho phép Chuẩn úy Phan lên tàu vì ông biết với khả năng và nghề nghiệp đi biển cũng như tài sửa máy của người Sĩ quan trẻ này sẽ giúp ông rất nhiều vì ông cũng là Sĩ quan cơ khí. Chỉ cần có một Sĩ quan ngành chỉ huy biết lái tàu nữa là ông có thể yên tâm đưa tàu ra biển được rồi. Mưa bắt đầu rơi khi Đại tá chỉ huy ra lệnh cho anh thợ máy ngưng bơm dầu, mặc dù chưa đầy nửa hầm dầu. Ông bảo Phan xuống hầm máy và ra lệnh chặt dây cột tàu, vội vàng tách bến trước khi làn sóng người đạp ngã và vượt qua hàng rào kẽm gai, chạy vào cầu tàu, một vài người té xuống nước khi cố gắng nhảy theo khi tàu vừa rời bến, rồi tiếng la ó, năn nỉ xin lên. Tất cả làn sóng người dừng lại khi lính trên tàu bắn dọa chỉ thiên.

Chuẩn úy Phan tăng số vòng máy để hai chân vịt quay nhanh và chiếc tàu chạy với vận tốc cao hơn. Đây là loại máy tàu “diesel” đơn giản mà anh rất thành thạo vì đã học tại Trung tâm huấn luyện, tuy máy đã cũ và thiếu bảo trì đúng mức, nhưng vẫn còn có thể chạy một thời gian lâu trên biển trong một hải trình dài mà không bị nóng. Người thợ máy dân sự cũng có vẻ rất thành thạo với hai chiếc máy này. Anh ta tâm sự với Phan là anh được thuê để chạy máy và còn được phép đưa vợ và hai đứa con nhỏ của anh theo tàu di tản. Anh rất mừng có Chuẩn úy Phan phụ giúp điều khiển máy vì như thế anh mới có thì giờ với gia đình. Tuy nhiên anh cho biết có hai vấn đề làm anh lo lắng nhiều, đó là tàu chỉ được tiếp tế một nửa hầm dầu và hầm nước ngọt thì chỉ vừa đủ dùng cho mọi người trong hai ngày mà thôi. Anh nói ông Đại tá cũng đã biết điều đó và ông chỉ thị là cứ ra biển đã rồi sẽ có chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội lo tiếp tế cho mình. Chuẩn úy Phan cũng tin tưởng như vậy theo như những gì anh đã nghe Đại úy Dõng nói riêng cho biết là Mỹ đã sắp đặt kế hoạch tiếp cứu người dân miền nam dùng phương tiện tàu bè chạy ra biển, chiến hạm Hoa Kỳ đang bỏ neo ngoài khơi hải phận Việt Nam khoảng 50 hải lý từ bờ, phía đông bắc đảo Côn Sơn.
Chuẩn úy Phan buồn và thắc mắc không biết giờ này chiếc Tuần duyên hạm của mình đang làm gì và ở đâu? Có lẽ cũng trên đường ra biển với các Sĩ quan cao cấp mà Hạm trưởng Dõng đã được chỉ thị trước đây. Anh nhớ lại về đến cầu F tối hôm 29 vì trở ngại giờ giới nghiệm bị chặn hỏi và giữ lại nhiều nơi, giao thông gián đoạn khi quân Cộng sản tấn công liên tục vào ngoại ô thành phố gây nên cảnh hỗn loạn, dân chúng, xe cộ đủ loại đổ về từ xa lộ Biên hòa, Bình long, Cát Lái... Được nhân viên tại Ty Quân cảng cho biết chiến hạm được lệnh khởi hành đón phái đoàn Quốc hội gấp và Hạm đội Hải lực đã di tản, ngoài ra tin về Chuẩn úy Quân bị tử nạn làm cho anh quá đau buồn, mọi người có đề cập về một người bạn gái của Quân bị thương được xe Hồng thập tự đưa qua Bệnh viện Hải quân điều trị nhưng không biết cô này là ai. Phan có ghé lại thăm tại bệnh viện sáng ngày 30 tháng 4 nhưng những Y tá còn lại không ai biết gì cả về cô gái bạn của Chuẩn úy Quân. Sau đó nhớ lại khi tàu chạy qua ngang bến Thương cảng và Khánh Hội trên đường về cặp cầu F tối hôm trước, Phan thấy rất nhiều thuyền, tàu bè đậu nhan nhản tại đó, vì thế anh hy vọng sẽ lên được các tàu này để ra Hạm đội, rồi qua Mỹ, tìm kiếm Diễm Tú như nàng hứa trong lá thư gửi chú Năm đưa lại cho Phan. Hồi sáng này, khi nghe ông Dương văn Minh ra lệnh quân đội bỏ súng và đầu hàng Cộng sản, đang trên đường tiến quân vào chiếm Thủ đô nước Việt Nam Cọng hòa, anh tức giận, uất ức, gạt dòng nước mắt tủi nhục lăn tròn trên gò má rồi mạnh chân như muốn dẫm nát bàn đạp chiếc xe của dân di tản bỏ lại trước cổng Hải quân Công xưởng. Anh chạy xe về hướng cầu Tân thuận với hy vọng sẽ lên được một trong những chiếc thương thuyền hoặc tàu đánh cá, có khả năng đi biển để rời khỏi thành phố Sài Gòn ra Vũng Tàu rồi từ đó sẽ tháp tùng các chiến hạm Hải quân Việt Nam.

Phan bước lên khỏi hầm máy để nhìn lần cuối Thủ đô mến yêu anh sắp bỏ lại sau lưng, nơi mang nhiều kỷ niệm giữa anh và Diễm Tú, của mối tình đầu mà hai thanh niên thiếu nữ xây mộng sẽ nên duyên chồng vợ, chung sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Giờ đây mỗi người một ngả, không biết ước mơ tái hợp tại quốc gia xa lạ bên trời tây có thực hiện được hay không. Tương lai quá mờ mịt và Phan sẽ phải bắt đầu lại như các dân tỵ nạn khác. Trên sàn tàu, boong trước, boong sau, dưới bầu trời vần vũ nhiều mây xám, xen lẫn lẻ tẻ giữa đám người Tàu Chợ Lớn vào khoảng trên dưới 150 già trẻ lớn bé có vài gia đình Việt Nam.

Trời đổ mưa ào xuống khi chiếc tàu loại đánh cá này chạy ngang qua ngả ba sông Nhà bè, một hướng chảy về Cát Lái, một ngả xuôi ra sông Lòng Tào, Soài Rạp. Người trên sàn tàu chen chúc nhau dưới các tấm ny lông, co ro trong chiếc áo mưa trong khi gió thổi mạnh phía sau lái làm tăng tốc lực thêm cho con tàu. Trận mưa đám mây không kéo dài lâu lắm, bầu trời trở nên quang đảng, mặt trời lại le lói qua các vần mây đen đang bay về phương xa. Từ hướng kho xăng Nhà Bè, hàng chục chiến đỉnh Hải quân thuộc các Giang đoàn Xung Phong, Thủy Bộ, Trục Lôi... đang chậm rãi trong đội hình hàng dọc chạy về hướng Sài gòn làm Phan rất thắc mắc, không lẽ cấp chỉ huy không biết gì về việc Tướng Dương văn Minh đầu hàng, Sài Gòn thất thủ và Bộ Tư lệnh Hải quân đã bị Việt Cộng vào chiếm rồi hay sao? Phan nhìn đồng hồ tay, đã hơn 12 giờ rưởi trưa, anh khoát tay các giang đỉnh chạy đầu, ra hiệu cho họ như muốn bảo những chiến hữu này quay tàu chạy ra biển, thay vì tiếp tục về hướng Sài Gòn. Phía trước mặt bên tả hạm, có vài chiến tàu cũng lớn xấp xỉ bằng chiếc tàu Phan đang quá giang. Các nhân viên trên vài chiến đỉnh loại nhỏ của Thủy Bộ và Tuần Thám có vẻ như nhận hiểu thủ hiệu của Phan, quay chiến đỉnh trở lại, chạy theo sau những tàu đánh cá rồi đeo theo các sợi dây thòng xuống, leo lên tàu lớn và bỏ lại chiến đỉnh trôi bập bềnh trên sông. Cũng như Phan phần nhiều quân nhân Hải quân không có gia đình ở Sài Gòn đã quyết định theo các tàu thuyền tỵ nạn khi thấy mọi người đều bỏ nước ra đi.

Đang phân vân với những gì diễn ra trước mắt, Phan nghe tiếng Đại tá chủ thuyền ra lệnh chuẩn bị ngừng tàu lại để vớt gia đình người bạn, một Sĩ quan ngành chỉ huy cấp Tá, biết về nghề đi biển, sẽ giúp đưa tàu ra đến vị trí các chiến hạm Hoa Kỳ đang chờ ngoài khơi. Phan được biết, người tài công có nhiệm vụ lái tàu, phút cuối đã không đến được và cho đến bây giờ trên tàu không có dụng cụ hải hành, bản đồ... và chỉ có một la bàn từ dùng cho việc định hướng lái tàu. Sau khi đón gia đình của vị Sĩ quan này xong, tàu tiếp tục giang hành ngang qua kho xăng Nhà Bè, từ xa một cột khói đen bay lên cao từ hướng Căn cứ Yểm trợ, có lẽ bị địch pháo kích phá hủy suốt đêm, gây nên những đám cháy lớn. Tàu dừng lại một lúc cho vài nhân viên Hải quân thuộc Căn cứ Hải quân này leo lên, mọi người trên tàu quyên góp tiền Việt Nam mà họ còn mang theo, nay đã trở thành vô giá trị đối với người di tản, chuyền xuống các chiến đỉnh cho các người thủy thủ vì lý do này hay lý do khác quyết định ở lại quê hương. Các người Tàu đưa hết những xấp giấy bạc 1000 đồng cho những quân nhân Hải quân với tất cả tấm lòng. Nhân viên giang đỉnh cũng cảm động cám ơn rồi mang ra ba bốn bao gạo, vài thùng mì gói tặng cho người di tản. Thế mới biết tình người dưới hoàn cảnh nào vẫn còn duy trì mãi mãi trong con người Quốc gia tốt bụng, có lương tâm và chuộng lẽ phải. Họ ngậm ngùi chúc nhau nhiều may mắn mặc dù đây là lần đầu tiên họ gặp nhau và cũng là lần cuối. Các thuyền trưởng chiến đỉnh đưa vị Đại tá vài bản đồ khu vực sông Lòng Tào, Soài Rạp, ra đến Vũng Tàu, loại được dùng hành quân của đơn vị Bộ binh. Họ còn cho biết là chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín bị Việt Cộng chận bắn trên sông Lòng Tào khoảng nửa giờ trước đây, vào lúc 1 giớ 30 chiều, một số người bị tử thương, trong số đó có nhà văn Chu Tử. Khi nghe được tin này, hai vị chỉ huy cấp tá trên tàu quyết định thay đổi giang trình, thay vì dùng sông Lòng Tào chật hẹp dễ bị tấn công bởi quân Cộng sản, hai ông sẽ theo lộ trình sông Soài Rạp, mặc dù khó vận chuyển và hải hành nhưng vì sông rất rộng nên có thể tránh được nguy hiểm và an toàn hơn.
Trên sông tàu thuyền tấp nập, những tàu chở hàng LCU của quân vận, ghe đánh cá dân sự, giang tốc đỉnh PBR thuộc các Giang đoàn Tuần Thám, phăng phăng rẽ dòng nước đục ngầu, đầy bùn phù sa và rong bèo lẫn lục bình cuồn cuộn trôi ra phía vịnh Vũng Tàu. Gió mát thổi từng cơn từ phía hàng dừa nước hai bên bờ, mặt nước sông như sáng hẳn lên dưới ánh nắng chiều, lóng lánh ngàn vì sao nhỏ phản chiếu từ giòng sông uốn khúc, vài con chim cò, chim vạc với đôi cánh dài nhẹ lướt qua những lùm cây thấp bên gành, cạnh rừng lau sậy mọc lưa thưa. Thiên nhiên vẫn bình thản như không có gì thay đổi trước mắt dân di tản, tuy nhiên họ nhận thức rằng kể từ giờ phút này đã bắt đầu một cuộc đổi đời mà định mệnh đã làm cho dân miền nam phải xa lìa quê cha đất tổ, phải bỏ lại tất cả những gì quý giá nhất của mình, chạy ra biển tỵ nạn độc tài Cộng sản. Những gì sẽ đến với họ trong giờ phút sắp tới có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người đi tìm ánh sáng tự do, an toàn cho cá nhân và gia đình.

Tàu tiếp tục giang hành với vận tốc chậm vì lòng sông Soài Rạp thay đổi, sâu cạn bất thường, nếu không có kinh nghiệm, tàu sẽ bị mắc cạn, do đó vị Sĩ quan chỉ huy tàu rất cẩn thận theo sát các giang đỉnh để tránh vùng nước cạn. Thỉnh thoảng tàu dừng lại, cho phép quân nhân đủ mọi cấp thuộc các Quân binh chủng trên các tàu nhỏ, chật hẹp, gần bị chìm, được lên tàu đánh cá này. Vì thế số người quá giang trên tàu càng ngày càng nhiều, Phan gặp lại hai người Hạ Sĩ quan cùng khóa trước đây, một là Trọng pháo và người bạn kia thuộc ngành Cơ khí, thế là đã có người tiếp tay để chạy máy tàu rồi. Từ xa vịnh Vũng Tàu đã thấy xuất hiện về phía tả hạm với ngọn núi nhô lên cao và ngọn hải đăng trắng xóa nằm trên đỉnh. Ông Đại tá ra lệnh lấy chiếc “drap” trắng và dùng sơn đỏ vẽ hình Hồng thập tự rồi cột vào dây kéo lên cao trước cột buồm. Ông nghe trên máy thâu thanh là phi cơ Cộng sản từ phi trường Tân Sơn Nhất đang bay ra lùng kiếm và bắn chìm các tàu thuyền, chiến hạm Hạm đội Hải quân Việt Nam chở dân di tản. Trên không thỉnh thoảng vài chiếc trực thăng thuộc Không quân Việt Nam Cọng hòa trực chỉ về hướng đông, có lẽ bay ra Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ. Từ trong Căn Cứ Yểm trợ Tiếp vận Cát Lỡ, các chiến đỉnh Hải quân và Quân vận, chở đầy người tỵ nạn, chen chúc chạy ngang Bãi trước Vùng Tàu xuôi ra biển. Về phía nam, các chiến đỉnh thuộc đơn vị Hải quân từ Vùng 4 Sông ngòi nối đuôi nhau đổ ra khỏi cửa sông, một vài chiếc cập lại bên cạnh các thuyền đánh cá lớn, chạy theo các chiến hạm Hải quân để yêu cầu được quá gaing vì chiến đỉnh nhỏ không thể đi xa được. Tàu đánh cá của ông Đại tá cũng vớt nhiều gia đình Hải quân

Vào khoảng 7 giờ tối tàu tiếp tục chạy về phía đông nam sau khi dùng la bàn từ định hướng và lấy ngọn hải đăng trên đỉnh núi Vũng Tàu làm chuẩn. Dân di tản chen chúc ngổn ngang trên sàn tàu nhỏ xíu phía trước và boong thượng phía sau lái người nằm kẻ ngồi không thể di chuyển đi đâu cả. Phan phỏng đoán con số người quá giang kể cả những người Tàu Chợ Lớn và gia đình nay đã lên đến gần trên dưới 400 người so với khoảng 200 người lúc tàu qua khỏi Căn cứ Yểm trợ Tiếp vận Nhà Bè vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm nay.

Anh thợ máy dân sự lên gặp Đại tá chủ tàu, thông báo cho biết tình trạng máy và dầu cặn, anh nói với Phan phải cần lấy thêm dầu nếu muốn đi đến Tân Gia Ba. Phan rất ngạc nhiên, tại sao lại qua Tân Gia Ba, anh tưởng tàu này ra Đệ Thất Hạm đội mà. Anh thợ máy giải thích, những người Tàu đã trù tính đưa chiếc tàu đánh cá này qua đó rồi bán đi và ở lại lập nghiệp tại Tân Gia Ba, chính anh cũng muốn qua đó thay vì đi Mỹ. Tuy vậy tình trạng có lẽ đã thay đổi vì bây giờ trên tàu có quá nhiều quân nhân Hải quân và gia đình nên nếu gặp chiến hạm hay thương thuyền ngoại quốc nào cho lên là mọi người đều xin quá giang về quốc gia mà thương thuyền đăng ký và chở họ về nơi này, miễn làm sao ra khỏi Việt Nam và không sống dưới chế độ Cộng sản độc tài là được rồi.

Mặt trời từ từ lặn sau rừng cây có màu đen thẩm về phía tây bắc, sau lưng chiếc tàu chở đoàn người tỵ nạn đang dật dờ lắc lư theo những đợt sóng dài trên biển cả mênh mông, trong buổi hoàng hôn màu tím nhạt bắt đầu buông phủ và bao trùm vũ trụ. Từng tia sáng chớp lên rồi tắt ngúm từ ngọn hải đăng Vũng Tàu như cây đèn trời giữa đêm tối gieo trong lòng người di tản nỗi buồn cô đơn trống vắng, cảm thấy tủi thân cho số phận mình, những người đi đày như dân Do Thái lênh đênh trên chiếc tàu Exodus đi tìm đất thánh ngày xa xưa. Tương lai và thân phận của dân tỵ nạn tựa màn đêm chung quanh họ. Hy vọng được cứu vớt thật là mong manh như tìm nước trên sa mạc, tùy thuộc vào sự may mắn mà định mệnh đẩy đưa.
Khoảng 10 giờ tối khi tàu cách xa bờ biển Vũng Tàu khoảng chừng 20 hải lý, mọi người đang chập chờn tìm quên qua giấc ngủ sau một ngày tinh thần căng thẳng và mệt mõi, bỗng họ chợt tỉnh dậy vì nghe tiếng xôn xao từ phòng lái. Hình như ông Đại tá cho biết có một thương thuyền lớn thắp đèn sáng trưng phía bên tả hạm cách chừng một hải lý. Ông ra lệnh tàu tăng máy và hướng về chiếc thương thuyền đó. Khi đến gần , ông dùng ống loa và kêu gọi vị thuyền trưởng xin được phép tiếp cứu và cho dân tỵ nạn Cộng sản lên tàu. Đây là một thương thuyền Đại hàn trên đường về bến tại Hán Thành. Phan từ dưới hầm máy đi lên xem diển tiến trên sàn tàu, tiếng người bàn tán xôn xao, có người theo kinh nghiệm mà họ đã biết qua cuộc di tản vừa rồi, về sự tranh giành lên tàu di tản, vội vàng chuẩn bị hành trang, đánh thức trẻ con đang nằm say ngủ, như là sắp sửa chuyển tàu.

Ông thuyền trưởng thương thuyền đặt loa cho biết là ông không thể cho người tỵ nạn Việt Nam lên tàu của ông được vì không có phép của công ty và của chính phủ Đại Hàn. Họ đang trong tình trạng phân vân chưa biết phải đối phó thế nào trước tình hình sụp đổ quá nhanh của miền nam Việt Nam. Ông ta rất thông cảm và thương hại muốn giúp người Việt Nam đang gặp hoạn nạn nhưng vì vấn đề chính trị mà quốc gia ông phải đối phó, chính phủ Đại Hàn cần thời gian cân nhắc, tìm đường lối chính trị hợp với họ trước khi đi đến quyết định trợ giúp công dân của Việt Nam, một nước trước đây là đồng minh của Đại Hàn trong cuộc chiến vừa tàn. Sau khi dứt lời ông cầu chúc Thượng đế ban phước lành cho mọi người và hy vọng những thương thuyền khác đã cóù chỉ thị cho phép nhận người tỵ nạn Việt Nam, sẽ họ cho lên tàu. Thế rồi chiếc thương thuyền mang quốc tịch Đại Hàn đổi hướng đông bắc, trực chỉ về phía đảo Hải Nam, để lại sau lưng, trên biển một con tàu nhỏ chở đầy những người di tản thất vọng, đang ngậm ngùi nhận thức được cái giá tủi nhục đầu tiên phải trả khi bị nhân loại ngoảnh mặt từ chối giúp đỡ.

Bầu trời đầu tháng 5 dương lịch, đầy sao lấp lánh dán trên vòm đen vĩ đại. Vầng trăng nửa vành tỏa tia sáng nhạt xuống vùng biển Đông, không đủ soi đường cho các chiến hạm, tàu đánh cá, ghe Kiên giang, xà lan, thuyền buồm... đang bập bềnh hướng về phía mặt trời mọc, với hy vọng được cứu giúp bởi người bạn đồng minh đã vì lý do chính trị nội bộ, vì quyền lợi đất nước của họ, bỏ rơi cuộc chiến đấu của một Quốc gia nhược tiểu, đã hy sinh tính mạng hàng triệu thanh niên cho Thế giới tự do, ngăn chặn hiểm họa nhuộm đỏ Đông Nam Á của bè lũ Cộng sản Việt Nga Tàu trong hơn hai thập niên qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.