của Lê Bá Thông
Chương Ba
Danh sách thủy thủ đoàn đã được thành lập để điều hành và chuẩn bị cho chuyến hồi hương trên chiếc thương thuyền Việt Nam Thương tín. Những người tỵ nạn muốn trở về Việt Nam theo sự can thiệp của Văn phòng Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc trong đó có Chuẩn úy Phan lo chạy máy tàu cùng với các Sĩ quan Hải quân ngành cơ khí khác. Hạm trưởng được chỉ định là một cựu Hạm trưởng có nhiều kinh nghiệm đi biển, hải nghiệp giỏi. Ông đã chỉ huy chiến hạm qua Guam sửa chữa tàu nên biết lộ trình về Việt Nam. Sau đó tất cả những người xin hồi hương này được dời về ở tại các căn trại riêng biệt , xa các dân tỵ nạn khác, vì các cuộc tranh đấu yêu cầu được chấp thuận cho họ về gấp. Những ưu tiên, tiếp xúc, thư từ liên lạc với người ngoài cũng không được bình thường như lúc còn ở chung trại với các dân di tản khác.
Cuộc thương thuyết giữa Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và chính quyền Cộng sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng sau cùng gần 1700 người trên chiếc Việt Nam Thương tín vượt chuyến hải trình kéo dài 10 ngày vào đến hải phận Việt Nam. Tưởng rằng sau khi thẩm vấn xong xuôi, mọi người sẽ được cho phép trở về nhà đoàn tụ với gia đình nên ai nấy háo hức khi tàu vào neo tại vịnh Vũng Tàu. Phan cũng vậy, anh đứng trên boong tàu thích thú và bâng khuâng khi nhìn vào Bãi trước, nơi cách đây không bao lâu, trước ngày 30 tháng 4, anh cùng Diễm Tú, tay trong tay dạo chơi trong ánh nắng vàng. Anh quá thất vọng khi thấy sinh hoạt đã đổi khác, không còn cảnh tưng bừng náo nhiệt ngày nào, ghe thuyền đánh cá, thương thuyền Việt Nam, ngoại quốc vắng bóng tại cửa biển chính của Sài Gòn.
Thế rồi anh lại được lệnh xuống hầm máy, điều khiển máy tàu khi tàu nhổ neo đi về hướng bắc. Sau gần hai ngày lênh đênh trên vùng biển quen thuộc, tàu Việt Nam Thương tín thả neo trước cầu Đá Nha Trang và toàn thể mọi người rời tàu lên bờ. Phan chỉ thấy dinh Bảo Đại khi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ vào cập cầu Đá, chứ sau khi bị lùa lên các xe bịt bùng, anh không thấy gì bên ngoài và cũng không biết mình sẽ được đưa về đâu.
Hy vọng về Sài Gòn để gặp lại người yêu đã tan thành mây khói khi anh được biết, mọi người phải đi học tập cải tạo để trở thành công dân lao động tốt trước khi có thể được thả về hội nhập với cuộc sống mới của Xã hội chủ nghĩa.
Những chuỗi ngày tù đày kéo dài theo thời gian, Phan bị chuyển trại nhiều lần. Anh không có cơ hội gặp những người khác trên tàu Việt Nam Thương tín ngoại trừ các người ở chung toán. Thư từ anh gửi về địa chỉ của Diễm Tú, sau khi chờ đợi gần ba bốn tháng, bị trả lại vì không có người nhận. Mỗi ngày lê chân trên con đường đất đi vác củi, đốn cây, anh cảm thấy thân thể cường tráng ngày nào, ngày càng trở nên ốm yếu vì lao động thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày một củ khoai, củ sắn, bo bo, lâu lắm vào những ngày lễ của đảng hay Tết âm lịch mới được ăn thịt mở, canh rau...
Sau gần bảy năm ở tù cải tạo tại Tuy Hòa, anh được thả về lại Sài Gòn. Anh tìm đến nhà của Diễm Tú thì được biết cán bộ đã tịch thu và cấp phát cho một tên cán bộ cao cấp Cộng sản sau khi chúng chiếm Sài Gòn. Chú Năm đã vượt biên cùng gia đình qua Thái Lan. Phan thất vọng lang thang trên các vĩa hè thành phố quen thuộc ngày xưa, nay đã trở thành dơ dáy, bụi bậm nghèo nàn.
Ngày hôm đó, Phan ngồi buồn bã trên băng ghế đá trước công viên bến Bạch đằng ngày nào, đang thờ thẫn nhìn tượng Thánh tổ Hải quân như muốn nhớ lại kỷ niệm đã đánh mất. Phan cố tìm trong dĩ vãng hình ảnh người yêu năm nào, tươi cười lúc thấy anh bước lên cầu tàu, chào đón khi nàng đến thăm. Không biết lúc này nàng ở đâu và đang làm gì, có còn nhớ đến anh hay không?
Anh đứng dậy bước về phía con đường thân yêu bảy năm trước, một con bướm màu sắc rực rỡ như giật mình vỗ đôi cánh đẹp vượt lên cao, về hướng sông Sài Gòn, hướng mặt trời mọc. Phan ngẩn ngơ nhìn theo cánh bướm như muốn gửi hồn mình bay theo.
Tin về việc gần 2000 người dân quân cán chính xin trở về Việt Nam được loan truyền trong dân tỵ nạn tại Camp Pendleton, California. Diễm Tú đã gặp và đoàn tụ với gia đình Đại tá Quả cách đây hơn hai tuần lễ. Hàng ngày nàng trông mong nhận được tin của Phan từ đảo Guam. Nàng có gửi thư qua trại Orote Point nhưng không có hồi âm. Diễm Tú rất buồn vì theo lời của bố mẹ, trước đây Phan có viết thư gửi qua đảo Wake tìm nàng. Tuy nhiên nàng cũng lo lắng vì Phan được bố mẹ cho biết, nàng đã không theo gia đình bay ra ngoại quốc và sau đó Diễm Tú đã quay trở về Sài Gòn tìm kiếm Phan.
Sáng hôm nay nàng lại lên văn phòng Hồng Thập tự nhờ gửi điện văn gấp để tìm Phan và hy vọng anh không ở trong nhóm những người xin hồi hương. Trong bức điện văn nàng cho biết nàng yêu Phan và sẽ chờ Phan suốt đời.
Trên con đường đất dẫn về căn lều tạm trú, chung quanh nàng, người tỵ nạn lui tới tấp nập, tiếng cười đùa vang trong nắng ấm của California. Những người này đang chờ các cơ quan thiện nguyện tìm “sponsor” bảo trợ gia đình để đưa họ ra khỏi trại, vào hội nhập với đời sống mới tại các tiểu bang khắp nước Mỹ. Đời sống trong trại tỵ nạn Camp Pendleton bình thãn với người nhập trại, xuất trại mỗi ngày. Ai ai cũng mong sớm hội nhập với xã hội mới để khởi đầu hành trình tranh sống, xây dựng tương lai cho chính bản thân và gia đình. Gánh nặng con cái và trở ngại ngôn ngữ là hai vấn đề chính mà các đấng làm cha mẹ rất lo lắng. Riêng về phần ông bà Quả, điều thứ nhất không được ông quan tâm lắm vì Diễm Tú tuổi gần 21, Toàn và Thắng cũng 16, 17 tuổi nên có thể ghi danh đi học các lớp Anh văn và tự lo cho cá nhân của mình được.
Ông Quả vẫn còn giận Diễm Tú về câu chuyện cũ, khi nàng trái lời cha mẹ, trở về để chờ đợi một thanh niên cứng đầu, mà ông cho là không xứng đáng làm rể gia đình. Tuy vậy trong thâm tâm, ông biết Phan và Diễm Tú yêu nhau say đắm, không có gì làm thay đổi mối tình của hai người được. Vì thế ông rất bực mình mỗi lần nghĩ lại câu chuyện xảy ra năm ngoái. Ông nhớ hôm đó Phan đến thăm Diễm Tú sau chuyến công tác tuần tiểu ngoài Phú Quốc trở về. Ông bà thương Diễm Tú, muốn Phan và con gái làm lễ thành hôn. Phan đã nửa đùa nửa thật nói với mọi người là với đồng lương Chuẩn úy nghèo nàn, anh không có tiền để cưới Diễm Tú. Ông Quả nói với Phan là ông bà sẽ lo chi phí tất cả và sau khi làm đám cưới xong, Phan có thể về ở tại đây với Diễm Tú vì ông muốn Diễm Tú tiếp tục học xong bằng cử nhân. Phan đã lặng nhìn Diễm Tú một hồi lâu, rồi hình như anh bất mãn vì tự ái bị tổn thất , anh đứng lên xin lỗi ông bà Quả, nói rằng nếu anh muốn lập gia đình, anh có thể tự lo lấy, khong phải nhờ vã đến người nào cả. Sau đó anh chào Diễm Tú, ra phóng chiếc honda, rú máy chạy nhanh không thèm ngoái đầu nhìn lại. Diễm Tú chạy theo, mặt tràn đầy nước mắt. Phan không hồi âm thư của Diễm Tú trong gần hai tháng hải hành ngoài khơi và khi ghé Hà Tiên. Thế rồi chiến hạm trở về bến Bạch đằng, hình ảnh người con gái có mái tóc ngắn, dễ thương xâm chiếm tâm tư người lính biển thèm khát tình yêu, Phan đến tìm gặp Diễm Tú tại trường đại học Văn khoa.
Ông bà Đại tá Quả rất giận nhưng biết tính tình lãng mạn của cô con gái đầu lòng nên đành chịu. Tuy nhiên trong tâm tư, ông bà hoàn toàn không đồng ý về việc Phan và Diễm Tú trở lại với nhau. Nay mọi sự đã thay đổi, ông bà rất mừng và cố tình tránh né nhắc đến tên Phan mỗi lần nói chuyện về dân tỵ nạn ở Orote Point trên đảo Guam xin trở về Việt Nam. Về việc họ treo cờ đỏ sao vàng, hình Hồ Chí Minh, biểu tình, tranh đấu đòi Văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, xúc tiến nhanh và chấp thuận việc hồi hương của họ, làm mọi người tỵ nạn khác bất mãn.
Riêng đối với Diễm Tú, nàng thay đổi nhiều, luôn luôn oán trách mình và định mệnh về các hành động hấp tấp thiếu đắn đo của mình và tất cả mọi sự kiện, biến cố xảy ra từ buổi chiều ngày 28 tháng 4 vừa qua. Diễm Tú gắt gỏng, cau có ngay cả với Toàn và Thắng làm hai cậu em rất ngạc nhiên về tính tình của người chị, trước đây ôn hòa và hay nuông chìu hai em trai. Nàng thường bỏ đi từ sáng sớm, có lẽ lên hội Hồng thập tự hay Văn phòng đại diện sở Di trú Hoa Kỳ, rồi khi bà Quả bảo Toàn, Thắng đi tìm, hai cậu này thấy Diễm Tú ngồi ôm đầu trong các lớp học, Anh ngữ, nghề giữ trẻ, uốn tóc, cách thức xin việc làm tại Mỹ...v...v... Khi trời tối mịt và gió đêm lạnh từ biển Thái Bình dương thổi vào khu đất rộng lớn, nàng mới thờ thẫn trở về căn lều vải, nằm dài trên chiếc ghế bố, trùm kín đầu không muốn nói chuyện với gia đình.
Ông Quả có vẻ rất bực mình vì cử chỉ và hành động khác thường của cô con gái. Bà Quả phải khuyên ngăn vì bà biết tính nhà binh của chồng mình, qua đây mà ông nổi nóng, đập con thì có nước đi tù, như các bà giáo dạy trong lớp học nói về luật lệ của chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ con cái và trẻ nít trên đất Mỹ.
Gia đình ông Quả đang được nhà thờ của người bạn Cố vấn cũ lập thủ tục giấy tờ bảo trợ đưa lên vùng Seattle, thuộc tiểu bang Washington. Nơi mà bà Quả nghe mỗi năm mưa dầm dề sáu bảy tháng như ở Huế, vì thế bà có vẻ không hứng khởi gì mấy. Tuy nhiên với đời sống buồn tẻ và chán ngấy, thiếu tiện nghi ở trại Camp Pendleton này, ngày ba buổi sắp hàng dài đi lảnh thức ăn, đêm về nằm nghe gió hú trên căn lều vải quân đội, bà Quả cũng rất mong xuất trại càng sớm càng tốt. Hôm qua là ngày sinh nhật thứ 21 của Diễm Tú. Không giống như khi còn sống ở Sài Gòn, mỗi lần sinh nhật con cái, thôi thì tiệc tùng vui vẻ, nay bà chỉ đi mua mấy gói mì Đại hàn, nấu cho mỗi người một tô, bỏ vào vài lát hành tây, ăn vội.
Ngày tháng tiếp tục chầm chậm trôi qua trong chờ đợi của những người di tản Việt Nam, tìm Tự do tại vùng đất hứa này. Bước đầu tỵ nạn làm nhiều người dần dần mất đi niềm tin vào cuộc sống mới gồm nhiều chông gai, thử thách đến với họ. Từ trước đến nay, phần đông những người tuổi trung niên, khi còn ở tại quê nhà, không mấy ai nghĩ là sẽ có một ngày nào đó phải học tiếng Anh để đi làm việc với người Mỹ, phải học nghề mới có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Hầu hết đều tưởng rằng vì chính phủ Mỹ làm chúng ta mất nước nên đón nhận dân tỵ nạn Cộng sản qua đây, cung cấp nhà cửa, nuôi sống hàng ngày và lo cho con cái họ ăn học.
Sau các cuộc nói chuyện mà họ phải nhờ thông dịch viên giải thích, mọi người mới nhận thức đời sống vật chất tại Mỹ không hào nhoáng như dân tỵ nạn mơ tưởng. Họ được biết người Mỹ tự trọng, làm việc hùng hục để trả thuế và trả “ bill”, một tuần lễ làm ít nhất là 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, hoặc hơn nữa, họ làm đủ thứ nghề, kể cả nghề đổ rác, bồi bàn... mà hai vợ chồng đều phải lao động mới đủ tiền chi phí trong gia đình.
Tối hôm nay, sau khi đi học lớp Anh văn về, ông Quả cho gia đình biết vấn đề thủ tục đã xong và thứ ba tuần tới gia đình sẽ được xuất trại, đáp chuyến bay dân sự từ phi trường Los Angeles lên Seattle.
Ông nhìn Diễm Tú đang lơ đểnh lắng nghe:
“ Diễm Tú nằm trong danh sách riêng vì con vừa đúng 21 tuổi, theo luật của Hoa Kỳ, con đã trưởng thành, có thể tự lập, làm chủ lấy mình... Tuy nhiên nhà thờ cũng bảo trợ cùng với bố mẹ và Toàn, Thắng. Mỗi người được cấp 10 dollars tiền đi đường và ông Cố vấn cho biết vợ con ông cũng như đại diện nhà thờ sẽ ra phi trường Seattle đón gia đình mình. Ông George sẽ không có mặt vì ông đang làm việc tại Ngũ giác đài- Pentagon.”
Diễm ngồi lặng im, không trả lời bố, hình như nàng đang suy nghĩ điều gì trong đầu. Bà Quả tiếp lời chồng:
“ Ông George có viết thư nói là khi gia đình mình lên đến Seattle, nhà thờ sẽ thuê nhà cho ở và ghi danh cho các con tiếp tục đi học, Toàn và Thắng sẽ vào Trung học và Diễm Tú sẽ xin vào trường Đại học Cộng đồng.”
Nhìn chung quanh căn lều, nơi có những gia đình khác đang cư ngụ chung, ông Quả thấy không có ai để ý, mọi người đang sửa soạn đi xem chiếu bóng ngoài trời:
“ Thành phố Seattle là nơi có khí hậu tốt, cảnh rất đẹp và nhiều hồ như ở Đà Lạt, mặc dù mưa nhiều nhưng gần biển nên mau tạnh chứ không dầm dề và cũng không buồn như Huế đâu. Ngoài ra công ăn việc làm nghe nói cũng dễ kiếm và dân địa phương cũng khá thân thiện, không kỳ thị với người tỵ nạn như phần đông các thành phố tại miền Nam nước Mỹ. Bố tin tưởng là gia đình mình sẽ thoải mái tại đây”
“ Trường học có chương trình Anh ngữ dành cho người tỵ nạn không vậy bố?”
Thắng có vẻ lo âu hỏi vì cậu này biết mình sẽ vào học lớp 11 với số tuổi của mình. Ông Quả lắc đầu như không chắc chắn về vấn đề này:
“ Theo chỗ bố biết, các trường đều có chương trình Anh ngữ dạy cho những người nói tiếng khác- English as a second language- Tuy nhiên bố cũng không rõ là có dạy tại các lớp đệ nhị cấp hay không. Khi nào lên đến đó và ghi danh, bố sẽ trình bày và hỏi các hướng dẫn viên giáo dục về vấn đề này.”
Diễm Tú vẫn giữ nguyên thái độ cũ, nàng nghĩ có nên cho bố mẹ biết là sáng hôm nay, nhân đi ngang Văn phòng hội Hồng Thập tự, nàng vào hỏi tin tức tại đảo Guam về tình trạng các người tỵ nạn xin hồi hương, nàng được thông báo là tàu Việt Nam Thương tín sẽ chỡ những người này về Việt Nam trong thời gian gần đây. Nàng xin trở lại đảo Wake, họ nói ngoài thẩm quyền và có lẽ sẽ không được chấp thuận.
Sau đó vị đại diện hội khuyên nàng nên xúc tiến việc xuất trại và bắt đầu đời sống mới tại Hoa Kỳ. Vị này cũng giới thiệu nàng với cơ quan thiện nguyện lo về việc tìm người bảo trợ. Diễm Tú được hội cho biết có một gia đình hai vợ chồng già về hưu, con cái đã lớn ở nơi khác, muốn bảo trợ một cô gái độc thân tuổi trên dưới 20 để sống chung cùng hai vợ chồng này tại San Diego, thành phố cạnh bờ biển, phía nam Camp Pendleton. Diễm Tú đã điền đơn và tình nguyện xin được bảo trợ. Vị đại diện hội cho biết họ sẽ liên lạc với Diễm Tú tại địa chỉ của nhà thờ “sponsor” của ông Quả ở Seattle sau khi hội ý với gia đình ông bà Charles Peterson về việc bảo trợ này.
Diễm Tú suy nghĩ và quyết định sẽ cho bố mẹ biết về quyết định của mình trong trường hợp được ông bà Peterson nhận đỡ đầu cho nàng.
Sáng sớm thứ ba tuần lễ kế tiếp, gia đình ông bà Quả xách hành trang ra trạm tiếp tân, nơi có từng đoàn xe buýt dân sự đậu dài, lần lượt chuyên chở người tỵ nạn Việt Nam xuất trại ra phi trường đáp các chuyến bay về nơi định cư với người bảo trợ của mình. Chiếc xe chỡ ông bà Quả, Diễm Tú và hai đứa con trai Toàn, Thắng chạy dọc theo xa lộ dẫn đến phi trường Los Angeles. Hai bên đường những ngôi nhà đang ngủ say trong sương mù còn lảng vãng trên bầu trời; tường nhà xây bằng đất nện, mái ngói cong màu đỏ, theo kiểu nhà của dân Mễ Tây Cơ. Những cây dừa miền nhiệt đới, không có trái, lá cây xòa lớn như cánh quạt, khác với cây dừa ở Việt Nam. Trước sân nhà, chủ nhà trồng hoa đủ màu, bãi cỏ xanh mướt thật xinh.
Xe buýt bắt đầu rời xa lộ rộng lớn vào thành phố, chạy về ngã phi trường L.A. Trên lộ trình hàng trăm loại xe, chạy trên đường nhựa ba bốn “lane” như then cửi, nhưng rất trật tự và không nghe tiếng còi xe hơi inh ỏi như ở Sài Gòn. Ngoài ra mọi người cũng không thấy bóng dáng cảnh sát viên tại các ngã tư đường phố, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng còi xe cảnh sát hụ lớn, chớp đèn xanh đỏ vượt qua xe buýt, hối hả chạy về phía trước mặt.
Khi đến trạm hàng không “Trans World Airline”, mọi người xuống xe, lấy hành lý và được hướng dẫn viên của hội thiện nguyện đưa vào ghi tên chuyến bay rồi ngồi trong căn phòng chờ, rộng thênh thang, sạch sẽ, ghế bọc nệm da màu xanh Hải quân. Vào khoảng một giờ sau, gia đình ông Quả theo hành khách của chuyến bay, lên phi cơ bay đến thành phố Seattle, nằm cạnh ngọn núi tuyết “Mount Rainier”, gần biên giới Hoa Kỳ-Gia Nã Đại và bắt đầu cuộc sống mới tại quốc gia tự do.
Một tháng sau khi đến thành phố nhiều mưa này, Diễm Tú từ giã mẹ và hai em trai tại phi trường Seattle, bay trở về San Diego và sống với ông bà Charles Peterson. Ông Đại tá Quả giận dỗi không đưa con gái đi. Ông bảo rằng Diễm Tú bất hiếu, cứng đầu, ngang ngạnh và ông không bao giờ nhìn mặt nàng cho đến khi ông nhắm mắt lìa trần. Ông cũng trách Phan đã làm con gái thay đổi tính tình, không nghe lời cha mẹ, tự quyết định những việc làm thiếu suy nghĩ. Riêng bà Quả vì thương con gái, bà chỉ thầm trách số mạng và định mệnh đã gây nên biến cố mất nước, phải xa lìa quê hương. Bà hy vọng Diễm Tú đã chọn con đường đi đúng cho đời mình và biết rằng trong tương lai sẽ gặp lại con gái. Bà cũng thầm trách Phan đã chi phối tâm tư và ảnh hưởng đời sống tình cảm của Diễm Tú.
Mặt trời tháng 10 đã lên cao, tỏa tia nắng dịu trên vịnh Seattle. Những khóm mây màu xám nhạt từ biển lơ lững trôi về đất liền trong khi chiếc máy bay chỡ Diễm Tú rời phi đạo trực chỉ hướng nam.
Căn nhà sang trọng, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống eo biển La Jolla, ánh sáng ban mai tràn ngập những cây dừa rũ bóng chung quanh vườn đầy hoa lá màu sắc rực rỡ. Đây là nhà của ông bà Charles và Millie Peterson, đôi vợ chồng già tuổi cũng sấp sỉ 68, 69, vừa nghĩ việc về hưu khoảng hơn ba năm nay. Ông Charles là một cựu giáo sư Đại học Cộng đồng Mesa và bà Millie làm thư ký cho một văn phòng luật sư nổi tiếng tại “downtown San Diego”. Hai ông bà chỉ có một con trai 45 tuổi, ly dị vợ và không có con cái gì cả, đang sinh sống làm việc ở phía đông Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa thịnh đốn.
Diễm Tú đến cư ngụ với ông bà Peterson được hơn hai tháng nay và vẫn chưa có dịp gặp con trai hai ông bà, chỉ được xem hình ảnh của anh này trong Album gia đình. Nàng đã ghi danh vào học trường Đại học Cộng đồng tại đây, vềà “Accounting” với ước mong trong tương lai sẽ chuyển qua Đại học 4 năm. Diễm Tú cũng có ý định nhờ ông bà Peterson hướng dẫn tìm một việc làm “part time”, sau giờ học.
Hôm vừa mới đến phi trường San Diego, Diễm Tú thấy hai vợ chồng đón tại phòng chờ, ông chồng tươi cười nói “hello” còn bà Millie cầm một bó hoa hồng màu vàng mà bà nói là tượng trưng cho Việt Nam, âu yếm ôm hôn vào má và trao bó hoa cho nàng. Khi về đến nhà, Diễm Tú thấy trước cửa, một tấm bảng viết tay có hàng chữ “Welcome to the Peterson’s”. Nhà của ông bà thuộc loại “rambler” một tầng. Nhà có ba phòng ngủ, bà Millie đã dọn cho nàng một phòng nhỏ nhìn ra hướng biển, gió mát rượi khi mở cửa sổ. Tiếng sóng rì rào vọng từ chân đồi nhắc nhở Diễm Tú về chuyến hải trình tìm tự do vừa qua và nhất là gợi lại kỷ niệm êm đềm với người yêu lính biển trong các lần ra viếng Vũng Tàu trước đây. Vào những buổi xế chiều khi mặt trời từ từ lặn dưới chân trời màu tím, tâm hồn người con gái tha hương lắng xuống. Diễm Tú thổn thức, âm thầm gạt đôi dòng lệ thấm ướt bờ mi. Có nhiều lần quá chán nãn, với trạng thái điên loạn, nàng muốn buông trôi, muốn chấm dứt cuộc đời. Những đêm dài không ngủ với ý nghĩ chán chường, cô đơn, trống vắng quay cuồn trong đầu, tự trách mình vội vã, thiếu kiên nhẫn từ việc này qua việc khác. Rồi cơn nhức đầu, chóng mặt liên tục chợt đến, rồi tan biến, Diễm Tú nhận thức đây là hậu quả của tai nạn xảy ra chiều tối ngày 28 tháng 4, khi nàng bị bật tung ra khỏi chiếc xe Jeep tại Thị Nghè.
Ông bà Peterson rất vui kể từ ngày Diễm Tú về ở chung. Ông bà không có con gái, cô dâu Mỹ thì đã ly dị cậu con trai Paul sau khi hai người chung sống gần 24 năm vì nhiều lý do. Thiếu tá Paul, một Sĩ quan Hải quân trừ bị, ngành tiếp liệu cũng đã phục vụ tại Đà Nẳng trong hai năm 1969- 1970, ở căn cứ “Deep Water Pier”, cạnh chân núi “Monkey mountain” gần bãi biển Tiên sa. Ông trở về Mỹ, đi tàu biển thêm ba năm và xin giải ngũ, vì nghiện rượu nặng. Chỉ sau một năm, hai vợ chồng bỏ nhau và ông mở một công ty nhỏ cung cấp vật liệu xây cất tại Washington D.C, phía đông Hoa Kỳ. Một năm hai lần, anh Paul về thăm cha mẹ vào dịp lễ Độc lập Hoa Kỳ, mồng 4 tháng 7 và mùa Thanksgiving hay Giáng Sinh, ở chơi vài ngày rồi từ giã và chỉ giao dịch bằng điện thoại hay thư từ, nên tình cha mẹ con cũng không thắm thiết lắm.
Chỉ còn một tháng nữa là lễ Tạ Ơn, Thanksgiving và ông bà Peterson cho Diễm Tú biết là con trai sẽ về San Diego chơi, nhân dịp này gặp Diễm Tú luôn thể. Bà Millie cũng giải thích cho nàng biết về Thanksgiving và bửa ăn truyền thống đầy lịch sử tính trong ngày lễ này. Ông Charles thì suốt ngày hết sửa chữa đồ dùng trong nhà đến đóng vật dụng khác, bận rộn chăm sóc khu vườn nhỏ; cắt cỏ, tưới cây và cuối tuần xem Football. Chiều chiều ông bà bắt ghế ra hành lang trước nhà nhìn thiên hạ qua lại. Thật đúng là hai người già về hưu, hưởng thời gian còn lại của cuộc đời sau nhiều năm tháng làm việc, tranh sống trong xã hội nhiều đòi hỏi tiện nghi vật chất. Khí hậu điều hòa quanh năm ở vùng này rất tốt cho người lớn tuổi, không nóng lắm mà cũng không lạnh nhiều, bầu trời xanh biếc, không khí trong sạch và khô ráo làm cho San Diego trở thành là nơi nghỉ mát cho dân Mỹ giàu có và là thành phố lý tưởng cho những cặp vợ chồng già hưu trí như ông bà Peterson.
Mẹ của Diễm Tú thỉnh thoảng vào cuối tuần, gọi điện thoại thăm hỏi và cho biết tin tức gia đình. Toàn và Thắng đã đi học, ông bà lãnh tiền trợ cấp hàng tháng, bà đi học nghề uốn tóc còn ông thì ghi danh đi học Đại học Cộng đồng. Với khả năng Anh văn tương đối khá thông thạo và nhất là ông đã du học tại Mỹ về khóa Tham mưu Cao cấp ở Fort Levenworth năm 1969, ông Quả ít gặp trở ngại với việc giao thiệp hàng ngày. Ông vẫn còn giận Diễm Tú rất nhiều vì tính tình thay đổi và hành động khác thường trong thời gian gần đây, ông nói với vợ có lẽ nàng bị khủng hoảng tinh thần và cần đi Bác sĩ điều trị. Tuy nhiên trong thâm tâm, vợ chồng Đại tá Quả cũng thương hại cho cô con gái của mình vì tai họa chiến tranh và định mệnh trớ trêu nên mối tình của Diễm Tú và Phan đã không thành đạt.
Thế rồi mãi mê trong việc sinh kế hàng ngày với cuộc sống mới tại Hoa kỳ, ngày tháng trôi qua như then cửi, thấm thoát Toàn và Thắng đã tốt nghiệp Đại học và xin được việc làm tại San Jose, California và ông Quả đã hưởng tiền hưu trí theo về ở với hai con trai tại thành phố San Francisco.
Diễm Tú cầm tay bé Caroline từ trong bệnh viện FairFax tiến về hướng gầm garage nơi chiếc xe du lịch Toyota Camry của nàng đang đậu. Mùa xuân tại Virginia với nắng ấm và hoa đủ màu nở đầy trên khắp ven đường, cạnh lối đi. Mùi thơm hoa anh đào trinh nguyên và hoa cúc vàng thoang thoảng bay theo gió nhẹ.
Hai mẹ con Diễm Tú vừa vào bệnh viện thăm Lan, người bạn gái láng giềng tại Sài Gòn mà nàng đã gặp tại trại tỵ nạn Subic Bay, trong chuyến hải trình tìm tự do cách đây 15 năm. Hai người bạn thân tái ngộ sau một thời gian qua Mỹ, trong lễ cưới của Diễm Tú với Paul, con trai của ông bà Peterson, được tổ chức đơn giản tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau đó hai người cùng làm cùng một công sở tại đây cho đến khi Diễm Tú sinh bé Caroline. Lan cũng đã có gia đình, chồng nàng là một thương gia, có tiệm bán tạp hóa tại khu chợ Việt Nam ở Arlington, Virginia. Họ cố gắng mãi nhưng vẫn chưa có đứa con nào và đến nay thì với căn bệnh ung thư mà Bác sĩ điều trị vừa mới phát giác, Lan khó có thể sinh sản được.
Diễm Tú thương bạn và càng buồn thêm khi nghỉ đến hoàn cảnh của mình. Cách đây không đầy sáu năm, sau khi bé Caroline ra đời được năm tháng, Paul bị tử thương trong tai nạn xe hơi, trên đường về từ Norfolk. Diễm Tú trở thành góa phụ nuôi đứa con lai xinh đẹp. Caroline là món quà quí giá mà thượng đế đã ban cho cuộc đời bất hạnh của nàng, là một an ủi lớn lao giúp cho Diễm Tú tiếp tục còn ham muốn sống còn. Nàng cảm thấy có bổn phận với con gái mình, nên đã tìm niềm vui trong việc chăm sóc nuôi nấng Caroline trong suốt sáu năm qua.
Thỉnh thoảng ông bà Đại tá Quả từ miền tây bay qua thăm con gái và cháu ngoại, ở lại chơi khoảng vài tuần lễ rồi trở về với hai đứa con trai cũng đã lập gia đình tại San José.
Tin tức phổ biến gần đây trong cộng đồng người Việt Nam tại khu chợ Eden, trung tâm thương mại của dân tỵ nạn ở Falls Church, Virginia, nơi hội họp của tập thể người Việt trong những ngày cuối tuần, loan báo về chương trình H.O. Đây là một chương trình nhân đạo đã và đang được Hoa Kỳ cũng như chính phủ Hà nội áp dụng cho các Sĩ quan tù nhân chính trị vừa được phóng thích của chính quyền Việt Nam Cọng Hòa đã bị Cộng sản cầm tù ở trại cải tạo, sau khi họ chiến đoạt miền Nam. Những tù nhân bị giam giữ trên 5 năm sẽ được xuất ngoại qua Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của thân nhân hoặc cơ quan thiện nguyện hay các đoàn thể chính trị Việt Nam tại Mỹ.
Những cựu Sĩ quan thuộc mọi quân binh chủng của Quân đội Việt Nam Cọng Hòa được xếp hạng ưu tiên đi theo diện H.O, lần lượt qua đến các thành phố lớn Hoa Kỳ. Họ được các người đồng hương giúp đở tận tình để có thể hội nhập với đời sống và xã hội mới. Phần đông những người này đã có tuổi và với trình độ Anh ngữ bị giới hạn, các cựu Sĩ quan H.O gặp nhiều trở ngại trong công việc làm với các xí nghiệp Mỹ. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống họ cũng được ổn định giống như những người tỵ nạn Việt Nam qua Mỹ năm 1975. Những Sĩ quan H.O bắt đầu viết sách, ra báo, xuất bản thơ văn ghi lại những kỷ niệm vui buồn, câu chuyện thương tâm, anh hùng, dã man... xảy ra trong các trại tù tập trung cải tạo của Cộng sản. Những địa danh trại ở miền thượng du Bắc Việt, Thanh Hóa... được nhắc nhở nhiều trong các tác phẩm của các văn nhân thiếu may mắn nhưng đầy ý chí và lòng kiên nhẫn cũng như sức chịu đựng tột cùng của những người thua cuộc, trong một ván cờ của cuộc chiến đã được sắp đặt trước.
Phan là một trong những cựu tù nhân chính trị sẽ đi theo diện H.O vào khoảng ba tháng tới. Anh chuẩn bị hành trang và đi thăm viếng vài người bạn cũ trước khi lên đường. Phan vẫn còn nhớ đường đi đến căn nhà lúc xưa của anh bạn năm Hòa, chú của Diễm Tú bên Khánh Hội. Anh muốn ghé lại tìm Hòa và đồng thời hỏi thăm tin tức của Diễm Tú mà anh biết chắc chắn Hòa có thể cung cấp cho mình.
Phan rú tay ga thật mạnh, tăng thêm tốc độ chiếc honda, phương tiện nuôi sống Phan trong suốt thời gian từ ngày anh được Cộng sản phóng thích. Anh trở về đời sống dân sự, làm nghề sửa chữa xe gắn máy, lây lất sống qua ngày trên đường phố đầy bụi bặm, ô nhiểm của một di tích huy hoàng tráng lệ mang tên “ Hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào.
Phan cố gắng tìm lảng quên và không muốn ý nghĩ tủi nhục đang xâm chiếm hồn anh. Với lòng mong muốn qua Mỹ và niềm hy vọng gặp lại Diễm Tú chỉ một lần cuối, Phan cảm thấy phấn khởi, anh quên hết cơn nóng oi bức, đưa tay gạt những giọt mồ hôi đang chảy dài xuống gò má gầy sạm nắng.
Buổi tiệc Tân niên do Hội đoàn quân nhân cán chính tổ chức linh đình tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thành phố San José, để chào mừng các cựu Sĩ quan tù nhân chính trị qua Mỹ theo diện H.O. Tình chiến hữu giữa các quân nhân thuộc mọi Quân Binh chủng trước đây đã cùng sánh vai, chiến đấu cho lý tưởng Quốc gia, Dân tộc bây giờ trở nên khắn khít hơn. Những vòng tay thân mật, những lời chào hỏi ân cần, những câu chuyện buồn vui, kỷ niệm chiến trường, sưởi ấm lại tâm hồn các người bạn cũ. Giọt nước mắt ân tình tự động chảy dài trên gò má cằn cỗi, những mái tóc bắt đầu điểm sương chụm vào nhau, nức nở khóc cho những đồng ngũ đã tức tưởi ngã gục trong các trại tù dã man của chế độ đang thống trị quê hương yêu dấu của mọi người.
Phan đến thật sớm để nói chuyện và gặp lại các người bạn cũ bị giam cùng trại tù với anh. Sau đó anh trở về ngồi cùng bàn với vợ chồng người bạn Hải quân đã bảo trợ anh qua sinh sống tại Hoa Kỳ ba tháng trước đây. Bạn của Phan cho biết thế nào tối nay anh cũng được gặp Đại tá Quả vì ông này giữ một chức vụ trong ban chấp hành của hội đoàn tiếp đón các chiến hữu qua Mỹ theo diện H.O. Vợ chồng anh bạn còn cho Phan biết sơ về các biến cố xảy ra trong 15 năm qua, về cuộc đời Diễm Tú, nay đã trở thành góa phụ và đang sống độc thân nuôi đứa con gái vừa vào học lớp 1 trường tiểu học tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Quả thật như lời người bạn nói, Phan đã nhận ra ông Quả với dáng dấp đi đứng chững chạc, đầu tóc hói, có vẻ như già hơn trước tuổi, khi ông này tiến vào hội trường bên cạnh bà Quả, da dẻ hồng hào, trong chiếc áo dài màu lục đậm. Phan cảm thấy nhịp tim mình đập mạnh hơn và gò má trở nên nóng bừng như anh vừa uống vào một ly rượu mạnh. Đi theo sau lưng ông bà Quả là Toàn và Thắng và hai cô gái trong chiếc áo dài Việt Nam, có lẽ là con dâu của ông bà Quả. Phan cố nhìn để xem Diễm Tú có hiện diện trong đám đông người hay khong, nhưng rồi anh thất vọng.
Buổi tiệc tiến hành theo như thông lệ với lời chúc mừng giới thiệu và văn nghệ giúp vui. Trong lúc thực khách thưởng thức những món ăn do các bà nội trợ khoản đãi, Phan lấy hết can đảm và chuẩn bị trước những thắc mắc mà anh sắp hỏi cha mẹ Diễm Tú. Anh ngỏ lời xin lỗi vợ chồng bạn mình rồi đứng lên, đi về phía chiếc bàn tiệc của gia đình Đại tá Quả đang ngồi.
Toàn và Thắng ngạc nhiên đến sửng sốt và vô cùng mừng rỡ khi nhận ra Phan, trong bộ âu phục màu xám nhạt, vẫn cao lớn và bảnh trai như thuở nào. Ông bà Quả hơi ngượng nghịu trong vài giây phút ban đầu, rồi cũng vui vẻ không kém, ông vội vàng giới thiệu với hai cặp quan khách ngồi cùng bàn về lý lịch của Phan và sự liên hệ của Phan với Diễm Tú, trưởng nữ của ông bà; trong khi Toàn và Thắng cũng kề tai nói cho vợ mình biết.
Thế rồi sau nhiều buổi gặp gở đầy nước mắt và nhiều nụ hôn đắm đuối, vào đúng một năm sau ngày Phan qua Mỹ và đoàn tụ với người yêu muôn thuở, Phan và Diễm Tú trở thành vợ chồng, cùng nhau dọn về sống tại San Diego với bé Caroline trong ngôi nhà “rambler” khang trang, nhỏ nhắn của ông bà Peterson, đã qua đời, di chúc để lại cho con dâu và cháu nội gái của hai ông bà.
Thời gian xa cách nhau hơn 15 năm, với những biến chuyển và thăng trầm của cuộc đổi đời, tình người lại một lần nữa chứng tỏ rất cần thiết cho phần tử của một dân tộc bất hạnh, đã phải xa lìa vùng đất ấm, tranh sống trên quê hương xa lạ. Căn bản đạo đức, truyền thống và niềm kiêu hảnh của người Việt Nam, tình thương yêu đồng bào, tình chiến hữu, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng... là sợi giây vô hình thiêng liêng gắn bó dân Việt tỵ nạn Cộng sản lại với nhau. Mọi người xóa bỏ tất cả tị hiềm riêng tư, vị kỷ cá nhân trong quá khứ và hiện tại, đoàn kết ngồi lại với nhau, duy trì niềm tin để chờ ngày trở về quê hương dấu yêu, tay trong tay xây dựng ngôi nhà Mẹ Việt Nam đã và đang đổ nát dưới cơn bão lốc định mệnh.
Lê Bá Thông Tiểu Bang Virginia, Đầu Thu Năm Đinh Hợi 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.