NỖI BUỒN MÙA ĐÔNG
Hồng Vũ Lan Nhi
Hồng Vũ Lan Nhi
Nhà vắng lặng hoàn toàn. Chỉ có 2 chiếc bóng âm thầm trong công việc của mình.
Chiếc bóng của Huy, đứa cháu trai từ xa đến thăm bà cô, là chị Hiền, đang cặm cụi vào chiếc
Rồi đến chiếc bóng của chị Hiền, người chị tinh thần - vì Mẹ Phượng là Mẹ đỡ đầu khi chị Hiền rửa tội theo đạo chồng - đang ngồi gọt tỉa những trái quất tròn, lấy lưõi lam gọt bỏ lớp vỏ ngoài để làm mứt. Chị lặng lẽ gọt tỉ mỉ lớp vỏ mỏng phía ngoài sao cho khéo, để luỡi lam không phạm vào trái quất vàng óng
Thế mà hôm nay, hai cái loa phát thanh đã im lìm, lặng lẽ. Ngoài trời thì mưa gió, trong nhà thì thinh lặng như không có người.
Phượng ngồi ở ghế sô-pha nhìn mưa rơi, và lòng thì nặng chĩu sầu đau.
Có lẽ trời đất, và mọi người đã lặng lẽ chia sẻ với Phượng nỗi buồn mất người yêu.
- Mất người yêu!
Phượng lẩm bẩm trong miệng, và trong ý nghĩ của mình. Vĩnh biệt Anh, vĩnh biệt Dũng, người Phượng đã yêu, đã tim thấy nơi nương tựa an bình cho cuộc đời còn lại. Người mà Phượng đã chờ đợi trong bao năm, để khi vừa gặp mới có mấy tháng, chàng đã lại lặng lẽ ra đi, bỏ lại Phượng bơ vơ một mình.
- Dũng ơi, anh đến quá muộn, lại ra đi quá sớm.
Phượng ngồi nhớ lại những tháng ngày có Dũng. Thời gian bên nhau không dài, nhưng lại cho nhau nhiều kỷ niệm.
Cũng chỉ là một sự tình cờ, như bao cuộc tình cờ gặp gỡ nhau qua buổi ban đầu. Bố Dũng đau nằm trong nhà thương, Phượng đưa chị Hiền vào thăm ông anh, và, Dũng đã bị cú sét tình ngay từ lúc nhìn thấy Phượng. Chàng tìm cách quen Phượng thì không khó, vì đã có bà cô đang ở chung nhà với Phượng.
Phượng nhớ rõ ràng, hôm đó là ngày thứ bảy, Phượng vừa đi đưa đám ma Mẹ của Kim Trinh về, thì sau đó, Dũng và chị Hiền cũng vừa từ nhà thương bước vào. Câu chuyện cũng lại bất ngờ :
- Mời cô Phượng đi ăn với hai cô cháu tôi nhé.
- Dạ thưa Phượng ăn rồi ạ.
- Nếu Phượng ăn rồi, thì ngồi uống nước ...
Phượng ngần ngừ, chị Hiền nói như ra lệnh :
- Thôi, đi đi cho chị vui.
Và ba người ra xe đến tiệm Viễn Đông. Bà chủ Viễn Đông lại là bạn cùng dạy học trường Aurore với chị Hiền, nên khi vừa gặp nhau, hai người đã tíu tít chuyện trò.
Dũng hỏi Phượng :
- Phượng muốn xưng hô thế nào ?
- Như là người bạn mới quen.
Phượng hiểu ý của Dũng. Vì Phượng được coi như chơi với chị Hiền, mà Dũng là cháu. Và chúng tôi đã xưng tên với nhau ngay từ buổi đầu.
Phượng nhìn chiếc computer, và nhớ lần đầu tiên gặp nhau, Dũng đã lấy Font tiếng Việt cho Phượng, và còn để thêm nhiều loại game khác cho Phượng tha hồ tiêu khiển cho qua thời gian khi " không có anh ". Thế nhưng, Phượng không có thì giờ để chơi game. Sáng sớm, trưóc khi đi làm, chàng đã gọi điện thoại để chào " good morning " Ban ngày, trong giờ ở sở, chàng viết e mail cho Phượng. Phượng trả lời, rồi chàng lại viết ... Cứ thế, mỗi ngày hai đứa đã viết cho nhau cả chục lá thư. Ngày nào Phượng không có nhà, thì chàng viết trách móc, nói nhớ nhung, và buồn lòng vì không biết Phượng đi đâu, đi với ai ...
Có lần, chàng gửi 1 e mail chỉ với câu : Yêu em, yêu em ... đầy 1 trang. Phượng mở mail ra, thấy được an ủi, và biết Dũng đã yêu mình còn hơn mình yêu chàng nữa. Lòng Phượng xốn xang, và niềm vui ào ra như suối tràn cả vào bờ. Phượng cũng bắt chước chàng viết lại Yêu anh, yêu anh... nhưng chỉ mới có 3 dòng đã thấy mỏi tay và mệt, nên Phượng đã gửi ngay khi đang viết dở dòng thứ tư. Chàng đã gửi hồi âm lại liền, và bảo : tình anh như biển cả mênh mông, tình em như dòng sông cạn ...khiến lòng anh đau.
Và buổi tối, sau khi ăn cơm xong, chàng và Phượng lại ôm điện thoại cho đến khuya, khi Phượng dục chàng ngủ khoẻ để lấy sức mà xuống thăm Phượng mỗi tuần, chàng mới chịu nghe lời.
Có lần, không hiểu vì chuyện gì đó à Phượng giận dỗi, không thèm nghe điện thoại, không thèm trả lời thư, khiến chàng như điên dại, gọi cô Hiền để hỏi lý do...
Cuối cùng, cô Hiền đang nói với chàng, rồi đưa cho Phượng nói chuyện tiếp. Chàng xin lỗi quá chừng, và khi xin lỗi xong xuôi, khi Phượng đã cười nói với chàng rối, thì chàng hỏi:
- Ủa, anh có tội tình gì mà phải xin lỗi nhỉ.
Rồi từ đó, mỗi tuần, từ Milpitas, khoảng 1 giờ trưa thứ Sáu, Dũng lái xe xuống Orange County để thăm bố cuối tuần, giờ đây, thời giờ đã bị chia sẻ. Và cán cân đã bị nghiêng về tình cảm riêng tư nhiều hơn là tình bố con.
- Trước kia, anh không thấy lòng háo hức đi Orange County như bây giờ.
- Anh chỉ là khéo nói thôi.
Phượng ngạc nhiên, không biết Dũng đã xưng anh với Phượng từ bao giờ, và Phượng cũng không biết đã chấp nhận Dũng là anh từ hồi nào. Bởi Dũng thua Phượng vài tuổi.
Tình yêu cứ theo thời gian mà tăng nhanh. Những ngày lễ lớn, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, rồi tới lễ của Tình Nhân - Valentine - đã là những lý do để Dũng bay về Quận cam nhiều hơn, và ở lại chơi nhiều ngày hơn. Chúng tôi đi ăn tiệm Việt, Mỹ, Tây, Tàu ...và thường ra biển nhìn hoàng hôn xuống, trong ánh chiều tà, rất đẹp, hay nhìn trăng biển chiếu vằng vặc trên bầu trời mênh mông. Có khi chúng tôi lại sửa soạn đi thăm nắng Solvang, vào phía xa thật xa, có những cảnh như rừng rú hoang dã, chụp hình, chơi đùa chạy nhảy ... như con nít. Chị Hiền tuy lớn tuổi, tính tình trẻ trung và cũng thích đi chơi, nên đi đâu, chị cũng đi.
- Chị ơi, lát nữa đi Ocean Side thăm biển ...
- Chị ơi, mình đi lên chợ Nhật
Chỉ cần Phượng gọi "chị ơi", là chị đã ơi liền, và hiểu rằng lại sắp đi đâu đó.
- Chị ơi, ngày mai mình đi Solvang nhé, cách đây 3 giờ lái xe, vào rừng chơi may ra gặp được chú cọp.
Thế là chị lo thức ăn, nước uống, và đầy đủ xiên thìa, giao muỗng, ly, giấy lau tay...
Những lúc đi chơi bộ ba như vậy, Dũng vẫn trêu:
- Cháu phải tìm kiếm cho cô một chú để cô có thêm người để lo.
Lời nói của Dũng quả là linh nghiệm vì chỉ sau đó chừng 1 tháng, trong một lần đi tập Tai Chi ở một nơi nào đó, chị đã gặp anh Minh. Phượng trêu:
- Đi múa gậy vườn hoang mà cũng tạo được cơ duyên.
Từ đó, trong những chuyến đi chơi, có thêm anh Minh cho chẵn hai cặp, chị Hiền không bị lẻ loi như trước.
Trời mỗi ngày mỗi lạnh hơn. Phượng đã nghe được những tiếng húng hắng ho của Dũng. Lúc đầu Phượng không quan tâm, vì cho rằng trời đổi thời tiết. Nhưng rồi, cơn ho của Dũng, mỗi ngày mỗi nhiều hơn, nặng hơn. Đã có những lúc, Phượng có cảm tưởng, chỉ cần ho thêm một tiếng nữa thôi, là Dũng sẽ ngừng thở. Nỗi lo lắng cho người yêu, đã làm Phượng buồn, đến mất ăn, mất ngủ. Những ngày cuối tuần có Dũng bên cạnh, nàng còn có thể giúp Dũng lấy ly nước uống cho khỏi ngứa cổ, hoặc đưa cho chàng kleenex để chàng lau mặt vì cơn ho kéo dài đã làm chàng chảy nước mắt.
Những ngày trong tuần, Phượng ở xa Dũng cả hơn giờ đường chim bay, làm sao nàng có thể yên tâm, khi cứ nghĩ, chàng ho đến chảy nước mắt, rồi lỡ ngất đi, ai là người săn sóc chàng lúc ấy ? Càng nghĩ, Phượng càng lo, và càng buồn.
Dũng không còn đủ sức khoẻ để lái xe đường trường nữa, mà chàng đã phải đi maý bay, Phượng ra đón tại phi trường John Wayne. Thời gian này, chúng tôi ở nhà nhiều hơn. Anh Minh ở nhà già, đã đi xe bus đến thăm chị Hiền, và ở lại chơi đến chiều mới ra về. Khi có người nào hứa đưa anh về, thì anh sẽ ở lại chơi lâu hơn.
Những lần nói chuyện qua phone, hay những lần e mail cho nhau, Phưọng vẫn nhắc nhở Dũng uống thuốc và đi khám bác sĩ. Lúc này, Dũng ho nhiều hơn nữa, và đã không thể đi máy bay xuống Quân Cam thăm Phượng được. Chàng ở một mình. Ăn uống cũng thất thường, và nhiều khi không cảm thấy đói. Trong câu chuyện, Phượng đã nghe được có những câu như lời chia tay, và trong cái ý nghĩ dài lâu, chàng không còn niềm lạc quan, hy vọng như xưa nữa.
Có lần, Phượng nhận được e mail, chàng viết: mấy lúc sau này, anh thấy trong người khác lạ, anh đã viết số phone của bố, của các con, và của em, dưới dạng Fiancée, được không. Để lỡ anh có mệnh hệ nào, họ gọi báo tin.
Đọc xong, Phượng gọi ngay cho chàng. Giọng nói bên kia đầu giây thật yếu, và Phượng cuống cuồng, nhờ cháu gọi lấy vé bay và đi ngay lên San José, vì Phượng biết, chàng không thể lái xe ra phi trường đón Phượng được. Trong lúc ngồi chờ ở phi trường John Wayne, Phượng gọi phone liên lạc với Chấn, nhờ Chấn ra đón. Và cũng cho Chấn số điện thoại của Dũng, để chàng chỉ đường từ San José lên Milpitas. Phượng chưa bao giờ đến thăm chàng.
Cuối cùng, Phượng đã gặp được Dũng. Chàng đã xin nghỉ làm vài ngày, vì ho quá, lái xe không được. Phượng đã mua thịt bò,để làm steak cho chàng tẩm bổ, đuôi bò để nấu xúp cùng với khoai tây, tỏi tây, cà rot, bắp cải, đậu hoà lan ...Rồi trái cây như cam, nho ...
Lần đầu tiên Phượng săn sóc một người bệnh, lại là người yêu của mình, tại nhà, lòng Phượng có nhiều vui, buồn lẫn lộn. Nếu chàng còn khoẻ mạnh, liệu Phượng có mặt trong căn phòng của chàng như bây giờ không ? Đó là điều mà Phượng vẫn ước ao, vẫn mơ có được một lần thực hiện trong đời. Từ khi còn đi học, ở tuổi mộng mơ, đọc chuyện có những đoạn người con gái đến thăm người yêu trên căn gác trọ, Phượng thèm được có lần đến thăm người nào đó cúa mình, giống như ở chuyện. Thế mà, cho đến ngần này tuổi đầu, Phượng chưa bao giờ có cơ hội thực hiện ước muốn nhỏ nhoi đó của mình. Bây giờ, lúc này đây, Phượng đang có mặt trong căn phòng của chàng, đã ngồi trên chiếc ghế chàng đã từng ngồi viết thư, hay gọi điện thoại cho Phượng, và nhất là đã ngồi, đã nằm trên chiếc giường của chàng đã từng nằm, gối trên chiếc gối chàng đã từng ôm mộng, chuyện trò với Phương, trước khi ru hồn vào giấc ngủ ...thì người yêu của Phượng đang nằm nhắm mắt, vẻ mặt mệt mỏi, và mệt nhọc đến độ không thể nói, dù chỉ vài câu với Phượng. Có nhiều lúc, chàng cố gắng mở mắt, nở nụ cười với Phượng, nhưng rồi thuốc ngủ đã đưa chàng về miền nào đó thật xa. Phượng nằm bên, nghe tiếng thở khò khè, và mệt nhọc. Có lúc, Phượng không nghe được tiếng khò khè đó, lại cuống quít đưa tay sờ lên ngực, lòng Phượng phập phồng lo sợ ... Ý nghĩ nếu chẳng may Dũng ra đi, Phượng sẽ làm gì bây giờ. Nơi đây hoàn toàn xa lạ với Phượng. Lần đầu tiên Phượng tới Milpitas, chẳng biết hàng xóm là ai, có người Việt nam không, hay chỉ toàn là người ngoại quốc ? Và chắc chắn là Phượng không dám ở lại đây với cái xác lạnh này, trong căn phòng này ...
Dũng lại lên cơn ho, và chàng vẫn nhắm mắt ngồi dây. Phượng dìu chàng vào phòng tắm, sợ lỡ chàng có ho quá mà ói mửa gì không. Biết bao là ý nghĩ hỗn độn trong đầu. Phượng dìu Dũng về giương nằm, và chẳng biết nghĩ sao, Phượng ôm chặt Dũng, nước mắt dàn dụa, và hôn lên má, lên môi, lên khắp khuôn mặt yêu dấu, rồi quay mặt vào tường nằm chờ giấc ngủ. Phượng biết, giấc ngủ sẽ không đến với Phượng đêm nay, nhưng Phượng vẫn chờ, như chờ một phép lạ từ trời cho Dũng khỏi ho, khoẻ mạnh lại như xưa ...
Dũng trở mình, quàng tay qua người Phượng, và nói với Phượng thật nhỏ:
- Anh yêu em quá đi mất rồi.
Đó là câu, Dũng hay viết trong e mail, trước khi ngừng viết, và trước khi chào good bye trong điện thoại:
- Phượng ơi, anh yêu em quá đi mất thôi.
Câu nói trong lúc chàng đang chập chờn, mê man vì thuốc, đã làm Phượng nấc lên nghẹn ngào, vì Phượng biết rõ lòng Dũng yêu Phượng đến mức nào.
- Anh đến với em muộn quá ...
Phượng tìm cách ra khỏi giuờng, và đứng bên cửa sổ, nhìn trời mây bao la, và trăng thượng tuần đang toả chan hoà ánh sáng lạnh lẽo xuống trần gian. Phượng đang có tình yêu, tình yêu nồng nàn Dũng dành cho Phượng, Dũng đang nằm kia, gần Phượng trong gang tấc, mà sao Phượng thấy mình cô đơn quá, lạc lõng quá. Phượng mím môi để khỏi bật khóc, khi nghĩ thương thân mình, thương con người mang tên Linh Phượng, mà sao lại hẩm hiu về tình duyên dến thế.
- Hạnh phúc ơi, mi ở đâu, mà sao Ta tìm kiếm hoài không ra. Ta đã tưởng lần này Ta bắt được mi, nhưng rồi, Ta biết mi lại vuột ra khỏi tầm tay Ta.
Phượng lại nhớ đến câu hát :
- Đêm chưa qua, mà trời sao vội sáng ...
Dũng đã tỉnh sau cơn ngú vùi vì thuốc. Chàng thấy Phượng hốc hác, và lấy hai tay ôm khuôn mặt Phượng :
- Anh yêu em quá mất rồi, Phượng ơi.
Phượng hôn lên đôi mắt chàng, rồi vội vã xuống bếp lo cho chàng ăn sáng.
Mấy ngày ở trên Milpitas, Phượng đưa chàng đi khám bác sĩ, mua thuốc, và đi ăn, đi chợ loanh quanh cũng hết ngày. Có lần, chàng đưa Phượng đi xem phim, Phượng ừ ào cho chàng vui, vì lòng Phượng đang rối như tơ vò. Cho đến bây giờ Phượng cũng không nhớ tên phim nữa. Có lẽ phần nhờ thuốc, phần vui vì có tình yêu, chàng đã đỡ nhiều lắm. Cơn ho đã giảm đi nhiều. Chàng lái xe được rồi. Trông chàng chỉ hơi gày, còn sức khoẻ thì bình thường trở lại. Phượng yên tâm trở về Orange County. Chàng lái xe tiễn Phượng ra tận phi trường, và còn ôm nhau thật chặt trước khi Phượng theo đoàn người ra máy bay.
Về tới Orange County, Phượng gọi lên cho chàng ngay. Hai đứa lại trò chuyện vui vẻ. Chàng lại hứa hẹn sẽ xuống thăm. Nhưng Phượng cản chàng, bắt chàng ăn uống, ngủ nghỉ lấy lại sức khoẻ, rồi từ từ xuống thăm cũng không sao. Phượng hứa sẽ thay chàng đến thăm bố với cô Hiền. Mọi chuyện đang bình thường như vậy, thì Phượng nhận được tin từ sở cho biết, chàng đã bất tỉnh từ sở, họ đưa vào nhà thương ngay, nhưng chàng đã bị coma ...
Chị Hiền và Phượng lại vội vàng bay lên Milpitas, và đến nơi, thì chỉ được nhìn thấy chàng, giây rợ chàng chịt ở mũi, ở miệng, và tay thì đang có giây nước biển ... Chàng hai mắt nhắm nghiền. Hơi thở lên xuống theo bình dưỡng khí. Y tá, bác sĩ, nhân viên thường trực thay nhau lo lắng cho chàng, nhưng rồi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bác sĩ đã tuyên bố, chàng đã ra đi, rất an bình.
Phượng đứng lặng nhìn chàng. Và đi ra ngoài như cái xác không hồn. Phượng nhìn theo chiếc giường đẩy chàng đi, và, không hiểu sao, Phượng lại không khóc, và chỉ thấy niềm cô đơn của mình rộng lớn như vùng trời trắng xoá sáng nay.
Chị Hiền và Phượng được Chấn Trinh đón về San José nghỉ ngơi, rồi mỗi ngày hai vợ chồng bạn lại đưa chị Hiền và Phượng lên nhà quàn, nơi đây, chị Hiền là họ hàng nên quen biết nhiều, chỉ có Phượng là lạc lõng. Ngày cuối cùng Phượng còn thấy gần gũi Dũng, là lúc đưa chàng đến nghĩa trang, nằm trên ngọn đồi mênh mông mây nắng, và gió thì tứ phía thối về ... lạnh lẽo, thê lương.
Sau phần lễ nghi, con cái của chàng, người vợ cũ, họ hàng và bạn bè đã ném hoa xuống mộ sâu. Giữa vùng trời nắng, gió, lạnh lẽo và ảm đạm thê lương đó, Phượng cũng chọn một bông hồng ném xuống với lời thầm thì cùng chàng :
- Em cũng yêu anh quá mất rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.