Cải Lương bị bức tử từ năm 1950
60 năm sau mới chịu chết ngắc ngoải!
Soạn giả Nguyễn Phương
Những buổi sáng thứ sáu, các ông bạn già cùng quê ở Saigon xưa và vài ông bạn trong Hội Tuổi vàng Rồng vàng tụ họp nhau ở plaza Côtes des Neiges uống cà phê, nói chuyện khào và chờ đến hơn 12 giờ trưa thì kéo qua restaurant ăn cơm, xong chia nhau trả tiền rồi mạnh ai về nhà nấy. Sáng nay trước khi đi dùng cơm, có ông bạn nhờ tôi làm giùm một bài toán như sau:
Trước năm 1975, 180 đồng bạc VNCH đổi được một đô-la Mỹ.
Sau năm 1975, 500 đồng bạc VNCH đổi lấy một đồng bạc HCM, rồi sau đó 10 đồng HCM đổi lấy một đồng HCM mới nữa, như vậy có nghĩa là 5000 đồng VNCH đổi được một đồng bạc HCM.
Bây giờ, sau 35 năm kể từ ngày 30 tháng 04 năm 1975, 19.000 đồng bạc HCM đổi được một đô-la Mỹ, anh nhờ tôi tính thử coi kinh tế của Việt Nam tiến hay thoái bao nhiêu phần trăm so với đồng bạc trước 1975.
Tôi làm toán dở nên tính không ra, nhưng tôi nói bây giờ dân mình ở trong nước giàu lắm. Hồi trước mình ăn một tô phở, giá 10 đồng VNCH, bây giờ ở Saigon người ta ăn một tô phở giá tới ba chục ngàn đồng HCM. Có tô phở giá tới năm chục ngàn đồng HCM, có phở giá bảy mươi lăm ngàn đồng HCM.
Ông bạn tôi cười ran: “Anh đúng là thích làm hoàng tử hay làm vua trên sân khấu, cứ sống lơ tơ mơ trong ảo tưởng, cuộc đời vui buồn theo ánh đèn sân khấu, cuộc đời “thật” nhiêu khê lắm anh ơi. Nếu tính theo giá một tô phở mấy chục ngàn đồng mà nói là dân giàu thì chưa đúng đâu. (Bỗng ông ta đổi giọng) Ừ mà sau 35 năm, anh không tính sổ coi tại sao cải lương ngắc ngoải như vậy? Bây giờ ở trong nước hay ở nước ngoài người ta đều nói cải lương chết rồi hay sắp chết thiệt rồi”.
- Nói về sân khấu cải lương ngày một mất khán giả, không có tuồng tích hay, không có rạp để hát, cải lương chết thì ai cũng nghĩ như vậy, còn tại sao nó chết, chắc còn phải bàn tới bàn lui nhiều.
- Đây, tôi cho anh đọc bài Thi sĩ Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông. Anh đọc bài này, trong đó có đề cập đến sân khấu cải lương. Anh đọc rồi cứ rà lại những gì xảy ra liên tục trong nhiều năm, giống như kiếm đầu mối của một cuộn chỉ rối. Khi mà anh lần ra được đầu mối, anh rút ra được cả cuộn chỉ, anh sẽ thấy nó hết rối ngay.
Bữa cơm trưa này tôi nuốt không trôi, cứ suy nghĩ không hiểu ông này đưa tập giấy nói về nhà thơHoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông là có mục đích gì.
Về tới nhà, tôi đọc ngấu nghiến bài viết về Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của ông. Tôi chú ý những đoạn viết về cải lương như sau:
(Trích Nguyên Văn)
Hội Nghị Văn Nghệ Việt Bắc, tháng 8 năm 1950:
Trong kháng chiến, dường như năm nào cũng có những cuộc hội nghị văn hóa, văn nghệ đủ mọi trình độ, tầm cỡ, được tổ chức khắp nơi. Nhưng Đại Hội Văn Nghệ Tháng 8/1950 tại Việt Bắc là một Hội Nghị quan trọng, quyết định vinh thăng Kịch và loại trừ Tuồng, Chèo, Cải Lương, Kịch thơ ra khỏi nền văn nghệ CM.
Quyết định này, đã buộc Hoàng Cầm phải “treo cổ” kịch thơ của mình, đã khiến Phạm Duy “dinh tê” tức là bỏ kháng chiến vào thành. Trong những nghệ sĩ bỏ kháng chiến có Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến... sau này sẽ là những cột trụ xây nền Văn Học miền Nam.
Báo Văn Nghệ dành hai số, số 25 và số 26, ra tháng 8 và tháng 9/1950 để viết về Hội Nghị 1950.
“Ngày 26/7, hai năm sau Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc lần thứ hai, đã khai mạc cuộc họp mặt Văn hóa Văn nghệ năm 1950. Non 100 đại biểu của Việt Bắc, Khu Ba, Khu Tư và Khu Năm rất xa, đã tề tựu dưới mái giảng đường trường văn nghệ nhân dân. Các đại biểu đã vượt hàng tháng đường dài, qua rừng núi, nắng mưa, qua những đồn giặc.
Văn Nghệ 26, số đặc biệt về Kịch, giới thiệu Hội Nghị tranh luận về sân khấu với 2 bài chính:
- Bài biên bản, không ký tên tác giả.
- Bài Những ngày Hội Nghị của Tô Hoài.
Bài Biên Bản cho biết: Thế Lữ tuyên bố khai mạc, Tố Hữu đặt vấn đề thảo luận. Đoàn Phú Tứthuyết trình “Quan niệm xây dựng sân khấu Việt Nam” với những ý chính:
- Tuồng: “Thái độ dứt khoát của chúng ta bây giờ là đưa nó (tuồng) vào bảo tàng viện”.
- Chèo: “Nên yêu chèo như một từ ngữ, hãy trân trọng xếp nó vào viện bảo tàng”.
- Cải Lương: “Cải Lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại, để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp người mới phát sinh trong thời Pháp thuộc mất gốc, mất rễ và giao động đến cực độ”.
- Kịch Nói: “Một hình thức biễu diễn sân khấu mới nhất, tuy còn ít thành tích nhưng rất nhiều tương lai” (trang 621).
- Trong phần tranh luận chỉ có Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp bênh vực cải lương.
- Kết Luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến, Cải Lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại kịch và phổ biến rộng rãi.
(Ngưng trích )
Thì ra từ tháng 08 năm 1950, những người nắm vận mệnh của ngành văn hóa văn nghệ miền Bắc đã ra bản án xử tử Cải Lương, và cất Tuồng và Chèo trong bảo tàng viện! Họ nói Cải lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Không hiểu Kịch là sản phẩm của giai cấp nào? Không lẽ họ cho Kịch là sản phẩm của giai cấp nông dân...
Sau năm 1975, khi đến tập tuồng cho đoàn hát Thanh Minh, các đạo diễn (từ miền Bắc hồi kết) Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Bích Lâm đã kể cho chúng tôi biết chuyện các đoàn cải lương trong chiến khu. Anh Huỳnh Nga lúc đó ở Ban Tuyên Truyền Khu 8 với đạo diễn Minh Trị (bây giờ) cho biết hồi đó các nghệ sĩ cải lương ở Saigon vào chiến khu 8 có ông Tám Danh, Ba Du, Tư Xe, Tám Cũi làm diễn viên trong Ban Tuyên Truyền khu 8 (Đồng Tháp Mười). Họ chỉ được diễn kịch tuyên truyền, không cho ca vọng cổ hay hát cải lương. Nhiều khi ghiền vọng cổ, họ bơi xuồng ra giữa đồng, chun vô các lùm đế, mang theo xị rượu vừa đờn vừa ca cho nhau nghe, uống rượu đế và ca lén, chớ lúc đó vọng cổ đã bị cấm ca. Ai ca vọng cổ thì bị bỏ tù.
Đến năm 1952, theo lời của đạo diễn Bìch Lâm: trong kỳ lễ tổng kết Thi Đua Lập Công, đoàn Văn Công Phân Liên Khu miền Đông có hát tuồng cải lương Trần Hưng Đạo Bình Nguyên của tác giả Trần Bạch Đằng ở chiến khu Dương Minh Châu. Đây là vở tuồng cải lương duy nhứt diễn trong chiến khu miền Đông. Sau đó các văn nghệ sĩ không được hát cải lương hay ca vọng cổ cho tới khi đi tập kết miền Bắc sau hiệp định đình chiến Genève.
Trong những năm từ 1950 đến 1954, trong các vùng do Việt Minh kiểm soát thì vọng cổ và cải lương bị cấm hay chỉ có những hoạt động lẻ tẻ, trái lại ở thành thị và các vùng thuộc Quốc Gia thì nghệ thuật hát cải lương được phát triển rầm rộ.
Lúc đó ở Saigon và các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam, có nhiều đoàn hát cải lương như đoàn hát Nam Đồng Ban, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Phước Cương, Văn Hí Ban, Văn Võ Hí Ban, Tân Thinh, Hữu Thành, Phụng Hảo, Kỳ Quan, Tập Ích Ban, Thái Bình, Tiến Hóa, đoàn cải lương Hậu Tấn-Năm Nghĩa, Hậu Tấn-Bảy Cao, Việt Kịch Năm Châu, đoàn Mộng Vân, đoàn Sống Mới-Năm Nở, đoàn hát Phát Thanh, đoàn Tiếng Chuông... (còn nhiều nữa, kể không xiết...)
Đến năm 1950, ông bầu Lư Hòa Nghĩa, giải tán gánh hát Hậu Tấn-Năm Nghĩa, lập đoàn hát mới lấy tên là đoàn hát Thanh Minh. Nghệ sĩ Bảy Cao lập gánh hát Hoa Sen; bầu Vân Sinh lập gánh Tân Hương Hoa, bầu Nhơn (Châu Văn Sáu) lập gánh Phụng Hảo 4, nhóm nghệ sĩ Bảy Nhiêu lập gánh hát Con Tằm, đoàn hát Trăng Mùa Thu...
Các nghệ sĩ danh ca vọng cổ từ năm 1938 đến 1954 có: Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Ba Khuê, Tư Xe, Năm Phồi, Việt Hùng, Paul Tấn, Minh Tấn, Quang Phục, Tám Bằng, Chín Sớm, Hồng Châu, Thành Công,... các nữ danh ca Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Hai Đá, Tư Bé, Tư Sạng, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Bảy Vĩnh Long (tức bà Bảy Ngọc sau này), Sáu Trâm, Sáu Ngọc Sương, Ngọc Hải, Năm Kim Thoa, Ba Kim Hui, Ngọc Lợi, Kim Anh, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thúy Nga, Kim Chưởng, Kim Cúc, Kim Lan, Ngọc Đán,...
Các soạn giả từ năm 1920 đến 1954 có: Mạnh Tư Trương Duy Toản, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Năm Mạnh Nguyễn Công Danh, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Tư Trang, Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Mộng Vân, Lê Hoài Nở (Năm Nở), Giáo Út, Duy Lân, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Trần Văn May, Tư Thới, Thanh Cao, Nguyễn Phương, Quang Phục, Lâm Tồn, Thái Thụy Phong, Viễn Châu, Sáu Hải...
Tuồng tích trong đợt này có hàng trăm tuồng, tuồng Tàu, tuồng phóng tác theo kịch Anh, Pháp của Nguyễn Thành Châu, tuồng Kiếm Hiệp của phái Mộng Vân, có các soạn giả Mộng Vân, Năm Nghĩa, Ba Tẹt (đoàn hát Phát Thanh), Lâm Tồn, Thanh Cao, Tư Thới, tuồng dã sử, xã hội của Năm Châu, Tư Chơi, Tư Trang, Năm Nở, Duy Lân, Nguyễn Phương, Viễn Châu, tuồng chiến tranh của Bảy Cao và Trần Văn May.
Trước năm 1954, tại Saigon có 4 rạp hát dành cho các đoàn hát Cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo đường Galliénie (sau là đường Hưng Đạo), rạp Aristo đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành Dakao.
Ở mỗi tỉnh có một rạp hát dành cho cải lương như Mỹ Tho có rạp hát thầy Năm Tú, Bến Tre có rạp Lạc Thành, Cần Thơ có rạp Minh Châu, Bạc Liêu có rạp Chung Bá, Sóc Trăng có rạp Nguyễn Văn Kiểng, Long Xuyên có rạp Minh Hiển, Biên Hòa có rạp Biên Hùng, Phan Thiết có rạp Thất Ngàn, Nha Trang có rạp Tân Quang, Huế có rạp Thuận Hóa, Đà Nẵng có rạp Hai Bà Trưng.
Từ năm 1954 đến năm 1975, sau Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, các nhà tư sản bỏ tiền ra xây cất nhiều rạp hát dành cho cải lương và rất nhiều rạp hát bóng tân kỳ. Đến năm 1975, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có 27 rạp hát dành cho cải lương: Rạp Hưng Đạo, Rạp Nguyễn Văn Hảo, Rạp Thành Xương, Rạp Aristo, Rạp Olympic, Rạp Quốc Thanh, Rạp Kinh Thành Cầu Ông Lãnh, Rạp Cầu Muối, Rạp Đình Cầu Quan, Rạp Kim Châu, Rạp Đình Lý Nhơn (quận 4), Rạp Đại Đồng (quận 3), Rạp Long Vân, Rạp Hòa Bình, Rạp Lao Động B, Rạp Oscar, Rạp Thủ Đô, Rạp Xóm Củi, Rạp Cây Gõ, Rạp Quốc Thái, Rạp đình Long Phụng, Rạp Thuận Thành Đakao (sau cất lớn đổi tên thành rạp Văn Hóa DaKao), Rạp Kinh Thành (đường Hai Bà Trưng), Rạp Đại Đồng Gia Định, Rạp Cao Đồng Hưng, Rạp Gò Vấp, Rạp Phú Nhuận.
Các tỉnh cũng cất thêm mỗi tỉnh vài rạp hát lớn dành cho cải lương: Mỹ Tho có Viễn Trường, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tân An, Biên Hòa, Nha Trang, Ninh Hòa, Phan Thiết, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, đều cất thêm rạp mới và hiện đại cho cải lương nhờ đó nghệ thuật hát cải lương phát triển. Dàn cảnh sân khấu rộng hơn, đẹp hơn, hiện thực và sát với hoàn cảnh địa lý diễn tả trong vở tuồng. Y trang tranh cảnh và ánh sáng sân khấu cũng đẹp hơn, sát với thực tế của câu chuyện được kể trong tuồng.
Nhờ có nhiều rạp hát mới, đường bộ được mở ra nhiều, thuận tiện cho xe cộ giao thông, dân chúng làm ăn phát đạt nên nhiều đoàn hát được thành lập thêm, và người ta thấy có nhiều đoàn hát đại ban được thành lập ở Saigon, Lục tỉnh và các tỉnh thành lớn ở miền Trung như đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga, Kim Thanh, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Kim Chung 1,2,3,4,5,6,7, Hữu Tâm-Ba Khuê, Tân Hương Hoa-Bầu Sinh, Tiếng Chuôn-Bầu Cang, Đuốc Việt-Bầu Hơn, Thống Nhứt -Út Trà Ôn, Thủ Đô -Ba Bảng, Thủ Đô-Tấn Tài, Kim Chưởng-Thanh Hương, Kim Chưởng, Thanh Hương-Hùng Minh, Út Bạch Lan-Thành Được, Thúy Nga-Phước Trọng, Việt Kịch-Năm Châu, Phước Chung, Ánh Chiêu Dương, Sao Ngàn Phương, Dạ Minh Châu (tức Thanh Minh-Thanh Nga 2), Dạ Lý Hương 2, Trăng Mùa Thu, Thanh Bình-Kim Mai, Huỳnh Long, Minh Tơ, Khánh Hồng, Tấn Thành Ban-Cầu Muối, đoàn Mười Vàng-Tân Định...
Nghệ sĩ danh ca trẻ rất nhiều, như: Kim Anh, Ngọc Nuôi, Thu Ba, Hoàng Vân, Ngọc Chúng, Bảy Quất, Kim Luông, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Ngọc Hương, Kim Giác, Kim Hoàng, Kim Cương, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Mộng Tuyền, Phương Ánh, Bích Sơn, Kim Ngọc, Trang Bích Liễu, Kiều Tiên, Mai Hoa, Hương Lan, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Tú, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Đức Minh, Út Hiền, Út Hậu,...
Các soạn giả từ năm 1954 đến 1975 có: Mộc Linh, Thiếu Linh, Hà Triều-Hoa Phượng, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Thu An, Quy Sắc, Ngọc Điệp, Phan Hương, Trương Vũ, Phương Ngọc, Nguyễn Liêu, Vân An, Yên Ba, Yên Lang, Loan Thảo, Hoàng Việt, Hoàng Kinh, Nhị Kiều, Ngọc Văn, Ngọc Huyền Lan, Hoài Ngọc, Thế Châu,...
Tuồng xã hội Việt Nam cận đại và tuồng dã sử Việt Nam chiếm đa số trong các tuồng được trình diễn trong thời gian này.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, nghệ sĩ cải lương và nghệ thuật hát cải lương phải chịu chung một số phận như tất cả quân dân của miền Nam sau cuộc đổi đời bi thảm.
Tất cả các đoàn hát cải lương, hát bội, ban kịch đều bị đồng loạt giải tán.
Tất cả các nghệ sĩ phải đến Ty Sân Khấu thuộc Ban Quân Quản Sài Gòn đăng ký, và sau khi Ty Sân Khấu cứu xét, sẽ cho quyết định nghệ sĩ nào được phép hành nghề, nghệ sĩ nào bị cấm hành nghề (Ty Sân Khấu mới thành lập sau 30 tháng 04, chỉ có đôi ba cán bộ trong rừng ra và vài ba nghệ sĩ nằm vùng, như vợ chồng nghệ sĩ Nam Sơn tức Năm Thịt, ký giả Ngọc Linh, Vĩnh Điền).
Tất cả các soạn giả cải lương, kịch nói đồng loạt bị cấm hành nghề trong 10 năm để cải tạo tư tưởng; một số được tập trung để học đường lối mới của Cách Mạng.
Các soạn giả và ca sĩ bị bắt đi tù trong các trại cải tạo có: soạn giả Mộc Linh, Ngọc Điệp, nghệ sĩ Huyền Trân, Thành Công, Chín Sớm...
Sau vài tháng, chúng tôi được biết ba nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và Phượng Liên bị cấm hành nghề vì ba cô có chồng là sĩ quan cấp tá. Tuy nhiên, khi thành lập Đoàn Cải lương Saigon I, hai nữ nghệ sĩ Phượng Liên và Ngọc Giàu được thu nhận làm diễn viên. Còn nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết thì đến khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại (26 tháng 11 năm 1978) mới được đoàn Văn Công Thành Phố thu nhận để cô hát thế vai Thái Hậu Dương Vân Nga của cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Bà Năm Sadec, kịch sĩ Tâm Phan, nghệ sĩ Hùng Cường bị cấm hành nghề vì tham gia chương trình kịchThép Súng của Quân đội VNCH.
Các nghệ sĩ Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Thanh Việt, Tùng Lâm, nhà ảo thuật Hoàng Biếu, và một số nữ ca sĩ chạy về miền Tây giúp việc cho đoàn ca vũ kịch Ngọc Giao của tỉnh Cần Thơ. Các kịch sĩ như Phi Thoàn, Phú Quý, Duy Phương thì phải bán vé xe đò ở Xa Cảng miền Tây.
Tất cả các tuồng hát cải lương dưới thời VNCH đều bị cấm trình diễn. Chỉ có hai tuồng được trình diễn sau khi sửa thêm những đoạn mà họ xét có lợi cho Cách Mạng, đó là tuồng Tấm Lòng Của Biển của Hà Triều-Hoa Phượng và tuồng Phụng Nghi Đình của cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền. Tuồng Tấm Lòng Của Biển, sửa nhân vật Tấn (tuồng cũ thì Tấn bỏ nhà ra đi lang bạt giang hồ vì chống lại hành động của cha và chị vì anh cho là bất công đối với bà Vú). Tuồng sửa lại thì Tấn bỏ nhà ra đi vì anh trốn quân dịch, chống việc nhà cầm quyền VNCH bắt quân dịch đưa ra trận chết thế cho lính Mỹ.
Tất cả các rạp hát bóng, rạp hát cải lương, đình hát bội hoặc Hồ Quảng đều bị nhà nước tịch thu, đổi lại thành các rạp hát, nhà hát do nhà nước quản lý. Nhiều đoàn văn công thành lập trước hoặc sau 30 tháng 04 được nhà cầm quyền mới giao cho toàn quyền sử dụng nhiều rạp hát làm nơi cho cán bộ văn công ở, hoặc làm nơi tập tuồng và cho các đoàn hát khác mướn để thu lợi.
Rạp hát Lao Động B biến thành casino để nhóm Năm Cam mở sòng bài; rạp Quốc Thanh biến thànhrestaurant; rạp Kinh Thành, Cây Gõ, Phú Nhuận, Cao Đồng Hưng biến thành chỗ bán sách và tạp hóa; rạp Nguyễn Văn Hảo biến thành Nhà hát kịch; các rạp Long Vân, Thành Xương, Aristo bị phá để xây dựng thành cơ sở Thanh Niên. Chỉ còn một rạp duy nhất là Hưng Đạo để hát cải lương. Trong tương lai họ sẽ phá rạp Hưng Đạo, xây cất rạp mới, như vậy có nghĩa là rạp dành cho cải lương là dẹp luôn trong vài năm nữa...
Các nghệ sĩ cải lương ra định cư ở nước ngoài sau 1975
Giống như hang ổ bị phá, lạc đàn tan nghé, các nghệ sĩ đi tìm một cuộc sống tự do và an lành cho bản thân và gia đình sau năm 1975 có:
- Ở Hoa Kỳ: Thành Được, Văn Chung, Phượng Liên, Chí Tâm, Thanh Huyền, Linh Tuấn, Thu Hồng, Minh Hùng, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Ngọc Bích, Bình Trang, Ngọc Đan Thanh, Hương Huyền, Phương Hồng Chi, Hương Sắc, nhạc sĩ Minh Phụng, Kiều Mỹ Loan, Hoài Trúc Linh, Kim Xuyên Lan, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tuấn Châu, An Dạ Lý, Yên Lang, Bảo Chiêu, Hương Lan, Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Mỹ Châu, Đức Minh, nhạc sĩ Văn Hoàng, nhạc sĩ Bích Thuận, nhạc sĩ Kim Nguyên, nhạc sĩ Ba Tu, Bích Sơn, Bạch Liên, Huyền Trân,...
- Ở Pháp: Hữu Phước, Bích Thuận, Hoàng Long, Hùng Tiến, Thanh Lịch, Minh Tâm, Tài Lương, Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Thanh Bạch, Bạch Lê, Trung Ảnh, Lý Kim Thanh, nhạc sĩ Minh Thanh, nhạc sĩ Ngọc Hạnh...
- Ở Canada: Nguyễn Phương, Thùy Dương, Linh Huệ, nhạc sĩ Kiên, nhạc sĩ Nguyễn Đức...
- Ở Úc: Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Bạch Lựu, Điền Thanh, Mộng Tuyền,...
Tính sổ cải lương sau 35 năm đổi đời bi thảm, bỗng thấy chóng mặt, vì thấy Cải Lương bị dẹp sạch sành sanh! Bèn chợt nhớ là theo quan niệm của Quốc Gia, Nghệ thuật hát cải lương là một nghệ thuật của dân tộc, thể hiện những mảnh đời thật, vừa là nghệ thuật sân khấu góp phần giải trí cho dân chúng vừa là dấu tích chứng nhân sự phát triển văn học nghệ thuật của các thời kỳ trong lịch sử phát triển của dân tộc. Do đó, dân làm thì dân được hưởng lợi nhuận vật chất và tinh thần. Từ đó mà có một thời vàng son của nghệ thuật hát cải lương, một cuộc sống vàng son cho giới chủ rạp, bầu gánh, nghệ sĩ và soạn giả.
Sau 1975, nghệ thuật sân khấu (kịch, cải lương, hát bội, tuồng, chèo, ca nhạc tài tử, tân nhạc...) đều là phương tiện tuyên truyền của Đảng nên cái nào có lợi cho đảng thì được duy trì, sử dụng, cái nào không có lợi cho Đảng thì bị dẹp bỏ. Quyền lợi vật chất và tinh thần của Đảng đặt trên cả quyền lợi của tổ quốc và dân chúng. Do đó, cải lương chết là điều thấy rõ cái nguyên nhân đã kể trên.
Chỉ có điều đáng nói là cải lương bị bức tử từ năm 1950, đến năm 2010 mới chịu chết ngất ngư.
Ngồi tính sổ cải lương trước khi dẹp tiệm.
Nguyễn Phương,
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.