Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Địa Phương Tính


Trang Y Hạ


    Tôi vốn sinh ra ở Quảng Nam, làng Sơn Xuân. Lũy tre gai với những đọt tre vút cao ngã nghiên trong gió chiều, đường làng hẹp chạy quanh co vắng lặng. Vào buổi sáng mọi người vác cuốc, cày, bừa mang theo cả cơm nước dẫn trâu bò ra đồng làm đến tối mịt mới về. Cuộc sống bình thường trôi qua từ năm này sang năm khác. Tình nghĩa gia tộc, hàng xóm đậm đà thân thiện luôn giúp đỡ nhau những lúc tối lửa tắt đèn!
     Trong làng tôi có nhiều nhà Họ Tộc. Tôi họ Trần - nhà thờ tự họ tộc của tôi hàng năm vào khoảng hai mươi lăm tháng chạp âm lịch, mỗi nhà một người đem theo cuốc, xẻng dồn về nhà Thờ Tự Họ Tộc, để nghe ông Tộc Trưởng hướng dẫn đi tảo mộ và thông báo chương trình giỗ ông bà cuối năm. Trong ngày giỗ cúng bái rất linh thiêng; trên bàn thờ khói hương nghi ngút, những người nhiều tuổi hoặc vai vế lớn mặc áo dài khăn đóng trịnh trọng. Họ ngồi hút thuốc, uống trà nói chuyện huyên thuyên…Thỉnh thoảng cũng có cãi nhau về vấn đề gì đó…Ngoài sân, đám con nít như tôi cũng mặc quần áo đẹp - Ít nhứt một năm cũng được mặc một lần, cho nên cứ ngắm nghía nhau hoài và thích lắm! Thích hơn nữa là: Thèm ăn! Nhóm phụ nữ trung niên lo việc nấu nướng; mấy bà lớn tuổi chỉ huy; đám thanh niên lo gánh nước, dọn dẹp…
     Những âm thanh ở nhà bếp rộn rã như một giàn hợp xướng… Mùi chiên xào bay ra ngào ngạt làm cho đám con nít chúng tôi mắt lúc nào cũng ngó xuống khu nhà bếp hoặc nhìn chăm bẳm vào những dãy bàn để thức ăn mà nuốt nước bọt thèm thuồng! Có vài đứa vì quá “tò mò” lân la lại ngắm nghía, thì tức thì có người xua ra ngay.
     Khi những vị trong Ban Họ Tộc cúng bái xong. Đám con nít và phụ nữ không có nhiệm vụ gì thì được ăn uống no nê trước, và có thể ra về với một phần bánh trái. Những vị chức sắc và số đàn ông, đàn bà còn lại ăn uống sau, khi ra về cũng có một phần quà nhưng nhiều hơn.
     Trong bữa giỗ, không phải ai muốn ngồi đâu thì ngồi, tất cả đều được ông Tộc Trưởng sắp xếp theo thứ bậc từ cao xuống thấp. Ai quên “địa vị” của mình ngồi sai chỗ thì bị nhắc nhở…Thứ bậc mỗi năm có thay đổi – thí dụ như: Người tuy nhỏ tuổi, nhưng học hành đỗ đạc cao; có địa vị trong xã hội; hay sống lâu lên lão làng. Do đó, ai muốn lên bậc để ngồi “mâm trên!” thì chỉ có cách đó mà thôi!
     Khi xong tiệc, những người “mâm trên” còn ở lại nghị sự chương trình giỗ quảy cho năm sau. Báo cáo thu chi – giải quyết những bất đồng về hương hỏa. Cha tôi cũng thuộc “mâm trên” cho nên thường khuyên tôi rằng, sau này đừng tranh giành ngồi trên hay ngồi dưới làm chi, rốt cuộc cũng chỉ là miếng ăn mà thôi…
     Không biết có phải vì “mâm trên” hay không? Mà ông nội tôi thi “Tú Tài Chữ Nho” ba lần liên tiếp không đỗ ôm hận mà chết sớm - mới bốn mươi tuổi! Khi gần cuối đời cha tôi cho biết: Thời ông nội rất khổ tâm, mỗi lần thi rớt. Cũng vì cái Địa Phương Tính mà ra. Trong các tộc họ đều gom tiền của nuôi vài người được chọn học đến đỗ đạt; ngoài ra còn ra làm quan cạnh tranh với những làng khác nữa. Nếu có công trạng lớn khi chết được phong Thành Hoàng rạng rỡ cho giòng tộc!  Do đó giòng tộc của mình cũng làm như vậy, cái tục nầy truyền lại từ ngàn năm nay, đã thấm vào trong máu rồi. Khi ông nội tôi thi rớt liên tiếp rồi chết, tuy không ai đòi lại tiền, nhưng cha tôi cũng cảm thấy xấu hổ mặc dầu cha tôi giỏi chữ nho đồng thời giỏi cả chữ quốc ngữ.
      Tuy ở chung trong một làng nhưng Tộc Họ nầy luôn nghi kỵ Tộc Họ kia, có làm sui gia chăng nữa cũng bắt bẽ nhau đủ chuyện lễ nghĩa gây khó khăn những cặp vợ chồng trẻ. Trai gái làng nào cưới nhau làng nấy, trai làng khác qua ghẹo gái làng khác là bị ăn đòn thê thảm chứ chẳng chơi. Tất cả chẳng qua cũng chì là ganh tỵ! Tính ganh tỵ trong làng xóm rất cao; thấy người khác có cái gì thì cũng quyết tâm sắm cho bằng được. Hai gia đình hàng xóm hằng ngày không ưa nhau, nhưng khi một trong hai gia đình có người lạ uy hiếp, tức thì họ gác bỏ thù riêng, chung lưng đấu cật chống lại kẻ thù.
     Dân ở địa phương nào biết địa phương đó, và có “lệ làng”. Chính cái “Lệ” như sợi dây hữu hình mà cũng vô hình ràng buộc người nông dân trong thời phong kiến lẫn quẩn trong cái lũy tre. Hữu hình bởi  “Hương Ước” do những người trí thức lão làng tùy theo tập tính thổ nhưỡng tín ngưỡng mà lập ra. Nó hoàn toàn hợp lý, đến nỗi triều đình vua chúa phong kiến thời đó cay đắng chấp nhận cái “lệ” mà không biết làm gì khác hơn. Hợp lý hơn nữa là cái “Đình” - đình làng là nơi thờ Thần Hoàng; những người có công lớn với dân tộc, quê hương trong việc chống ngoại xâm hay mở mang bờ cõi. Đình cũng là nơi hội họp, dạy học; nơi thường tổ chức các lễ hội hằng năm. Cuối cùng là nơi để xử những người vi phạm cái “lệ làng” chiếu theo những điều ghi trong Hương Ước. Vô hình là những cái không thể ghi vào trong hương ước được, có thể “ngầm” hiểu - mà ai cũng không thể làm sai; thậm chí không dám bỏ qua – như chuyện giỗ của giòng họ tôi cũng như giòng họ khác, cho đến ngày nay vẫn còn giữ…
     Tôi không phải là người nghiên cứu về “Dân Tộc Học”. Tôi chỉ là người may mắn được mời làm một thành viên soạn Hương Ước cho một vài Xã mà tôi công tác trước năm 1975 mà thôi. Chính trong dịp nầy tôi mới nhận ra tính địa phương trong làng xã Việt Nam vẫn tồn tại lâu dài dù chúng ta có đô thị hóa đi chăng nữa. Tôi học hỏi những vị lão làng trong cách suy nghĩ của họ. Nghĩ sâu xa hơn – Hương Ước không có nghĩa là chia rẽ hay phân hóa cục bộ mà là nối kết hòa quyện lại với nhau thành một cộng đồng sống chung rất hài hòa đầy tính nhân bản – coi như người dân trong làng được “tự quản” một mớ dân chủ! Không nhất thiết “Triều Đình” phải can thiệp quá sâu...! Người trong làng mỗi khi đi làm ăn xa bước ra khỏi cái cổng làng quay đầu nhìn lại đã cảm thấy mình quá cô đơn; cảm thấy đau thắt lòng trong những ngày lang bạc kỳ hồ nơi xứ lạ…! Rồi, ngày chuẩn bị trở về. Ôi! Sao mà nôn nao ghê vậy? Ngủ không yên, cứ trông cho tới ngày nhìn cái cổng làng; nhìn lại những người thân, thậm chí bước qua cổng làng gặp bất kỳ ai là nước mắt đã muốn trào ra…! Phải chăng tình yêu nước – yêu quê hương xuất phát từ chỗ nầy...
      “Địa Phương Tính” thời ông nội của tôi đã qua rồi, không còn người trong làng góp tiền bạc để học “thi đua tiến sỹ nữa! (Thời nay làng nào cũng nhiều người đỗ đạt; nhiều ông Tiến Sỹ – nhiều đến nỗi không đủ nhà chứa bia “Tiến Sỹ”!). Tính địa phương thời ông nội tôi bao bọc chung quanh lũy tre và giòng tộc nhưng không bao giờ hẹp hòi, ích kỷ, người học giỏi - đủ “công lực” bức phá ra khỏi lũy tre ấy, họ lại đi làm quan, làm tướng khắp nẻo đường đất nước – để rồi họ lại vinh quy về làng. Từ thế hệ nầy sang thế hệ khác nối tiếp truyền thống đó.
     Tiếng súng xâm lăng Việt Nam của quân Pháp nổ ra từ 1858 ở cảng  Đà nẵng. Ông Nguyễn Tri Phương “vứt bỏ bông băng, nhịn ăn mà chết”! Nam kỳ lục tỉnh (Biên Hòa - Gia Định - Định Tường - Vĩnh Long - An Giang - Hà Tiên) cũng mất “Những tưởng một lời an bốn cõi. Nào hay ba Tỉnh lại chầu ba” Ông Phan Thanh Giản cay đắng nói lên nỗi lòng của mình bằng hai câu thơ sau khi đi sứ từ Pháp về! Chén thuốc độc oan khiên kết thúc một vị Tiến sỹ đầy lòng yêu nước - một vị Tiến Sỹ đầu tiên của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh! ( tìm đọc “Phan Thanh Giản – Nỗi Đau Trăm Năm” của  HOÀNG LẠI GIANG). Tiếp đến, quân Pháp tiến đánh ra Bắc, mất thành, ông Hoàng Dịu tuẫn tiết - Nước mất hoàn toàn!
     Người Pháp qua bọn tay sai chỉ vẽ, đã khai thác triệt để “Địa Phương Tính” nâng lên nhiều tầng nất gây chia rẽ để trị: Từ văn hóa, ẩm thực, giọng nói, cách ăn mặc, đi đứng , canh tác đất đai, tín ngưỡng, cũng như bổ nhiệm quan lại. Làm cho người Việt chúng ta không còn tính Đồng Bào ruột thịt, quay lại bán bổ nhau!
    Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam, một số ít đã lợi dụng “Thói địa phương tính” mà gây ra hậu quả tang thương 30 tháng 4 năm 1975. Xung đột tín ngưỡng; xung đột vùng miền; xung đột quyền lợi đảng phái, cá nhân triền miên dẫn đến thảm họa! Không chịu đi trên đôi chân của chính mình, chỉ thích dựa dẫm người khác (sẽ nói ở bài sau)
    Địa phương tính - Làng, Xã tự thân không phải gây ra chia rẽ thù hận, mà như một mành lưới che chở cho tổ ấm gia đình thêm an vui vững chắc; gia đình lành mạnh là nhân tố quan trọng góp phần tích cực cho xã hội, cho guồng máy quốc gia. Đạo Thiên Chúa xem gia đình là nền móng của đạo đức, chính ở nơi đó hạt giống bác ái mới được hình thành, nẩy nở; lời Chúa sẽ được thấm nhuần qua hình ảnh gia đình của Chúa! Thời Đệ Nhất Cộng Hòa – địa phương tính được nhân lên qua chương trình “Dinh Điền và Ấp Chiến Lược – Tự Cung, Tự Quản” và thành công, theo những tài liệu sau nầy cho thấy Chính Quyền Miền Bắc cũng đã công nhận sự thành công đó – chính chương trình nầy đã cô lập họ!
     Những chính trị gia không có tấm lòng hoặc vì nhóm quyền lợi riêng rẽ đã lợi dụng cái địa phương tính làm cứu cánh chia rẽ dân tộc. Dùng những từ ngữ “Thằng nầy, con kia hoặc ngụy nầy, ngụy nọ”, trong khi chính bản thân những đối tượng bị cho là ngụy”! Một thời họ cũng có tính chính danh của họ và được số đông quốc gia công nhận.
     Đa phần người Việt sống về nông nghiệp, văn hóa làng xóm hình thành từ mấy ngàn năm nay, sống dựa vào nhau chống chỏi lại thiên tai bão lụt; ma thiêng nước độc thuồng luồng để tồn tại. Địa phương tính như một thực tại hiển nhiên không thể chối cãi. Chính nơi đó đã hun đúc những người anh hùng chống ngoại xâm phương bắc mà lịch sử đã chứng minh qua các triều đại “Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn”. Trong đền thờ Vua Đinh ở (Ninh Bình) còn ghi  câu “BẮC MÔN TỎA THƯỢC”, như vậy đủ rõ cho chúng ta thấy kinh nghiệm quý báu chống ngoại xâm của cha ông ta ngày xưa. Khi đất nước lâm nguy toàn dân chỉ là một khối, không còn địa phương tính. Phải chăng “Hội Nghị Diên Hồng “ là một bằng chứng?
    Vậy, ai lợi dụng hay làm mai một đi văn hóa làng xã đã hình thành trong địa phương tính từ bao đời nay để thay vào đó bằng một chủ thuyết khác sẽ dẫn đến nguy cơ mất nước. Từ tập quán của một giòng họ nơi quê tôi, qua bao thăng trầm. Nay tuần tự bỏ bớt những cái không hợp lý để theo kịp thời đại và tồn tại mà vẫn giữ được cái tinh túy; truyền thống văn hóa của tổ tiên – không ai muốn giãy chết 

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.