Trúc Giang MN
1* Mở bài
Có một dạo, báo chí Sài Gòn liên tục loan tin về những vụ cướp của, hiếp dâm một cách táo bạo của một tên cướp trẻ, hắn để lại tên là Điền Khắc Kim.
Điền Khắc Kim làm xôn xao dư luận, được gán cho cái tên là tướng cướp “lãng mạn”.
Nói về ăn cướp, thì từ xưa tới nay, xã hội nào cũng có quân ăn cướp cả. Sơn tặc, hải tặc, đạo tặc, không tặc, lâm tặc, địa tặc và thời gian gần đây lại có tin tặc (hacker) và đinh tặc.
Sơn tặc, hải tặc có phạm vi hoạt động ở một vùng núi, một vùng biển như Vịnh Thái Lan, bờ biển Somalia.
Nhưng địa tặc thì có “địa bàn” ăn cướp trên toàn cõi Việt Nam. Đó là cán bộ Việt Cộng cướp đất của nông dân, tạo ra một tầng lớp “dân oan” trên cả nước.
“Đinh tặc” tuy không trực tiếp cướp tài sản của những người đi xe gắn máy trên xa lộ, nhưng đó là kết quả của một nền giáo dục và văn hoá của chế độ ưu việt CSVN.
Những tên cướp nổi tiếng như: Từ Hải của Tàu, Jesse James, John H. Dillinger của Mỹ hay tên cướp nghĩa hiệp như Robin Hood của Anh quốc…
Còn ở Việt Nam thì có Sơn Vương, Điền Khắc Kim, Bạch Hải Đường (VN), và trong giới giang hồ thì có Đại Cathay, Năm Cam…
2* Tên cướp “lãng mạn” Điền Khắc Kim
Năm 1969, báo chí tường thuật, một tên cướp đột nhập vào nhà của một ngoại kiều ở Cư Xá Đô Thành, Sài Gòn. Bắt trói một phụ nữ, hắn lục lọi khắp nơi, lấy tiền mặt, vàng bạc và nữ trang. Sau đó, hắn tiến đến nạn nhân, thể hiện ý đồ hãm hiếp. Khi thấy người phụ nữ nước mắt đầm đìa, kinh hoàng đến nổi không nói ra lời, bổng nhiên, hắn dừng lại rồi thản nhiên bước ra cửa chính.
Có lẻ cảm kích về hành động “buông tha” của tên cướp, nạn nhân buộc miệng hỏi, “anh tên gì?” Điều ngạc nhiên là tên cướp bình thản trả lời: “Tôi chỉ chọn những bà đầm vợ Mỹ, còn người Việt thì…”. Sau đó, hắn đáp gọn lỏn: “Điền Khắc Kim”.
Báo chí tường thuật vụ cướp có phần “lãng mạn” nầy, và dự đoán, có lẻ tên cướp có ý trả thù ngoại bang, và để lại cái tên Điền Khắc Kim.
Chính Điền Khắc Kim (ĐKK) là thủ phạm của nhiều vụ cướp của, cướp tình trước đây.
Sau khi cướp của, hắn thản nhiên hãm hiếp nạn nhân, rồi mở tủ lạnh lấy nước ra uống, lấy trái cây ra ăn trước khi rút lui bằng cửa chính.
Các nạn nhân mô tả hình dáng là một thanh niên nhỏ con, cao khoảng 1.6m, ăn mặc bảnh bao, tóc dài, ở tuổi khoảng 25, 27.
Hành tung bất định, vì hắn cô độc, độc lai độc vảng, không có đồng đảng, đồng bọn, cho nên cơ quan an ninh nhức đầu trong việc truy tìm hắn.
2.1. Vì sao Điền Khắc Kim hãm hiếp nạn nhân vợ ngoại kiều?
Việc “cướp tình” sau khi cướp của là một hành động để trả thù cho mối tình đầu, là “người yêu đơn phương trong mộng”.
Mối tình đơn phương với cô hàng xóm lớn hơn hắn 5,7 tuổi gì đó. Cô gái tên gì hắn cũng không biết, vì ở cái xóm nghèo khu Chuồng Bò, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, người ta kêu con cái bằng những cái tên “bé ba, bé tư...
Cô gái nhà nghèo đi bán ba và bán dâm cho lính Mỹ. Khi hay tin người yêu trong mộng của hắn, vì tiếp khách “quá tải”, chịu không nổi 4, 5 con người khổng lồ vạm vỡ, nên đã kiệt sức chết vì “tai nạn nghề nghiệp”. Từ đó, ĐKK căm giận và quyết trả thù lại các bà vợ ngoại kiều, lính Mỹ.
2.3. Điền Khắc Kim là ai?
Trong hồ sơ cảnh sát thì ghi hắn tên Điềm Khắc Kim, chớ không phải Điền Khắc Kim, nhưng báo chí đã quen với cái tên Điền Khắc Kim, hơn nữa, đó cũng ví như một biệt hiệu mà thôi.
ĐKK tên thật là Kha Lon Theo, sinh năm 1947, cư ngụ tại khu Chuồng Bò, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Là anh của một gia đình 12 đứa con. Cha là người Campuchia tên Kha Lon Riêm. Mẹ Việt tên Lê Thị Đeo.
Kha Lon Theo là đứa con ngỗ nghịch, kết bè đảng với bọn trẻ lưu manh, trộm cướp, nên bị cha từ bỏ, xoá tên trong tờ khai gia đình.
Kha Lon Theo bỏ nhà đi bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ, sống bằng “nghề” chôm chỉa, thậm chí còn dắt gái cho khách mua hoa ở Ngã Ba Chú Ía lúc 12 tuổi. 13 tuổi, bị đưa vào trại Giáo Hóa Thủ Đức về tội trộm cắp.
Kha Lon Theo bị gia đình và xã hội ruồng bỏ, nên cố làm ra vẻ quý phái, ăn mặc bảnh bao, lấy cái tên quý tộc là Điền Khắc Kim.
Vào tù ra khám nhiều lần về những tội ăn cắp, ăn trộm vặt, ĐKK muốn trở thành giàu có và nổi danh là một tướng cướp.
Hắn quyết tâm tầm sư học đạo. Sư phụ là Sơn Đầu Bự ở Khánh Hội, tay trộm khét tiếng một thời., ông đã truyền nghề và những kinh nghiệm đào tường, khóet vách cho đệ tử ĐKK.
2.4. Vụ cướp táo bạo
Báo Trắng Đen tường thuật.
Đêm 12-10-1971. Đường Công Lý vắng tanh. Một bóng đen lầm lũi tiến đến gần gốc cây cổ thụ bên hông toà biệt thự. Nhanh như con sóc, bóng đen đu mình trên hàng rào và biến nhanh vào bên trong căn nhà, đến tận phòng ngủ. Chủ nhà là bà Frederic J. Ca., Phó Giám đốc Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế.
Bà Mỹ nói rành tiếng Việt. Tuy hoảng hốt trước họng súng, nhưng bà còn bình tĩnh hỏi: “Anh là ai? Tại sao dám vào nhà tôi trong đêm khuya như thế nầy?
Tên cướp trả lời: “Tiền, vàng cất dấu ở đâu, lấy ra ngay, nói nhiều tao bắn nát óc!”. Bà Phó Giám đốc vẫn bình tĩnh: “Anh biết tôi là ai không, anh làm như thế không tốt đâu!”.
Tên cướp lao tới, tát cho bà một cú như trời giáng. Hắn lấy dây nylon mang theo, trói chặt tay nạn nhân. Hắn lục lọi, lấy một số tiền mặt, nữ trang, hột xoàn trị giá hàng triệu đồng.
Trên đường tẩu thoát, hắn bắt cóc con tin, đưa vào khách sạn, giở trò tồi bại đến tận hôm sau mới cho về nhà. (Báo Trắng Đen tháng 10 năm 1971)
2.5. Bị bắn hạ trong cuộc đấu súng nhưng lại thoát thân
Cuộc truy lùng tiến hành, thiên la địa võng giăng ra. Tin tức cho biết, hắn đang tá túc tại nhà vợ tại hẻm 122 đường Tôn Đản, Khánh Hội.
Vòng vây siết chặt. Sau cuộc đấu súng, ĐKK nhảy xuống rạch, lội qua Bến Vân Đồng tẩu thoát với vết thương khá nặng nơi bụng.
Bị mất máu nhiều, ĐKK âm thầm vào bịnh viện Sài Gòn, đường Lê Lợi xin điều trị, với cái tên là Lê Văn Minh. ĐKK bị phát hiện và bị bắt ngay tại giường bịnh.
Nhân viên an ninh được tăng cường, canh gác vòng ngoài, vòng trong 24/24.
Nhìn dáng yếu ớt, xanh xao, tay bị còng của y, không ai ngờ rằng hắn có thể thoát ra được. Vậy mà, đêm 25 rạng 26-10-1971, ĐKK đã thoát ra khỏi bịnh viện với chiếc còng trong tay.
Hai tháng sau, khoảng 10 giờ tối ngày 26-12-1971, ĐKK lại đột nhập vào nhà một Mỹ kiều ở đường Ngô Tùng Châu. Vẫn bài bản cũ, lấy tiền và nữ trang, rồi hãm hiếp gia chủ.
Lần nầy ĐKK bị phát hiện, vì sự theo dõi chặt chẽ từ nhà vợ ở Khánh Hội. ĐKK bị bắn hạ bởi một vết đạn trên đầu. Tội phạm được nhanh chóng đưa vào bịnh viện cứu chữa.
Trong người y, cảnh sát tịch thu 3 súng lục, 8 gấp đạn và 4 quả lựu đạn.
Chính vết thương trên bụng chứng tỏ hắn là thủ phạm vụ cướp và hãm hiếp bà Phó Giám đốc Hội Cha Mẹ Nuôi QT.
2.6. Đào thoát khỏi Lò Bát Quái
Bị vết thương trên đầu, ĐKK được đưa vào bịnh xá khám Chí Hoà cứu chữa. Khám Chí Hòa còn được gọi là Lò Bát Quái, vì nó hình bát giác, có 8 cạnh đều nhau, đặc biệt là được giới giang hồ, tù nhân cho rằng cái huyền bí của nó là Bát Quái Trận Đồ vô cùng lợi hại.
Khoảng 4 tháng sau, vết thương ở đầu đã lành, nhưng vết thương ở bụng vẫn còn hành hạ, vì ruột bị đứt 3 khúc, được nối lại bằng ống cao su.
Người của ĐKK gầy còm, xanh xao, yếu đuối. Đáng lẻ phải bị đưa tới phòng biệt giam, nhưng cho ở lại khu nhà bếp làm công việc nhẹ. Khu nhà bếp gồm những tù nhân sắp mãn hạn, chờ ngày ra khám, cho nên mọi sinh hoạt có phần tự do hơn.
Điền Khắc Kim lập kế hoạch vượt ngục. Với cái tên ĐKK, nên được các tù nhân nể nang.
Theo kế hoạch, đêm 23-4-1972, hơn 200 tù nhân thuộc khu ẩm thực được xem chiếu phim định kỳ. Họ nổi loạn theo kế hoạch. Tiếng la hét, xô đẩy, đập phá, tiếng còi báo động và cả tiếng súng nổ đã gây náo loạn cả một khu vực.
Thừa cơ hội, ĐKK lẽn ra sân, chui dưới gầm xe Jeep của Trung tá Giám đốc và bám vào khung xe, ra khỏi nhà giam một cách an toàn. Cuộc bạo loạn bị dẹp tắt, nhưng mất ĐKK.
Thiên la địa võng của màng lưới an ninh bủa giăng khắp nơi, từ những nơi mà ĐKK có thể lui tới, như nhà vợ ở Khánh Hội, khu Chuồng Bò Gò Vấp, công viên Gia Định…đã lần ra đầu mối, và ĐKK bị còng tay sau một trận đấu súng nghẹt thở.
Điền Khắc Kim thú nhận tội lỗi, bị kết án 20 năm tù, đày đi Côn Đảo về những tội: cướp có vũ khí, uy hiếp lấy tiền, hiếp dâm gia chủ, xâm phạm tiết hạnh…Bị đày Côn Đảo tháng 3 năm 1973.
Sau năm 1975, ĐKK bị đưa về trại tù Tống Lê Chân, rồi trại đồn điền cao su Dầu Tiếng. ĐKK lại trốn trại. Hồ sơ công an cho biết, ĐKK đã gây ra 6 vụ cướp sau đó.
Ngày 25-9-1985, trong vụ cướp tại cầu chữ Y, vì suúng bị kẹt đạn, nên ĐKK bị bắt đưa vào Chí Hoà và chết ở đó ngày 27-11-1986, bỏ lại 2 vợ và 7 con.
Tù nhân kể rằng, Lò Bát Quái, cho dù có ra được, thì cuối cùng cũng phải trở vào, vì không thể thoát ra cửa Tử.
2.7. Lò Bát Quái
Thiết kế và xây dựng khám Chí Hoà do một kiến trúc sư Nhật Bản, khởi công năm 1943, nhưng bị đình chỉ trong thời gian Nhật đảo chánh Tây. Tiếp tục xây vào 1950. Toàn bộ vật liệu được chở từ Pháp qua.
Trên tầng trệt có 3 tầng lầu. Tầng trệt là nơi làm việc của giám thị và các văn phòng hành chánh. Cũng có 2 khu dành cho nữ tù ở tầng trệt. Lầu một giam tù chính trị. Lầu 2 và 3 giam thường phạm. Sức chứa 8,000 nhưng cũng có lúc cũng tới 10,000 tù nhân.
Khu kiến trúc hình bát giác, 8 cạnh đều nhau. Chính giữa có một tháp cao 20m, trên đó có bồn nước và trạm gác, lính canh có thể quan sát toàn bộ khu nhà giam.
Truyền thuyết cho rằng một trận đồ Bát Quái rất lợi hại, cho dù những tù nhân có những thủ đoạn, quỷ quyệt cũng bị phá giải trong âm mưu vượt ngục.
Cho rằng:
Bát Quái lấy theo phương vị trong kinh Dịch là: Càn (trời), Khảm (nước), Cấn (núi), Chấn (sấm), Tốn (gió), Ly (lửa), Khôn (đất), Đoài (đầm)
Bát Quái vận hành theo Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ, trên nguyên tắc tương sinh, tương khắc, khống chế nhau để tồn tại và phát triển.
Bát Quái đồ của Khổng Minh là một trận địa phục kích, được dàn binh, bố trận ở 8 phương vị, ở mỗi nơi do một “binh chủng” trấn giữ, như đạo quân bắn tên, đạo quân xử dụng hỏa công, kỵ binh, “đặc công”…Có 8 cửa. Khi vào mê trận, thì chỉ có một cửa ra là cửa Tử, còn lại là bại tướng và tàn binh.
Bát Quái trận cũng có thể xem như trận đồ trên Đào Hoa đảo của Đông Tà Hoàng Dược Sư, đã giam cầm Lão Ngoan Đồng cả chục năm trên đó.
Cũng có lời đồn đãi, Bát Quái trận đồ đã trấn ếm những linh hồn người chết, không cho siêu thoát, nên âm khí và oán khí nặng nề. Vong hồn những người tự tử, bịnh chết, bị xử bắn trong Chí Hoà như Nguyễn Văn Trỗi thì muôn đời không siêu thoát.
Dị nghị càng gây xôn xao, là năm nào Chí Hoà cũng bị sét đánh cả, nặng nhất là những năm 1956, 1964, 1965. Cũng có người nêu giả thuyết là ở dưới khám Chí Hoà có một hầm mỏ.
Rồi thì có nhiều chuyện ma được nói tới, có lần báo chí đăng một loạt bài về sự tích và những vụ chọc phá của con Ma Vú Dài trong Chí Hoà.
2.8. Cuộc vượt ngục thành công duy nhất trong lịch sử khám Chí Hoà
Đó là vào năm 1995, tử tội Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1971 ở Bình Dương. Thành có biệt danh là “Phước 8 ngón” (mất 2 ngón tay), đã cưa còng, khoét vách tường nhà vệ sinh, dùng vải quần áo làm sợi dây tuột xuống… dây đứt, té bất tĩnh. Sau đó, đến sân nhà tù, may mắn lấy được bộ quần áo công an đang phơi và chiếc xe đạp. Giả công an, Phước 8 ngón dẫn xe đạp công khai ra khỏi Chí Hoà đêm 26-3-1995.
3* Nhà văn trở thành tướng cướp Sơn Vương
Vào những năm 1931-1933, hàng chục vụ cướp làm chấn động Sài Gòn, mà đối tượng bị cướp là những phú hộ, những địa chủ gian ác vùng Biên Hòa, Sàigon, Tân An.
Đồng thời, xuất hiện những cuốn tiểu thuyết với cốt chuyện ly kỳ, văn chương trau chuốt: một tay hảo hớn thấy chuyện bất bình ra tay nghĩa hiệp. Để có tiền làm việc “cứu dân độ thế”, y nghĩ ra cách “làm tiền” bằng đánh cướp các chủ đồn điền cao su, cai tổng, Huyện hàm. Cách đánh cũng mới: xe hơi, súng lục, tạc đạn... truyện hấp dẫn như coi chiếu bóng...
Nhà văn và tướng cướp là một, anh ta đi ăn cướp để lấy cảm xúc thật sự viết tiểu thuyết. Đó là Sơn Vương.
3.1. Cuộc đời của Sơn Vương
Sơn Vương tên là Trương Văn Thoại, sinh năm 1908 tại làng Bình Nghị, huyện Tân Hòa, tỉnh Gò Công, nay là Tiền Giang. Là con thứ năm của ông Trương Đình Cung Anh, một địa chủ có học, lại thêm nghề bốc thuốc chữa bịnh, và là người có lòng hào hiệp, thường giúp đở người nghèo khó.
Sau khi học hết chương trình Cours Supérieur, (lớp nhất tiểu học), Trương Văn Thoại chuyển sang học võ nghệ và chữ Hán.
Năm 1925, ông bỏ làng đi theo một lão sư, mai danh ẩn tích để học võ và học đạo trên núi Thị Vải, vùng Long Hải, Bà Rịa.
Sơn Vương có vợ tên là Ngọc Dung, có 2 con, họ đã mòn mõi chờ đợi chồng và cha mãn hạn tù, những không gặp được, vì đã chết trước khi ông về.
3.2. Nhà báo, nhà văn
Năm 1931, sau khi sư phụ qua đời, Trương Văn Thoại về Sàigon. Ông đến văn phòng tờ báo "Đông Pháp Thời Báo" xin làm bất cứ việc gì, có lương hay không cũng được, miễn là được tham gia chủ trương "Thức tĩnh đồng bào" của tờ báo. Sau đó, ông gặp Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè) và ông trở thành một cộng sự viên đắc lực của Nguyễn An Ninh và tờ La Cloche Fêlée với bút hiệu là Sơn Vương.
Các bài báo ông viết mang màu sắc bình dân, và nổi cảm thông với tầng lớp nghèo khổ.
Những năm 1932-1933, Sơn Vương nổi tiếng nhờ những tiểu thuyết đăng tãi trên báo. Đó là những tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, những tướng cướp hào hoa, nghĩa hiệp, cướp giàu giúp nghèo với những pha rượt đuổi xe hơi chạy như bay, bắn súng bằng cả hai tay…
3.3. Tướng cướp
Những tướng cướp mà ông mô tả trong tiểu thuyết phản ảnh chính bản thân của ông. Có người cho rằng ông đánh cướp, xông pha, mạo hiểm, tìm cảm giác mạnh thực sự, sống động để đưa vào những nhân vật trong tiểu thuyết.
Những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương đã gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, những địa chủ gian ác vùng Biên Hòa, Sàigon, Tân An.
Năm 1933, Sơn Vương gặp gỡ và kết nghĩa anh em với Nguyễn Phương Thảo, sau trở thành trung tướng Nguyễn Bình, tư lịnh các lực lượng quân sự của Việt Minh ở Nam Bộ.
Đầu tháng 7 năm 1933, 25 tuổi, để giúp tiền cho người em kết nghĩa là tướng Nguyễn Bình, Sơn Vương tổ chức đánh cướp tiền của René Gaillard, phó giám đốc đồn điền cao su Mimot, Cam Bốt, giáp ranh với Tây Ninh. Lấy được số tiền rất lớn trong thời đó là 50 ngàn đồng Đông Dương để giúp cho Việt Minh.
Vụ cướp trót lọt nhưng sau đó, tài xế Năm Đường phản bội nên Sơn Vương bị bắt vào ngày
16-8-1933. Bị kết án 5 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Năm Đường là bạn của Sơn Vương, làm tài xế, thừa lúc chủ đi vắng, lấy xe hơi đắt tiền giúp Sơn Vương đi đánh cướp. Vì ở Sài Gòn lúc đó chỉ có vài chục chiếc xe đắt tiền như thế, nên bị điều tra tới tấp, Năm Đường sợ quá, bèn thú tội và khai ra hết mọi việc.
3.4. Bắt đầu cuộc đời tù đày
Đến Côn đảo, Sơn Vương được những tù thường phạm nể phục vì ông có học và giỏi tiếng Pháp. Cuối năm 1933, Sơn Vương chiếm giải nhất trong cuộc thi viết chữ đẹp của tù nhân trên đảo, nên được giám thị cải huấn là Nguyễn Văn Liễn (Vệ Liễn) đưa ra cho vào làm việc tại Ty Ngân Khố đảo Côn Lôn (Côn Sơn sau nầy). Đồng thời dạy học cho con gái tên là Nguyễn Thị Lệ Hoa, 9 tuổi.
Tháng 7 năm 1936, Sơn Vương được chuyển về đất liền, tiếp tục thụ hình tại Hà Tiên. Trong tù, Sơn Vương tổ chức la ó, đập phá để phản đối một giám đốc nhà tù người Pháp, vì đã tra khảo anh bồi (phạm nhân làm bồi) đến chết vì nghi ngờ anh ăn cắp 200 đồng bạc. Vì vậy, Sơn Vương bị đày đi Phú Quốc.
Đến tháng 2 năm 1938 thì được thả vì đã mãn hạn tù 5 năm khổ sai.
3.5. Tiếp tục đánh cướp
Ra tù được 6 tháng, Sơn Vương lại tổ chức đánh 3 vụ cướp:
- Vụ ông Kiệt ở Phú Nhuận, là một chủ nợ cho vay cắt cổ, và là cộng sự viên của người Pháp.
- Vụ Lý Tư, một người trong đám giang hồ Chợ Lớn có liên hệ với vua cờ bạc Sàigon là Sáu Ngọ.
- Vụ Cọp Lửa Từ Bi, (hỗn danh của một viên đội người Pháp nổi tiếng gian ác trong phòng điều tra của bót cảnh sát Polô, Chợ Lớn.
Ngày 16-8-1938, Sơn Vương bị tống giam về tội du đảng và bị đưa đi giam giữ tại trại Camp Pursat (Cam Bốt). Trên đường đi, Sơn Vương cưa còng và trốn sang Thái Lan.
Sau đó, bị bắt khi tìm cách về Sàigon và cũng bị lòi ra ba vụ cướp trước kia.
Lần nầy, Sơn Vương bị án 10 năm tù khổ sai về 2 tội, vượt ngục và 3 vụ cướp nói trên.
3.6. Chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh
Năm 1942, Sơn Vương bị đày ra Côn đảo lần thứ hai.
Ngày 9-3-1945, Nhật Bản đổ bộ lên Côn Đảo. Quân Nhật bắt giữ giám đốc nhà tù người Pháp là Tyssery. Sau đó, Nhật làm "Lễ Trao trả Độc Lập" quần đảo Côn Lôn (Poulo Condore) cho cái gọi là "Quốc Gia Tự Do Nông Dân Huynh Đệ quần đảo Côn Lôn" (État Libre Agricole et Fraternel d'Archipel de Poulo Condore) và trao quyền chúa đảo lại cho Lê Văn Trà, nguyên là thư ký của Tyssery. Lê Văn Trà ra tờ báo Tiếng Nói Tự Do và giao cho Sơn Vương làm chủ bút.
Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Lê Văn Trà nạp con dấu nhà tù cho Việt Minh.
Ngày 11-12-1945, phái đoàn đại diện Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ cử Sơn Vương làm Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Chánh Côn Đảo. Ông tổ chức việc cai trị, giữ gìn anh ninh, trật tự, tổ chức lại sản xuất, cho cải táng hài cốt của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh chết trong nhà tù Côn đảo ngày 14-8-1943. Hài cốt Nguyễn An Ninh được bỏ vào một cái bao bàng, rồi đem chôn.
3.7. Xưng Vương
Ngay sau khi phái đoàn đại diện Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ về đất liền, Sơn Vương lại bộc lộ bản chất thảo khấu, anh hùng cá nhân, ông tuyên bố quần đảo Côn Lôn chính thức trở thành một "Quốc Gia Trung Lập Dân Chúng Quần Đảo An Ninh" (État Neutre des Insulaires de L'Archipel d'An Ninh) và xưng là Quốc Vương. (An Ninh là tên của Nguyễn An Ninh)
Sau đó, ông ta lập mưu ép buộc cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hoa, cô học trò nhỏ thuở nào, làm vợ. Đám cưới được tổ chức linh đình, mọi người được được tha hồ ăn uống và nhảy múa.
Nhiều tù nhân căm hận Sơn Vương vì ông không cho họ trở về đất liền với gia đình. Ông cần có dân trên đảo để cai trị.
3.8. Tiếp tục cuộc đời tù đày
Ngày 8-4-1946, Pháp tái chiếm Côn Đảo. Sơn Vương và toàn bộ 400 thường phạm lại bị đưa trở vào nhà giam.
Để trả thù Sơn Vương đã bắt giam những cai tù và nhũng nhiễu họ, cảnh sát trưởng Nguyễn Thành Út đã vu cáo Sơn Vương, đang giữ tấm bản đồ kho báu của vua Gia Long, khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi phải chạy ra trốn ngoài Côn Đảo vào năm 1783. Sơn Vương bị tên chúa đảo Gimbert và tên Cò Pellier tra khảo hết sức dã man để tìm tấm bản đồ tầm bão.
Năm 1947, Sơn Vương lại bị đưa về Sàigon, ra tòa với 2 tội danh là cưỡng hôn cô Lệ Hoa và chủ mưu giết ông già Quýt, người tố cáo Sơn Vương dùng quyền lực ép hôn cô Lệ Hoa và tội lãng phí công quỹ. Sơn Vương bị kết án chung thân khổ sai và bị đày trở ra Côn Đảo.
Ngày 8-8-1953, Sơn Vương giết Nguyễn Thành Út, người đã vu oan giá họa cho ông ta về vụ tấm bản đồ kho báu của vua Gia Long. Sơn Vương lại nhận thêm một bản án chung thân khổ sai nữa.
Như vậy, 2 cái án chung thân 64 năm *( Luật VNCH thời đó án tù chung thân là 30 năm), cộng với 2 bản án là 15 năm tất cả là 79 năm khổ sai.
Sơn Vương được phóng thích ngày 18-11-1968 sau khi ngồi 34 năm tù, phần lớn là ở Côn Đảo.
Khi trở lại đời thường, Sơn Vương cho đăng thiên phóng sự "Sơn Vương-Người tù thế kỷ" trên một số báo, đã gây xôn xao dư luận một thời.
8* Tác phẩm của Sơn Vương
Sáng tác của Sơn Vương khá đồ sộ, hơn 30 tác phẩm và nhiều trường thiên tiểu thuyết.
9* Vài nét về Côn Đảo và chuồng cọp
9.1. Côn đảo
Trước năm 1975, nhà tù Côn Đảo là nơi giam giữ phạm nhân có án từ 5 năm trở lên, bao gồm tội hình sự và chính trị. Về chính trị thì có chính trị quốc gia và Việt Cộng.
Côn Sơn với cơ quan hành chánh cấp tỉnh, gồm các ty, sở, tất cả chỉ phục vụ cho công tác cải huấn của chính phủ. Một trường trung tiểu học cho con em công chức và quân nhân.
Ngoài gia đình công chức và quân nhân, không có thường dân sống trên đảo.
Chỉ có một nhóm người được gọi là phó thường dân. Họ bị kết tội “lưu đày”, không có thời hạn mãn án.
Họ tự túc lương thực, được tự do đi lại trong thành phố của tỉnh, nhưng bị cấm đến những nơi có thể vượt ngục được. Họ không phải là những người nguy hiểm, nhưng không thể sống trong xã hội bình thường được, ví dụ như bị ra toà vài chục lần về tội ăn cắp vặt.
Tù thường phạm và chính trị gồm có 2 loại khi bị kết án tại tòa, ví dụ như 10 năm khổ sai hoặc 10 năm cấm cố.
Nghe 2 tiếng khổ sai, tưởng chừng như tội rất nặng, nhưng những tù cấm cố ước mong được làm khổ sai. Đó là được “xuất ngoại”, được hít thở không khí, thấy ánh nắng mặt trời, vận động tay chân. Trái lại, cấm cố thì quanh năm suốt tháng phải ở trong nhà giam.
9.2. Chuồng cọp (Tiger cages)
Chuồng cọp là những khu nhà giam, thường dành cho tù cấm cố, sự kiểm soát nghiêm nhặt hơn. Trong những khu chuồng cọp nầy, có những xà lim biệt giam dành cho những tù nhân cứng đầu, vi phạm kỷ luật.
Côn Đảo có khoảng 460 phòng giam trong những khu gọi là chuồng cọp.
Những người có hạnh kiểm tốt thì được cho ra làm việc tại các văn phòng của các ty, sở hoặc giúp việc cho các gia đình công chức, như làm vườn, chợ búa, nấu nướng, quét dọn, trồng rau cải…thường được cho tiền mỗi tháng, ăn cơm của chủ nhà, phần tiền ăn cơm tù được giữ lại, và phát ra khi mãn hạn tù.
10* Kết
Những người gây xáo trộn an ninh, trật tự xã hội, chiếm đoạt tài sản và xâm phạm tánh mạng người khác, thì thời nào, xã hội nào cũng đều bị luật pháp trừng phạt.
Điền Khắc Kim khi bị tù, khi chết, thân nhân, kể cả 2 vợ và 7 con, không ai thăm nuôi cả. Tro cốt cũng không ai nhận nên phải gởi trong chùa.
Sơn Vương bị hành hạ trong tù cho đến mang bịnh lao phổi, con người gần như trở nên dị dạng thừa chết, thiếu sống.
Những Đại Cathay, Bạch Hải Đường, Năm Cam…cũng đều có kết cuộc không tốt.
Những loại sơn tặc, hải tặc , không tặc, đều bị trừng phạt, duy chỉ có địa tặc thì vẫn còn an thân phì gia hưởng phước. Nhưng lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Nhản tiền mà. Bà con an tâm chờ xem!
Trúc Giang
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.