Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Liêm Lạc


Luân Hoán

Liêm Lạc, Làng Quê Nội

          Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, về hướng Nam, khoảng mười một cây số, tính theo đường trải nhựa, cộng với đường đất, quê nội tôi là một làng quê xinh xắn, bốn mùa ấm áp tiếng chim.
          Làng được mang tên Liêm Lạc, ý chừng muốn khoe khoang cái bản tính liêm khiết lẫn lạc quan của người dân trong làng. Những đường gió mạnh, những nguồn nước lớn, hằng năm vẫn không quên ghé thăm, nhưng con đất hiền hòa, hình như đã bao đời vẫn chưa hao hụt, sứt mẻ. Ngọn mạ xanh vẫn theo chân tháng ngày thành nhánh lúa, thành hạt gạo, thành cọng rơm, thành gốc rạ, khoan thai, thầm lặng, thật là thương.

          Này em yêu có nhớ, cái thời em ghé thăm quê nội một anh chàng dại gái, mà em lượm được giữa đường, vì vô ý va phải guidon xe solex của hắn, tạo dịp cho hắn ba hoa:

          nhớ thời lả lướt dông solex,
          đụng phải một người, yêu mấy năm !

          Thời đó, có một ngày, từ một điểm đứng trên quốc lộ một, cũng như nhiều người khác, em phải luồn ngang lòng chợ Miếu Bông, để đến một con sông nhỏ, cách chợ chẳng bao xa. Hình như đôi guốc quai xanh của em đã có người xách hộ. Và đôi tay lưỡng lự níu đôi tay, run run bước lên đò.
          Dòng sông trong vắt. Nước rỉ rả hát theo làn gió nhẹ. Mùa hạ đang vào tháng thứ hai. Những chùm rong xanh mảnh khảnh, bơi quanh đùa ghẹo vài cụm hoa súng tím. Trời xanh bát ngát. Những tấm mây trắng không bay, rủ rê bầu trời lặn sâu vào lòng sông. Cô lái đò nghiêng nghiêng nón, gật đầu cười mỉm. Cái ghe se sẻ tròng trành, thong thả rướn mình. Tôi thòng hai tay xuống nước. Lỡ dại làm trôi mùi hương của em mà chẳng thể vớt được một lọn mây nào. Tay chèo dù gượng nhẹ đến đâu, mái dầm cũng cắt nước thành sợi dài. Trời mây chợt không thấy bóng mình trong khoảnh khắc. Rồi chúng ta lên bờ. Rồi chúng ta lội bộ.

          Quê nội tôi như em đã thấy. Những lũy tre xanh, những hàng cây găng rậm lá. Tất cả chúng, đứng chỉnh tề một hàng dọc, nắm chặt tay nhau, chạy theo bờ một con đường mòn. Sát chúng là dòng thủy lợi, lưng lửng nước rúc rích chảy. Mặt đường, đất sét chai cứng, lỗ chỗ những dấu chân trâu, nhưng cũng đủ rộng lòng nuôi một ít cỏ gà lẫn lộn cùng cỏ may, cong đầu theo chiều gió. Và sát mép đường bên kia là ruộng lúa đang độ thanh xuân.

          Em bước đi không khó, nhưng cũng chẳng dễ dàng. Ngay từ lúc cho bàn chân hôn hương đất đầu làng, chắc em đã thấy sừng sững khỏi đầu những hàng tre, màu ngói nâu đen cao ngất. Rồi từ ngã rẽ trước nhà ông Hội Du, tầm nhìn của em bắt gặp hai cái cổng gạch lem luốc vàng. Và chẳng mấy chốc, em bước lên những viên gạch lót đường dẫn vào cổng sân. Hồ cau nằm giữa hai lối đi này, không mênh mông, nhưng chẳng hẹp hơn một hồ bơi tân tiến. Đàn chột dột, dễ chừng có tới trăm con, vừa gọi nhau, vừa chuyền qua những tàu cau lấp lánh nắng vàng. Chúng nhắc nhở nhau chào khách đến, mừng người đẹp thị thành, chẳng phải mê trai mà theo về, chỉ vì tò mò muốn biết cái ổ của người mình lỡ thương, đã từng ở ngót ba năm.

          Phải, tôi đã có ba năm ở đây, ở trong ngôi nhà ngói lớn nhất làng này, kể từ năm 1951. Năm tôi theo phụ thân lén lút hồi cư. Cùng về với chúng tôi còn có chị tôi, Lê Thị Kim Anh và bé Võ Thị Diệu Phương, con chị Cưu, gọi tôi bằng cậu.
         Vào thời điểm này, trên lãnh thổ hình chữ S nằm bên cạnh Thái Bình Dương, đã có hai nước Việt Nam. Một là Quốc Gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo, được thừa nhận bởi thỏa ước Elysée, ký tại điện Elysée, Paris ngày 08 tháng 3 năm 1949. Hai là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Liên Xô thừa nhận năm 1950. Cũng năm 1950, vào tháng 2, Hoa Kỳ và Anh Quốc lần lượt công nhận chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Và qua trung gian của Pháp, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ kinh tế lẫn quân sự cho Đông Dương và Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người Việt trở thành cuộc đối đầu giữa Thế giới Tự do và Cộng sản. Danh xưng Việt Minh lặng lẽ cáo chung vào ngày 19 tháng 2 năm 1951 sau khi tên Đảng Lao Động Việt Nam  ra đời. Cuộc chiến mỗi ngày một thêm sôi động với những trận đánh chính qui và dồn dập hơn. Quê nội tôi lúc bấy giờ là một gạch nối giữa hai vùng có hai lực lượng thù địch nhau này. Đã 10 tuổi đầu nhưng tôi gần như chưa biết gì về những diễn tiến quân sự trên đất nước mình. Có nghe súng nổ, nhưng chưa bao giờ mục kích được những tàn phá của chiến tranh. Và tôi đã bước vào cuộc sống mới của mình trên quê cha đất tổ một cách vô tư..

          Trước nhất tôi có thêm một người mẹ. Đó là người vợ cả của ba tôi. Tôi gọi bà bằng mẹ vì đã gọi người sinh ra mình là má. Mẹ tôi, người dong dỏng cao, khỏe mạnh, nhan sắc trung bình. Bà có quí danh là Ông Thị Thấp, sinh năm 1896, người làng Phong Lệ. Phong Lệ là quê hương của một danh tướng dưới triều Tự Đức. Phong Lệ nằm bên trong con đường sắt quốc gia, cạnh quốc lộ 1, nơi tôi có một đôi lần ghé qua, và buồn tay viết mấy đoạn:

          mon men thả bước theo đường sắt
          về thăm Phong Lệ giữa mùa xuân
          gặp con chiền chiện trên đồng vắng
          vừa hót vừa bay khéo quá chừng
     
          chân bước mặc chân, lòng ngoái trông
          cánh cò tha đất lướt qua sông
          bên kia Giáng Động đìu hiu quá
          biết có ai còn ngó viển vông ?

          Phong Lệ bây chừ buồn quá thôi
          ngoại ngồi rờ rẫm lá trầu hôi
          dưới  chân con mực thiu thiu ngủ
          chừng cả hai đang quên lửng đời
         
          tréo ngược tay treo cột gỗ lim
          nhìn kèo nhìn rượng mộng lim dim
          giữa không gian lặng như tờ ấy
          có tiếy gáy trầm Ông Ích Khiêm

          rờn rợn ngóc đầu đảo mắt quanh
          nổi da gà nhón gót đi nhanh
          nghiến răng tre nhái lời ma gọi
         làng vắng buồn phơi vàng mái tranh

          Phong Lệ ầu ơi, Phong Lệ ơi
          ngủ ngon đừng lẩy, đạp lòng tôi
          ví dầu kỷ niệm thành hơi thở
          cũng thổi không tan nỗi ngậm ngùi.

          (Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài)

          Chắc chắn mẹ tôi có bà con gần xa gì đó với cụ Ông Ích Khiêm, ông tướng uy dũng nhưng không kém tài văn học, như lịch sử đã ghi chép. Tuy là dân quê nhưng mẹ tôi không trực tiếp làm nông. Bà thay chồng cai quản một số ruộng đất, cho tá điền làm ăn chia hoa màu. Trong thời gian chúng tôi đi tản cư, bà sống cùng với hai cháu nội. Cháu gái tên Thương, cháu trai tên Thiệu. Thương trạc tuổi tôi nhưng phải gọi tôi bằng chú. Cha của chị em Thương, anh ba Huân, đã qua đời, mẹ đã bước thêm bước nữa. 

          Này em yêu có biết, đêm đầu tiên tôi ngủ trong ngôi nhà của quê nội với bao nhiêu cảm xúc buồn vui. Từ một mái tranh vách đất, không giữ nổi cái lạnh của khí đá, núi đồi. Đến cái ấm áp của một ngôi nhà ngói đồ sộ, nhiều phòng. Tôi như gối phải những giấc chiêm bao khi chợp mắt. Cái mỏi của đôi bàn chân trong chuyến đi đã biến mất. Cái thoải mái của thân thể chợt đẻ ra cái nhớ nhung người mẹ và đứa em, đang ở xa tít trên núi rừng. Và mặc dù nằm cùng hai đứa cháu và chị Kim Anh, tôi cũng cảm thấy sờ sợ một cái gì đó.

          Đêm ở quê nội thật ra không mấy yên tĩnh. Bóng tối đậy kín ngôi nhà. Đóng cửa cài chốt cẩn thận, nhưng không thể không nghe những tiếng dế, tiếng ếch nhái, tiếng tre trở mình trong gió và cách khoảng vài giờ, lại vang lên tiếng rít rờn rợn của đường đạn đại bác. Rồi một tiếng ‘bịch’ bất ngờ như đang va phải nóc nhà. Nhưng không, qua các song hở của loại cửa gỗ lá sách, tôi thấy bên ngoài trời sáng như đêm có trăng. Đó là những quả hỏa châu từ đồn Quá Giáng, bắn cầm chừng, để quan sát. .

          Qua đêm đầu tiên với làng quê Liêm Lạc, tôi được ba tôi dẫn ra mắt ông nội và một số chú cô ruột thịt. Những người đang hiện diện trên con đất chôn nhau cắt rún của mình. Trên con đất mà bia mộ tiền hiền còn đang được xây thành, đắp cao giữa mặt ruộng trước nhà. Và những người khuất mặt được tập trung, nằm lộn xộn ngó trời trong đất vườn Thơ Sĩ, một tên gọi có thật không thi vị hóa.

          Ông nội tôi là một nhà nho, đã già. Ông ở một mình trong ngôi nhà ngói cổ kính. Kiến trúc khá giống một ngôi chùa. Nhà ông tôi nhỏ hơn ngôi nhà của ba tôi, nhưng hai cái sân gạch thì lớn gần bằng nhau. Quanh sân gạch nhà ông không có thành rào. Ở bên phải hướng mặt nhà ngó ra, sân nhà ông tiếp giáp sát vách thành rào nhà ba tôi. Thành rào cao quá đầu tôi. Phía dưới xây kín, nửa trên được để hở từng ô vuông đều nhau. Bề mặt tường khá rộng. Chiều chiều bọn trẻ láng giềng thường hay leo lên, ngồi thòng chân hai bên, làm những động tác như đang lái xe, hay cỡi ngựa.
          Ông tôi chẳng mấy khi đi dạo ra sân. Thỉnh thoảng lắm tôi mới bắt gặp ông mở cánh cửa, nghiêng đầu nhìn bên ngoài giây lát, rồi lặng lẽ khép cửa. Tôi có cảm tưởng ông đang tự giam mình. Ngôi nhà của ông là một cõi huyền bí, luôn tạo cho tôi những cảm giác bất an. Ánh sáng ngọn đèn dầu quả trứng, cộng với vài tia mặt trời, rớt xuống từ mái nhà, bởi một miếng ngói được thế bằng một tấm gương trong, không đủ soi rõ mặt những vật dụng trong nhà. Và ông tôi, có lẽ vẫn lơ mơ ngủ suốt ngày trên tấm chiếu hoa không còn rõ màu sắc. Một cái quan tài đậy nắp được kê song song với giường nằm của ông. Đây là người bạn đang sẵn sàng để đồng hành với ông vào một cõi khác. Rõ ràng ông tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi cuối cùng của mình.

          Tôi hơi run khi phải đứng bên ông tôi. Cái không khí lạnh lẽo, cái mùi mốc mốc khó chịu, làm tôi rờn rợn. Tay tôi khẽ nâng cao vừa tầm cho ông nắm. Một cái gì đó rất lạ chợt xuyên suốt thịt da tôi, vừa lạnh lại vừa ấm. Lạnh vì sợ, ấm vì tình ruột thịt thiêng liêng nguồn cội. Tôi cũng nhận ra rất rõ những đường nhăn khô nhám chạy trên da mình một cách yếu ớt, trìu mến. Không biết ông tôi có quan sát tôi không. Tôi thì không dám nhìn thẳng. Dù vậy, trong vài phút tò mò, tôi cũng nhận ra khuôn mặt ông rất giống khuôn mặt người cha thân yêu của mình. Trán cao, mắt sâu, mũi thẳng, miệng rộng quả là những nét thanh tú, rắn rỏi . Thời gian và những nhọc nhằn trong cuộc sống đã không cho phép tôi gặp lại khuôn mặt yêu đời, linh hoạt  cách đây mấy chục năm. Tôi lặng lẽ nhìn những móng tay thật dài và cong của ông. Có lẽ ông không nắm được chắc chắn khi cầm một vật gì. Chòm râu dài của ông làm tôi nhớ đến các hình vẽ những ông tiên thánh thiện, nhiều phép thuật. Là một nhà nho, quan tâm đến việc học, nên ông tôi dò hỏi ba tôi về vấn đề học hành của tôi. Ông cũng tỏ ra không mấy bằng lòng về việc đèn sách của thằng Tiên, con chú Diên, một đứa cháu, ngày ngày vẫn hai lần mang bữa ăn vào cho ông.

          Ông nội tôi, tục danh Lê Hữu Huy, có hai vợ. Bà nội tôi tên Trần Thị Dưỡng, xuất thân từ làng Mân Quang. Ngôi làng nằm bên kia sông Cái. Con sông mà ngày hồi cư tôi đã có dịp sang đò. Bà nội tôi sau khi sinh hạ ba tôi được hai ngày thì không may, qua đời. Người em gái của bà, Trần Thị Thừa,  đã thay chị nuôi ba tôi và tiếp tục cùng ông tôi sinh thêm mười ba người con nữa. Đó là các chú Lê Hữu Hoanh (thường gọi Hương Hoanh), Chú Hữu Côn (thường gọi chú Lạc), chú Lê Hữu Huyến (thường gọi Hương Nam), chú Lê Hữu Thao (thường gọi Cửu Tiền), Lê Hữu Tập (thường gọi chú Sô), Lê Hữu Dựt (thường gọi chú Tham), Lê Hữu Cấp (thường gọi chú Diên), Lê Hữu Huyến (thường gọi chú Mười Thước), Lê Thị Sửu, Lê Thị Lý, Lê Thị Bạc, Lê Thị Mẹo (4 người con gái đều qua đời sớm).
          Năm 1951, ngoài chú Cửu Tiền còn ở vùng kháng chiến, chú Sô lập nghiệp ngoài Cẩm Lệ, chú Mười Thước bị Pháp bắn chết trên dòng sông Cái. Các chú còn lại đều sống quanh quẩn bên ông nội tôi, mỗi người một nóc gia. Chú Diên lúc bấy giờ mới chỉ là một ông cai thợ hồ. Có nhà cho thuê tại thành phố Đà Nẵng, nhưng gia đình chú vẫn bám trụ tại nhà quê để nuôi dưỡng ông nội. Có lẽ chú Diên là người thương ông nội tôi nhiều nhất.
          Tình cảm anh em giữa ba tôi và các người chú hình như  không được ngọt ngào lắm. Có lẽ không phải vì chuyện cùng cha khác mẹ mà do những so bì từ đối xử, có phần không đồng đều của ông nội. Ba tôi và chú Cửu Tiền được ông nội tôi cho ăn học đầy đủ. Trong lúc các chú khác phải lo việc đồng áng. Ngoài việc học chữ Nho, chữ Hán ba tôi còn học chữ Pháp khi ông được gởi vào  nội trú trường dòng Pellerin tại Huế, cùng thời với cụ Lê Ấm, con rể nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Ngoài điểm này, ba tôi còn khác các em  của ông về mặt đào hoa. Nếu các chú tôi, mỗi người một vợ một chồng, thì ba tôi có chính thức đến bốn người đàn bà trong cuộc sống của ông, và bà nào cũng sinh cho gia đình họ Lê những đứa con. Tôi đã là người con thứ 13, nên vẫn thường được các người em bà con gọi là Anh Mười Ba.

          Nhắc về ông nội, tôi còn có một kỷ niệm rất đẹp. Một hôm ông sai thằng Diên tìm dẫn tôi đến. Tôi hồi hộp không biết chuyện gì, lòng vân phân lo sợ. Nhưng dĩ nhiên cũng phải trình diện. Khi tôi đến, trong ánh sáng mờ mờ, ông giao cho tôi một cuốn sách mỏng, hình chữ nhật, và dặn:
- Con đem về đưa ba, bảo ba dạy cho
Ông ngừng một giây rồi nói tiếp:
- Gắng mà học lấy vài chữ thánh hiền nghe con 
          Tôi đã thực hiện theo ý ông tôi, tuy vậy việc học thuộc một vài mặt chữ trong Tam Tự Kinh không phải là dễ dàng. Cho đến nay vốn liếng chữ Hán của tôi vẫn chỉ gồm Nhứt một, Nhị hai, Tam ba, Tứ bốn... và bảng cửu chương tôi vẫn để trong đầu, rất tiện lợi: cửu cửu bát nhứt, bát cửu thất nhì, thất cửu lục tam, lục cửu ngũ tứ...ngũ ngũ nhì ngũ, tứ ngũ nhì chi, tam ngũ nhất ngũ...vv... 

          Em yêu dấu, mong em đừng phiền về những khai báo quá thành thật đến vụng về của tôi. Chẳng phải tôi bị ám ảnh bởi một thời học sáng tác lý lịch, sau 1975. Mà vì khi viết, tôi nhớ trực đến chú Diên, người đã nhắc nhở tôi, gắng bỏ thì giờ tu chỉnh lại bản gia phả của tộc họ. Tôi làm sao có đủ khả năng này, trước cái ham chơi và không mấy khi tha thiết về dòng họ của mình.

          Nhớ về quê nội, chẳng thể không nhớ những người thân yêu ruột thịt. Tôi gõ tên mọi người lên bàn chữ cùng những hạt lệ hiếm hoi ứa ra từ hai khóe mắt, không ngăn được. Mỗi tên gọi hiện ra trước mặt tôi một quãng đời, với bao nhiêu hình ảnh. Tôi không thể không sống lại cùng những năm tháng đã qua. Mùi hương dĩ vãng chợt phảng phất bên mình. Trong tưởng nhớ im lặng, tôi đã dùng trái tim mình để lắng nghe, để nhìn thấy, để bắt gặp, và để vẽ vời từng vóc dáng, từng cử chỉ  thân mến xưa lên từng dòng chữ.

          Em yêu dấu,  với nhiều người thân, tôi đã có khá nhiều ngỗ nghịch, lỗi lầm. Nhớ lại, viết lại như một lời tạ tội, dù tôi biết chẳng còn ai nỡ quở trách tôi. Tôi viết cho chính tôi, viết vội vàng, viết bừa bãi, thiếu mạch lạc, nhưng thời gian có còn bao nhiêu đâu. Những đồng tiền cấp dưỡng già của chính phủ Canada sẽ gởi đến vào đầu năm tới. Người công dân bất đắc dĩ của họ không biết sống báo đời đến bao lâu. Ông nội tôi qua đời năm 84, thân phụ tôi cũng nghỉ ngơi vào đúng cái tuổi này. Còn tôi, dễ gì...Nên cho tôi viết tiếp thôi em nhé.

          Trong ba năm giữa đất trời quê nội, mẹ tôi đã thương yêu và lo lắng cho tôi như người con chính bà sinh ra. Tôi thường trái gió trở trời vào mùa đông. Mẹ thường tìm những lá tre, lá sả, lá tía tô, lá chanh, lá long não, rễ cây cứt lợn, tỏi, địa linh tươi... để đun sôi một nồi nước xông. Rồi cạo gió với giác bạc thiệt. Rồi thoa dầu Nhị Thiên Đường. Rồi bắt uống Tiêu Ban Lộ.. tùy theo nặng nhẹ mẹ chăm sóc, lo lắng. Biết tôi thích ngọt, không buổi chợ nào mẹ quên mang về phong bánh in,  gói kẹo ú, hoặc một nắm bắp ngào đường. Mười tuổi đầu, tôi còn tồng ngồng đứng bên góc sân gạch nhà ngang, cho mẹ dội từng gáo nước. Mẹ không cho tôi chăn vịt sợ đạp phải miểng chai, gai nhọn. Đàn vịt trên mươi con vẫn để cho chúng tự do chạy ra đồng, rồi chạy về, có hôm đàn vịt ham vui, chiều về chuồng nhà khác, mẹ phải đi tìm. Mẹ không để tôi một mình đi coi thợ gặt, giữ lúa. Chẳng phải vì tôi ham chơi, ham đuổi bắt những con châu chấu mỡ. Ruộng nhà tôi hầu hết gần sông, mẹ không an tâm, khi anh chị trong nhà đã có người chết đuối. Và mẹ cũng không quên dành cho tôi một số công việc, mà chắc là mẹ cho là quan trọng, thích hợp. Đó là chạng vạng nào cũng phải lo thắp đèn và thắp hương trên các bàn thờ. Ngững ngày Tết, giỗ, tôi phải lo thay nuớc cúng, cắm hoa, chùi độc bình, lư hương, và có bổn phận chạy đi mời bà con đến ăn giỗ. Một công việc không kém phần quan trọng của tôi là thỉnh thoảng đọc cho mẹ nghe những chuyện tích cổ bằng văn vần, mà mẹ đã cất giữ từ lâu. Đó có thể là chuyện Nàng Nhái Kiểng Tiên, Chuyện Lão Tượng Tiên Bửu. Chuyện Thạch Sanh Lý Thông. Chuyện Thoại Khanh Châu Tuấn. Chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Chuyện Trê Cóc , chuyện Kiều Nguyệt Nga, chuyện Trịnh Hâm Bùi Kiệm...vân vân. Mẹ biết chữ Quốc ngữ, nhưng mẹ không muốn xem. Mẹ thích nghe đọc hơn. Chẳng biết cái giọng ngỗng đực và đặc sệt Quảng Nam của tôi có gì xuất sắc? Không chừng nó rất đặc biệt, không thua kém giọng cô Dạ Lan sau này, trên đài phát thanh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đêm đêm đã làm say mê biết bao nhiêu anh hùng tiền tuyến lẫn hậu phương. Cô Dạ Lan là dân xứ Quảng chính hiệu, đã một thời ngồi học trong trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.
          Giọng nói Quảng Nam, là một nguồn âm thanh được cả ba miền nước Việt công nhận là giàu trọng lượng. Nhưng trong cuốn Quảng Nam Trong Lịch Sử, tập hai, của nhà sử học Trần Gia Phụng có cho biết: 
          “ Khoảng sau năm 1995, trong nước Việt Nam có cuộc bầu chọn 10 ca sĩ hay nhất nước, thì trong đó, những ca sĩ gốc Quảng Nam chiếm 7 người, và đặc biệt, ca sĩ Ánh Tuyết (gốc Hội An) đã được nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) nhận làm con nuôi, vì theo Văn Cao, trong suốt cuộc đời hoạt động văn nghệ của ông, ông nhận thấy Ánh Tuyết là người trình diễn rõ ràng và tuyệt vời nhất những bài ca của ông, nhất là bài Thiên Thai” (trang 27).

          Đã lỡ dông dài, tôi xin lạc đề luôn: Một giọng hát khác của Quảng Nam tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng tạo được nhiều tiếng vang là ca sĩ Mỹ Tâm. Tên thật Phan Thị Mỹ Tâm, sinh ngày 16-01-1981 tại Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng. Khán thính giả gọi cô thủ khoa thanh nhạc của nhạc viện thành phố HCM (1997-2001) này là “ca sĩ tóc nâu môi trầm”. Cô được rất nhiều giải thưởng ca nhạc, trong đó có cả giải Lá Phong của tòa đại sứ Canada tại Sài Gòn năm 2004 và là người đầu tiên đại diện chính thức cho lãnh sứ quán Canada như một vị sứ thần thiện chí. Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tính theo lợi tức thu được từ tiếng hát, để đánh thuế. Mỹ Tâm là ca sĩ đứng đầu chịu số thuế cao nhất cả nước, vượt gần gấp đôi người thứ hai.
          Qua những dẫn chứng trên, giọng Quảng Nam như vậy không có gì đáng ngại. Mặc dù không thiếu những người trình diễn hài hước mang ra làm trò cười cho nhiều người vô tư.  Riêng giọng của tôi, từ nhỏ đã được mẹ tôi tín nhiệm, ấy thế mà sau này, tôi vẫn ngại ngùng khi phải nói trước nhiều người, chưa đủ gọi là đám đông. Sự e ngại đã trở thành cái tật.  Đây là một khuyết điểm lớn của tôi.

          Ngày tháng qua mau. Mới về làng đã ăn được ba cái Tết. Và cái Tết nào cũng giàu ấn tượng đẹp. Ngay năm đầu tiên, mẹ đã sắm cho tôi nguyên bộ quần áo tây, màu xanh lá cây theo sở thích của tôi. Màu xanh của rừng núi chưa bỏ cậu bé. Việc may một bộ đồ mới ở nhà quê cũng không đơn giản. Trước tiên, mẹ tôi chọn ông thợ, nhà ở giáp làng Cổ Mân. Theo mẹ, tôi lội qua nhiều bờ ruộng mới đến được mái hiên đặt máy may của một ông thợ trung niên. Ông thợ từ chối vì đã có nhiều hàng đặt trước, ông liệu không thanh toán kịp. Mẹ tôi phải dẫn tôi qua chợ Miếu Bông. Ở đây có nhiều gian hàng may, nhưng mẹ tôi đánh giá họ thường may dối. Ghé qua nhiều nơi dạm hỏi, cuối cùng tôi cũng được đứng yên cho một bác thợ đo ly tấc. Năm đó với áo bỏ trong quần, nịt nhựa trong suốt vòng ngang bụng, giày sandale quai rọ và mũ béret, tôi lớn hẳn lên khi đứng chống nạnh ngó mông đầu ngõ. Mẹ tôi vốn rất trầm lặng nhưng lần đó đã biết mỉm cười, gọi giật thằng con vào, không phải vì sợ nó dang nắng mà sợ...người ta xấu miệng trầm trồ.
          Ngoài cái thú nghe đọc truyện thơ cổ, mẹ tôi còn một cái vui nhỏ nữa. Bà biết uống rượu, khác hẳn với ba tôi. Gần như không có buổi chạng vạng nào, bà không ra cái quán nhỏ của bác Hội Du gái. Một cái ly thủy tinh con con, lượng rượu lưng lưng miệng, là món quà cuối ngày giúp mẹ tôi xóa hết những mệt mỏi. Bà tuyệt đối giữ đúng tiêu chuẩn này. Có lẽ nhờ vậy, tôi chưa hề thấy mẹ tôi ngã bệnh bao giờ.
          Trong những ngày Tết, mẹ tôi cũng thường thích thú với những ván bài Trùng cùng đám con cháu. Những con bài bằng giấy, bề ngang chừng hai ngón tay, có những tên gọi rất ngộ nghĩnh như Học Trò, Nhì Nghèo, Nọc Thược, Tam Quăn, Tứ Gióng, Liễu, Âm Ầm...mà hình tượng được vẽ một cách đơn giản, nhưng không thiếu nghệ thuật, vẫn in đậm nét trong trí nhớ của tôi. Trong suốt thời gian ở bên mẹ, tôi cũng chưa hề bị bà la rầy lần nào. Sự im lặng của mẹ là những lằn roi, một đôi lần mẹ dành cho tôi. Mẹ tôi lành như thế, nhưng về sau, khi tôi đã rời làng, có một lần tôi đã to tiếng, rất to tiếng với mẹ, chỉ  vì xung đột cùng đứa cháu nội đích tôn của bà. Dễ chừng có vài tháng sau tôi mới ghé về thăm bà và không hề xin lỗi tiếng nào. Đây không phải là bướng bỉnh, cố chấp mà chỉ là không tập được, chưa tập được thói quen xin lỗi. Mẹ ơi, lời xin lỗi của con chẳng bao giờ có nữa, nhưng hy vọng mẹ đã nhận ra từ lâu lòng con. Ngày con ra đi, con đã cùng Lý về thăm mẹ. Mẹ còn khoẻ lắm, còn cả nước mắt. Nhưng sao chỉ một tuần sau, mẹ không ráng thêm ít tháng nữa, để trèo qua cái tuổi 90 ? . 
    Sau Một Lần Về Liêm Lạc nào đó, tôi đã viết:

          Mẹ ngồi im như ngủ quên
          gió lùa cửa mở, ngó lên: con về
          nụ cười phá vỡ cơn mê
          mặt con chợt sáng bốn bề phòng không

          đưa tay mẹ ngỡ như bồng
          thằng con hư của chờ mong đã về
          lặng nghe tay mẹ vân vê
          ấm dần thớ thịt rong rêu bụi đường

          đi ngang đi dọc trong vườn
          đi quanh sân gạch, rờ tường, đánh hơi
          nơi nào tôi cũng gặp tôi
          nơi nào cũng gặp đủ người thân yêu
          nơi đây cha đọc truyện Kiều
          nơi đây em dán con diều lá sen
          nơi tôi nằm đợi đòn lằn
          roi tre để bỏ tật quen vắng nhà
          ơ kìa, phân vịt, phân gà
          ơ kìa, vựa trấu, cây cà, cây chanh...
          lượm lên được miếng mảnh sành
          nhìn ra thấy chú vàng anh năm nào

          mẹ sờ thử phải chiêm bao
          thằng con giang bạt kỳ hồ đấy thôi
          xếp bằng trên phản tôi ngồi
          nhìn mẹ móm mém nhai trầu mà thương
          (Trôi Sông) 

          Em yêu dấu, những ngày tháng tiếp theo tại quê nội của tôi rất vui vẻ. Tôi đã chóng làm bạn với đám trẻ con hàng xóm. Những thằng Tín Anh, Tín Em. Những thằng Triển, thằng Lo...thằng nào cũng to con lớn tuổi hơn tôi, nhưng đều gọi tôi bằng anh. Chẳng phải chúng nể sợ gì tôi mà vì vai vế ông già tôi thuộc chi nhứt nhì trong làng.
          Một hôm tôi đang chơi đá kiện với anh em thằng Tín, thì có tin Tây đi ráp. Dù chỉ là thằng bé mười tuổi, tôi cũng hết hồn, lật đật trèo tường rào trở về nhà. Chẳng bao lâu sau, lính Tây ập vào nhà tôi với súng đạn, ba lô ... Đây là lần đầu tiên tôi thấy Tây, cả đen lẫn trắng. Tôi im thin thít ngồi một góc phòng trong khi ba tôi nói chuyện rất lâu với một thằng mang súng lục. Sau này tôi mới biết, nhà ba tôi là địa điểm đóng quân của ban chỉ huy, trong những lần quân Pháp đi lùng tại làng Liêm Lạc. Nhà của chúng tôi chẳng bao giờ bị lục soát. Do đó số lúa dự trữ của gia đình, cất giấu ngay trong ruột bàn thờ, được xây rất to giữa gian nhà trên không bao giờ bị phát hiện, Tôi nghĩ, chẳng qua những thằng quan Tây có ý giả lơ cho.
          Lần đầu tiên chạm mặt với lính Pháp, ba tôi rất bình tĩnh. Mẹ tôi đã lo cho ông đầy đủ giấy tờ cần thiết. Ông không còn là người từ chiến khu về.  Ông là người vừa ở Tourane hồi hương vì sức khoẻ. Chú Mười Thiều, một người bà con thúc bá, làm mật thám cho Pháp, đã lo cho ba tôi cái giấy tùy thân. Một tá điền cũ của gia đình, hiện giữ chức lý trưởng, đã xác nhận sự nhập cư đúng phép của ba tôi. Thêm vào đó với vốn liếng Pháp ngữ, ba tôi sớm gây được cảm tình của người Pháp. Chẳng mấy tuần sau, ông xin được giấy phép mở trường dạy học tư ngay tại gia. 
          Ở với quê nội chừng mười ngày, chị Kim Anh một hai đòi trở lên Tiên Phước. Ba tôi phải nhờ bác Hội Du, một người anh em thúc bá khác của ông, là một cán bộ Việt Minh, dẫn chị Kim Anh về với má và em Hân.
          Hai ngày sau, khi chị tôi về trở lại với má tôi, ba tôi bắt đầu dạy học. Và trong vòng nửa tháng, tổng số học sinh có mặt suốt ngày tại nhà chúng tôi hơn một trăm em, chia làm hai buổi học. Học sinh không cùng tuổi, không cùng trình độ. Từ lớp mới bắt đầu vỡ lòng a, b, c  đến lớp đã biết làm toán pháp, toán đố. Chúng được cha mẹ từ các làng Miêu Bông, Quá Giáng, Cổ Mân dẫn đến.Trong số này có đứa lai Pháp như thằng Robert, chị em Con Đỏ, Con Đen. Dĩ nhiên con em trong thôn quê nội tôi là chủ yếu. Học phí có đứa trả bằng tiền, có đứa trả bằng thóc gạo, hoặc cả cá tôm và mọi thứ dùng được cho cuộc sống con người.
          Tôi trở thành học sinh lớp cao nhất trong cái trường của ba tôi. Môn học chính của tôi lúc bấy giờ là Pháp văn mà chủ yếu là vocabulaire. Tôi thường học ngữ vựng Pháp với giọng ê a như học một bài học thuộc lòng. Lông (long) dài, Cua (court) ngắn, Lạt (large) rộng...cứ thế vang lên một góc phòng. Điều thú vị nhất là ngoài chuyện học, tôi còn phụ ba tôi làm một ông thầy con con. Viết chữ cho bọn nhỏ tập đồ, hay ra những bài toán cộng trừ nhân chia đơn giản là nghề của tôi. Với môn toán pháp, để khi chấm đỡ phải tính toán lại, trong toán cộng tôi thường ra bài làm với 5 hàng số ở hàng dọc. Hàng ngang không nhất thiết. Ba hàng dọc đầu, muốn dùng con số nào cũng được. Nhưng hai hàng dọc còn lại, các con số phải chọn cho phù hợp với một nguyên tắc. Cụ thể con số hàng thứ tư khi cộng với con số ở hàng thứ hai phải thành con số 9. Con số hàng thứ 5 khi cộng với con số hàng thứ ba cũng phải là số 9. Ví dụ hàng ngang số ở hàng số hai gồm: 4,3,2,8 thì ở hàng tư phải là 5,6,7,1. Tương tự, hàng thứ ba nếu là: 6,4,0,5 thì hàng số năm phải là 3,5,9,4. Với cách này, số thành biết được dễ dàng, như sau: trừ 2 ở con số cuối cùng tại hàng đầu; đem con số 2 mới trừ đặt trước những con số hàng ngang đầu; tất cả những con số còn lại được giữ nguyên. Ví dụ hàng đầu bài toán, phù hợp với những con số đã dẫn trên là: 3564. Số thành sẽ có chính xác: 23562. Mẹo vặt này, tôi học từ ba tôi.
          Mặc dù làm ông thầy không danh xưng, uy tín tôi cũng trở nên ngon lành. Ngoài mấy đàn em ruột như thằng Tiên, thằng Chưởng (con chú Tham), con Thương, thằng Thiệu, thằng Tín...tôi còn có một đội ngũ đàn em thật hùng hậu đến mấy mươi đứa. Bọn nhỏ thường mang đến cho tôi nhiều quà. Đa số là các loại chim chúng bắt được, như sáo, nhồng, cà cưỡng, chào mào... Cá thì nhiều lắm, như cá rô, cá trầu, cá diếp, cá trê, cá ngạnh...tôi bỏ cả vào một cái hồ xi mâng lớn, có đến sáu chân. Hồ này đã có từ lâu, được đặt trước một bình phong cũng bằng xi măng, gần hai lối tam cấp để bước lên véranda. Cá lia thia ở quê tôi cũng có nhưng rất ít, tôi chỉ được bọn nhỏ cho vài con. Và vì nuôi trong một cái chai chật hẹp, nên cá rất mau chết. Nhắc về cá tôi xin nói thêm: do ảnh hưởng của ba tôi không ăn được cá loại cá nước ngọt, nên mẹ tôi không bao giờ mua. Những thứ cá hay ăn chỉ quanh quẩn: cá Chuồn chiên, cá Nục hấp, cá Cơm kho, cá Thu sốt cà chua. Cá Ngừ chỉ thỉnh thoảng ăn với bún, vì mẹ cho rằng loại cá này độc, không nên ăn nhiều. Lâu lâu bọn nhỏ cũng mang cho tôi bánh Thuẫn, bánh Khô, bánh Nổ hay một nắm Xôi Gấc đỏ... nhưng phải ăn lén lút, mẹ tôi cấm. Bà sợ đám nhỏ lấy các món ăn này từ các gói bẹ chuối, mà người ta cúng xong, treo ở bờ bụi cho cô hồn, ăn vào tâm trí sẽ u ám, và có thể mất mạng.
          Cũng từ đám bạn mới, tôi có thêm nhiều môn chơi thú vị. Đá bóng là môn tôi thích nhất. Nếu những trái bóng bằng cao su bị bể, chưa có đủ tiền mua lại, chúng tôi dùng trái bòng để đá, hoặc khéo léo vo tròn một nhúm rơm, rồi lấy giây bẹ chuối khô bện lại thay quả bóng. Banh tennis cũng thường được chúng tôi xử dụng. Sân chơi thường là sân gạch nhà tôi. Chính trên mặt sân này, tôi nhiều lần bị rách da, sứt móng. Sau đá bóng là đá kiện. Kiện thường được làm bởi hai đồng xu cùng một rẻo nhỏ vải, hoặc với chiếc lông gà. Môn này tôi thường vô địch, có thể đá vài ba trăm cái liên tiếp. Tôi không có địch thủ, nên mỗi lần chơi, tôi thường phải chấp hai ba đứa ở cùng một phe. U mọi cũng là môn tôi hay chơi, nhất là những đêm sáng trăng. Nhưng tôi kém về môn này, rất thường bị bắt làm tù binh. Chơi trốn tìm, đánh cờ gánh, đánh đáo xu, nhảy giây, đi tàu bay...tôi đều chơi tuốt. Một hôm, thằng Vinh bên chợ Miêu Bông mang cho tôi một cái ná bắn chim. Đây là món đồ chơi tôi thích đã từ lâu. Cái ná đã rủ tôi bước qua một giai đoạn có vẻ khôn lớn hơn.

          Cùng với cái ná, tôi đã mở rộng phạm vi đi lại và quan sát làng quê nội. Khởi đầu là những mục tiêu gần mà tôi chưa đặt chân tới: vườn chuối sau lưng nhà ông nội, vườn mít nhà Bồi, những bờ tre vây quanh nhà bác Cửu Bốn... Tôi lần theo tiếng hót của Chào Mào, Chích Chòe...cũng chẳng bỏ qua những tiếng kêu không có gì hấp dẫn của Chất Quạch, Chèo Bẻo...Tôi biết thêm nhiều xóm trong làng với những tên gọi mộc mạc: Xóm Lưới, Xóm Đùng, Xóm Trong...Tôi tạt qua miếu, tôi ghé vào đình thản nhiên, lặng lẽ. Miếu nhỏ, tôi thường vui tay sờ cặp mắt sư tử bằng mảnh sành. Một đôi lần tôi cũng tinh nghịch lấy than, vẽ thêm vài sợi râu trên cái miệng rộng hoác, phơi cả răng của con sư tử. Đình làng tôi nằm bên một con đường không mấy rộng. Sân đình cũng khá hẹp. Tấm bình phong xây bằng gạch, đứng hàng ngang với hàng cây keo thay hàng rào. Tôi đã bước vào hiên đình một đôi lần. Trên những bức tường, có một số chữ viết cùng hình vẽ tục bằng than của đám nhỏ trong làng. Cây đa làng không đứng trong sân đình. Nó đứng cách xa vài ba trăm thước, trên một vạt đất trống rất rộng. Với nhiều rễ phụ, quay quần bên gốc chính, tạo cho cây đa vừa có thế đứng vững chắc vừa rất nghệ thuật. Nhánh cành tỏa rộng như một cái vòng tròn. Lá không to và sưa. Những con chim về đây hình như không để tìm mồi. Chúng cần một chỗ đứng hót cho thật thoải mái. Chúng cần một chỗ đứng rỉa lông. Có lần tôi bắt gặp một cặp Sáo Sậu đang đạp mái. Trời trong, nắng tốt, cành nhánh nào cũng có hương mặt trời, tỏa tận xuống những ông Bình Vôi sứt miệng, những ông Táo mẻ đầu nằm ngái ngủ dưới gốc với nhiều thứ lỉnh kỉnh khác.
          Cùng với cái ná, tôi lặng lẽ xuống đến giáp ranh làng Cổ Mân. Tôi đi khắp xóm, khắp làng và sớm trở thành một tay sát điểu có hạng trong làng. Qua mặt được tôi may ra chỉ có thằng Triển, lớn hơn tôi vài ba tuổi.
          Nhưng chẳng phải lúc nào tôi cũng vui vẻ, ham chơi. Vào ba, bảy buổi chiều, tôi một mình ra ngồi bên gốc duối, nằm gần cổng tre, nhìn về hướng làng Mân Quang. Tôi thấy đường chân trời, tôi thấy mây, tôi thấy cả những con chim bay buồn bã. Những lúc đó, tôi nhớ má, em Hân, chị Anh và cả đến những con gà tự túc, con ve, con đỉa, con vắt...ngày nào thân thiết trên núi đồi. Chân trời xanh và sâu, tôi đã biết thèm được bay như những con chim. Tôi lâng lâng cảm thấy mình đang bay xa như những đám mây trôi nhàn nhã. Trong không gian bát ngát lặng im của đồng quê, tôi chợt nghe những tiếng gọi, không rõ ràng, kỳ bí. Tôi dụi mắt.

          Lính tây vẫn qua bố ráp làng tôi mỗi tháng vài lần. Một bữa, thằng Tín em đang giữ vịt ở  gần vườn nhà anh bảy Quán. Hắn cầm ngang cây sào dài quơ qua, quơ lại, tức thì bị Tây bắt vì nghi hắn ra giấu cho du kích. Tín Em bị dẫn qua đồn Quá Giáng một buổi. Thật ra hôm đó có mặt cán bộ Việt Minh thật. Đó là anh sáu Cấn. Anh đang ngồi nói chuyện với ba tôi thì có tin Tây qua. Không còn kịp chạy  xuống Đùng, qua sông Cái, anh Cấn đã theo máng xối đúc bằng xi măng, trèo lên mái nhà tôi và nằm im trên đó cho đến khi Tây rút.  Anh Cấn không phải chỉ về làng hoạt động một lần. Anh về luôn và cũng thường ghé nhà tôi vào ban đêm. Nhiều lần tôi còn thức, tò mò ngồi bên ba tôi, nghe anh nói chuyện. Một hôm anh cao hứng đọc cho tôi chép mấy bài thơ, tôi học thuộc. Giờ vẫn còn nhớ đại khái, nhưng không rõ tác giả là ai:

          Mấy mươi bầu gạo
          kĩu kịt bên vai
          mồ hôi từng giọt
          lác đác đường dài
          gánh đi đi mãi đi hoài
          đù đưa đá nhảy
          miệt mài khe hoa
          truông dài núi rậm đường xa
          sườn nghiêng lá kết mái nhà chênh vênh....

          Bài thơ còn dài, ba tôi có xem và khen các câu đù đưa đá nhảy, miệt mài khe hoa cùng câu sườn nghiêng lá kết mái nhà chênh vênh. Theo ông, hai câu đầu nói lên cái động tác của một người gánh nặng đi trên đường rừng, đang từ tảng đá này, nhảy qua tảng đá khác làm hai bầu gạo đong đưa. Thơ như vậy là có hình ảnh sống động. Câu sườn nghiêng lá kết...tả cái cảnh hùng vĩ của núi rừng rất chính xác. Sau cái đêm tình cờ giảng thơ đó, ba tôi nảy ra cái ý dạy tôi làm thơ. Và tôi bắt đầu những bài tập làm văn vần của mình từ đề tài đầu tiên: viết thư thăm bạn, với các câu ngô nghê, đọc lại không thể không mỉm cười:

          trước hiên gió mát ngồi chơi
          sực nhớ đến bạn ruột thời quặn đau
          liền giấy bút lấy ra mau
          nhớ thương một bức trước sau tỏ tường...

          Với những câu vụng về như vậy, không ngờ lại cõng được tôi đi miết cùng thơ đến bây giờ.

          Em yêu dấu, tôi thấy cũng cần chia với em một ít kỷ niệm vui vui. Những kỷ niệm này như một dấu hiệu báo trước những vớ vẩn của tôi sau này. Em đừng cười đấy nhé.
          Làng tôi nằm giữa hai con sông. Con sông lớn có tên sông Cái, là biên giới giữa làng tôi và làng Mân Quang. Con sông chảy ra Tourane (Đà Nẵng) để tìm về biển. Với con sông này tôi không có nhiều kỷ niệm, ngoài những nỗi lo lắng khi phải qua đò.

          Dòng sông  thứ hai, là biên giới giữa làng tôi và làng Miêu Bông. Đây là một con sông nhỏ với kích thước bề ngang không đồng đều. Có chỗ hẹp như con đường nhựa, có chỗ phình ra gấp hai, gấp ba. Hai bên bờ sông dày đặc hoa cỏ dại. Dọc theo chiều dài, không xa nhau bao nhiêu, có đến ba cửa bến. Bến đò, bến lội và bến tắm. Bến đò và bến lội chỉ cách nhau chừng một trăm thước, nhưng độ sâu cạn chênh lệch nhau rất xa. Ngay ở bến lội cũng phải tùy thuộc lúc nước ròng mới có thể qua sông. Tuy chỉ một lần về, nhưng coi như em đã nhìn qua mặt mũi hai cái bến này.
          Bến tắm nằm gần bến đò hơn, nhưng khoảng cách giữa hai bến cũng khá xa. Hình như tên bến tắm chỉ thành danh trong đám trẻ nhỏ. Dòng sông có vẻ như đi lạc sâu vào ruộng lúa trước khi quẹo trở ra. Điểm lạc này tạo thành một mặt hồ, với lưu lượng êm đềm. Lòng cạn. Đám trẻ nhỏ đã tìm ra nơi này rồi thường xuyên lên xuống để bơi lội. Cỏ mòn theo bước chân thành một cửa bến, không mấy khi có dấu chân người lớn, chẳng hiểu vì sao.
          Tôi đã nhiều lần lén mẹ theo đám đàn em học trò đến đây vọc nước. Chuyện cấm kỵ đụng chạm đến sông hồ luôn luôn gây cho tôi cảm giác lo sợ và tôi đã vĩnh viễn trở thành một kẻ không biết bơi. Những lần gọi là tắm sông, tôi chỉ dám đi ra chỗ mặt nước vừa chấm lỗ rún. Rồi cứ đứng như vậy dùng tay khoát nước đùa giỡn. Cũng một đôi lúc bạo dạn, tôi bịt mũi và hụp mạnh đầu xuống nước trong một tích tắc. Những thằng bạn nhỏ của tôi thì bơi ra xa. Nhưng tôi không cô đơn. Bởi lần nào tôi tắm sông cũng có con Đỏ và con Đen tắm cùng. Đỏ, Đen là hai chị ruột con một me tây, trú ngụ gần bên đồn Quá Giáng. Đỏ, Đen có trong người dòng máu da trắng. Mẹ chúng quen với gia đình nhà thằng Vinh, nên gởi chúng theo Vinh qua học bên nhà ba tôi. Tôi và hai con bé chơi với nhau rất tự nhiên. Đã nhiều lần tồng ngồng bên nhau lên xuống bãi tắm, hoặc cùng ngâm mình dưới nước. Một hôm không hiểu vì lý do gì, khi từ mặt nước sâu ngang rún, lần đi vào bờ, cả hai chị em, đều xếp úp hai bàn tay, khum khum che cái gì dưới lỗ rún. Tôi tình cờ nhìn qua, rồi lại nhìn không tình cờ, cứ lặp đi lặp lại như vậy, nhưng mắt ra vẻ nghiêng nghiêng về đâu đâu. Từ đó chúng tôi đều không bỏ cái tật riêng của mình. Ngoài tắm sông, những buổi học chiều có mưa dông, chúng tôi đều được ba tôi cho phép tắm mưa. Đỏ và Đen lại vẫn theo bên tôi. Bốn bàn tay của hai chị em vẫn hờ hững khum khum. Lạ một điều, nhiều đêm ngủ thoáng giật mình cứ tưởng như mình đang tắm. Những giọt nước mưa và những vốc nước sông từ cái bến xa xưa mãi đến năm 1997 mới rả rích lại trong Cỏ Hoa Gối Đầu:

          Nhớ xưa, hồi mới lên mười
          chiều chiều mưa tạt hiên mời tắm mưa
          chạy ra ngõ rạp tàu dừa
          vuốt đầu, vuốt mặt, thì vừa gặp em
          tóc tơ đã ướt chềnh nhềm
          hai bàn tay bụm cái thềm tinh hoa
          em lên sáu, bảy, thôi mà
          sao hai con mắt tôi đà xốn xang
          mười năm sau trở về làng
          mưa, chiều, tôi núp dưới hàng keo xanh
          em không tắm nữa, đã đành
          cõi xưa, nhìn trộm, để dành cho ai ?

          Em yêu dấu, vơ vẩn một chút cho vui, giờ trở lại kỷ niệm cùng em. Hẳn em còn nhớ ngày em ghé thăm quê nội tôi, em đã đứng rất lâu bên ba bụi bông trang, trồng sát nhau, thay cho tấm bình phong dựng trước sân nhà. Cây bông trang lá nhiều và rậm. Hoa gồm nhiều cánh mỏng, nhưng không đẹp như nhiều loại hoa khác. Không rõ vì sao ba tôi đã chọn chúng để làm dàn chào đón khách. Ba cây bông trang này có tuổi thọ ngang với tuổi tôi, ngang với ngôi nhà. Em nhìn lên đi, hàng chữ số 1941, kỷ niệm năm xây cất vẫn còn đứng chỉnh tề trên nóc nhà đó. Thời gian đi qua, chỉ để lại những dấu chân kỷ niệm.Giây phút tôi cùng em đứng bên bụi hoa cũng đã tức thì trở thành kỷ niệm, khi em thả bước trên sân gạch, im nghe tôi tiếp tục vô duyên .

          Ngôi nhà của ba tôi có ma. Những con ma thường trú trên plafond. Đêm nào cũng chơi trò cút bắt, đuổi nhau chạy rần rần, làm tôi ớn lạnh nổi da gà. Những con ma ngồi bó gối nhớ đời, xếp dài hàng dọc trên đầu tường rào . Tôi và đám trẻ con trong làng đã tháo mồ hôi mà rình xem vào những đêm trăng. Đám trẻ con  đêm nào cũng đến ngủ nhờ, để tránh pháo đạn từ đồn Quá Giáng, nhiều khi đi lạc tọa độ. Một tọa độ vô cùng vu vơ.  Đã một vài lần ruộng làng tôi trở thành một toạ độ như thế. Trong đám trẻ con ấy, tôi nhớ nhất là Lữ, chuyên viên đái dầm, và Thoại móm, anh của Lữ. Cả hai nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng tôi phải gọi là anh, vì con ông bác thúc bá. Bác Hội Du.

          Rõ ràng chuyện kể chẳng ăn nhập gì đến cái tình đã lấp ló trong tôi. Em hồn nhiên hay chỉ vờ hồn nhiên để chúng ta càng ngày càng xa lạ. Có cả chục bài thơ tôi đã chạy nhật trình, để khôn khéo tỏ tình mà chắc gì em biết. Nhưng cũng xin cảm ơn em đã về đây một lần, đã cùng tôi bước những bước vu vơ. Tôi bước trước, em bước sau, có khi cách nhau đến vài bước. Em mắc cở với giòng thuỷ lợi ? Em mắc cở với dấu chân trâu ?  Con chiền chiện vừa bay vừa hót vừa ngó em. Trời xanh. man mác. Con chào mào vụt bay ra, khi chúng ta đi ngang một gốc mít. Cuộc sống thanh bình trải theo những ngọn khói rơm, bịn rịn không dám bay xa. Chúng ta vừa bước qua một vạt đất ướt. Tôi chỉ tay. Những đám ruộng lúa ba trăng trước mặt, một phần rất nhỏ, thuộc sở hữu của riêng tôi. Những tờ trích lục dày như những tấm bìa, đựng đầy chữ nho, chữ Pháp lẫn quốc ngữ. Tên tôi nằm trong đó, im lặng miết cho đến ngày bị cưỡng đoạt. Tôi bứng tôi ra khỏi những tờ trích lục dễ dàng. Nhưng dễ gì bứng khỏi một mùi thơm, mà một người làm thơ đàn anh đã gọi là hương đồng phấn nội. Riêng tôi quá nghèo chất liệu về một nơi mà ông bà nội tôi dựng đời, dựng nghiệp. Tìm kiếm mãi trong lòng vẫn không có gì khác hơn những hình ảnh chung chung. Những con cóc từ một hốc tường nhảy ra sân gạch vào những khi trời chớm mưa. Những con bù rấy ướt mềm sương sớm. Những bè chuối thả chơi trong mùa mưa lụt. Những cái lờ, cái nơm đầu hè nhà hàng xóm... Và đâu đó có tiếng heo trẫn mở, có tiếng gà cục tác, có tiếng ru em dài ngoằng những than thở, có tiếng chửi nhau độc địa, nhưng ấm áp thân thiết vô cùng. Tất cả, giờ đã xa. Kể cả em, người con gái đã dạy cho tôi những bài học vỡ lòng về một thứ tình tuyệt vời. Em đã đọc thấy chưa những câu phách lối, ngậm ngùi này:

          em đã về đây thăm một bận
          tưởng rằng tiếp tục đến ngàn sau
          dè đâu sân gạch và cây mít
          không giữ được giùm ta với nhau

          đứng dựa gốc cau nhìn mây nổi
          nhìn đàn chột dột gió đu đưa
          cau đang mùa trổ từng cụm nhỏ
          hương mỏng mênh  mông trắng gió đùa

          tôi chạnh nhớ em ? không chắc lắm
          như tuồng lòng có chút nao nao
          chiếc răng khểnh ấy sao mà bén
          cắn nát lòng tôi tự thuở nào

          muốn khóc đấy ư sao chẳng khóc
          tuyệt vời thay nước mắt con trai !
          vô hình dung giọt theo tim đập
          trầm nhẹ, sâu hơn tiếng thở dài

          em gả về mô rồi Đại Lộc ?
          không thèm khăn gói đến Hòa Vang
          tôi công tử bột làng Liêm Lạc,
          chẳng nhớ mô nghe, chỉ bàng hoàng
          (CƠĐĐTT).

          Em yêu dấu, em có biết, năm 2002, tôi có về thăm quê nội tôi. Vùng đất cội nguồn tôi bây giờ về mặt hành chánh, đã sát nhập vào thành phố Đà Nẵng. Thịt da vẫn ngần đó, nhưng có vẻ tươi mát hơn chút đỉnh. Hai dòng sông ở hai bên đầu làng vẫn còn chảy đều. Nhưng con đò qua Miêu Bông không còn nữa. Cô Dung lái đò, tên đẹp thay người, một đời lận đận đã khép lại bình an. Cây cầu trên bến lội ngày xưa vẫn vóc dáng cũ, nhưng cùng với con đường được mở rộng, có vẻ như mới ra. Những cây trụ khẳng khiu, đỡ không mấy thẳng những đường dây điện.

          Tôi về làng nội với hai bàn tay rỗng. Quần áo lôi thôi vì trời quá nóng. Chân mang giày mòn gót, đầu đội mũ bạc màu, chẳng phải cố tình bi thảm hoá. Tôi bước lên mặt sân. Tôi bước lên thềm nhà. Tôi bước qua ngưỡng cửa. Ném cái mũ lên bàn. Muốn tháo ngay đôi giày nhưng khựng lại. Trời tháng tám, tưng bừng nắng, mà tôi cứ ngỡ như đang mưa dông. Tôi nhìn ra chỗ mình thường tắm. Giờ này tôi mới thấy, bốn bức tường rào đã ngã đi đâu. Một vài hàng hoa thay chỗ đang nở đẹp, nhưng lỏng lẻo làm sao. Tôi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ. Nhìn những nét mặt thân thuộc, cảm thấy như gặp những hơi thở.
Hình ảnh chân dung trên giấy đâu có gì khác nhau. Những tấm hình này đâu có xa tôi trong những tháng năm lưu lạc. Nhưng rõ ràng có một chút gì đó, thân mật hơn, ấm áp hơn. Mùi thân tình từ nền nhà xông lên, từ mái ngói, từ plafond toả xuống, từ cửa sổ, từ vách tường bung ra, đậm đặc mến yêu. Dù không áo thụng khăn đóng, cà vạt veston, tôi cũng được bà con, thân thuộc tôi tiếp đón chân tình. Những anh chị em ruột thịt, đang ở bên tôi. Anh Lê Ngọc Hiển, chị Lê Thị Kim Anh, các em Lê Hoàng, Lê Quốc Hùng, Lê Phước Hưng cùng đông đảo các cháu. Tất cả đều nhắc chừng tôi nhiều điều mà tôi vẫn nhớ rất rõ. 
           Nhà ông nội tôi đã sáng sủa hơn xưa do có tu bổ để trở thành nhà thờ Lê Học. Tôi thắp trên mỗi bàn thờ một cây hương. Chợt thẹn với điều kỳ vọng của chú Diên về chuyện gia phả. Trời nóng như lửa đốt. Tôi mở nút áo, phơi trần cái bụng thiếu thẩm mỹ, hối hả cùng mọi người thân ra thăm mộ. 
 Sống cái nhà, chết cái mồ. Vấn đề mồ mả này từng làm tôi một thời đau đầu, mất bình tĩnh. Ngày đó, sau 29 tháng 3 năm 1975. Bác Hội Du, cán bộ Cộng sản, còn sống trở về làng. Con bác, anh Thoại móm, từng sang học bên “Liên Xô Vĩ Đại” cũng cùng về. Chẳng biết vì muốn lập công đầu hay không, mà bác Du đề ngay ra chuyện quy hoạch mồ mả và cho thực hiện sớm hơn những địa phương khác. Ba mẹ tôi bấy giờ hãy còn sống. Người trực tiếp sinh ra tôi thì đã nằm dưới mồ yên. Không thể làm gì hơn, tôi thuê người bốc mộ má, hoả táng một ít xương còn sót và mang tro về thành phố Đà Nẵng, không xin ý kiến của ba tôi. Một thời gian sau, nhờ người quen, tôi xin đất cải táng người mẹ đẻ mình trên đồi Phú Thượng Hòa Sơn đến bây giờ. Năm 1979, ba tôi qua đời tại Đà Nẵng. Anh chín Hiển tôi về làng lập thủ tục an táng. Làng từ chối với lý do, ba tôi đã mất gốc, ông đã bỏ làng mà đi quá lâu. Trước tin này, tôi bức xúc, khó chịu và chạy đi lo đất để chôn ba tôi bên mộ má. Nhưng anh Hiển không bằng lòng. Anh không năn nỉ, nhưng cứng rắn đưa lý lẽ với chính quyền địa phương để thể xác ba chúng tôi phải được về nằm trong lòng đất làng Liêm Lạc. Ruộng vườn ba tôi tạo ra vẫn còn đó, dù bây giờ tự dưng có nghiệp chủ mới. Trong cái bực mình về chuyện này, tôi cũng đã nóng giận muốn từ chối hẳn cái quê nội thân yêu của mình. Anh chín Hiển khuyên ngăn, tôi mới nguôi ngoai. Năm 1985, chỉ một tuần sau tôi ra đi, mẹ tôi qua đời, bà được an nghỉ bên cạnh ba tôi. Không rõ chính quyền có gây khó dễ. 

          Mười tám năm xa cách, bây giờ đứng trước mồ mả của những thân yêu, thật tình tôi chẳng có một xúc cảm nào đặc biệt. Lòng cứ như trống rỗng. Buồn, không buồn. Nhớ, chẳng nhớ. Chỉ thoáng một chút băn khoăn, cỏ dại ở đây sao mọc nhiều quá. Lý bấm máy ghi lại một số hình, rồi chúng tôi trở vào nhà. Trên đường đi, tôi thoáng nghĩ, không biết khi mình chết, xác có chôn nơi này ? 
Tôi ghé qua thăm nhà chú Diên. Chú đã qua đời vào năm 1976. Chú là người giàu nhất trong các người con của ông nội tôi. Từ cai thợ hồ, chú trở thành nhà thầu xây cất, và bán vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch đá... Bất động sản của chú rải rác nhiều nơi trong hai thành phố Đà Nẵng, Sài Gòn. Không rõ có phải vì mất nhiều thùng đạn đựng vàng, chôn dưới một nền nhà bị trưng dụng, làm chú sinh bệnh qua đời hay không ? Số gia tài chú để lại vẫn rất đáng kể, Mỗi đứa con một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Tiên là con đầu của chú, một đàn em thân cận bên tôi một thời, tốt nghiệp và hành nghề dược sĩ trước 1975. Hiện nay, chú ấy cùng vợ, cũng là dược sĩ, đang giữ được nghề cũ tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Sau chú Diên, đến lượt các chú Tham, chú cửu Tiền, chú Sô  đều đã theo ông nội tôi. Một thế hệ của dòng họ Lê Học tại Liêm Lạc đã kết thúc hoàn toàn.

          Sau khi viếng thăm hai bà con gái con chú Hương Doanh. Chúng tôi vội vã trở về Đà Nẵng. Chuyến về thăm quê nội sau 18 năm xa cách của tôi không quá hai giờ đồng hồ. Sự nghèo túng của gia đình cháu Thiệu làm tôi áy náy bởi những bất lực của mình. Những dự định sẽ lang thang thăm lại nhiều nơi, chợt tắt ngúm trong lòng. Ngồi sau yên xe gắn máy do em Hoàng chở, tôi không dám nhìn loanh quanh. Tôi cảm thấy mình thiếu nợ với tất cả. Khi Hoàng cho xe thẳng về hướng Cổ Mân theo một con đường mới mở rộng, tôi úp mặt vào lưng đứa em trai cùng cha khác mẹ, cũng có nhiều không may, mà ứa nước mắt. Tôi tự hẹn với lòng sẽ phải về quê nội một lần nữa, nhưng biết đến bao giờ đây ? Những ngày ở Montréal, mỗi khi nhớ về quê nội, tôi nhắm mắt, đặt tay lên bàn, đã như chạm phải thịt da của con đất giàu liêm khiết, lạc quan ấy. Sao bây giờ, ngay trên đất cội nguồn mình lại cảm thấy lạc lõng, lạnh lùng.

         Em yêu dấu, bây giờ Montréal bắt đầu vào mùa lạnh. Tôi kéo rộng cánh màn cửa, từ bàn viết tôi nhìn ra đường Charleroi, con đường cắt ngang đường Armand Lavergne dẫn vào nhà tôi, đang trôi nổi những dòng xe xuôi ngược. Cuộc sống vẫn náo nức níu đuổi nhau sinh động, nhịp nhàng. Còn tôi, ngày qua ngày vẫn cúi đầu trên bàn viết này với những công việc không đâu. Nhớ và vẽ lại những miền đất cũ, những khuôn mặt xưa, bằng những con chữ có là một cuộc chơi cuối đời cần thiết cho riêng tôi ?
          Năm sau nhé, hoặc năm sau nữa nhé. Tôi sẽ về thăm Việt Nam. Tôi sẽ về thăm quê nội. Quê nội tôi đang được đổi tên là Hòa Xuân. Thịt da của đất đá chắc phải tươi mát hơn. Xin đất  nhớ dành cho tôi một chỗ, vừa đủ để một quan tài . Tôi sẽ cố làm một “chiếc lá rụng về cội”. 
.....................................................................................................................................................

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.