Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Hồi ức về bài thơ Hai sắc hoa ti gôn


Hồi ức của nhà văn Ngọc Giao về bài thơ Hai sắc hoa ti gôn
 

Ngọc Giao sinh ngày 5 tháng 5 năm 1911 tại Huế trong một gia đình trung lưu. Quê quán ông ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 7 tuổi, ông theo gia đình ra Bắc, học ở Quảng Yên rồi Hà Nội. Sau khi đỗ bằng Thành chung (1928), ông ra làm báo và viết văn.
Từ năm 1934 cho đến năm 1945, ông là một trong số cây bút chuyên viết truyện ngắn cho báo Tiểu thuyết thứ Bảy (rồi từng làm Thư ký tòa soạn cho báo này), và cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân trong việc in ấn các loại sách báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Những tác phẩm hay, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn, Truyền bá.
Tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện ngắn Một đêm vui đăng trên Phổ thông bán nguyệt san số 3 ra ngày 1 tháng 2 năm 1937.
Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông cùng gia đình tản cư lên ở Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang) một thời gian ngắn, rồi trở lại Hà Nội, lại tiếp tục viết văn, làm báo. Lúc này ông viết cho các tờ: Phổ thông, Thế kỷ, Sinh lực, Lẽ sống, Lên đường, Công tội, Tiểu thuyết thứ Bảy (loại mới)...
Sau 1954, hầu như ông ngừng viết .
Năm 1993, ông được Hội Nhà văn Việt Nam "xác nhận tư cách hội viên từ năm 1957, tức là thuộc thế hệ sáng lập" .
Nhà văn Ngọc Giao mất ngày 8 tháng 7 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

Tác phẩm

 Tập truyện ngắn và bút ký

  • Một đêm vui (tập truyện ngắn đăng trên Phổ thông bán nguyệt san, Nxb Tân Dân, 1937. Nxb Hương Sơn tái bản, 1952)
  • Phấn hương (tập truyện ngắn và ký, Nxb Tân Dân, 1939)
  • Cô gái làng Sơn Hạ (tập truyện ngắn, Nxb Tân Dân, 1942. Nxb Văn học tái bản, 1989)
  • Chuyện người trẻ tuổi (tập truyện ngắn, Nxb Phổ Thông, 1944)
  • Ánh điện giải phóng (tập truyện ngắn và bút ký. Cùng viết với Hồng Hà, Trần Duy, Nxb Văn Nghệ, 1955)
  • Truyện thôn Kiều (tập truyện ngắn và bút ký, Nxb Văn Nghệ, 1956)
  • Truyện ngắn và ký (Nxb Hội Nhà văn, 2001)
  • Hà Nội cũ nằm đây (tuyển tập gồm nhiều thể loại, Nxb Phụ Nữ, 2010).

Tiểu thuyết

  • Cơn gió bấc (đăng nhiều kỳ trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Nxb Tân Dân, 1938)
  • Đất (Nxb Cây Thông, 1940)
  • Nhà quê (Nxb Bách Việt, 1944. Nxb Hương Sơn tái bản, 1951)
  • Con người (Nxb Ngày Mai, 1947)
  • Quán gió (Nxb Văn Hồng Thịnh, 1949. Nxb Hương Sơn tái bản, 1952)
  • Mưa thu (Nxb Trần Văn Huy, 1953)
  • Cầu sương (hay Thiếp phụ chàng. Nxb Tia Sáng, 1953).

Truyện thiếu nhi, hồi ký

  • Hiền (truyện thiếu nhi. Tủ sách Truyền Bá số 42, Nxb Tân Dân, 1942)
  • Máu chảy một dòng (truyện thiếu nhi. Nxb Đất Mới, Sài Gòn, 1974)
  • Đốt lò hương cũ (hồi ký về một số nhà văn Việt Nam [1930-1945]. Nxb Khánh Hòa, 1992).
Chưa xuất bản
  • Xóm Rá (phóng sự xã hội Sài Gòn, sáng tác 1953)
  • Xã Bèo-người của đất (tiếp theo tiểu thuyết Đất)
  • Phan Đình Phùng (kịch lịch sử, sáng tác 1962. Tác giả tự chuyển thể sang cải lương năm 1963).
Ngoài ra, ông còn sáng tác khoảng hơn 300 truyện ngắn, 14 bút ký, 6 bài chân dung văn học đăng trên các báo. Một số truyện ngắn hay của ông cũng được in trong các Tổng tập và tuyển tập văn học.
 
Có một tâm sự mà nhà văn Ngọc Giao giữ mãi trong lòng hơn nửa thế kỷ. Đó chính là hoàn cảnh ra đời của bài thơ Hai sắc hoa ti gôn. Ông kể rằng vào một buổi trưa, cuối mùa thu năm 1937, ở toà soạn báo Tiểu thuyết Thứ bảy, khi những đồng nghiệp trong toà soạn đã về nghỉ gần hết, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và ông. Trúc Khê Ngô Văn Triện còn nán lại để dịch Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ra quốc ngữ. Còn ông thì đã tiến đến chỗ mắc áo để lấy mũ và ra về. Nhưng đúng lúc đó có tiếng kèn đám ma. Đám tang đang đi qua phố Hàng Bông, ông là người rất sợ nghe tiếng kèn đám ma, nên ông mới nán lại thêm cho xe tang đi qua đã. Đã khoác áo, đội mũ chỉnh chu, ông không muốn quay vào phòng trong mà kéo ghế ngồi tạm lại chỗ gần cửa, gần nơi để cái sọt đựng giấy loại. Không biết điều gì xui khiến, ông đưa tay vào sọt giấy loại, nhặt lên mấy tờ bị vo tròn và quẳng vào đó chờ đi đổ xe rác. Tẩn mẩn, ông vuốt một tờ ra và đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết bằng bút chì nguệch ngoạc, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần là xong và gửi luôn cho toà báo. Theo quy định của báo là bài lai cảo phải viết trên một mặt giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy. Nhưng bài thơ đã khiến ông xúc động lạ thường, đó là Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh. Và ông đã ngồi lặng đi trong mối rung cảm đặc biệt. Rồi ông bước vội đến đưa bài thơ cho Trúc Khê, yêu cầu đọc ngay. Trúc Khê thấy ông đang quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm đọc bài thơ. Và Trúc Khê cũng ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc Khê vỗ tay xuống bàn, nói với ông: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này...!” Rồi ngay sau đó, Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo sắp chữ ngay bài thơ ấy cho số báo sắp ra. Vậy là Hai sắc hoa ti gôn đi vào đời sống thơ ca Việt Nam...
Kể câu chuyện tâm sự mấy mươi năm xưa cũ, nhà văn Ngọc Giao còn cầm bút ghi vào cuốn sổ lưu niệm của một bạn văn cùng thời là nhà văn Phạm Văn Kỳ cũng từng làm thư ký toà soạn tuần báo Tiểu thuyết Thứ năm. Những dòng lão nhà văn Ngọc Giao ghi vào sổ lưu bút của lão nhà văn Phạm Văn Kỳ có đoạn: “... Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ xuất bấy nhiêu... Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đoá hải đường Hai sắc hoa ti gôn đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt cả... Trong đó, rất có thể cả những áng văn hay mà cái anh thư ký toà soạn quan liêu, nhác lười, cẩu thả đã ném đi!...”.

Hai Sắc Hoa Ti Gôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng cạnh lòng.
 
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
 
Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy".
 
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
 
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.


Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".


Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Như hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
 
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi…
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
 
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
 
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.