Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Giải nhất nhiếp ảnh quốc tế FIAP


DƯƠNG-QUỐC ÐỊNH - NUDE ART/giải nhất nhiếp ảnh quốc tế FIAP
- Body Painting Dương Quốc Định
Dương Quốc Định  vừa vinh dự được nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi ảnh quốc tế Giuliano Carrara lần thứ  VII  trong một buổi lễ long trọng tổ chức tại Hội trường lớn Tòa thị chính thành phố (Italia) ngày 11/05 vừa qua với sự có mặt của ông Riccardo Busi Tổng thư ký Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), ông Fulvio Maerlak Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Italia (PIAP) cùng nhiều quan chức và đại diện giới nhiếp ảnh của Italia và thế giới.
 
 
                                                                               
 
 Ảnh: Nghệ sĩ Dương Quốc Định

Lòng Tham Không Đáy


 
Hôm ấy, trời vừa rạng đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: "Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết".
Sướng quá! Cha chết sống lại cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Lại một vòng nữa... Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với "Ruộng vườn mặc sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua".
Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc... Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá sức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
Điểm qua những câu chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?... Chắc có người tự hỏi: sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này làm gì có nhiều của mà tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể "ăn thua đủ" với những ai đánh cắp.
Lòng tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như mục đích. Bước thứ hai là tập cho có quan niệm: chúng ta chỉ là những người quản lý chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất và có như thế chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với những người cần thiết hơn. Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ. Hạt muối cắn hai mới thật sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt Thiên Chúa.
  
Nguồn:  Lẽ Sống

Người Việt và nạn cờ bạc.


*Long Nguyễn
 
     LỜI TOÀ SOẠN :  Cám ơn tác giả Long Nguyễn đã gióng lên một tiếng chuông báo động về tệ nạn cờ bạc trong cộng đồng người Việt. Đọc mà thấy xấu hổ vô cùng ! Ngay tại thành phố Seattle & và các vùng phụ cận, nạn ham mê cờ bạc rùng rợn đến nổi da gà, lạnh tóc gáy… Nhan nhãn đó đây, có đủ mọi thành phần cờ bạc. Một số các ông bà cụ ăn “welfare” thì ghiền chơi vé số hoặc cạo số… rụng cả lóng tay ! Còn đông đảo số khác thì trẻ có, già có… cuối tuần kéo nhau sắp hàng vào casino… Không biết ở nơi khác thế nào, chứ ngay tại tiểu bang Washington này Casino mọc ra như nấm. Đi cờ bạc có xe bus đưa, đón miễn phí, được tặng một khúc bánh mì, và còn được phát 25$ để thử thời vận nữa !… Có người nói đùa: ở Washington ra cửa là gặp casino, và chánh phủ tiểu bang Washington sống nhờ tiền thuế xổ số và các sòng bài cũng đúng thôi. Nhưng về mặt xã hội thì khiến nhiều gia đình tan nát… Ông chánh khứa nào mà mê cờ bạc, khi cháy túi cũng dám bán luôn cả cộng đồng lắm !?
     GÓP GIÓ
          
      Da đỏ muôn năm. Da trắng cũng muôn năm. Hehehe Da vàng không muôn năm. Vâng chỉ người Việt chúng ta không muôn năm.
     Thực thế, xin chia buồn với tất cả người Việt chúng ta rằng chúng ta ngày càng hư đốn. Nếu thập niên trước, cờ bạc là một trò giải trí xa lạ ít ai người đi chơi (phải lái xe vài tiếng đồng hồ trên một con đường lạ hoắc) thì bây giờ mỗi cuối tuần, đường đi các casino đông như người Ả Rập trẩy hội Ramadan.
     Theo truyền thống thì ở Việt Nam ta, người lớn tuổi mới cờ bạc. Các bạn trẻ có biết bao nhiêu thứ hấp dẫn để bận rộn. Nào là thời trang, son phấn, nào là hẹn hò trai gái, nào bài vở học hành. Người da đỏ biết tỏng và chúng không buông tha các bạn trẻ. Trẻ tuổi ai lại chẳng thích ca nhạc, bỏ vài tiếng lái xe lên sòng bài mỗi tuần một lần, xem thả giàn không tốn tiền. Hấp dẫn lắm chứ nếu phải bỏ vài chục đô một vé xem đại nhạc hội thỉnh thoảng được tổ chức để gây quỹ từ thiện gì đấy. Mỗi năm họa may có một, hai lần. Trồng cây 10 năm, trồng người 100 năm. Các bác da đỏ biết thế.Các em không khứng đánh bài thì vào đây xem ca nhạc cái đã, ở nhà làm gì. Cờ bạc không khó học, lâu dần sẽ biết.
     Người người ríu rít hẹn nhau lên xem Như Quỳnh, Trường Vũ, Như Loan và các ca sĩ thượng thặng hải ngoại khác trổ tài ca hát. Các Casino khác không chịu thua. Họ cử người qua Việt Nam mời cho bằng được Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Phương Thanh bất kể chi phí. Một ca sĩ Việt Nam qua Mỹ trình diễn, tiền bảo lãnh, tiền cát sê, tiền đút lót cho các cơ quan trong nước, có thể lên đến 10000 đô la. Một cuộc chiến tranh lạnh giữa các Casino ngấm ngầm diễn ra. Anh có Lam Trường thì tôi cũng có Quang Linh, thử coi ai hơn ai?
     Tại sao người da đỏ quan tâm đến chúng ta thế nhỉ? Họ thuộc vanh vách ngày nào là tết Nguyên Đán, Trung Thu, Giỗ tổ Hùng Vương, là Hoa Hậu Áo Dài. Chỉ có điều họ chưa ăn mừng ngày sinh nhật của già Hồ thôi. Chúng ta nên dành một chút thì giờ tìm hiểu tại sao chúng ta dễ lậm cờ bạc và tại sao, người da đỏ thương chúng ta đến thế.
     Một nghiên cứu gọi là the South Oaks Gambling Screen, xúc tiến bằng cuộc thăm dò 96 người Việt, Kampuchia và Lào. Kết quả cho thấy loại cờ bạc suốt đời lên đến 59%. Hơn 50% chơi cờ bạc trong vòng 2 tuần và 42% thua 500 đôla trong vòng 2 tháng . Kết quả này chưa nói lên điều gì rõ rệt ngoài việc chúng ta cần tìm hiểu về xã hội, môi trường, văn hóa liên hệ đến cờ bạc của những người tị nạn Đông Dương. Những ngăn ngừa nhạy cảm về chủng tộc và những sách lược can thiệp cần thiết để đối phó với nạn cờ bạc lên đến mức phi thường so với người Mỹ và giống dân khác.
     Theo cuốn Chỉ nam chẩn đoán và thống kê về bịnh tâm thần (TheDiagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) thì nghiện ngập cờ bạc là bịnh tâm thầntrong đó đầu óc người bịnh chỉ nghĩ về cờ bạc, mất mọi kiểm soát về đời sống cá nhân, gia đình, tiền bạc, nghề nghiệp và con cái. 1.9% người Mỹ mắc bịnh này và 3.9% thì có vấn đề cờ bạc giống tâm thần nhưng nhẹ hơn, mình thường gọi là bê tha, nguyên do vì thói quen xấu hơn là tâm thần.
     Người ta chọn Connecticut làm thí điểm, nơi có 4000 người Lào, 3500 Kampuchia và 10000 người Việt. Họ chọn 96 người tham dự cuộc nghiên cứu, trong đó có 30 người Lào, 30 Kampuchia và 36 người Việt. Kết quả 11 người Lào không có vấn đề, 3 có vấn đề (có vấn đề nghĩa là bê tha, tắc trách chứ không mắc tâm bịnh) và 16 người (28%) mắc bịnh ghiền cờ bạc. Người Kampuchia 5 không vấn đề, 7 có vấn đề và 18 bịnh (31%). Riêng Việt Nam chúng ta, 11 người không có vấn đề, 1 có vấn đề và kinh khủng thay, 24 người (41%) mắc bịnh ghiền cờ bạc. Nói dễ hiểu hơn, cứ 100 trự Việt Miên Lào mắc tật cờ bạc, Lào chiếm 28 trự, Miên 31 trự và Việt Nam ta 41 trự. Nhắc lại 1.9 % người Mỹ mắc bịnh ghiền cờ bạc và Việt Nam ta 41% mắc bịnh. Đẹp mặt con Rồng cháu Tiên và vinh quang cho dòng giống Lạc Hồng chưa?!
     Ôi cả một mạng lưới người da trắng lẫn da đỏ xâu xé cộng đồng người Việt chúng ta, chỉ vì chúng ta máu mê cờ bạc và điều này phơi bày một nguy cơ sâu xa hơn nữa: chúng ta quá cô đơn trong những vấn đề tinh thần như truyền thông, giáo dục con cái v.v...
     Vâng chúng ta bị người Mỹ bỏ rơi. Chẳng những thế, truyền thông người Việt hải ngoại cũng bỏ rơi chúng ta. Trong cuốn Paris by Night 81 (hay 82) ông Nguyễn Ngọc Ngạn có nhắc đến cờ bạc sau màn hài kịch gì đó nói về xổ số. Ông chỉ nói vài câu pha trò, vô thưởng vô phạt thôi. Có lẽ ông ngượng ngùng lắm vì không dám đả phá tệ nạn cờ bạc như trước đây trong tác phẩm Sau lần cửa khép của ông. Mỗi năm trung tâm Thúy Nga, trung tâm Vân Sơn hay Asia sản xuất được vài đĩa ca nhạc. Cho rằng mỗi ca sĩ được thù lao vài ngàn đô một lần. Lại còn tình trạng ca sĩ thuộc trung tâm này không được quyền hát cho trung tâm khác. Vậy thì một năm vài lần lấy gì sống mà có nhiều người bỏ cả nghề Luật sư, Bác sĩ lao đầu vào? Kiếp cầm ca có gì là vinh quang đâu?
     Thưa có. Tuần nào họ cũng đi show cho các sòng bài khắp nước Mỹ, phục vụ các con bạc người Việt. Đó mới là nguồn lợi tức chính yếu. Mỗi show mỗi tuần 5000 đô nhân cho 52 tuần trong năm. Cứ thế mà tính. Luật sư, Bác sĩ ăn thua mẹ gì.
     Các MC cũng thế. Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng biết bao lần được mời làm MC cho các chương trình ca nhạc tại các sòng bài. Thử hỏi ai dám chống nồi cơm của mình?
Báo chí Việt Ngữ cũng không kém.
     - "Chúng mình mở một mặt trận chống cờ bạc nhé." người viết có lần đề nghị thế với một chủ báo.
     -"Thôi viết cái khác đi. Truyện ngắn, thơ hay tham luận gì cũng được. Nói về cờ bạc đụng chạm nhiều lắm. Tốt nhất là tâng bốc mấy cơ sở thương mại. Chẳng mất lòng ai." Các chủ báo nói thế.
     Thảo nào mà báo chí trong vùng một mặt thì hô hào phục vụ cộng đồng mặt khác thì tranh nhau đăng quảng cáo ca nhạc cho các casino. Ôi thật là trái khoáy.
     Thỉnh thoảng ở chùa, nhà thờ cũng nói sơ về tệ nạn cờ bạc nhưng ý chừng dè dặt lắm vì ngay trong ban trị sự cũng có lắm cụ siêng năng việc bài bạc hơn việc thờ lạy, cúng bái. Các Cha các Sư càm ràm về cờ bạc nhiều quá các cụ nổi cáu. Mà hễ nổi cáu các cụ nghễnh ngãng việc đóng góp gây quỹ trong những dịp cần thiết. Các em gia đình Phật Tử, ca đoàn Công Giáo, nhóm Linh Thao, Hướng Đạo v.v... ngồi trong nhà thờ, trong chùa mà cứ kháo nhau tuần này có ca sĩ nào trình diễn. Cứ y như Muckle Shoot, Snoqualmie, EQC mới chính là nước Giời hay Niết Bàn vậy.
     Ô hay. Chúng  ta sống trong thời buổi gì mà trái thành phải, xấu nên tốt, đen thành trắng như thế? Một chính quyền Việt Cộng thối nát, tham tàn, bạo ngược được cả nước ca ngợi; những chuyên gia hiếp dâm trẻ con nghênh ngang trong những chiếc xe con có tài xế lái; những tay giám đốc thất học nắm trong tay biết bao nhân tài đất nước; những tên lãnh đạo quốc gia ngang nhiên đào xới tài nguyên đem bán rẻ được gọi là phát triển kinh tế, là tăng trưởng vượt bực; những em bé 7, 8 tuổi đầu bán qua Kampuchia học Yum Yum (bú), học Bum Bum (đi khách), học nói những câu rợn tóc gáy với Việt kiều: "Đi giùm con một cái đi chú, tội nghiệp con mà chú." Các em được bọn yêu nước yêu đảng mệnh danh là cháu ngoan bác Hồ.
     Và lạy Chúa tôi, ở hải ngoại chúng con, chống cờ bạc thì mất lòng lắm. Lạy Chúa! Nếu ngài không thể cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, thì tại sao bắt chúng con sinh ra trong một thời đại oái oăm như thế này. 
      Long Nguyễn

Máu Đỏ Ven Sông





Máu Đỏ Ven Sông

Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến
Cố Thiếu Tá Đặng Đình Vinh,
cựu Phi đoàn Trưởng phi đoàn 215,
một Niên Trưởng đáng kính,
một người anh thân thương…

Vĩnh Hiếu
Phi Đoàn 215, Thần Tượng



Lời mở: Sơ lược mặt trận Bình Định từ năm 1972

Đầu năm 1972, tin tình báo ghi nhận lực lượng Cộng quân gia tăng hoạt động ở vùng tam biên,Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân khu II, đã chỉ thị hai Trung đoàn 42 và 47 cùng Bộ chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 22/BB trách nhiệm vùng duyên hải Phú Yên, Bình Định, lên tấn thủ vùng Dakto và Tân Cảnh, nằm phía bắc của Kontum để bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến miền cao nguyên.

Đầu mùa Xuân 1972, đúng như sự dự đoán của Quân đoàn II, Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu mở một cuộc tổng công kích trên toàn lãnh thổ miền Nam. Trận chiến được mang tên “Mùa hè đỏ lửa” hay “Eastern Offensive”, tên gọi của Đồng Minh. Đây là một trận chiến khốc liệt và đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam của CSBV với mục đích cố đạt được một thắng lợi nào đó để làm “bàn đạp” trên bàn hội nghị của Hiệp định Paris.
Tại vùng Tây nguyên trận chiến đã bùng nổ ác liệt và gia tăng cường độ. Trong diễn tiến của cuộc chiến, áp lực Cộng quân càng ngày càng đè nặng lên những tiền đồn phòng thủ dọc theo biên giới, một loạt căn cứ hỏa lực (FSB) trên dãy Rockets Rigde phía tây con lộ 14, nằm giữa Komtum và Pleiku, đặc biệt là cao điểm Charlie của Tiểu đoàn 11 của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo bị thất thủ, kế đến là Tân Cảnh và Dakto II đã bị tràn ngập. Hai Trung đoàn 42, 47 bị vùi dập, tan nát, Đại Tá Tư lệnh Sư đoàn 22 bị tử thương. Cộng quân trên đà thắng thế làm chủ chiến trường, Kontum và Pleiku là mục tiêu kế tiếp của Bắc quân.

Tại vùng duyên hải Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng hai Tiểu đoàn Đặc công và Quyết tử với một Trung đoàn địa phương tấn công những quận lỵ miền bắc tỉnh Bình Định.

Vào tháng 4 năm 72 ba quận lỵ miền Bắc là Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tam Quan tỉnh Bình Định hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Bọn Cộng Sản hy vọng với Kontum và Pleiku trong tay, chúng sẽ cắt miền Nam ra làm đôi. Tuy nhiên vào khoảng thượng tuần tháng 6 năm 72, mũi dùi B-3 của Cộng sản đã bị bẻ gãy tại Kontum, ý đồ chia cắt miền Nam của Bắc quân đã thất bại với hơn bốn chục ngàn xác chết bỏ lại trên chiến trường Tây nguyên. Riêng tại mặt trận Bình Định vẫn tiếp tục qua những trận chiến bốc lửa giữa Sư đoàn 22 Bộ Binh tái lập và những Liên Đoàn Biệt Động Quân dành lại những phần đất đã mất.

Sau đây là bài viết nói lên một ngày đáng nhớ của Phi đội Mãnh Hổ, Phi đoàn 215 trong giai đoạn tái chiếm và ổn định mặt trận Bình Định mùa hè đỏ lửa 72.

Thượng tuần tháng 8 năm 1972


Khi chiếc trực thăng võ trang lên cao tới ba ngàn bộ tôi bắt đầu cho tàu bình phi dọc theo con đường nhựa đen bên dưới. Sau đuôi tàu, chiếc võ trang số hai của phi đoàn Thần Tượng đang bám theo, cánh quạt bay chấp chóa trên vườn dừa xanh um. Bên trái tôi người hoa tiêu phụ đang ngồi yên bất động trên ghế, chiếc “visor” trên nón bay kéo che kính cả nửa mặt.

-Hùng bay giùm tôi,.. cứ theo con Quốc Lộ-I này về hướng bắc rồi mình sẽ gặp “Charlie” ở vùng mật khu An Lão.

Chờ cho Thiếu úy Hùng cầm cần lái xong tôi ngả người vào lưng ghế bay móc điếu thuốc lá ra châm lửa đốt. Trong tiếng rung đều đặng của thân tàu cùng tiếng ì ầm quen thuộc của động cơ, tôi ngửa đầu thả hồn làn qua khói thuốc nhìn xuống cảnh vật bên dưới. Con QL-1 đang uốn lượn giữa một vùng rừng đồi núi xanh loang lổ, chạy qua những những thửa ruộng vuông vức đủ màu, những chòm xóm chùm đụp nhà cửa bé tí, mái đỏ xen kẽ mái tranh màu nâu im lìm san sát bên nhau dọc theo đường. Rãi rác đây đó trồng những vuờn dừa xanh tươi ngay hàng thẳng lối. Tàu càng đến gần Bồng Sơn, Tam Quan dừa xuất hiện càng nhiều. Dừa mọc ven đồi, dừa mọc dọc theo những bờ đê, mọc ven sông, ven suối, ven đường hay giữa những chòm xóm… Dừa trồng khắp mọi nơi, đúng Bình Định là đất lắm dừa! Nghe nói rằng lính đi hành quân vùng này khỏi đem theo nước uống, quả không sai! Câu thơ lục bát sau đây đã nói lên rằng đây là xứ sở của dừa:

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan


Xứ Bình Định độc đáo với những đầm phá lớn dọc theo biển, là vùng đất nổi danh lịch sử của Anh Hùng Áo Vải, hay qua những giai đoạn kháng chiến chống Pháp. những danh lam thắng cảnh đặt biệt là hòn Vọng Phu. Ngay giờ phút này, qua khung cửa về hướng biển tôi có thể thấy núi Bà, uy nghi trùng điệp nằm phía nam đầm Đạm Thủy, huyện Phù Cát. Đó là một danh sơn của Bình Định còn được gọi là Phô Chinh Đại Sơn. Ở đó có hai khối đá một cao một thấp, từ biển trông vào giống như một người đàn bà dắt đứa còn ngóng nhìn ra khơi mà dân địa phương gọi là hòn Vọng Phu để đề cao lòng thủy chung của người đàn bà như tảng đá xanh đứng hoài ngàn năm thi gan cùng tuế nguyệt.

“Bình Ðịnh có núi Vọng Phu,
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh. ..”


Nhìn bức tranh đồng quê êm ả đang trãi dài dưới chân cho một ảo tưởng đây quả là một vùng quê an lạc, thái bình…Nhưng đáng tiếc thay đây mới thật là một vùng đất đã gánh chịu nhiều nhọc nhằn cơ cực, đau thương tang tóc nhất trên đất nước qua bao cuộc chiến tuơng tàn. Đã từ lâu, Bình định là một nơi sôi động, nóng bỏng, không phải chỉ ngay giai đoạn này, mà ngay từ thời của kháng chiến chống Pháp trong phong trào Cần Vương (1885-1887). Với tinh thần ái quốc của nguời dân xứ này qua truyền thống vùng đất Tây Sơn, của vua Quang Trung, đã bao phen quân đội viễn chinh Pháp đã dồn hết mọi nỗ lực mà vẫn không chế ngự và kiểm soát được. Cho đến ngày hôm nay, với những địa danh An Khê, Hoài Ân, An Lão, vùng đất 262 nằm giữa ba quận Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh mà Cộng sản đã tự xưng là vùng tam giác sắt, là những cứ địa vững vàng của CS vì địa thế thâm sâu, hóc hiểm của những dãy núi Trường Sơn hùng vĩ về hướng tây.

Sau ba tháng trời ròng rã trên mặt trận Tây Nguyên, đối đầu với một trận chiến kinh hoàng nhất trong chiến tranh Việt Nam, chưa được nghỉ ngơi bao lâu thì Phi đoàn Thần Tượng lại một lần nữa được lệnh quẩy gánh lên đường biệt phái Phù Cát, Không đoàn 60 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn V, hổ trợ cho Sư đoàn 22 Bộ Binh tái chiếm những quận lỵ miền bắc Bình Định đã mất vào tay Cộng quân. Đây là một mặt trận khốc liệt đối đầu với Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Chỉ trong vòng một tuần đầu biệt phái, sau những phi vụ đổ quân liên tục, một hoa tiêu của phi đoàn Thần Tượng đã hy sinh, năm nhân viên phi hành đoàn bị thương và ba chiếc trực thăng phải bỏ lại tại chiến trận.

Chiến trường Bình Định là vùng đất của những đơn vị thiện chiến nhất cuả Cộng sản, với sự chỉ huy của Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân Khu 5 – một trong 8 khu cuả quân đội CS, gồm các tỉnh miền duyên hải từ Bình Định đến Quãng Nam. Dưới tay CHM có Sư đoàn 3 Sao Vàng, Tiểu đoàn 405 Trinh sát đặc công, Tiểu đoàn quyết tử, cùng những Trung đoàn Địa phương với những cán bộ nằm vùng cuồng tín và tàn bạo bật nhất. Bốn chữ “Sinh Bắc Tử Nam” thường được thấy xâm trên cánh tay của đa số bộ đội Sư đoàn Sao Vàng để nói lên sự quyết tử của đơn vị này. Tại mật khu An Lão, nơi một cánh chim Thần Tượng bỏ xác, là một vùng đất nằm kẹp giữa hai dãy núi Trường sơn, xung quanh địa thế hiểm trở. Đây là gạch nối với mật khu Đỗ Xá ở vùng tam biên Tây Nguyên và cũng là một mật khu an toàn nhất mà Cộng sản thường truyền khẩu thách thức rằng: “Suối Đỏ ai qua là bỏ mạng!”- suối Đỏ là một trong những con suối chảy vào phần thượng lưu của sông An Lão.

Về hướng đông nam của mật khu này khoảng bốn mươi cây số là căn cứ Phù Cát là một trong những căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ để lại, có một phi đạo dài mười ngàn “feet” có thể đáp ứng cho tất cả các loại máy bay lên xuống, nằm sát phía tây QL-1 giữa ranh giới ba quận An Nhơn – Bình Khê – Phù Cát, cách Quy Nhơn hướng tây bắc khoảng 30 cây số đường chim bay, có một vị trí chiến thuật rất quan trọng, kiểm soát và khống chế tất cả đường giao liên của Cộng quân ở vùng An Lão cũng như các vùng phụ cận miền Tây nguyên. Vì thế địch quân luôn luôn tìm mọi cách quấy phá từ lúc KQVN mới được Hoa Kỳ chuyển giao và về sau này chúng đã mở nhiều trận tấn công để dứt điểm cái “tổ ong vò vẽ” này. Vị Chỉ huy trưởng là Đại Tá Nguyễn Hồng Truyền, một trong những hoa tiêu khu trục từ thời “tiền sử”, rất được cấp dưới mến mộ và coi như là người anh cả vì cá tánh bình dân, lo lắng và quan tâm đến thuộc cấp.

Phi trường Phù Cát bao quanh toàn làng xã nghèo nàn, không có một thú giải trí nào ngoài vài quán ăn trong căn cứ. Những ai “được” bổ nhiệm đến nơi tận cùng này thì không còn chỗ nào để đi xa hơn nữa ngoại trừ “vùng năm chiến thuật”- cụm từ này có tính cách khôi hài ám chỉ bên kia thế giới. Những người nào có đem vợ con đến đây thì cuộc sống bớt buồn tẻ hơn. Riêng những anh chàng độc thân thì chỉ biết quây quần với mấy tên đực rựa trong phi đoàn, nấu nướng vớ vẩn, hay lê la mấy cái quán nước do gia đình binh sĩ làm chủ, còn hy vọng tìm được một người yêu để thương để nhớ hay để làm vợ thì chỉ có trong giấc mơ. Nếu những quân nhân nào trong căn cứ này muốn “thực tập tác xạ” thì ra ngay mấy “sân bắn” chỉ cách cổng phi trường chưa tới một cây số để luyện nghề, hay là chịu khó leo lên xe “Lambretta” ba bánh chạy ra phố Qui Nhơn tìm “target”. Tại căn cứ Không Đoàn 60 này có một quán ăn tên “Playboy” do một sĩ quan Không quân chủ, có ba cô gái xinh xắn nhí nhảnh như ba con thỏ là ba đóa hoa tươi thắm là một niềm vui hiếm hoi cho mấy trăm chàng phi công hào hoa phong nhã..Đang ngồi trầm ngâm thưởng thức điếu thuốc lá trên môi, bỗng chiếc trực thăng rung mạnh như vừa đi qua cơn lốc trốt, tiếng cánh quạt đập vào không khí kêu phầng phật. Trên ghế trái, Thiếu úy Nguyễn Thanh Hùng đang cầm cần lái, nét mặt tư lự như đang suy tư một vấn đề gì. Anh em trong phi đoàn thường gọi anh là Hùng “kiền” vì tướng đi khệnh khạng như cầu thủ đá banh. Hùng là một hoa tiêu đã chia sẽ với tôi rất nhiều phi vụ trong phi đội trực thăng Mãnh Hổ.

-Hùng!..làm gì mà im lặng thế? Đi phép về Sài Gòn hai tuần có gì hay kể cho anh em nghe với.

Câu hỏi của tôi như cắt đứt dòng tư tưởng trong đầu Hùng, anh quay nhìn tôi một vài giây rồi trả lời:

-À!..vui,.. nhưng trôi qua mau quá. Chỉ hơi buồn lúc chia tay với cô bạn gái, em ôm tôi khóc suớt muớt, cứ lo cho tôi…

- Vậy bạn gái của Hùng đã biết vụ Hùng mấy lần thoát chết ở Kontum rồi à?

-Không!,..ai mà nói mấy chuyện đó. Chẳng ích lợi gì, làm em lo, mình thêm bận tâm. May mà em chưa biết gì cả mà còn như thế đấy!

-Mấy cô có bồ phi công nguời nào cũng có tâm trạng đó cả. Sợ thì cứ sợ, mà thích thì cứ thích phải không?

Hùng nhếch mép cuời, không trả lời. Giây phút này mà Hùng còn ngồi trên ghế bay quả là một sự may mắn. Mấy tháng vừa qua vẫy vùng trên vòm trời “mùa hè đỏ lửa” tại mặt trận tây nguyên cùng với tôi trong phi đội Mãnh Hổ 215, Hùng đã hai lần thoát khỏi lưởi hái của Tử thần như đã có sự xếp đặt nào của bàn tay vô hình nào đó. Lần thứ nhất, thay vì bay chiếc trực thăng võ trang Hổ I với Trung úy Phạm Thành Rinh trưởng phi cơ, Hùng đã đổi phi vụ theo lời yêu cầu của bạn là Thiếu úy Võ Diện để bay với Thiếu Tá Phạm Bính, phi đoàn trưởng 215 trong phi vụ đem thức ăn cho hợp đoàn hành quân. Ngày hôm đó chiếc trực thăng võ trang Hổ I đã bị trúng phòng không nổ tan xác cùng với Thiếu uý Diện trên vòm trời Tân Cảnh. Như biến cố đã xãy ra, có một số nguời trong giới phi hành tin rằng: bay thế, bay giùm, thay đổi phi vụ… thuờng đem đến những điều bất thường, không may. Đúng hay không, chỉ có những người phi công đã vào sanh ra tử, sống trong thế giới luôn luôn va chạm thách đố với cái sống cái chết mới biết được. Lần thứ hai, trong khi yễm trợ phi vụ tiếp tế cho Trung Đoàn 44/SĐ23 BB đóng quân ở vòng đai bảo vệ Komtum, chiếc trực thăng võ trang của Hùng bị lọt vào ổ “kiến lửa” phòng không đã trúng đạn và phải đáp khẩn cấp xuống một vùng ruộng khô ngoại ô thành phố. Chiếc trực thăng vấp phải bờ ruộng, lật nhào vỡ tung. Phi hành đoàn, trong đó có Thiếu uý Hùng, đã thoát hiểm như một phép lạ, ngoại trừ nguời xạ thủ đã bị tử thương vì một viên đạn xuyên qua nách áo giáp khi tàu đang còn ở trên trời.

-Mãnh Hổ!..đây Charlie gọi!

Nghe tiếng của Thiếu tá Đặng Đình Vinh bay chiếc Charlie cất cánh từ trước vang trên tầng số, tôi ngồi bật giậy, búng điếu thuốc ra khỏi cửa:

-Hổ một nghe! .

-Tụi mày tới đâu rồi?

-Nam Bồng Sơn khoảng năm phút bay, trên QL-1!

-OK,..tao đang ở phía nam mật khu An Lão khoảng năm cây số, tụi mày quẹo về hướng tây gặp tao.

Tôi nghiêng tàu rời QL-1. Vài phút sau hai chiếc trực thăng võ trang bắt đầu bay vào vùng thung lũng Kim Sơn, quận Hoài Ân. Đây là nơi sinh trưởng và đã được dùng làm chiến khu của chí sỉ Tăng Bạt Hổ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Vùng đất này nằm phía nam thung lũng An Lão khoảng hơn mười cây số là nơi dưới sự kiểm soát của CS, cứ địa của Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Đầu thập niên 60, nhận thấy địa thế chiến lược quan trọng của thung lũng An Lão, chính quyền miền Nam thành lập chi khu An Lão, nằm hướng tây-bắc của Bồng Sơn khoảng mười lăm cây số đường chim bay, với mục đích làm nút chặn chống lại sự xâm nhập của Cộng sản từ mật khu Đổ Xá vùng tam biên xuống vùng đồng bằng đông dân cư tỉnh Bình định. Vào năm 64-65, lợi dụng miền Nam đang ở trong giai đoạn chính trị bất ổn, Cộng sản bắt đầu mở chiến dịch Thu-Đông, tấn công vào chi khu An Lão. Nhiều trận chiến đã bùng nổ dữ dội và đã gây tổn thất nặng nền cho đôi bên. Những năm kế tiếp, cho dù có nhiều cuộc hành quân hổn hợp với Sư Đoàn 1 Không Kỵ của Hoa Kỳ, nhưng QL/VNCH vẫn không kiễm soát được vùng đất hiểm trở xa xôi này và phải bỏ rơi vào tay CS. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, mật khu An Lão luôn luôn là nơi dằng co, đụng độ của hai phía VNCH và CS.

-A!..Có chiếc ghe sát bờ sông… kìa!..Thấy không?

Đang trầm tư mặt tưởng tôi giật mình khi nghe tiếng người xạ thủ nói với anh “mê vô” trong “intercom”.

-Cái gi? Ghe?…chỗ nào đâu?

-Đó,..ngay khúc quẹo bên phải bờ sông. Đó!..thấy chưa?

Tôi nghiêng đầu nhìn xuống, giữa những rặng núi xanh dốc cao chạy song song với nhau, con sông Kim Sơn nước xanh không thấy đáy đang uốn lượn, hai bên cây mọc chen chúc ra tới mé nước tạo thành những vòm lá che kín hết bờ sông.

- Ghe chỗ nào đâu,..sao tao không thấy! Tôi quay đầu ra sau hỏi.

-Đó, sát ngay lùm cây bên bờ sông ngay khúc quẹo… đó!

Từ cao độ ba ngàn bộ, một chiếc ghe tam bản trông nhỏ xíu như chiếc lá vàng trôi lững lờ trên mặt nước, trên ghe chở khoảng năm bảy người bận đồ đen ngồi phía sau, trước mũi chất đầy bao bị. Một chiếc ghe đơn độc làm gì ở nơi thâm sâu cùng cốc, hoang dã này, không một luống rẫy, không một chòi lá, không một bóng người ngoài những trung đoàn của CS đang lén lút hoạt động đâu đó. Linh cảm một điều gì không ổn, tôi cho tàu vòng lại. Chiếc tam bản vẫn bình thản xuôi theo dòng nước, không hề có một phản ứng khi thấy hai chiếc trực thăng đang bay vòng trên trời. Thấy Hùng đang nghễng cổ nhìn xuống, tôi hỏi:

-Hùng!..bạn nghĩ sao về chiếc ghe này?

-Chắc là dân vào đây lưới cá hay tìm củi quý trên rừng không?

-Mãnh Hổ!..Đây “Charlie”…tới đâu rồi? Trên tần số tiếng của chiếc trực thăng chỉ huy gọi.

Xa tít trên cao chiếc tàu của Thiếu tá Vinh như một chấm đen đang lơ lững trên đầu núi.

-Charlie!..Đây Mãnh Hổ! Tôi thấy “Charlie” rồi.

Nói xong tôi nhìn xuống bờ sông bên dưới một lần cuối rồi chắc lưởi quay đầu hướng về mật khu An Lão.

-OK!..Hổ đến đây “hold” chờ tôi!..Hiện tao đang tìm bãi để thả toán, có thể ngày mai mới thả.

-Charlie!…báo cáo…tôi vừa thấy một chiếc ghe chở người trên sông gần đây,..không biết là dân hay Việt Cộng?

-Ghe chở người trên sông Kim Sơn?

-Đúng năm!..khoảng năm bảy người bận đồ đen,..hình như trên ghe có chở đồ gì tôi không rõ!..

-Hổ chờ, để Charlie “check” với bộ binh…chờ chút…

Tôi hồi hộp chờ…

-Hổ!..theo Bộ binh cho biết chiếc ghe ở vùng này đều là Việt Cộng chở đồ tiếp tế cho mật khu, Hổ tự do oanh kích,..tao sẽ đến gặp tụi mày.

Vừa nghe Charlie xong, tôi vội vòng con tàu quay đầu trở lại. Ngay trước mũi tàu chiếc võ trang số hai của Thành đang bay ngược chiều cùng cao độ.

-Hổ hai có “monitor” tần số không?

-Có,..đúng là tụi Việt Cộng,..bị bắt gặp bất ngờ, trốn đ. kịp!..Vùng này làm đếch gì có dân.

-OK!..Hai quẹo lại theo tao.

Vừa đến trên đầu khúc sông, tôi giữ nguyên cao độ bay dọc theo một bên bờ. Dòng sông vắng lặng không một bóng dáng của một chiếc ghe. Chiếc tam bản đã biến mất không một dấu vết!

-Hổ hai,..tụi nó “lặn” lẹ thiệt!…vừa mới đây.

-Chắc tụi này là người nhái!…hahaha..Thành cười to trên tần số Mãnh Hổ.

Không đáp lời diểu cợt của Thành, trong lòng hậm hực như con Hổ vừa vuột mất mồi, những câu hỏi đang chạy nhanh trong đầu tôi: “Chiếc ghe đã biến đi đâu trong một thời gian quá ngắn chỉ vài ba phút đồng hồ?..Có thể chúng đã cặp bờ chạy trốn khi thấy trực thăng trở lại?..Hay có khi nào chúng ẩn núp dưới những tàn cây bên bờ sông?” Nghi tới đó, tôi vội đè nhanh cần cao độ, đẩy con tàu chúi mũi, chiếc trực thăng cắm đầu rơi như chiếc lá vàng xuống trên mặt rừng cây.

-Hổ hai!..đây Hổ một,..ở trên “cover” nghe!..Chắc tụi nó trốn đâu đây, xuống dưới kiếm thử.

Thông báo cho Hổ hai xong, tôi chỉ thị cho người xạ thủ sau tàu:

-Ở sau sẵn sàng!.. nếu thấy chiếc ghe là bắn liền, đừng để tụi nó trở tay.

Lấy hết tốc lực tôi “zic-zac” con tàu trên đầu đọt cây sát mé nước nhìn qua phía bên kia sông. Đúng như tôi dự đoán!..Tàu vừa tới ngay khúc quẹo của dòng sông, ngay dưới vòm cây sát bờ một chiếc ghe tam bản chở đầy người đang dập dình trên mặt nước.

-Cóc…cóc…cóc…Một tràng súng AK-47 nổ rền vang vọng từ bên kia sông.

-”Mini-gun”!..Tôi hét.

-”Whoo…whoo…”

Chiếc trực thăng lướt dọc theo bờ sông khạc ra hằng ngàn viên đạn tua tủa chạm mặt nước sông văng lên tung tóe. Chiếc ghe bị bao phủ dưới vòm nước trắng xóa. Tiếng rống kéo dài chừng ba bốn giây thì chiếc ghe đã ra khỏi tầm bắn. Miệng khô đắng,..tim đập nhảy loạn, tôi la to trong tiếng gầm thét của cây súng đang quay tít:

-Thôi!..thôi!..Đủ rồi!..để tao quẹo lại!

Người xạ thủ hình như không nghe, hăng máu tiếp tục bóp cò.

-Hổ một!..Hổ một!..có chuyện gì vậy?

Ngẫng đầu nhìn lên thấy Thành “râu” đang quần vòng tròn trên cao, tôi yên chí:

-Tao OK!..Mày ở trên đó “cover” đi! Chiếc ghe lúc nảy…

Siết chặc cần lái, tôi kéo ngược đầu tàu quay 180 độ lộn trở lại bay dọc theo bờ nhìn sang bên kia sông Người xạ thủ bên phía trái đứng hẳn lên, chỉa súng sẵn sàng…Bốn cặp mắt trên tàu cùng nhìn về một hướng. Không khí trên tàu căn thẳng đến tột độ!

Chiếc ghe đã hoàn toàn biến mất dưới vòm cây giữa vùng nước đang còn xao động đã đổi sang màu thẩm!..Màu của máu!..Dập dềnh những xác người bên những bao bị nổi lều bều trên mặt nưóc. Những gì nhìn thấy đã quá đủ, tôi kéo nhanh cần cao độ, vội vã rời vùng, chiếc trực thăng hướng mũi lên lướt theo sườn núi dốc cao, gió mát lồng lộng vào khoang tàu phảng phất mùi thuốc súng trong không khí. Trên cao chiếc “Charlie” đang trên đường đi tới.

-Hổ đây Charlie!

-Hổ nghe!..Charlie,..tôi đã “thanh toán” chiếc ghe xong rồi…

-OK!..Để đó đi,..bộ binh đang đụng trận phía bắc Đầm Trà Ô, cần “gunships” yễm trợ …Hai Hổ theo tôi!..

-Còn vụ thả toán thì sao? Tôi vội vàng hỏi.

-Hủy bỏ,..bạn ghé Trà Quang đổ xăng, nghỉ nửa tiếng ăn trưa xong bay ra hướng biển gặp tôi sau. Hổ nhớ để tần số liên lạc.

Nghe chỉ thị xong, tôi nhờ Hùng cầm cần lái rồi vuốt những giọt mồ hôi đang chảy dài xuống trán.

-Mình cần “load” đạn thêm không? Tiếng người xạ thủ trong “intercom”.

-Chắc không cần đâu!..mình còn nhiều. Đáp xuống đây đây ăn trưa, đổ xăng xong đi lại ngay. Nhớ “check” lại tàu coi có dính lổ nào không?

Hai người xạ thủ và mê vô ngồi trên thùng đạn đại liên phía sau khoang tàu nghe tôi nói, im lặng không trả lời, trên khuông mặt bình thản không hề phản ảnh một chút gì về những giây nguy hiễm vừa trãi qua. Có lẽ họ đã quá chai lì với cảm giác. Một niềm xúc cảm chợt thoáng dâng trong lòng, tôi thấy gần gũi những người mê vô xạ thủ hơn bao giờ hết. Chính họ là những người đã từng chung chia với tôi biết bao nhiêu giây phút căn thẳng hiễm nghèo trên trận tuyến, cùng sướng cùng khổ qua bao ngày tháng giang hồ phiêu lưu, dong duỗi trên những vùng đất xa xôi hẻo lánh. Có thể nói rằng phi hành đoàn trực thăng là một đơn vị tác chiến nhỏ nhất và gần gủi với nhau nhất trong những đơn vị tác chiến.

Trước mặt tôi dưới thấp hiện ra một dãi đất đỏ nhỏ tí đang chạy song song với con QL-1. Tàu hạ dần cao độ đáp. Hai càng chạm đất bụi đỏ bay mù mịt. Sau lưng chiếc Hổ hai vừa đáp xuống. Một đám con nít từ xóm nhà lá bên kia đường chạy ùa đến xem. Tôi tắt máy, rồi bước xuống đất vươn vai xong móc điếu thuốc cuối cùng châm lửa đốt rồi nói vói cho Thiếu úy Hùng đang ngồi trên phòng lái:

-Hùng,..tí nữa đổ xăng dùm,..tôi qua bên kia đường kiếm mua gói thuốc về ngay…Trong khi chờ đợi kiếm gì ăn đi.

Nói xong tôi quay người đi ra con đường QL-1 chạy song song với bãi đậu trực thặng. Đợi cho chiếc xe cam-nhông chở đầy lính bộ binh chạy vù ngang mặt xong, tôi chạy băng qua đường nhựa đen đến bên kia là một xóm nhà nhỏ lèo tèo vài chục mái tranh. Một căn nhà nhỏ lợp tôn, ngay trước cửa để một cái bàn bày vài ba hủ kẹo bánh, năm bảy gói thuốc lá thêm vài chai nước ngọt, trên khung cửa treo tòng ten những món đồ lỉnh kỉnh. Một con chó vàng, ốm nhom đang đứng trước sân ve vẫy đuôi. Tôi đến kế bên khung cửa sổ thò đầu nhìn vào trong nhà. Trên nền xi-măng loang lổ sát bên khung cửa một người đàn ông gầy ốm trạc trung niên ngồi bệt kế trên mặt đất bên một người đàn bà và ba đứa con nít khoảng bốn năm tuổi, đang bu quanh một nồi cơm nhỏ, khói ám đen, đứa bé nhỏ nhất hai ba tuổi mặt mày lem luốc ở truồng như nhộng. Ba đứa trẻ ngồi chăm bẳm háu háu nhìn vào nồi cơm, để kế bên là tô canh lỏng bỏng, một con cá bằng nửa bàn tay được gắp ra để trong chén nước mắm cạnh một dĩa rau nhỏ.

-Có ai…bán thuốc lá!?..Tôi lên tiếng.

Người đàn ông ngẩn lên nhìn một giây rồi vội vàng đứng lên, chân cao chân thấp lết tới bên cái bàn kê thuốc lá. Anh ta bận chiếc áo trắng đã ngã màu ngà, trên khuông mặt gầy hóp chỉ còn một mắt, mắt bên kia lõm sâu chỉ còn tròng trắng, một vết sẹo lớn chạy xéo ngang chân mày. Nhìn anh ta tôi ái ngại, rồi chỉ tay vào “quầy” hàng:

-Cho tôi gói thuốc…này!”

Người đàn ông liếc nhìn, thấy tôi trong bộ áo bay anh ta không nói một lời. Cầm gói thuốc lá vô tình tôi bắt ngặp anh ta đang nhìn tôi với một ánh mắt có vẻ khác lạ, không mấy thiện cảm. Những người dân xứ này từ thời kháng chiến chống Pháp đã bị thâm nhiễm chiêu bài “Dân Tộc” bịp bợm qua những tuyên truyền của Cộng Sản, đã nghèo đói lại bị ở vào cái thế “một cổ hai tròng” vô cùng khốn khổ. Người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn, không đủ sức để mưu sinh, tranh sống trong vùng đất khó khăn sỏi đá đầy bom đạn mà cái chết chóc luôn luôn rình rập đe dọa. Những gia đình sống ở những làng ấp xa xôi hầu hẻo lánh hết đều có con cái, thân nhân bị chiêu dụ, cuỡng ép vô bưng hay gia nhập quân du kích địa phương. Sống ở vùng đất này, Cộng sản biết rõ sự ảnh huởng của chúng, cho nên Quân Khu 5 của chúng luôn luôn là chiến trường chủ yếu và mang tính chất quyết định. Chúng dồn mọi nổ lực, tuyên truyền, vận động, đe dọa tạo áp lực với mục đích gây nên sự chém giết, hận thù, sợ hãi, tạo nên sự bất ổn, xáo trộn hòng trà trộn, gây hậu thuẩn cho chiến thắng bằng giải pháp quân sự sau này.

Tôi quay đầu băng qua con lộ trở về bãi đáp, để lại người đàn ông nhìn theo với một ánh mắt khó hiểu. Hình ảnh của một gia đình bu quanh bửa cơm đạm bạc với một người đàn ông chột mắt, chân cao chân thấp lẩn quẩn trong đầu.

Tại bãi đáp hai chiếc trực thăng võ trang đang đậu im lìm, cánh quạt buông thả lững lờ. Về tới tàu thấy Thành “râu” đang ngồi đấu láo với Hùng “kiền”. Vừa thấy tôi Thành lên tiếng:

-Ê mày!..biết không… hôm qua tao được nghỉ, đếch biết làm gì tao tình nguyện lấy phi vụ bay cho Đại Tá Thọ ủy lạo chiến sĩ vùng mà tao với mày vừa đánh ngày hôm trước…

-Có phải Đ/T Hoàng Đình Thọ Tiểu Khu Trưởng không? Vừa trả lời cho Thành tôi vừa móc ổ bánh mì để dưới túi quần mở giấy ra ăn.

-Đúng rồi.., để tao kể cho nghe…tụi VC bị “rockets” tụi mình chết nhiều lắm…Tàu đậu chờ, tao rãnh đi loanh quanh gần đó…mẹ!..thấy một bà già đang ngồi bên đứa con trai trước thềm nhà…nó thương trên cổ, băng bông gòn mặt xanh dờn như tàu lá. Tao nghĩ chắc nó mất máu nhiều lắm…Bà nói với với tao là thằng con bị lạc đạn trong vùng giao tranh vì chạy không kịp. Mày còn nhớ cái làng tao với mày đánh mấy ngày trước không?..Mẹ,..thấy cổ nó loét máu mà băng bó quá sơ sài,..tao mới hỏi bà có muốn đem thằng con về Qui nhơn đi nhà thương hay không tao cho quá giang về…

-Mày chở trên tàu V.I.P của ông Đại Tá?..

-Tao đ. ngán…thấy cần phải làm thì làm…Phải thấy trước mắt thì mới hiểu được tâm trạng của tao lúc đó…Mẹ cái gì,..bị thương như thế mà thấy nó chỉ dán một miếng băng nhỏ xíu…ở vùng hẻo lánh như thế làm gì có thuốc thang cho đủ…Tao nói hai người theo tao về tàu rồi cho lên ngồi phía băng sau. Tao biểu thằng Lan mê vô ngồi ngay trước che đừng cho ông Đại tá Thọ thấy.

-Mày quá ẩu!

-Mày biết sao không!?.. Muốn cho chắc ăn, khi thấy gần đến giờ cất cánh là tao quay máy máy trước, nâng cần cao độ lên tí cho cánh quạt thổi bụi mù. Chờ ông ta và hai tên phụ tá vừa ngồi xuống chưa kịp gài dây nịt là tao kéo tàu cất cánh liền. Khi tàu bay gần đến Phù Mỹ, mùi hôi tanh của thằng nhỏ làm cho ông Đại tá thắc mắc quay đầu nhìn mới phát giác bà già với đứa con đang núp sau lưng thằng Lan..

-Thấy mẹ!..Hùng “kiềng” đang ngồi im chêm vào.

-Mày biết sao không?..Ổng ta chồm lên ghế bay hỏi tao ai cho phép hai người này lên tàu này?…Tao trả lời: “Dạ,.. tôi thấy tội nghiệp nên giúp họ về Qui Nhơn đi nhà thương…nghĩ chắc Đại Tá cũng thông cảm”.

Thành nói tiếp:

-Ông ta tỏ vẽ khó chịu,.. không nói mẹ gì cả. Tàu đáp, ông ta nhảy xuống đi một mách…đ. nói với tao một câu nào.

Đang nói chuyện tới đó thì có tiếng phành phạch của trực thăng bay đến. Chiếc “Charlie” của Thiếu tá Vinh bay vòng trên đầu, người xạ thủ chồm người ra ngoài nhìn xuống đưa tay ra hiệu cất cánh. Trên tần số của VHF, tiếng Thiếu tá Vinh:

-Hai Hổ lên gấp…Bộ binh đụng ở phía bắc Đầm Trà Ô cần “gunships” yễm trợ! Lên vùng gặp tôi sẽ có chỉ thị!

Nhìn đồng hồ xăng còn hơn nửa, tôi hỏi người hoa tiêu phụ:

-Sao không đổ xăng Hùng?

-Bồn xăng bị trục trặc, phải chờ chừng nửa tiếng mới có…Tôi nghĩ mình bay gần đây chắc đủ xài.

Tôi cho chiếc trực thăng chạy là đà một khoảng rồi kéo cần cao độ, con tàu rùng mình rời mặt đất, để lại sau lưng một đám bụi đỏ bay mù mịt che phủ đám con nít đang đứng bu ngoài hàng rào trố mắt khoái chi vỗ tay cổ võ. Chiếc trực thăng của Thành “râu” nối đuôi theo.
Hơn mười phút bay thì đầm Trà Ô đã hiện lên trước mặt. Ngay hướng bắc của đầm vài cây số là rặng núi cao chạy ra sát tận biển.

-Charlie!..Hổ đang ở cao độ hai ngàn bộ, phía bắc đầm nước.

-OK!..Tôi ở bốn ngàn bộ phía nam ngọn núi, Hổ thấy chưa?

-Thấy rồi!..

Tôi hướng về chiếc trực thăng chở bộ chỉ huy của bộ binh đang bay vòng trên trời cao, nhỏ như một chấm đen.

-OK!..Thấy hai bạn rồi…Hổ bay phía nam con đường đê, đừng bay lố. Thấy con đường đê không Hổ?… Phía bắc đường đê là tụi nó…Phe ta từ QL-1 phía tây di chuyển về hướng đông tiến chiếm lại làng chài sát biển, bị tụi nó chặn ngay chân núi…Hổ thấy ngôi chùa vàng không? Phía đông ngôi chùa chừng trăm thước là chốt của tụi nó, Hổ tác xạ vào đó,..nghe rõ?

Dưới chân tôi là một vùng đồng ruộng nằm phía bắc đầm Trà Ô mở rộng tới chân ngọn núi cao, tiếp giám với con đường đê chạy từ QL-1 dẫn tới làng chài sát biển đã bị Việt Cộng chiếm. Trên đường trồng hàng dừa đều đặng như như những cột đèn điện. Ngay trên triền núi đối diện con đường đê phía bắc chừng vài trăm thước là một ngôi chùa sơn màu vàng nhạt, mái nâu, trông từ trên cao giống như một cái am nhỏ. Từ trên vùng đồng ruộng trống trãi, tôi sẽ đánh vào chân đồi, không sợ địch từ dưới bụng bắn lên.

-Charlie!..Hổ sẵn sàng!..

Thông báo cho chiếc trực thăng chỉ huy xong tôi bắt đầu xạ kích. Những trái hỏa tiễn rời dàn phóng kéo theo đuôi những làn khói nổ bung dọc theo chân núi.

-Oành!..Oành!…Oành!…

Những tiếng nổ vang rền tiếp theo là những cụm khói xám vươn lên trên triền núi thưa mọc những bụi cây thấp. Cho tàu vòng lại, tôi thấy chiếc Hổ hai đang cắm đầu, hai bên hông những trái hỏa tiễn rời dàn phóng kéo theo những làn khói trắng.

-Đánh vào đó,..đúng rồi!..Hổ!..Làm tiếp đi. Tôi nghe tiếng “Charlie” trên tần số.

Vòng trở lại tôi phóng nốt những trái hỏa tiễn còn sót trong dàn phóng. Những cụm khói lên cao theo làn gió biển che kín ngôi chùa . Bỗng tôi nghe loáng thoáng tràng súng nổ…cóc…cóc…cóc…

-Hổ!..Hổ!..Tụi nó đang bắn theo mày đó…Bốn năm thằng bận đồ đen núp sau hàng dừa dọc theo bờ đê trước mặt ngôi chùa đang bắn theo Hổ!..Hổ thấy không?

Tôi quay đầu lại tàu lại. Dọc theo con đường đê, không hề thấy bóng dáng một tên dịch.

-Charlie!..Tụi nó đâu tôi không thấy?

-Đó!..đó!..bốn thằng sau bốn cây dừa…Hổ bắn vào bốn cây dừa trước mặt chùa đi!..Hình như tụi nó trung liên đó, Hổ cẩn thận…

Theo sự hướng dẩn của “Charlie” tôi phóng mấy trái hỏa tiễn còn lại xuống con đường đê. Ba bốn bóng đen chạy vội vã từ cây dừa về hướng làng sát biển. Vừa lúc đó chiếc Hổ hai đang cắm đầu lao xuống mục tiêu..

-Hổ hai!..thấy tụi nó chạy không? Hai!?..

-Thấy!..thấy!..tụi nó núp vào gốc dừa rồi!..

Biết đã lộ mục tiêu, mấy tên địch cố chạy thoát về hướng làng chỉ cách đó vài trăm mét. Đợi khi hai chiếc trực thăng quay đầu lại chúng mới bắt đầu di chuyển. “Đúng là tụi quỷ quyệt”, tôi nhủ thầm.

-Hai hết “rockets”!

-OK!..xài “mini-gun”…Đàng sau!..”lock mini-gun forward”! Tôi hét lớn.

Đây là vị thế của cây súng sáu nòng cho phi công bắn mục tiêu hướng 12 giờ như khu trục cơ, ít khi được xử dụng vì tiếng nổ quá lớn chỉa sát bên lổ tai, phi công cần phải mang “earplug” mới chịu nổi. Tôi đẩy cần lái, chúi mũi tàu nhắm ngay một cây dừa có tên Việt cọng đang núp. Con tàu lắc lư lao xuống cho đến khi mục tiêu lọt vào hồng tâm của “gunsight”, tôi bấm nút. Hai khẩu “mini-gun” quay vù, tiếng rú kinh hoàng vang lên ngay sau lưng ghế, đinh tai nhức óc. Hàng trăm viên đạn lửa tuôn ra như mưa bất, vung vãi trên đường đê tung bụi đỏ. Bóng đen đang lấp ló sau thân dừa bật ngửa! Tàu quay đầu vòng lại, mấy tên còn lại bỏ chạy về hướng làng sát biển.

-Hai…Hổ hai…Bắn!..Bắn!..thấy mấy thằng đang chạy không?..lẹ lên!..Tụi nó chạy vô làng!..Hổ hai!…

Chiếc Hổ hai đang cắm đầu xuống hai khẩu “mini-gun” đang quay vù kéo theo hai làn khói trắng hai bên hông tàu. Một tên Việt công bận đồ đen đang chạy dọc theo bờ đê té nhào xuống, vắt vẻo nửa trên nửa dưới ruộng khô, hai tên kia chạy mất hút vào bụi tre gần bìa làng.

-”Charlie”!..Hổ báo cáo hai Hổ hết “rockets”…xăng còn ba trăm “pounds”!..

-Hổ về đáp Phu Cát,..tôi thả bộ binh về đáp sau!..

Tai điếc rặc, vo ve như tiếng ong kêu, tôi nghe tiếng được tiếng mất.

-Hổ về đáp?..Charlie?..Có trở lại không?…

-Tối rồi…chấm dứt phi vụ hôm nay!..

Người mệt mỏi sau một ngày dài, tôi thở phào đè cần lái. Chiếc trực thăng cắm mũi lướt nhanh trên mặt ruộng khô. Trước mắt là Đầm Trà Ô, mênh mông bát ngát. Cho tàu ôm sát bờ nước, tôi rẽ theo một con sông nhỏ uốn éo giữa cánh đồng ruộng trơ trụi. Một đàn vịt đang bơi lội tung tăng kế bên một chiếc thuyền thúng lướt nhanh dưới bụng tàu, trên chiếc thuyền một người đàn ông đang hý hoáy chèo. Bay sát mặt đất cho tôi một cảm giác hứng chí, thích thú. Một lần trên con đường đèo Chư Pao ở phía bắc Pleiku, tôi đã cho chiếc tàu bay thấp đến độ một toán người Thượng đang đi hàng dọc hai bên lề hoảng hồn, sợ “máy bay cán chết”, nằm rạp xuống, những chiếc gù trên lưng văng lăng lông lốc trên đường.

-Việt Cộng!..Việt Cộng!..Người xạ thủ sau khoang tàu la lớn.

-Cái gì?!..Việt Cộng đâu?..Tôi hỏi vội trong “intercom”

-Thằng chèo thuyền thúng…Tôi thấy nó đeo súng trên vai!

-Người ngồi trên thuyền thúng?..Mày chắc không?..

Nhìn qua ghế trái thấy Hùng gật đầu, tôi liền kéo đầu tàu chổng ngược, quay trở lại. Cho tàu vòng trên cao độ cở trăm “feet”, bay đến trên đầu đàn vịt. Tôi ngạc nhiên khi không thấy chiếc thuyền con đâu cả. Bay vòng tròn tôi nhìn xuống chợt thấy chiếc thuyền lúc này đã lật úp, nửa chìm nửa nổi, bên dưới thò ra một cặp chân đang cử động quậy nước. Tên VC đang trốn dưới chiếc thuyền thúng, ðúng là “lạy ông tôi ở bụi này”.

-Bắn đi!

Người xạ thủ đang lăm le thủ khẩu súng sáu nòng bóp cò, hàng trăm viên đạn tung nước trắng xóa phủ chụp chiếc thuyền.

-Đủ rồi! Tôi hét!

Qua làn nước trong, dưới chiếc thuyền thúng cặp chân ngưng động, buông thả dập dình theo dòng nước rồi từ từ lắng chìm xuống đáy cát.

-Hổ đây “Charlie”!..tụi mày tới đâu rồi?

- Tôi vừa bắn thằng VC chăng vịt trên sông!..

-Cái gì!?.. Mày bắn cái gì? Hổ!..

-Thằng VC chăng vịt trên sông!

- Sao mày không báo cáo cho Charlie trước khi bắn!?..Mà sao mày biết là Việt Cộng?

-Nó đeo khẩu AK trên lưng, khi tôi quẹo lại thì nó lặn xuống nước trốn…Nó chết rồi! “Charlie”!..Có đàn vịt của tụi nó đây, cho tôi “dzớt” vài con đem về biệt đội anh em nhậu nghe!

-Mày bắn thằng Việt Cộng mà không hỏi tao,..bây giờ mấy con vịt mà mày phải xin phép!?..

Hiểu ý Thiếu tá Vinh, tôi la to cho:

-Chờ gì nữa, bắn đi!.

Tôi chưa kịp dứt lời thì khẩu súng đã quay vù, những viên đạn phóng tua tủa xuống mặt sông văng nước trắng xóa, đàn vịt hoảng sợ bơi tứ tán…để lại mấy chục con “vắn số” nổi lều bều trên mặt sông vẫn còn đang xao động. Chiếc trực thăng trống rỗng đạn dược xăng nhớt đã nhẹ hẳn đi, tôi hạ thấp “hover” (đứng một chỗ) trên mặt sông, anh mê vô leo ra ngồi trên càng tàu níu tay anh xạ thủ, tay vói xuống nước nắm từng con vất lên sàn tàu. Chừng vài phút sau, bất chợt đồng hồ xăng trên “panel” trước mặt bật đỏ báo hiệu còn đúng hai mươi phút bay.

-Thôi, hết xăng rồi…tao “dzọt” đây! Vừa dứt lời tôi đẩy cần lái kéo cần cao độ, con tàu cắm đầu lướt trên mặt sông một khoảng rồi vươn lên cao, mùi bùn và mùi máu vịt theo gió quyện vào phòng lái tanh tưởi. Cuối chân trời những giãi mây hồng tím nổi bật trên nền trời sẫm tối…phi trường Phù Cát lờ mờ ẩn hiện trong bóng chiều tà…

*Trích trong bài “Phi Đoàn Thần Tượng: Mặt Trận Bình Định” .

Beautiful Bonsai