Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012
Lý-Thường-Kiệt và khẩu Bazoka.
Tống phước Hiến
Mùa đông năm 1976, trời lạnh nhiều hơn mấy năm trước. Chính giữa nhà, theo lối dọc của hai cửa ra vào là đường đi. Tù nằm hai bên, chen chúc, chui rúc chật hẹp. Vì thế, nên phần đông họ bắt cặp, người nằm dưới đất thì người bên cạnh mắc võng. Thời gian nầy tù còn nhận được hằng tháng một số đồ dùng như đường, thuốc lào, kem đánh răng do trại cung cấp và trừ vào khoảng tiền trợ cấp hằng tháng và tù còn thong thả, chưa phải bị bắt buộc lao động.
Vào một đêm cuối tháng 10 âm lịch. Khoảng gần nửa đêm, một người tù sau khi: “Báo cáo anh giải phóng quân, tôi xin phép vệ sinh về” (1) Anh ta vào đến giữa lối đi và hỏi – tuy không lớn, nhưng đủ cho những người chung phòng nghe :
- Khẩu Bazoca đâu ?
Có tiếng trả lời:
- Sau ba lô tao, lấy đâu bỏ lại đấy. Mỗi lần cần, kiếm hụt hơi.
Sau một chuổi âm thanh như tiếng nước sôi reo dữ dội. Hắn rón rén trèo lên võng. Rồi lại có tiếng ngâm thơ điệu “sa mạc”với sự phụ họa của tiếng võng đu đưa:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lổ...
Tiếng ngâm bỗng tắt ngay sau tiếng thét phía ngoài, bên hông nhà:
- Câm mồm ngay, tên phản-động.
Phía bên trong nín thinh im lặng, bên ngoài lại có tiếng xì xầm nho nhỏ. Rồi tiếng bước chân dồn dập hấp tấp. Dường như đã bố trí người vào những vị trí cần thiết xong. Bên ngoài dõng dạc vọng vào :
- Nhà trưởng đâu, tôi hỏi?
Từ đầu cửa ra vào, anh nhà trưởng trả lời:
-Báo cáo anh giải phóng quân, có tôi.
- Vừa rồi, anh có nghe gì không?
- Báo cáo anh, dạ có. Một trại viên ngâm thơ.
- Ngâm thơ à! ngâm thơ bằng tiếng gì mà không ai hiểu?
- Dạ, anh ấy ngâm thơ bằng chữ Hán.
- Thơ của ai, tác giả là ai ?
- Dạ của Lý Thường Kiệt.
- Lý Thường kiệt là anh nào mà làm thơ bằng tiếng nước ngoài, phản động thế?
Bên ngoài lại có tiếng nho nhỏ rì rào bàn tán. Rồi tiếng những bước chân xa dần.
Bên trong, dường như ước định tình hình có vẻ bình an nên từ phía đầu hồi, kề gần chổ nằm của nhà trưởng có tiếng rè rè ngái ngũ:
- Con xin mấy cha, đừng thơ với thẩn nữa, bò xanh (2) nó dốt nên hay đa nghi. May mà nó bỏ qua, không thì lại xét tới xét lui phiên hà lắm. Mấy cha nghĩ, trời lạnh thế nầy mà ra tập họp ngoài sân cho chúng xét thì còn gì khổ bằng !
Cách đó mấy cái mùng, tiếng rít thuốc lào vội vã rít lên, sau cơn ho, có giọng người cằn nhằn :
- Miệng ăn mắm, ăn muối trù ẻo bậy bạ đi.
Chừng độ nửa giờ sau, bên trong nghe phía bên ngoài nhiều tiếng chân chạy. Tù đoán, phía ngoài người đông lắm. Nghe cả tiếng nạp đạn lên nòng cơ bẫm, tù biết sắp phải làm gì rồi.
- Nhà trưởng đâu, cho anh em mang tất cả đồ đạt, vật dụng cá nhân ra sân tập họp hành quân. Tuyệt đối không để lại vật gì và thật khẩn trương (3).
Ðợi “tù viên“ tập họp ngay ngắn xong, nhà trưởng báo cáo quản giáo. Quản giáo báo cáo lên người cao cấp hơn. Sau đó, tù được y cho ngồi xuống. Vây quanh tù khoảng mấy mươi tên bộ đội súng cầm tay, mặt hầm hầm hung tợn trông rất “khẩn trương!”. Xa xa, thấp thoáng một số bộ đội khác ẩn hiện trong tư thế sẳn sàng cận chiến. Tên cao cấp trong bọn (tù đoán thế) nghiêm chỉnh nói bằng giọng Bắc rất nặng (4) mà người ta thường gọi là Bắc 75 để phân biệt với Bắc 54 hay còn gọi là Bắc 9 nút rất dễ thương:
- Giới thiệu với các anh, tôi – Thượng úy Tuyên, Chính trị viên Tiểu đoàn, đơn vị thay mặt đảng và chính phủ trực tiếp quản lý giáo dục các anh. Trước hết, lãnh đạo gởi lời thăm hỏi đến các anh, sau động viên các anh mấy vấn đề như sau:
Ðất nước ta, rừng vàng bể bạc. Nhân dân ta anh hùng đã đánh thắng hai kẻ thù là xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ, tên hung nô thời đại. Rồi đây, dưới sự lãnh đạo tài ba của đảng và với chủ nghĩa Mác, Lê-nin vô địch bách chiến bách thắng ta sẽ dập tắt âm mưu bành trướng bá quyền Trung quốc. Cuộc chiến tranh vừa qua, khẳng định rằng: chúng ta – người Việt-Nam gồm chúng tôi và các anh đã thắng, đế quốc Mỹ đã thua. Phát xuất từ đại nghĩa Dân tộc, đảng khoan hồng và cho các anh vào đây học tập cải tạo để trở thành người lương thiện trong xã hội mới. Việc tập trung cải tạo các anh là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề mà nhân dân và chính thân nhân gia đình các anh yêu cầu đảng phải vinh dự nhận trách nhiệm nầy. Ba giòng thác cách mạng sẽ cuốn trôi mọi sức cản, mọi thế lực phản động. Cách mạng sẽ nghiền nát. Bạo lực cách mạng cương quyết không khoan hồng mọi sự chống đối. Cũng cần báo cáo với các anh, các anh đã nhận xét, đánh giá sai lầm chúng tôi. Các anh tưởng rằng các anh nói tiếng nước ngoài như tiếng Hán học chẳng hạn, là chúng tôi không hiểu. Các anh lầm; cán bộ cụ Hồ, cán bộ cách mạng hiểu hầu hết các tíếng nước ngoài trên thế giới như tiếng Liên sô, Trung quốc, Mỹ, Anh, Pháp vân vân. Không những hiểu mà còn hiểu thông suốt nữa kìa. Nhưng chúng tôi vì muốn giữ gìn sự trong sáng tiếng việt như Hồ chủ tịch vĩ đại dã dạy rằng giữ sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi nên chúng tôi không bao giờ nói tiếng nước ngoài. Báo cáo như thế để các anh đả thông quan điểm mà không phạm khuyết điểm và bị phát hiện tư tưởng quan điểm. Cũng báo cáo các anh, tài nguyên của ta to lớn lắm . Ðánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng mười ngày xưa. Ðồng chí Tố Hữu đã nói thế mà!.
Nghe tên Thượng úy chính trị viên nầy nói, đám tù nhân càng lúc càng mịt mờ, không hiểu y muốn nói gì. Cơn buồn ngủ đấu không lại với giá lạnh. Những đợt gió heo may thổi lướt, sương rơi nhiều hơn, có người cởi áo phủ lên đầu che sương, vài tiếng ngáp vặt. Một số lớn tù lim dim cố tranh thủ kiếm giấc ngủ. Tiếng tên thượng úy đều đều, vài cái đầu của tù gục gặt. Tiếng hét từ phía người cầm súng ré lên, lại vài tên lên cò súng đe dọa. Dường như không còn thấy “phấn khởi, hồ hởi”(5) thuyết trình nữa, mấy tên chỉ huy hội ý. Rồi tên quản giáo tiếp tục:
- Cách mạng vừa mới nhận được báo cáo từ cơ sở cho hay trong số các anh có người vi phạm, không nghiêm chỉnh chấp hành nội quy. Ðó là, có anh còn cất giữ một số vũ khí. Nhân dân là tai mắt của cách mạng và cách mạng đã hiểu biết hết thảy tư tưởng cũng như hành động và mọi âm mưu hoạt động của các anh. Tuy nhiên, cách mạng đánh kẻ chạy đi, chớ không đánh người chạy lại. Do đó, để tạo điều kiện cho các anh có dịp bày tỏ sự ăn năn, xứng đáng được đảng khoan hồng giáo dục, tôi chưa tiện nêu danh tánh của ai, nhưng rơi vào ai thì người đó tự biết. Tôi cho các anh 5 phút để quyết định can đảm nhận sai phạm. Những anh trong sạch thì cũng có điều kiện tố giác kẻ xấu, thực hiện khẩu hiệu mà các anh tự đề ra là khai thật, khai hết và khai sạch với cách mạng về chính mình và những người khác mà mình biết. Ðó chính là thái độ giác ngộ cách mạng, là con đường ngắn nhất để tiến bộ để về với xã hội, với gia đình xum họp với vợ con.
Ngưng một lát để chờ phản ứng. Nhưng phía tù vẫn không thay đổi. Tên quản giáo tiếp:
- Những ai phát giác, tố cáo đồng bọn, cách mạng đảm bảo an toàn và trại báo cáo lên trên, đề nghị cho được ân xá, được hưởng sự khoan hồng của đảng. Báo cáo với các anh là cách mạng đã có cơ sở nhé, này nhé – cách mạng chỉ tiết lộ một điễm nhỏ để các anh hiểu là chúng tôi nắm rất rõ, tình hình nó như thế nầy: Anh nào cất khẩu bazoca?
Lại có tiếng cười nho nhỏ, xen với tiếng thở dài của tù nhân, nhưng tất cả vẫn không có gì “tiến bộ”. Tù cảm nhận được vấn đề, nên “an tâm” suy nghĩ theo ý riêng mỗi người. Một tên bộ đội cầm súng ghé tai nói nhỏ, viên thượng úy gật gật, khuôn mặt và ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía tù, cất giọng:
-Ðể bổ túc ý kiến của đồng chí quản giáo. Ban lãnh đạo tiểu đoàn thấy có bổn phận phải báo cáo thêm rằng, nếu không có anh nào tự giác thì tôi bắt buộc phải công bố tên phản động và sau đó là quá trể để nhận được sự khoan hồng của cách mạng.
Hắn ngừng, đảo mắt tìm xem từ phía tù có “ hiện tượng “ gì không, hắn tiếp:
- Và dĩ nhiên toàn thể các trại viên đều bị liên hệ, phải làm kiểm điểm về tội bao che, nếu không tìm ra tên phản động.
Gió vẫn chuyển theo hơi lạnh, không gian vẫn tối tăm. Phía chân trời mây vẫn mịt mùng và chuyển động, những lằn chớp, những tiếng sét xé rách im lặng, màn đêm lóe sáng. Mưa bụi bay lất phất , hạt mưa càng lúc càng nặng hơn. Những thân tù gầy xơ xác, héo úa bây giờ thêm xác xơ héo hắc tàn tạ. Tù xích lại gần nhau hơn. Thoạt đầu có vẻ như chuyện đùa. Nhưng bây giờ chuyển sang quan trọng và thảm hại cho tù lẫn cả cai tù. Bọn bộ đội phủ lên trên mình miếng ny lon che mưa từ một tên khác mang tới. Không kiềm chế cơn giận được nữa, tên Thượng úy hét thật to :
- Anh nào tên là Lý Thường Kiệt bước ra?
Mưa nhiều và nặng hạt hơn, sấm chớp vẫn dữ dội và tù vẫn không “chuyển biến tư tưởng”. Tên quản giáo nổi nóng mạt sát:
- Báo cáo với các anh, đảng đã nắm rõ, rồi đây nhân dân sẽ cung cấp thêm. Nhưng bây giờ, chính tên Lý-Thường-Kiệt phải biết liêm sĩ, nhìn nhận tội trạng. Bất kỳ học viên nào biết tên phản động Lý Thường Kiệt thì phải tố cáo, Nếu sau nầy kinh qua kết quả điều tra mà cách mạng phát hiện ra “sự cố “, có sự liên hệ giữa tên Lý Thường Kiệt với bất kỳ ai thì người đó nhận lãnh hậu quả y như tên Lý Thường Kiệt vậy.
Tên Thượng úy lại kiên nhẫn trổ tài “chính trị” ra “thuyết khách”, Anh Lý Thường Kiệt ạ, chúng tôi đã biết, nhân dân đã phát hiện ra được anh rồi! Vả lại bài thơ tiếng Hán ấy dù có đôi ba ý lăng nhăng linh tinh, nhưng đâu có gì quan trọng. Hơn ai hết, các anh biết tội ác tày trời, tội ác nếu nói là trời không dung, đất không tha cũng không ngoa mà cách mạng còn cho học tập, khoan hồng, huống chi vài “hiện tượng hoang mang giao động nhỏ”. Báo cáo để anh an tâm, cách mạng không xem đó là bản chất mà đánh giá nó chỉ là hiện tượng thôi . Chỉ cần anh tự giác kiểm điểm là xong. Anh Lý Thường Kiệt nghĩ xem vì anh mà chúng tôi, - ừ, mà thôi, đừng kể chúng tôi là đang đêm khuya lạnh, mưa gió thế nầy - là vì chúng tôi là giải phóng quân. Nhưng các học viên khác vì anh, vì sự hèn nhát của anh mà phải ướt, phải lạnh như thế nầy. Lương tâm anh đâu? Nhưng anh làm sao qua mặt được đảng và nhân dân. Suy nghĩ và tự thú thôi anh Lý thường Kiệt ạ!
Trời gần sáng, sương và gió lạnh hơn, nhưng mưa dần dần ngưng, rồi tạnh. Tù run cầm cập, ba lô, túi xách ướt đẫm. Tù lấy thân che của, choàng ôm ba lô, túi xách để hạn chế bớt nước thấm vào áo quần bên trong. Lác đác vài tên bộ đội bỏ đi. Chần chừ, chờ đợi...cuối cùng đến phiên tên Thượng úy ra đi.
Nắng ban mai rọi chiếu những tia đầu ngày, mang theo hơi ấm, ánh nắng. Ánh sáng màu vàng tươi chan chứa niềm vui, tù tìm lại được sức sống, và dù đoán biết sự việc chưa kết thúc, nhưng cũng không khốn khổ như đêm qua.
Ðến gần trưa, các đội đến nhà bếp nhận cơm. Anh em tù nhìn nhau dọ hỏi, vừa cảm thông vừa xót thương.
Sau buổi “giao ban”(6) giữa các quản giáo, và đội trưởng, đặc biệt hôm nay có cả cán bộ cấp Trung đoàn xuống. Tù vẫn trong tư thế chịu đựng sự trừng phạt. Gần đứng bóng, nắng chói chan, áo quần đẫm nước bốc hơi khô dần.
Tên Thượng úy vội vàng tách ra khỏi phái đoàn có vẻ như tiến về phía tù. Y chạy nhanh, ra lệnh cho tù đứng dậy. Tù theo lịnh nghiêm chỉnh đón chào phái đoàn “ ban lãnh đạo trung đoàn”. Thủ trưởng trung-đoàn dáng nhỏ thó, mặt ngắn và choắt, hơi mập, môi dầy và hơi thâm, răng vổ, có sọc đen và trán vồ, y đeo dưới nách lủng lẳng cái xách vải màu cứt ngựa. Bằng giọng kiêu căng, đứng trước đám tù, hắn nói
- Cách mạng không dài dòng, cách mạng là bạo lực. Tôi biết các anh cười thầm khinh chúng tôi không thuộc lịch sử. Chúng tôi biết Lý Thường Kiệt, người đời nhà Lý. Nhưng một tên phản động gian manh, mượn mấy chữ trong bài thơ thuộc bản tuyên ngôn độc lập của ta, rồi ghép tiếng hán, tiếng tàu hầu tỏ lộ thái độ bái sợ tên đế quốc phương bắc, tên bá quyền nầy đang manh nha xâm lăng ta. Gian manh hơn, hắn lấy bí danh Lý Thường kiệt để ngăn trở việc điều tra của cách mạng, của nhân dân. Ðảng long trọng cảnh cáo tên có bí danh Lý Thường Kiệt và báo cho y biết, một ngày rất gần đây, nhân dân sẽ lôi hắn ra ánh sáng.
Tên thủ trưởng quay sang phía tên quản giáo và ra lịnh:
- Thôi, đồng chí cho anh em giải tán về ăn cơm. Ðặc biệt hôm nay cho anh em thoải mái chơi bời nghỉ ngơi. Nội vụ đã chuyển đạt lên cấp trên và chuyên ngành nghiên cứu phương án điều tra. Nhân danh đảng, chính phủ và quân đội, tôi biểu dương tinh thần cảnh giác cao độ, tận tụy với công tác, chấp nhận mọi gian lao nguy hiễm, nhất là đối với đồng chí vệ binh. Ðồng chí chính-trị viên nhớ nhắc bộ phận văn phòng lập bằng tưởng lục cho đơn vị và cho cá nhân đồng chí phát hiện vụ việc. Bộ chỉ huy trung đoàn sẽ lên danh sách cho đồng chí ấy dự tranh cá nhân xuất sắc trong quý nầy. Thôi cho giải tán.
Ngã lưng xuống nền đất, có người tù cố tìm giấc ngủ bù, có người tù tìm quên thân phận bằng những hơi thuốc lào, có người tù đi bẩy chuột, có người tù khuây khỏa nổi buồn bằng những ván cờ. Và đâu đó, có tiếng thở dài thật nhẹ, những đôi mắt trầm tư sâu lắng. Nỗi đau không chỉ riêng thân phận mình mà cả thân phận giống nòi, quê hương, Sự trầm tư, nổi niềm sâu lắng ấy chính là những cơn đau có chất chứa cả ân hận, cả mơ ước và cả ý chí quyết liệt. Vài vầng nhăn lên trán trông như những luống suy tư. Vài cái nhíu mày như trái tim đang rỉ máu và những nắm tay xiết lại thành những nắm đấm, những đường gân xanh nổi lên trên những cánh tay khẳng khiu bởi niềm đau, nhức nhối không nguôi. Có người tù lau nhanh vài giọt lệ, rồi đôi mắt họ quắt sáng như những tia nắng của buổi sáng hôm nay.
Tống phước Hiến
1./ Khi mới vào tù, bọn bộ đội cộng sản bắt tù phải gọi chúng là : anh giải phóng quân. Ban đêm muốn đi vệ sinh phải đứng báo cáo xin phép chúng: Báo cáo anh giãi phóng quân tôi...
2./ Bò xanh là bộ đội , bò vàng là công an.
3./ Khẩn trương là nhanh chóng. Cũng có nghĩa nguy hiểm.
4./ Giọng bắc vùng quê, nơi mà dân địa phương phát âm chữ l thành chữ n và ngược lại. Thí dụ lanh lợi thì phát âm là nanh nợi, hay non nước thành ra lon lước.
5./ Hồ hởi, phấn khởi là tiếng bọn cán bộ cộng sản diễn đạt trạng thái vui mừng, thích thú.
6./ Giao ban: Trong trại tù thì các cuộc họp giữa quản giáo với các đội trưởng. Ðây là dịp để tù đội trưởng, tù nhà trưởng báo cáo và nhận lịnh bọn cai tù.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.