Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Giải đáp bí ẩn "Đôi mắt người Sơn Tây"


Giải đáp bí ẩn "Đôi mắt người Sơn Tây"

Bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, được người yêu thơ thuộc nằm lòng. Cũng là tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, mà người yêu nhạc còn mải mê gần nửa thế kỷ qua.

Quang Dũng là nhà thơ thời tiền chiến có nhiều bài thơ hay, trữ tình như : Tây Tiến, Đôi bờ.. nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ được nhiều người ái mộ. Bài thơ nói lên cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen nhau và chia tay giã biệt - một cuộc tình buồn ngắn ngủi:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Như vậy người con gái nầy chắc hẳn ở Sơn Tây, và đã gặp nhà thơ? Nhưng nàng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu? nhiều giai thoại cho rằng Quang Dũng quen người con gái Pháp (Vì có câu “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương“?) nhưng Tây Phương cũng là địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày ấy ( nay là tỉnh Hà Tây ) với ngôi chùa Tây Phương nổI tiếng (Bài thơ Các vị La Hán ở chùa Tây Phương của Huy Cận ).

Trong lịch sử thi ca đã có nhiều thiếu nữ làm ngẩn ngơ bao người thưởng ngoạn, luôn cả các văn nhân thi sĩ như chuyện của nàng T.T.KH tác giả bài Hai sắc hoa Tigôn, hay hình ảnh người con gái trong Tống biệt hành của Thâm Tâm (…Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc- gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…) đã làm các nhà phê bình tốn bao nhiêu giấy mực. Thời kháng chiến ngoài những bài thơ trữ tình kể trên, Quang Dũng còn có những bài thơ khác cũng hay như bài Những Làng đi qua:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm khói thuốc bạch đầu quân

Quang Dũng là người đa tài ,có thời gian nhà thơ sống bằng nghề vẽ tranh, làm nhạc công cho gánh hát… Trong kháng chiến, có lần Quang Dũng tham dự cuộc triển lãm hội họa với bức tranh tựa đề: Gốc Bàng. Ông còn soạn cả nhạc nữa, bài Ba Vì mờ sương được nhiều người hát trong thời kháng chiến:
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu …?





Trở lại chuyện Người con gái Sơn Tây, theo nhạc sĩ Phạm Duy (Bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội - Quang Dũng ngồi sau Phạm Duy hai hàng ghế, người to con nhưng rất hiền) kể lại: Lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Vừa được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây ,anh tạt qua nơi có tên là Kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật. Người tình nầy, còn có một mỹ danh nữa là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài Đôi mắt người Sơn Tây, ông đã tặng nàng bài thơ có câu :
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương

Akimi Nhật sống cùng mẹ, trong cái quán nước đơn sơ này, nhà thơ thường hay lui tới, có lần Quang Dũng sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán ngay lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…


(Đây là bài thơ mới phát hiện sau nầy do chính bà Nhật - định cư ở Hoa Kỳ cung cấp ).
Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp, lãng mạn của người con gái, tuy rằng không thấy mặt…?. Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai


(Đôi bờ )

Sau này, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình.

Tới 1954, nàng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ chỉ biết:

Bên nầy đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

Bài thơ càng nổi tiếng như cồn ở Miền Nam, khi cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc qua cung thứ rất hay, trở thành phổ biến trong quần chúng qua giọng hát truyền cảm của nam danh ca Duy Trác . Có người ngạc nhiên khi thấy ông phổ một lượt tới hai bài thơ trong đó: đoạn đầu lại lấy Đôi Bờ, phần sau là phần chính, phổ từ bài Đôi mắt người Sơn Tây, rất độc đáo, rất hiếm trong âm nhạc.


Chính người đẹp Akimi, là nguồn cảm hứng dạt dào cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng và Phạm đình Chương là người có công đã chấp cánh tiếp cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người...


   Trần Thề Khiêm

***

Tiểu Sử: Quang Dũng
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Năm 1947, đại đôi trưởng đòan quân Tây tiến. Hoạt đông văn nghệ ở Liên Khu III thời kháng chiến. Sau 1954, sống như một kẻ vô danh tại miền Bắc. Mất ngày 13.10.1988 tại Hà Nội.
Nhớ Quang Dũng
"... Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"
Ðất nước lâm nguy, nam nhi ra trận, "da ngựa bọc thây" luôn luôn là một đề tài lãng mạn, tạo cảm hứng cho bao văn nhân, thi sĩ từ cổ chí kim sáng tác nên những tuyệt bút như "Lương Châu Từ"của Vương Hàm trích ở trên. Ðặc biệt gây xúc động nếu như thi sĩ lại chính là một trong những Kinh Kha đó, "Tây Tiến" của Quang Dũng nằm trong trường hợp này. Những vần thơ của anh về miền Tây Bắc đất nước, về tình cảm và số phận của "Ðoàn binh không mọc tóc" mãi mãi là một tượng đài trong nền thơ văn Việt Nam. Chỉ có một điều chua xót là lý ra, Quang Dũng - Người chiến binh của trung đoàn Tây Tiến - Nếu cũng "rải rác biên cương mồ viễn xứ" như các đồng đội của anh thì an ủi hơn cho anh chăng? Bởi cuộc sống sau đó mà Quang Dũng phải chịu thật cay đắng. Con người anh không phải là mẫu người được ưa thích của cái chế độ mà chính anh và các đồng đội Tây Tiến đã chiến đấu để thiết lập nên nó. Tính cách Quang Dũng tương phản hoàn toàn với lề lối và nếp sống của xã hội anh sống. Quang Dũng quá lãng mạn, lại đa tài, đa cảm, những phẩm cách được coi là xa xỉ trong thời đại anh. Cuộc đời bất hạnh của anh bắt đầu từ khi anh đem theo những phẩm chất hiếm có ấy cùng với khí phách của một thanh niên có thân hình "tráng sĩ, cao lớn, vai rộng, oai vũ hiên ngang" - như theo lời tả của những người cùng thời - vào những năm tháng bão táp trong lịch sử dân tộc.
Hành động cách mạng đầu tiên anh thực hiện là gia nhập vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sau đó, chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ đoàn quân Tây tiến cùng với những bạn đồng đội sau này trở thành những văn nghệ sĩ khá nổi tiếng như các họa sĩ Quang Thọ, Văn Ða, nhà thơ Tất Vinh, nhà báo Thanh Quý, Thanh Quân, nhạc sĩ Doãn Quang Khải, Quốc Anh... và đặc biệt, Tướng Trần Ðộ thời đó cũng thuộc biên chế đội quân này (phải chăng chính thời gian sống với những người lính "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã gây ảnh hưởng cho tướng Trần Ðộ dẫn đến những hành động và suy nghĩ của ông trong thời gian gần đây?). Ðánh trận dũng cảm, là một trong những cán bộ chỉ huy của đội vũ trang tuyên truyền Tây Tiến liên quân Việt - Lào, Quang Dũng được xét để kết nạp vào Ðảng Cộng Sản. Trong phần lý lịch, anh khai là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Thế là tương lai chấm dứt với Quang Dũng, "cái vết đen" là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng đeo đuổi anh suốt đời cho tới lúc chết.
Sau 1954, Quang Dũng giải ngũ và làm công nhân ở một nhà xuất bản với mức lương hạng thấp nhất cộng 13kg gạo/tháng và 5m phiếu vải/năm. Cuộc sống khốn khó không đánh gục được Quang Dũng nhưng người tráng sĩ lại không chịu đựng nổi những đòn hèn hạ của lũ tiểu nhân, cơ hội: nhân vụ "Nhân Văn Giai Phẩm" - mà tất nhiên, Quang Dũng đứng về phía những đồng đội anh như Phùng Quán, Trần Dần... - Tố Hữu cùng đám lâu la xúm vào hành hạ Quang Dũng. Ðặc biệt, bốn câu thơ tuyệt diệu nhất, nhân bản nhất của "Tây Tiến":
" Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm"
Ðược "Ðại thi hào" Tố Hữu đánh giá là bi lụy, làm giảm sức chiến đấu của bộ đội. Lũ tay chân đánh hôi thêm: tác giả có vấn đề về lập trường tư tưởng ; những ai đã sống ở miền Bắc thời kỳ này đều hiểu người bị đánh giá là "có vấn đề về lập trường tư tưởng" có nghĩa như thế nào ! Người đời xa lánh, xã hội ruồng bỏ, vợ con nheo nhóc, tất cả những cái đó cộng lại làm cho tâm hồn đa cảm và thân hình lực sĩ của Quang Dũng suy sụp hẳn. Chỉ có những đồng đội cũ an ủi anh phần nào bằng cách dấm dúi gởi cho anh những bộ quân phục ngoại cỡ và những tờ tem phiếu gạo họ dành dụm được. Anh trở thành một người yếm thế, rụt rè, luôn luôn lo lắng, đôi lúc còn khúm núm nữa. Thêm vào đó, những căn bệnh cũ từ thời còn trong quân ngũ tái phát, những cơn đau khớp và bệnh tim mạch hành hạ ông.
Bệnh trở nặng, Quang Dũng bị liệt thêm tay phải. Năm 1986, ông bại liệt toàn thân nằm một chỗ và đau đớn thay, bị cấm khẩu hoàn toàn. Gia đình đưa ông vào điều trị ở bệnh viện E (Hà Nội), một bệnh viện dành riêng cho "nhân dân mật" như cách gọi của người Hà Nội. Ngày 13 tháng 10 năm 1988, Quang Dũng lặng lẽ ra đi bỏ lại cuộc đời đầy cực nhọc ưu phiền ông đã phải đằng đẵng chịu đựng bao năm trời. Gia đình cùng một vài người bạn cũ thân thiết đưa ông đến nghĩa trang Văn Ðiển trong một đám tang nghèo nàn, thưa thớt, với một cỗ quan tài tầm thường, không có "Áo bào thay chiếu anh về đất" và khi hạ huyệt ông, Sông Mã cũng không "gầm lên khúc độc hành". Quang Dũng đi đúng 40 năm sau ngày Tây Tiến ra đời, nhưng nó cũng như các tác phẩm của ông vẫn được bí mật lưu truyền mặc dầu bị cấm đoán và dè bỉu. Lúc đó người ta mới biết rằng Quang Dũng là một tài năng hiếm có trong lịch sử văn học Việt Nam : ngoài thơ, ông còn là tác giả của những tập văn xuôi được yêu mến như "Rừng Về Xuôi, Nhà Ðồi, Hoa lại vàng tháng Chạp...". Không chỉ thành công trong lãnh vực văn thơ, các bậc tiền bối còn kể lại cho chúng tôi nghe rằng : Quang Dũng còn là một họa sĩ tài hoa với nhiều bức tranh đầy tình cảm về con người và phong cảnh miền Tây Bắc cũng như miền trung du, nơi ông đã có một quãng đời hào hùng oanh liệt. Thêm nữa, ông còn là tác giả của một bài hát rất được ưa thích thời kháng chiến: Ba Vì mờ cao, làn sương chiều xa buông...Tuy vậy, Quang Dũng xuất sắc nhất vẫn là thơ.
Thời còn học trung học, đám học trò chúng tôi trai cũng như gái luôn lùng sục các bài thơ của Quang Dũng để chép cho nhau vào sổ lưu niệm như : Tây Tiến, Ðôi mắt người Sơn Tây, Quán bên đường, Trắc ẩn... Chúng tôi thích thơ Quang Dũng vì trước hết nó bị cấm nên muốn đọc, và khi đọc rồi thì thấy mê bởi tính đa dạng và chân thành lãng mạn trong thơ ông. Không ai tả cảnh tha thiết và mộc mạc như Quang Dũng :
"...Người đi Châu mộc chiều sương ấy
Có thấy hồ lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
Nhiều lúc, giai điệu thơ Quang Dũng phảng phất thơ cổ nhưng cách dùng chữ rất lạ :
"... Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường"
"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Ông viết lời ai điếu :
"Tây Tiến người đi không hẹn ước
Ðường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi "
Nghe thật sâu lắng, khác hẳn với : "... Phút giây thiêng anh gọi bác ba lần" (Tố Hữu) mà chúng tôi bị nhồi vào đầu hàng ngày.
Người Việt chúng ta vì hoàn cảnh thường phải xa quê hương bản quán, Quang Dũng cũng vậy nhưng hiếm có người nào nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn như ông :
"Tôi nhớ xứ Ðoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?... "
Hay :
"Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng"
Một con người : "Tài cao phận thấp chí khí uất" (Tản Ðà) như vậy nên khi bị giam hãm trong một căn gác xép nhỏ ở một khu tập thể Hà Nội làm sao không thể thốt lên :
"Mây ở đầu ô bay lang thang
Ôi chật làm sao góc phố phường..."
Phải, Quang Dũng đã chịu thua thiệt và trả giá quá nhiều cho tài năng và sự lãng mạn của mình. Thế nhưng mặc dù phải nằm trong nghĩa trang Văn Ðiển quanh năm ngập lụt, ông vẫn được kính trọng và nhớ đến nhiều hơn khối kẻ đang nằm trong lăng và trong cái nghĩa trang Mai Dịch xa hoa kia. Trước sức ép của dư luận, những kẻ xưa kia đã vùi dập ông lúng túng chữa cháy bằng cách khắc bài Tây Tiến vào bia tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ Châu Trang và đưa vào chương trình văn lớp 12, nhưng tác giả của nó thì họ lờ tịt đi, không một lời minh oan. Vì vậy mới có chuyện gần đây, khi bạn bè và những người hâm mộ Quang Dũng tìm cách dựng tượng cho ông ở thị xã Sơn Tây, các vị lãnh đạo chính quyền thị xã giãy nảy lên và phán : "Sơn Tây thiếu gì danh nhân chưa được dựng tượng, mắc mớ gì dựng tượng Quang Dũng ở đây?". Thấy vậy, bạn bè ông lại quay về nhà cũ của ông nhưng ngôi nhà đã bán cho chủ khác và người chủ mới khi coi phác thảo đã dứt khoát không cho dựng tượng một ông Tây đứng lù lù ngay trước cửa nhà mình (vì Quang Dũng cao lớn và đẹp trai như Tây). Nghe nói sau đó tượng của Quang Dũng được thỏa thuận là sẽ đặt tại ngôi trường mà hồi bé ông theo học. "Rồi năm tháng sẽ trôi đi, những cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại tấm lòng em, dịu dàng, nhẫn nại và tràn đầy tình thương yêu là mãi mãi không phôi pha", đó là lời của viên sĩ quan Bạch Vệ Rotsin nói với người yêu mình trong bộ tiểu thuyết ba tập "Con Ðường Ðau Khổ" của nhà văn Nga Alekxei Tolxtoi. Ðúng vậy, 11 năm đã trôi qua, Quang Dũng đã vĩnh viễn trở về với cát bụi nhưng tình thương yêu của ông với đất nước, dân tộc và đồng đội vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của bạn bè và thế hệ con cháu ông. Chắc chắn rồi đây họ sẽ dựng nên một tượng đài xứng đáng cho Quang Dũng cùng các nạn nhân khác của cái chế độ chuyên quyền, độc đoán và vô ơn kia và những người thợ tài hoa sẽ khắc lên chân tượng đài dòng chữ : "Nơi đây không ai bị quên lãng và không có điều gì bị lãng quên".
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.