Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Con người và Thượng Đế


vũ khánh thành

www.anviettoancau.net



Vấn đề Thượng Đế là một vấn đề siêu nhiên, được mô tả là vượt khỏi tầm hiểu biết suy luận của con người. Từ khi lòai người xuất hiện, người ta đã cố giải thích vũ trụ bằng nhiều cái nhìn khác nhau tùy theo mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa. Tìm hiểu cái nhìn về thần linh của mỗi dân tộc, cho ta tìm hiểu những khuynh hướng, những thế giới bận tâm của mỗi đòan người. Người Việt nói “Người sao chiêm bao làm vậy”. Nói theo Pháp văn “Dis-moi ton monde et je te dirai qui tu es”: ‘Hãy nói cho ta nghe về thần thọai của ngươi, rồi ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi là ai ‘ . Nói khác đi, ta sẽ biết văn hóa của dân tộc đó xây trên nền tảng nào, khởi đầu từ đâu.


1. Quan niệm thần linh trong văn hóa Hy Lạp.

Con người trong quan niệm cổ truyền Hy Lạp thuộc dòng dõi Titans là những người kì lạ, có khi 50 đầu, có khi 100 tay. Một trong những Titans là Zéus và Junon được dân Hy Lạp mừng rất long trọng, dâng cho ông một ngày thứ Năm gọi là Jeudi còn Junon thì kính tháng Sáu nên gọi là Juin (June).

Zéus phát giác ra con của Japet là Prométhée được Mincre cho lên trời chơi. Prométhée nhờ cơ hội đó ăn cắp lửa đem về soi cho trần thế bớt tăm tối. Prométhée bị bắt trói trên núi Caucase cho chim ăn thịt, Sau 13 thế hệ, Prométhée được cởi trói. Bởi vậy người ta lập đền thờ Prométhée để ghi nhớ ơn đã đưa lửa xuống cõi âm u này và trong ngày lễ kính, họ tổ chức những cuộc chạy đuốc như ta thấy còn truyền tụng ngày nay trong Thế Vận Hội.

Lòai người theo quan niệm Hy Lạp là con của các Thần theo huyết thống sinh lý. Chính sự xuất sinh do dòng họ thần minh đó mới đem lại cho con người quyền làm người. Những dân ngọai bang hay người không sinh ra bởi thần đều là nô lệ, không được quyền làm người. Chính niềm tin này đã đặt nền cho chế độ nô lệ trùm lên đầu lên cổ đến bảy tám mươi phần trăm dân chúng.

Tổ sư của triết học Tây Phương là Socrate, Platon, Aristote đều chấp nhận chế độ nô lệ, cho đó là cần thiết, vì không có nô lệ thì lấy ai làm việc. Aristote bào chữa cho chiến tranh vì nó là phương tiện giúp cho có được nô lệ.


Triết học Tây Phương và thần học Thiên Chúa Giáo chẳng qua là việc nối dài Platon, Aristote. Platon đã giải thích vũ trụ bằng Lý Giới và Trần Giới. Trần gian này chẳng qua chỉ là hình bóng của lý giới. Con người là một lũ tù nhân bị giam trong hang núi quay đầu vào vách đá. Những gì họ thấy chỉ là ảo tưởng. Con người muốn được giải thóat phải được thần linh cứu độ, vượt qua luyện tội để tẩy trừ tội lỗi, về Lý Giới. Thánh Augustin đã lấy lại quan niệm của Platon xây dựng thần học thiện chúa giáo hay còn được gọi là Triết Học Kinh Viện. Platon gọi là Lý Giới thì Augustin gọi là Thiên Đàng. Trần gian và Thiên Đàng là hai thế giới cách biệt. Thượng Đế ngự trên tuốt chín tầng mây. Đến Aistote, ông phân con người có hai phần, hồn và xác. Xác là mồ chôn linh hồn. Con người phải kìm hãm xác thịt, phạt xác, ăn chay, cầu khấn, tế thần, thú tội … để hồn được thanh tịnh, chờ ngày hồn được giải thóat khỏi xác, trở về Lý Giới. Thánh Thomas lấy lại quan niệm của Aristote giải nghĩa căn do linh hồn bị nô lệ cho thân xác là do tội hoặc bằng hình phạt do tội. Tội đó có nguồn ngay từ thời nguyên tổ Adam Eve ăn tái cấm bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng. Con người mất ơn nghĩa với Chúa, sống trong lo sợ, bất an. Quan niệm cứu độ của thánh Thomas đặt nặng trên linh hồn mà khinh chê thân xác, ít chăm lo cho đời sống vật chất hoặc cải thiện mối nhân luân. Vì thế mà có những bất công khủng khiếp vẫn đi đôi với những triết lý cao siêu thánh thiện y như hai đường thẳng chạy hòai không bao giờ gặp nhau. Triết lý siêu hình không tác động gì vào đời sống. THẦN HỌC Thiên Chúa Giáo từ đó Đạo Đời ly biệt, nhà thờ và cuộc sống khác hẳn. Đi lễ đọc kinh trong nhà thờ thì đạo đức lắm, về nhà thì ăn gian nói dối ngay lập tức. Hôm sau lại đi lễ đọc kinh một cách vui vẻ, cầu xin Chúa tha tội cho. Cuộc sống cứ thế, đạo đời ly biệt mà.

Bên Đông Phương căn bản của Đạo đặt từ tu thân, tề gia rồi mới trị quốc. Ăn là thiền, đi là thiền, mà ngủ cũng là thiền. Tòan cuộc sống tóat ra sự công chính. Mọi hành vi phải chính tâm thành ý trong mọi mối giao hảo với người và với đời. Thân xác được chăm sóc đúng mức: có thực mới vực được đạo. Phú chi rồi mới giáo chi: Phải lo cho đủ ăn thì mới nói đến giáo dục được.


Chế độ nô lệ trong văn minh Hy Lạp và La Mã dần dần thay đổi hình thức, chuyển sang văn minh tây phương. Nạn người bóc lột người đã chuyển từ nô lệ sang nông nô rồi từ nông nô chuyển sang thợ thuyền Âu Châu thế kỷ 19 rồi từ đó chuyển lên đầu lên cổ các dân nhược tiểu bị trị hoặc tiếp nối dưới chế độ cộng sản để trở nên một thứ nô lệ cùng tột: nô lệ không những từ miếng cơm manh áo, mà cả đến lời nói, cái nhìn, cảm nghĩ, nghe ngóng, cái cười … Tóm lại không thể đẩy chế độ nô lệ đến chỗ khốn cùng hơn được nữa !

Việc giải phóng nô lệ đã chỉ sẩy ra vào lúc khoa học kỹ thuật tiến mạnh:

Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ nô lệ năm 1808,
Anh : 1883,
Pháp : 1845,
Bồ Đào Nha : 1886
(Xin đọc Kim Định: Nhân Chủ)


Trong lúc đó triết học, cả tư bản lẫn cộng sản lại nô lệ hóa nó trở lại dưới hình thức khoa học hơn chứ thực tế chế độ nô lệ chưa được bãi bỏ như tài sản vẫn tập trung vào thiểu số giầu có, trở nên tư bản. Rồi cộng sản phản động lại lập ra chế độ vô sản, nhưng tựu trung vẫn là tư bản, chỉ đổi chủ là CÁ NHÂN sang TẬP THỂ nguy hiểm hơn trăm ngàn lần là ĐẢNG với CÔNG AN TRỊ, súng và nhà tù. Cộng sản kêu gọi “hỡi những người vô sản, hãy đòan kết lại” thì hậu qủa là bao nhiêu triệu người “hữu sản” đã mất đầu. Cũng như những lời hô hào “hỡi những người cùng tôn giáo hãy đòan kết lại” đã gây ra bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn gíao. Vì lý do này, triết gia lớn nhất của tây phương hiện tại là Martin Heidegger (người Đức) đã nói, văn minh Tây Phương đi đến đâu là gieo máu và nước mắt đến đó. Ông đã dành cả một đời tinh anh đập cho bình địa nền triết học tây phương giết người:


Phân biệt giữa hữu và vô (có với không),
Bên chủ bên nô,
Vô sản hữu sản,
Vô thần hữu thần,
Giáo đường cuộc sống,
Có đạo vô đạo,
Thiên Đàng trần gian,
!Hồn và xác,
Chính trị và tôn giáo v.v …


Những nét chẻ đôi này sau 25 thế kỉ vẫn luôn rỉ máu và chia rẽ lòai người. Việt Nam đã là một trong những nơi là đấu trường giữa 2 gọng kìm nhị nguyên giết người này. Triết lý đã không còn là cái học hàn lâm trong phạm vi nhỏ hẹp học đường mà thực sự đã có hàng triệu triệu người gục ngã vì những nét chẻ đôi nói trên. Người xưa nói: làm thầy thuốc lầm, chỉ giết một người; làm văn hóa trật thì giết muôn thế hệ là vậy.


2. Quan niệm thần linh trong văn hóa Ấn Độ.

Văn hóa Ấn Độ là sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa bản thổ nông nghiệp Dravidien và ngọai xâm du mục Aryen. Tình trạng có phần tương tự với nền văn minh Viễn Đông chúng ta trong đó văn minh du mục tây bắc đã gặp văn minh Việt để làm nên văn minh Việt Nho. Bên Viễn Đông thì Việt Tộc vẫn làm chủ dòng văn hóa. Bên Ấn Độ thì chủ động là Aryen.

Nét căn bản đầu tiên của văn hóa Dravidien phát xuất từ thần Prajapati cũng gọi là Brahma hay Chúa Tể Vũ Trụ đã tự hóa thân thành Purusha Đại Ngã. Con người cá nhân chỉ là cái bóng mờ nhạt nhỏ bé so với Purusha Đại Ngã, nên cứu cánh của con người là phải làm thế nào để trở về với Purusha. Phương pháp để đạt là Thiền, Yoga.

Aryen thì ngược lại giải thích con người cũng phát xuất từ Brahma nhưng nếu:

Do miệng Thần thì là bậc cao nhất là Tăng Lữ,
Bởi tay Thần là đẳng cấp thứ nhì: Quân nhân,
Bởi bụng Thần là đẳng cấp 3: Thương gia,
Bởi chân Thần là đẳng cấp 4: Công nông


Nếu không bởi Thần, dù chỉ là chân thì cũng bị kể là vô lọai, vô giá trị. Tất cả dân bản thổ Dravidiens chỉ là vô lọai paria, không có quyền tham dự đời sống của 4 giai cấp Aryen. Nếu vi phạm sẽ bị phạt một cách kinh khủng. Thí dụ những người vô lọai dám nghe trộm thánh kinh Veda thì bị đổ chì sôi vào tai ! Dravidien quan niệm con người phải tu luyện lấy mình bằng thiền định chứ không thể nhờ Tăng Lữ cầu khấn thay mình bằng tế tự, kinh sách, lễ nghi như Aryen. Tăng Lữ Aryen nắm độc quyền việc tế lễ nên họ đòi một phí khỏan tùy sở thích, gọi là darshina.


Đàn bà trong văn minh Dravidien được coi trọng. Trái lại trong văn minh du mục Aryen đề cao đàn ông, hạ đàn bà xuống thành sản vật của đàn ông. Khi chồng chết các bà cũng phải lên dàn hỏa để thiêu sống, chết theo chồng. Kinh Veda không có lời truyền (bắt buộc) mà chỉ có lời khuyên – nên còn cho phép người góa khỏi bị thiêu sống nếu khi đã nằm trên đống củi mà có người đàn ông nào đến nắm tay kéo đi thì được phép theo để nên vợ chồng. Những trường hợp này ít khi xẩy ra vì họ sẽ bị dư luận khinh bỉ hết sức. Sở dĩ có dư luận như vậy là do Tăng Lữ gây ra, vì nếu người góa có chết theo thì gia nghiệp tài sản đương nhiên sẽ thuộc về giai cấp Brahmana. Dĩ nhiên những thêu dệt tốt đẹp về người vợ chết theo chồng được đưa lên hàng quốc sách giống như những anh hùng lao động, anh hùng chống Mỹ cứu nước, anh hùng Nguyễn Văn Chỗi của Đảnng ta vậy !

Tục lệ này được duy trì mãi cho tới năm 1820 mới được Phó Vương Lord William Bentick ra lệnh bãi bỏ. Những người phản đối hơn hết là giai cấp Tăng Lữ. Xem người mới biết mình. Các bà trong xã hội ta “lệnh ông không bằng cồng bà”. Vị Nữ Hòang đầu tiên trong lịch sử nhân lọai là Hai Bà Trưng, Bà Triệu … Sử Tàu thì cố vùi đi, xuyên tạc bôi nhọ bà Triệu vú dài tới rốn … Sử ta thì chép lại Sử Tàu. Các quan thực dân thì nói Việt đã mượn của Tàu hết thay thảy, chẳng có gì là của Việt. Xem vậy việc khôi phục lại văn hóa Việt Tộc phải được coi là trước nhất trong việc cứu quốc và kiến quốc.


Đức Phật xuất hiện, ngài kêu gọi trở về văn hóa bản thổ Dravidien, con người phải tự giải thóat lấy mình. Ngài đã dám nói tọac tất cả sự thật phũ phàm vào mặt bọn Tăng Lữ Brahmana. Chúng ta biết rằng tiếng OM là một từ được coi là rất thánh trong việc tế tự (như tiếng AMEN trong Thiên Chúa Giáo). Các Tăng Lữ thường vừa đi kiệu vừa hát tiếng OM , thế mà Phật tổ đã không ngần ngại ví họ với đàn chó, vừa đi vừa sủa om om để đòi ăn. Chính vì óc can đảm dám nói thẳng sự thật như thế mà sau này Phật Giáo đã bị đẩy ra khỏi đất Ấn Độ, vì đó là đất đã nằm trọn vẹn dưới phủ việt của Brahmana (ngày nay bên Ấn Độ chỉ còn chừng vài trăm ngàn người theo đạo Phật). Sang đến Viễn Đông thì Phật Giáo vào lòng dân tộc, các vị Sư đã dựng nước và giữ nước một cách kiêu hùng. Nhà Chùa có tài sản vì hấp thụ “phú chi giáo chi” của Việt Tộc. Ngày nay thì thực dân và cộng sản chủ trương tuyên truyền, tôn giáo phải tách rời khỏi chính trị. Người xuất gia tu hành thì không còn dính tới việc đời nữa. Thế là mặc sức cho chúng tung hòanh, phân tán. Hình ảnh Chúa bị đóng đinh vì tranh đấu cho con người, đập phá những hình thức tôn giáo cựu ước Do Thái và Phật tổ can đảm vì hô hào chúng sinh tự giải thóat, không còn là lý tưởng theo Thầy của người Kitô hữu (người theo Chúa) và Phật tử chân chính theo Phật nữa sao ?! Amen. Nam Mô.


3. Quan niệm thần linh qua Thánh Kinh Cựu Ước Do Thái Giáo.

Thánh Kinh Cựu Ước Do Thái bắt đ2u từ việc Thiên Chúa dựng nên trời và đất trong 7 ngày:

Ngày thứ 1: phân biệt ngày và đêm, sáng và tối,
Ngày thứ 2: lập vòm trời,
Ngày thứ 3: lập vũ trụ và thảo mộc,
Ngày thứ 4: phân định ngày tháng,
Ngày thứ 5: dựng nên sinh vật hạ đẳng (lòai bò sát),
Ngày thứ 6: dựng nên thú vật và Ngày thứ 7 nghỉ. Mọi công việc đã tạo dựng hòan chỉnh.

Thế nhưng một ngày kia con người đã không vâng lệnh Thượng Đế, hái ăn một trái cây ngài cấm. Vợ Eve ăn trước rồi đưa cho chồng Adam. Hai người liền nhận ra mình trần truồng khác giống, nam nữ, phải lấy lá che thân rồi bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, phải lam lũ cực khổ để kiếm ăn. Con người sinh sản ngày một đông, rồi sống đồi trụy, đưa đến hình phạt trận lụt đại Hồng Thủy. Lòai người chết hết chỉ còn một gia đình Noe. Lòai người lại tái sinh đầy mặt đất. Con cháu Noe tin tưởng Abraham là cha của dân tộc Do Thái được Chúa thương tuyển lựa giữa muôn dân, hứa cho họ một miền đầy sữa và mật ong, gọi là Đất Hứa, Đất Thánh.

Cuộc hành trình đầy cam go về miền Đất Hứa diễn ra qua hàng ngàn năm từ Mosaac, giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Ai Cập, được Chúa ban giao ước tại Sinai. Chúa hứa rằng nếu dòng dõi Israel chỉ thờ kính một mình ngài và tuân giữ 10 giới răn của ngài thì sẽ được vào Đất Hứa. Mười điều răn đó là:
Chỉ thờ phượng một Yavê, chúa của Israel . Không tạc và thờ lạy các thần khác,
Không kêu tên Yavê vô cớ,
Chỉ làm việc 6 ngày. Dành ngày thứ 7 kính Yavê,
Trọng kính cha mẹ,
Chớ giết người,
Không ngọai tình,
Không trộm cắp,
Không làm chứng gian,
Không mê muốn nhà cửa của đồng lọai,
Không mê muốn vợ của đồng lọai, tôi tớ trai, gái, bò lừa của đồng lọai và bất cứ vật gì của họ. Xuất hành 20.1-21.


Bản dịch của LM. Nguyễn Thế Thuấn

Mười điều luật trên kia và nhiều điều luật khác chính Thượng Đế ban bố cho Moise, các tư tế và tòan dân trên núi Sinai. Ngài chỉ dân việc xây đền thánh thờ kính ngài, định lễ phục cho các tư tế, định lễ vật dâng kính (bò tơ, cừu đực) v.v… Các lề luật này ấn định bổn phận của họ với Yavê và với anh em đồng lọai với nhau. Giữ được như vậy, Thiên Chúa sẽ hứa cho dân vào miền đất thánh của ngài.


Cựu ước chấm dứt với lời hứa của Thiên Chúa chưa được thực hiện. Mãi tới ngày nay, thế kỷ 21 rồi mà dân Do Thái vẫn tin tưởng một Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải phóng dân tộc họ, cho họ tòan mảnh đất hứa ở vùng Trung Đông. Lời hứa ấy là một sức mạnh tinh thần vô song của họ trong việc tái lập nước Israel . Một sự cậy trông tin tưởng phải được duy trì để thiết lập nước Israel muôn thuở.


4. Quan niện thần linh trong thánh kinh Tân Ước.

Đức Jesus xuất hiện vào thế kỷ thứ 1 tại Do Thái trong một bầu khí tôn giáo như đã nói ở trên. Jesus tự xưng là Đấng Cứu Thế, là con Thiên Chúa, là Tiên Tri. Ngài vẫn tôn trọng Cựu Ước, lề luật,, cơ cấu xã hội thời bấy giờ. Ngài công kích kịch liệt bọn biệt phái, hàng tư tế Do Thái chỉ biết câu lệ vào nghĩa đen của lề luật để bắt chẹt kẻ khác thủ lợi. Đại để hàng biệt phái Do Thái chỉ trích Đức Jesus và các đệ tử ngài không giữ các hình thức, luật lệ bên ngòai như không rửa tay trước khi ăn cơm. Trong khi đó thì hàng tư tế Do Thái chủ trương rằng ai khuyên cha mẹ dâng cúng tài sản cho họ thì khỏi giữ hiếu với cha mẹ mình. (Mathêu 15.7). Đức Jesus chỉ trích họ là bọn giả hình, thờ kính Thượng Đế bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ngài. Họ bó những gánh nặng đặt trên vai người ta còn chính họ thì không muốn tra ngón tay lay thử. Mọi việc của họ làm đều vì khoe khoang cho người ta thấy. Họ sính cỗ nhất trong tiệc tùng và chỗ nhất nơi Hội Đường. Họ đã ngốn cả nhà cửa của các bà góa và làm bộ cầu nguyện lâu giờ. Họ cố chinh phục người ngọai tòng giáo nhưng khi đã tòng giáo rồi thì lại biến họ thành con cái hỏa ngục gấp đôi họ (Mathêu 23.1-15). Ngài ví hàng tư tế Do Thái thời ấy như mồ mả tô vôi: mã ngòai hình như đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế. Cũng vậy bên ngòai họ ra bộ công chính đối với người ta, nhưng bên trong thì đầy giả hình và vô đạo (Matheu 23.27-28). Không chịu nổi những tấn công của ngài, hàng tư tế Do Thái đã bách hại ngài và đóng đinh ngài trên thập giá.

Vậy Đức Kitô đến như một sứ giả của Thiên Chúa. Ngài không câu nệ nơi lề luật, nơi giáo đường mà chuyển việc thờ Thiên Chúa vào trong tinh thần và chân lý. Ngài nói với người phụ nữ Samari: “Này bà, hãy tin ta, đã đến giờ không còn thờ Thiên Chúa trên núi này hay đền thờ kia nữa mà những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng ngài trong tinh thần và chân lý – ngài chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng ngài như thế.(Yoan 4.21-24). Tuyệt đỉnh của Tân Ước Đức Jesus là Bài Giảng Trên Núi, cũng được gọi là Hiến Chương Nước Trời, là Tám Mối Phúc Thật, kết tinh nền tảng của đạo Thiên Chúa:

Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì nước trời là của họ,
Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp,
Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được an ủi,
Phúc cho những kẻ đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy,
Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương,

6. Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa,Phúc cho những kẻ tác tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa,Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước trời là của họ.

(Mathêo 5.1-10)


Đức Jesus quả đã làm một giao ước mới giữa Thượing Đế và Con Người. Giao ước đó thể hiện câu Đông Phương “Thiên lý tại nhân tâm” – “Chí thành như thần”. Bản thân Đức Jesus vừa là Người vừa là Thiên Chúa và mọi người chúng ta nếu sống đúng phẩm giá con người, thực hiện bài giảng trên núi của ngài cũng sẽ trở thành thánh thành thần. Đức Jesus đã nối kết Trời với Đất làm một “đất với trời xe chữ đồng”, nối chỉ trời với chỉ đất trong con người (giao chỉ). Ngài giáng sinh trong khó nghèo, suốt cuộc đời rao giảng tin mừng về nước trời. Lạ lùng thay, nước trời ấy không phải là trời trên chín tầng cao mà ngay trong lòng con người. Hãy sống khó nghèo, tác tạo hòa bình, yêu mến sự công chính, can đảm chịu bắt bớ vì lẽ phải … thì nước trời là của họ.


Suốt dọc lịch sử Đạo Thiên Chúa, sau Đức Jesus và các đệ tử của ngài, sứ điệp tin mừng ấy đã không mấy được thực hiện. Cũng như bên trời Đông, Nho giáo sau Khổng Tử đã bị sa đọa thành một thứ Nho giáo trọng quyền, thiếu nhân tính và mọi tệ đoan của nó từ Hán Nho, Tống Nho rồi Thanh Nho để đến nay con cháu không còn nhận ra Nho giáo chính truyền nữa, không còn nhận ra cái Nho nguyên thủy là Việt Nho mà Việt tộc đã làm chủ miền Bách Việt trước khi có nước Tàu mà Khổng Tử đã tự xưng mình chỉ là người thuật lại cái Đạo sống của người xưa (thuật nhi bất tác) của người phương Nam nông nghiệp chứ không phải phương bắc du mục. Quê hương của Nho đã được hệ thống hóa cũng như đã làm ra sa đọa mà người Tàu đã hạ một câu chết người bởi Mao Trạch Đông, chủ tịch Trung Cộng: “Cái học Nho giáo là cái học ăn cứt” rồi bị hàm oan bởi chính người Việt “Nho giáo làm ta mất nước”. Thế là đi rước cái học ngọai lai mang về, phá sạch tận gốc căn bản tâm linh của ta. Việc làm cho Nho giáo sa đọa tại Đông cũng xẩy ra tương tự bên trời Tây là việc Hòang Đế Charlemagne bên Pháp đã lợi dụng Thiên Chúa Giáo để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế của ông, cho giáo hội La Mã mọi đặc quyền đặc lợi. Đạo đức chỉ còn chú trọng vào hình thức lễ nghi, thờ hết ông thánh này bà thánh nọ, rước sách kềnh cơi bên ngòai, xây biết bao nhà thờ sang trọng, cho như thế là đạo đức, quên hẳn lời khuyên Phúc Âm, bài giảng trên núi. Phản ứng lại là phong trào Tin Lành, kêu gọi giáo hội từ bỏ vật chất, quyền bính thế tục, trở về tìm hiểu thánh kinh, sống lời khuyên Phúc Âm, thực hiện Tám Mối Phúc Thật …


Giáo hội Công Giáo phản ứng lại mãnh liệt phong trào Tin Lành: ra vạ tuyệt thông những người tham gia. Thiên Chúa Giáo chia rẽ thành nhiều khuynh hướng khác nhau: Công Giáo La Mã, Chính Thống Hy Lạp, Tin Lành Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh … từ thế kỷ 16 mãi cho đến năm 1958, Đức Giáo Chủ Công Giáo Gioan 23 triệu tập Công Đồng Vatican 2 canh tân giáo hội, nhận lỗi lầm của giáo hội, giải vạ tuyệt thông, gọi các giáo phái là anh em ly khai … Từ Công Đồng Vatican 2, Công Giáo đã có nhiều cải tổ, nhiều liên hệ và cởi mở với các tôn giáo khác, có đối thọai với các niềm tin khác nhau. Nhưng các vấn đề nền tảng là thiên đàng và trần gian, hồn và xác, đạo và đời … trong triết học Platon Aristote sang thần học St Augustin và St Thomas vẫn không thể nào nối lại đuợc. Đạo không hướng dẫn nổi đời. Phương pháp của đạo là đọc kinh và cầu khấn đã dần dần bị bỏ rơi một cách âm thầm lặng lẽ để rồi quê hương của Thiên Chúa Giáo ngày nay là các xã hội tây phương đi vào hưởng thụ vật chất do khoa học kỹ thuật đem lại mà lòng vẫn lạnh giá mang theo nhiều bệnh thần kinh vì cuộc sống vô hướng vô hồn. Mới rồi đây một Giám Mục Việt Nam nói chuyện với một hội nghị Công Giáo ở Tây Phương rằng, nếu giảng về hồng ân Thiên Chúa và tình thương của ngài đối với nhân lọai thì xem ra tín hữu thờ ơ. Nhưng nếu đem hỏa ngục ra khuyên bảo thì số người xưng tội rước lễ nhiều hơn. Nếu đạo chỉ có xưng tội rước lễ, đến nhà thờ cầu xin ơn phước này nọ như được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, khi chết được lên thiên đàng … hoặc tiêu cực như giữ đạo để khỏi phải sa hỏa ngục thì lối giữ đạo đó đặt căn bản trên lợi hành (có lợi mới làm) hoặc cưỡng hành (làm vì sợ sa hỏa ngục) chứ chưa phải giữ đạo để trở nên hòan thiện cho chính mình ngay ở tại trần gian này (an hành). Giữ đạo chính là trung với mình, hòa với người, lúc nào cũng chính tâm thành ý trong mọi hành vi để những mối liên hệ giữa nhân quần xã hội trở nên tốt hơn. Chúa phán: “Các con hãy trở nên hòan thiện” – St Augustin cũng nói: “ Thiên Chúa có thể sinh ra tôi không cần có tôi nhưng Thiên Chúa không thể cứu được tôi nếu không có tôi”. Nhiều người tín hữu Việt Nam quan niệm rằng, nếu Tòa Thánh La Mã cho các linh mục Công Giáo lập gia đình như Anh Giáo thì họ sẽ không theo đạo nữa. Vậy họ theo đạo vì ông cha hay theo đạo để trở nên hòan thiện cho chính mình ? Anh Giáo hiện nay cũng cho các bà được làm Linh Mục, được làm lễ … đã gây nhiều tranh luận, nhiều Linh Mục và giáo dân Anh Giáo trở lại theo Công Giáo La Mã. Công Giáo cũng chống lại việc cho các bà làm Linh Mục viện lẽ theo truyền thống từ thời các môn đệ của chúa Jesus, từ thời giáo hội sơ khai, không có các nữ linh mục. Những tranh luận như thế chỉ dựa trên hình thức chứ thực ra việc dâng lễ là việc một cộng đòan hợp nhau lại dâng lên Thượng Đế những tâm tư của mình như Đông Phương quan niệm “tế thần như thần tại” và con người là tinh anh của trời cùng đất thì người đại diện là nam hay nữ đều được cả. Xa hơn nữa với triết lý nhân sinh, thiếu các bà thì lễ Gia Tiên bất thành. Các bà trong xã hội ta được gọi là Nội Tướng, giữ tay hòm chìa khóa, tài sản mọi sự (lệnh ông không bằng cồng bà). Sự coi khinh các bà đã bắt nguồn ngay từ thời nguyên tổ, Eve nhẹ dạ nghe lời của con rắn ăn trái cấm. Văn minh Hy Lạp La Mã , Ấn Độ coi các bà là vật giải trí cho đàn ông. Thời trung cổ có lúc người ta đã đặt vấn đề đàn bà có linh hồn hay không, cũng như nô lệ không có linh hồn, nên có quyền giết đi, bán đi như con vật và phải có chế độ nô lệ để có người phục vụ. Như vậy các bà không được làm Linh Mục, tế lễ cũng là điều dễ hiểu. Việc các linh mục độc thân để dễ dàng phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân cũng là vấn đề nan giải. Nó bắt nguồn sâu xa từ triết lý coi khinh thân xác, hồn xác li biệt. Xác là mồ chôn linh hồn trong triết học Aristote sau này là thần học St Thomas . Những gì thuộc về trần gian, thân xác, nhất là dục tính thì bị coi khinh, cho là bẩn thỉu. Nghĩ đến thôi đã là có tội. Phải đánh tội, phạt xác để linh hồn được tinh ròng. Ngày nay tâm lí các miền sâu nhận ra rằng con người bị chi phối đến 90% bằng tình cảm, chỉ có 10% do lý trí. Freud còn cho rằng tất cả con người đều bị dục tính (Libido) chi phôi. Mới gần đây với phương tiện truyền thông hiện đại, người ta đã khám phá ra bao nhiêu chuyện các linh Mục, Giám Mục Công Giáo liên hệ với phụ nữ, làm tình với thanh thiếu niên do việc dục tính bị dồn ép nhất là ở các nước tôn giáo còn mạnh như Ái Nhĩ Lan tòan tòng Công Giáo bấy lâu nay đã bị giấu nhẹm nay thì con số thống kê đã lên tới rất cao số linh mục phá giới. Ở Los Angeles California đã phải đền bù hàng trăm triệu Mỹ Kim những vụ bê bối tình dục của các Linh Mục, bồi thường cho các gia đình phạm nhân để chuyện khỏi đổ bể ra bên ngòai. Người theo đạo do đó hòai nghi và con số đến nhà thờ ngày một giảm. Con số đi tu cũng thật hiếm hoi.


Mới đây nhất (tháng 9 / 1996) một Giám Mục Công Giáo tại Scottland Anh Quốc, ông Roderick Wright đã bỏ Tòa Giám Mục về sống với người vợ thứ hai của ông. Bà trước đã có với ông một con trai 15 tuổi. Bà này đã tố cáo cuộc sống của ông khi biết ông quyết định ở với bà 2 hơn là ở với bà. Xì căng đan này mạnh mẽ lan rộng khắp hòan cầu tới nỗi một Giám Mục Công Giáo ở Brighton Anh Quốc đã nói luật độc thân cho các linh mục ngày nay chỉ còn là vấn đề thời gian, La Mã sẽ cho phép họ lập gia đình như Anh Giáo. Vậy vấn đề căn bản của đạo không là đi lễ, đọc kinh nhiều hay ít; tin vào cha này hay Giám Mục nọ; linh mục là nam hay nữ … mà then chốt của đạo là có SỐNG CÔNG CHÍNH hay không. Cao hơn một bậc là có dám bảo vệ lẽ phải và sự công chính hay không. Có dám hy sinh của cải, địa vị, mạng sống mình vì sự công chính như Chúa hay Phật đã làm hay không. Sự công chính ở đây trong phạm vi quốc gia là chống bất công xã hội, cường quyền gian trá. Phạm vi xã hội là ăn cắp của công, lừa đảo người khác, chiếm đọat tài sản danh dự con người. Phạm vi gia đình là lấy của gia đình đi bài bạc, tiêu pha bất chính, áp chế con cái … phạm những điều đó nặng hơn gấp bội không đi nhà thờ, đi lễ. Nhưng người ta đã tự lừa dối chính mình, lấy việc đi lễ đọc kinh làm trọng, lờ đi sự gian trá mình đang làm để tiếp tục an vui !


Phật giáo đi vào tâm, lấy chữ Nghiệp làm thước đo mọi hành vi. Làm tốt tạo nghiệp tốt. Làm xấu tạo nghịệp xấu. Phá chấp để khử trừ mọi lệ thuộc kể cả lệ thuộc vào Phật để tự hòan thiện lấy chính mình. Phật dạy “Sát Phật để thành Phật” – có nghĩa là không cần xin xỏ gì Phật cả, khỏi cần lễ Chùa lễ Phật mà hãy tự tạo nghiệp tốt để cứu lấy mình. Đó là con đường cứu độ của mọi chúng sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.