"ẤY HỒN THỤC §Ế HAY MÌNH §Ỗ QUYÊN". "Ðỗ Quyên" là một loại chim cũng còn gọi là Tử Quy, tiếng nôm na là chim Cuốc. Ðầu mỏ chim hơi cong, miệng to, đuôi dài, lông lưng màu tro, bụng trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lủi trong bụi rậm, dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối Xuân sang Hè thì bắt đầu kêu vào đêm trăng mờ tịch mịch ở nông thôn. Giọng kêu buồn thảm, gợi lòng lữ khách nhớ nhà, nhớ quê hương.
"Thục Ðế" là vua nước Thục tên Ðỗ Vũ thấy vợ của một bề tôi là Biết Linh, người rất đẹp nên tìm cách thông dâm. Tức giận, Biết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành. Thục Ðế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở quá rồi chết. Ðoạn này, sách "Thành đô ký" chép có khác là vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết chuyện, Biết Linh bắt buộc vợ nói khích vua Thục nhường ngôi cho Biết Linh, rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước ra đi để sống cho trọn tình chung thuỷ. Thục Ðế say mê vợ Biết Linh quá, thà mất ngôi vàng hơn mất người đẹp nên nghe theo. Nhưng thảm cho Thục Ðế đã mất ngai vàng cuốn theo mất người đẹp, vì vợ của Biết Linh quay trở lại sống với chồng.
Nhục nhã, buồn tủi, vào rừng ở, nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Ðế chết hoá thành chim Ðỗ quyên ngày đêm kêu "cuốc, cuốc" hay "quốc, quốc" (nước, nước). "Quốc, quốc" do tá âm "cuốc, cuốc".
Trong bài "Qua đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan, có câu:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Thi ca cổ điển Việt Nam dùng rất nhiều điển tích về hai chim này.
TRẦN DANH ÁN, MỘT DI THẦN NHÀ HẬU LÊ (1423- 1788), NGHE TIẾNG CUỐC KÊU CŨNG cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh... mà cuối cùng vua Lê Chiêu Thống lại hèn nhát đầu hàng ngoại quốc, khiến lòng ái quốc tha thiết sống động trong tâm hồn thi sĩ, nhưng cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc, nên đành gói gém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ:
Giá cô tại giang Nam
Ðỗ Quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Ðỗ Quyên minh quốc quốc
Vi cầm do hữu quốc gia thanh
Cô thần đối thử tình vô cực
Nghĩa:
Chim Giá cô ở bờ sông Nam
Chim Ðỗ Quyên ở bờ sông Bắc
Giá cô kêu gia gia
Ðỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác!
Ðứng trước thành Cổ Loa, xưa nơi đây là cung miếu của vua Thục An Dương Vương, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì nay điêu tàn quạnh quẽ bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng Cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã:
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm
Nghĩa:
Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt
Trăng mở khắc khoải Cuốc kêu thâu
Tiếng Cuốc của Chu Mạnh Trinh tuy có não ruột, nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi ai bằng tiếng Cuốc của nhà thơ Yên Ðổ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của Nguyễn là tất cả tiếng nói của lòng, của một người dân yêu nước bị mất nước. Tiếng Cuốc đó còn nói lên một nỗi đau buồn, uất hận của tác giả vì bất lực trước cảnh đen tối của đất nước bị nạn ngoại xâm. Và, đó cũng là tiếng nói của lương tâm đương thôi thúc của tác giả xông vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơẤY hồn Thục Ðế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách gian hồ dạ ngẩn ngơ!
Mượn tiếng Cuốc kêu hay Ðỗ Quyên, hay Thục Ðế... để diễn tả tâm sự của một người dân vong quốc vẫn là một thông lệ trong văn chương.
Khúc đâu êm ái xuân tìnhẤY hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ Quyên
Lẽ tất nhiên khúc đàn của Kiều ở đây không phải để tỏ lòng nhớ nước, mà là lòng thương tiếc thời tuổi trẻ với mối tình xuân nồng nàn thâm thuý ở buổi đầu "có phải tiếc xuân mà đứng gọi..."
Khúc đàn "đầm ấm dương hoà" lâng lâng mơ màng đến nỗi tưởng "mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình" qua một cơn mộng đẹp. Ðoạn kế tiếp, khúc đàn êm ái xuân tình cũng lâng lâng mơ màng, không biết phải Thục Ðế hoá thành Ðỗ Quyên hay Ðỗ Quyên hoá làm Thục Ðế. Tác giả mượn hư nói thực, mượn thực nói hư.
Trên là tính chất của bản đàn.
Tiếp đến, tác giả tả tính chất của tiếng đàn.
Tiếng đàn rất trong và rất ấm.
Trong sao châu rỏ duềnh quyênẤM sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông
Tiếng đàn sao mà trong trẻo thế. Trong như hạt châu rỏ xuống vung nước (duềnh) đẹp (quyên) của đêm trăng. Hạt châu đã trong rỏ nước xuống dưới ánh trăng trong càng trong thêm. Cũng như hạt châu, tiếng đàn như hạt châu rỏ xuống duềnh quyên với một âm điệu trong sáng, êm ái, nhẹ nhàng.
Tiếng đàn ấm là tiếng đàn còn dư sức ngân mà chỉ ngân vừa chừng để dư âm lại sau. Tác giả cụ thể hoá sức ấm của tiếng đàn, ví như hạt ngọc Lam Ðiền mới đông.
Phê bình tiếng đàn, người ta thường cho rằng: tiếng đàn trong là tiếng đàn của người nhàn nhã, thanh tao; tiếng đàn ấm là tiếng đàn của người có hậu tức là có tướng tốt đẹp. Tác giả muốn tiếng đàn của Kiều, tỏ ra lúc này là tiếng đàn của người được hưởng thụ hạnh phúc sau 15 năm chịu cảnh đoạ đày, thuyết minh một định luật "bĩ cực thái lai", khác những khúc đàn trước!
Một điều cần tìm hiểu thêm- cũng như một số nhà nghiên cứu "Truyện Kiều"- là tác giả đã dịch thoát ý một số câu trong bài thơ "Cẩm SẮT" CỦA LÝ THƯƠNG ẨN ĐỜI NHÀ §ƯỜNG.
Nguyên bài thơ "Cẩm sắt" có 8 câu:
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục Ðế xuân tâm thác Ðỗ Quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Ðiền nhựt noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ vãng nhiên
Nghĩa:
Cẩm sắt năm mươi chẵn sợi mành
Mỗi dây một trụ nhớ ngày xanh
Mơ màng bướm lẫn Trang sinh mộng
áo não quyên kêu Thục Ðế tình
Thương hải lệ châu trăng chiếu suốt
Lam Ðiền hơi ngọc nắng hun thành
Tình này đợi nhớ trong mai hậu
Chán nản giờ đây khổ nỗi mình(Bản dịch của Bửu Cầm và Tạ Quang Phát)
Như vậy, ta thấy tác giả Truyện Kiều không mượn ý của toàn bài mà chỉ mượn có 4 câu (thứ ba, tư, năm, sáu). Tại sao chỉ lấy 4 câu?
Ðây là một dụng ý sâu xa của tác giả.
Trong bài "Cẩm sắt": câu 3 tả tiếng đàn mơ màng; câu 4 tả tiếng đàn áo não; câu 5 tả tiếng đàn trong trẻo; câu 6 tả tiếng đàn ấm áp. Phải chăng tính chất của những tiếng đàn ấy thể hiện được cuộc đời của Kiều theo từng giai đoạn. Hay nói một cách khác, ngược lại, cuộc đời của Kiều đã trải qua những giai đoạn được thể hiện qua tiếng đàn.
"Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp" (câu 3): tiếng đàn có một âm điệu mơ màng, lâng lâng như một giấc mộng mà Trang Tử đến nỗi không biết mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình. Cũng như Kiều sống mơ màng huyền ảo với hương vị của mối tình đầu lúc Kiều và Kim Trọng mới yêu nhau. Ðôi trai tài gái sắc này lúc trao kỷ vật, cắt tóc thề nguyền, lúc đề thơ hội hoạ, lúc đánh đàn- tuy thời gian ngắn ngủi- nhưng đã xây nhiều mộng đẹp. Thực và ảo ảnh dường như trùng hợp có một liên hệ chặt chẽ.
"Thục Ðế xuân tâm thác đỗ quyên" (câu 4): tiếng đàn có một âm điệu não nuột, ai cảm như nỗi uất hận của vua Thục nhớ nước nhớ nhà gởi vào tiếng nấc nghẹn ngào, thảm não của Kiều khi lưu lạc, nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ cha mẹ, người yêu, sống đoạ đày trong kiếp phong trần vùi hoa dập liễu.
"Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ" (câu 5): tiếng đàn đến đây thì trong trẻo như ánh trăng vằng vặc chiếu xuống biển xanh qua suốt lớp nước sâu đến những hạt châu long lanh như đẫm lệ. Cái trong trẻo thanh tao ấy chẳng khác gì tấm thân tài sắc và lòng trinh trắng của Kiều được chìm sâu dưới nước sông Tiền Ðường để rửa sạch hết bụi trần nhơ, và để rồi sống một cuộc đời thanh u, nhàn nhã dưới của thiền bên cạnh vãi Giác Duyên.
"Lam điền nhật noãn ngọc sinh yêu" (câu 6): tiếng đàn cuối cùng với một âm điệu nồng nàn, ấm áp như ánh nắng nhẹ, êm ả chiếu xuống núi Lam điền khiến cho ngọc quý nơi đây bốc lên hơi. Cái ấm áp ấy thực nồng nàn, thắm thiết, thi vị như Kiều đoàn tụ với gia đình, gặp lại người yêu, nối lại khúc tình xưa. Ngọc lên hơi thoang thoảng như ái tình lên hương thấm thía đậm đà.
Qua 4 câu trong bài thơ "Cẩm sắt" của Lý THƯƠNG ẨN VÀ NGẪM LẠI CUỘC ĐỜI CỦA KIỀU, CHÚNG TA THẤY SỰ NGẪU HỢP thích thú và cũng lạ kỳ giữa tiếng đàn của một nhà thơ đời Ðường với cuộc đời của một giai nhân đời Minh, và sử dụng ý khéo léo của tác giả Truyện Kiều, một thi hài cận đại của Việt Nam chúng ta.
Vì cuộc đời của Kiều- nhân vật chính của truyện- phải trải qua bốn giai ĐOẠN CÓ TÍNH CÁCH KHÁC NHAU, MƠ MÀNG, ÁO NÃO, TRONG TRẺO VÀ ẤM ÁP. Ý TỨ TRONG 4 câu (3, 4, 5, 6) của bài "Cẩm sắt" của Lý THƯƠNG ẨN PHẢI ĐƯỢC ĐẶT ĐÚNG CHỖ Ở PHẦN KẾT CUỘC CỦA TRUYỆN, ĐỂ người đọc thoả lòng, mừng cho một khách má hồng tài sắc được sống một cuộc đời đáng sống trong hương vị ngây ngất ấm êm. Và, cũng để tạo cho người đọc một tư tưởng lạc quan, yêu đời, không vì thuyết "tài mạng tương đố, tạo vật đố hồng nhan" quá máy móc mà đâm ra bi quan, yếm thế, tiêu cực. Và, cái số kiếp đoạn trường của con người đâu phải là một định luật bất di bất dịch.
Mượn ý của 4 câu thơ "Cẩm sắt", cũng như tác giả Truyện Kiều tuy phóng tác của một truyện của Trung Hoa nhưng tác giả đã chuyển hoá, sáng tạo chẳng những để cho tác phẩm của mình được rực rỡ, phong phú mà còn làm cho điển tích được sáng thêm với tính phổ cập và đề cao.
(THEO §IỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU- NXB Ðồng Tháp)
Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai75-1.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.