Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương



             Ðoạn diễn tả về sắc và tài của Kiều, ngoài sắc đẹp "một hai nghiêng nước nghiêng thành", Kiều còn:
Thông minh vốn sẵn tư trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bực ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mạng lại càng não nhân
(câu 29 đến 34)
            "Hồ Cầm" là một thứ đàn giống đàn nhị của ta, kéo bằng cung căng mã vĩ. Kiểu giống đàn tỳ bà, gọi là Nguyệt cầm (đàn nguyệt). Ðàn này do ở Tây vực du nhập Trung Hoa nên gọi là Hồ cầm.
            Sách "Uyên giám" cho rằng: người Hồ lấy gỗ ngô đồng chế ra đàn Tỳ bà. Ðàn có bốn dây. Ðầu cung có khắc đầu chim Phượng hoặc đầu con Rồng uốn vào nhau rất mỹ thuật. Cổ đàn dài, mặt phẳng, lưng tròn, thùng rộng và dẹt. Trong thùng đàn có buộc một sợi dây đồng. Khi gảy sợi tơ bên ngoài phát âm, đàn rung thì sợi dây đồng bên trong cũng rung theo, phụ hoạ thành một âm thanh tuyệt diệu. Trên mặt đàn có bốn phím bằng ngà là phím thấp, chín phím bằng trúc là phím cao. Tất cả là 13 phím ở vào một vị trí nhất định. Cung đàn có thước tấc quy định rõ rệt để làm tiết độ cho âm thanh khi trong, khi đục, khi réo rắt, khi trầm buồn, khi hùng tráng, khi thánh thót, lửng lơ...
            Năm 33 trước Dương lịch, triều Hán Nguyên đế, Vương Tường tức Vương Chiêu Quân lúc xa lìa tổ quốc sang cống chúa nước Hồ đến ải Nhạn môn, nàng dùng đàn này gảy một khúc đàn có 24 câu rất ai oán. Ngày xưa, gảy đàn Tỳ bà- cũng gọi là đánh đàn- tức là dùng gỗ tròn để buông bắt tiếng rung trên phím đàn như cách đánh đàn Hạ- uy- di (guitare Harwaiene) ngày nay. Về sau, đến đời nhà Ðường (618- 904), triều Ðường Thái Tông (627- 650) có người nhạc trưởng tên Bùi Ngọc Nhi tìm cách bỏ gỗ dùng tay mà vuốt, nắm lấy phím rung vừa nhẹ vừa thanh hơn.
            Trong bài "Vịnh Minh phi thôn" của thi hào Ðỗ Phủ đời nhà Ðường, khi đi ngang qua thôn Minh Phi, quê hương của Chiêu Quân, có câu (câu 7 và 8):
Thiên tải Tỳ bà tác Hồ ngữ
Phân minh oán hận khúc trung lôn"
    Bùi Khánh Ðản dịch:
Muôn thuở tiếng Hồ trong khúc nhạc
Ðàn Tỳ oán hận vẳng dư thanh
            Bạch Cư Dị (772- 846)- một thi hào danh tiếng thời Thịnh Ðường làm Hàn lâm học sĩ bị Vua nghe lời gièm pha biếm làm Tư mã đất Giang Châu. Một đêm khuya mùa thu vắng lạnh, trên bến Tầm Dương, Bạch tiễn chân người bạn ra bến nước, bỗng nghe tiếng tỳ bà văng vẳng trên sông. Vốn sẵn tâm hồn nghệ sĩ, ông liền tìm đến. Nghe tiếng động, tiếng Tỳ bà dứt. Người đánh đàn trên thuyền là một phụ nữ. Trước, nàng là một ca kỹ "nổi danh tài sắc một thời" nhưng thời vàng son trôi qua nhanh chóng, ngày càng nhạt phấn tàn hương, kiếp hoa xuân sớm tàn, rồi khách du cũng dần thưa vắng... Gia đình nàng lại gặp nhiều biến cố: dì chết, em đi lính xa xôi...
            Bấy giờ, nàng phải gởi thân cho khách buôn trà. Nhưng cuộc sống quá ghẻ lạnh. Chồng mãi đeo đuổi lợi lộc, bỏ nàng chiếc bóng thui thủi với chiếc thuyền không giữa dòng sông nước mênh mông. Rồi đêm đêm, chạnh nghĩ đến thời quá khứ vàng son trẻ đẹp mà nhìn về tương lai lại mịt mù, nàng chỉ còn biết mượn tiếng tơ đồng của đàn Tỳ bà, để gởi mối sầu cô quạnh chan chứa ở lòng mình!
            Bạch Cư Dị nghe tâm sự của nàng ca kỹ mà bắt nao lòng. Nghĩ tâm sự của nàng với tâm sự của mình có điểm tương đồng, vì:
Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức
Phan Huy Vịnh dịch:
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
    Nhân đó, Bạch Cư Dị viết thành bài "Tỳ bà hành":
Kim dạ văn quân Từ bà ngữ
Như thỉnh tiên nhạc nhĩ tạm minh
Mạc từ cánh toạ đàn nhứt khúc
Vị quân phiên tác Tỳ bà hành
    Võ Danh dịch:
Ðêm nay nghe được Tỳ bà khúc
Nư nghe tiên nhạc mở thông minh
Chớ từ gảy lại cho nghe nữa
Vì mình ta làm Tỳ bà hành...
            Kiều có tài về âm nhạc. "Cung thương làu bực ngũ âm". Ngũ âm tức là năm cung, năm bực trong âm giai: cung, thương, giốc, truỷ, vũCung là tiếng to, nặng, rất thấp, rất đục, chậm. Thương là tiếng hơi đục, hơi thấy, mau lẹ. Giốc là tiếng lơ lửng, không cao, không thấp, không trong, không đục, tiếng tròn và kéo dài. Truỷ là tiếng hơi cao, hơi trong như tiếng chim hót.  là tiếng rất cao, rất trong như tiếng chim vỗ cánh. "Làu bực ngũ âm" tức là sành (rành) âm nhạc. Và, Kiều chuyên sử dụng đàn Hồ rất tuyệt vời, không ai bằng được (nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương). Lại chính tay Kiều soạn lấy bản nhạc và lời (khúc nhà tay lựa nên chương) đều sầu thảm, nhứt là bài "Bạc mạng" càng làm cho người nghe thêm não lòng.
            Mở đầu truyện, tác giả "Truyện Kiều" chú trọng giới thiệu Kiều- nhân vật chính- về sắc và tài với số phận của nàng..
            Sắc "một hai nghiêng nước nghiêng thành", tài "thi hoạ ca ngâm". Ðặc biệt là âm nhạc. Bản nhạc buồn thảm, lời nhạc ảo não với "thiên Bạc mạng". Hồ cầm, bắt người nhớ đến Chiêu Quân gảy đàn Tỳ bà khi phải sang cống Hồ, lại liên tưởng đến nàng ca kỹ bến Tầm dương... qua bài "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị.
        Từ cách dùng điển cố, dùng vật, dùng từ... mới xem cho là những chi tiết tầm thường, nhưng vốn có mối liên hệ chặt chẽ nhau có tính nhứt quán, trở nên quan trọng để báo hiệu cho cuộc đời của một con người theo chủ thuyết "Tài mạng tương đố", "Tạo vật đố hồng nhan", "Nhứt phiến tài tình thiên cổ luỵ"!.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai2.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.