Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

KHÚC ĐÂU HÁN SỞ CHIẾN TRƯỜNG


                                     
                        Chiều theo lời yêu cầu của Kim Trọng, Kiều liền cầm lấy đàn:
"So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán, Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng Lưu thuỷ, hai rằng Hành văn
Qúa quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia
(Câu 471 đến 480)
            Ðây là những bản nhạc: Khúc chiến trường giữa Hán và Sở, khúc Tư Mã phượng cầu của Tư Mã Tương Như, khúc Quảng lăng của Kê Khang, khúc đi cống Hồ của Chiêu Quân. Mỗi khúc có một tính chất đặc biệt.
            Khúc "Hán Sở chiến trường"
            Tần Thuỷ Hoàng sau khi dẹp tan 6 nước: Yên, Tề, Sở, Nguỵ, Triệu, Hàn chấm dứt thời Chiến quốc (479- 220 trước DL)- cũng gọi là Thất hùng- thống nhất đất nước, lập nên nhà Tần. Nhưng vì chế độ nhà Tần quá khắc nghiệt, dân chúng nổi dậy chống lại. Trước có Trần Thắng, Ngô Quảng. Bước đầu dân nghèo chỉ chặt cây làm binh khí và dùng gậy làm cờ. Nhưng đều bị quân Tần đánh vỡ. Chỉ còn lại lực lượng của Lưu Bang ở đất Bái và hạng Võ ở đất Ngô chống cự được với quân Tần. Sau Hạng Võ đánh bại được tướng Tần là Chương Hàm ở đất Cự Lộc (tỉnh Hà Bắc), Lưu Bang thừa dịp, đem binh thẳng đến Hàm Dương (kinh đô nhà Tần) dứt được nhà Tần. Nhưng rồi qua phân làm hai nhà: Hán (Lưu Bang) và Sở (Hạng Võ) tương tranh.
            Sở Hạng Võ có tướng tài, tham mưu giỏi mà không biết dùng. Hán Lưu Bang nhờ biết dùng người nên có nhiều bực hiền tài đến phò tá, như Tiêu Hà, Hàn Tín, Trương Lương được gọi là Tam Kiệt... nên đánh thắng được Sở, lên ngôi Vua, thống nhất đất nước (206 trước DL)
            Cuộc tương tranh giữa Hán, Sở chỉ khoảng 10 năm nhưng cường độ chiến tranh lúc nào cũng khốc liệt. Cuối cùng, Sở Hạng Võ bị tướng soái của Hán Lưu Bang là Hàn Tín bao vây tại núi Cửu lý ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập, thiếu lương thảo nhưng bên cạnh vua Sở còn 8.000 tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Ðông tức đất cũ, tu chỉnh binh mã, dựng lại thế lực để tiếp tục cuộc chiến đấu.
            Như vậy là một bất lợi cho Hán, dầu có đại thắng bằng binh lực nhưng phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8.000 tử đệ để cô lập Hạng Võ. Có thế cuộc chiến thắng đỡ bớt hao sinh mạng. Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng của tiết cuối thu lạnh lẽo, đi qua lại từ trên núi Kê Minh đến núi Cửu lý, thổi tiêu rồi hát. Trương Lương lại tuyển quân Hán học tiếng nước Sở cho hát bài "Bi ca tán Sở" do Trương soạn lấy.
            Canh khuya đêm vắng, tiết trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát ai oán gợi lòng thương nhớ gia đình cha mẹ già, vợ yếu con thơ... vọng vào dinh Sở. Quân Sở , tám ngàn tử đệ vốn người nước Sở, lìa quê nhà theo Hạng Võ nay gặp phải gian nguy, mạng sống như ngàn cân treo phải chỉ mành... nên trước chỉ buồn bã than thở, sau cùng càng thấm thía nước mắt đầm đìa, rồi bàn nhau bỏ trốn. Bên ngoài, Hàn Tín khéo léo nới rộng vòng vây để quân Sở tự do ra đi.
            Chỉ trong ba đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh trại của Sở, mười phần bỏ trốn hết bảy, tám. Cuối cùng, Hạng Võ phải từ biệt vợ là Ngu Cơ, cùng uống chén rượu buồn, cất tiếng hát một cách tuyệt vọng:
Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề chuy bất thệ
Chuỳ bất thệ hề khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề khả nại hà?
    Tạm dịch:
Sức nhổ núi chừ khí hơn đời
Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi
Ngựa chẳng đi chừ biết làm sao?
Ngu chừ, Ngu chừ biết làm sao?
            Ngu Cơ càng cảm động, cất giọng hoà lại:
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thinh
Ðại vương ý khí tận
Tiện thiếp hà biểu sinh
    Tạm dịch:
Binh Hán chiếm lấy đất
Bốn mặt tiếng Sở kêu
Ðại vương y khí hết
Mạng sống thiếp phải liều
            Ngu Cơ cầm gươm tự tử
            Thế rồi Vua Sở Hạng Võ một người một ngựa đánh mở con đường máu, thoát khỏi vòng vây chạy đến bên sông Ô, nhưng không qua được sông, cuối cùng tự tử.
            "Khúc Hán Sở chiến trường""tiếng sắt tiếng vàng" là tiếng những binh khí bằng kim loại va chạm nhau. Tiếng đục (sắt), tiếng trong (vàng), nghe đàn mà cảm thấy như nghe TIẾNG GƯƠM GIÁO CHẠM MẠNH, SÁT PHẠT GIỮA CHIẾN TRƯỜNG. Ý nói khúc đàn hùng tráng, rộn rã hoà hợp với tâm hồn rộn rã, tưng bừng của người gảy đàn như mở màn, chào đón một cuộc hội ngộ của đôi bạn son trẻ đắm đuối yêu nhau.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai21.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.