Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

VẺ CHI MỘT ĐOÁ YÊU ĐÀO


            Thưởng thức tài đánh đàn tuyệt diệu của Kiều, Kim Trọng càng say mê đắm đuối, lòng thêm rộn rực nỗi yêu đương, nên "trong âu yếm có chiều lả lơi", như vậy nhạc mất phần tác dụng kềm chế lòng người. Kiều thấy thế dùng lý luận khéo léo vừa đanh thép vừa tình cảm:
Thưa rằng: Ðừng lấy làm chơi
Rẽ cho thưa hết một lời đã nao
Vẻ chi một đoá yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
(Câu 501 đến 504)
"Yêu Ðào" nguyên chữ "Ðào yêu" trong Kinh Thi do Khổng Tử san định. Thơ "Ðào yêu" gồm có 3 chương:
1. Ðào chi yêu yêu
Thước thước kỳ hoa
Chi tử vu quy
Nghỉ kỳ thất gia
2. Ðào chi yêu yêu
Hữu phần kỳ thật
Chi tử vu quy
Nghỉ kỳ gia thất
3. Ðào chi yêu yêu
Kỳ diệp trăn trăn
Chi tử vu quy
Nghi kỳ gia nhân
Lược dịch:
1. Mơn mởn đào non
Rực rỡ nở hoa
Cô ấy lấy chồng
£m ấm cửa nhà
2. Mơn mởn đào non
Lúc lỉu quả sai
Cô ấy lấy chồng
£m ấm nhà ai
3. Mơn mởn đào non
Lá xanh rườm rà
Cô ấy lấy chồng
Thuận với người nhà
(Bản dịch của Vân Hạc- Văn Hoè)
            "Yêu đào" là cây đào non mơn mởn, dùng chỉ người con gái dậy thì đến tuổi lấy chồng, vì cả hai cùng tươi trẻ.
            Có người cho rằng: "Yêu đào" là cây đào mơn mởn, thế mà tác giả "Truyện Kiều" dùng chữ đoá làm mạo từ. Ðoá yêu đào có thể làm người ta lầm "yêu đào" là "bông hoa đào" hoặc "đoá hoa đào". "Ðóa" chỉ có thể là: "đoá hoa". Không ai gọi "đoá cây". Xem câu dưới, người ta thấy hình như tác giả đã vô tình hay cố ý hiểu lầm "yêu đào" làm "đoá hoa đào". Câu sau "Vườn hồng ai dám ngăn rào chim xanh", "vườn hồng" tức là vườn hoa đào sắc đỏ hồng. Nếu "Ðào chi yêu yêu, thước thước kỳ hoa" thì "vườn đào yêu" rất có thể là "vườn hồng". Nhưng dùng chữ "đoá" đào yêu, thì dù sao cũng chưa được sát nghĩa
            Học giả Ðào Duy Anh lại cho rằng: "Ðào chi yêu yêu" là cây đào đương non, dùng để ví người con gái mới đến tuổi lấy chồng. Nguyễn Du dùng từ "đoá yêu đào" là chuyển cái hình tượng cây đào non thành cái hình tượng hoa đào mới nở".
            Có thể như vậy. Vì lẽ, ta cũng cần nhận định những điển sách trong Truyện Kiều, tác giả sử dụng chủ yếu dùng ý nhiều hơn, có tính sáng tạo để làm giàu cho ngôn ngữ ta và phong phú hoá cách diễn đạt.
            Ngay khi Kiều bán mình cho tên Mã Giám Sinh, và tên này về vào trú phường, Kiều nghĩ mình phải thất thân với một kẻ "phẩm tiên rơi đến tay hèn" mà lòng xót xa, ân hận:
... Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai!
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung"
(Câu 790 đến 792)
            Và, trong Truyện Kiều, tác giả còn dùng hai lần từ "đào non". Ðoạn nói về Kiều ở lầu xanh toan tự tử, mụ Tú bà dụ dỗ Kiều cho ở tạm lầu Ngưng Bích:
Lỡ chân trót đã vào đây
Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non
(Câu 1009 đến 1010)
            "Ðợi ngày đào non" ở đây là đợi ngày lấy chồng.
            Và, khi Kiều sau 15 năm lưu lạc, gia đình sum họp, Thuý Vân khuyên Kiều tái hợp duyên xưa với Kim Trọng, có câu:
Quả mai ba bảy đương vừa
Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì
(câu 3075 và 3076)
            Trích dẫn 4 câu thơ sau để chứng tỏ tác giả chuyển hình tượng "cây đào non" (yêu đào) ra "hoa đào mới nở" (đào non, đào thơ hay đào tơ) như vậy là nhứt quán. Còn nàng Kiều đã tự nhận mình từ ngộ biến "ong qua bướm lại đã thừa xấu xa"- hay mọi người cũng đều nhận như thế- mà nàng Vân còn bảo Kiều là "đào non" thì cũng lạ.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai25.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.