Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân

        Khi Từ Hải đã lập nên một phần sự nghiệp lớn, chiếm cứ cả miền Giang Nam liền truyền lệnh cho bắt bọn người trước kia làm hại Kiều như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc bà, Bạc Hạnh, Khuyển, Ưng... và những người đã giúp đỡ Kiều như vãi Giác Duyên và mụ quản gia, ngay cả Thúc Sinh để Kiều phân xử ơn đền oán trả.
        Ðối với mụ quản gia nhà mẹ của Hoạn Thư và vãi Giác Duyên, Kiều bảo:
Nhớ khi lỡ bước sẩy vời
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương
Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân
(Câu 2345 đến 2348)
        "Lòng Phiếu mẫu" là lòng của bà lão giặt quần áo (phiếu mẫu), chỉ lòng tốt của kẻ giúp người lúc hàn vi, hoạn nạn.
        Nhà Tần mất (221- 206 trước DL), Trung Hoa lại trở thành một bãi chiến trường cho cuộc Hán, Sở tranh hùng giữa Lưu Bang (Hán) và Hạng Võ (Sở).
        Hàn Tín người đất Hoài Âm vốn có tài thao lược. Lúc còn hàn vi phải ăn gởi nằm nhờ vào người khác, nên bị nhiều kẻ khinh thường. Nhiều lần, Hàn từng sống nhờ ăn bám vào viên đình trưởng Nam Xương ở Hạ Hương. Có lần đến mấy tháng, vợ viên đình trưởng phát cháu bèn nấu cơm sớm ăn luôn ở nhà sau. Hàn Mặc Tín đi vắng, không dành cho phần cơm. Hàn biết ý nên bỏ đi, có lúc phải nhịn đói đến lả người.
        Hàn Tín thường ngồi câu bên chân thành. Có bà lão giặt vải thấy Hàn Tín đói lấy làm thương tình, nên chia phần cơm của mình cho Hàn ăn cả mấy mươi ngày liền. Hàn Tín cả mừng, nói với bà:
- Thế nào tôi cũng có dịp đền ơn bà thật xứng đáng!
    Bà lão giận, bảo:
- Làm tài trai kiếm miếng ăn không xong, tôi thương cho cậu ăn, chớ có mong gì báo với bổ.
        Trong bọn làm nghề mổ thịt có một tên nhỏ tuổi, thấy Hàn Tín thường đeo thanh gươm lủng lẳng bên hông, bĩu môi bảo:
- Mầy ngoài tuy lớn con nhưng trong lòng thì nhát lại lên mặt đeo gươm...
    Rồi trước mặt mọi người, muốn làm nhục Hàn Tín, hắn bảo:
- Thằng Tín, mầy có gan thì đâm tao đi; bằng không thì chun qua trôn tao đây mà đi, tao tha cho.
        Hàn Tín chăm chú nhìn tên này, suy nghĩ một lúc rồi cúi mình lom khom lòn qua trôn hắn mà đi. Cả chợ đều cười ồ, cho là Hàn quá hèn nhát.
        Hạng Võ và Lưu Bang hợp lực diệt được bạo Tần, lại trở nên hai lực lượng đối địch nhau. Hạng Võ xưng Sở Bá Vương; Lưu Bang tức Hán vương. Sở Hạng Võ thế mạnh, chiếm giữ đất Quan Trung, bức chế Hán Lưu Bang vào Hán Trung đất Thục. Trước kia Hạng Lương- chú của Hạng Võ- vượt sông Hoài, khởi binh đánh Tần, Hàn Tín xách gươm theo dưới cờ, không được ai biết tiếng. Hạng Lương chết tiếp đến Hạng Võ, Hàn Tín theo Sở Hạng Võ được phong làm chức Chấp kích lang trung (lính hầu cầm kích ở giữa dinh). Nhiều lần hiến kế nhưng vua Hạng không nghe, khinh là một kẻ hèn nhát "lòn trôn một thằng bé giữa chợ" thì có tài cán gì mà lạm bàn việc binh cơ, an định thiên hạ.
        Sự tranh chấp giữa Hạng Võ và Lưu Bang đến lúc căng thẳng, quyết liệt. Chuẩn bị lực lượng, nhưng Hán Lưu Bang thiếu người làm tướng soái. Mưu sĩ là Trương Lương vâng lệnh đi tìm người, biết tài Hàn Tín nên tìm đến. Trương yêu cầu Hàn và viết thư tiến cử gởi về Hán Lưu Bang, cho Hàn Tín xứng đáng Ðại tướng. Thế là Hàn bỏ Hạng Võ, lén trốn vào Hán Trung phò Lưu Bang.
        Hàn vào quán Chiêu Hiền, xưng danh tánh nhưng vì tính tự trọng không đưa bức thư tiến cử của Trương Lương, nên chỉ được dùng làm một nhân viên chiêu đãi. Can tội xử trảm, 13 người trong bọn đã bị hành quyết, đến lượt Hàn Tín. Nhìn, thấy Bằng công Hạ Hầu Anh, người chưởng quản quán Chiêu Hiền, Hàn Tín hỏi:
- Nhà vua không muốn thành tựu việc thiên hạ à? Sao lại giết tráng sĩ?
        Ðằng công nghe hỏi lấy làm lạ, nhìn diện mạo Hàn Tín thấy khôi ngô, bèn tha lại tiếp chuyện. Biết là người có tài liền tâu lên Hán Vương Lưu Bang. Nhưng Hán Vương cho kẻ tầm thường, phong cho chức quản lý lương thực. Ðằng công lấy làm buồn, lại giới thiệu Hàn Tín đến Thừa tướng Tiêu Hà. Trong cuộc tiếp xúc bàn bạc, Hàn Tín ứng đối lưu loát. Tiêu Hà nhận Hàn là người có chân tài tâu với Hán Vương, nhưng Hán Vương vẫn cho Hàn chỉ là một kẻ tầm thường trước đi ăn xin, lòn trôn người. Sở Hạng Võ đã không dùng thì Hán dùng làm gì để nhẹ thể thống.
        Bấy giờ trên đường đi Nam Trịnh, tướng tá bỏ trốn có mấy mươi người. Hàn Tín biết nhà vua không dùng mình nên cũng bỏ trốn đi. Hay tin, Thừa tướng Tiêu Hà không kịp báo với Hán Vương, đang đêm tức tốc một ngựa đuổi theo, xin Hàn Tín trở lại. Có người tâu với vua:
- Quan Thừa tướng Tiêu Hà đã trốn.
    Hán Vương cả giận, lấy làm lo, coi như mình mất phải một cánh tay. Nhưng hôm sau, Tiêu Hà vào yết kiến. Nhà vua vừa giận vừa mừng, quở:
- Tại sao nhà ngươi trốn?
    Tiêu Hà thưa:
-Thần đâu dám trốn. Thần đuổi theo người trốn đấy chớ!
    Hán Vương hỏi đuổi theo ai trốn, thì Tiêu Hà đáp:
- Bẩm, Hàn Tín.
    Hán Vương quở:
- Tướng bỏ trốn hàng chục mà Thừa tướng không đuổi theo, lại đuổi theo Hàn Tín.
    Tiêu Hà thưa:
- Các tướng thì dễ kiếm, chớ Hàn Tín là "quốc sĩ vô song". Ðại vương chỉ muốn làm vua ở Hán Trung thôi thì không có chỗ dùng tài của Hàn Tín; chớ muốn tranh cả thiên hạ thì trừ Tín ra, không có ai trù hoạch giúp Ðại vương được. Có điều là không biết Ðại vương muốn chọn đường nào.
    Hán Vương nói:
- Ta vẫn muốn tiến về Ðông, lẽ nào lại chịu ru rú ở cái xó này.
    Tiêu Hà thưa:
- Quả Ðại vương muốn Ðông tiến thì có chỗ dùng tài Hàn Tín đấy. Nếu dùng nổi Tín thì Tín ở. Không dùng nổi thì thế nào Tín cũng bỏ đi.
- Ta nể Thừa tướng, cử hắn làm Tướng quân
- Chỉ làm Tướng quân chắc Tín không ở.
- Thì làm Ðại tướng vậy
- Thế thì hay lắm.
    Liền đó, Hán Vương muốn triệu Hàn Tín, phong làm Ðại tướng. Tiêu Hà nói:
- Ðại vương vốn tính kiêu mạn, phong làm Ðại tướng mà triệu người như gọi thằng con nít. Hàn Tín sở dĩ bỏ đi là chỉ vì cái lối xử sự kiêu mạn ấy. Nếu quả Ðại vương muốn phong hắn làm Ðại tướng thì phải chọn ngày lành tháng tốt, ăn chay giữ giới, thiết lập đàn tràng, đủ lễ nghi mới được.
        Hán Vương nhận lời, truyền lập đàn bái tướng, trao ấn kiếm lệnh phong Hàn Tín làm Phá Sở Ðại Nguyên, cất binh Ðông tiến đánh Sở Bá Vương Hạng Võ.
        Hàn Tín được biệt vào hàng "Tam Kiệt" (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà), người có tài thao lược, góp phần trí lực rất lớn trong công cuộc chiến thắng, diệt được Sở Hạng Võ, xây dựng sự nghiệp nhà Hán.
        Trong khi Hàn Tín được phong làm Sở Tề Vương ở đất Sở, liền cho mời bà lão giặt vải ngày xưa đến và tặng bà ngàn vàng. Lại cho viên đình trưởng Nam Xương ở Hạ Hương 100 đồng tiền, bảo:
- Ông tiểu nhân, làm phúc mà không làm cho trót.
    Hàn Tín lại cho đòi gã thiếu niên xưa đã làm nhục mình, bắt mình chui qua trôn, cho làm chức Trung uý. Hàn nói với văn võ bá quan:
- Ðây cũng là một dũng sĩ. Xưa, lúc hắn làm nhục ta, ta há không giết nổi hắn sao? Nhưng giết như thế tầm thường quá, nên ta nhịn và do đó mới có ngày nay.
        "Nhớ khi lỡ bước sẩy vời" và tiếp thêm 3 câu dưới, ý Kiều tự nhắc lại cái ơn của người đối với Kiều. "Sẩy vời" là ngã khỏi địa vị mình. "Vời" tức "vì" đọc trại ra. "Vì" dịch chữ "vị" là địa vị, ngôi bậc té nhào, ngã xuống, ý nghĩa cũng gần như sa cơ thất thế. Vì Kiều đương ở cảnh thong dong hạnh phúc, bị bọn Khuyển, Ưng vâng lệnh Hoạn Thư đến đánh thuốc mê, đốt nhà bắt về giao cho mẹ Hoạn Thư, để bà này đánh đập tàn nhẫn "trúc côn ra sức đập vào", rồi bắt làm tôi tớ; may gặp bà quản gia lén lo chăm sóc thuốc thang và khuyên nhủ nên đề phòng tâm địa độc ác của con người. "Lỡ bước" là khi Kiều trốn khỏi Quan âm các của Hoạn Thư chưa biết đâu là nhà, may được vãi Giác Duyên cho nương náu ở Chiêu ẩn am... Kiều nói một câu 6 tiếng, riêng 4 tiếng "lở bước sẩy vời" mà hàm súc hai sự kiện để cho hai bà cùng nghe một lúc.
        Tấm lòng thương xót của hai bà đối với Kiều giá có núi vàng đền đáp cũng chưa xứng đáng. Kiều cho rằng ơn nghĩa của hai bà to lớn quý báu hơn vàng. Và, đi đến cụ thể, Kiều tặng mỗi người ngàn lượng vàng lại cho đó là chút lễ thường. Cũng như đã "lòng Phiếu mẫu" thì dẫu bao nhiêu vàng cũng chưa đủ, chưa cân xứng.
        Trong ba câu có 3 chữ "vàng", chúng tôi nghĩ rằng: tác giả có dụng ý nhắc lại tiếng "vàng" để gây cho người đọc một ấn tượng mạnh mẽ về ý nghĩa và giá trị của vàng. Tiếng "non vàng" ở trên (non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương) và tiếng "mấy vàng" ở dưới (mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân) để chỉ cái giá trị của vàng với một ý nghĩa trừu tượng: tim vàng, lòng vàng, chùa rách Phật vàng... Còn "nghìn vàng" (nghìn vàng gọi chút lễ thường) là từ xác định cụ thể với một lượng số chỉ định từ (nghìn, ngàn). Từ một khái niệm trừu tượng dẫn đến một hình tượng cụ thể, rồi quay lại khái niệm trừu tượng để chỉ cái giá trị của sự ơn nghĩa hơn vàng qua điển tích (lòng Phiếu mẫu), phải chăng văn đạt được ý tình một cách tuyệt diệu.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai65.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.