"Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?"(câu 475 đến 476)
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?"(câu 475 đến 476)
"Khúc Tư Mã phượng cầu" tức là khúc "Phượng cầu hoàng" (chim phượng trống tìm chim phượng mái) của Tư Mã Tương Như đàn tỏ tình với nàng Trác Văn Quân.
Tư Mã Tương Như tự Trường Khanh, người ở Thành Ðô đời vua Cảnh Ðế (163- 149 trước DL) nhà Hán. Người đa tài, văn hay đàn giỏi.
Khi lìa quê lên Trường An (kinh đô nhà Hán) lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử Kiều" (không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa). Vì quyên tiền, Tương Như được làm một chức quan Lang.
Vốn con người hào hoa phong nhã rất mực, làm quan một thời gian sinh chán, cáo bịnh từ quan qua chơi nước Lương, làm bài "Ngọc như ý" được vua nước Lương ban cho một cây đàn lục ỷ, trên khắc bốn chữ "đồng tử hợp tinh", lại trở về đất Thục. Ðến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu.
Khi đến đất Lâm cùng, Tương Như vốn sẵn quen thân với quan Lịnh ở huyện là Vương Cát nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn là viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu Tương Như cho thưởng thức một bài.
Trác ông vốn có người con gái rất đẹp tên Văn Quân còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Tương Như được biết, sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát "Khúc Phượng cầu hoàng":
"Phượng hề phượng hề quy cố hương
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
Thời vị ngô hề vô sở tương
Hữu diện thục nữ tại khuê phường
Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt ương hề cộng cao tường"
Nghĩa:
"Chim phượng, chim phượng về cố hương
Ngao du bốn biển tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ luống lỡ làng
Hôm nay bước đến chốn thênh thang
Có cô gái đẹp ở đài trang
Nhà gần người xa não tâm tràng
Ước gì giao kết đôi uyên ương
Bay liệng cùng nhau thoả mọi đường"(Bản dịch của Trúc Khê)
Tiếng đàn lảnh lót, giọng hát thâm trầm, ý đầy tình cảm, con người hào hoa phong nhã, Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng nghìn người, biết người gợi ý đến mình nên lòng sinh bồi hồi cảm xúc. Rồi một đêm, nàng bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tương Như đưa nàng về nhà mình. Nhà quá nghèo, gió lộng bốn bề. Ông già họ Trác quyết định từ con.
Tương Như nghèo nàn buồn bã, đem chiếc áo cừu túc sương đi cầm cho người ở chợ, để mua rượu về cùng Văn Quân đối ẩm. Văn Quân ôm đầu, khóc nói: "Ta xưa này giàu có, nay đến nỗi phải đi cầm áo mua rượu, buồn biết chừng nào!"
Thế rồi, vợ chồng mở một quán nấu rượu. Văn Quân giữ việc nhóm lò nấu rượu, còn Tương Như thì mặc quần cộc làm lụng rửa vò hủ ở chợ.
Sau Hán Võ đế đọc bài "Tử hư phú" của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức quan Lang. Vì muốn thông sứ các dân tộc miền Tây nam, nhà vua phong chức Trang Lang tướng, cầm cờ tiết mao đi sứ. Tương Như vào đến đất Thục, quan lại từ dưới đến Thái thú đều ra tận ngoài thành tiếp rước, quan huyện Lịnh thì vác cung nỏ đi tiền khu; người người đón tiếp long trọng. Trác Vương Tôn bấy giờ không còn dám khinh thường chàng rể nữa. Nhưng Tương Như làm quan ít lâu lại chán, cáo bịnh lui về quê.
"Khúc Tư Mã phượng cầu" tức là khúc "Phượng cầu hoàng" mà Tư Mã Tương Như gảy tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn khá đẹp.
Trong "Bích Câu Kỳ ngộ" của Vô Danh, có câu:
Cầu hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào
Qua phút từng bừng rộn rã "tiếng sắt tiếng vàng chen nhau" như "Hán Sở chiến trường", thì bây giờ tình cảm chuyển sang thâm trầm, dịu dàng, đằm thắm, thiết tha, chứa chan mộng đẹp lâng lâng của một mối tình đầu như nụ hoa tình chớm nở buổi sương mai.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai22.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.