Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

CÔN QUYỀN HƠN SỨC lược thao gồm tài

        Kiều bị Bạc bà cùng cháu là Bạc Hạnh đánh lừa, đem Kiều bán vào lầu xanh Ở CHÂU THAI. THẾ LÀ KIỀU SA VÀO LẦU XANH LẦN THỨ HAI.  đây, Kiều gặp Từ Hải. Ðoạn miêu tả hình dáng oai hùng và tài võ nghệ siêu quần của Từ, có câu:
Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Ðường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
(câu 2167 đến 2170)
       "Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài"
        "Lược thao" cũng gọi là "Lục thao, Tam lược". Ðây là hai bộ sách thuộc về binh pháp cổ Trung Hoa.
        "Lục thao" do Khương Thượng tự Tử Nha, cũng gọi là Lữ Vọng hay Khương Thái công, người đời Thương- Châu (1134- 247 trước DL) làm ra. "Tam lược" tương truyền là bộ sách của Hoàng Thạch Công, người đời Tần- Hán (221 trước DL 196 sau DL) biên soạn.
        Cuối đời nhà Thương cũng gọi nhà Ân (1783- 1135 trước DL), vua Trụ hoang dâm tàn bạo, giết hại trung thần, làm sinh linh đồ thán. Khương Thượng trước làm một quan nhỏ nhà Thương, thấy vua Trụ vô đạo, can gián không được, bỏ về câu cá ở sông Vị đất Tây Kỳ. Ðời ông có nhiều lận đận, thất thời, nghèo túng, vợ khinh bỏ. Sau Văn Vương và Cơ Vương, chúa chư hầu đất Tây Kỳ đến chỗ ông thường ngồi câu cá, đón rước ông về làm tướng, hội chư hầu tại Mạnh Tân, cầm quân phạt Trụ. Bấy giờ ông đã trên 70 tuổi.
        Văn Vương hỏi ông:
- Ðặt kế hoạch thu dụng lòng người như thế nào để dân về theo mình?
    Khương Thượng đáp:
- Dân không phải là dân của một người. Dân là của dân. Nếu biết chung quyền lợi với dân thì được dân. Trái lại, chiếm cái lợi của dân thì mất dân. Trên trời có thời tiết, dưới đất có của cải tất phải được mọi người cùng hưởng, ấy là "nhân". Cứu được cái chết cho người, giải được sự khó khăn cho người, cứu được hoạn nạn cho người, giúp được sự cấp bách cho người ấy là "đức". Ðối với mọi người cùng lo, cùng yêu, cùng vui, cùng ghét, cùng buồn ấy là "nghĩa".Phàm là người ai cũng sợ chết ham sống, yêu đức mà theo lợi hay vui sống mà theo lợi ấy là "đạo". Như vậy, khi đã có nhân, đức, nghĩa, đạo tất dân sẽ theo.
        Văn Vương lại hỏi:
- Thiên hạ mênh mông, rực rỡ thế mà có lúc đầy lúc vơi, lúc trị lúc loạn là tại sao? Tại vua hiền hay bất hiền, hay tại thiên thời biến hoá mà ra?
    Ông đáp:
- Vua không hiền thì nước nguy và dân loạn. Vua là bậc hiền thánh thì nước yên dân trị. Hoạ phúc của dân, của nước là ở vua chớ không phải ở thiên thời.
        Ông là một người có tài kinh bang tế thế, phò Võ Vương Cơ Phát (con của Văn Vương Cơ Xương) đánh thắng vua Trụ, lật đổ nhà Thương, dựng cơ nghiệp nhà Châu hơn 800 năm. Những mưu lược, kế hoạch dùng binh đánh trận, chấn chỉnh giềng mối đất nước đều ghi trong bộ "Lục thao". Ðây là sáu phép dùng để định thiên hạ:
- Văn thao dạy cách thu phục nhân tâm
- Võ thao dạy cách định thiên hạ, giữ nước
- Long thao dạy cách kén chọn tướng
- Hổ thao dạy cách hành quân, tiến thoái, động tĩnh theo thiên lý
- Báo thao dạy cách chiến đấu với địch theo trạng thái biến hoá của địch
- Khuyển thao dạy cách huấn luyện binh sĩ
        "Tam lược" là ba mưu lược đánh trận:
- Tướng lược là mưu lược làm tướng
- Quân lược là mưu lược đào luyện quân sĩ
- Trận lược là mưu lược đánh trận
        Sách này do Hoàng Thạch Công biên soạn, truyền lại cho Trương Lương.
        Trương Lương tự Tử Phòng, người nước Hàn. Sau khi nước Hàn cùng các nước Yên, Tề, Triệu, Nguỵ, Sở bị nước Tấn (đời Tần Thuỷ Hoàng) thôn tính, vì thù mất nước không đội trời chung, Trương Lương ngày đêm mưu lo rửa thù. Lúc còn trẻ tuổi, Trương thơ thẩn ở cầu sông Vị, buồn bã ngắm cảnh.
        Một hôm, bỗng có một cụ già mặc áo vàng đi ngang cầu, làm rớt một chiếc giày xuống bùn, lại đưa tay ra dấu bảo Trương lượm giùm. Trương không từ chối, lật đật lội xuống lượm lên quỳ dâng. Cụ già đi vài bước lại làm rớt nữa và bảo Trương lượm giúp. Trương chẳng phiền hà vẫn vâng theo. Ba lần như thế, mình Trương dính đầy bùn, mặt vẫn tươi tắn, không chút vẻ buồn phiền. Cụ già nói:
- Tên thiếu niên này nên dạy
    Ðoạn, chỉ cây đại thọ bên cầu, bảo:
- Năm ngày nữa, ngươi đến đây chờ ta. Ta sẽ tặng cho ngươi một vật. Chẳng nên quên.
        Nói xong, cụ già thoăn thoắt đi mất.
        Ngày thứ năm, Trương Lương dậy rất sớm, ra đón cụ già theo chỗ dặn. Nhưng khi đến nơi thì đã thấy cụ ngồi bên gốc đại thọ từ lúc nào rồi. Cụ già nghiêm nghị bảo:
- Kẻ trẻ tuổi ước hẹn với người lớn tuổi sao lại dám trễ. Thôi hãy về đi. Năm hôm nữa phải ra đây cho sớm.
    Năm ngày sau vừa canh năm, Trương Lương đã đến nơi, nhưng lạ thay cũng thấy cụ già đến trước ngồi đợi. Cụ già nổi giận nói:
- Tuổi trẻ hoạt động, sao ngươi lại trễ nải như vậy? Hãy về đi. Năm hôm nữa, phải đến cho sớm.
    Ðêm thứ tư rạng ngày năm, Trương Lương không ngủ, ra đứng bên gốc đại thọ đứng chờ. Nhưng chờ, chờ mãi đến sáng bạch mà vẫn không thấy cụ già đến...
        Vầng hồng đã ló mọc. Trương Lương nhìn thấy từ xa, cụ già đương thong dong mỗi lúc một gần. Dưới ánh sáng rực trông tướng mạo của cụ có vẻ khác thường. Mình mặc đạo bào màu vàng, đầu đội mão da, tay cầm gậy tre, năm chòm râu suông đuột, người quắc thước có vẻ tiên phong đạo cốt, Trương Lương đón tiếp, quỳ lạy. Cụ già mỉm cười:
- Khá lắm. Biết chờ ta!
    Ðoạn bảo:
- Người tuổi trẻ sức mạnh, cốt cách thanh kỳ, ngày sau sang cả, đáng làm bực thầy các đế vương. Nay may gặp nhau thật là thiên tải kỳ phùng, ta tặng cho người ba quyển sách nhiệm mầu, nhà ngươi cố gắng học tập, nghiên cứu, áp dụng vào thực tế mà báo thù cho nước, và theo phò chơn chúa để danh rạng muôn đời.
        Trương Lương lạy tạ lãnh lấy.
        Về sau, Trương Lương phò Lưu Bang làm Quân sư, đứng đầu "tam kiệt" (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà) đánh diệt nhà Tần, dứt Sở (Hạn Võ), góp phần lớn trong việc xây dựng sự nghiệp nhà Hán trên 400 năm. Nhưng sau đó, Trương Lương bỏ chức từ quan, ngao du sơn thủy.
        Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Ðình Chiểu, đoạn nói về Vân Tiên được thầy dạy, kết quả:
Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm ba lược sáu thao ai bì
để nói về tài văn võ song toàn thông hiểu binh pháp của Lục Vân Tiên.
        "Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài", tác giả Truyện Kiều đề cao Từ Hải có tài võ nghệ (côn quyền) còn có tài chỉ huy, quán triệt binh pháp, điều binh khiển tướng....
(THEO §IỂN TÍCH TRUYỆN Kiều, NXB Ðồng Tháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.