Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Hoạ là người dưới suối vàng biết cho

TK.GIF (12212 BYTES)
            Trước nấm mồ của Ðạm Tiên hoang vắng, Kiều cảm động than thở, có câu:
"Nào người phượng chạ loan chung,
Nào ai tiếc lục tham hồng là ai?
Ðã không kẻ đoái người hoài
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Hoạ là người dưới suối vàng biết cho"
(Câu 89 đến 94)
            Và, khi bán mình lo hối lộ quan lại để cứu cha mắc tội oan, Kiều làm thơ than thở với em là Thuý Vân nhờ thay mình để kết duyên với Kim Trọng, có câu:
"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"
(Câu 731 đến 734)
            "Suối vàng", nguyên từ Hán Việt là "Hoàng (huỳnh) tuyền"; "Chín suối" là "Cửu tuyền" hay "Cửu nguyên" đều chỉ cõi âm phủ. Theo mê tín, đây là một cái suối màu vàng ở dưới lòng đất, người ta lúc chết chôn xuống dưới đất nên dùng chữ "suối vàng" để chỉ chỗ ở của người chết. Sách Tả truyện có câu: "Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến giã", nghĩa là "Không đến suối vàng thì không gặp nhau được".
Nguyên đời Xuân Thu (722-749 trước D.L), Vũ công nước Trịnh có vợ là Khương Thị sinh ra con trưởng là Ngộ Sinh và con thứ là Ðoạn. Vì sinh Ngộ Sinh do sự sự đẻ ngang làm Khương Thị khổ sở nên bà không ưa. Trái lại, Ðoạn mặt mũi khôi ngô, sức mạnh hơn người lại có tài thiện xạ nên Khương Thị rất yêu chiều. Muốn cho Ðoạn sau này nối ngôi, nên trước mặt Trịnh Vũ công, bà thường khen Ðoạn là người hiền đức và tỏ ý muốn lập Ðoạn làm thế tử. Trịnh Vũ công bảo:
- Anh em có thứ bậc, không nên xáo trộn đạo lý. Hơn nữa, Ngộ Sinh không có tội lỗi gì thì sao bỏ trưởng lập thứ được?
Thế là Trịnh Vũ Công lập Ngộ Sinh làm Thế tử. Còn Ðoạn thì thì được phong cho đất Cung, gọi là Cung thúc Ðoạn, Khương Thị lấy làm bất bình. Trịnh Vũ công mất, Ngộ Sinh lên kế vị tức Trịnh Trang công, lại tiếp tục kiêm chức Khanh sĩ nhà Châu thay cha. Dương Thị thấy Ðoạn không quyền hành, lấy làm buồn bã, bảo Trịnh Trang công:
- Con nối ngôi cha làm chủ nước Trịnh, đất rộng ngoài mấy trăm dặm, thế mà nỡ cho người em ruột thịt một chỗ đất nhỏ mọn không đủ để dung thân, sao yên lòng được?
Trịnh Trang Công thưa:
- Vậy xin mẫu thân cho biết ý muốn.
- Sao không lấy đất Chế ấp mà phong cho em con.
- Chế ấp là một nơi hiểm yếu, tiên vương ngày xưa có di mạng cấm phong cho ai. Trừ đất ấy, mẫu thân mẫu thân muốn chỗ nào con cũng sẽ vâng lời.
- Nếu vậy thì phong cho nó đất Kinh thành.
Trịnh Trang công im lặng. Khương thị thấy thế nổi giận bảo:
- Nếu con không nhận như vậy thì cứ đuổi Ðoạn đi nước khác, để nó tìm cách gì làm ăn được thì nó làm.
- Con đâu thể làm thế được.
Hôm sau, Trịnh Trang công vời Ðoạn vào phong cho đất Kinh thành. Qua Ðại phu là Sái túc can, cho rằng Kinh thành là một ấp lớn, đất rộng người đông, nếu đem phong cho Cung thúc Ðoạn thì mai hậu Ðoạn sẽ cậy thế chuyên quyền. Nhưng Trang công bảo:
- Mẫu thân ta đã muốn vậy thì ta phải làm theo vậy.
Thế là Ðoạn ra ở đất Kinh thành. Trước khi đi, Ðoạn vào cáo biệt mẹ. Khương thị nói riêng với Ðoạn:
- Anh con không nghĩ đến tình ruột thịt, đãi con lắm điều tệ bạc. Nhờ ta ba lần khẩn khoản nó mới phong đất Kinh thành cho con, ấy là vị nể chưa chắc thành thật. Con về Kinh thành nên lo luyện tập binh mã, chuẩn bị sẵng sàng, nếu có cơ hội thì đem quân lại đánh, ta sẽ nội ứng mà lấy nước Trịnh. Nếu con đoạt được ngôi của Ngộ Sinh thì ta có có chết cũng đành hả dạ.
Cung thúc Ðoạn lãnh lịnh mẹ đóng ở đất Kinh thành, đổi hiệu Cung thúc ra Thái thúc. Từ đấy, Ðoạn ngày ngày đem quân vào rừng săn bắn nhưng kỳ thực là đi luyện tập, lại chiếm lấy hai ấp gần đó. Hai quan ấp tể trốn về triều kêu cứu. Trịnh Trang công không nói gì chỉ mỉm cười. Quan Thượng khanh công tử Lã kêu lên:
- Tội Thái thúc Ðoạn thực đáng giết.
Trang công hỏi có ý kiến gì không, thì Lã nói:
- Thái thúc Ðoạn ỷ lại trong có quốc mẫu yêu vì, ngoài cậy vào đất hiểm yếu của Kinh thành mà đêm ngày luyện tập binh mã, tất cố ý thoán đoạt. Xin chúa công cho tôi đem đem quân đi Kinh thành, bắt Ðoạn để trừ hậu hoạn.
Trang công bảo:
- Tội của Thúc đoạn chưa có gì rõ rệt, không nên vội.
- Ðoạn đã chiếm lấy hai ấp. Không lẽ chúa công để đất của Tiên công hao mòn mãi sao?
Trang công cười nói:
- Ðoạn là con cưng của mẫu thân ta, ta thà mất bờ cõi còn hơn mất tình anh em và để mẫu thân ta phải buồn.
- Sợ mất bờ cõi thì không nói làm gì, e có ngày mất luôn cả nước. Nay Thúc Ðoạn ngày một cường thịnh, dân tình sợ uy mà sinh hai lòng. Bây giờ chúa công còn dung sau này Thúc Ðoạn không dung, chúa công hối thì làm sao kịp nữa?
Trang công nghiêm giọng:
- Nhà ngươi không nên nói càn, để mặc ta lo nghĩ.
Công tử Lã đi ra, và nói với quan đại phu Sái Túc:
- Chúa công ta bịn rịn tình riêng mà quên việc nước. Tôi lấy làm lo lắm!
Sái Túc cười bảo:
- Chúa công là một người tài trí, há lại không biết điều ấy. Có lẽ vì chỗ đông người không tiện nói ra, vậy ông nên vào hầu riêng mà bàn chuyện, dò xem ý chúa công ra sao.
Công tử Lã cho là phải, bèn vào yết kiến Trang công, Trang công nói:
- Ta nghĩ kỹ lắm. Ðoạn dù vô đạo nhưng chưa rõ tội. Nếu ta đem quân đánh thì quốc mẫu ta ắt tìm cách ngăn cản. Người ngoài không biết lại bảo ta bất hữu và bất hiếu. Chi bằng cứ để thế, Ðoạn tất làm càn, không kiêng nể ai, lúc ấy ta sẽ kể tội trạng đem quân đi đánh thì người trong nước không ai giúp Ðoạn, mà đến mẫu thân ta cũng không oán trách gì được.
- Nếu quả vậy, chúa công cao kiến lắm, chúng tôi chưa nghĩ đến kịp. Dù vậy, tôi sợ thế lực Ðoạn ngày một to, lan ra như cỏ mọc, cắt không hết được thì mới làm sao? Chúa công nên mưu nghĩ cách gì cho Ðoạn phản nghịch nổi loạn sớm thì đánh hắn mới chắc được.
- Vậy thì ta phải làm cách nào?
Thế là sáng hôm sau, Trang công giao việc quốc chính cho quan Ðại phu Sái Túc để vào triều nhà Châu. Khương Thị nghe biết mừng lắm cho là dịp tốt đã đến, liền viết thư sai kẻ tâm phúc đem đến Kinh thành, hẹn với Thúc Ðoạn đem quân về đánh. Nhưng Công tử Lã đã cho người đón đường bắt được thư và giết ngay tên ấy, rồi đem thư dâng lên Trang công. Trang công xem thư, niêm lại rồi sai người giả làm người của Khương Thị đưa thư đến cho Ðoạn, và lấy thư trả lời đem về. Trang công được thư mừng lắm nói:
- Tờ cung chiêu của Ðoạn sẵn có đây rồi. Thế thì mẫu thân ta không bênh vực thế nào được nữa.
Trang công liền vào cáo từ Khương Thị, giả nói vào nhà Châu triều kiến, rồi đem quân theo đường tắt sang Kinh thành.
Thái thúc Ðoạn từ khi tiếp được thư của mẹ, liền sai con là Hoạt sang nước Vệ mượn binh, rồi phao tin rằng phụng mạng về triều tạm thay coi việc quốc chính, đoạn mở cửa thành tiến quân.
Công tử Lã mưu cho quân giả làm lái buôn trà trộn vào thành trước, đợi khi Ðoạn cất quân đi thì đốt lửa làm hiệu cho Lã biết đem quân đến, trong thành mở cửa ra đón. Lã vào thành rồi liền kể tội Ðoạn trước quân dân, và đem đức tính của Trang công yết cho nhân dân biết. Người trong thành cho là phải.
Thái thúc Ðoạn bắt được tin Kinh thành có biến, không dám trở lại, rút quân về Cung thành. Trịnh trang công xua quân đánh, Thúc Ðoạn nghe tin thở dài, than: "Chính mẹ ta giết chết ta rồi. ta còn mặt mũi nào nhìn thấy anh ta nữa!". Ðoạn tự tử chết.
Trang công vào thành, ôm thây Thúc Ðoạn khóc kể: "Ta đã giết chết em ta rồi. Em ta quá lo, chớ ta đâu nỡ giết em ta!". Bấy giờ Trang công thu lấy đồ đạc, tìm thấy bức thư của mẹ gởi cho Ðoạn liền lấy gói lại cùng bức thư trả lời của Ðoạn, sai Sái Túc đem về Trịnh dâng cho Khương Thị xem, lại truyền đem Khương Thị an trí sang đất Dĩnh. Trang công uất ức việc mẹ làm nên thề rằng: "Không đến suối vàng thì chẳng gặp nhau được". (Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến giã). Riêng Khương Thị thấy hai bức thư lấy làm thẹn, tự nghĩ không còn mặt mũi nào nhìn thấy Trịnh Trang công nữa bèn dọn đồ đi ở ấp Dĩnh. Trang công trở về triều, vào cung không thấy mẹ lấy làm đau lòng: "Ta ép lòng để em ta chết, nay nỡ lòng nào để lìa mẹ nữa. Ta thật có tội!".
Quan trấn ấp Dĩnh là Ðinh Khảo Thúc vốn người chí hiếu và trung trực, thấy Trang công đem an trí mẹ thì không bằng lòng, nên có ý tìm cách khuyên can, nên một hôm bắt mấy con chim cú vào dâng cho Trang công để làm thịt. Trang công hỏi chim gi? Thúc thưa:
- Ðây là giống chim cú. Ban ngày, vật gì lớn bằng quả núi cũng không thấy, mà ban đêm vật gì nhỏ như sợi tóc dù ở xa cũng trông thấy rõ. Thật là một con vật trông được sự nhỏ mà không trông được sự lớn. Vả lại, chim nầy khi con nhỏ thì mẹ kiếm mồi cho ăn, nhưng khi lớn lên lại không biết mẹ, vậy nên bắt nó mà ăn thịt.
Trang công im lặng. Nhân lúc ấy có người dâng một con dê chín để vua nhắm rượu. Trang công sai cắt một miếng cho Ðinh Khảo Thúc ăn. Thúc liền chọn chỗ thịt ngon, tự cắt lấy một miếng gói lại trong giấy, đút vào tay áo. Trang công lấy làm lạ hỏi, thì Khảo Thúc thưa:
- Mẹ tôi đã già, nhà lại bần bạc, ngày ngày chỉ cơm rau dưa muối, chưa hề được vật nầy. Nay chúa công ban cho mà mẹ già không được hưởng thì con không sao nuốt trôi được, nên trộm đem về cho mẹ.
Trang công nói:
- Ngươi thật là một người con chí hiếu.
Trang công lại ngậm ngùi nghĩ đến việc mình, thở dài. Khảo Thúc hỏi tại sao thở dài? Trang công đáp:
- Nhà ngươi có mẹ già được phụng dưỡng để trọn đạo làm con. Còn ta làm vua mà không được bằng người.
Khảo Thúc giả vẻ ngơ ngẩn, hỏi:
- Quốc mẫu hiện đang mạnh giỏi, sao chúa công lại nói thế?
Trang công liền đem việc mưu loạn xảy ra đến việc đày mẹ và cả lời thề, nay hối lại thì đã muộn. Khảo Thúc thưa:
- Thái thúc Ðoạn đã đành mất rồi, nay chỉ còn lại quốc mẫu. Nếu chúa công còn lo nổi lời thề nặng "suối vàng", thì tôi xin hiến một cách có thể giải được. Chúa công cho người đào đất đến tận mạch nước, đặt thang, làm một cái nhà dưới hầm, rồi rước quốc mẫu đến ở đó. Thế rồi chúa công xuống dưới, kể lại tình nhớ mong mẹ bấy lâu. Tôi tin rằng chúa công nhớ mẹ bao nhiêu thì quốc mẫu cũng nhớ chúa công như thế. Cả hai gặp nhau dưới nhà hầm ấy khỏi trái với lời thề suối vàng được.
Trang công rất mừng, liền thực hiện ngay.
Khương Thị bằng lòng. Trang công theo bậc thang xuống hầm trông thấy mẹ, vội sụp lạy nói:
- Ngộ Sinh nầy bất hiếu, lâu nay thiếu phụng thờ mẹ. Mẹ tha tội cho.
Khương Thị ngậm ngùi, đỡ Trang công dậy:
- Ðó là lỗi của mẹ. Con đâu có tội gì.
Thế rồi hai mẹ con cùng khóc nức nở.
Trang công dắt mẹ lên thang, cùng ngồi xe và tự cầm cương đưa mẹ về cung.
"Suối vàng" là như vậy.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai9.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.